Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta – Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Cờ người là một hình thức mượn con người để minh họa cho một ván cờ Tướng được kẻ đậm trên sân đấu bằng phẳng

Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta

Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Cờ người là trò chơi thể hiện rõ nét trí tuệ và bản sắc của dân tộc Việt với dấu ấn rõ nét của nghệ thuật diễn xướng dân gian qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng ở miền Bắc hay kết hợp những màn biểu diễn võ thuật đặc sắc ở miền Trung, miền Nam. Không biết Cờ người có từ bao giờ nhưng cứ mỗi lần có hội hè, lễ Tết thì người ta lại thấy nhiều địa phương trên cả nước tổ chức Cờ người.

Độc đáo, hấp dẫn thi đấu Cờ người ở nước ta

Cờ người thực ra là một hình thức mượn con người để minh họa cho một ván cờ Tướng do 2 kỳ thủ trực tiếp thi đấu trên sân.

Một bàn cờ lớn được kẻ đậm trên sân đấu bằng phẳng. Ba mươi hai võ sinh thủ diễn 32 quân cờ từ Tướng đến Tốt mặc những bộ tranh phục hai màu xanh, đỏ chia thành hai 2 phe, trên áo mỗi người có ghi tên một con cờ tướng (như Xe, Pháo, Mã, Tốt…). Sau phần khai mạc, mười quân Tốt múa hai dãy cờ tiến vào giữa sân trong tiếng trống thúc quân dồn dập. Lần lượt từng loại quân cờ sử dụng nhiều loại binh khí cổ truyền như mã đao, tề mi côn, song xỉ, song giãn, trường kiếm, đại đao… vừa biểu diễn kỹ thuật đặc trưng của Võ cổ truyền dân tộc vừa tràn vào sân.

Khi quân sĩ hai bên đã chiếm lĩnh vị trí trong tư thế chiến đấu, hai Tướng xuất hiện từ hai phía bàn cờ tiến vào trung tâm. Tướng đỏ là một võ sinh mang hia đội mão, hiên ngang trong chiến bào, tay trái vuốt râu, tay phải cầm binh khí múa một đường quyền và chỉ Tướng xanh khiêu chiến. Tướng xanh là một võ sinh không kém phần oai phong lẫm liệt cũng cầm binh khí múa tít một đường quyền sẵn sàng nghênh chiến. Hai tướng biểu diễn những đòn thế giao đấu giữa tiếng reo hò của quân sĩ. Trống thu quân vừa đánh xong, chỉ trừ hai tướng đứng ở trung cung, tất cả các quân còn lại đều ngồi xếp hàng trên sân đúng vị trí của mình.

H2 min - Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta  - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiMỗi nước đi là một cách di chuyển bộ pháp dựa trên các thế tấn và quyền cước hoặc biểu diễn binh khí

Phát thanh viên đọc những nước đi đầu tiên của hai kỳ thủ và các quân cờ bắt đầu di động. Mỗi nước đi là một cách di chuyển bộ pháp dựa trên các thế tấn và quyền cước hoặc biểu diễn binh khí. Khi người đánh cờ Tướng đi nước cờ nào thì quân cờ người tương ứng sẽ di chuyển theo từng nước cờ trên bàn cờ ở sân. Khi có một quân cờ tướng bị chết thì một người đóng vai con cờ tương ứng sẽ ra khỏi sân để nhường chỗ cho người đóng vai con cờ thắng đến chiếm vị trí.

Hai người đánh cờ Tướng cứ đánh cờ cho đến khi có một người thua, ván cờ Tướng chấm dứt thì Cờ người cũng kết thúc.

Nếu như các hội Cờ người ở miền Bắc, tiến trình của hội Cờ người mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng. Thì các hội Cờ người ở miền Trung và miền Nam, phần biểu diễn của các “quân cờ” có phần sống động. Khi cờ trống lệnh đưa ra, quân cờ phải xuất tiến tới, tấn công quân cờ đối phương bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, hay đi một bài quyền, hoặc giáp lá cà dùng binh khí vô hiệu hoá, đánh ngã đối phương…

Mỗi nước cờ được gắn liền với một thế võ tương ứng khác nhau. Để thực hiện được điều này đòi hỏi các “quân cờ” không chỉ am hiểu Võ cổ truyền mà còn thành thục từng thế võ. Vì vậy, để được chọn vào đội thi đấu Cờ người, các võ sinh được huấn luyện võ thuật rất nhuần nhuyễn, công phu từ ba đến năm năm.

H3 min - Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta  - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiQuang cảnh thi đấu Cờ người tại Lễ Hội Chùa Vua (ảnh Internet)

Thi đấu Cờ người – nét văn hóa độc đáo tại Lễ hội Chùa Vua

Hàng năm, vào đầu Xuân năm mới, mùng 6 đến mùng 9 tháng Giêng Âm lịch, nhiều kỳ thủ từ khắp các tỉnh, thành đã nô nức về Chùa Vua (17 Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – nơi thờ Đế Thích (vị thần cao cờ nhất và được xem là vua cờ) để tham gia Lễ hội Cờ độc đáo, hấp dẫn nổi tiếng nhất đất Hà Thành.

Từ xa xưa, dân gian coi Đế Thích giỏi cờ nhất cả cõi người, cõi trời. Tương truyền, đến đời Lê, vì ngưỡng vọng Đế Thích, một vị hoàng tử nhà Lê mê cờ đã chọn Chùa Vua làm trung tâm đấu Cờ tướng của Kinh đô Thăng Long. Tục lệ mở hội đánh Cờ tướng được lưu giữ từ đó đến nay.

Trong Lễ hội Cờ, Cờ tướng được tổ chức dưới 3 hình thức là: Cờ bàn, Cờ thẻ và đặc biệt Cờ người, với 32 người; trong đó có 16 nam thanh, 16 nữ tú sẽ đóng vai các quân cờ, minh họa trực tiếp ván cờ của các kỳ thủ trên sân. Đây là bản sắc văn hóa dân tộc đặc thù không đâu có được ngoài Việt Nam, là trò chơi không thể thiếu vào dịp lễ đầu Xuân.

H4 min - Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta  - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiThi đấu Cờ người phổ biến ở các lễ hội tại miền Bắc (ảnh Internet)

Đấu Cờ người ở Kẻ Rỵ

Cuộc đấu Cờ người ở Kẻ Rỵ, xã Thiệu Trung (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thường tổ chức vào các ngày hội Xuân mùng 9, mùng 10 tháng 2, là trò chơi nổi tiếng qua câu nói dân gian: “Rượu Kẻ Mơ, cờ Kẻ Rỵ”. Kẻ Mơ là làng Hoàng Mai, thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nổi tiếng về rượu nấu ngon; còn Kẻ Rỵ thì nổi tiếng về chơi Cờ người.

Đấu Cờ người ở Kẻ Rỵ theo trình tự như sau: Trước hết, làng chọn những cao thủ chơi cờ lại nắm vững luật cờ Kẻ Rỵ. Đó là luật diễn binh (biểu diễn quân cờ) và việc thay biển (bằng Hán tự) mang tên quân cờ, từ tướng, sĩ, tượng… sang đồ bát bửu như kiếm, mác, phủ, việt.

Quân cờ được chọn từ những nam thanh nữ tú. Vai nam thì khăn điều, áo xếp, xà cạp. Vai nữ thì khan vành dây, áo mớ ba, mớ bảy, hài cườm… Hai người đóng vai tướng ông, tướng bà cũng phải đủ mũ mão, cân đai, cờ quạt, hoa hài đầy đủ, cho thật oai vệ.

Sân cờ được lập ngay bên cạnh miếu bà. Đặc biệt, hai “buồng tướng” là 2 sàn cao có mái che giống như sân khấu nhỏ, làm nơi để tướng ra múa hát. Làng còn chỉ định 2 tổng cờ chịu trách nhiệm điều khiển cuộc đấu, rao cờ khi mở đầu, chỉ huy quân phe diễn cờ và đổi quân.

Sau ba hồi chín tiếng trống, người tổng cờ diễn binh trên sân cờ và quân tướng yên vị, liền đó, 2 đấu thủ chính thức nhập cuộc. Tổng cờ cầm chiếc trống gõ vừa rao cờ. Các biển ghi tên từng quân cờ, do từng cô gái cầm, được sơn son thếp vàng, mặt chữ hướng sang phía đối phương. Xong lần lượt 2 tướng ra sàn múa hát, gọi là giáo cờ.

Hội cờ người Kẻ Rỵ chia làm 2 loại: Cờ ván và Cờ trận.

Cờ người võ thuật ở miền Trung và miền Nam

Trước năm 1987 khi chơi cờ người những người tham gia đóng vai các quân cờ chỉ biểu diễn các động tác võ thuật chiếu lệ như trong nghệ thuật tuồng, chèo. 2 danh thủ Lê Thiên Vị và Quách Anh Tú đưa ra ý tưởng về việc kết hợp võ thuật thực sự vào bộ môn cờ người, theo họ 32 người tham gia đóng thế phải là những võ sinh có đẳng cấp nhất định để thể hiện những bài quyền cước, giao đấu một cách chân thật và sống động. Ý tưởng này được 2 Võ sư Lê Văn Vân (môn phải Bình Định Sa long cương) và Hồ Tường (Võ lâm Tân Khánh Bà Trà) đưa vào thực tiễn.

H5 min - Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta  - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiBiểu diễn Cờ người võ của môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (ảnh Internet)

Buổi biểu diễn đầu tiên được thực hiện tại Nhà văn hóa Thanh niên của thành phố trong dịp lễ đầu Xuân năm 1987. Khi ấy 32 người tham gia đều là các võ sinh đã tham ra tập luyện võ thuật hơn 8 năm cùng quá trình tập luyện gian khổ đã tạo nên một buổi trình diễn khác biệt và vô cùng ấn tượng tạo nên tiếng vang lớn.

Từ đó đã hình thành trò chơi Cờ người võ thuật. Cờ người Võ thuật gồm các quân cờ là võ sư, huấn luyện viên, hướng dẫn viên và võ sinh thủ vai. Theo đó, các quân cờ trong trang phục bên xanh, bên đỏ tay cầm binh khí, ngồi trên bàn cờ là một tấm thảm trải trên khoảnh đất rộng. Một quân cờ di chuyển có thể bằng quyền cước hay bằng binh khí được thể hiện giữa tiếng trống chầu thúc giục. Khi hai quân cờ ăn nhau thì ra khu vực sông (ngăn cách hai bên quân cờ) mà đánh nhau bằng quyền cước hay bằng binh khí giữa những tiếng trống giòn giã. Sau một hai nước đi cờ lại có lời bình cờ để người xem biết được nước cờ cao thấp. Cuối cùng tướng của bên nào bị ăn là bên đó sẽ thua cuộc.

Tiến sĩ – Võ sư Hồ Tường cho biết: “Cờ người Võ thuật tạo được sự sống động hơn cờ người truyền thống. Chính những màn giao đấu võ kịch tính đã giúp cho bộ môn này hấp dẫn người xem cả về cờ tướng lẫn võ thuật”.

Chương trình thi đấu Cờ người võ thuật của võ sư Hồ Tường hấp dẫn người xem, nên được mời đi biểu diễn khắp Nam Bộ và Trung Bộ, trong các lễ hội. Từ một đội cờ người ban đầu, đến năm 2007, võ sư Hồ Tường đã  hình thành thêm nhiều đội cờ người khác do các học trò của ông phụ trách đế đáp ứng lại yêu cầu của nhiều nơi. Với công trạng đó, võ sư Hồ Tường được xem là người đã khôi phục và phát triển loại hình cờ người võ thuật tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và tại Việt Nam nói chung.

H6 min - Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta  - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiBiểu diễn Cờ người võ của Kỳ Sơn Võ (Hội An)

Theo võ sư Nguyễn Lê Thành Tây (võ đường Kỳ Sơn), dựa vào cách chơi “Cờ người” theo kiểu miền Bắc trước đây, võ đường Kỳ Sơn ở Hội An đã xây dựng thành “Cờ người võ” bằng cách đưa Võ cổ truyền vào Cờ người. Cụ thể là:

Thứ nhất, các quân “Cờ người võ” mặc trang phục tướng sĩ và binh lính triều đình ngày xưa, tay cầm binh khí nhiều loại khác nhau, chứ không mặc áo quần như quan Văn của cờ người miền Bắc.

Thứ hai, khi di chuyển thì quân “Cờ người võ” phải múa một đoạn bài quyền Võ cổ truyền Việt Nam để rời vị trí cũ đi đến một vị trí mới chứ không đi bình thường như cách di chuyển của cờ người miền Bắc.

Thứ ba, khi ăn quân thì hai quân Cờ người tương ứng phải diễn ra một số đòn thế chiến đấu, binh khí va chạm, trống giục liên hồi trước khi có một quân bị giết phải ra khỏi sân.

Tổ chức thi đấu “Cờ người võ” cũng là cách để người dân Quảng NamĐà Nẵng giới thiệu nét đẹp văn hoá của Võ cổ truyền bản địa được hình thành từ sự giao thoa của nhiều nền võ thuật Thanh Nghệ Tĩnh, Trung Hoa và võ Tây Sơn. Sau thời gian dài vắng bóng, tại hội Xuân Tân Sửu 1997, Cờ người võ được khôi phục tại TP. Hội An và duy trì đến nay, qua các dịp lễ Tết hội hè đều có biểu diễn Cờ người. Trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia Quảng Nam 2022, Cờ người được biểu diễn tại Hội An thu hút đông đảo người xem.

H7 min - Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta  - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiBiểu diễn Cờ người với những màn đấu võ đặc sắc ở vùng đất võ Bình Định (ảnh Internet)

Ở miền Trung, vùng đất võ Bình Định, hội Cờ người diễn ra vô cùng sống động. Đến với hội Cờ người ở Bình Định, người xem được thưởng ngoạn những màn thi đấu võ thuật độc đáo như một cuộc đối kháng thật sự chứ không chỉ đơn thuần là những màn biểu diễn.

Mỗi nước cờ được gắn liền với một thế võ tương ứng khác nhau, như con Mã muốn ăn bất cứ quân nào khác của đối phương thì dùng thế “Hầu tiểu kiêm kê” – xoay một vòng rồi đánh ngang; hay con Xe ăn con Pháo thì dùng thế “Thừa châu bố địa” – đánh phủ đầu từ trên xuống, quân Pháo ăn quân Mã thì dùng “Đục pháo xuân thiên” – từ dưới đánh lên trên, quân Tượng ăn quân Mã thì dùng thế “Ngưu khai giác” – giống như cặp sừng trâu đánh qua, đánh lại… Để thực hiện được điều này đòi hỏi các “quân cờ” không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn thành thục từng thế võ.

Trước đây, hội Cờ người phổ biến khắp các làng quê ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội Cờ người dần mai một. Mãi đến năm 2006, Võ sư Lê Xuân Cảnh (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) mới quyết định khôi phục lại trò chơi dân gian cờ người này tại phường Nhơn Hưng. Sau đó, các địa phương như: An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước… vào những ngày đầu Xuân luôn tổ chức biểu diễn, thi đấu Cờ người.

Theo Võ sư Lê Xuân Cảnh: “Võ thuật trong Cờ người đã được nghiên cứu và phát triển thành bài, thành thế. Các quân cờ tùy theo đối thủ mà có những miếng đòn, thế đánh riêng. Cứ như vậy, những bộ pháp di chuyển được đúc kết thành 81 bài rất đặc sắc và phong phú”.

H8 min - Ngày Xuân nói chuyện đấu Cờ người ở nước ta  - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTiến hành giao đấu bằng những thế võ độc đáo trong thi đấu Cờ người tại Festival Huế 2018

Ngày nay, Cờ người phổ biến trong các dịp lễ Tết, lễ hội mùa Xuân, Festival khắp mọi miền đất nước. Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, Cờ người vẫn luôn giữ cho mình nét đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ kết hợp tinh thần thượng võ của dân tộc ta.

Phan Thanh Đà Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây