NASA: Thềm băng ở Nam Cực đang vỡ vụn nhanh hơn dự báo

NASA: Thềm băng ở Nam Cực đang vỡ vụn nhanh hơn dự báo
Các vết nứt xuất hiện ở vùng rìa của thềm băng Getz cao 60m ở Nam Cực. (Ảnh: Reuters)

Các sông băng ven biển ở Nam Cực đang vỡ vụn nhanh hơn tốc độ bổ sung băng tự nhiên, với lượng băng mất đi nhiều gấp đôi so với các dự đoán trong vòng 25 năm qua.

Trên đây là kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh trong một nghiên cứu lần đầu được triển khai bởi các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín Nature đã làm dấy lên mối lo ngại mới về thực trạng biến đổi khí hậu đang làm suy yếu các thềm băng nổi ở Nam Cực cũng như đẩy nhanh tốc độ dâng mực nước biển trên toàn cầu.

Phát hiện chính của nghiên cứu là tổng lượng băng ở Nam Cực mất đi do sự vỡ vụn của các sông băng ven biển gần bằng lượng băng ròng đang biến mất do sự mài mòn khi nước biển ấm lên khiến các thềm băng bị tan chảy dần từ bên dưới.

Dưới tác động kép của 2 quá trình mài mòn và vỡ vụn, khối lượng các thềm băng ở Nam Cực đã giảm 12 nghìn tỷ tấn kể từ năm 1997, gấp đôi con số ước tính được giới khoa học đưa ra trước đó.

Theo nhà khoa học Chad Greene, tác giả chính của nghiên cứu, lượng băng Nam Cực biến mất do sự vỡ vụn của các sông băng trong 25 năm qua bao phủ gần 37 nghìn km2, xấp xỉ diện tích của đất nước Thụy Sĩ.

Hinh anh mot them bang o Nam Cuc chup tu ve tinh min - NASA: Thềm băng ở Nam Cực đang vỡ vụn nhanh hơn dự báoHình ảnh một thềm băng ở Nam Cực chụp từ vệ tinh. (Nguồn: NASA/Reuters)

“Nam Cực đang chứng kiến sự vỡ vụn của các sông băng ở vùng ngoài rìa. Khi các thềm băng bị thu hẹp và suy yếu, các sông băng khổng lồ ở lục địa này có xu hướng tan nhanh hơn và đẩy nhanh tốc độ dâng mực nước biển trên toàn cầu”, ông Greene cho hay, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Các thềm băng – những tảng băng nổi gắn chặt với đất liền – phải mất hàng nghìn năm để hình thành và có vai trò giống như những cột trụ giữ lại các sông băng, để ngăn không cho các sông băng này trượt ra đại dương gây tình trạng nước biển dâng.

Khi các thềm băng ổn định, chu kỳ vỡ vụn và tái bổ sung băng tự nhiên trong một khoảng thời gian dài giúp kích thước của chúng gần như không thay đổi. Tuy nhiên, theo NASA, trong vài thập kỷ gần đây, sự ấm lên của các đại dương đã làm suy yếu các thềm băng từ bên dưới.

Trong nghiên cứu của mình, Greene và các cộng sự đã tổng hợp hình ảnh vệ tinh từ các bước sóng radar và hồng ngoại nhìn thấy được để lập biểu đồ dòng chảy và sự vỡ vụn của sông băng từ năm 1997 một cách chính xác hơn bao giờ hết dọc bờ biển dài 30 nghìn dặm của Nam Cực.

Kết quả cho thấy, lượng băng mất đi do sự vỡ vụn của các sông băng vượt trội so với lượng băng bổ sung tự nhiên của thềm băng. Các nhà nghiên cứu đánh giá, mật độ băng ở Nam Cực rất khó có thể trở lại như thời kỳ trước năm 2000 vào cuối thế kỷ này.

HOÀI VĂN

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây