Một câu hỏi lớn không lời đáp – Huỳnh Văn Hoa

Một câu hỏi lớn không lời đáp

MỘT CÂU HỎI LỚN KHÔNG LỜI ĐÁP

          Xin mượn một câu thơ của Huy Cận trong bài thơ Các vị la hán chùa Tây Phương để làm tiêu đề cho bài viết này.

          Xưa nay, triết học và nghệ thuật vẫn luôn băn khoăn về con người, về ý nghĩa đích thực của đời người. Con người là sinh vật có tính xã hội. Con người xã hội là kẻ sáng tạo ra lịch sử, kẻ sáng tạo ra thế giới văn hóa vật chất của mình, và, theo nghĩa này, cũng sáng tạo ra bản thân mình. Con người làm ra tất cả và cũng thiêu hủy tất cả. Con người là một hố sâu thăm thẳm, không dễ khám phá. Nói như nhà văn Nguyễn Khải, đó là “một cõi nhân gian bé tí”, nhưng vời vợi, không cùng. Hữu Thỉnh có một bài thơ như thế về con người. Bài thơ có tên : Hỏi , như sau:

Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào ?
–  Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào ?
-Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào ?
– Chúng tôi đan vào nhau                                                                         
  Làm nên những chân trời
 Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào ?
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào ?
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào ?

Bài thơ có 6 câu hỏi. Ba câu đầu được trả lời. Ba câu sau không có lời đáp, sâu hút. Gần như là sự đối lập, đối lập giữa thiên nhiên, người mẹ vĩ đại của con người và con người, chủ thể sống gần gũi, thân thiết với thiên nhiên. Vì sao vậy? Những câu hỏi này không phải đến bây giờ mới xuất hiện ! 

Đất với đất tôn cao nhau, Nước với nước làm đầy nhau. Cỏ với cỏ đan vào nhau, làm nên những chân trời. Đằng sau các câu trả lời giản dị ấy là những khung trời ấm áp nghĩa tình. Tất cả đều giữ cho nhau, quyện chặt lấy nhau, cùng tồn tại và cùng làm đẹp nhau. Có thể thấy, ở đây, màu xanh của đất, của nước, của cỏ cây  như hòa trộn, làm nên một không gian đầy ắp, bát ngát và bao la tình.

Ba câu hỏi còn lại là những dấu hỏi lớn, treo lơ lửng giữa vũ trụ mênh mông, rợn ngợp của đời người. Không có câu trả lời nào dành cho con người!

Hữu Thỉnh không phải một lần mà nhiều lần đã mong đi tìm lời giải này. Ở một bài thơ lục bát, bài Tìm người, nhà thơ đã viết: 

Chiều rung chuông, chiều rung chuông
Có  con  chim  nhỏ bị thương  cuối  trời
Tôi nhớn nhác đi tìm người
Bước chân thì ngắn, đường đời thì xa.

Buổi chiều ấy có tiếng chuông rung. Có thể tiếng chuông chùa hoặc tiếng chuông của một nhà thờ. Cuối phương trời xa ngái, một con chim nhỏ bị thương. Và, tôi, trong buổi chiều cô đơn, lạnh lẽo đó, nhớn nhác đi tìm con người. Song, làm sao được, “bước chân thì ngắn, đường đời thì xa”. 

Con người vẫn là một thực thể sâu thẳm, khó hiểu. Ca dao có câu:”Sông sâu còn có kẻ dò/ Nào ai bẻ thước để đo lòng người”. Con người là gì? Từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Những câu hỏi như thế vẫn vang vọng lên từ bao đời nay.

Một chỗ khác, Hữu Thỉnh trăn trở:

Mẹ tôi hát nghìn câu có một câu chưa hát
Cha tôi gặp trăm điều có một điều chưa gặp
Hạnh phúc !

Vậy thì, những câu hỏi của nhà thơ băn khoăn về con người có bi quan không ?  Sao phải lặp đến ba lần ? Ba câu hỏi như vết cắt, cứ xoáy sâu vào con người, lạnh lùng: Tôi hỏi người… Tôi hỏi người… Tôi hỏi người…Người sống với người có yêu thương, có chia sẻ, có cảm thông cho nhau không? Nhà thơ bỏ lửng…

Diogen (404-323), triết gia cổ đại Hy Lạp, một ngày nọ, giữa ban ngày, ông đốt lên ngọn đèn và cầm nó đi giữa thành Athene. Có người hỏi, ông tìm gì? Ông đã trả lời: Tôi đi tìm con người. Câu chuyện ấy có thể có hoặc có thể không, song, đấy là vấn đề muôn thuở của triết học.

Hữu Thỉnh là nhà thơ đi ra từ chiến tranh, trưởng thành từ chiến tranh. Ông hiểu rõ cái giá của cuộc sống, của sự hy sinh, của hòa bình, của hạnh phúc, đồng thời, với độ nhạy của người nghệ sĩ, ông cũng hiểu :

Bão trời ta coi khinh
Bão người không chịu nổi
(Một thoáng làm người)

Chiến tranh có quy luật của chiến tranh. Hòa bình có quy luật của hòa bình. Cái cao cả của chiến tranh không đồng nghĩa và tương thích với thời kỳ lặng im tiếng súng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chuẩn bị rời căn cứ về thủ đô, Tố Hữu cũng đã từng cảnh tỉnh con người:

         Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng 
                    (Việt Bắc)

Nhưng, “Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay nghìn đắng” (Lời mẹ) . “Giữa gió bụi cõi người”, như cách nói của nhà thơ, vượt qua “cặn lắng của đời mình”, Hữu Thỉnh, với từng chặng đường thơ, đã và luôn “lấy tình yêu làm mái nhà che chở” (Trái đất chẳng rộng đâu) . Nghệ sĩ không có quyền hoài nghi về con người. Nói như một nhà nghiên cứu, một nghệ sĩ đích thực, về một phương diện nào đó, anh ta là một kiểu Jesus về tinh thần. Có một mệnh đề triết học ngỡ như mâu thuẫn nhau, đó là: không được thương con người nhưng không thể không thương con người .

Ở khía cạnh tích cực, bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh là hồi chuông gióng lên để vừa cảnh báo vừa bảo vệ con người, rằng là, trong cuộc đời này, cái đẹp, cái cao cả, nhân hậu bao giờ cũng mong manh như cánh hoa trước gió, còn cái xấu, cái ác thì bạo liệt, trâng tráo. Hữu Thỉnh không trả lời và nhường lời giải đó cho bạn đọc. Bài thơ đậm ý vị triết học là vậy!                                        

                                                                   HUỲNH VĂN HOA                     

       

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây