Nhạc sĩ Văn Cao, người ám ảnh hội họa

Những bức tranh sơn dầu thể hiện bằng hình thức mới: ‘Nửa đêm’, ‘Cô gái dậy thì’, ‘Sám hối’… đã đưa nhạc sĩ Văn Cao trở thành ‘người ám ảnh hội họa’ – như lời nhận xét của nhà phê bình Thái Bá Vân.

Văn Cao là nghệ sĩ đa tài, thể hiện trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật (nhạc, họa, thơ). Sự nghiệp của ông trải dài suốt thế kỷ XX và gắn bó chặt chẽ với lịch sử gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn của đất nước. Vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao trải qua nhiều khúc quanh, nhiều bước ngoặt, nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nghệ thuật hiện đại. Nhưng ở thời kỳ nào, nhân cách nghệ sĩ và tài năng của Văn Cao cũng được ghi nhận.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/11/1923-15/11/2023), xin giới thiệu góc nhìn của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ về một Văn Cao cầm cọ.

‘Văn Cao vẽ đến đâu, người ta rước đến đấy’

Trong giới văn nghệ, Văn Cao giao du nhiều với cánh họa sĩ, những nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Gặp họ, Văn Cao vui vẻ, hào hứng, ông nói với bạn: “Tôi đi trên một chiếc xe tam mã, ba con ngựa đua: âm nhạc, thơ ca và hội họa. Con ngựa hội họa làm tôi băn khoăn day dứt nhất. Tôi cứ đi mà chưa tới”.

Văn Cao thích hội họa vì nhìn vào bức tranh xấu, đẹp thấy ngay, còn âm nhạc phụ thuộc vào dàn nhạc, sân khấu phụ thuộc vào đạo diễn, diễn viên, ánh sáng… Sau thơ ca và âm nhạc, Văn Cao đến với hội họa muộn hơn, song ông cũng hé lộ tài năng không thua kém.

Nhac si Van Cao min - Nhạc sĩ Văn Cao, người ám ảnh hội họaVăn Cao tuy là người chỉ ghé, dạo chơi qua ngôi nhà của hội họa, nhưng đã để lại tiếng thơm với bóng hình lưu luyến mến thương.

Nói như TS. Phan Đăng Sơn, nhắc đến Văn Cao, nếu không đề cập đến lĩnh vực hội họa là một khiếm khuyết rất lớn. Ông tuy là người chỉ ghé, dạo chơi qua ngôi nhà của hội họa nhưng đã để lại tiếng thơm với bóng hình lưu luyến mến thương, pha lẫn ngạc nhiên của những người chủ nhà. Từ việc sử dụng cọ màu, sự sắc sảo mặn nồng của ông cũng chuyên nghiệp không khác gì các họa sĩ chuyên nghiệp.

Ngay từ năm 1944, với những bức họa đầu tay Cuộc khiêu vũ của những người tự tử, Thái Hà ấp đêm mưa được trưng bày tại phòng triển lãm Hà Nội, Văn Cao đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc. Sau đó, những bức tranh sơn dầu thể hiện bằng hình thức mới: Nửa đêm, Cô gái dậy thì, Sám hối… đã đưa Văn Cao mặc nhiên đứng vào hàng ngũ những họa sĩ thành công về thể loại sơn dầu, trở thành “người ám ảnh hội họa” như lời nhận xét của nhà phê bình Thái Bá Vân.

“Những tác phẩm trong lĩnh vực hội họa của Văn Cao hiện diện ngày nay còn lại không nhiều. Nhưng chúng ta có thể thấy vị trí của ông trong hội họa qua lời ‘phê bình’ của những nhà phê bình mỹ thuật tầm cỡ như Thái Bá Vân, hay họa sĩ Tạ Tỵ với đúc kết: Văn Cao có rất nhiều họa phẩm giá trị, có giá trị nghệ thuật độc đáo; Vào những năm 60 (thế kỷ XX) Văn Cao đã mở ra hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa…. Hay như ý kiến của nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương: Chưa ai công nhận Văn Cao là họa sĩ, nhưng ông là người xây dựng nên lĩnh vực minh họa sách ở Việt Nam”, TS. Phan Đăng Sơn chia sẻ.

Nhà văn Đỗ Chu cho biết, thời đất nước còn nghèo, Văn Cao sống chủ yếu bằng vẽ tranh và minh họa bìa sách. Văn Cao “vẽ đến đâu người ta rước đến đấy”… nhiều bức tranh được giới mỹ thuật đánh giá cao. Đôi khi chỉ bằng vài nét bút đã có thể gợi lên được cái hồn của cảnh vật hoặc tâm tư của con người.

Họa sĩ Nghiêm Thành – con trai nhạc sĩ Văn Cao kể, cha mình vẽ tranh không nhiều, chỉ khoảng hai chục bức tranh sáng tác bằng chất liệu sơn dầu, cũng từng ấy tranh thể loại chân dung. Ông hầu như không vẽ tranh phong cảnh hay tĩnh vật, mảng đề tài ngựa và những người dân tộc hay xuất hiện nhiều trong các tranh: Ngựa, Người Mông dắt ngựa, Người Mông uống rượu, Vợ chồng người Mông với chiếc lồng chim, Chợ vùng cao

Ông không đặt tên tác phẩm vì cho rằng, tự nó – nội dung, hình tượng trong tranh đã bật ra tên gọi. Ở thể loại chân dung, ông hay dùng chất liệu sơn dầu, acrilic. Đề tài thiếu nữ cũng được Văn Cao yêu thích và dù có mẫu hay không có mẫu vẫn thấp thoáng trong tranh khuôn mặt vợ, con gái trẻ trung xinh đẹp.

“Tranh Văn Cao dùng màu sắc sảo khí chất tao nhã, lịch lãm. Có thể do khó khăn về vật liệu nên ông nghĩ nhiều trước khi vẽ, nghĩ chín rồi ông vẽ màu, ít tẩy xóa. Văn Cao thường không miêu tả chi tiết, tự hình thể, màu sắc đã biểu hiện nội dung của tác phẩm”, họa sĩ Nghiêm Thành chia sẻ.

Mot so hinh anh minh hoa tren bao min - Nhạc sĩ Văn Cao, người ám ảnh hội họaMột số hình ảnh minh họa trên báo của họa sĩ Văn Cao.

Họa sĩ Nghiêm Thành cho rằng, so với tranh vẽ, mảng tranh đồ họa gồm hàng trăm bìa sách và minh họa của Văn Cao có nhiều tìm tòi và gần như đạt được phong cách, có ý nghĩa tiên phong. Tuy gia tài hội họa của Văn Cao “nghèo” hơn so với âm nhạc và thơ ca nhưng con người tài hoa ấy cũng đóng góp nhiều cho hội họa và nhất là mảng đồ họa. Gần nửa thế kỷ vẽ tranh, Văn Cao đã mở ra cái nhìn mới mẻ và tạo nên dấu ấn cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Cuộc dạo chơi hội họa ‘một cách chuyên nghiệp’

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, từ trước đến nay, giới mỹ thuật chưa viết gì về Văn Cao, đó là một thiếu sót. Việc “chưa viết gì” là bởi giới mỹ thuật coi Văn Cao là một nhạc sĩ nhiều hơn là một họa sĩ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của mình, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng khẳng định: “Văn Cao là họa sĩ chuyên nghiệp”. “Theo thống kê của chúng tôi, Văn Cao vẽ khoảng 300 bìa sách, như thế là rất chuyên nghiệp”, ông nói.

Ông Phan Cẩm Thượng cho rằng, trong ngành thiết kế đồ họa mà ngày nay gọi là design, Văn Cao đóng một vai trò quan trọng, khi ông có đến hàng nghìn minh họa báo chí. Đặc biệt ông vẽ tới 300 bìa sách, một số lượng rất nhiều. Thời kỳ đó hoàn toàn vẽ bằng tay.

“Có thể nói rằng Văn Cao là một họa sĩ design thực thụ, và chúng tôi lấy làm tiếc rằng ông không phát triển hội họa, nếu không, ông cũng sẽ là một họa sĩ tiên phong”, ông Phan Cẩm Thượng khẳng định.

Tình Lê

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây