Kính Hubble chụp ảnh thiên hà vô định hình

Một thiên hà với hình dạng không ổn định, cách Trái Đất 110 triệu năm ánh sáng vừa được ghi nhận bởi kính viễn vọng Hubble.

Thien ha NGC 5486 min - Kính Hubble chụp ảnh thiên hà vô định hìnhThiên hà NGC 5486 chụp bởi kính viễn vọng Hubble. Ảnh: NASA.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chia sẻ hình ảnh mới từ kính viễn vọng Hubble, chụp một thiên hà với nhánh xoắn ốc không nguyên vẹn, chứa những ngôi sao đang hình thành.

Có tên NGC 5486, thiên hà cách Trái Đất khoảng 110 triệu năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Đại Hùng (Ursa Major).

Theo Space, thiên hà được phân loại vô định hình (irregular galaxy) do hình dạng và cấu trúc không ổn định, có thể bị biến dạng bởi lực hấp dẫn của thiên hà láng giềng.

Kính viễn vọng Hubble đã ghi nhận góc nhìn mới của NGC 5486 với những nhánh xoắn ốc lộn xộn, không rõ ràng bao quanh phần lõi sáng. Một số thiên hà mờ, xa xôi cũng được nhìn thấy trong ảnh.

Đĩa mỏng của thiên hà nổi bật với những dải sáng hồng, là nơi hình thành sao mới. Bao quanh chúng là luồng sáng khuếch tán từ lõi thiên hà.

NGC 5486 nằm gần Thiên hà Chong chóng (Pinwheel Galaxy) với tên chính thức là NGC 5457, cách Trái Đất khoảng 21 triệu năm ánh sáng.

NGC 5457 nằm trong chòm sao Đại Hùng, là một trong những thiên hà gần hành tinh của chúng ta nhất. Kích thước của thiên hà này lớn gấp đôi Dải Ngân hà, chứa hơn một nghìn tỷ ngôi sao với nhánh xoắn ốc rõ ràng.

Hinh anh Thien ha Chong chong min - Kính Hubble chụp ảnh thiên hà vô định hìnhHình ảnh Thiên hà Chong chóng được chụp năm 2006. Ảnh: NASA.

Thiên hà Chong chóng từng được Hubble chụp lại vào năm 2006. Thời điểm đó, đây là bức ảnh lớn và chi tiết nhất về thiên hà xoắn ốc do kính viễn vọng không gian ghi nhận.

Bức ảnh mới nhất của NGC 5486 thuộc dự án khám phá các mảnh vỡ để lại bởi siêu tân tinh loại 2 – vụ nổ đánh dấu sự kết thúc vòng đời của ngôi sao lớn.

Theo đại diện NASA, NGC 5486 chứng kiến siêu tân tinh vào năm 2004. Do đó, các nhà thiên văn học đã sử dụng Camera Khảo sát Nâng cao (Advanced Camera for Surveys – ACS) trên Hubble để theo dõi hậu quả vụ nổ, giúp tìm hiểu rõ hơn về tính chất của các sự kiện này.

Phúc Thịnh

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây