‘Nghề học’ quê tôi

'Nghề học' quê tôi
Bảng Môn đình - biểu tượng truyền thống hiếu học, khoa bảng trên quê hương Hoằng Lộc.

Đất Hoằng Hóa có nhiều người đỗ đạt thành tài, nhiều gia đình, dòng họ, làng khoa bảng. Nhưng có lẽ, để sự học phát triển mạnh mẽ, được xem như một nghề – ‘nghề học’ thì duy chỉ có vùng đất Hoằng Lộc nổi danh.

Làng tôi có hội…

Hoằng Lộc là vùng đất mang đậm giá trị văn hóa – tín ngưỡng truyền thống. Các lễ hội của làng gắn với nhiều di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia tiêu biểu như: Bảng Môn đình, Nhà thờ Nguyễn Quỳnh, Đền thờ và lăng mộ Bùi Khắc Nhất… Hai năm trở lại đây, bên cạnh các lễ hội truyền thống đã có tự lâu đời, đất và người Hoằng Lộc vinh dự và tự hào được lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ hội quy mô, đặc sắc, tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa. Đó là Lễ hội Bút Nghiên.

Kể từ khi “khai sinh” vào năm 2021 đến nay, lễ hội mới tròn 2 năm tuổi. So với lịch sử của làng, truyền thống khoa bảng, hiếu học của làng thì “tuổi đời” của lễ hội này chưa bằng con số lẻ. Ấy vậy mà, ngay từ lần đầu tiên tổ chức, lễ hội đã thu hút đông đảo sự quan tâm, thích thú, hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong vùng và đông đảo du khách thập phương. Lễ hội Bút Nghiên được tổ chức với mục đích tôn vinh, giáo dục truyền thống hiếu học, khuyến học – niềm tự hào của các tầng lớp Nhân dân xã Hoằng Lộc nói riêng, huyện Hoằng Hóa nói chung.

Gắn với lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2022, Lễ hội Bút Nghiên lần thứ II được tổ chức với nhiều nội dung về văn hóa, giáo dục, thể thao sôi nổi, mang đậm nét truyền thống quê hương, các hoạt động giáo dục thể hiện khả năng tư duy nhanh, sáng tạo, nhạy bén, khéo léo và năng khiếu của học sinh… như: Lễ cáo yết dâng hương 12 vị đại khoa tại Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Bảng Môn đình; thi vẽ tranh, viết chữ đẹp, đố vui, giao lưu văn nghệ quần chúng, vui các trò chơi dân gian… Từ đó, lễ hội góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong học tập, rèn luyện, nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Không gian lễ hội, những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ lễ hội khiến vùng đất Hoằng Lộc càng thêm rộn ràng, tươi mới; đời sống tinh thần của Nhân dân thêm phong phú, đa dạng. Mỗi thế hệ người dân Hoằng Lộc trân trọng, tự hào tìm về với cội nguồn lịch sử, về với mạch nguồn văn hóa, truyền thống hiếu học của quê hương. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, cho biết: “Truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người dân xã Hoằng Lộc. Đó là vốn quý không gì bằng. Chúng tôi càng thêm vinh dự, tự hào khi được sự quan tâm của huyện lựa chọn xã Hoằng Lộc là địa điểm tổ chức Lễ hội Bút Nghiên. Đây là “ngọn lửa thiêng” thổi bừng lên ý chí, nghị lực phấn đấu, lan tỏa tinh thần hiếu học đến các thế hệ trẻ. Lễ hội cũng là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử và tự mình soi chiếu lại mình để cùng chung tay, góp sức gìn giữ và phát huy truyền thống quê hương”.

Như mạch nguồn chảy mãi…

“Đông Sơn tứ bôn, Hoằng Hóa lưỡng bột”, lịch sử khoa cử Hán học ở xã Hoằng Lộc đã trải qua nhiều thế kỷ, ghi dấu ấn của 12 vị đỗ tiến sĩ, được đề danh trên bảng vàng đại khoa; trong đó có 7 vị được khắc tên trên văn bia tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ (1461-1522), đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481). Số người đỗ hương cống, cử nhân khoảng gần 200 vị. Các vị đỗ sinh đồ, tú tài và các học vị tương đương khoảng 137 vị. Ngoài ra, xã Hoằng Lộc còn có một đội ngũ Nho sinh đông đảo, là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển giáo dục, văn hóa cho quê hương, đất nước.

Nói đến truyền thống khoa bảng của Hoằng Lộc, nhiều người nghĩ ngay đến Bảng Môn đình – biểu tượng đẹp cho truyền thống khoa bảng của làng, xã nói riêng, huyện Hoằng Hóa nói chung. Đối với các thế hệ cháu con Hoằng Lộc, dường như ký ức về những lần thi cử, học hành đều ít nhất một lần thành tâm sắm chút lễ mọn đến trước sân đình thắp nén hương thơm, chắp tay vái lạy mong cầu cho sức khỏe, trí tuệ minh mẫn, khai quang để đỗ đạt, thành danh. Theo lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Lộc ghi chép lại: Xưa kia, Bảng Môn đình ngoài chức năng hội họp, thờ thành hoàng của cộng đồng làng, xã còn là nơi tụ họp của “Hội tư Văn” (làng Văn). Bảng Môn đình thường được chọn là nơi tiếp đón, vinh danh những người đỗ đạt trong các kỳ khoa cử của làng.

Chẳng phải nói quá khi ở Hoằng Lộc, việc học đã trở thành “nghề truyền thống”, được trao truyền và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ hạt nhân là gia đình cho đến dòng họ, xóm, làng, xã… bao giờ việc học hành cũng được đề cao, tôn vinh hơn cả. Bố mẹ động viên con học, ông bà động viên cháu học, anh em động viên nhau học, dòng họ chăm lo khuyến học, khuyến tài… Từ đó, lớp lớp thế hệ đã làm nên mạch nguồn văn hóa truyền thống, giáo dục tốt đẹp, bền bỉ phát triển, lớp sóng sau cao hơn lớp sóng trước. Vì lẽ đó, Hoằng Hóa nói chung, Hoằng Lộc nói riêng đã góp phần làm nên nhiều gia đình, dòng họ khoa bảng như: Gia đình họ Nguyễn ở Bột Thượng, cha là Nguyễn Thận Tuyển, đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ, niên hiệu Minh Mạng 15; con là Nguyễn Bá Nhạ, đỗ cử nhân khoa Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị 1. Sau đó, năm 22 tuổi, ông Nhạ đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), ân khoa Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị 3. Hay như dòng họ Nguyễn Huy ở Bột Hưng, có cụ Nguyễn Huy Lịch, đỗ cử nhân khoa Tân Mão, niên hiệu Minh Mạng 12, con là Nguyễn Huy Võ đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức 23. Trước đó, đời Lê Trung hưng, gia đình cụ Nguyễn Quỳnh cũng có 3 người đỗ Hương cống…

Có lẽ, với một dân tộc như Việt Nam, một vùng đất thang mộc như xứ Thanh, làng khoa bảng rất nhiều. Nhưng tin chắc rằng, ít nơi nào lại có những nhân vật – “gương mặt văn hóa” tiêu biểu, độc đáo cho truyền thống hiếu học của làng, xã như: “Người thầy dạy chữ ven đường” – Nguyễn Sư Lộ hay Nguyễn Quỳnh – người được xem như nguyên mẫu của nhân vật dân gian nổi tiếng Trạng Quỳnh, Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất – người bắt đầu làm quan từ những ngày thời cuộc nhiễu nhương, kinh qua 6 bộ, trải suốt 3 đời vua mà vẫn giữ được sự thanh sạch, hết lòng tận tụy vì nước, vì dân, lập được biết bao công trạng…

Như mạch nguồn chảy mãi, trải qua thăng trầm thời gian, biến ảo lịch sử, Hoằng Lộc hôm nay vẫn từng bước song hành và phát triển cùng đất nước, xứng danh “vùng đất học xứ Thanh”. Hoằng Lộc có 70% số gia đình có con em ở các cấp học, gần như nhà nào cũng có người học đại học, trong đó rất đông gia đình có 3 – 5 người con học đại học và trên đại học. Tiêu biểu, trong một gia đình có 7 người tiến sĩ và 2 thạc sĩ như gia đình bác sĩ Nguyễn Thị Huê, nguyên cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa; chồng bà là y sĩ Nguyễn Thế Hồng, nguyên là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoằng Lộc… Các cấp học từ giáo dục mầm non, tiểu học, THCS luôn đạt thành tích tốt. Hoằng Lộc có 3 đơn vị trường học là: Trường Mầm non Hoằng Lộc, Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh, Trường THCS Tố Như đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Nơi đây là những “cái nôi” ươm mầm, nuôi dưỡng sự học trên quê hương Hoằng Lộc ngày càng phát triển.

Đặc biệt, phong trào xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Xã Hoằng Lộc có 72 dòng họ, trong đó có 22 dòng họ lớn. Cùng với gia đình, các dòng họ đặc biệt quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, được phản ánh qua việc kịp thời khích lệ, động viên con cháu học hành, lập thân lập nghiệp. Các dòng họ đều xây dựng quỹ khuyến học và tổ chức trao thưởng cho con cháu có thành tích trong học tập. Số dư quỹ khuyến học của mỗi dòng họ không dưới 5 triệu đồng, đảm bảo số dư quỹ khuyến học của các dòng họ trong xã luôn duy trì mức 180 triệu đồng/năm. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, nâng cao ý chí phấn đấu học tập, góp phần xây dựng và đưa phong trào xã hội học tập đi vào chiều sâu.

Trải qua các thời kỳ, xã Hoằng Lộc trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng, đóng góp cho đất nước nhiều người có tài, có đức, hoạt động trên khắp các lĩnh vực. Bao đời nay vẫn thế, mặc cho thế sự xoay vần, sự học trên quê hương Hoằng Lộc hết mực được coi trọng, đó là khát vọng của cả một cộng đồng làng, xã tự thuở xa xưa. Chẳng khiên cưỡng, áp đặt hay mảy may áp lực, việc đề cao tinh thần hiếu học trong đời sống của người dân xã Hoằng Lộc như nguồn suối mát trong, tự nhiên như hơi thở, như lẽ sống ở đời. Truyền thống khoa bảng lắng sâu vào huyết mạch, cội nguồn văn hóa, trở thành tên gọi của làng. Xưa hay nay thì Hoằng Lộc vẫn thường được ưu ái gọi bằng nhiều cái tên gắn liền với truyền thống khoa bảng như: “đất học”, “đất Trạng”, làng khoa bảng…

Thảo Linh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây