Long Biên – Cây cầu thép vĩ đại tròn 120 tuổi

Long Biên – Cây cầu thép vĩ đại tròn 120 tuổi
Cầu Long Biên vào khoảng những năm 1950. Nguồn: TTLTQG1

Cách đây 120 năm, một cây cầu thép vĩ đại mang tên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (nay là cầu Long Biên) đã nối hai bờ dòng sông Hồng hung dữ và nối liền hai thành phố Hà Nội – Hải Phòng. Cây cầu khánh thành trước sự chứng kiến của vua Thành Thái và từng là cây cầu thép dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của nước Mỹ.

21 min 2 - Long Biên – Cây cầu thép vĩ đại tròn 120 tuổiBản vẽ mặt đứng toàn thể các nhịp cầu dài 75m với dầm chìa và nhịp dài 51m200 của cầu Doumer do Công ty Le Brun Daydé & Pillé thiết kế năm 1897. Nguồn: TTLTQG1

Là người sáng lập Liên bang Đông Dương, Paul Doumer sớm nhận thấy sự cần thiết của việc thiết lập hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và đường biển. Do vậy, ngay sau khi nhậm chức, ông đã đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng dài hơn 1.600m song đã vấp phải nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng này điên rồ và không thể thực hiện được. “Đặt một cây cầu ngang qua sông Hồng à? Thật là điên rồ! Điều này giống như là chồng núi lên núi để lên trời”.

Rộng như một eo biển, sâu hơn 20m và dâng thêm 8m vào mùa lũ, lòng sông luôn luôn thay đổi, khi bồi chỗ này, lúc lở chỗ kia. Một con sông không thể chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ trong một lòng sông đầy sóng dữ và không gì chống đỡ nổi.

Những vị quan có tư tưởng phóng khoáng nhất cũng tỏ ra hoài nghi và cho rằng đây là quyết định liều lĩnh.

Vài tháng sau, khi các trụ cầu nhô khỏi mặt nước và việc lắp ghép khung sắt bắt đầu được tiến hành, các quan lại mới chịu thừa nhận. Họ nói “Thật là kinh khủng. Đúng là người Pháp muốn gì được nấy”. Song trong thâm tâm mình, các quan An Nam nghĩ rằng con sông sẽ làm thất bại những toan tính của con người và khiến mọi nỗ lực của họ trở nên vô ích.

Ngay cả những người Pháp cũng không mặn mà hơn người An Nam là mấy. Những người thân cận với Toàn quyền, kể cả kỹ sư trưởng cầu đường cũng tỏ ra quan ngại.

Tờ Le Courrier d’Haiphong, sau khi mỉa mai tính huênh hoang của Doumer, đã viết:“Khi xây một cây cầu, người ta phải biết nó có dùng được hay không, có thể nào bắc qua một con sông hay không. Thế nhưng Ngài Doumer không nghĩ tới điều đó, không mường tượng ra sự thay đổi liên tục của con sông. Ông ta không hề nghĩ tới việc con sông tính khí thất thường này thay đổi lòng sông cực kỳ dễ dàng. Hơn thế, ông ta cần phải biết việc Tòa Công sứ Hưng Yên từng bị nó nuốt chửng…”

Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, bất chấp dư luận của dân di cư, của giới thương nhân và khuyến cáo của các quan chức, Doumer vẫn quyết tâm xây cầu và chưa đầy 4 năm 7 tháng, cây cầu đã được hoàn thiện trong khi thời gian dự kiến là 5 năm.

22 min 1 - Long Biên – Cây cầu thép vĩ đại tròn 120 tuổiBản vẽ mặt đứng và mặt cắt dọc nhịp cầu dài 51m200 với các dầm chìa của các nhịp cầu dài 75m của cầu Doumer do Công ty Le Brun Daydé & Pillé thiết kế năm 1897. Nguồn: TTLTQG1

Ngày 12/9/1898, viên đá đầu tiên chính thức được đặt với nghi lễ vô cùng long trọng. Hôm đó, ngoài Paul Doumer, còn có nhiều quan chức Pháp và An Nam.

Paul Doumer đã dùng chiếc bay bạc gắn tấm biển bằng đá hoa cương đen khắc dòng chữ 12/9/1898 lên đầu cầu, và tuyên bố công trình chính thức được khởi công. Ban đầu, người ta tuyển người Trung Quốc nhưng họ nhanh chóng bị thợ An Nam, khéo léo hơn và bền bỉ hơn gạt ra. Các đội thợ từ 2.000-3.000 người làm việc ngày đêm dưới sự hướng dẫn của khoảng 40 quản đốc, kỹ sư, đốc công người Pháp. Nhờ việc giám sát chặt chẽ nên không một tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra dù công việc cực kỳ nặng nhọc.

Ban đêm, công trình sáng rực dưới ánh đèn của các bóng điện công suất lớn. Số đèn này cũng như các máy công cụ và các máy nén khí hoạt động nhờ một xưởng phát điện 350 mã lực.

Công ty trúng thầu thiết kế là Daydé & Pillé với hệ thống cầu dầm chìa được cấu thành từ những nhịp thăng bằng – được ứng dụng để xây cầu Tolbiac trên đường sắt tuyến Paris – Orléans lần đầu tiên tại Pháp. Khi giới thiệu đường nét kiêu hãnh và duyên dáng của cây cầu trong hình vẽ toàn cảnh, nhiều người lo ngại khối sắt hình răng cưa nhẹ tới mấy cũng không bao giờ có thể thành hiện thực. Nhưng họ không hiểu rằng chính 20 trụ cầu, mỗi trụ cao 44m trong đó 30m nằm dưới mực nước, sẽ đỡ cho cây cầu dài 1.682m, cao 17m so với mặt trụ và 61m so với các móng, rằng cũng nhờ các trụ đó mà cây cầu được nối thành khớp.

23 min 1 - Long Biên – Cây cầu thép vĩ đại tròn 120 tuổiLễ khánh thành lối lên cầu Doumer ngày 25/4/1924. Nguồn: Viện TTKHXH

Việc thi công được tiến hành cực kỳ khẩn trương. Ngày 03/02/1902, hai bờ đã được nối với nhau. Công trình sử dụng tới 30.000m3 đá và 5.300 tấn thép với chi phí lên tới 6.200.000 franc, xấp xỉ bằng dự toán.

8g30 sáng ngày 28/02/1902, đoàn tàu hỏa rời ga mới của Hà Nội, đưa vua Thành Thái, Toàn quyền và đoàn tùy tùng lên tàu. Tại lối lên cầu, các quan khách an tọa trên một khán đài trang trí hoa và cờ để nghe diễn văn của Thống sứ Bắc Kỳ, Chủ tịch phòng Thương mại Hà Nội, Giám đốc Nha Công chính và của quan Phụ chính. Bài diễn văn nào cũng ca ngợi sự vĩ đại của công trình.

Quan Phụ chính Nguyễn Trọng Hiệp bày tỏ sự khâm phục của người dân An Nam dành cho cây cầu: “to đẹp và tráng lệ, cây cầu vươn dài như một con rồng xanh nổi lên trên mặt nước, hay như một cây cầu vồng tuyệt đẹp sừng sững giữa khoảng không bao la”. Ông ta cũng không quên làm thơ theo thể alexanđrin[1] trang trọng như thơ của Delille, Volney hay như của Victor Hugo để ca ngợi con sông Hồng:

… Có những con sóng

Mang bình yên và thịnh vượng cho vùng châu thổ này.

và cây “cầu thép vĩ đại” vượt sông nối Hà Nội với Hải Phòng.

Cuối cùng, quan Phụ chính tán dương Ngài Toàn quyền bằng câu thơ:

“Ngài – dòng sông hiện lên thật hạnh phúc và kiêu hãnh! Tôi là dòng chảy của con sông đó”.

Đến nay, cùng với sự phát triển của đất nước, Hà Nội đã có thêm những cây cầu mới, hiện đại hơn để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cây cầu Long Biên không còn giữ vai trò huyết mạch giao thông nhưng vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa, kiến trúc, là một phần không thể thiếu trong lòng người dân Hà Nội và là ấn tượng sâu đậm với các du khách nước ngoài khi đặt chân tới đây.

Hoàng Hằng


Tài liệu tham khảo: Tuần san Indochine số 184, ngày 09/3/1944.


[1] Thơ mười hai âm tiết – ND.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây