Ba mốc quốc giới qua huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giáp Lào bị sụt lún, dịch chuyển do sạt lở bờ sông vì mưa lũ.
Ngày 1/6, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị cho hay đoàn song phương cấp chuyên viên biên giới Việt Nam – Lào vừa khảo sát tình trạng sạt lở tại ba mốc quốc giới ở huyện Hướng Hóa.
Theo đó, toàn bộ đế mốc giới 585 nằm cạnh sông Sê Băng Hiêng, xã Hướng Lập, bị đổ nghiêng, móng đang nằm trên lớp cuội sỏi đáy sông mới hình thành do mưa lũ, sân hư hỏng hoàn toàn. Mốc giới dịch chuyển khỏi vị trí cũ 1,1 m.
Tương tự, hai mốc quốc giới khác là 607(1) ở xã Thanh và 606(1) ở thị trấn Lao Bảo, bị ảnh hưởng do sạt lở sông Sê Pôn. Mặt sân mốc 607(1) có vết nứt 2-3 mm, dài khoảng ba mét. Tường móng sân mốc giới đã bị sụt, hư hỏng tại một số vị trí, mặt đất xung quanh sụt lún. Bờ sông Sê Pôn cách chân mốc 607(1) khoảng 10 m, so với mép sông trước đây khoảng 38 m.
Trong khi đó mốc 606(1) chưa có dấu hiệu nghiêng lún, sân mốc còn nguyên vẹn, nhưng đoạn sông Sê Pôn cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện, mép sông có một số vị trí sạt lở, cách chân sân mốc khoảng 4 m, so với trước đây là 16 m.
Cán bộ biên phòng phát dọn cành cây vướng trên cột mốc 585 sau một cơn lũ. Ảnh: Quang Hà
Với cột mốc 585, đoàn khảo sát thống nhất dịch chuyển mốc đến vị trí mới, trong khi hai mốc còn lại đề nghị xây tuyến kè dài 740 m. Tuyến kè nhằm chống mở rộng xói lở, đảm bảo sự an toàn của các mốc quốc giới, nhằm nhận biết vị trí, hướng đi của đường biên giới trên sông Sê Pôn.
Quảng Trị có 59,77 km biên giới tự nhiên nằm giữa sông Sê Pôn, qua 7 xã, thị trấn giáp với Lào. Đoạn sông này dốc, nhiều vị trí gấp khúc, mùa lũ nước dâng cao 5-6 m, chảy xiết làm sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên. Việc đổi dòng chảy tự nhiên sẽ khiến thay đổi hiện trạng biên giới trên sông Sê Pôn.
Hoàng Táo