Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Nhà thơ Phạm Hầu: Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đài

Kỷ niệm 101 năm ngày sinh: Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đài

Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Nhà thơ Phạm Hầu:
Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đài

Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Thi sĩ Phạm Hầu: Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đài

Lời TS: Phạm Hầu (2 tháng 3 năm 1920 – 3 tháng 1 năm 1944), một tài hoa yểu mệnh. Mặc đù mất sớm ở tuổi 24, nhưng để lại cho đời những bài thơ tuyệt tác và 1 bức họa được giải thưởng quốc tế; vansudia.net xin giới thiệu bài viết của Nhà báo, Thạc sĩ, Kỹ sư Phan Thanh Đà Hải, cháu gọi Thi sĩ Phạm Hẩu là ông cậu. 

Phạm Hầu, từ gia đình nho học đến họa sĩ tài ba

Phạm Hầu sinh trưởng trong một gia đình nho học ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Phạm Liệu, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898), đứng đầu trong “Ngũ phụng tề phi” xứ Quảng, làm Thượng thư bộ Binh đời vua Bảo Đại.

Lúc Phạm Hầu mới sinh ra, cha ông đã cảm tác bài thơ đặt tên cho ông:

“Nhờ phước ông bà có được con
Tai to mắt lớn mặt vuông tròn
Hầu sao giữ được tâm như tướng
May có duyên gì với nước non”

(Tư liệu gia đình)

H2 min - Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Nhà thơ Phạm Hầu: Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đàiBút tích của bà Phạm thị Lộc (chị ruột của Phạm Hầu) ghi lại bài thơ đặt tên con của TS. Phạm Liệu

Lúc sinh thời, bà Phạm Thị Lộc (chị ruột của Phạm Hầu) kể lại: “Khi sinh đúng con trai, cha tôi đặt tên là Hầu, chữ đầu của câu thơ thứ ba. Cậu bé khôi ngô, tuấn tú, cha tôi rất vui sướng. Nhưng càng lớn, tâm càng sáng rỡ, thông minh thì thân thể cậu lại hay ốm yếu, èo oặt… Chú ấy thường sống gần với cha chúng tôi nhiều hơn ở kinh đô Huế. Cũng như các anh chị, chú Hầu được học hành đỗ đạt hanh thông, đậu Thành chung tuổi 18 ở Huế, rồi ra Hà Nội học, chỉ có hè mới về quê với các anh thăm làng, thăm bà con…”.

Phạm Hầu theo gia đình ra học ở Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 13 (1939-1944), cùng khóa với các họa sĩ Trần Đình Thọ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim… Phạm Hầu có nét đặc biệt hơn các bạn họa sĩ là anh rất yêu thơ, và thích gặp gỡ, kết bạn với những nhà Thơ Mới nổi tiếng như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên. Thậm chí anh còn ở chung phòng với Lưu Trọng Lư.

H3 min - Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Nhà thơ Phạm Hầu: Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đàiBức tranh minh họa “Dập dìu lá gió, cánh chim” của Phạm Hầu trong tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du năm 1942

Về hội họa, anh đã để lại ấn tượng cho người bạn họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp: “Anh Hầu thích dùng màu xanh lam, lam hơi tím một chút. Đó là màu nền các bức tranh của anh, và là màu tâm hồn anh đã phủ lên tranh. Sau mỗi lần nghỉ hè về, anh Hầu bày tranh cho xem. Tranh anh có nhiều sáng tạo, vẫn màu lam nghiêng tím chủ đạo ấy, cảm thấy đẹp, có gì đó cô đơn, lạ lùng. Mỹ thuật mỗi khi nó vào người, nó giữ lại, nó ở lại lâu, mới lạ đến thế”.

Trong một cuộc triển lãm quốc tế tại Tokyo (1940), tác phẩm “Cô đơn (Hòn đá rêu xanh) của Phạm Hầu đạt giải nhất, chứng tỏ khả năng hội họa của Phạm Hầu không phải tầm thường.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp nói thêm về tranh Phạm Hầu: “Nó trầm lắng. Trong nghề, có trình độ chênh nhau, mà bị cuốn hút, bị rung động, nó đẹp, nó cô đơn, mà đó, đó chính là cái màu nền nghệ thuật mà Phạm Hầu sử dụng, đó chính là tính cách của con người Phạm Hầu, đó là nghệ thuật của Phạm Hầu và thành công của Phạm Hầu, không dễ gì tranh của một họa sĩ, sau 50 năm lưu lạc không còn thấy lại một lần tranh của họ, mà mình vẫn còn bị ám ảnh bởi cái màu tranh nghệ thuật ấy…”.

Theo thời cuộc, hầu như tranh của tranh Phạm Hầu bị thất lạc. Trong tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du năm 1942, còn lưu lại bức tranh minh họa “Dập dìu lá gió, cánh chim” của Phạm Hầu.

Vào tháng 5/2017, nhà văn Hòa Văn (quê làng Đông Bàn, xã Điện Trung) công bố trên blog của mình (hoavanruotra.blogspot.com) bài viết “Tìm thấy một họa phẩm của họa sĩ Phạm Hầu”. Đó là bức chân dung ông thợ mộc Trần Văn Anh cùng làng Trừng Giang với họa sĩ, vẽ bằng bút chì đường nét còn tốt.

Tác giả dẫn lời ông Trần Cao Hoang (tên thường gọi Trần Văn Quận, cháu nội ông Trần Văn Anh hiện ở làng Trừng Giang) cho biết, ông Anh làm thợ mộc, thường hay đóng cho nhà ông Phạm Liệu các đồ gia dụng bằng gỗ.

Hôm ấy họa sĩ – thi sĩ Phạm Hầu vừa về nhà gặp ông đang lắp ráp đồ mộc, Phạm Hầu ngỏ ý: “Trưa ông về lấy khăn đóng áo dài trở lại nhà đây tôi xin vẽ chân dung của ông”. Thế là bức chân dung được vẽ xong. Nay tuy không còn như ban đầu do giấy không tốt nhưng nét vẽ đúng thần thái của ông Trần Văn Anh, được người cháu nội lưu giữ làm di ảnh thờ.

H4 min - Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Nhà thơ Phạm Hầu: Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đàiSách “Vẫy ngoài vô tận” viết về Phạm Hầu do nhà văn Hoàng Minh Nhân biên soạn, NXB Thanh niên năm 2001 ấn hành

Thơ Phạm Hầu dưới cái nhìn của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng

Trong “Thi nhân Việt Nam”, con mắt tinh đời của Hoài Thanh – Hoài Chân cũng đã chuốt sáng từng dòng khi viết về Phạm Hầu: “Ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mãi sống với mình và con người ta tưởng không có gì là một con người giàu có vô hạn. Lòng người là một Vọng hải đài, người chỉ việc đứng trên đài lòng mà ngắm: qua lại thiếu gì mây sớm gió chiều” (Thi nhân Việt Nam, xuất bản 1942).

Thơ Phạm Hầu có chất, biểu hiện bằng một thi điệu riêng khá quyến rũ. Cái quyến rũ của chất thơ là lạ, rung cảm và mong manh. Đặc biệt, thơ Phạm Hầu toát ra một thứ khí vị tiêu trầm, sâu lắng vào lòng người đọc. Như Hàn Mặc Tử đã có lần thốt lên: Người thơ phong vận như thơ ấy, thơ Phạm Hầu là con người, là tinh túy của cõi trần ghé tạm vài mươi năm tuổi trẻ. Kỳ lạ còn vương đến từ chỗ, cái đẹp lụi tàn được dự cảm nhưng tha thiết đến rướm máu: “Buồn len lỏi trên đầu cây thi vị/ Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi” (Chiều buồn).

Nhà thơ Chế Lan Viên lúc sinh thời cũng từng bộc bạch: “Thơ anh ấy rất hay và xúc động: “Tôi đau, trời đẹp, nếu tôi đau/ Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau”… Ôi! Thơ của những con người như thế, cầm lên tay một câu, một chữ nặng cả một cuộc đời người” (Vẫy ngoài vô tận, NXB Thanh Niên năm 2001). Không chỉ Chế Lan Viên mà các nhà thơ lớn khác, như Lưu Trọng Lư trong hồi ký “ Nửa đêm sực tỉnh”, Huy Cận trong “Hồi ký song đôi”, phần viết về Phạm Hầu đều ghi lại một quãng đời đẹp đẽ trong tình bạn và sự trân trọng nuối tiếc về một thi tài mệnh yểu.

Lưu Trọng Lư đã nói về Phạm Hầu với tình cảm thân thương, đầy trìu mến: “Anh lành lắm, chỉ nhìn mà ít nói… chỉ biết thương yêu, nhường nhịn giúp ích cho đời, đúng là một con nai nhỏ của tôi. Trong con nai thu của tôi, không phải chỉ có cái ngơ ngác của tôi mà thôi. Anh Hầu còn dại khờ đáng yêu hơn cả thơ và tranh của anh. Tình thương của anh nhẹ nhàng kín đáo lắm, không để ý không thấy, dễ tưởng như phơn phớt vô tình. Anh ở bên tôi lâu ngày, lúc anh đi nơi khác tôi mới cảm thấy được sự trống rỗng anh để lại bên tôi. Tôi nhớ thương anh hơn ruột thịt” (Trích hồi ký “Nửa đêm sực tỉnh”).

Theo “Hồi ký song đôi – tình bạn trong sáng” của Huy Cận: “Phạm Hầu cùng học ở trường Quốc học (Huế), sau tôi hai lớp. Lúc học đệ tứ niên Thành chung, Phạm Hầu đã làm thơ, và đã có đăng một số bài ở tạp chí Tao đàn hồi đó. Phạm Hầu thường hay trao đổi bàn chuyện thơ với tôi ở trong trường, sau giờ học buổi chiều, trước giờ ăn cơm. Anh người mảnh dẻ, giọng nói rất nhẹ, gần như nói thầm, nhưng thi thoảng cũng cười to lên, khi gặp một ý thích thú tâm đắc. Mắt Phạm Hầu như nhìn xa vắng. Tôi rất mến anh, quý… Tôi ghi mấy dòng kỷ niệm nhớ anh, thương anh, tiếc hồn thơ tế nhị của anh chưa đủ tháng năm để nở hết hương sắc. Phạm Hầu đi qua đời như một cái bóng, cái bóng trong quá, nhẹ quá không đậu bám được ở cuộc đời, như “du khách giây phút dừng chân Vọng hải đài””.

Thuộc lớp những nhà thơ trẻ nhất trong đội ngũ các nhà Thơ mới và cho dù số thơ in chưa được nhiều, chưa có tập in riêng nhưng Phạm Hầu vẫn được nhà phê bình Kiều Thanh Quế (Mộc Khuê, Quế Lang) ghi nhận trong chuyên khảo tổng kết Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, Hà Nội, 1941): “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được: Đông Hồ, sau những vần Thơ Đông Hồ (1932) cũ kỹ, ca ngợi Cô gái xuân (1935); Lan Sơn thi vị hoá mối tình giữa Anh với em (1934); Phạm Huy Thông, trong Yêu đương (1933), cô Anh Nga (1934) và cô Tần Ngọc (1937), trầm hùng cao đưa Tiếng địch sông Ô (1935)…

(…) Ngoài ra, văn học quốc ngữ còn đếm được nhiều thi sĩ tuy chưa có tác phẩm ra đời, nhưng tài năng đã phát huy rõ rệt trên các báo chí: J. Leiba Thanh Tùng Tử (1912 – 1941) với những vần diễm ảo bắt nguồn trong quá khứ; Tchya với những vần cao siêu đầy tư tưởng; Thái Can, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân với những vần cổ kính; Phan Khắc Khoan với những “vần Huy Thông” rất trầm hùng; Nguyễn Xuân Huy với những vần dìu dịu như “một buổi chiều Xuân Diệu”. Nên kể thêm vào: Đinh Hùng, Hoài Điệp (Đã xuất bản: Đám ma tôi), Huyền Kiêu, Nguyễn Đức Chính (Đã xuất bản: Những đêm sầu của linh hồn; văn xuôi), Phạm Hầu, Hồ Dzếch, Thái Kim Điển”…

Trong phần tổng luận Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam, 1932-1942 (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế 1942), Hoài Thanh – Hoài Chân đã xếp Phạm Hầu vào số những thi nhân tương đồng với phong cách Xuân Diệu – Huy Cận, cùng hướng tới hiện đại và cùng chịu ảnh hưởng thi ca Pháp: “Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu – Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba: Tế Hanh, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Phan Khắc Khoan, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư, Xuân Tâm, Huy Tân, Huy Chức, Phan Thanh Phước, Nguyễn Đức Chính, Tường Đông… Đôi nhà thơ như Lan Sơn (trong tập Thơ của một đời), Thanh Tịnh, lúc này đã thấy một bên Thế Lữ, bây giờ lại kéo nhau về đây. Và Thế Lữ ngồi một mình trong dĩ vãng chừng thấy lẻ loi cũng về đây nốt.

Tôi không biết có nên để vào xóm Huy Xuân (tên nhà xuất bản tưởng tượng đã in quyển Thơ thơ lần thứ hai) hai nhà thơ Phạm Hầu và Yến Lan. Tuy thơ cùng một giọng song hình như họ đã trực tiếp với các nhà thơ Pháp, ít khi nhờ Xuân Diệu, Huy Cận đứng làm trung gian. Cái kín đáo của thơ Pháp gần đây tôi còn thấy ở Đoàn Phú Tứ”…

Trong phần chính văn trực diện phác thảo chân dung Phạm Hầu, hai nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân tuyển chọn của ông hai bài (Chiều buồn và Vọng hải đài) vào Thi nhân Việt Nam, ngang bằng số lượng bài với Vũ Đình Liên, Bàng Bá Lân, Thanh Tịnh, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Yến Lan, Xuân Tâm, Nguyễn Nhược Pháp, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Huy; xếp trên những Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Phan Thanh Phước, Thâm Tâm, Hằng Phương chỉ được chọn duy nhất một bài…

Bùi Giáng với thơ Phạm Hầu

Theo Thi Ca Tư Tưởng, Đi Vào Cõi Thơ II, Bùi Giáng đã có đôi lời nhận xét về thơ Phạm Hầu: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai”.

Đó là hai câu thơ cuối bài “Vọng Hải Đài”. Đó cũng là bầu khí hậu mênh mang sầu cô độc bàng bạc khắp mấy bài thơ của Phạm Hầu còn rơi rớt lại chúng ta ngày nay.

“Chúng tôi đã cố công sưu tầm nhưng chỉ được đãi ngộ sáu bài thơ. Âu cũng lấy đó là niềm vui vậy.” (Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến)

Hai ông Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng đã viết một bài hoàn hảo về Phạm Hầu:

“Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng dội gót vân hài
Hỡi ơi! Người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân vọng hải đài”

(Vọng hải đài)

… Phạm Hầu viết những lời như thế thuở ông hai mươi mấy tuổi đầu. Hai mươi mấy tuổi mà dường như đã có đủ trong hồn một trăm năm đạo hạnh. Ông đi vào thi ca, nghệ thuật, với tâm hồn con người thanh tu đạt đạo. Người thanh niên ấy đã biết khước từ hết mọi thứ “dưỡng chất trần gian” và âm thầm gửi cho trần gian một chút tặng vật nho nhỏ.

Ngờ đâu tặng vật nho nhỏ kia lại khổng lồ như một Kim Tự Tháp nằm giữa sa mạc mênh mông để ghi lại ngấn tích một nền văn minh huyền ảo nhất thế gian.

Ông là con nhà thế phiệt trâm anh. Ông được kế thừa “y bát” của phụ thân Phạm Liệu. Y bát chân truyền kia đã đặt toàn khối văn học tư tưởng Trung Hoa tới đứng trước trận gió Tây Phương thổi lại. Thơ Phạm Hầu từ đó là cái vùng kết tinh của hai thể tinh văn minh. Hai văn minh đang gặp gỡ nhau, gùn ghè gắn bó hay tương tranh tiêu diệt nhau chơi? Chẳng rõ. Nhưng cái Tại Thể Thi Nhân của Phạm Hầu đã chịu hiến dâng thân mình ra làm Trường Sở Trụ cho cuộc cơn kia. Ông chấp thuận cuộc hôn phối cũng như cuộc giằng co. Và đem thân mình làm chiếc dương cầm cho ngân lên những cung bậc mênh mang chưa từng thấy trong văn chương kim cổ.

“Mãi dâng trọn hồn vui muôn độ trước
Chưa đủ sao? Đời đòi hỏi thêm chi?
Tai đờ nghe, mi trĩu nặng từ bi
Gió bốn hướng dằng co trong tử biệt”

(Mãi dâng trọn hồn vui)

Trong Thi Ca Tiền Chiến, đã có một Xuân Diệu làm người thanh niên ráo riết, một Huy Cận làm người thanh niên ngậm ngùi, một Hàn Mặc Tử làm người thanh niên đau khổ cực độ, Chế Lan Viên làm người chứng nhân cho điêu tàn, Hồ Dzếnh làm người đề huề giao hảo…lại thêm một Phạm Hầu làm người nghệ sỹ cao vời trang trọng mang một thánh tính u u ẩn ẩn như Nerval. Phạm Hầu mở ra trở lại chân trời bát ngát của Nguyễn Du trong giai đoạn cuối buổi Hoàng Hôn. Ông nói ít hơn Nguyễn Du, ông không đi vào giữa những thiên vạn thể của biển dâu, ông chỉ đơn sơ có mấy lời, nhưng mấy lời đào sâu khôn tả trong mạch giếng tân thanh. “Mãi Dâng Trọn Hồn Vui” là một kỳ tác muốn chìm sâu xuống mạch thẳm sinh tồn. Rồi khi ta cũng chịu ngập mình xuống đáy thẳm kia, thì kỳ tác nọ bỗng hiện thị như một Tòa Cổ Tháp nguy nga.

Tiếp đến, Bùi Giáng lại bình xét trong bài “Lý Tưởng”:

“Sầu hương hoa gạo đỏ bên chân
Xa nắng chiều hoe nhạt mấy phần
Một cột đèn cao mơ góa bụa
Đường dài toan nối hận gian truân”

Bốn câu thơ đầu bài “Lý Tưởng” của Phạm Hầu dường như kết tụ cả mối sầu của lớp người ngày trước… Sầu trong Lửa Thiêng, sầu trong những vần tịch mịch nhất của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… cùng tìm về đây hội họp. Bốn câu quá sức mênh mang trầm tịch. Dường như tất cả những buổi chiều cô tịch Việt Nam đã ngưng đọng lại một lần. Những buổi chiều Thừa Thiên, chiều Hà Tịnh, chiều Quảng Ngãi Nam, chiều Sơn Tây…

Nhưng mà thật ra trong bài thơ kia Phạm Hầu không có dụng ý tả buổi chiều gì cả. Nhan đề là “Lý Tưởng”. Người thi sĩ đi theo bóng lý tưởng đã bắt gặp màu sắc chiều tàn. Lý tưởng ở đâu? Thiết tha theo đuổi, nhưng chỉ nhìn thấy hoang vu. Chẳng ra lý tưởng là hoang vu hư không? Phải o bế hư không? Hôn phối với hư không, để thành tựu mộng hờ lý tưởng? Lý tưởng là mộng hờ? Biết rõ mộng hờ mơ góa bụa, sao vẫn cứ đeo đai đòi giao hoan với góa bụa?

“Biết rằng vô ích sao tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi”

Cổ kim có một thi nhân, nghệ sỹ, hiền nhân chân chính nào, lại chẳng nhận ra chính mình trong lời thở than đó của Phạm Hầu?

Cũng cần hiểu thêm gia thế gia đình ông. Hậu duệ ông là những nhân tài đất nước như: GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu (Chủ tịch Hội Nữ tri thức Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội), TS. Phạm Thị Việt Uyển (mẹ của Lê Hùng Việt Bảo – 2 năm liền huy chương vàng Olympic toán quốc tế), TS. Phạm Thị Hiếu Nhơn, Dược sĩ Phạm Hữu Hiền… và tác giả viết bài này cũng là cháu của ông.

H5 min - Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Nhà thơ Phạm Hầu: Nhớ Thi sĩ, họa sĩ xứ Quảng với tuyệt tác Vọng hải đàiNhà báo Phan Thanh Đà Hải và Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và phát triển di sản Huế) trước mộ Thi sĩ Phạm Hầu 

Có thể những tư liệu về Phạm Hầu chưa sưu tầm hết được, cũng có thể có những sưu tầm chưa thật chính xác về ông, nhưng có lẽ vượt lên tất cả, Phạm Hầu đã là một huyền thoại, là ánh sao sáng bay xẹt qua bầu trời, để người đời sau ngưỡng vọng chưa thấy hết những hồi quang về ông.

PHAN THANH ĐÀ HẢI

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây