Huỳnh Thúc Kháng, một nhân cách lớn

Huỳnh Thúc Kháng, một nhân cách lớn
Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947).

Trong nhiều lần hội thảo khoa học đã tổ chức trước đây và qua nhiều công trình nghiên cứu, tư liệu, thân thế và sự nghiệp Huỳnh Thúc Kháng đã khá sáng tỏ, một cách toàn diện, với nhiều giác độ, khía cạnh khác nhau. Ở đây, tôi xin luận về cốt tính người xứ Quảng với nhân cách Huỳnh Thúc Kháng.

Giàu lòng yêu nước, thương dân

Huỳnh Thúc Kháng sinh ra trong một gia đình nông dân, nếm đủ mùi gian nan của quê hương nghèo khó và xáo trộn trong bối cảnh thực dân đàn áp khốc liệt đối với phong trào Cần vương đề kháng quyết liệt sự thống trị mà chúng áp đặt. Quyết chí học hành, tại khoa thi Giáp thìn 1904 đỗ đến tiến sĩ, con đường làm quan đã rộng mở, nhưng Huỳnh Thúc Kháng đã lãng tránh. Chép về năm này, Huỳnh Thúc Kháng niên phổ ghi rằng mình tiếp xúc với các “Tân thơ”, được gặp và đọc Lưu Cầu huyết lệ tâm thư của Phan Bội Châu. Năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng các bậc khoa cử Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp cùng quê chu du ở Nam Trung Kỳ, khởi xướng cho tân học, khởi đầu phong trào Duy Tân. Năm 1908, phong trào “cự sưu khất thuế” tự phát nổi lên rầm rộ khắp các tỉnh, Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân buộc tội, bắt đày đi Côn Đảo với mức án “phát phối vô kỳ hạn”, sau giảm còn 13 năm, năm 1921 mới thoát khỏi chốn lao lung, trở về quê. Năm 1923, thực dân và phong kiến khôi phục học vị tiến sĩ hòng một lần nữa chiêu dụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm việc cho chúng, nhưng cụ khước từ. Năm 1925, một lần nữa chế độ thực dân phong kiến lại đem bã vinh hoa phú quý chiêu dụ, mời ra làm Cổ Học viện với mức lương hậu hĩnh, và thêm một lần nhà chí sĩ khước từ.

Năm 1926, cụ ra tranh cử và đắc cử nghị viên, làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ, không phải để mưu cầu cho mình một địa vị xã hội, mà để đấu tranh với chế độ thực dân phong kiến, bảo vệ nhân dân. Nhưng đến năm 1928 cụ đã từ chức Viện trưởng vì không thể thực hiện được ý đồ, để tập trung làm báo Tiếng Dân mà cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Báo Tiếng Dân là một tờ báo uy tín và là tiếng nói yêu nước, thương nòi, vừa thông tin và thức tỉnh người dân về lòng yêu nước, về những vấn đề của đất nước. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Huỳnh Thúc Kháng lại thẳng thừng khước từ lời mời đứng ra thành lập chính phủ thân Nhật do vua Bảo Đại ủy thác. Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, với sự thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã ra Hà Nội tham gia chính phủ, làm Bộ trưởng Nội vụ, rồi có thời gian làm Quyền Chủ tịch nước. Nhìn xuyên suốt cuộc đời của cụ Huỳnh, ta thấy lòng yêu nước chính là nền tảng, thường trực, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, mọi hành vi của cụ đều dựa trên nền tảng đó, một cách dứt khoát, rạch ròi, như cốt cách của người xứ Quảng.

Chúng ta đều biết gần với thế hệ cụ Huỳnh, ở Quảng Nam có phong trào Cần Vương, rồi phong trào Duy Tân mà chính cụ Huỳnh là một yếu nhân, các phong trào yêu nước khác liên tục diễn ra cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mãi về sau. Đất Quảng Nam trung dũng kiên cường. Nhìn rộng ra ngoài xứ Quảng Nam xưa thì còn rất vô số điều để kể, như phong trào Cần vương Nam-Ngãi-Định liên tục diễn ra, có khi liên kết lại với nhau trong cuộc đề kháng với thực dân. Bình Định là đất của anh hùng Nguyễn Huệ, Quảng Ngãi là đất của Ba Tơ anh hùng, ta có thể hiểu Huỳnh Thúc Kháng đã tiếp được lòng yêu nước ở xứ Quảng và chính mình đã tô đậm thêm lòng yêu nước ấy, góp phần thúc đẩy tinh thần yêu nước ấy thêm nội dung mới.

Một tinh thần trọng nghĩa khinh tài

Nhiều người kể rằng, ngay cả những khi có đời sống vật chất dư dả, Huỳnh Thúc Kháng cũng vẫn sinh hoạt rất giản dị và tiết kiệm, cụ quen với lối sống khắc kỷ, đạm bạc, vậy nên nghèo khó không làm nản chí và bả vinh hoa cũng không cám dỗ được, cụ đã khước từ rất nhiều cơ hội vinh thân phì gia, khước từ cả địa vị có thể gọi là tột đỉnh trong xã hội mà người ta đưa đến trước mắt, vì cụ không cam tâm làm việc cho thực dân và phong kiến bù nhìn. Trọng nghĩa khinh tài, “không thèm làm giàu, không thèm làm quan” của cụ Huỳnh mang ý nghĩa như vậy.

Huỳnh Thúc Kháng mặc dù là một nhà khoa bảng nhưng lại không phải là nhà Nho mọt hủ chỉ biết học theo sách vở thánh hiền, không sống trong ảo tưởng, ngược lại cụ là người có óc thực tế, quan tâm đến những diễn biến thời cuộc như người xứ Quảng quê cụ. Có lẽ là nhờ cụ từng sống trong lòng dân, không phải ông đồ sinh cách biệt với dân từ thuở nhỏ.

Đặc biệt, Huỳnh Thúc Kháng cũng như các nho sĩ Quảng Nam cùng thời biết tự thoát ra những tư tưởng bảo thủ, trung quân mù quáng, tự lột xác để thành người Duy Tân. Là người có thiên hướng tìm tòi học hỏi, cụ thuộc thế hệ sớm nhận ra nguyên nhân sâu xa để mất nước, chỗ yếu của dân tộc dẫn đến đất nước bị ngoại bang đô hộ: Sự yếu kém về trí tuệ, tư tưởng bảo thủ, nền giáo dục lạc hậu. Điều này thể hiện rất rõ trong nhiều bài luận thuyết của cụ trên báo chí về tư tưởng và giáo dục, như về Nho học cụ bênh vực cho Phó bảng Nguyễn Bá Nghi “chuyên học thực dụng thường bác Tống Nho”, cảnh tỉnh lối học Âu Tây cũng dễ bị thiên lệch theo hướng không tốt, như trong bài Học giới nước nhà lầm lần thứ nhứt rồi lại lầm lần thứ hai nữa sao? đăng ở báo Tiếng Dân số 861 ngày 8/1/1936. Huỳnh Thúc Kháng không tự huyễn học với cái học vị đã có của mình, mà không ngừng tự học hỏi, tìm tòi, rồi từ đó dùng ngòi bút báo chí sắc sảo để cổ vũ, đánh thức cộng đồng[1].

Một nét tính cách của người xứ Quảng mà nhiều người nhận thấy chính là tính kiên định, thủy chung không dễ lay chuyển, một ý chí rất cao, thể hiện rất rõ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà ở đây tôi bất tất phải chứng minh. Có lẽ cốt tính ấy đã được đào luyện từ rất lâu trong lịch sử từ thời thừa tuyên xứ Quảng Nam và với điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt.

Cụ Huỳnh từng trải qua 13 năm lưu đày Côn Đảo, mặc dù cụ cười cho đó là “trường học thiên nhiên”, nhưng thực tế đó là một thời gian rất dài trong một đời người. Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài, giả sử khi về quê, thấy viễn cảnh thành công theo lý tưởng giúp dân cứu nước của mình vẫn còn mù mịt sau cuộc đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916 mà mình biết rất rõ, cụ Huỳnh chọn lấy cuộc sống ẩn dật, thì có lẽ cũng không ai dám chê trách cụ. Tuy nhiên, cụ Huỳnh đã không hành xử như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết”. Ta hiểu đó là sự vượt qua thử thách rất lớn. Còn sự cám dỗ đối với cụ Huỳnh thì có nhiều nhưng không có cám dỗ nào lung lạc được cụ. Phải nói đây là một đức tính quý giá đối với đời sống cũng như đối với Tổ quốc, với dân tộc. Đức tính này chính là chỗ mà sách Đại Nam nhất thống chí đã nhận xét là “sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói” mà nhiều người đã trích dẫn.

Di sản tinh thần quý báu

Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người con ưu tú của xứ Quảng, để lại cho hậu thế một di sản tinh thần vô cùng quý báu và ngày nay đọc những trước tác để lại của cụ, ta thấy nhiều di sản ấy vẫn còn rất bổ ích cho cuộc sống.

Nghiên cứu cốt tính người xứ Quảng trong mối tương quan với nhân cách Huỳnh Thúc Kháng cho ta nhiều bài học sâu sắc. Người đời sau được học rất nhiều ở tấm gương yêu nước cao cả, lối cách thể hiện lòng yêu nước thiết tha ở cụ, từ nền tảng lòng yêu nước đó mới tạo nên những sư nghiệp mà người đời sau không thể quên, một lòng yêu nước kiên định, nóng hổi, yêu nước gắn với tuyên truyền vận động cứu nước, xác định xả thân trọn đời vì nước, không chỉ dừng lại ở tư tưởng tình cảm.

Cụ Huỳnh cũng là tấm gương ngời sáng về tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ của người dân xứ Quảng. Tuổi thiếu niên Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương cổ vũ cho các học sinh nghèo học giỏi. Đỗ Tiến sĩ thời Nho học, Huỳnh Thúc Kháng không tự bằng lòng, không ảo tưởng về học vị, về kiến thức đã có của mình mà tự thấy những hạn chế của nó, ra sức tự học hỏi và mới thụ đắc được những kiến thức mới, mang tính thực tế và hữu ích, truyền bá nó, giúp ích nhiều cho sự thúc đẩy lịch sử tư tưởng và văn hóa nước ta. Huỳnh Thúc Kháng để lại những trước tác rất phong phú, trên nhiều bình diện. Nhà giáo dục có thể tìm thấy trong các trước tác của cụ nhiều bài học về giáo dục mà ngày nay nền giáo dục nước ta có quá nhiều vấn đề lẽ ra không nên vấp phải, như định hướng học cái gì, nội dung dạy và học, sự làm chủ về tri thức, có chủ kiến riêng, chứ không phải mưu cầu học vị hư danh mưu cầu một địa vị.

Người làm báo có thể học hỏi ở cụ về đức trung thực tuyệt đối, một tinh thần chiến đấu không khoan nhượng, nhạy bén nắm bắt tình hình đất nước để kịp thời có bài viết. Nhà văn hóa có thể học ở Huỳnh Thúc Kháng cái cách nắm bắt các vấn đề văn hóa cốt lõi trong xã hội hiện thời để lý giải và có giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Người tìm hiểu lịch sử có thể tìm trong các tác phẩm của Huỳnh Thúc Kháng rất nhiều tài liệu chân thực về lịch sử, đặc biệt là về giai đoạn lịch sử mà Huỳnh Thúc Kháng sống và hoạt động, ở vùng đất Quảng Nam quê cụ.

Từ nhân cách Huỳnh Thúc Kháng, một nhân vật lịch sử – văn hóa có lòng yêu nước nồng nàn, một tầm hiểu biết rộng lớn và sâu sắc, một nhân cách cao cả, một ý chí cao vời, một khả năng chịu đựng vô song và theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình, cụ để lại một sự nghiệp mà người đời sau không thể quên.

CAO CHƯ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây