Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 7 – Tứ chánh lương bằng tộc

Tứ chánh lương bằng tộc

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 7 - Tứ chánh lương bằng tộc

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 7 - Tứ chánh lương bằng tộc

Tác giả Vũ Hùng

 

Tứ chánh lương bằng tộc

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Mỗi khi đi về Khuê Trung – Cẩm Lệ, tôi thường chạy xe máy trên hai con đường lớn song song là Cách Mạng Tháng Tám hoặc Thăng Long ven bờ sông Cẩm Lệ. Hôm nay, qua khỏi Trung tâm Triển lãm, tôi rẽ vào một kiệt rộng chừng hai mét, len lỏi qua các con đường bê tông nhỏ ngang dọc trong khu vực Bình Hòa kẹp giữa hai con đường lớn này. Đây là khu vực không giải tỏa di dời, chỉ chỉnh trang, nên còn nhiều nhà thấp hơn mặt hẻm kiệt, còn một dải đất trủng cũ dọc đường Thăng Long đầy cỏ dại, những lùm chuối, bụi tre, bụi trúc trong xóm, những cây cau trước ngõ nhô lên trời cao. Giữa đô thị đang lên cơn sốt đất từng ngày, nơi đây khá yên bình, còn bóng dáng của một xóm làng cũ. Đây là một phần của làng Bình Hòa xưa dọc bờ sông Cẩm Lệ. Đất Bình Hòa còn bao gồm cả khu vực Miếu Bà Khuê Trung, tên gọi cũ là Cồn Dàng, nơi có thờ các tượng Chàm, có một giếng Chàm vuông trước Miếu, cũng là nơi đầu thế kỷ 20 phát hiện một bia ký Chàm có niên đại khoảng đầu thế kỷ thứ 10.

Cuối khu vực Bình Hòa, tại góc đường bao đầu cầu Nguyễn Tri Phương là Lăng Ông Bình Hòa. Lăng hướng ra bờ sông, nền thấp hơn mặt đường. Tường một căn nhà mới đang xây sát Lăng. Trong khuôn viên, một người đang quét dọn. Tôi bắt chuyện, ông cởi mở cho biết là người gốc ở đây, 87 tuổi, Nguyễn Văn Tấu. Theo ông, những phần xây từ đời vua Tự Đức còn lại là Lăng ở giữa, bình phong và hai trụ hai bên bình phong. Hai miếu Bà Thủy, Bà Hỏa nhỏ hơn ở hai bên Lăng nguyên trước đây trong khu đất nay là Trung tâm Triển lãm, khi giải tỏa được chính quyền hỗ trợ kinh phí di dời về đây thờ chung trong Lăng. Ông chỉ cho tôi trần bên trong Lăng hình vòm có một trụ đá Chàm làm đà chịu lực đặt ngang trên lối vào, có khoen đá hai đầu bị lấp bởi lớp sơn vôi, tường hậu dày khoảng 1 mét, tường hai bên dày khoảng 8 tấc. Ngày xưa, trước Lăng Ông là một gian nhà rường 3 gian hai chái, lợp ngói, tường dày, mảnh đất bên phải có một nhà trù khá rộng. Khoảng những năm 80 của thế kỷ 20, nhà trù và nhà rường bị phá dỡ. Ông bảo rằng những bức tường dày của Lăng, nhà trù, nhà rường, bình phong và hai cây trụ biểu cũ đều xây bằng gạch Hời. Những viên gạch Hời, đá Hời, tượng Hời trong khuôn viên hiện nay là từ thời đó còn lại. Ông chỉ một cây cao giữa Lăng gọi là cây Chổi, từ thuở nhỏ ông đã thấy đứng đó, hàng trăm năm rồi. Dưới gốc cây Chổi là bức bình phong cũ và những cổ vật: một tượng đá đã sứt mẻ nhưng nhận ra ngay là bò thần Nandin, vật cỡi của thần Shiva thường thờ trên lối vào lòng tháp chính thờ vị thần này, vài phiến đá, trong đó có một tảng đá vuông khoét lỗ tròn ở giữa và vài viên gạch Chàm(1). Rải rác trong khuôn viên có khá nhiều gạch Chàm còn nguyên vẹn và tươi màu, một vài mảnh ngói Chàm được cất trên bệ thờ giữa sân.

1 5 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 7 - Tứ chánh lương bằng tộc

Ảnh 1: Bò thần Nandin, đá và gạch Chàm dưới bức bình phong tại lăng Ông Bình Hò, 09.9.2018. (Ảnh Vũ Hùng)

Cụ Tấu cho biết, Lăng thờ một vị có công khai lập làng nhưng không ai biết ông ấy họ tên là gì cả. Những họ lâu đời ở đây là Tạ, Mai, Lê, Trần, Nguyễn, Huỳnh. Mỗi năm có hai ngày cúng, ngày 24 tháng chạp trước Tết và ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch sau Tết. Mục đích là cúng thổ thần đất đai và những âm linh để cầu an. Ngày trước, ông Nguyễn Văn Liễu, gốc từ làng Bồ Mưng – Điện Bàn đến ở đây làm thủ từ. Khu đất Lăng Ông rộng chừng hai, ba ngàn mét vuông, khi thành phố mở mang, nhà cửa ngày càng mọc lên, khu đất bị thu hẹp dần còn lại như hiện nay.

Tìm hiểu thêm, tôi có gặp ông Nguyễn Lương Xuân, 57 tuổi, người trực tiếp trông coi Lăng hiện nay. Ông là cháu nội của ông Nguyễn Văn Liễu, là đời thứ tư làm thủ từ. Ngày xưa, đất thần từ khá nhiều, giao cho người dân canh tác để lo việc cúng tế hằng năm, riêng nhà anh canh tác vài mẫu ruộng và 4 sào đất trồng đậu chung quanh Lăng. Vào dịp lễ tế dân làng dự đông hơn bây giờ rất nhiều.

Nhìn chiếc cổng mới xây sát vỉa hè, bệ thờ gắn gạch men giữa sân, không ngờ bên trong vẫn lưu giữ hồn cốt Lăng cách đây gần 150 năm. Lăng từng có tẩm có đình, nhà trù, bình phong và trụ biểu như một đình làng, nhưng phần đình và nhà trù nay không còn nữa. Giữa lối vào tẩm, phía trên có 3 chữ Nho Thành Hoàng Từ. Trên tường Lăng gắn một phiến đá màu đen khắc chữ quốc ngữ:“Cổ tích cựu Lăng Ông Bình Hòa (cũ) Khuê Trung, xây dựng vào thời vua Tự Đức thứ 22 – 1869, nhằm năm Canh Ngọ, tính đến năm 2008 là 139 năm. Trùng tu Lăng Ông và xây 2 Lăng Bà Thủy Đức, Hỏa Đức, giải tỏa năm 2003, bỏ móng 2 Lăng Bà ngày 21.4 Mậu Tý (Nhằm ngày 25.5.2008). Trích lục cũ Đại Nam Trung kỳ Chánh phủ cấp cho xóm Bình Hòa năm 1935, nhằm năm Ất Hợi. Tứ chánh lương bằng tộc”(2).

2 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 7 - Tứ chánh lương bằng tộc

Ảnh 2: Thành Hoàng Từ và tấm bia đá có ghi Tứ chánh lương bằng tộc, 09.9.2018. (Ảnh Vũ Hùng)

Hỏi về tứ chánh lương bằng tộc, ông Tấu bảo rằng đó là những dòng họ các nơi khác đến sinh sống xây dựng làng, nên nơi này còn gọi là Bình Hòa Lân(3). Bình Hòa Lân khá gần nghĩa với tứ chánh lương bằng tộc. Tứ chánh lương bằng tộc (四 政 良 朋 族) là những dòng họ tứ xứ thân thiện, láng giềng trong làng Bình Hòa.

Tôi đang đứng trên một không gian thiêng, có thể là nơi từng tọa lạc một đền tháp nguy nga thờ thần Shiva được khắc trong các bia ký ở Khuê Trung. Những bò thần Nandin, gạch đá và ngói Chàm đã có tuổi ngàn năm là hiện thân của tiếp biến văn hóa kỳ diệu, gắn liền với sự thăng trầm của Lăng Ông. Gạch đá và ngói của đền tháp đổ nát đã được dân làng sử dụng xây Lăng Ông Bình Hòa cũ. Nền móng bí ẩn của khu đền tháp hẳn vẫn còn đâu đó dưới lòng đất.

Nối liền với Lăng Ông Bình Hòa, qua gầm cầu về phía tây, là khu dân cư mới cũng nằm giữa hai đường Cách Mạng Tháng Tám và Thăng Long. Những năm 70 của thế kỷ hai mươi, hằng ngày đi học tại trường trung học đệ nhị và đệ nhất cấp Hòa Vang, tôi thường qua lại khu vực này. Nhà một bạn học cùng lớp ở đây, chung quanh là đất ruộng và tre làng. Nay đã thành khu phố mới nhà cửa san sát. Ngang dọc qua các con đường nhựa chừng mười lăm phút, tôi đến Miếu Xóm Thuận An, tại số 191 đường Cách Mạng Tháng Tám, cách mặt đường chừng 15 mét. Nền miếu cao hơn nhà chung quanh gần hai mét. Miếu xây gạch và lợp tôn. Trên một trụ Miếu gắn một phiến đá sa thạch khắc chữ Nho vẫn còn sắc nét:“Tự Đức nhị thập thất niên tuế thứ Giáp Tuất ngũ nguyệt cát nhật Thuận An ấp, bổn ấp tứ chánh lương bằng tộc” (Niên hiệu Tự Đức thứ 27 năm Giáp Tuất tháng 5, ngày tốt, ấp Thuận An, các tộc thân thiết bốn phương trong ấp cùng xây dựng miếu mới)(4); liền phía dưới là một phiến đá trắng có vân khắc chữ quốc ngữ sơn màu đỏ ghi:“Nghĩa Tự Xóm Thuận An xây dựng năm Giáp Tuất, Tự Đức năm thứ 27 (1874), tái tạo 11.5 Đinh Hợi (2007). Tứ chánh lương bằng tộc”. Dưới cùng của trụ có gắn 2 viên gạch Chàm còn nguyên và 3 mảnh ngói(5).

3 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 7 - Tứ chánh lương bằng tộc

Ảnh 3: Phiến đá sa thạch và gạch ngói Chàm trên trụ Miếu Xóm Thuận An, 09.9.2018.
(Ảnh Vũ Hùng)

Người dân chung quanh cho biết hai ngày nữa là cúng Miếu, chỉ tôi đến gặp ông Tế, cách Miếu vài phút đi bộ, trên góc đường Lương Định Của và Nguyễn Quý Đức. Ông là Huỳnh Ngọc Tế, 86 tuổi, người tầm thước, ở đây lâu đời, cho biết, đất làng Thuận An cũ kéo dài đến khu dân cư số 3, trước nhà máy dệt Hòa Thọ, sau đó, không hiểu vì lý do gì, đã chia ra Thuận An Bắc và Thuận An Nam. Khu vực Miếu bây giờ là Thuận An Nam. Ngày xưa, Miếu Thuận An trên một khu đất cao, rộng chừng 3000 mét vuông, có một Lăng, một nhà để dân làng chuẩn bị lễ cúng và ăn uống. Phía sau Lăng có một miếu thờ thổ thần, gọi là Miếu Bà Trén /Trắng. Ông nghe kể lại, trong Miếu này có một tượng thờ bằng đá đã bị Pháp lấy đi lúc Đà Nẵng là nhượng địa. Trên khu đất này có 35 cái mả, đặc biệt có một cây đa rất lớn, bộng của nó to và rậm rạp. Người dân sợ cây đa thiêng này nhưng lại là nơi trú ẩn an toàn của những người hoạt động cách mạng, có thể gác ván trong bộng cây cho nhiều người trú ẩn. Năm 1953, bị chỉ điểm, chính quyền cũ huy động cả tiểu đoàn bao vây, bắt được một số người, có người bị giết. Miếu xóm hiện nay chính là trên đất bộng cây đa cũ ấy. Trong những năm 1980, do một số người không phân biệt di tích lịch sử – văn hóa với mê tín di đoan, cùng với Lăng Ông Bình Hòa, Lăng Miếu này cũng bị triệt phá. Trong đống giá hạ ngổn ngang gạch Chàm, ông lén nhặt vài viên gạch, ngói và phiến đá chữ Nho vốn gắn trên tường Lăng cũ để lưu giữ. Lúc đó, ông cũng không biết nội dung phiến đá chữ Nho ghi những gì, chỉ nghĩ rằng đó là phiến đá cổ của Lăng Miếu nên cần giữ lại. Về sau, có 2 hộ đầu tiên đến làm nhà ở trên khu đất, trong đó có một chủ hộ mời ông Kỳ, một thầy địa bên xã Hòa Châu sang xem phong thủy trước khi bỏ móng. Ông này cho rằng dưới đất nền có một vật thiêng. Đào xuống chừng một mét rưỡi quả nhiên có một phiến đá hình trụ còn khá nguyên vẹn, bốn mặt đều có chữ lạ. Dân báo với chính quyền, sau đó người của Bảo tàng Chàm đến đem về.

Đây là bia ký “Khuê Trung”, niên đại năm 899, phát hiện vào khoảng năm 1985 – 1987, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Năm 2012, các chuyên gia Phạn ngữ đã dịch bia này sang quốc ngữ.

Bia đá thường gắn liền với đền tháp. Các khu đền tháp Chàm là một quần thể có tường bao và thường có 3 tháp: tháp cổng, tháp cho tín đồ chuẩn bị trước khi lên hành lễ ở tháp chính và tháp chính cao nhất, bên cạnh có bia đá. Vì vậy, khu đất cũ của Miếu Xóm Thuận An có thể là một khu đền tháp đồ sộ đã đổ nát. Người Thuận An xưa đã sử dụng gạch đá của khu tháp xây Lăng Miếu; phiến đá sa thạch có thể là một mảnh vỡ từ đền tháp được người xưa tái sử dụng khắc chữ Nho để gắn lên Miếu. Phiến đá sa thạch, những viên gạch và các mảnh ngói gắn trên trụ Miếu hiện nay là di vật trên ngàn năm tuổi.

Tại khu di tích đền tháp Phong Lệ, cách Miếu Xóm Thuận An vài cây số cũng có những mảnh ngói màu trắng nhờ giống như các mảnh ngói trên trụ Miếu. Từ những gì đã khai quật phát lộ cho biết đây là một cụm tháp đồ sộ, tháp chính chừng 30 mét, thuộc loại cao nhất so với những tháp hiện có ở miền Trung, có tháp cổng gắn với nhà dài dẫn đến tháp chính, có tường thành bao quanh. Niên đại và quy mô khu đền tháp này có thể cũng tương tự như khu đền tháp Thuận An.

Ông Tế cho biết, quá trình đô thị hóa, khu đất cũ thu hẹp dần. Miếu hiện nay xây dựng vào năm 2007, diện tích đất 170 mét vuông, nhỏ hơn nhiều so với trước. Chính ông đã cho gắn phiến đá sa thạch có chữ Nho và những viên gạch, mảnh ngói Chàm lên trụ Miếu để lưu lại dấu vết của người xưa. Theo lệ cũ, mỗi năm có hai ngày cúng Miếu, ngày 24 tháng chạp trước Tết, cùng lúc với Lăng Ông Bình Hòa, và ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch sau Tết.

Tôi hỏi ông về tứ chánh lương bằng tộc ghi trên phiến đá. Cũng như ông Nguyễn Văn Tấu, ông Huỳnh Ngọc Tế cho rằng tứ chánh lương bằng tộc là những dòng họ khắp nơi đã đến sinh sống khai phá đất đai làng Thuận An.

Thuận An và Bình Hòa ven sông Cẩm Lệ là địa vực của Phú Tài Tứ Chánh Man Sách xưa(1). Có thể khi người Man tại đây thu hẹp dần do hòa huyết với cư dân tại chỗ hoặc vì các nguyên nhân khác, và đơn vị cư trú là sách cũng không còn khác biệt như trước nữa, nên
dân cư tứ chánh/tứ chiếng trở thành chủ thể, là tứ chánh lương bằng tộc./.

 

Văn tế cầu an tại lăng ông Bình Hòa
(ngày 25.4.2018 – 10 tháng 3 Mậu Tuất)

Duy.
Việt Nam quốc, thành phố Đà Nẵng, quận Cẩm Lệ, phường Khuê Trung, Thu Lộ xứ, Bình Hòa lân.
Tuế thứ Mậu Tuất niên, tam nguyệt thập nhật thời.
Tư nhơn xuân tiết lệ lệ cầu an. Bổn thổ Thành hoàng tự, Bình Hòa lân.
Kim về: Toàn thể bổn lân, nam phụ lão ấu, thân hào nhân sĩ, đại tiểu đẳng.

Trạch trí chánh bái Nguyễn Văn Tấu, tả phân hiến… hữu phân hiến…
Cẩn dĩ: Phù lang hương đăng, hoa quả, kim ngân, tiền chỉ, thổ chỉ, minh y, sanh tư hào soạn, phẩm vật chi nghi.
Cẩn cáo vu.
Cung nghinh: Khai Hoàng hậu thổ ngọc thị nguyên quân, Cửu thiên huyền nữ thánh phi, Kim niên hành khiển hành binh chi thần, Kim niên thái tuế đức tôn thần.
Cung nghinh: Thiên Y A Na diễm phi chúa ngọc thượng đẳng thần, Thiên tiên công chúa, Hồng nương công chúa, Hỏa nương công chúa đương chánh vị chư thần, nam triều trấn trọng bác vị quân vương.
Cung nghinh: Bổn xứ Thành hoàng đại vương tôn thần, đương cảnh thổ địa phước đức chánh thần, Tây lăng thánh mẫu mã ô bồ tát tiên nương, Thái giám bạch mã đại vương tôn thần, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ngũ đức thánh phi tôn thần.
Cung nghinh: Hà bá thủy quan hà thương thủy thần, Thủy long thánh mẫu tôn nương, Ngũ phương kiều lương, Ngũ phương đạo lộ thần quan, Ngũ phương đạo lộ tài thần, Ngũ phương thổ công táo quân, Long thần địa kỳ,Thanh long bạch hổ châu tước, Huyền vũ, Đằng xà, Câu trận tôn thần, Tiên sư Thánh sư, Bá nghệ tiên sư, Hòa ôn đại thánh, Khương phụ tiên sinh, Tiêu diện đại sĩ, Đại lực qủy vương, Bổn gia trụ trạch thanh thương vương thần, Lý thuần phong vân mục tiên sinh, Bác bộng ủ lôi công thượng đẳng thần, Lôi công diễm mẫu thần quan, Ngũphương chư vị tài thần, Ngũ phương ngũ quỷ tài thần, Môn thừa hộ húy, Thần trà huất lũy, Môn hộ cấm kỵ thần quan tư lư chi thần, Chủ nguyên kế thế chi thần, Bổn xứ chư vị đương thần, Lồi vương chủ thổ, Chủ ngung đào nương ban mang (man) nương Nguyễn Thị Thục chi thần, Ngũ phương chủ thổ chi thần, Tiền hậu địa chủ tài thần, Thơ phong nguyệt tự, vua Mây, chúa Lồi, Thổ kỳ, Thổ chủ, Thổ phụ, Thổ mẫu, Thổ gia quyến thuộc thần quan, Lồi vương chủ thổ, Man di hào hố, Tam thập lục bộ âm hồn cô hồn, chiến sĩ trận vong, nạn nhân chiến tranh liệt vị. Cập bộ hạ đồng lai cảm cách. Bổn xã Tiền hiền hậu hiền. Bổn ấp Tiền hiền hậu hiền liệt vị.

Viết cung duy. Tôn thần
Hải hà biêu dị, sơn nhai chung linh, phất kiến phất văn, dương chánh khí, vô thanh vô xú, trại trại khuyết linh, hộ quốc tý dân, đức hà kỳ thạnh, an nhơn lợi vật, cộng bất khả danh, nam thiên thùy bảo hữu chi công, vĩ liệt hoằng mô hích hích, bắc khuyết trứ vinh bao chi điển, danh thạnh đức minh minh.
Trư phùng: Xuân thiên thích hĩ, phỉ lễ kiều hành, nguyện kỳ giám giám, tích dĩ khương minh. Hộ ấp nội, nhơn dân niên hưởng hòa bình chi phước, phò lân trungsĩ thứ, gia gia triêm lợi lộc chi tài. Ngưỡng lại tôn thầnphò trì gia huệ giả.
Phục duy cẩn cáo.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng


(1) Ảnh minh họa 1.
(2) Ảnh minh họa 2.
(3) Văn tế cầu an tại lăng ông Bình Hòa ở cuối bài.
(4) Võ Văn Thắng (chủ biên), Di tích Chăm tại Đà Nẵng, những phát
hiện mới, NXB. Đà Năng, 2014, trang 43.
(5) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập I, NXB. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2010, trang 339.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây