Lòng cha – Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia

Lòng cha - Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia - VSD Văn Học
Ký họa Nhà văn Vu Gia

Lòng cha

Truyện ngắn của VU GIA

Nhìn chiếc xe taxi đưa vợ chồng con gái và cháu ngoại khuất qua góc đường, ông thở dài nhẹ nhõm. Con cháu từ xa về thăm không ai không vui, thế nhưng lòng ông không thoải mái lắm. Thời của ông ở đô thị miền Nam, cô gái nào nhởn nhơ với người ngoại quốc trên đường bị xem là “me Mỹ”, thời của cha ông thì gọi “me Tây”, gặp phải nhiều cặp mắt khinh thường.

Thời của ông, nhà nào đàng hoàng một chút, có con gái lấy Mỹ đều phải giấu, lỡ có bầu hoặc phải theo chồng về xứ lạ thì phải thuê người làm đám cưới, giá cả khá cụ thể. Sinh viên thì tiền đắt hơn người có bằng tú tài phần thứ nhất, đang học lớp 12. Ông đã được một lần làm rể thuê như thế, giá cả là một chiếc xe honda cáu cạnh chưa đập hộp; sinh viên thì nghe đâu giá cả đắt gấp đôi gấp ba.

Bây giờ, bà con ở quê ông vẫn còn suy nghĩ như vậy. “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, nhưng trai lớn lấy vợ nước ngoài thì được khen ngợi có bản lĩnh đàn ông, xứng mặt đàn ông, còn gái tơ lấy chồng nước ngoài thì bị xem thường. Rủi thời chia tay, thì gia đình sẽ gặp những câu nói cạnh nói khóe nhẹ nhàng khiến những bậc làm cha làm mẹ phải buồn não ruột: “Bởi ham chùa ngói Phật vàng/ Chùa tranh Phật đất ở làng thiếu chi”. Ấy vậy, con gái ông đã lấy chồng Tây.

Con gái ông lấy chồng Tây không giống như đa số con gái khác. Không biết sao con gái ông học khá giỏi. Nếu thời của ông, Nguyễn Tất Nhiên từng than thở: “Ta là thằng ôm hận tú tài đôi/ Không biết tìm ai mà kể lể/ Chim lớn thôi đành cam rớt lệ/ Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh”, thì ông cũng là người như thế.

Sau ngày giải phóng, ông xin đi dạy, nhưng cuộc sống giáo viên ngày đó khá vất vả, nên ông bỏ dạy về làm ruộng. Cũng may thời trẻ, nhiều lần ông theo phụ cha làm thợ hồ, nên biết việc chút chút. Khi về làm ruộng, ông lại theo thanh niên trong làng đi làm thợ xây trong những ngày rảnh việc. Nghề dạy nghề, chẳng bao lâu ông không chỉ trở thành thợ lành nghề, mà còn thuộc diện thợ kép có chút tiếng tăm.

Ruộng đất được nhà nước chia bình quân theo nhân khẩu, ông lại có thêm tay nghề cao, nên cuộc sống gia đình cũng thuộc dạng trung lưu ở nông thôn. Chuyện học hành của con cái không giống như thời của ông nên càng dễ thở. Con học càng cao, ông không biết gì để dạy, cứ để tự nó bơi, vậy mà nó làm nên chuyện cả đời ông có nằm mơ cũng không thấy được, dù là giấc mơ đẹp nhất.

Tốt nghiệp cấp 3 chưa được mấy ngày thì con gái của ông báo với gia đình, dường như nó là người duy nhất của huyện, thậm chí của cả tỉnh nhận được học bổng đại học ở nước ngoài khi chưa bước chân tới cổng trường đại học trong nước.

Mới nghe tưởng đâu con nói phách, song thực sự là như thế. Và ông tiễn con đi với đôi hàng nước mắt chảy dài vừa buồn vì xa con, vừa tự hào có được đứa con như thế.

Sau khi tốt nghiệp đại học, con gái ông ở lại nước ngoài làm việc và lấy chồng. Vợ chồng ông có qua dự đám cưới của con, nhưng chỉ dự cho có mặt chứ chẳng giúp được gì cho con. Do bất đồng ngôn ngữ nên sui gia cũng chẳng nói được gì nhiều. Thời đại nó như thế và đành chấp nhận như thế. Vợ chồng ông chỉ mong con được yên ổn hạnh phúc là mừng, là cám ơn cuộc đời, không mong gì hơn.

Thằng rể của ông khá vui tính và lễ phép. Lúc xuống máy bay, nó cùng con gái ông ra đón. Qua cái nhìn đầu tiên, nó cúi đầu chào hai vợ chồng ông, tự giới thiệu: “Con là con dê cụ”. Ông chỉ cười, vỗ vai nó và nói vài câu đơn giản còn nhớ được.

Vợ ông tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng ông khuyên vợ rằng con gái thích và yêu là được. Nó tìm chồng cho nó, tìm cha cho con nó. Làm cha làm mẹ như mình cần phải mừng cho con. Rủi thời mai này không ra gì thì nó tự chịu bởi nó chọn chứ mình có áp đặt đâu. Lúc đó, cha mẹ sẵn sàng dang tay đón con về.

Ông khuyên vợ, hãy coi gia đình mình là cái tổ ấm, khi con mỏi cánh có thể yên tâm hạ xuống nghỉ ngơi lấy lại sức tiếp tục cuộc hành trình. Cứ nghĩ tích cực như thế sẽ có nhiều niềm vui mang lại. Thấy vợ nhoẻn miệng cười, ông cũng yên lòng.

Ở đâu không biết, chứ ở quê nhà không ai tự vỗ ngực công khai nói với mọi người mình có máu dê cả. Trong truyện thơ Lục Vân Tiên, cụ Đồ Chiểu cũng khinh thường loại người này: “Còn người Bùi Kiệm máu dê/ Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu” và… “Một người Bùi Kiệm chẳng đi/ Trong lòng hổ thẹn mình vì máu dê”; hồi còn học trung học đệ nhất cấp (cấp 2), cu cậu nào biết “nghể” sớm thì sẽ bị bạn bè dẫn câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cười khinh nhạo: “Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”, rứa mà thằng rể ông không chỉ nhận mình là dê mà còn là dê cụ, đúng là oách xì xằng, vợ ông bực mình cũng phải.

Thời gian đi qua, vợ chồng ông cương quyết không nhận tiền giúp đỡ của con gái, nhưng Tết nào vợ chồng nó cũng gửi về mừng tuổi cha mẹ một ngàn đô la. Vợ chồng ông nhất trí cất kỹ, khi nào nó dẫn con về thăm ông bà ngoại, thì ông bà ngoại sẽ dùng số tiền đó làm quà mừng cháu.

Ngày ấy đã tới. Gia đình con gái ông gợi ý mua vé cho cha mẹ đi du lịch Thái Lan, đại gia đình sẽ gặp mặt ở đó rồi cùng nhau về thăm quê. Nhưng vợ chồng ông từ chối lòng hiếu thảo của con gái. Ông dặn gia đình chúng muốn đi chơi ở đâu thì đi cho hết, đến chặng cuối cùng về thăm quê hương, thăm bà con chừng dăm bảy ngày là đủ rồi.

Và gia đình ông lần đầu tiên đón gia đình đứa con gái gần chục năm chỉ gặp nhau qua điện thoại. Con rể cùng cháu ngoại cũng mừng vui ra mặt. Bà con chòm xóm chạy đến cười vui xởi lởi. Con rể của ông mặt tươi roi rói, gặp ai cũng bắt tay niềm nở, tự giới thiệu mình là “con dê của nhà này”. Bà con ai cũng vui, cho rằng chỉ có người Tây mới dám nói thật lòng mình. Thắng nói thắng, thua nói thua chứ không tráo đổi khái niệm. Người bạn học cùng lớp hồi tiểu học với con gái ông vui mừng lên tiếng ủng hộ, đồng tình với con rể của ông bằng câu ca khá phổ biến: “Đàn ông không có máu dê/ Nhất định người đó pê-đê mất rồi!”. Con rể của ông không biết có hiểu không, hay là thấy câu nói có vần có vè, bằng lặp lại từng từ những mấy lần rồi cười thoải mái góp phần làm ngôi nhà yên tĩnh rộn rã tiếng đùa vui.

Hôm sau, con gái và vợ đi chợ, cháu ngoại chưa thức giấc, con rể chạy ra ngoài đồng tập thể dục, ông cùng mấy người bà con trong xóm ngồi uống trà chuẩn bị lợp lại cái chuồng trâu. Không phải ông không có tiền mua tôn, nhưng ở quê ông chẳng ai lợp chuồng trâu bằng tôn, vì trời nắng thì tôn phả hơi nóng như rang, trời mưa thì phả hơi lạnh chịu không thấu; lợp tranh thì khác, mùa mưa thì ấm, mùa nắng thì mát giúp trâu khỏe mạnh, ít sinh bệnh.

Mọi người uống cạn tách trà, chuẩn bị đứng dậy làm việc thì tiếng chó ngoài cổng sủa vang và tiếng kêu hốt hoảng vọng vào: “Heo! Heo mi!” (Help! Help me!). Ông biết con rể tập thể dục về, vội lên tiếng gọi con chó đừng sủa. Mọi người cùng bước ra thấy con rể của ông mồ hôi ướt đẫm áo thun. Ai nấy đều cười. Có người nói với ông, thằng rể của ông là luật sư thiệt hay giả không biết, nhưng con chó mà nói con heo là chẳng biết chi, thua trẻ con xứ mình. Chó có biết chi mà xưng mi xưng tao với hắn, rủi thời bị cắn lòi ruột cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Con rể ông lễ phép chào hỏi mọi người và giới thiệu: “Con là con dê của nhà này”. Ai cũng cười và nói: “Biết rồi, cứ khoe hoài! Vô tắm rửa đi!”.

Nghe vậy, ông chỉ cười. Bán bà con xa mua xóm giềng gần. Họ nghĩ vậy và nói với giọng trào lộng thế cũng vui. Bà con quê xứ ông thường biến báo những câu chuyện như thế nhằm gây tiếng cười, canh cãi làm chi cho mích lòng. Gia đình con gái ông về chơi dăm ba bữa có nhiều nhặn chi mà tranh hơn tranh thua từng lời nói. Nhưng người dân quê ông lại thích cãi, chuyện chi cũng cố cãi cho bằng được; cãi đỏ mặt tía tai rồi dọa nhau cho ăn… cái đai cuốc… là êm ru bà rù.

Qua chuyện của con rể ông, có người cho rằng đừng lấy hiểu biết của mình mà chê người ta, biết đâu xứ người ta gọi con chó là con heo thì sao. Cùng là đất nước mình, cùng là cái dụng cụ chiết chất lỏng ra chai, vậy mà có nơi gọi cái chụt, có nơi gọi cái phễu, có nơi gọi cái quặn; ngay cả cùng một loại chuối, có nơi gọi là chuối mốc, có nơi gọi là chuối sứ, hoặc một loại chuối khác, có nơi gọi chuối sứ, có nơi gọi chuối hột, có nơi gọi chuối lá, có nơi gọi chuối chát, nên phải chấp nhận, không tranh cãi được, càng tranh cãi càng thấy cái kém hiểu biết của mình.

Nói thì nói, cãi thì cãi nhưng ai nấy làm luôn tay. Con rể của ông tắm rửa xong, đi ra nhìn mấy người đang lợp mái, còn ông thì đứng dưới đưa tranh, nó cũng vịn thang leo lên. Thấy cái thân bồ tượng của nó, mọi người sợ gãy rui mè bèn hối nó leo xuống. Dường như con rể của ông cũng thấy chênh vênh nguy hiểm nên lớn tiếng: “Đâu! Đâu!” (Down! Down!).

Một người dường như bực mình, lên tiếng văng tục, rồi nói: “Cái thằng ni sợ quá hóa quáng gà. Cái thang sựng sờ sờ trước mắt mà cứ hỏi đâu đâu”. Người khác lại cười nói thêm: “Dân Tây nhát gan như rứa, thành chi đánh giặc lần nào cũng thua dân mình là phải!”. Người khác lại khuyên anh em đừng nên trách, dù sao nó cũng con rể của làng mình, ở chơi nhiều lắm là ba bữa nửa tháng, la mắng làm chi tội nghiệp. Cha chú phải nên rộng lượng để con cháu được nhờ.

Chuồng trâu không lớn, nên anh em chỉ làm nhoáng cái là xong. Từ trong nhà, vợ ông cũng lên tiếng gọi mọi người xuống rửa tay, rửa mặt vào ăn uống nước. Ở nhà quê làm việc gì cũng có ăn dặm nửa buổi nửa chiều gọi là ăn uống nước nhưng cũng đủ no.

Bữa ăn uống nước này được xem là khá sang: bánh tráng cuốn thịt heo. Không nói ra, song ai cũng biết có bữa này là vì có gia đình con gái xa cách lâu ngày về thăm.

Con gái ông lấy cái đĩa, trải bánh tráng xuống, bỏ rau, bỏ thịt vào hướng dẫn chồng cuốn, nhưng con rể ông lại muốn học theo mọi người làm ai cũng cười. Cuối cùng, con rể ông cũng gói được rau sống và thịt heo vào trong bánh tráng dẫu không được gọn gàng.

Sau miếng ăn đầu tiên, con rể của ông cười tươi khen: “Mít (Meat) ngon lắm!”. Nghe vậy có người liền “chỉnh” con rể ông: “Đây là thịt! Thịt heo!” và chỉ cây mít ở góc vườn nói cho con rể của ông biết đó mới là mít. Con rể ông lại cười vui vẻ, học ngay: “Thịt! Thịt heo ngon lắm!”. Ai cũng cười vui vẻ làm cho không khí gia đình thêm đầm ấm, ông thấy vui trong lòng.

Chiều chiều, ông cho con rể và cháu ngoại ngồi trên lưng trâu, khi ông dắt trâu đi gặm cỏ ven đường. Xong, ông đưa trâu cùng con rể, cháu ngoại ra sông tắm một lúc mới về. Dường như con rể và cháu ngoại của ông thích trò chơi ấy, nên có lúc trời còn nắng chang chang, hai cha con chúng đã đòi cưỡi trâu ra đồng và ông cũng vui vẻ chiều con chiều cháu, mặc cho bà con trong xóm, nhất là bọn trẻ lấy làm lạ cứ chỉ chỉ chỏ chỏ, chạy theo đuôi trâu.

Hôm sau, ông đốn cây tre, chẻ nan đan cho cháu ngoại cái rổ, vì mẹ nó nói nó muốn xin cái rổ mà nhà ông ngoại đang xài. Bạn bè trong xóm tới chơi cũng xúm lại giúp ông một tay. Theo gợi ý của anh em thì nên đan hai cái vì bên thị trấn, nhiều nhà dùng hai cái rổ úp lại, bên trong treo cái bóng đèn điện, thắp lên cũng thấy hay hay. Người thì chẻ lạt thật mỏng rồi thắt cho cháu ngoại của ông con cào cào.

Con rể và cháu ngoại của ông ngồi nhìn say sưa. Khi cháu ngoại ông được cầm con cào cào trên tay thì mừng lắm, nói cám ơn liên tục. Cha nó cũng phục lăn, thốt lên: “Bờ rồ! Bờ rồ!” (Pro.) với ánh mắt tràn đầy ngưỡng mộ. Người bạn của ông đang giấu mối nuộc mây cuối cùng ở vành rổ thì ngước nhìn con rể của ông, chỉ ra phía hàng rào cho con rể của ông biết đó mới là “bờ rồ” (bờ rào), còn đây là con “cồ cồ” (cào cào) và đây là cái rổ.

Con rể của ông vội vàng học theo một cách thích thú: con “cồ cồ”, cái rổ. Họ sung sướng dạy con rể của ông lặp đi lặp lại những mấy lần, rồi cùng ông dọn dẹp mảnh sân.

Chuyện con rể của ông mấy ngày qua chắc chắn sẽ là những câu chuyện làm quà của bà con trong làng trong xóm, thậm chí có thể còn lan tỏa ra các nơi khác rất nhiều năm sau. Kệ, ai nói gì cũng được, vui cũng tốt, ngu dốt cũng hay. Đó là chồng của con gái ông, cha của cháu ngoại ông. Mong sao chúng nó có cuộc sống an an lành lành là quý rồi.

Quay vào nhà, ông thấy vợ nằm thẫn thờ trên võng như người mất hồn, ông cũng rưng rưng nước mắt nhớ cháu thương con./

V.G

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây