Ngày Xuân nói chuyện cây Sung – Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Nhân dân ta rất thích trồng cây Sung và trưng bày Sung cảnh (bonsai) trong ngày Tết. Trong mâm ngũ quả ngày Tết bao giờ cũng có thêm một chùm quả Sung. Theo quan niệm dân gian, Sung là loại cây mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tràn đầy, viên mãn… được nhiều người ưa chuộng.

h1 min - Ngày Xuân nói chuyện cây Sung - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiSung đứng đầu trong bộ Tam đa, xếp vào nhóm cây Tứ quý.

Sung được coi là loại cây không thể thiếu trong dịp Tết. Trong nghệ thuật cây cảnh, Sung được đứng đầu trong bộ Tam đa: Phúc (sung), Lộc (lộc vừng) và Thọ (vạn tuế). Cây Sung cũng được xếp vào nhóm cây Tứ quý: Sanh – Sung – Tùng – Lộc. Trong mâm ngũ quả ngày Tết, thường có: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài (cách gọi chệch âm tên các loại quả thành “Cầu sung vừa đủ xài” với mong ước sung túc, đầy đủ).

Cây Sung có tên khoa học Ficus Racemosa, thuộc họ Moraceae (Dâu tằm), là loài cây thân gỗ lớn, cao khoảng 15-20m, có bộ rễ rất khỏe và ăn sâu, chịu được ngập úng, thường mọc hoang ở những vùng đất ẩm như ven ao, hồ, sông, suối, ven rừng hoặc trong rừng sinh thái ẩm ướt quanh năm thuộc các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, phân bố ở Trung Quốc (miền nam tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam) và Việt Nam, Ấn Độ, Nepal

h2 min - Ngày Xuân nói chuyện cây Sung - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiChùm quả Sung không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết, gồm có: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

Vỏ thân cây màu nâu ánh xám, nhẵn. Lá Sung hình trứng – mũi mác nhưng dài và nhọn ở 2 đầu, dài khoảng 10 – 12cm, rộng khoảng 5 – 6cm. Khi còn non, lá có màu xanh lá mạ và có lông tơ bao phủ. Khi già, lá chuyển sang màu xanh đậm và có những u cục rỗng trên mặt.

Hoa Sung đơn tính nhỏ, ngắn, mọc thành chùm từ gốc lên thân và các cành lớn, đôi khi ở nách lá trên cành non. Mỗi năm, cây sung có thể ra hoa 2 lần. Mùa Xuân đến, cây Sung vươn cành, ra lá và đơm hoa. Sang Thu, thân và cành Sung lại ra hoa một lần nữa.

Quả Sung chính là tập hợp của nhiều hoa sung nhỏ tạo thành quả giả. Bên ngoài giống như một đế hoa, bên trong mọc tủa tủa những cánh hoa li ti và được khép kín lại thành hình tròn, giống như quả vậy. Quả Sung, thực chất là hoa, lớn dần, vỏ ngoài từ màu xanh chuyển sang ửng hồng rồi  đỏ thẫm, chín và rụng rất nhanh, nên dân gian có câu: “rụng như sung”.

h3 min - Ngày Xuân nói chuyện cây Sung - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiQuả Sung có thể làm thực phẩm và có tác dụng chữa bệnh.

Khi hoa nở, một mùi hương, quyến rũ, ngọt lịm tỏa ra từ một lỗ nhỏ trên đầu trái, khiến cho các loài côn trùng nhỏ tìm cách chui vào bên trong. Chính vì thế, khi bổ trái Sung thường thấy có côn trùng ở trong đó.

Theo truyền thuyết Phật giáo, hoa cây Sung còn gọi là hoa Ưu đàm. Ưu đàm, tiếng Phạn gọi là Udambara, cây này sinh ra hoa ưu đàm, 3000 năm mới nở một lần nên gọi là Linh hoa thụy (hoa điềm linh). Khi hoa Ưu đàm xuất hiện thì sẽ có bậc Kim Luân Vương xuất hiện hoặc điềm lành sẽ đến. Kinh Pháp hoa có nhắc lại lời Phật: “Thật khó mà gặp hoa Ưu đàm.”

Quả Sung và lá Sung có thể làm thực phẩm và có tác dụng chữa bệnh. Quả Sung thường dùng muối ăn như cà muối, luộc ăn với nước chấm hoặc kho. Lá Sung non có thể ăn sống như rau, ăn kèm cho mớn nướng, món gỏi thêm đậm đà.

h4 min - Ngày Xuân nói chuyện cây Sung - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiLá sung có nhiều hiệu quả chữa bệnh tuyệt vời.

Quả Sung xanh còn có thể làm gỏi trộn thịt luộc, hầm chân giò thành món canh lợi sữa cho sản phụ, giảm viêm khớp cho người lớn tuổi. Khi chín, quả Sung mềm, dơn dớt ngọt, có thể ăn tươi hoặc làm mứt hoa quả, chế biến thành rượu hay giã nát, ép lấy nước cốt chữa bệnh hen phế quản; sao khô tán bột pha nước uống chữa viêm loét dạ dày; thái nhỏ rang vàng hãm nước sôi uống mỗi ngày chữa tỳ vị hư nhược hay rối loạn tiêu hóa…

Theo y dược cổ truyền, quả Sung ngọt có vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp… và lá Sung có tính bình, vị ngọt nhẹ có tác dụng tốt trong việc giúp tăng cường hệ tiêu hóa, làm sạch đường ruột, giải độc…

Qua nghiên cứu, trong 100g quả sung có chứa các chất sau: Protéin 1g, chất béo 0,4g, đường 12,6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0,4mg, caroten 0,05mg, vitamin B1 0,04mg, B2 0,03mg, PP 0,3mg và C 1mg… Trong 100g lá sung tươi có các thành phần sau: nước 75,0g, protein 3,4g, lipid 1,4g, cellulose 4,8g, dẫn xuất không protein 12,3g, khoáng toàn phần 3,1g… Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, quả Sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư..

Lá Sung rửa sạch, hong khô thêm chút giấm ăn, giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh dùng để chữ bệnh Zona; sắc lấy nước, dùng bông hoặc khăn mềm tẩm nước thuốc, bôi lên chỗ bị bệnh chữa bệnh thủy đậu; phơi khô, sao vàng, tán bột mịn, trộn đều với mỡ lợn, bôi vào nơi bị bỏng để trị bỏng. Lá Sung cùng với hoài sơn (sao vàng), lien nhục, dảng sâm, thục địa (chích gừng), hà thủ ô (chế), táo nhân (sao đen) tán mịn và ngãi cứu tươi (sắc lấy nước), thêm mật ong dùng để chữa suy nhược cơ thể do khí huyết kém.

Vỏ cây Sung dùng để chữa sốt rét, phong thấp và nhựa của thân cây hay quả Sung xanh dùng để chữa mụn nhọt, bắp chuối và sưng vú. Ngoài ra, nhựa Sung còn dùng để chữa chứng đau đầu.

Trong sách Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã dùng nhựa Sung chữa các loại đinh nhọt và dùng lá Sung non chữa trẻ em bị lở ghẻ. Trong sách Bách gia trân tàng, Hải Thượng Lãn Ông dùng lá Sung tật nấu nước cho uống và xông rửa mặt chữa trên mặt bị nổi từng cục u nhỏ sưng đỏ.

h5 min - Ngày Xuân nói chuyện cây Sung - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiNgười dân thích trưng bày cây Sung cảnh (bonsai) trong ngày Tết.

Ở Ấn Độ, rễ Sung dược dùng chữa lỵ, nhựa rễ cây dùng chữa tiêu khát (đái tháo đường); lá sung sấy khô, tán bột, trộn với mật ong chữa bệnh túi mật; quả dùng chữa rong kinh và khạc ra máu; nhựa Sung dùng chữa bệnh trĩ và tiêu chảy. Người Ấn Độ cũng dùng quả Sung ngọt để giải khát và bổ dưỡng. Người Trung Quốc dùng làm thuốc chữa táo bón, viêm ruột, hầu họng sưng đau, bổ dạ dày, giải độc. Sung ngọt còn dùng chế biến thành mứt ăn bổ huyết. Ở Inđônêxia, Sung dùng chữa bệnh đau dạ dày và ruột, ngộ độc, rắn cắn.

Quả Sung cung cấp chất xơ lớn có tác dụng giảm cân hiệu quả, thường khuyên dùng cho những người béo phì. Để giảm cân hiệu quả bạn có thể ăn Sung trực tiếp, trung bình mỗi ngày từ 1 – 2 chùm. Ngoài ra, hãy đem chúng ngâm với muối ớt, giấm trắng ăn dần cũng khá hiệu quả.

Quả Sung được phái đẹp ưa chuộng vì tác dụng của quả Sung rất tốt cho da. Quả Sung có chứa nhiều vitamin A và C giúp làn da luôn sáng đẹp, mịn màng và tươi sáng. Ngoài ra, các khoáng chất trong quả Sung sẽ giúp làn da ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện mụn nhọt, mụn cóc… Do đó, quả Sung làm cho làn da của bạn mềm mại và dẻo dai, có thể được sử dụng như một phương thuốc chữa trị chứng tăng sắc tố da, mụn trứng cá, tàn nhang và nếp nhăn.

Ngoài ra, quả Sung có tác dụng tốt đối với tóc. Hàm lượng khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, magie, và các vitamin nhóm B trong quả Sung sẽ giúp nuôi dưỡng tóc chắc khỏe, bảo vệ chân tóc, ngăn ngừa tình trạng gãy và rụng tóc thường gặp. Quả Sung rất phổ biến trong ngành công nghiệp chăm sóc tóc vì chiết xuất của chúng được sử dụng để tạo ra các loại dầu dưỡng tóc tuyệt vời.

Ngày nay, Sung có mặt trong các nhà hàng đặc sản với các món: Sung muối chua đóng lọ, Sung kho cá, sung chấm muối vừng, Sung xanh ăn gỏi… và cây Sung với vẻ đẹp đặc biệt, đã trở thành cây cảnh không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt, nhất là khi Tết đến, Xuân về. 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây