Những ‘mỏ vàng’ dưới nước

Di sản văn hóa dưới nước có nghĩa là tất cả các dấu vết của sự tồn tại của nhân loại mang tính văn hóa, lịch sử hoặc khảo cổ nằm một phần hoặc hoàn toàn dưới nước, theo chu kỳ hoặc liên tục, trong ít nhất 100 năm, chẳng hạn như: Các địa điểm, cấu trúc, nhà cửa, đồ tạo tác và hài cốt con người, cùng với bối cảnh khảo cổ và tự nhiên của chúng; Tàu thuyền, máy bay các phương tiện vận tải hoặc bộ phận đi kèm, hàng hóa và các đồ đạc khác, cùng với bối cảnh khảo cổ và tự nhiên của chúng; Các hiện vật mang các đặc tính thời tiền sử.

Di sản văn hóa dưới nước (underwater cultural heritage -UCH) có tính hữu hạn, không thể tái tạo và gắn liền với môi trường nước. Với các đặc điểm của nó, rõ ràng UCH là một nguồn tài nguyên quốc tế. Một phần lớn UCH nằm trong môi trường quốc tế và bắt nguồn từ giao thương và liên lạc quốc tế, trong đó các con tàu và hàng hóa của chúng bị chìm ở khoảng cách xa so với điểm xuất phát hoặc điểm đến của chúng.

Vai trò và lợi ích của di sản văn hóa dưới nước

UNESCO nói rằng “UCH có vai trò lớn trong nghiên cứu khoa học và giáo dục. Các di tích thời tiền sử bị ngập nước có vai trò rất quan trọng trong việc tìm hiểu về sự phát triển văn minh của nhân loại. Tương tự, các con tàu đắm cung cấp thông tin quan trọng về sự trao đổi văn hóa, giao thương và các ảnh hưởng lẫn nhau trong quá khứ, trong khi các thành phố, các khu vực nhà ở, khu vực hoạt động tôn giáo bị ngập chìm đưa ra các dữ liệu rất quan trọng về đời sống văn hóa, tâm linh, các nghi lễ tôn giáo… tại địa phương đó.

UCH mở ra các cơ hội để làm giàu thêm văn hóa, để giải trí và phát triển bền vững. Nó là một hình thức thú vị và hấp dẫn của di sản nói chung và được đánh giá cao của cộng đồng nhờ những câu chuyện bí ẩn, đặc trưng bao quanh khu vực dưới nước của nó. UCH cung cấp các cơ hội dài hạn trong việc phát triển du lịch văn hóa và giải trí, đặc biệt đóng góp đáng kể vào việc phát triển đô thị. Cộng đồng được tiếp cận với khảo cổ học dưới nước, dưới các hình thức tham quan bảo tàng hay trải nghiệm lặn biển cùng với việc bảo tồn các di sản văn hóa có liên quan trong khi hứa hẹn về tài chính lâu dài trong tương lai”.

Cang La Ma co dai Ostia Y min - Những 'mỏ vàng' dưới nướcCảng La Mã cổ đại Ostia (Ý) – một trong những UCH của thế giới.

Trong khi đó, du lịch di sản văn hóa dưới nước (underwater cultural heritage tourism – UCHT) mang lại lợi ích cho cộng đồng và một đất nước, cụ thể là:

 Tạo việc làm và phát triển kinh doanh, ngành du lịch hiện là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tỉ lệ lớn GDP quốc gia đối với các nước trên thế giới. UCHT là một trong những ngành hẹp của ngành du lịch nói chung, hứa hẹn tiềm năng đóng góp lớn số lượng việc làm cho đất nước, đặc biệt là đối với các vùng miền có nhiều UCH.

 Đa dạng hóa nền kinh tế địa phương, ngoài các ngành phát triển kinh tế địa phương như: nông – lâm – ngư nghiệp, xây dựng, cơ khí … thì UCHT không chỉ góp phần đa dạng hóa ngành nghề cho địa phương mà còn tạo nên nguồn thu nhập lớn cho địa phương đó.

 Tạo cơ hội cho các quan hệ đối tác, UCHT tạo nên các cuộc gặp gỡ và giao lưu cho các đối tác từ các chương trình hội nghị, hội thảo, hay các chương trình du lịch, tham quan, trải nghiệm … về UCH, từ đó, các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội giao lưu và hợp tác trên các phương diện như nghiên cứu, kinh doanh, đào tạo… Ví dụ, sau các chương trình Hội nghị, Hội thảo quốc tế về Khảo cổ học dưới nước, các doanh nghiệp đã có thể kết nối với các chuyên gia tư vấn về du lịch, về di sản nhằm đưa ra các chương trình phát triển du lịch gắn với các UCH đó.

Thu hút khách du lịch quan tâm đến lịch sử và vấn đề bảo tồn UCH tại nước sở tại, nhờ UCHT, mà du khách trên khắp thế giới biết đến lịch sử, biết đến các UCH hay lịch sử, văn hóa của đất nước đó, hiểu được sự quan tâm, bảo tồn, lưu giữ hay phát triển các giá trị văn hóa của chính đất nước mà họ đang đi du lịch.

Giữ gìn và bảo tồn truyền thống và văn hóa địa phương, thông qua UCHT, người dân địa phương có ý thức hơn trong việc giữ gìn và bảo tồn các UCH, kéo theo việc lưu giữ được các truyền thống và văn hóa địa phương nhằm gia tăng và thu hút du khách thập phương đến du lịch ở địa phương đó.

Tạo các nguồn đầu tư địa phương cho các tài nguyên lịch sử, với mục đích phát triển kinh tế du lịch, mục đích thu hút du khách thập phương tới tham quan địa phương trong việc gia tăng lợi nhuận kinh tế, các nhà đầu tư thường đầu tư thêm về các vấn đề bảo tồn di tích và phát triển mạnh các dịch vụ xoay quanh các di tích đó. Điều này sẽ khiến cho địa phương đó ngày càng phát triển và có thêm nhiều nguồn thu nhập.

 Xây dựng niềm tự hào của cộng đồng trong Di sản, địa phương nào cũng có niềm tự hào về miền đất, quê hương của họ. Việc du khách thập phương đến tham quan các di sản khiến người dân địa phương lại càng cảm thấy tự hào về miền đất các di sản của họ. Điều này truyền lửa rộng lớn tới quy mô lớn hơn như từ địa phương xã huyện, kéo theo tỉnh thành, hay đất nước đó.

 Góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khu vực, một đất nước giàu có sẽ giàu có từ thiên nhiên, địa lý, đến văn hóa, truyền thống, đến các di sản nói chung. Do vậy, UCHT kéo du khách thập phương đến quốc gia/ địa phương, khiến quốc gia/ địa phương này được coi trọng và được đánh giá tốt hơn trên trường quốc tế, kéo theo tầm ảnh hưởng của quốc gia đó lớn hơn.

Tau dam Titanic min - Những 'mỏ vàng' dưới nướcTàu đắm Titanic – một trong những UCH đi vào lịch sử thế giới.

Một số di sản văn hóa dưới nước nổi tiếng trên thế giới

Cảng La Mã cổ đại Ostia được xây dựng trên cửa sông Tiber thành một khu phức hợp khổng lồ dưới thời Hoàng đế Claudius và được đặt tên là Portus – có nghĩa là cảng. Cảng Ostia được mở rộng dưới thời các Hoàng đế kế tiếp như Trajan, Hadrian và có chức năng như một căn cứ quân sự cho những cuộc viễn chinh vĩ đại nhất của đế chế La Mã cổ đại. Ostia cũng là cảng giao thương thương mại giá trị lớn với các loại hàng may mặc, trang sức, ngũ cốc, vật dụng cần thiết khác để cung cấp cho thành phố thủ đô của La Mã cổ đại. Ostia bây giờ là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách khắp nơi trên thế giới.

Cung điện Cleopatra là một di tích dưới nước nằm trong quần thể di tích thành phố Alexandria cổ đại bị đắm chìm dưới đáy đại dương được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1998. Thành phố Alexandria cổ đại phát triển thịnh vượng trong suốt 700 năm với nhiều biến cố lịch sử, tuy nhiên Alexandria lại bị phá hủy bởi thảm họa thiên nhiên. Năm 365 (SCN), hàng loạt các trận động đất lớn gây ra sóng thần kinh hoàng đã nhấn chìm một phần thành phố Alexandria. Cung điện Cleopatra nơi vị nữ vương của Ai Cập cổ cùng với người tình của mình là Marc Anthony từng tự vẫn để tránh rơi vào tay người Roman.

Cảng Pompeii: là tàn tích một thành bang La Mã bị chôn vùi một phần gần Napoli, Ý hiện nay trong vùng Campania, thuộc địa giới công xã Pompeii. Cùng với Herculaneum, thành phố chị em của nó, Pompeii đã bị phá hủy và bị chôn vùi hoàn toàn dưới 4 – 6m bởi tro núi lửa và đá bọt, trong một vụ phun trào hai ngày của núi lửa Vesuvius năm 79 (SCN). Nơi này đã biến mất 1.700 năm trước khi nó bất ngờ được khám phá năm 1599 và năm 1748. Từ đó, việc khai quật Pompeii đã cung cấp một cái nhìn bên trong rất chi tiết về cuộc sống của một thành phố ở thời cực thịnh của Đế chế La Mã. Pompeii đã là một điểm đến du lịch trong hơn 250 năm nay và là Di sản Thế giới của UNESCO tại Ý thu hút đông khách nhất, với khoảng 2,5 triệu du khách mỗi năm.

Tàu đắm RMS Titanic: là con tàu khổng lồ rất nổi tiếng đã đi vào lịch sử, sau khi đã di chuyển được hai phần ba quãng đường từ Queenstown, Ireland qua Đại Tây Dương để đến New York, nó đã bị chìm vào tháng 4 năm 1912. Xác tàu Titanic nằm khoảng 370 dặm (600km) về phía Nam – Đông Nam ngoài khơi Newfoundland, Bắc Đại Tây Dương, nằm ở độ sâu khoảng 12.500 feet (3.800m). Công ty RMS Titanic đã tổ chức các cuộc triển lãm quy mô lớn trên khắp thế giới về các hiện vật được trục vớt ở trên tàu. Rất nhiều các chương trình triển lãm về con tàu Titanic thu hút rất đông du khách đến tham dự trong đó có triển lãm du lịch được gọi là “Titanic: Triển lãm các hiện vật” được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp thế giới và thu hút hơn 20 triệu người xem.

Lê Thanh Huyền

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây