LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 14

CĂN CỨ B1 HỒNG PHƯỚC TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC: CƠ SỞ RA ĐỜI

CĂN CỨ B1 HỒNG PHƯỚC TRONG KHÁNG CHIẾN

CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC: CƠ SỞ RA ĐỜI, VAI TRÒ VÀ ĐẶC ĐIỂM

                        Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang

                     Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

  1. Đặt vấn đề

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta có vô số các hình thức tổ chức chiến đấu sáng tạo, độc đáo và hiệu quả. Riêng về loại hình căn cứ địa đã rất đa dạng, phong phú. Có những căn cứ địa có qui mô cả một vùng rộng lớn, công khai như căn cứ địa Việt Bắc; có những căn cứ địa nằm sâu trong rừng núi, trung du; có những căn cứ địa như là một căn cứ quân sự hoạt động chính là chiến đấu; có căn cứ địa nằm ở vùng ven của địch, ngay trong lòng của một làng, xã… Đặc biệt có căn cứ được xây dựng ngay trong lòng địch, với hệ thống công sự dày đặc và lực lượng hùng hậu của địch, nhưng suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ không một lần bị địch phát hiện, phá hoại. B1 Hồng Phước thuộc quận Nhì, thành phố Đà Nẵng (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) là căn cứ địa đặc biệt như thế. Cơ sở nào để căn cứ B1 – Hồng Phước ra đời và hoạt động, vai trò và đặc điểm của căn cứ địa này như thế nào là những nội dung chính của bài viết này.

  1. Nội dung

2.1. Cơ sở ra đời và hoạt động của căn cứ địa cách mạng B1 Hồng Phước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

2.1.1. Cơ sở ra đời

Khu căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước nằm ở phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km; có diện tích gần 2km2; phía Đông giáp Bàu Tràm và thôn Xuân Thiều (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam), phía Nam giáp thôn Thanh Vinh (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc), thôn An Ngãi Đông và An Ngãi Tây (nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), phía Bắc giáp thôn Trung Sơn (nay thuộc xã Hòa Liên, Hòa Vang); phía Tây giáp núi thấp Thanh Vinh, có nhiều hố, suối chằng chịt, như: hố Mướp, hố Bàng, hố Sâu, hố Nước…

Về địa hình, căn cứ B1 – Hồng Phước khá phức tạp, đan xen giữa những bãi cát mênh mông phủ đầy cây lưỡi long, xương rồng chi chít gai dài và cứng, với những đầm lầy lau sậy rầm rạp, cùng những ruộng lúa nhỏ bé kém màu mỡ…

Vị trí, địa hình trên rất thuận lợi cho việc xây dựng thành căn cứ địa cách mạng. Bởi từ B1 Hồng Phước dễ dàng đến với trung tâm thành phố, cũng rất dễ dàng để đi vào núi sâu. Địa hình B1 Hồng Phước vừa có cát phủ dày đầy gai, vừa có đầm lầy đầy lau sậy, vừa có ruộng đất cày cấy đủ điều kiện để làm nơi tụ cư lâu dài, an toàn cho một cộng đồng dân cư nhất định và hoàn toàn thuận lợi để xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, sau Hiệp định Giơnevơ đến những năm cuối thập niên 60 của thế kỉ XX, Mỹ – Ngụy chọn Đà Nẵng làm nơi xây dựng hệ thống liên hợp quân sự qui mô lớn nhất miền Trung nhằm chống lại cách mạng. Ở Tây Bắc thành phố, khu vực quận Liên Chiểu ngày nay, 4 hướng xung quanh căn cứ B1 – Hồng Phước, Mỹ – Ngụy xây dựng hệ thống quân sự hùng hậu. Phía Đông Hồng Phước là khu hậu cần lớn, đặt ở Bàu Mạc và sân bay Xuân Thiều, với số quân thường trực rất lớn (khoảng 1 sư đoàn), nối tiếp Xuân Thiều về phía Nam là Liên đoàn 11 Biệt động Việt Nam Cộng hòa; tiếp giáp là vịnh Đà Nẵng, nơi nhiều tàu thuyền hải quân Mỹ neo giữ. Phía Đông Bắc tại Bàu Tràm và xung quanh, Mỹ – Ngụy bố trí 1 đại đội lính Địa phương quân, 1 đại đội Công binh và 1 trung đội Cảnh sát. Phía Đông Nam ở hố Chùa – Đa Phước địch bố trí 1 tiểu đoàn Công binh Mỹ. Phía Tây, ở Thanh Vinh Mỹ bố trí tiểu đoàn Pháo binh. Phía Nam là căn cứ Hoa Lư đặt ở Hòa Mỹ do Tổng hành dinh Sư đoàn 3 và Tiểu đoàn Vận tải. Kế tiếp về phía Tây, ở làng Đại La, Đa Phước, Phước Lý, Phước Tường Mỹ – Ngụy đặt hệ thống Phòng không, cùng nhiều đơn vị binh chủng khác. Phía Bắc có kho xăng Liên Chiểu, có đồn Quan Nam, đồn Tùng Sơn, An Ngãi Tây, Mỹ Lệ, Nam Ô, Thủy Tú, Kim Liên và đồn Nhất ở đèo Hải Vân… Ngoài ra, ngay trên địa bàn B1 – Hồng Phước và Hòa Khánh, Mỹ – Ngụy còn bố trí bọn bảo an, dân vệ, mật vụ, biệt động, tình báo và bọn ác ôn hoạt động ngày đêm. Vào giai đoạn cao điểm thực hiện chiến tranh cục bộ, có lúc Mỹ – Ngụy huy động đông đảo lực lượng quân đội, vũ khí và phương tiện chiến tranh đến Hòa Khánh, không kể quân Việt Nam Cộng hòa thì “cứ 1 người dân Việt Nam ở đây có 7 lính Mỹ” [1,tr2].

Với hệ thống quân sự dày đặc, hùng hậu như thế Mỹ – Ngụy âm mưu sẽ bóp chết mọi lực lượng cách mạng hoạt động bên trong thành phố, đồng thời sẽ ngăn cản dễ dàng các lực lượng cách mạng xâm nhập từ bên ngoài. Tuy nhiên, ngoài sức tưởng tượng và âm mưu của địch, mặc dù nằm trong vùng kiểm soát chặt chẽ, kìm kẹp gắt gao của hệ thống quân sự liên hoàn, cùng lực lượng quân đội đông đảo, căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước vẫn được tồn tại và liên tục hoạt động từ năm 1960 đến 1975, cách mạng miền Nam hoàn toàn thắng lợi.

Căn cứ B1 Hồng Phước là một trong số nhiều căn cứ bí mật của ta được xây dựng và tổ chức chiến đấu ngay trong vùng tạm chiếm của địch. Tuy nhiên, so với các căn cứ khác cùng ở đô thị có nhiều thuận lợi về mật độ dân cư cư trú đông đảo, hay sự kiềm kẹp, kiểm soát bị hạn chế của địch, thì căn cứ B1 Hồng Phước lại lọt thỏm trong lòng địch, tứ phương tám hướng vào ra căn cứ đều đặt dưới sự giám sát, quản lí của địch. Mặc cho những khó khăn, thách thức đó, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (01/1959), “về con đường phát triển cách mạng miền Nam” [2], Huyện ủy Hòa Vang đề ra chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng chống Mỹ – Ngụy của Huyện ở Phú Sơn để làm bàn đạp phát triển cơ sở cách mạng đến các xóm thôn, làng xã trong toàn Huyện. Cùng với việc xây dựng căn cứ địa Phú Sơn, Huyện ủy thành lập 3 đội Công tác vũ trang, phân thành 3 cánh xuống các địa phương trong Huyện. Cánh phía Bắc xuất phát từ căn cứ “Khe nước cây khế”, qua Hậu Vực – An Lợi, Cao Sơn xuống Nam Yên – Trường Định – Nam Ô – Hồng Phước, tiếp tục phát triển đến các xã Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Phát. Quan sát, đánh giá từng mặt thuận lợi và khó khăn của các địa phương trên, Huyện ủy chọn Hồng Phước làm nơi xây dựng căn cứ cách mạng trọng yếu của cánh Bắc Hòa Vang để lực lượng cách mạng xâm nhập thành phố Đà Nẵng.

Chọn Hồng Phước làm căn cứ trọng yếu là việc làm rất sáng suốt, khoa học và rất bản lĩnh của Huyện ủy Hòa Vang. Bởi Hồng Phước tuy là một trảng cát lớn, chằng chịt cây gai lưỡi long, xương rồng, đan xen thung lũng và hố nước, um tùm lau sậy, mật độ cư dân thưa thớt (64 hộ gia đình), đời sống kinh tế khó khăn; xung quanh Hồng Phước là đồn bốt và lực lượng quân Mỹ – Ngụy dày đặc đông đúc, nhưng chính đây là vị trí có nhiều thuận lợi và khá an toàn cho xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Thuận lợi trước hết về mặt vị trí địa lí, Hồng Phước nằm ở vị trí đắc địa vùng Tây bắc Đà Nẵng, vừa tiếp giáp với các khu dân cư đông đúc Hòa Khánh, Hòa Minh…, vừa kế cận vùng trung du – miền núi Hòa Vang, rất thuận lợi cho lực lượng cách mạng tiến công vào thành phố Đà Nẵng, nhưng cũng rất dễ dàng và nhanh chóng thoát ra khỏi vòng vây của địch về với rừng núi. Về địa hình, Hồng Phước là bãi cát đầy gai đan xen đầm lầy với những lau sậy cho phép quân địch dễ quan sát, nhưng rất e ngại khi xâm nhập vào; đất đai hầu hết là cát trắng khó có thể đào hầm qui mô, kiên cố; trong khi đó lực lượng quân đội và phương tiện chiến tranh hùng hậu của địch luôn được bố trí xung quanh Hồng Phước, sẵn sàng chiến đấu nên dễ làm cho chúng chủ quan, thiếu cảnh giác. Việc đào công sự, hầm hố trong nền đất cát tuy khó khăn về qui mô và sự kiên cố, nhưng khi đào lại rất nhanh chóng và dễ dàng để có một chiếc hầm (nhờ cát mềm và tính cố kết ít), đồng thời, khi cấp bách cũng rất dễ dàng xóa bỏ dấu vết của chiếc hầm đó. Với thuận lợi này mà có nhiều cơ sở cách mạng ở Hồng Phước đã đào quanh nhà 5-7 chiếc hầm.

Dân cư Hồng Phước tuy thưa thớt và nghèo khó nhưng đây chính là chủ nhân của mảnh đất này. Từ giữa thế kỉ thứ XIV những nhóm cư dân Việt đã di cư vào cùng với ông Phan Công Thiên và công chúa Trần Ngọc Lãng để khai hoang mở đất cư trú [3, tr 59]. Trải qua bao đời đấu tranh với thiên nhiên và các thế lực ngoại xâm nhân dân Hồng Phước đã bảo vệ và giữ vững mảnh đất này. Trước cảnh giặc Mỹ hàng ngày bung dây thép gai, dồn dân chiếm đất đai, cày ủi xây dựng đồn bốt, công sự ở những làng xóm xung quanh làm cho tất cả mọi người dân Hồng Phước bất mãn, căm thù sẵn sàng cùng với cán bộ chiến sĩ cách mạng quyết tâm bảo vệ làng xóm cha ông để lại. Cả làng có 64 hộ dân đều là cơ sở cách mạng, hoạt động ngay trong lòng địch vô cùng nguy hiểm, cam go nhưng hệ thống 46 căn hầm nuôi dấu cán bộ chiến sĩ suốt thời kì kháng chiến chống Mỹ không một lần bị lộ [1, tr 7-8]. Nhân dân cả làng Hồng Phước từ trẻ đến già đều trung thành với cách mạng, bất chấp khó khăn gian khổ và hy sinh hăng hái đào hầm, nuôi dấu cán bộ, bất kể những đêm mưa Đông giá rét chong đèn suốt đêm để cảnh báo cho cán bộ chiến sĩ…

Một cơ sở không thể không nói đến là căn cứ B1 Hồng Phước ra đời và hoạt động an toàn hiệu quả suốt trong thời gian dài là nhờ ở nhận thức đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo huyện, tỉnh và thành phố Đà Nẵng về Hồng Phước. Ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, Huyện ủy Hòa Vang đã nhận thấy Hồng Phước có thể là căn cứ địa quan trọng phục vụ cho cuộc chiến chống Mỹ – Ngụy ở cánh Bắc Hòa Vang. Cán bộ chiến sĩ cách mạng từ vùng tự do của ta ở phía Tây ĐN tiến về hoạt động ở thành phố ĐN cần phải có vùng đệm Hồng Phước trú chân. Mặc dù Hồng Phước là vùng cát trắng mênh mông, xung quanh địch vây dày đặc và nguy hiểm luôn chực chờ chiến sĩ cách mạng, nhưng áp dụng phương sách “Nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất” các cấp lãnh đạo mạnh dạn chọn Hồng Phước làm căn cứ địa.

2.1.2. Quá trình hoạt động của căn cứ B1 Hồng Phước

Theo quyết định của Huyện ủy Hòa Vang, năm 1960 căn cứ B1 – Hồng Phước được thành lập, do đồng chí Lê Trung Nghĩa phụ trách [1, tr 4]. Căn cứ có nhiệm vụ phục dựng lại các cơ sở cách mạng ở Hồng Phước bị địch đánh phá trong những năm 1958-1959, trên cơ sở đó xây dựng thành căn cứ tiền tiêu vùng Tây Bắc Đà Nẵng. Từ năm 1962 trở đi, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Đà, Ban Cán sự Đảng Khu Tây Đà Nẵng và Huyện ủy Hòa Vang đẩy mạnh xây dựng căn cứ B1 Hồng Phước trở thành căn cứ địa trọng yếu khu vực Tây Bắc Đà Nẵng. Từ đây B1 Hồng Phước trở thành nơi nuôi dấu cán bộ, bộ đội, nơi giao liên vận chuyển vũ khí, thư từ, tài liệu vào nội thành và tham gia vận động lôi kéo các thành viên trong hội đồng tề xã, hoặc bính lính, dân vệ đứng về phía cách mạng.

Từ năm 1965, đồng thời với việc ồ ạt đổ quân, Mỹ đẩy mạnh xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp quân sự lớn và tăng cường càn quét chiếm đóng, mở rộng vành đai trắng xung quanh Đà Nẵng, nhằm đẩy lực lượng của ta ra xa thành phố. Trước tình hình đầy khó khăn nguy hiểm do sự bành trướng của Mỹ – Ngụy, nhân dân nhiều vùng bị chiếm ở miền Nam lo lắng, hoang mang, căn cứ B1 Hồng Phước bị thắt chặt bao vây, nhưng nhân dân Hồng Phước vẫn kiên quyết bám trụ, tăng cường đào hầm nuôi dấu cán bộ, tích trữ lương thực, tiếp tục vận chuyển vũ khí, cung cấp thông tin cho cán bộ chiến sĩ… Lúc này, tinh thần cách mạng của nhân dân Hồng Phước lên cao độ, những gia đình không có địa thế để đào hầm thì tham gia nắm tình hình địch, đảm bảo cơm nước, thuốc men cho cán bộ đang ẩn mình trong các hầm ở Hồng Phước. Những gia đình có lợi thế thì tăng cường đào thêm nhiều hầm để đáp ứng nhu cầu nuôi dấu cán bộ. Đa số các gia đình có từ 2 đến 3 hầm, nổi bật có những gia đình có từ 4 đến 7 hầm. Tiêu biểu như gia đình bà Phạm Thị Dĩ, Hà Thị Mau, Phạm Thị Miên [1, Phụ lục]…,

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ – Ngụy tăng cường đàn áp khủng bố làm nhiều cơ sở cách mạng của ta trong nội thành bị lộ phải rút lên hậu cứ miền núi, một số cán bộ chiến sĩ tại căn cứ B1 Hồng Phước bị địch bắt giam và tra tấn dã man nhưng những cán bộ, cơ sở ấy trung kiên không khai báo, nhờ đó căn cứ B1 – Hồng Phước vẫn giữ được bí mật để tiếp tục là căn cứ cách mạng trọng yếu của khu Tây Bắc Đà Nẵng. Việc đào hầm nuôi dấu cán bộ, vận chuyển vũ khí đạn dược từ căn cứ B1 về nội thành tuy gặp khó khăn nguy hiểm hơn, nhưng nhờ sự dũng cảm, mưu trí và thông minh sáng tạo như dùng tỏi nhét vào lổ thông hơi hầm bí mật để chó nghiệp vụ địch không phát hiện cán bộ, hay khoét lổ trong thân gỗ lớn để nhét thuốc nổ, đạn dược… vào đưa vào thành phố mà hoạt động của căn cứ B1 lại phục hồi, tiếp tục thực hiện tốt sứ mạng của một căn cứ địa cách mạng phục vụ cho cuộc chiến đấu của thành phố cho đến ngày thắng lợi.

2.2. Vai trò và đóng góp của căn cứ B1 Hồng Phước

Căn cứ B1 Hồng Phước hình thành từ cuối năm 1960, liên tục hoạt động đến năm 1975. Trong suốt hơn 15 năm ấy, Hồng Phước đã hoạt động hết sức hiệu quả, có vai trò và đóng góp lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Vai trò và đóng góp quan trọng đầu tiên cần phải nói là căn cứ B1Hồng Phước là nơi cung cấp sức người, sức của, nuôi dưỡng, đưa đón hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, thư từ, tài liệu, lương thực, thuốc men trên hành lang liên lạc của ta từ căn cứ miền núi vào nội thành Đà Nẵng để phục vụ cách mạng; đồng thời tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với nhiều chiến thắng vẻ vang, bảo vệ an toàn căn cứ trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Căn cứ B1 Hồng Phước được xây dựng ở một làng quê nghèo chỉ có 71 hộ gia đính sống trọng 64 nóc nhà, sống cùng với cát trắng mênh mông, ruộng đất cày cấy manh mún, nhỏ hẹp nhưng tất thảy người dân nơi đây đều mang trong mình truyền thống yêu nước nồng nàn, tin tưởng tuyệt đối và sẵn sàng đi theo cách mạng. Mỗi người dân Hồng Phước từ trẻ em đến già đều luôn ý thức sâu sắc về việc xây dựng, gìn giữ và bảo vệ căn cứ B1 Hồng Phước là giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của cha ông để lại. Chính vì thế mà dù phải sống trong vòng kiềm kẹp, kiểm soát, đàn áp, tra tấn dã man của kẻ thù và mạng sống luôn bị đe dọa bất kì lúc nào, nhưng nhân dân Hồng Phước vẫn trung kiên, bám trụ ngày đêm đào hầm, chong đèn cảnh báo hiểm nguy cho cán bộ, chiến sĩ đến đi từ căn cứ Hồng Phước. Có lẽ càng gian khổ, hiểm nguy, càng tàn ác dã man của giặc Mỹ bao nhiêu thì người dân Hồng Phước càng được tôi luyện, thấm nhuần và kiên trung bấy nhiêu tinh thần yêu nước để quyết chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược.

Ở trên chúng ta biết, căn cứ B1 Hồng Phước được xây dựng ở làng quê Hồng Phước do địch quản lí kiểm soát, vừa kế cận hậu cứ của ta vùng rừng núi, vừa tiếp giáp đô thị Đà Nẵng do địch tạm chiếm, nên vừa thuận lợi vừa khó khăn thách thức để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Vượt qua khó khăn, trở ngại ngay từ những ngày đầu thành lập căn cứ B1 Hồng Phước đã vừa thể hiện là một “hậu phương” cho tiền tuyến ĐN, vừa là cầu nối giữa hậu cứ với mặt trận. Hơn 15 năm tồn tại, Hồng Phước như là trụ sở hậu cần cho tiền tuyến, cung cấp sức của sức người, nuôi dưỡng và bảo vệ các nguồn lực cho mặt trận; đồng thời như là trạm trung chuyển, cầu nối cho cán bộ, chiến sĩ và cơ sở vật chất, hậu cần từ hậu phương ra mặt trận và từ mặt trận về hậu phương. Với vai trò này, có thể nói B1 Hồng Phước là căn cứ địa đặc biệt riêng có ở thành phố Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

2.3. Đặc điểm căn cứ B1 Hồng Phước

Qua tìm hiểu quá trình ra đời, 15 năm hoạt động và những vai trò, đóng góp của căn cứ B1 – Hồng Phước chúng tôi có thể rút ra một số đặc điểm như sau:

Một là, căn cứ địa cách mạng B1 Hồng Phước ra đời trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là căn cứ không lớn, ở vùng ven Đà Nẵng, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nằm ngay trong lòng địch, nơi địch tập trung cao độ sức mạnh quân sự, nhưng suốt quá trình hơn 15 năm ra đời và hoạt động chưa một lần bị địch phát hiện hay đánh phá. Có thể nói ít có căn cứ địa cách mạng nào ở thời kì chống Mỹ an toàn và bền vững như thế.

Hai là, sở dĩ căn cứ B1 Hồng Phước tồn tại an toàn và lâu dài trong lòng địch như thế là nhờ ở nhân dân. Nhân dân Hồng Phước chính là chủ nhân xây dựng và bảo vệ căn cứ B1Hồng Phước. Tất cả 64 hộ dân đã đồng lòng như một tuyệt đối trung thành với cách mạng, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh để bảo vệ giữ gìn căn cứ địa cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Ba là, trong quá trình tổ chức hoạt động, tùy điều kiện tình hình tấn công đánh phá của địch, lãnh đạo các cấp luôn phối hợp với nhân dân căn cứ B1 Hồng Phước để đổi mới, sáng tạo các hình thức tổ chức hoạt động nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động cho căn cứ. Việc thay đổi hình thức và kĩ thuật đào hầm cả nổi lẫn hầm chìm, kĩ thuật ngụy trang, xóa dấu vết hầm khi địch bố ráp tìm kiếm, hay đánh lạc hướng tìm hơi người (cán bộ, chiến sĩ ) của chó săn địch, hay hình thức chong đèn báo hiệu cho cán bộ, chiến sĩ là biểu hiện của những sáng tạo, thông minh của nhân dân Hồng Phước.

  1. Kết luận

Căn cứ B1 Hồng Phước là căn cứ đặc biệt trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta. Hơn 15 năm ra đời và hoạt động căn cứ B1- Hồng Phước đã có vai trò lớn và nhiều đóng góp vào diễn trình và thắng lợi của cách mạng thành phố ĐN. Dù đã trải qua hơn 41 năm, nhưng B1 Hồng Phước vẫn in đậm trong tâm trí và là niềm tự hào của quân dân thành Đà Nẵng nói chung, nhân dân Hồng Phước nói riêng. Tất cả chúng ta ngày nay luôn trân quý biết ơn những cán bộ, chiến sĩ từng hoạt động chiến đấu ở căn cứ B1 Hồng Phước và những con dân người Hồng Phước chân chất, trung kiên đã chịu bao gian khổ, mất mát và hy sinh vì quê hương độc lập, tự do và hạnh phúc ngày nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quận ủy – UBND – UBMTTQVN quận Liên Chiểu (2015), Hồ sơ của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang khu căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước, quận Nhì, thành phố Đà Nẵng đề nghị phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hung lực lượng vũ trang nhân dân.
  2. “Nghị quyết 15 tháng 1 năm 1959” Web. dangcongsan.vn
  3. Lưu Trang (2005), Phố cảng Đà Nẵng từ năm 1802 đế năm 1860, NXb Đà Nẵng, tr 59.

 

 

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây