Chúa Nguyễn Phúc Chu dựng một tấm bia lớn vào năm 1715 trong dịp đại trùng kiến chùa Thiên Mụ mang tên ‘Ngự kiến Thiên Mụ Tự’.
Đây là một trong những bảo vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn được giữ gìn sau hơn 300 năm.
“Ngự kiến Thiên Mụ Tự” khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán – không bao gồm các chữ trên trán bia và các con dấu.
Chùa trấn giữ long mạch
Chùa Thiên Mụ – một linh tích xứ Huế tọa trên đồi Hạ Khuê được xây từ những năm 1601. Giai thoại kể rằng, người dân trong vùng truyền tai nhau câu chuyện về một bà lão mặc áo đỏ, khuôn mặt phúc hậu. Mỗi đêm bà đi lên đồi Hạ Khuê và nói với mọi người rằng: Tại đây sẽ có một vị chân chúa lập chùa để trấn giữ long mạch.
Lúc đó, để chuẩn bị cho quá trình mở rộng bờ cõi, xây dựng giang sơn cơ đồ, chúa Nguyễn Hoàng đã cùng binh lính rong ruổi vó ngựa dọc hai bên bờ sông Hương. Ông bất chợt bắt gặp hình ảnh một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng sông xanh biếc, thế tựa con rồng quay đầu nhìn lại.
Thấy ý tưởng của mình có sự tương thông với câu chuyện bà lão áo đỏ, Nguyễn Hoàng lập tức cho quân lính xây dựng ngôi chùa trên đồi. Lúc này chùa được lấy tên gọi là “Thiên Mụ Tự”, tức “Bà mụ nhà trời”.
Theo dấu thời gian, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc trùng tu năm 1710, dưới triều đại của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông đã hoàn thiện và thay đổi cơ bản kiến trúc chùa Thiên Mụ như ngày nay. Khi hoàn thành, ông cho dựng một tấm bia lớn mang tên “Ngự kiến Thiên Mụ Tự”.
Nội dung văn bia thể hiện rõ tầm quan trọng của Phật giáo ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu cũng như của việc trùng kiến chùa Thiên Mụ vào thời điểm này. Nội dung và cách thức tạo tác, trang trí bia với nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng có giá trị đặc biệt về chính trị, tư tưởng, lịch sử và văn hóa thời các chúa Nguyễn.
Bia được đặt tại chùa Thiên Mụ, nơi gắn liền với bước đầu mở cõi của tiên chúa Nguyễn Hoàng. Cùng với chùa Sùng Hóa, chùa Thiên Mụ là một trong hai ngôi quốc tự ra đời sớm nhất ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. Chùa Thiên Mụ còn có vai trò trấn giữ về mặt phong thủy đối với thủ phủ Phú Xuân.
Đây cũng là địa điểm diễn ra các quốc lễ, các nghi lễ Phật giáo quan trọng do các chúa Nguyễn tổ chức kể từ đầu thế kỷ 17. Chùa trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh tiêu biểu của các thế hệ chúa Nguyễn và sau này là của các hoàng đế triều Nguyễn.
Nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao
Hình ấn “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” khắc trên bia.
Cận cảnh nét chữ và dấu khắc chồng lên nhau
Theo hồ sơ di sản, bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc của Việt Nam vào đầu thế kỷ 18, với kích thước đồ sộ nhất trong các bia đá thời chúa Nguyễn. Hình thức trang trí và kỹ thuật chạm khắc trên bia phản ánh sự kế thừa từ mỹ thuật thời Lê – Trịnh. Tuy nhiên lại có những nét riêng của phong cách bia thời Nguyễn, với những đặc điểm mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu.
Giới khảo cổ cho rằng, các dấu ấn được chạm trên bia rất đa dạng với 4 loại hình (2 dấu hình chữ nhật, 1 dấu hình oval, 1 dấu hình vuông, 1 dấu hình tròn). Các dấu ấn được khắc chồng lên phần chữ của minh văn theo cách đóng dấu trên văn bản hành chính.
Đặc biệt nội dung cô đọng, sâu sắc, thể hiện sự uyên thâm về kiến thức của chúa Nguyễn Phúc Chu, sự phong phú về hình thức nghệ thuật và trình độ chạm khắc trên đá của các nghệ nhân đương thời. Trong đó, dấu ấn “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” (ấn truyền quốc của các chúa Nguyễn) được thể hiện ở hai vị trí: Trên trán bia và ở cuối minh văn.
Mặc dù là dấu được khắc chồng lên nhưng nghệ thuật chạm khắc điêu luyện ở chỗ vẫn thể hiện được hai lớp nội dung khác nhau (nội dung của dấu ấn và phần nội dung bia), đủ để người đọc hình dung được thứ tự văn bản. Đây là hình thức vô cùng độc đáo thể hiện minh văn trên bia đá y như trên văn bản giấy.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, sự tác động của chiến tranh, thời tiết và con người, bia vẫn tồn cùng mạch nguồn tư tưởng, triết lý nhân văn thời chúa Nguyễn.
Với những giá trị độc bản về hình thức tạo tác, trang trí mỹ thuật. Đồng thời với sự sâu sắc về giá trị tư tưởng, lịch sử, văn hóa thời chúa Nguyễn, đặc biệt liên quan trực tiếp đến chúa Nguyễn Phúc Chu – vị chúa Nguyễn có nhiều công lao trong sự nghiệp mở mang phát triển đất nước vào đầu thế kỷ 18, bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2020.
Bài thơ của chúa Nguyễn
Chuông Đại Hồng Chung – Bảo vật quốc gia.
Hồ sơ di sản của Cục Di sản cho biết, bia cao 2,5m, làm bằng đá cẩm thạch. Riêng phần thân cao 1,93m, rộng 1,14m, dày 0,24m, tai bia dài 0,6m, chỗ rộng nhất 0,23m. Nét khắc còn rõ.
Bia được đặt trên lưng tượng rùa bằng đá chiều dài 2m, cao 0,51m, hoa văn hình bát giác, được tạo khối đẹp, vững chãi. Rùa có cả mai, bốn chân, mắt, miệng, được tạc khá hiện thực. Trán bia hình bán nguyệt, thân bia hình chữ nhật. Trán và thân bia trang trí hình rồng tượng trưng cho bậc vua chúa. Ngoài ra, còn có hoa văn sóng nước, mây lửa.
Bài minh văn trên bia đá gồm 1.260 chữ, khắc chân phương, ca ngợi đạo Phật, đất nước, quá trình tôn tạo, mô tả vẻ đẹp chùa Thiên Mụ. Đáng chú ý, cuối bài minh còn được khắc bài thơ nổi tiếng của chúa Nguyễn Phúc Chu:
GS Trịnh Sinh tạm dịch: “Nước Việt phương Nam, non sông hùng vĩ thay/ Chùa chiền tráng lệ, cửa thiền sáng đêm ngày/ Trong tâm tĩnh tại, lắng nghe dòng suối chảy/ Đất nước thanh bình, cảnh đẹp lòng ngất ngây/ Vô vi đạo Phật, đạo Nho cùng giáo hóa/ Vài dòng cảm khái, trên đời có nhân quả/ Ta dựng bia, ngăn lòng tà, khuyến lòng ngay”.
Đáng lưu ý, ngoài tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự”, Nguyễn Phúc Chu còn cho đúc và cúng vào chùa Thiên Mụ quả chuông rất đẹp được coi là pháp khí quan trọng của xứ Huế. Hiện, quả chuông này vẫn lưu trong chùa và có tên Đại Hồng Chung.
Chuông được đúc ngày Phật đản năm 1710, nặng 3.285 cân (hơn 2.000kg), cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, có hình dáng cân đối. Hoa văn và những motif trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét với các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn Á Đông: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.
Chuông chùa Thiên Mụ là một trong những quả chuông chùa lâu đời và có giá trị nhiều mặt ở cố đô Huế. Đồng thời cũng là công trình tiêu biểu về giá trị mỹ thuật trang trí, cũng như hội tụ các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng tinh xảo. Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được công nhận là Bảo vật Quốc gia từ năm 2013.
Lời nguyền “oán tình duyên”
Ngoài sự kỳ vĩ của ngôi chùa và các bảo vật, quá trình hình thành và phát triển của chùa Thiên Mụ gắn liền với rất nhiều huyền tích bí ẩn, được đời sau nhắc mãi. Trong đó nổi bật là câu chuyện “oán tình duyên”.
Chuyện kể rằng, ở vùng đất đó có một đôi trai gái yêu nhau say đắm. Nhưng trớ trêu thay, tư tưởng thời đó không chấp nhận một chàng trai nghèo, gia đình thấp hèn có thể kết hôn với con nhà tiểu thư khuê các. Đôi uyên ương này rơi vào hoàn cảnh như vậy. Do đó, tình yêu của họ chịu sự phản đối quyết liệt từ gia đình nhà gái.
Quá đau khổ cho số phận, cả hai cùng nhau gieo mình xuống dòng sông Hương. Cứ tưởng rằng “sống không được ở cùng nhau, thì chết sẽ bên nhau mãi mãi”. Tuy nhiên, chỉ có chàng trai ra đi, còn cô gái thì trôi dạt vào bờ và được người dân cứu sống.
Nỗi đau về tình yêu của cô gái dần được hàn gắn qua thời gian. Trong khi đó, chàng trai vẫn chờ đợi cô gái nơi tử nguyệt nhưng mãi không thấy. Chàng uất ức “nhập” vào chùa Thiên Mụ. Từ đó về sau, người ta truyền tai lời nguyền rằng: “Bất kỳ cặp đôi nào yêu nhau, tới đây đều sẽ không có kết cục tốt đẹp”.
Lời nguyền cho đến nay vẫn chưa được phá bỏ, khiến cho chùa Thiên Mụ tăng thêm huyền bí. Tuy nhiên, vị trụ trì chùa cho rằng đây là câu chuyện được thêu dệt, để răn đe các cặp đôi yêu nhau – lợi dụng góc khuất trong chùa để làm những chuyện trái với chốn tôn nghiêm.