‘Hoàng tử bé’: Cuốn sách 200 triệu bản và sự biến mất kỳ bí của tác giả

Vừa là phi công vừa là nhà văn, Antoine Saint-Exupéry có một cuộc đời thăng trầm cho tới khi ông mất.

Xuất bản lần đầu năm 1943 tại New York (Mỹ), Hoàng tử bé được yêu thích trên toàn cầu cho tới ngày nay. Trong 80 năm qua, đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhất của nhân loại với 200 triệu bản dịch ra 250 ngôn ngữ khác nhau (bao gồm cả phương ngữ). Hoàng tử bé được bình chọn là tác phẩm hay nhất thế kỷ 20 ở Pháp.

Ở Việt Nam, sách đã xuất bản từ năm 1966 với hai bản dịch của Bùi Giáng, Trần Thiện Đạo và có thêm những lần in mới với một số dịch giả khác.

Trong khi Hoàng tử bé trở nên nổi tiếng khắp thế giới thì sự biến mất của tác giả Antoine Saint-Exupéry vào năm 1944 vẫn là một bí ẩn. Ông ra đi mãi mãi ở tuổi 44 mà chưa hề nhận được nhuận bút cho tác phẩm của mình.

“Chính tại chỗ này hoàng tử bé đã hiện ra trên Trái Đất rồi biến mất. Nếu bạn có đi qua đó, tôi cầu mong bạn đừng vội vã. Hãy đợi một lúc ngay dưới vì sao. Sau đó, nếu khi ấy có một cậu bé con đến bên bạn… hãy mau viết thư, báo cho tôi rằng em đã trở lại”, trích đoạn Hoàng tử bé.

Chuyến bay hụt tới Việt Nam và sự ra đời của ‘Hoàng tử bé’

Cuốn sách được Saint-Exupéry viết và vẽ tranh minh họa khi ông đang lưu vong tại Mỹ. Đó là câu chuyện kể về một hoàng tử nhỏ từ một tiểu cầu đến thăm nhiều hành tinh, gặp gỡ đủ kiểu người. Khi tới Trái đất, hoàng tử bé đã gặp tác giả, một phi công bị rơi máy bay xuống sa mạc. Tác phẩm mang phong cách sách thiếu nhi “ẩn giấu một triết lý quá đỗi nhẹ nhàng và thi vị” (New York Times) về bản chất con người, sự cô đơn, tình bạn, tình yêu và sự mất mát.

Bối cảnh câu chuyện liên hệ với một sự cố khi bay của tác giả vào 2h45 sáng 30/12/1935. Sau 19 giờ 44 phút bay trên không, Saint-Exupéry, cùng với người đồng hành André Prévot, bị rơi trên sa mạc Libya, trong nỗ lực phá kỷ lục tốc độ từ Paris đến Sài Gòn để giành giải thưởng 150.000 franc.

Cả Saint-Exupéry và Prévot đều sống sót một cách thần kỳ sau vụ tai nạn nhưng phải đối mặt với tình trạng mất nước nhanh chóng trong sa mạc nóng gay gắt. Bị lạc giữa những đụn cát, họ chỉ còn một vài quả nho, hai quả cam, một chiếc bánh ngọt, cà phê đựng trong chiếc bình đã cũ, nửa lít rượu vang trắng và ít thuốc men.

Đến ngày thứ hai và thứ ba, hai người mất nước đến mức ngừng đổ mồ hôi. Vào ngày thứ tư, một người dân bán du mục cưỡi lạc đà đã phát hiện và cứu sống họ.

Trải nghiệm cận kề cái chết được đưa vào cuốn hồi ký năm 1939 của Saint-Exupéry, Gió, cát và các vì saoHoàng tử bé cũng bắt đầu với cảnh một phi công bị mắc kẹt trong sa mạc.

Antoine de Saint Exupery va Andre Prevot truoc chuyen bay vao nam 1935 min - 'Hoàng tử bé': Cuốn sách 200 triệu bản và sự biến mất kỳ bí của tác giảAntoine de Saint Exupéry và André Prévot trước chuyến bay vào năm 1935. Ảnh: This Day in Aviation.

Chuyến bay cuối cùng

Sinh ngày 29/6/1900 tại Lyon (Pháp), Antoine Saint-Exupéry được biết đến nhiều với tư cách nhà văn cùng một số tác phẩm như Phi công, Thư phương Nam, Bay đêm, Xứ con người, Gió, cát và các vì sao.

Saint-Ex, như cách gọi của bạn bè, cũng là một phi công thương mại tài ba suốt nhiều năm, tiên phong trong các tuyến đường hàng không khắp châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939, ông gia nhập Lực lượng Không quân Pháp và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát cho đến khi Pháp đình chiến với Đức vào năm 1940.

Trong khoảng thời gian vài năm ở Mỹ, ông sáng tác Hoàng tử bé. Trở lại quê hương, Saint-Ex tiếp tục tham gia cuộc chiến với tư cách là phi công thuộc lực lượng dự bị.

Năm 1943, ông được giao nhiệm vụ lái chiếc P-38 Lightning không vũ trang. Do sự cố động cơ, máy bay rơi và Saint-Ex bị đình chỉ hoạt động trong 8 tháng. Sức khỏe tinh thần và thể chất suy kiệt, trầm trọng hơn do ông uống nhiều rượu.

Sau đó, Saint-Ex được bay trở lại. 8h45 ngày 31/7/1944, ông cất cánh khỏi Corsica (hòn đảo thuộc Pháp) để chụp ảnh trinh thám, sau đó mất tích, nhiều khả năng bị đối phương bắn hạ.

Suốt nhiều thập kỷ qua, vẫn chưa có công bố chính thức về điều gì đã xảy ra với phi công – nhà văn nổi tiếng.

Chiec vong khac ten Saint Exupery duoc tim thay ngoai khoi Marseille Phap min - 'Hoàng tử bé': Cuốn sách 200 triệu bản và sự biến mất kỳ bí của tác giảChiếc vòng khắc tên Saint-Exupéry được tìm thấy ngoài khơi Marseille (Pháp). Ảnh: Plane and Pilot.

Manh mối hiếm hoi

Năm 1998, một ngư dân tìm thấy chiếc vòng tay khắc tên Saint-Exupéry trong lưới của mình khi đánh cá ngoài khơi Marseille. Phát hiện đã thu hút sự chú ý của thế giới, đặc biệt là một người đàn ông lớn tuổi người Đức, Horst Rippert. Máy bay của Saint-Ex, xác nhận bằng số seri (2743L), cũng được tìm thấy gần đó.

Rippert cho biết, ngày 31/7/1944, đã bắn rơi một chiếc P-38 gần vị trí tìm thấy mảnh vỡ. Luôn thần tượng Saint-Ex, ông đã chôn giấu bí mật của mình hơn nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, các nhà điều tra không tìm thấy dấu vết đạn bắn trong những mảnh sót lại và không có bằng chứng nào khác cho tuyên bố của ông Rippert. Họ chỉ có thể xác định, chiếc máy bay đã lao xuống nước theo phương thẳng đứng với vận tốc khoảng 800km/h.

“Bông hồng của tôi quan trọng hơn tất cả các cô, bởi lẽ chính nàng đã được tôi tưới nước cho. Bởi lẽ chính nàng đã được tôi chắn bình phong cho. Bởi lẽ chính nàng đã được tôi bắt sâu cho. Bởi lẽ chính từ nàng mà tôi đã nghe phàn nàn hoặc khoe khoang hoặc thậm chí đôi khi chẳng nói chẳng rằng. Bởi lẽ đấy là bông hồng của tôi”trích dẫntừ Hoàng tử bé.

“Giống như hoàng tử bé yêu mến bông hồng của mình, thế giới yêu mến Antoine de Saint-Exupéry. Nỗ lực suốt nhiều năm để tìm hiểu về sự mất tích của ông là minh chứng cho điều đó. Bất kể điều gì đã xảy ra vào ngày hôm ấy, di sản của ông sẽ luôn là niềm vinh dự và cảm hứng cho chúng ta”, tạp chí Plane and Pilot đánh giá.

An Yên 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây