Một số đặc trưng bản thể của văn bản văn học
Tác giả: Nguyễn Thanh Tâm
Hành trình từ Các vấn đề của khoa học văn học (Chủ biên, Nxb KHXH, 1990) đến Từ văn bản đến tác phẩm văn học (Nxb KHXH, 1998), Tác phẩm văn học như là quá trình (Nxb KHXH, 2004), Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học Lukacs Gyorgy (Nxb KHXH, 2018), Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa (Nxb Văn học, 2021)… là những chỉ dấu quan trọng trên đường đến với tư duy lý luận văn học hiện đại của Trương Đăng Dung. Đi từ cái nhìn bao quát những đặc điểm của tư duy lý luận văn học tiền hiện đại, hiện đại, hậu hiện đại; tiếp đó chỉ ra đặc trưng và giới hạn của những mô hình lý luận văn học – mỹ học đang hiện diện; ông đã đề xuất các khả năng thay đổi nhận thức thông qua việc nghiên cứu, giới thiệu lý thuyết tiếp nhận vào Việt Nam. Bên cạnh những lý thuyết văn học nhằm kích hoạt tinh thần chủ thể – đối tượng nghiên cứu, hành trình của Trương Đăng Dung cũng chính là quá trình xác lập một bản sắc chủ thể trong lao động học thuật.
Ngay từ khi bước chân vào khoa học nghiên cứu văn học, Trương Đăng Dung đã mong muốn xây dựng hệ thống lý luận văn học như là một khoa học để giải quyết các vấn đề của văn học từ nguyên lý, bản thể. Sau thời gian học tập và nghiên cứu ở châu Âu trở về, từ 1985, Trương Đăng Dung quan tâm đến vấn đề phản ánh nghệ thuật trong lý luận văn học mác-xít. Trên tinh thần hiện tượng học, ông nhận ra, để có thể soi sáng đặc trưng của phán ánh nghệ thuật, không chỉ quan tâm đến mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo (nhà văn) và khách thể (hiện thực). Phán ánh nghệ thuật còn cần phải được nhận diện trên mối quan hệ giữa người đọc với văn bản – ngôn ngữ. Mỗi quan hệ này xác lập phương thức tồn tại của tác phẩm văn học. Từ sau 2000, Trương Đăng Dung tiếp cận các vấn đề lý luận văn học hiện đại và hậu hiện đại, trong đó nổi bật là lý thuyết tiếp nhận. Đây là hành trình để làm rõ hơn các vấn đề của phản ánh nghệ thuật và phương thức tồn tại của tác phẩm. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, phải nhận ra được đặc trưng bản thể của văn bản văn học. Chính tại đó, sự bất ổn của nghĩa trở thành câu chuyện trung tâm khi văn bản được cụ thể hóa trong các tình huống và môi trường diễn giải khác nhau (như tên cuốn sách của ông Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa, Nxb Văn học, – Giải thưởng Hội Nhà văn, 2021).
Câu chuyện chính của những giới hạn có thể là gì khác nếu không phải là hành trình của những bất ổn đã ươm mầm từ trong thực tại hợp lý rực rỡ nhất? Kẻ hài lòng với ánh sáng thì bằng an quên đi bóng tối dưới chân mình. Trương Đăng Dung không như thế. Với ông, ánh sáng là cơ hội để soi tỏ những giới hạn, làm hiện nguyên hình những bất ổn. Nhìn vào các vấn đề lý luận văn học – mỹ học mà Trương Đăng Dung quan tâm, có thể nhận thấy chiến lược trong tư duy nghiên cứu của ông. Thứ nhất, ông tìm hiểu hệ thống lý luận văn học ở Việt Nam để chỉ ra khả năng và giới hạn của nó. Từ đó ông nghiên cứu, giới thiệu các thành tựu của lý luận văn học phương Tây hiện đại với khát vọng vượt lên giới hạn. Đây là lúc có nhiều vấn đề đặt ra với nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, tư duy của lý luận văn học tiền hiện đại là gì? Đó là tinh thần thực chứng gắn với mô hình phản ánh mà khoa văn học mác-xít cũng là một đại diện tiêu biểu. Có điều gì bất ổn khi chúng ta đứng trước văn bản văn học? Đó là các khả năng của người đọc và tính độc lập của ngôn ngữ. Tính văn học như là đối tượng của khoa học văn học trong tinh thần hiện đại và hậu hiện đại được nhìn nhận trên bình diện mở, gắn với mỹ học tiếp nhận. Tư duy ấy cho phép các quá trình cụ thể hóa văn bản văn học được diễn ra, giải phóng chủ thể đọc khỏi bóng ma của tác giả. Đến đây, một câu hỏi có ý nghĩa bao quát không thể không đặt ra: phương thức tồn tại của tác phẩm văn học là gì? Văn bản văn học chỉ là hiện tượng thuần túy vật chất. Vậy, tác phẩm văn học ở đâu? Nói cách khác, bằng con đường nào, một văn bản văn học trở thành tác phẩm văn học? Dựa vào những thành tựu của triết học ngôn ngữ, Trương Đăng Dung đã phân tích quá trình tạo nghĩa của văn bản thông qua người đọc. Đó là quá trình tạo nghĩa không ngừng, luôn luôn bất ổn. Sự tiếp nhận, diễn giải của người đọc cấp nghĩa cho văn bản, ban cho nó đời sống. Có bao nhiêu sự đọc, cách đọc, thì có bấy nhiêu lần văn bản được sống đời tác phẩm. Quá trình ấy làm nên thân phận, lịch sử của một tác phẩm, thậm chí là lịch sử của một nền văn học. Từ đây, nhiều vấn đề khác cũng được soi sáng như sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật, văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa… Gốc rễ của câu chuyện chẳng hề đơn giản như ta vừa nói. Bởi lẽ, Trương Đăng Dung trước đó, đã nối kết những manh mối trong lịch sử triết học tinh thần – duy tâm từ E.Kant đến F.Hegel, W. Dilthey xuyên qua Lukacs Gyorgy (giai đoạn đầu) và dẫn đến các vấn đề về ý hướng tính trong tinh thần hiện tượng học của E. Husserl, về bản chất độc lập và khả năng minh giải hữu thể từ ngôn ngữ của M. Heidegger, về sự tồn tại của con người trong ngôn ngữ với H.G. Gadamer, tính chất không khép kín hay phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các ký hiệu ngôn ngữ với hiện thực của J. Derrida,…
Quá trình nghiên cứu nghiên cứu những thành tựu của tư duy lý luận văn học hiện đại và hậu hiện đại, có những quãng người ta thấy Trương Đăng Dung dừng lại thật lâu. Khi đó, những câu hỏi lớn, gai góc và thách thức đã vây lấy ông. Giới hạn của lịch sử văn học là gì? Giới hạn của phê bình văn học? Giới hạn của cộng đồng diễn giải? Giới hạn của phản ánh nghệ thuật trong mỹ học Lukacs (Đại diện ưu tú của mỹ học mác-xít)? Giới hạn của lý thuyết văn học nước ngoài ở Việt Nam?… Trương Đăng Dung đã trả lời những câu hỏi này một cách thấu đáo trên tinh thần học thuật nghiêm túc, nối kết giữa thực tại lý luận trong nước với những thành tựu có tính móng nền của tư duy lý luận văn học Âu – Mỹ hiện đại. Ở một góc nhìn khác, như cách hình dung của tường giải học bản thể, thông qua những đóng góp ấy, Trương Đăng Dung tường giải chính mình.
Lịch sử văn học có phải là tất cả những gì đã có thuộc về văn học? Cái gì đã có? Chúng ta dễ dàng nhận ra đó là những tác phẩm. Tuy nhiên, bản thân tác phẩm không phải toàn bộ lịch sử văn học. Chính vì thế, Trương Đăng Dung đã nhấn mạnh thêm quá trình tiếp cận với những cái đã mất. Cái đã mất ở đây là môi trường của tác phẩm. Đó có thể xem là một giới hạn. Giới hạn này được tiếp sức bởi những thiết chế quy chiếu lên quá trình phục dựng lịch sử văn học. Không những thế, ngay trong những nỗ lực tiếp cận cái đã có – đã mất, giới hạn vẫn tiếp tục bủa vây khi nó đẩy kẻ thám hiểm vào vực thẳm của những biến cố lịch sử nằm sâu trong cấu trúc tác phẩm. Làm sao để mường tượng ra lịch sử văn học trong những giới hạn như vậy? Trương Đăng Dung đề xuất một lược đồ với hi vọng sẽ mang đến cho chúng ta một hình dung đầy đủ hơn. Đó là lịch sử thể loại, lịch sử của tác phẩm, lịch sử của các phương pháp tiếp cận, lịch sử đọc – diễn giải, lịch sử của những cấu trúc đang chờ diễn giải. Những bình diện này chứa trong lòng nó các thực tại đã có và đã mất liên quan đến văn học. Đi xa hơn thế, ông đề xuất một lịch sử dự phóng trong các cấu trúc chờ diễn giải (như là cái sẽ có). Đó dường như là một gửi gắm mang ý niệm về những lịch sử văn học được viết tiếp, “những suy tư còn để ngỏ của văn bản” trên đường “về nơi mà văn bản hướng tới” trong hành trình của nhân loại.
Lịch sử văn học cùng với phê bình và lý luận là ba bộ phận cấu thành nên khoa văn học. Khi quan sát hệ thống này, Trương Đăng Dung nhận ra giới hạn của phê bình văn học trong tương quan với các chủ thể và thành tố khác trong cấu trúc ngành. Không chỉ như vậy, giới hạn của xã hội – lịch sử, của văn bản văn học, của chính nhà phê bình đã không ngừng tạo dựng “những bức tường” khiến cho phê bình phải đối diện với những giới hạn, trở nên lúng túng, thỏa hiệp. Dù là phê bình khoa học hay nghệ thuật, phê bình chủ quan hay khách quan, Trương Đăng Dung luôn băn khoăn về tình trạng suy lý luận trong các diễn ngôn phê bình. Ngay cả lý luận văn học mác-xít là lĩnh vực gần gũi và tưởng như chúng ta am hiểu nhất cũng chưa được nghiên cứu một cách thỏa đáng. Sau tất cả, giới hạn lớn nhất của phê bình lại là sự đối diện với tình thế “mở” của văn bản. Làm sao để nhà phê bình có thể quy chiếu khái quát, định dạng được giá trị, nghĩa, ý nghĩa của văn bản khi anh ta cũng chỉ là một người đọc? Trong khi đặt ra câu hỏi có tính bản mệnh nhưng hàm chứa giới hạn bất khả giải, Trương Đăng Dung đành phải đề cao đạo đức (tri thức học vấn và trái tim nhiệt huyết) của nhà phê bình như là niềm tin để khắc phục giới hạn.
Đời sống của tác phẩm văn học gắn với việc cụ thể hóa có chủ ý của người đọc, đồng thời tham chiếu, tích hợp các khả năng đến từ “cộng đồng diễn giải”. Trương Đăng Dung đã xâu chuỗi quan niệm của các nhà lý thuyết tiếp nhận để hình dung quá trình từ người đọc tiềm ẩn đến hành động đọc và thế giới của sự diễn giải nhằm chỉ ra tính chủ động và thụ động của người đọc. Tính thụ động đó có thể xem là một giới hạn, thậm chí ngay trong sự chủ động đã cất giấu nhiều bất ổn mà cá thể hay tập thể cần phải luôn cảnh giác. Căn nguyên của những bất ổn ấy nằm ở ngôn ngữ, khi nó như một “con tắc kè hoa”, có khả năng phản bội con người. Không những thế, trên nền tảng của hiện tượng học, những đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa các chủ thể, giữa các tầm đón đợi và kinh nghiệm thẩm mỹ đã đặt diễn giải vào một cấu trúc đa hệ thống. Trong cấu trúc ấy, người đọc, sự diễn giải luôn luôn được kích hoạt theo tinh thần chủ thể nhưng cũng luôn bị giám sát và chất vấn. Ông không ngừng nhấn mạnh vào vai trò của người đọc trong hành trình cụ thể hóa văn bản văn học, nhưng ông cũng luôn khắc khoải bởi bóng ma của người đọc tiềm ẩn là hiện thân của tác giả hàm ẩn cùng những ràng buộc phức tạp từ văn bản, tác giả. Mở rộng hơn vấn đề, Trương Đăng Dung bắc một cây cầu từ Stanley Fish đến U. Eco để xem xét giới hạn của cộng đồng diễn giải, giới hạn của tác phẩm mở. Cộng đồng diễn giải liệu có phải là một cách nói về quyền uy của các thiết chế? Và nếu thế, phải chăng Stanley Fish đã đề cập đến câu chuyện của các nhà xã hội học? Không phủ nhận sự tồn tại của các cộng đồng diễn giải, nhưng theo chúng tôi, đóng góp quan trọng của Trương Đăng Dung chính là việc ông khu biệt được cộng đồng diễn giải mang “bản tính tự nhiên”, “tái tạo liên tục các cấu trúc tình cảm” và chịu sự chi phối của các “quy phạm” (Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2021, tr. 296, 297). Gắn vào trường hợp Việt Nam, Trương Đăng Dung cho rằng, cộng đồng diễn giải ở nước ta còn chịu sự chi phối của mô hình phản ánh. Đó là một giới hạn cần phải được ý thức trong sự vận động thực sự của văn học.
Với lịch sử tiếp nhận lý thuyết nước ngoài trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam, Trương Đăng Dung đã gợi lên những giới hạn mà bất cứ ai quan tâm đến nó đều phải tự mình tiên liệu. Việc giới thiệu lý thuyết không hệ thống chính là điểm bất ổn đầu tiên. Cùng với đó là sự ngộ nhận về tính phổ quát và ngẫu nhiên của lý thuyết. Lý thuyết có phổ quát không? Làm sao để áp dụng lý thuyết Âu – Mỹ cho các điển phạm văn chương bản địa? Lý thuyết được tạo nên từ những khái quát ngẫu nhiên, nhưng lý thuyết lại không “vô tư”, không tự biết mình ngẫu nhiên. Thành ra, lý thuyết, mà chính xác hơn là những ứng dụng lý thuyết, đã bộc lộ tham vọng khái quát các thực tại văn chương khác bên ngoài nó. Chưa hết, sự du hành của lý thuyết (như cách nói của E. Said) trong các cộng đồng khác nhau làm nảy sinh những diễn giải khác nhau, tùy thuộc vào các định chế bản địa mà nó ký sinh, cư trú. Với hoàn cảnh Việt Nam, chất vấn các giới hạn của lý thuyết lại càng là một điều cần thiết bởi những tình thế văn hóa – chính trị – xã hội cũng như truyền thống ứng xử của cộng đồng học thuật. Điều này sẽ được Trương Đăng Dung làm rõ hơn trong những diễn giải về mỹ học mác-xít với những đại diện tiêu biểu nhất (G. Lukacs và Ch. Caudwell). Bất ổn được hình dung từ biên giới của nhận thức về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật, nơi các giao tranh tư tưởng hệ tỏa bóng lên nghệ thuật. Trọng tâm xem xét để chỉ ra giới hạn của lý luận văn học mác-xit từ góc nhìn của Trương Đăng Dung chính là mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, giữa thực tại khách quan (hiện thực bên ngoài) và thực tại trong tác phẩm nghệ thuật (hiện thực bên trong, mang tinh thần, thái độ của chủ thể). Trương Đăng Dung đã nhìn thấy “Hai mô hình lý thuyết trên một vấn đề”, nhận ra những tương đồng và khác biệt, giới hạn và cả những khả năng cho phép hình dung một cách đầy đủ hơn về phản ánh nghệ thuật. Lý luận văn học mác-xít ở Việt Nam dường như gần gũi hơn với mô hình Lukacs (một mô hình Lukacs ở Việt Nam), nhưng cũng vì thế mà nó bộc lộ những hạn chế nhất định. Giới thiệu mô hình Ch.Caudwell, Trương Đăng Dung đã thúc đẩy nhận thức và tư duy lý luận văn học vượt qua giới hạn, trả lời cho câu hỏi: đặc trưng của phản ánh nghệ thuật là gì? Cùng với đó, việc dịch và giới thiệu lý thuyết tiếp nhận, một số bình diện của triết học ngôn ngữ, bản thể luận văn bản văn học, nghệ thuật và chân lý khách quan… sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong tư duy lý luận văn học ở Việt Nam.
Nhận ra sự bất ổn trong học thuật mà rộng hơn là những bất ổn, giới hạn của các tình thế tồn tại, Trương Đăng Dung luôn thấy mình bất an. Trước sự bất ổn của đối tượng nghiên cứu như là văn bản văn học, Trương Đăng Dung đã tìm kiếm những tri thức triết học và mỹ học, trong đó quan trọng là triết học ngôn ngữ và mỹ học tiếp nhận để xây dựng một hệ thống lý luận văn học như là mỹ học của văn chương. Trước những bất an trong cảm nhận về tồn tại người, ông cần đến một thứ diễn ngôn khác với diễn ngôn khoa học. Đó là sáng tạo thi ca (Những kỷ niệm tưởng tượng, 2011 – Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội; Em là nơi anh tị nạn, Nxb Văn học, 2020). Khoa học hay nghệ thuật, các văn bản của Trương Đăng Dung cũng luôn nằm trong cơ chế mở, cấu trúc động, chờ đối thoại – giao tiếp. Đó là con đường của hi vọng, nhận diện các bất ổn, thông tri với niềm bất an, mở ra những thế giới đóng kín của tha nhân và tự ngã (Gabriel Marcel).
Văn nghệ số 8/2022