Nguyễn Tuân qua ”Chuyện văn – chuyện đời”

Nguyễn Tuân qua ''Chuyện văn - chuyện đời'' - Hoàng Kim Đáng
Một cuốn sách giá trị về chân dung văn và đời của Nguyễn Tuân.

Trung tâm nghiên cứu Quốc học Việt Nam và NXB Hội Nhà văn vừa xuất bản một ấn phẩm quý, rất quý, đó là “Nguyễn Tuân – Chuyện văn chuyện đời” với khuôn khổ cỡ 16x24cm, có độ dầy 366 trang với 87 bài viết bằng những câu chuyện giai thoại gần như huyền thoại và “hút” người đọc ngay từ những trang mở đầu.

Với nhiều cây bút, những người cùng thời và các thế hệ tiếp nối, như Lan Khai, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Phan Quang, Lê Trí Viễn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Bảo Định Giang, Vũ Bằng, Bùi Hiển, Kim Lân, Hoàng Cầm, Nguyên Văn Bổng, Nguyễn Đăng Mạnh, Ngọc Trai, Mai Quốc Liên, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Minh Tuấn, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Minh Châu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Bùi Vợi, Phan Hồng Giang, Đoàn Trọng Huy,… cùng nhiều tên tuổi khác, xoay quanh một Nguyễn Tuân với chủ nghĩa “xê dịch”, Nguyễn Tuân đa tài, sang trọng trong cách ăn, cách mặc, trong sinh hoạt đời thường, đặc biệt là biệt tài trong ngôn ngữ đỉnh cao của nghệ thuật chữ và nghĩa.

“Nguyễn Tuân – Chuyện văn chuyện đời” chưa phải là cuốn sách đầu tiên và cũng không phải là ấn phẩm cuối cùng của nhà thơ Phạm Đình Ân, bởi còn nhiều tác giả chưa được đưa vào cuốn sách này. Đọc xong “Nguyễn Tuân – Chuyện văn chuyện đời” mới thấy ngưỡng mộ một tài năng trác việt, sang trọng mà lịch lãm, kênh kiệu mà ngang tàng kiểu Nguyễn Tuân.

Ở Việt Nam, những tài năng lớn trên mọi lĩnh vực thường được giới trí thức, người bình dân, trong đồng nghiệp, không ai bảo ai, tự nhiên mà hình thành, mà “xếp hạng”, như “Thần Siêu Thánh Quát’, như “tứ trụ” tài năng của thế kỷ như “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” (trong sử học), như “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái” (trong hội họa) nhưng trong văn học không thấy ai xếp hạng “tứ trụ”; cũng không có “tam trụ”, “nhị trụ” mà chỉ có “nhất trụ” là Nguyễn Tuân mà thôi! Điểm lại từ khi tác giả còn trẻ cho đến khi qua đời không thấy ai tự xếp hạng ngang hàng với Nguyễn Tuân cả. Những nhà văn nước ngoài biết ông đều mến phục tài năng Nguyễn Tuân. Khi ông sang Liên Xô, biết tin ông đến, các văn nghệ sĩ tên tuổi đều đến gặp.

Theo Nguyên Ngọc: “Bạn bè đến với ông rất đông. Những nhà văn, nhà thơ Liên Xô nổi tiếng, những người bạn thân của Việt Nam và của riêng ông: Éptusencô, Accanốp, anh em Xtrugatxki, Đôgiơvécxenxki, Rítkhêu, Trasép, Xôlôkhin,… những tên tuổi lớn của nền văn học Xô Viết. Nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai viết: “Các nhà văn Liên Xô rất quý trọng và cảm phục tài năng của Nguyễn Tuân”.

Hội Nhà văn Liên Xô muốn mời bác Nguyễn sang bên ấy để tránh bom Mỹ. Người ta không muốn mất đi một ông già đầy tài năng trong bom đạn Mỹ, nhưng ông cảm ơn và từ chối khéo lời mời ấy. Mặc dù thành phố Hà Nội có lệnh sơ tán triệt để nhưng ông vẫn ở lại trực chiến trong chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” ở căn hầm dã chiến ngay sát cạnh Đại sứ quán Pháp đã bị phi công Mỹ ném bom để viết tập bút ký nổi tiếng: “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”.

Khi Marian Tcasốp báo một tin dữ: “Nguyễn Tuân mất!”. M.Tcasốp khóc và còn cho biết những chi tiết gần như tâm linh và huyền thoại: Cuộc đời cụ Tuân gắn liền với con số 7! Ông sinh tháng 7, mất tháng 7 năm 1987 và chỉ sống 77 tuổi. Tcasốp còn nghiệm thấy: Phàm những ai gắn liền với những con số 7 và số 9 thường là những người đặc biệt tài hoa (Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gắn với nhiều con số 9 – TG). Một số nhà văn Liên Xô họ còn “tấn phong” cho cụ Nguyễn là “Tôn – Tôi” của Việt Nam.

Sách “Nguyễn Tuân – Chuyện văn chuyện đời” do nhà thơ Phạm Đình Ân sưu tầm và tuyển chọn nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc rộng rãi, từ học sinh, sinh viên, nhà giáo, các nhà nghiên cứu đến tất cả những ai ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Tuân về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Sách được chia làm ba phần

Phần I chủ yếu là phần chính của cuốn sách với gần 30 bài của các tác giả: Lan Khai với Nguyễn Tuân: “Con người lãng tử và hào hoa” (do Lan Phương, con gái ông kể lại); Hoàng Cầm hồi ức về “Hát ả đào trong đêm xuân”; Phạm Tường Hạnh với: “Sự hấp dẫn của một cái tài”; “Mấy điều yêu quý nho nhỏ” và “Từ trên ban công của ngôi nhà ấy” của Nguyễn Văn Bổng; “Những lần gặp” của Nguyễn Quang Sáng; “Nguyễn Tuân và Văn Cao” của Văn Thao; “Nguyễn Tuân trong lòng tôi” của Đoàn Minh Tuấn; “Một nét cá tính” của Đào Vũ; “Chồng tôi – Nhà văn Nguyễn Tuân” của bà Vũ Thị Tuệ (do Thanh Vân ghi); “Một bát cơm và ba lát chả lụa” của Bảo Định Giang, với “Huế thân yêu” của Ngọc Trai; “Tinh túy và tài hoa của Nguyễn Tuân” qua ngòi bút của Nguyễn Thị Ninh; “Lần cuối cùng gặp bác Nguyễn Tuân” của Phan Hồng Giang; “Sống đẹp từng ngày” của Nguyên Ngọc; “Vẫn còn đó một Nguyễn Tuân” của Phạm Tường Hạnh và “Những năm cuối đời” qua hồi ức của nhà văn Tô Hoài,…

Tôi muốn gộp Phần II: Khi những con chữ vào trang giấy vào phần I bởi các tác giả thường viết có cả hai nội dung ấy.

Lan Phương, con gái của nhà văn Lan Khai kể: Sinh thời, Lan Khai rất trọng văn tài và nhân cách Nguyễn Tuân. Mặc dù ít tuổi hơn nhưng cha tôi vẫn coi ông như người bạn ngang hàng với mình. Nguyễn Tuân còn là người mẫu mực trong câu từ, ngữ nghĩa. Nguyễn Tuân là con người hào hoa, phong nhã, đạo mạo, chững chạc khác người ngay từ khi còn trẻ. Quan sát ông ăn, ông mặc, khi nói năng ta mới thấy ông là con người phong độ, sành chơi và lịch lãm. Cha tôi hướng cho các con phải xưng hô với ông là “bác”.

Nói về Nguyễn Tuân trong việc đọc, đi và viết, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai khẳng định: Trong suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ không có địa danh nào nổi tiếng mà không có dấu chân Nguyễn Tuân: Đại Bục, Đại Phác, Phủ Thông, Đèo Khách, Đông Khê, Thất Khê, Hòa Bình, Điện Biên rồi đến Ngã ba Đồng Lộc, Quảng Bình, Vĩnh Linh, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương,… Nguyễn Tuân đi khắp mọi miền Tổ quốc mình bằng chân đất, bằng mắt nhìn, bằng tai nghe và có khi “đi” trong tâm tưởng nhưng với tấm lòng yêu nước sâu nặng.

Đoàn Minh Tuấn còn cho biết thêm: Sau khi giải phóng miền Nam, mỗi năm anh Nguyễn có dịp vào Nam mấy bận mà anh có dịp được tháp tùng cùng Nguyễn Tuân đi biên giới Tây Nam, cho đến các đảo gần đảo xa, Côn Đảo, Cà Mau,… Các cù lao ông Hổ, cù lao Giềng, cù lao Rồng,… các vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Chợ Đệm; các sông Hàm Luông, Vàm Cỏ với ý đồ thăm các vùng của đất nước, ruộng vườn anh dũng phía Nam.

Với Nguyễn Tuân, Đoàn Minh Tuấn còn xem ông là người thầy, người bạn vong niên lớn, người anh cả. “Nguyễn Tuân còn là người bố trong gia đình cỏn con của tôi”. Khi Nguyễn Tuân mất, Đoàn Minh Tuấn khóc. Trong bức điện chia buồn của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh do Đoàn Minh Tuấn thảo, có đoạn ghi: “… Anh trở thành bất tử, nào đâu chỉ có Vang bóng một thời!”.

Giới phê bình văn học viết về một Nguyễn Tuân “xê dịch”, đi chu du thiên hạ: Đóng phim ở Hồng Kông, sang Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan,… Sau này ông còn được mời đi nhiều nước trên thế giới, nhất là Hội Nhà văn Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa khác.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng về làm Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ lần thứ hai, khi ấy nhà văn Nguyễn Tuân đã nhiều tuổi. Hai người ngày càng thân thiết, quý trọng nhau. Ông biết rõ vì sao các văn nghệ sĩ nổi tiếng, các nhà hoạt động văn hóa không chỉ ở các nước Xã hội chủ nghĩa mà cả các nước khác, khi đến Việt Nam – Hà Nội đều muốn đến thăm, muốn được gặp anh Tuân, được lên thăm căn phòng có cái ban công nho nhỏ nhìn xuống đường phố Trần Hưng Đạo ấy. Vì sao Việt kiều ở Pháp, Canada, Nhật Bản,… về thăm quê nhà đều muốn được gặp anh? Các văn nghệ sĩ, trí thức ở Sài Gòn và các thành phố bị địch chiếm ở miền Nam sau năm 1975 ra thăm miền Bắc, đều muốn đến thăm anh?

Và Nguyễn Văn Bổng, ông đã trả lời với mọi người rằng: “Vì văn của anh, con người của anh, cách xử thế, lối sống của anh… Chưa gặp anh, chỉ đọc thôi người ta đã mê văn anh. Gặp anh, người ta mê con người anh.

Với Nguyễn Quang Sáng: “Nguyễn Tuân – là một nhà văn luôn luôn muốn đi đến tận cùng từng tiếng, từng chữ, từng nghĩa của ngôn ngữ Việt Nam”. “Mọi chuyện động tĩnh của con người, của trời đất đều xúc động đến anh. Tâm hồn anh như sợi dây đàn căng thẳng, gió thoảng qua cũng vang lên thành tiếng!”.

Nhà văn, nhà giáo Đoàn Trọng Huy từng nói với bạn đọc, với học trò, với đồng nghiệp rằng: “Nguyễn Tuân, ông không chỉ là bạn của những người học văn, dạy văn, viết văn mà ông còn là ông thầy lớn và hơn thế, là người gieo hạt tình người, tình yêu văn chương cho nhiều thế hệ. Tác giả “Đất nước đứng lên” nói rất hay về Nguyễn Tuân trong “Sống đẹp từng ngày”.

Là người kỹ tính nhưng với Nguyễn Tuân, ông có những chiêm nghiệm mang tính tổng kết: “Sau khi Nguyễn Tuân mất, ta bỗng nhận ra rằng: Con người ấy đã đi qua cuộc đời đã để lại trên mặt đất này một vết hằn sâu của ông, cả hai đều lớn, nhiều khi đến vướng víu, kềnh càng và không phải ai cũng có thể lấy làm dễ chịu. Có lẽ cũng như ở mọi nhân cách và tài năng lớn, ở ông luôn chứa đựng đầy mâu thuẫn: Nhân hậu và cay độc, Tế nhị và sù sì; Thanh nhã và gồ ghề, quyết liệt và dịu dàng, khinh bạc và trân trọng,… mặt nào cũng thái quá, cũng ở ngoài khuôn khổ thông thường.

Ở ông, bao giờ cũng có một cái gì khác lạ, cái lạ mà không có nó thì không còn là nghệ thuật nữa!

Tôi dừng lại không viết ở Phần III: Chuyện đời thường và giai thoại cũng vô cùng dí dỏm và hấp dẫn để bạn đọc mua sách mà tìm đọc.

Hà Nội, cuối tháng 7-2022

Hoàng Kim Đáng
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây