HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM: “Văn hóa mới” là Văn hóa cứu quốc

Ngót 8 thập niên qua, người ta đã nói rất nhiều về tính chất cách mạng của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, ở cả khía cạnh học thuật lẫn ý nghĩa thực tiễn. Nhiều văn nghệ sĩ và nhà nghiên cứu cũng bàn luận nhiều về tinh thần nhập cuộc và tính chiến đấu của những tư tưởng khai phóng về một nền văn hóa mới theo xu hướng chính trị macxit. Đấy là những đúc kết, nhận thức về quá trình chỉ đạo và tổ chức xây dựng một nền văn hóa mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và kháng chiến, kiến quốc. Trong đó, ở mỗi thời điểm lịch sử lại gắn với những nhận thức mới và những điều chỉnh về nội dung của những nguyên tắc này. Điều đó khẳng định tính đúng đắn của một định hướng và một quan niệm mang tính biện chứng về nền văn hóa mới đang được xây dựng, gắn với quá trình xây dựng một chế độ xã hội mới mà lý thuyết về nó còn chưa hoàn chỉnh và đang trong quá trình tìm kiếm mô hình tối ưu.

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM: “Văn hóa mới” là Văn hóa cứu quốcBản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh soạn thảo được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 2/1943, đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1 (Cơ quan vận động Văn hóa Mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản), ra ngày 10/11/1945, tại cuộc trưng bày chuyên đề “Văn học – Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954) do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 75 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2018), tại Hà Nội.

Bởi vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam từ ngày chính quyền thuộc về nhân dân đến nay, cũng có lúc chúng ta va vấp, có khiếm khuyết ở cả những nhận thức chưa nhuần nhị hoặc những mô hình chưa phù hợp. Tuy nhiên về đại thể, không ai có thể phủ nhận một thực tế là những tư tưởng giầu tính khai phóng của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 luôn nhất quán trong chỉ đạo, lãnh đạo; đồng thời cũng luôn được đổi mới, bổ sung những nội dung và quan niệm mới để giải quyết những vấn đề của thực tiễn trong chính quá trình phát triển. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã minh chứng cho tính chất khai phóng của những tư tưởng văn hóa mới ở cả khía cạnh khoa học lẫn tầm nhìn. Chắc rằng ở chính thời điểm vạch ra những đường hướng ban đầu ấy, chưa ai tiên lượng được sức sống và triển vọng của nó trong tương lai, nên những điều chỉnh, bổ sung hai nguyên tắc lớn là Dân tộc hóa và Đại chúng hóa ở cả mặt lý thuyết lẫn tổ chức thực hiện trong thực tiễn đã chứng tỏ khía cạnh thay đổi căn bản mang tính cách mạng và mở đường của nó.

Như đã nói ở trên, nội hàm của hai nguyên tắc vận động văn hóa Việt Nam do Đảng lãnh đạo được xác định gắn với tinh thần cứu quốc. Điều này là đòi hỏi cấp bách của lịch sử. Tình huống cách mạng đã có, thời cơ cũng đã xuất hiện nhưng nếu không có sự chuẩn bị cũng như thời điểm “bung ra” đúng lúc, đúng tầm, thì cũng khó nói đến những kết quả như mong đợi. Tính chất cứu quốc nổi bật, thấm sâu vào tất cả các phạm vi, nội dung, phương thức hoạt động của văn hóa mới. Theo hồi ức của nhiều nhà hoạt động văn hóa giai đoạn tiền khởi nghĩa, thì điều này có tác dụng rất lớn để tập hợp, động viên các lực lượng trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Khái niệm Văn hóa cứu quốc lần đầu tiên được hiểu là nó có thể trực tiếp góp phần vào một cuộc cách mạng xã hội, giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Những gì trái với mục tiêu và đường hướng nêu trên đều nằm ngoài khái niệm Văn hóa mới. Theo đó, tất cả những lực lượng xã hội mong muốn cho đất nước được độc lập, người dân được tự do để mưu cầu hạnh phúc… đều phải tham gia vào tổ chức này và cống hiến hết tài năng, sức lực, nhiệt huyết cho nó. Đó là con đường duy nhất và cũng là tiền đồ của văn hóa dân tộc, trong đó có những người hoạt động văn hóa.

Ở vào đêm trước của Cách mạng dân tộc dân chủ, mọi nhiệm vụ đều phải tập trung cho mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập dân tộc. Nói như trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 thì những gì phản lại dân tộc, chống lại đại chúng lúc này đều phải nhất loạt “đập tan”, “san phẳng”. Tiếp sau đó là xây dựng “nền văn hóa mới” “tân dân chủ” thuộc về nhân dân, là phong trào của nhân dân, giúp ích cho sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc”, phải gắn với những gì “tiến bộ”, giúp cho quá trình cải tạo xã hội và văn hóa thực sự là một mặt trận phải dựa trên sức mạnh của quần chúng, không xa rời những nhu cầu thiết thân của đại chúng, là tác nhân tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc…

Tư tưởng về đường hướng xây dựng một nền văn hóa mới chống lại sự nô dịch của “văn hóa thuộc địa, văn hóa phát xít, văn hóa mị dân”, “làm cho văn hóa dân tộc phát triển độc lập”, đấu tranh với những tư tưởng có thể dẫn đến văn hóa xa lạ, thậm chí chống lại đại chúng… thực sự là những tư tưởng văn hóa cứu quốc, văn hóa đấu tranh, văn hóa hành động của số đông. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công chưa bao lâu, vận nước còn “ngàn cân treo sợi tóc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất với tư tưởng chỉ đạo nhất quán là văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Câu nói nổi tiếng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là cách diễn đạt cô đọng nhất, khái quát nhất định hướng mà Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đã nêu ra.

Như vậy trên thực tế, tư tưởng khai phóng mang ý nghĩa mở đường và soi đường cho cuộc cách mạng xã hội mới, bằng cách đưa văn hóa vào cuộc sống, xây dựng văn hóa mới từ chính cuộc sống của quần chúng nhân dân… lần đầu tiên đã được định hướng và tổ chức thực hiện thành nếp sinh hoạt thường ngày của đại chúng. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến việc văn hóa xây dựng “lý cách dân tộc” và trong thư Kính cáo đồng bào (1941) Người khẳng định: “trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Rồi khi có điều kiện, người nói rõ hơn: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc gia để thực hiện độc lập, tự cường và sáng tạo”. Khi cuộc chiến tranh với Pháp nổ ra, Hồ Chí Minh làm rõ hơn nhiệm vụ của văn hóa phải vì dân tộc, nhân dân, phải góp phần đắc lực vào sự nghiệp “phò chính, trừ tà”, “kháng chiến, kiến quốc”…

Ở tầm vĩ mô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề nâng cao dân khí, dân trí, đoàn kết dân tộc, Tổ quốc trên hết… vừa như mục tiêu, vừa là đường hướng, vừa như giải pháp căn bản của sự phát triển văn hóa, xây dựng con người. Bên cạnh việc diệt giặc ngoại xâm và giặc đói thì giặc dốt cũng là một nguy cơ đe dọa sự phát triển của đất nước, trong khi hơn 90% nhân dân lúc đó còn mù chữ. Có thể nói chưa có ai nhìn thấy sớm vấn đề và nêu ra yêu cầu nâng cao, phát triển dân trí như Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 2002,.t.8, tr.64); vì “trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 2002,.t.8, tr.64).

Thay đổi dân khí, sửa xã hội cũ, xây dựng xã hội mới cũng là từng bước thực hiện phương châm Dân tộc hóa và Đại chúng hóa của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943. Trong thực tiễn, tư tưởng này thực sự mở đường cho một phong trào đổi mới văn hóa, đổi mới đời sống ở mọi lĩnh vực. Nó là những tiền đề dẫn tới đường hướng chính trị đúng đắn. Tư tưởng Tổ quốc trên hết có tác dụng to lớn tập hợp lực lượng để bảo vệ độc lập dân tộc, chiến thắng mọi thù trong, giặc ngoài trong suốt lịch sử hình thành và cầm quyền của Đảng. Văn hóa đã khơi dậy được tinh thần Tổ quốc trên hết, “sửa cái xấu, thói hủ hóa, chống tham nhũng”, là nói đến tính thiết thực, tinh thần nhập cuộc của phương châm Dân tộc hóa và Đại chúng hóa của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943. Mọi mục đích hoạt động từ trung ương đến cơ sở đều thấm nhuần tư tưởng “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân “(Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 6. tr. 232).

Rõ ràng tính dân tộc và đại chúng của văn hóa mới đã được hiện thực hóa, trở thành tư tưởng chỉ đạo và hành động cụ thể của cả hệ thống chứ không phải chỉ ở những nghiên cứu lý thuyết. Tính thiết thực và hành động của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đi vào cuộc sống chính là ở đây.

Phạm Quang Long

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây