Nguyễn Bình Phương và văn chương kiến tạo thực tại

Văn học Việt Nam đương đại không chỉ có Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Lựu,… mà còn có Nguyễn Bình Phương.

Đó là đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình thuộc nhiều thế hệ trong tọa đàm khoa học Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại (Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 18-7 tại Hà Nội).

Người công bằng với hiện thực

Từng hai lần trao giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Hà Nội cho Nguyễn Bình Phương năm 2012 và 2015, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định Nguyễn Bình Phương là dẫn chứng cho một lối đi mới của tiểu thuyết Việt Nam. Văn Nguyễn Bình Phương viết kỹ, câu chữ có những kết hợp khác lạ, rất mới mẻ.

Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương xáo trộn các hiện thực, đưa nhiều cái ảo vào, với lối viết phức tạp đa tuyến đa chiều, buộc người đọc phải theo mình vào một mê cung như cuộc đời. Tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, vì thế, đang kén người đọc, mời gọi độc giả cùng tác giả đi vào một mỹ cảm mới.

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp – viện trưởng Viện Văn học – thì đánh giá cao khả năng tiết chế cao độ của Nguyễn Bình Phương. Nhà văn để toàn bộ câu chuyện hiện lên như nó là, việc nhận diện, lý giải hiện thực là việc của người đọc. Ông trao quyền đánh giá hiện thực cho người đọc, một lối viết tiểu thuyết rất hiện đại.

Cùng nhận định này, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa gọi đó là lối viết “kể xong rồi đi” (tên một tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương) chứ không phán xét hiện thực.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều thì nói Nguyễn Bình Phương là người công bằng nhất với hiện thực xã hội Việt Nam. Ông bày ra các tầng hiện thực và bạn đọc mỗi người với khả năng của mình đến với từng tầng hiện thực khác nhau, nhiều khi là đi mãi, đi mãi.

Mot vai tac pham cua nha van Nguyen Binh Phuong min - Nguyễn Bình Phương và văn chương kiến tạo thực tạiMột vài tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương – Ảnh: T.ĐIỂU

Một quan niệm rất khác về sự viết

Tại tọa đàm, bên cạnh hầu hết những ý kiến đánh giá rất cao vị trí của Nguyễn Bình Phương trong văn học Việt Nam đương đại, nhà văn Phùng Văn Khai lại có đánh giá “không quá ưu ái” đó là: Nguyễn Bình Phương khá quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam đương đại nhưng vẫn bị hạn chế là “đập cột dọc rất nhiều”.

Ông Khai so sánh Lê Lựu có nhiều thành tựu hơn Nguyễn Bình Phương và khẳng định tác giả Mình và họ có “vị trí chừng mực trong nền văn học đương đại của chúng ta cũng đang còn rất chừng mực”.

Ý kiến này vấp phải các phản biện sau đó. Theo TS Phạm Xuân Thạch, kể từ 1991, có thể nói văn học Việt Nam kết thúc giai đoạn đầu của Đổi mới, Nguyễn Bình Phương bắt đầu xuất hiện từ thời điểm này, và văn chương phải có một kiểu diễn ngôn khác những Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu.

Tương tự, TS Trần Ngọc Hiếu (ĐH Sư phạm Hà Nội) trong chia sẻ riêng với Tuổi Trẻ nhận định Nguyễn Bình Phương nằm trong số những nhà văn có sức viết tốt nhất trong số các nhà văn đương đại, cùng với hai tác giả nữ là Thuận, Nguyễn Ngọc Tư.

Ông Hiếu cho rằng văn học Đổi mới dừng lại khoảng những năm 1991-1992, mang tinh thần văn chương phải nói lên sự thật ở đời. Nhưng đến Nguyễn Bình Phương thì rất khác.

Từ Vào cõi, Bả giời, Nguyễn Bình Phương nói lên nhiều hiện thực, nhưng không tất yếu có sự thật nào ở trong đó. Một lối viết mà khiến người ta có cảm giác đọc văn để thấy văn chương kiến tạo lên các thực tại, các khả thể thực tại.

“Nguyễn Bình Phương xuất hiện để nói với chúng ta rằng văn học Việt Nam đương đại không nên gọi là văn học Đổi mới nữa vì tên gọi đó đã hết thời hạn để gọi tên những vận động khá đa dạng của văn học từ 1990-1992. Lúc nào cũng nhìn thành tựu văn học chỉ có Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thì sẽ hơi bất công với mạch chảy của văn học đương đại bây giờ”, TS Trần Ngọc Hiếu nói.

“Không dám” dùng từ xuất sắc để nói về Nguyễn Bình Phương nhưng ông Hiếu cho rằng tác giả này đã tạo ra được tác động đối với sự chuyển động của văn học bằng cách đánh dấu một quan niệm rất khác về sự viết, một nhà văn làm bạn đọc nhận ra văn học Việt Nam sau giai đoạn Đổi mới là một thực tại rất khác.

Viết là tìm thấy hay đánh mất?

Phát biểu cảm ơn tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ thi thoảng ông cũng đặt cho mình câu hỏi Viết là tìm thấy hay đánh mất?

Đa số ông cho viết là tìm thấy nhưng lắm khi ông cho viết cũng là đánh mất. Viết là nhà văn đã tiết lộ một phần bí mật của mình cho nhiều người biết… Nhưng về căn bản ông thấy viết là tìm thấy nhiều hơn là đánh mất. Ví dụ như ông đã tìm thấy số lượng khiêm tốn độc giả của mình, tìm thấy sự quan tâm của các nhà phê bình.

THIÊN ĐIỂU

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây