Năm 2019, được sự hỗ trợ giúp đỡ của Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố và Hội Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng , Chi hội Nhà văn Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện và hoàn thành viên mãn Đề án “Về những thành tựu văn học của các nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn 1997 – 2018 và định phướng phát triển giai đoạn 2018 – 2030” với sự tham gia của 15/15 Hội viên Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng và đang sinh hoạt tại Chi hội. Nhà văn, Nhà thơ, Nhà nghiên cứu lịch sử Thanh Quế là người chịu trách nhiệm biên soạn Phần thứ Nhất: “Những thành tựu văn học của Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh kế – xã hội của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1997 – 2018”.
Kết hợp giữa sử và văn, tác giả Thanh Quế đã trình bày những trang viết của mình theo các phương pháp đặc trưng của Sử học nhưng lời văn lại mang sắc thái của Văn học, rất phù hợp với cách trình bày về văn học sử.
Sau đây, vansudia.net xin giới thiệu toàn văn bản chương viết này của Nhà văn, Nhà thơ, Nhà nghiên cứu lịch sử Thanh Quế.
Ở những số sau, chúng tôi sẽ giới thiệu một số bài viết của các tác giả khác.
vansudia.net
Những thành tựu văn học của các Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn 1997 – 2018
Nhà văn Thanh Quế
Đà Nẵng là thành phố nằm ở trung độ của đất nước, có đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không nối liền các vùng trong nước, trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Với vị trí địa lý quan trọng như vậy, với nhân dân anh dũng kiên cường trong những cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng và nhà nước đã sáng suốt nhìn nhận Đà Nẵng là thành phố có vị trí địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa quan trọng, là mắc xích chủ yếu trong việc vận hành dây chuyền kinh tế – xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Xây dựng Đà Nẵng giàu mạnh và phát triển tốt cũng là làm cho miền Trung phát triển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước
Trong tổng kết hội nghị của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương ngày 15-8-2007, đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư có nói: “vấn đề sống còn trong công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta không chỉ là quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn dịnh chính trị mà đồng thời phải giữ cho được bản sắc văn hóa dân tộc trong đó văn học, nghệ thuật là cốt lõi”. Vì thế phát triển văn học – nghệ thuật cũng góp phần cho phát triển văn hóa kinh tế – xã hội, trong đó văn học là một khâu quan trọng của văn học nghệ thuật
Nhà văn Thanh Quế và con trai: Họa sĩ Phan Tuy An
- Tổng quan tình hình đội ngũ sáng tác văn học và hoạt động văn học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1997- 2018
Từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ( 1-1-1997) thành phố chúng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và các Nghị quyết Trung ương về nhiều vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực trọng yếu của hoạt động đất nước, phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”. Thành phố Đà Nẵng của chúng ta được sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương bạn đã có nhiều bước chuyển biến đáng phấn khởi. Nghị quyết Đại hội lần XVII của Đảng bộ đang từng bước đi vào đời sống, tạo ra những chuyển biến cách mạng trên thành phố chúng ta theo xu hướng xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, kinh tế – xã hội bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng có vững mạnh các tổ chức chính trị, các đoàn thể nhân dân, trong đó có tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm công tác văn học – nghệ thuật.
Cùng với sự phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của thành phố, đội ngũ những người làm công tác văn học cũng phát triển. Nếu trước khi chia tách tỉnh, phân hội văn học của Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng (Kể cả những cây bút ở trên địa bàn Quảng Nam sau này) chỉ mới có 78 người, thì nay phân hội văn học Đà Nẵng (mới) đã lên tới 96 người. Lực lượng này bao gồm các hội viên ở Hội Văn Nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng (nằm trên địa bàn Đà Nẵng cũ), các hội viên ở Hội Văn Nghệ thành phố Đà Nẵng cũ và một số người mới được kết nạp. Với số hội viên phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng như trên và còn tiếp tục phát triển nên được sự đồng ý của Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, vào cuối năm 2002 đã chuyển Hội Văn Nghệ Đà Nẵng thành Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng, phân hội Văn học thành Hội Nhà Văn Đà Nẵng. Đến nay (2018), số hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng là 110 người, chưa kể một số người viết hoạt động ở các báo, đài mà chưa vào Hội Nhà văn.
Để giúp cho đội ngũ văn học Đà Nẵng phát triển và làm tốt công việc của mình, sau nghị quyết V của Trung ương và Nghị quyết XVII của Đảng bộ thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã thể chế hóa các nghị quyết này đề ra chương trình hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tác văn học như: đầu tư để mở các trại viết, giao lưu văn học với các tỉnh bạn, lập giải thưởng Văn học – Nghệ thuật cấp thành phố, đảm bảo tạp chí Non Nước mỗi tháng một số (trước kia có lúc 1 tháng, có khi 2 tháng một số), tài trợ một phần cho từng đầu sách văn học xuất bản…
Chương trình này tuy chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động văn học nhưng đội ngũ cầm bút chúng ta ghi nhận sự quan tâm quý báu này từ phía lãnh đạo và các ban ngành của thành phố, dù trong hoàn cảnh vừa chia tách tỉnh, tổ chức bộ máy các cấp mới hình thành lại chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế – khu vực và thiên tai liên miên xảy ra.
Mặt khác, thực tiễn văn học cũng đặt ra những suy nghĩ đối với người cầm bút. Các chủ trương, chính sách đã được đề ra nhưng mới triển khai, chế độ nhuận bút chậm cải tiến, luật bản quyền vẫn chưa có. Người cầm bút vừa lo sáng tác vất vả vừa lo tự in, phát hành, nhất là những người về hưu. Trong khi đó kinh phí của Hội hạn chế, thị hiếu người đọc đa dạng, họ có nhiều quan tâm khác, sách bán không chạy trong khi sách có giá trị thấp lại ăn khách, sự lấn sân của văn hóa nghe nhìn đối với văn hóa đọc ngày càng gay gắt đang thử thách đội ngũ sáng tác văn học ở thành phố. Tuy vậy, vượt lên trên những khó khăn đó, nhiều hội viên vẫn tranh thủ mọi điều kiện, ngày làm việc cơ quan hay lo kiếm sống, đêm chong đèn sáng tác tới khuya. Họ thực sự lăn lộn, hòa mình vào công cuộc đổi mới của thành phố, cố gắng trả lời những câu hỏi đang đặt ra của lãnh đạo và nhân dân thành phố. Vì vậy đội ngũ văn học chúng ta đã làm được một số việc, trong đó sáng tác và đẩy mạnh sáng tác là nhiệm vụ trung tâm.
Mở đầu cho công việc sáng tác là tham gia “cuộc thi sáng tác văn học – nghệ thuật” (1998-2000) do Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức với quy mô lớn, khẳng định thêm chất lượng sáng tác của đội ngũ văn học trên địa bàn thành phố.
Về thơ, tác giả Nguyễn Nhã Tiên với chùm thơ Sử thi sông Hàn, Một lần đến với Tân Quy Đông, Thơ dọc đường với gió đã đạt giải nhất. Các tác giả Ngân Vịnh, Nguyễn Minh Hùng đạt giải nhì với chùm thơ Một ngày của chị tôi, Sơn Trà tôi gọi người ơi, Trái tim chim yến, Ánh trăng. Nguyễn Minh Khôi đạt giải nhì với truyện ngắn Tiếng chiêng. Các giải ba và khuyến khích về thơ, văn thuộc về Lưu Trùng Dương, Trương Giảng, Nguyễn Kim Huy, Vạn Lộc, Trần Trúc Tâm, Tôn Nữ Thanh Tịnh, Lê Anh Dũng…
Đặc biệt trong cuộc thi này, người ta đã gặp sự trở lại sau một thời gian thưa bóng của thể loại dài hơi như trường ca, truyện dài tiểu thuyết: Cát trở dạ( trường ca của Đỗ Xuân Đồng); Lửa xanh (trường ca của Nguyễn Văn Tám); Khắc khoải (tiểu thuyết của Hồ Hải Học); Vượt cạn (tiểu thuyết của Nguyễn Thị Thu Sương); Chuyện Vùng Ven (tiểu thuyết của Đoàn Xoa); Phố Thức (truyện dài của Nguyễn Thị Thu Hương)… là những tác phẩm được giải cao trong cuộc thi này.
Được sự quan tâm của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng, Hội Nhà văn Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đoàn đi thực tế thâm nhập cuộc sống để sáng tác, có những tác phẩm kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Đợt đi các xã Tây Bắc Hòa Vang, đợt đi các quận trong thành phố (1998); đặc biệt đợt đi thực tế xuống xã Hòa Phong và các xã quanh khu vực Túy Loan (Hòa Vang) năm 1999 để viết về cuộc chống lũ của nhân dân. Các bài viết đã được Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tập hợp trong tập Đứng trên đỉnh lũ xuất bản 1999.
Nhiều hội viên đã tham gia viết “Người tốt việc tốt” cho một số ngành, đặc biệt là Hội liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng. Các bài viết in trong tập Những cánh chim không mỏi (2010). Cũng như thế, vào những năm 2014-2017 nhiều cây bút đã tham gia đi thực tế tìm hiểu và viết về xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang đã giúp cho các hội viên hiểu biết thêm nhiều điều về đời sống, sinh hoạt và làm việc của người nông dân trong công cuộc đổi mới của đất nước. Từ đó anh chị em đã sáng tác nhiều bài thơ và bút ký, được tập hợp trong tập sách Hòa Vang miền quê yêu thương (2014)
Các cuộc thâm nhập thực tế sáng tác tại các đơn vị bộ đội ở Sơn Trà, Kiểm lâm ở đèo Hải Vân (2018, 2019) cũng giúp cho các hội viên viết được những bút ký, bài thơ tốt như Nguyễn Thị Thu Sương, Lê Anh Dũng, Mai Hữu Phước…
Các trại viết do tạp chí Non Nước (2014), Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Đà Nẵng (2006) được tổ chức để viết về những gương điển hình, tiên tiến, những gương lao động sáng tạo trên mọi mặt của thành phố đã thu hoạch được nhiều ký, truyện ký để xuất bản trong 2 tập Gương mặt người Đà Nẵng (2004) và Chạy đua với thời gian (2006). Việc mở trại ký và thành công của nó đã khẳng định thế mạnh viết ký của đội ngũ viết văn ở thành phố, làm giảm đi sự lo lắng “thiếu bài” của tạp chí Non Nước.
Mặt khác, hàng năm nhiều cây bút văn học Đà Nẵng cùng các Hội khác trong Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tham gia đi sáng tác ở các trại sáng tác của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong 15 ngày tại Đà Lạt, Vũng Tàu, Đại Lãi… Mỗi lần như thế, anh chị em sáng tác hàng chục bài thơ, ký, truyện hoặc hoàn thành tiểu thuyết đang viết dở.
Bên cạnh những tập sách ra đời từ các cuộc thi,vận động sáng tác, các cuộc đi thực tế, trại viết, hàng năm đội ngũ văn học ở Đà Nẵng đã xuất bản hàng chục đầu sách mới về truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, trường ca, tản văn… Người ta ghi nhận sự có mặt của những cây bút lớn tuổi chen lẫn với những cây bút mới xuất hiện: Trương Giảng, Huỳnh Thảng, Lưu Trùng Dương, Dương Kiên, Gia Vi, Hoàng Minh Nhân, Thái Bá Lợi, Vĩnh Quyền, Trương Điện Thắng, Hoàng Trọng Dũng, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Đỗ Xuân Đồng, Bùi Tự Lực, Đà Linh, Quế Hương, Nguyễn Thị Thu Sương, Trần Trúc Tâm, Nguyễn Minh Khôi, Nguyễn Xuân Tư, Đoàn Hồng, Đỗ Phước Tiến, Hoa Ngõ Hạnh… trong văn xuôi.
Về thơ có thể gặp các tập thơ của Lê Đào, Trần Đình Hường, Huy Lộc, Trương Đình Đăng, Vạn Lộc, Vũ kim Thông, Phạm Minh Thông, Ngô Xuân Toàn, Thanh Trường, Nguyễn Quân, Hoàng Kim… đến Lê Huy Hạnh, Ngân Vịnh, Đông Trình, Trương Văn Ngọc, Nguyễn Nhã Tiên, Phan Hoàng Phương, Võ Kim Ngân, Bùi Xuân, Nguyễn Kim Huy, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nho Thùy Dương, Thủy Anh, Nguyễn Hoàng Thọ… đến các em bé Phan Tuy An, Đỗ Thi Quỳnh Như…
Các tác phẩm kịch bản văn học của Hồ Hải Học, Đoàn Huy Giao, Hồ Trung Tú, Huỳnh Hùng… cũng được đánh giá cao. Tuy nhiên các sáng tác về kịch bản vẫn chưa thực sự thu hút nhiều hội viên.
Văn học dịch và nghiên cứu lý luận phê bình còn quá ít. Số hội viên gắn bó với mảng này còn tản mạn. Có phải vì chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò mảng này, đặc biệt mối quan hệ giữa lý luận phê bình và sáng tác là hữu cơ, lý luận phê bình thúc đẩy sáng tác. Trong hoàn cảnh này ta đặc biệt trân trọng sự đóng góp của Hoàng Châu Ký, Nguyễn Văn Xuân, Hồ An, Hồ Hoàng Thanh, Bùi Văn Tiếng, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Thanh Xuân, Bùi Xuân…
Về văn học thiếu nhi có sự tham gia nhiều hơn của các cây bút với nhiều tác phẩm có chất lượng: Bùi Tự Lực (với Nội tôi và chó hoang); Quế Hương (với Quán búp bê và Bí đỏ và… ); Trần Trung Sáng (với Ông Hoàng đu đủ); Ngân Vịnh (với Ếch con và hoa sen) Đông Trình (với Những chiếc xe màu lửa); Trương Văn Ngọc (với Tiếng nói của đất), Nguyền Kim Huy (với Triền sông thơ ấu)…
Đề tài truyền thống, lịch sử và chiến tranh cách mạng được nhiều cây bút tham gia, nhất là những cây bút từng tham gia 2 cuộc kháng chiến nay vẫn bền bỉ viết: Nguyễn Văn Xuân (với Kỳ nữ họ Tống); Thái Bá Lợi (với Khê mama và Minh Sư); Hoàng Minh Nhân( với Son ve); Lê Anh Dũng (với Thưa mẹ, phía trăng lên – trường ca, Giữa xanh thẳm đại ngàn – trường ca…); Đỗ Xuân Đồng (với Cây dừng thiêng – tiểu thuyết ; Cát trở dạ – trường ca…).
Từ đó nhiều tác phẩm của đội ngũ văn học Đà Nẵng được đưa vào các tổng tập, tuyển tập lớn của Trung ương như truyện và thơ của Lưu Trùng Dương, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Thanh Quế, Quế Hương, Trương Văn Ngọc, Trần Khắc Tám, Nguyễn Kim Huy, Bùi Tự Lực, Đà Linh, Đông Trình, Bùi Công Minh, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Đông Nhật…
Một số tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài (Nga, Anh , Pháp) như các truyện: Lòng cha, Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi; Dì Út, Bà mẹ vui tính của Thanh Quế, tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền…
Một số tác phẩm được giải cao ở Trung ương như Minh Sư của Thái Bá Lợi (tác phẩm này còn được giải Đông Nam Á); Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền; Quán búp bê, Cuộc đua của Quế Hương; Nội tôi của Bùi Tự Lực; Ngày Linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy; Thu Bồn nhà thơ trữ tình Đất Quảng của Nguyễn Kim Huy… Các tác giả Lưu Trùng Dương, Thái Bá lợi, Thanh Quế, được Giải thưởng Nhà nước (2012). Ngoài ra, hàng chục tác phẩm được giải thưởng 5 năm của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà Văn Đà Nẵng.
Bên cạnh việc tổ chức sáng tác để tạo ra những tác phẩm mới, Hội Nhà văn Đà Nẵng và Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã mở nhiều cuộc hội thảo về Thơ Đà Nẵng đương đại (2016); Thơ nữ Đà Nẵng (2017); Sáng tác cho thiếu nhi (2018)… Cuốn hút được đội ngũ văn học tham gia. Cạnh đó, từng nhóm hội viên đã tham gia vào các cuộc giới thiệu sách, hầu như được tổ chức hàng tháng. Các cuộc hội thảo về văn học của Hội Nhà văn Việt Nam ở Đà Nẵng, Tam Kỳ cũng được nhiều cây bút ở Đà Nẵng tham gia, giao lưu, trao đổi, học hỏi, góp phần nâng cao nghề nghiệp.
Nhiều cây bút văn học ở Đà Nẵng được tham gia trong các đoàn đi giao lưu (do Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức) với Hội Văn Nghệ Hải Phòng (trong các năm 2000, 2002, 2004, 2006, 2010…); Hội Văn Nghệ Quảng Ninh (1999), Hòa Bình (2000), Sơn La (2000, 2009), Lai Châu (2000), Lào Cai (2000) và Hội Văn Nghệ Cà Mau (2009), An Giang (2009, 2012…) cũng góp phần trao đổi học hỏi lẫn nhau, giúp các hội viên văn học trau dồi về nghề nghiệp.
Nhìn lại, khoảng thời gian 1997- 2018 ta thấy đội ngũ văn học ở Đà Nẵng ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Các sáng tác của anh chị em ngày càng nhiều, càng hay hơn. Nhiều cây bút từ thế hệ chống Pháp, chống Mỹ đã có bước đổi mới trong đề tài, cách thể hiện, hòa nhập được với lực lượng trẻ hôm nay. Nhiều tác giả trẻ đã có tìm tòi về nội dung và cách thể hiện, tạo ra được những phong cách mới, khuynh hướng mới đáng cổ vũ. Nói chung, đội ngũ sáng tác văn học ở Đà Nẵng đã bắt kịp với nhịp phát triển chung của văn học cả nước và có những tác phẩm đóng góp vào kho tàng văn học cả nước, một số người đã được giải thưởng ở Trung ương và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn chung và nghiêm khắc mà nói, nhiều tác phẩm của các cây bút Đà Nẵng có chất lượng chưa cao, chưa gây được những tiếng vang lớn trong nước. Công tác lý luận, phê bình còn hạn chế, dịch thuật còn ít. Những sáng tác về những vấn đề nóng hổi có tính thời sự ở thành phố còn lưa thưa, việc góp phần vào chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng chưa được chú ý. Những sáng tác phục vụ, cổ vũ cho công cuộc đổi mới, đáp ứng nhiệm vụ chính trị ở địa phương chưa thật sắc nét, chưa đi vào bản chất của vấn đề, chỉ mới có tính chất phản ánh mà chưa tìm ra được những lý giải, những giải pháp, nhằm góp thêm “tiếng nói” vào sự nghiệp chung của thành phố.
Vì sao vậy? Phải nói, một số hội viên trong đội ngũ văn học Đà Nẵng chưa coi sáng tác là nhiệm vụ sống còn của mình, nhiều hội viên ít gắn bó với phong trào ở địa phương, không tìm hiểu, không đi thực tế, không sinh hoạt đoàn thể…
Đội ngũ sáng tác văn học còn nhiều người già, sức khỏe yếu nên anh chị em gặp khó khăn trong việc đi thực tế và sáng tác. Số anh chị em trẻ chưa có tay nghề và kinh nghiệm thực tiễn lại lo công việc mưu sinh…nên sáng tác còn ít, nhất là những tác phẩm dài hơi như trường ca, tiểu thuyết…
Trước yêu cầu và đòi hỏi của lãnh đạo và nhân dân thành phố, cần có những tác phẩm văn học ngang tầm với sự phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội ở địa phương, chúng ta cần phát triển đội ngũ văn học, đưa vào Hội Nhà Văn nhiều cây bút trẻ, có năng lực, nhiệt huyết sáng tác và tổ chức hoạt động cho tốt để tạo ra nhiều tác phẩm hay có ích, phục vụ cho sự phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của thành phố.
Muốn phát triển đội ngũ ta dựa vào hai nguồn: những người yêu thích và đang tập sáng tác văn học cũng như lực lượng các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường có năng khiếu văn học ở thành phố. Đối với những người lớn yêu thích sáng tác văn học nằm trong cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp và những người hoạt hoạt động tự do, ta tổ chức khảo sát nắm lực lượng để từ đó có kế hoạch khuyến khích và bồi dưỡng khả năng sáng tác cho họ. Bồi dưỡng khả năng sáng tác bằng cách cử các nhà văn có uy tín trong Hội Nhà Văn thành phố nói chuyện thơ văn, khơi gợi ý đồ và giúp đỡ họ hoàn thành tác phẩm (bằng cách đọc, sửa chữa giúp). Mặc khác tạo cơ hội cho những người có điều kiện thời gian và vật chất đi học trường viết văn Nguyễn Du do Hội Nhà Văn Việt Nam mở. Mời họ tham gia các cuộc hội thảo văn học, giới thiệu sách do Hội Nhà văn thành phố tổ chức để họ học hỏi rút kinh nghiệm trong sáng tác. Từ đó ta kết nạp họ vào Hội Nhà văn thành phố, nhằm phát triển đội ngũ văn học của chúng ta.
Đối với các em học sinh có năng khiếu văn học, cần mời các em tham gia vào các trại sáng tác văn học ta đã tổ chức vào dịp hè hằng năm. Tại trại ta cần đọc kỹ, góp ý cho các em từng sáng tác để các em rút kinh nghiệm và động viên các em tiếp tục sáng tác sau khi trại kết thúc, cử những nhà văn có năng lực hướng dẫn. Sau này các em sẽ là lực lượng kế cận của đội ngũ chúng ta.
Đối với các hội viên nằm trong đội ngũ sáng tác văn học của Hội cần động viên giúp đỡ họ bám sát thực tiễn sản xuất và sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn Đà Nẵng, gặp gỡ trao đổi với các gương điển hình tiên tiến, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để từ đó nghiền ngẫm sáng tác. Cần tiếp tục tổ chức nhiều trại sáng tác ở địa phương và cho các anh chị em tham gia trại viết của Trung ương mở hàng năm. Cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giới thiệu sách mới của anh chị em để họ trao đổi, rút kinh nghiệm sáng tác. Tổ chức nhiều cuộc giao lưu với lực lượng sáng tác ở các tỉnh bạn để họ học hỏi, trao đổi về nghề nghiệp…
Lãnh đạo thành phố, Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Hội Nhà văn Đà Nẵng cần có chế độ giúp đỡ những hội viên khó khăn, đau ốm, già yếu để họ hoàn thành và in ấn tác phẩm. Động viên tinh thần và vật chất bằng việc tặng thưởng kịp thời đối với những cây bút có quá trình hoạt động văn học và có sáng tác hay…
- Những thành tựu văn học của các nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội của thành phố giai đoạn 1997-2019.
- Về tổ chức chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng
Cũng như hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, các nhà văn Việt Nam ở Đà Nẵng tham gia sinh hoạt với Hội Văn Nghệ địa phương và làm việc trực tiếp với Hội Nhà văn Việt Nam. Dần dần số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở thành phố Đà Nẵng nhiều hơn nên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng vào cuối năm 1999 với mục địch tập hợp các nhà văn trên địa bàn, giúp đỡ, động viên nhau trong sáng tác cũng như trong đời sống. Chi hội thực sự là cánh tay nối dài từ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với từng hội viên, là nơi kết nối Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với lãnh đạo địa phương. Ban đầu, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng do nhà thơ Thanh Quế làm Chi hội trưởng, nhà văn Đà Linh là Chi hội phó. Số hội viên lúc đó có 11 người. Năm 2010, Đại hội chi hội bầu nhà thơ Ngân Vịnh làm Chi hội Trưởng; nhà văn Bùi Tự Lực là Chi hội Phó, nhà thơ Lê Anh Dũng là Ủy viên (sau đó là Chi hội phó khi nhà văn Bùi Tự Lực xin nghỉ sáng tác). Lúc đó số hội viên là 13 người. Năm 2017, Đại hội Chi hội đã bầu nhà văn Bùi Xuân làm Chi hội trưởng, nhà thơ Lê Anh Dũng là Chi hội phó, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy là ủy viên. Số hội viên của Chi hội lúc này còn lại 15 người sau khi hai nhà văn là Lưu Trùng Dương và Đỗ Xuân Đồng mất.
Với mục tiêu của Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng đã thực hiện một số công việc:
– Nắm tình hình sáng tác, sức khỏe, đời sống của các hội viên báo cáo cho Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ, đầu trợ sáng tác. Thăm viếng hội viên đau ốm và lo tang lễ cho các hội viên từ trần.
– Xin kinh phí của Hội Nhà văn Việt Nam và địa phương cũng như các nhà tài trợ để tổ chức cho các nhà văn đi thực tế, giao lưu, hội thảo, Đại hội, khu vực và toàn quốc.
– Tổ chức giới thiệu tác phẩm mới cho anh chị em hội viên.
Từ ngày thành lập, Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng thực sự gắn bó với cấp ủy, chính quyền cũng như Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật và Hội Nhà văn địa phương. Chi hội đã được cấp ủy, Ủy ban thành phố hỗ trợ kinh phí, nhờ đó đã tổ chức một chuyến đi thực tế sáng tác ở lào, ra 2 tập kỷ yếu. Lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật cũng hổ trợ nhiều cho Chi hội và từng nhà văn (vì các nhà văn cũng là hội viên của Liên hiệp hội ) như cho hội viên đi thực tế sáng tác, đi trại sáng tác, đi giao lưu với Hội Văn Nghệ các tỉnh, cho một phần kinh phí để in ấn tác phẩm, cho mượn dịa điểm để Chi hội sinh hoạt, hội họp, giới thiệu tác phẩm. Chi hội thật sự gắn bó và là một bộ phận trong Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Và về phần mình, các nhà văn Việt Nam trong Chi hội đã hòa mình vào thực tế ở địa phương, thâm nhập và sáng tác nên những tác phẩm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần vào thành tựu chung về văn hóa, kinh tế, xã hội ở Đà Nẵng.
- Những thành tựu văn học của các nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn 1997- 2019
Từ ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương với sự sát nhập của huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa. Để trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế – xã hội của miền Trung và cả nước cũng như của khu vực Đông Nam Á như nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, thành phố đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tạo ra sự biến đổi to lớn về quy hoạch và phát triển đô thị. Có những công trình mới về cầu, đường, nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch- nghĩ dưỡng… được xây dựng làm cho Đà Nẵng dần dần hình thành nên dáng vóc một đô thị hiện đại, thành phố “giàu, đẹp và văn minh”. Các mặt du lịch – dịch vụ, thủy sản, công nghiệp, thương mại, nông nghiệp ngày càng phát triển. Cạnh đó thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng. Thành phố chú trọng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa- xã hội, lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế đi đôi với việc giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống nhân dân, chăm lo các đối tượng chính sách, giảm chênh lệch giàu nghèo. Việc thực hiện các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” rồi “chống rác thải nhựa” đã tạo thành nền tảng vững chắc để thành phố thực hiện chính sách an ninh, xã hội mang đậm tính nhân văn.
Xây dựng nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đưa nền kinh tế của thành phố có những bước nhảy vọt. Nhưng nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái của nó. Bên cạnh những con người hết lòng chăm lo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn có những kẻ tham nhũng, lãng phí, thói làm ăn chụp giựt, chạy theo đồng tiền, không đảm bảo chất lượng, các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc, thói vô cảm trước đồng loại… là những vết thương nhức nhối cần được phanh phui, mổ xẻ để làm trong sạch xã hội.
Từ hiện thực bề bộn trong lao động sản xuất, trong công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc, văn minh đô thị…với biết bao tâm tư, trăn trở, với những nhận thức, cách nhìn, cách đánh giá những sự việc dẫn đến sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong nội bộ lãnh đạo và nhân dân để tìm ra hướng đi tốt nhất trong công cuộc đổi mới ở thành phố và đất nước, được các nhà văn Việt Nam trên địa bàn nhìn nhận, suy nghĩ chiêm nghiệm, vượt qua mọi khó khăn và trở ngại về sức khỏe, về đời sống để sáng tác ra những tác phẩm văn học, có thể nói là thành tựu của từng nhà văn đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Trước tiên là những tác phẩm ở thể loại ngắn như ký, truyện ngắn, thơ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, phê phán những tiêu cực, cổ vũ cho các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, “chống rác thải nhựa”… Hàng loạt truyện, ký – thể loại xung kích của các nhà văn Việt Nam ở Đà Nẵng đã xuất hiện, nêu lên nhiều câu chuyện, nhiều sự việc. Đó là tấm gương tận tụy, không quản mưa nắng ngày đêm của những người thợ làm cầu, làm đường, sữa chữa cống rãnh làm cho phố phường khang trang, đẹp đẽ (Từ một góc nhìn – bút ký của Bùi Tự Lực). Đó là chuyện một phụ nữ ở phường Nại Hiên Đông nuôi tôm để thoát nghèo hay chuyện làm ăn của nông dân Hoa Vang trong phong trào xây dựng nông thôn mới (Hạnh phúc của con cá rô đồng – truyện ngắn của Đỗ Xuân Đồng). Từ chuyện chấp hành luật an toàn giao thông đến chuyện thi công chức ở các công sở (Đèn đỏ đèn xanh – bút ký của Nguyễn Kim Huy). Từ chuyện một phụ nữ làm giàu do mở tiệm ăn đến chuyện những người Đà Nẵng ở nước ngoài về tham gia xây dựng kinh tế (Nước mắt khô – truyện của Quế Hương). Từ chuyện chị Mai Thị Liễu, cán bộ phụ nữ phường Hòa Thuận Tây đã vận động chị em cùng chống bạo lực gia đình, giáo dục trẻ em hư, giúp đỡ người nghiện ma túy, thu gom rác thải nhựa, tổ chức “hũ gạo tình thương” (Chị ở Hòa Thuận Tây – bút ký của Thanh Quế) đến việc chỉnh trang các phố, bờ sông Hàn, chuyện trồng cây quét rác trên đường phố của bà con và các em thiếu nhi, đến việc thay đổi cảnh quan ở Bãi Bụt, Bán đảo Sơn Trà để quyến rủ du khách đến Đà Nẵng (trong các bút ký của Lê Anh Dũng). Từ chuyện những đồng chí công an gìn giữ trật tự đường phố đến các chiến sĩ ngày đêm bám trên bán đảo Sơn Trà, trên đèo Hải Vân để canh giữ bầu trời, biển cả thành phố (trong các bút ký của Vĩnh Quyền)…
Thơ cũng là thể loại ngắn và kịp thời. Các nhà thơ bên cạnh việc ca ngợi sự thay đổi cảnh quan thành phố đã miêu tả tâm trạng, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân trước những biến chuyển của quê hương trong cả những thành tựu lẫn những tồn tại. Thơ giúp cho lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân thành phố hiểu nhau, đồng thuận và cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức trong công việc và trong tình cảm nhằm đến mục tiêu xây dựng thành phố phát triển vè mọi mặt văn hóa, kinh tế – xã hội với mục tiêu “dân giàu, thành phố mạnh”. Một loạt những bài thơ: Giới thiệu cảng Đà Nẵng, Giữa công viên 29-3, Đà Nẵng có nhiều hoa hơn trước của nhà thơ Lưu Trùng Dương. Rút được từ biển, Tàu chợ của nhà thơ Đông Trình. Đà Nẵng tình người, Gặp ở Ngũ Hành Sơn, Cát trắng xa hun hút của nhà thơ Ngân Vịnh. Mùa thu Đà Nẵng, Đi chợ chiều nhớ mẹ của nhà thơ Trần Khắc Tám. Đêm Hàn Giang, Chiều muộn, Gió Bà Nà của nhà thơ Nguyễn Kim Huy. Bãi Bụt, Bãi Rạn; Bà Nà đào chuông, Ông Ích Khiêm, Pháo hoa sông Hàn thăng hoa, Ta đi trên đường Hoàng Diệu của nhà thơ Lê Anh Dũng, Bão số 6, Điệp khúc tháng chạp của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Quê Hương, Sông Hàn tuổi 18, Trong yên tĩnh Bà Nà, Bài thơ tình trong đêm pháo hoa của nhà thơ Bùi Công Minh. Viết dưới chân núi đá, Hồn phố, Tháng năm thành phố biển của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm. Đà Nẵng, cảm nhận lúc đi xa, Căn nhà tôi, Thắp của nhà thơ Bùi Xuân. Đêm Đà Nẵng nhìn chớp giật biển xa, Thăm những người đánh cá Đà Nẵng của nhà thơ Thanh Quế. Trở về, Nhẩm đếm của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật…
Nhìn chung lại, ký, truyện ngắn và thơ là những thể loại xung kích, ngắn, phục vụ kịp thời, chưa thể phản ánh toàn diện các mặt hoạt động của thành phố và cũng chưa thể hiện sâu sắc được bộ mặt tinh thần của người Đà Nẵng. Tuy vậy, bước đầu, ký, truyện và thơ cũng phản ánh được phần nào sự đổi mới về cảnh quan cũng như tâm hồn, tình cảm, nguyện vọng của Lãnh đạo và nhân dân thành phố. Nó góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội ở thành phố Đà Nẵng thân yêu.
Càng về những năm sau này, các nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng đã thu thập được nhiều tư liệu, suy nghĩ, trăn trở và đã sáng tác được những tác phẩm dài hơi hơn về xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội ở thành phố. Dù còn ít tác phẩm, có lẽ vì đây là những công việc còn mới mẻ, các nhà văn chưa đủ thời gian suy nghĩ, chiêm nghiệm để sáng tác. Tuy vậy, cũng đã có một số tác phẩm tương đối thành công. Tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng (2016) của nhà văn Thái Bá Lợi phản ánh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, qua đó nổi lên cuộc đấu tranh giữa các thế lực đổi mới và bảo thủ trong cách nhìn nhận và đánh giá về công tác xây dựng thành phố. Không nên coi đây là chuyện thực để xem nhân vật này, nhân vật kia là ai trong đời mà phải xem nó là tiểu thuyết hư cấu, lấy khung cảnh Đà Nẵng để nói lên chủ đề của tác phẩm, mới đánh giá hết giá trị của tiểu thuyết. Về mặt nghệ thuật, tiểu thuyết được dựng theo nhiều tầng, nhiều cảnh đan xen, đây là bước phát triển mới trong nghệ thuật viết văn của Thái Bá Lợi.
Tập bút ký Nơi những mảnh đời hao khuyết (2018) của nhà văn Bùi Tự Lực là tập hợp những bút ký ông viết trong nhiều năm nhằm ca ngợi những điển hình tiên tiến trong nhiều mặt từ xây dựng cầu, mở mang đương sá, cống rãnh đến hoạt động ở ngành giáo dục, Bệnh viện tâm thần, phụ nữ các phường và vệ sinh môi trường. Tập bút ký sinh động, chân thật, gây được nhiều cảm tình với bạn đọc.
Trường ca Về xứ Đồng Long (2015) của nhà thơ Lê Anh Dũng viết về công việc mở mang đất nước của vua Lê Thánh Tông chen lẫn với quang cảnh xây dựng để phát triển Đà Nẵng ngày nay của lãnh đạo và nhân dân thành phố. Trường ca được diễn tả sinh động, giàu chi tiết sống, giàu cảm hứng hào hùng về quê hương đất nước.
Tập thơ Bài ca người Đà Nẵng (2011) của nhà thơ Lưu trùng Dương, giàu cảm hứng ca ngợi sự đổi mới cảnh quan thành phố, ca ngợi vẻ đẹp trong tâm hồn người Đà Nẵng: trung dũng kiên cường trong đấu tranh nhưng bình dị, nhân hậu, thân thiện với mọi người trong hòa bình xây dựng.
Tập thơ Động và Tĩnh (2012) của nhà thơ Bùi Công Minh nhớ lại những ký ức tuổi thơ ở Đà Nẵng, Quảng Nam; ghi lại những suy nghĩ, đánh giá về công việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị ở thành phố, ca ngợi và phê phán những giá trị đạo đức của con người trong thời kỳ xây dựng kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Song song với đề tài xây dựng và phát triển thành phố về văn hóa, kinh tế – xã hội, nhiều nhà văn Việt Nam ở Đà Nẵng, nhất là những nhà văn từng tham gia chống Mỹ, tham gia bảo vệ biên giới và giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pôn pốt đã tiếp tục viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Trường ca Người lính đi đầu (2003) của nhà thơ Thanh Quế tái hiện cuộc chiến đấu của vua quan triều Nguyễn và nhân dân Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước chống bọn xâm lược Pháp – Tây Ban Nha (1858-1860). Trường ca có những nhìn nhận mới về vua quan triều Nguyễn, về các tướng lĩnh xuất thân từ nhân dân lao động như Phạm Gia Vĩnh, có đưa thêm những câu chuyện, những chi tiết được truyền tụng trong dân gian, không có trong chính sử. Có lẽ, cho đến nay, đây là tác phẩm văn học duy nhất viết về đề tài này.
Trường ca Thưa mẹ, phía trăng lên (2003) của nhà thơ Lê Anh Dũng viết về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ và những bà mẹ đất Quảng đã chịu đựng nhiều mất mát đau thương, từ người thân đến nhà cửa ruộng vườn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một bản trường ca cảm động, giàu tình cảm, giàu ân nghĩa như một nén hương thắp trước hương hồn các mẹ Việt Nam.
Trường ca Phía hoàng hôn yên tĩnh (2003) và tập thơ Sương đẫm lá khộp khô (2014) của nhà thơ Ngân Vịnh là hai tập sách tỏ rõ sự biến chuyển về cách biểu hiện trong thơ Ngân Vịnh, giàu suy nghĩ, giàu cảm xúc, cấu tứ chặt chẽ, câu chữ cô đọng. Phía hoàng hôn yên tĩnh ca ngợi sự hy sinh vô song của mẹ Thứ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thấm đẫm tình đất tình người. Tập thơ Sương đẫm lá khộp khô gồm những bài thơ liên hoàn như một trường ca, ca ngợi sự chiến đấu hy sinh của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, trong đó có những người con Đà Nẵng, nhằm bảo vệ biên giới Tổ quốc và giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pôn pốt – Iêngxary.
Tiểu thuyết Minh Sư (2004) của nhà văn Thái Bá Lợi có cách viết mới đa tầng, đa nghĩa, giàu chất thơ và ý nghĩa triết học nói về việc mở mang đất nước của chúa Nguyễn xen với những cuộc chiến đấu của quân dân xứ Quảng trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Vĩnh Quyền với tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ (2015) đã có cái nhìn mới mẻ, từ hiện tại, về cả hai phía trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam (1955- 1975) và những di chứng của nó còn tồn tại cho đến ngày nay, thông qua nhiều nhân vật giàu cá tính, nhiều loại người có tâm lý phức tạp, từng đứng trong hàng ngũ của cả hai phía.
Nhà văn Đỗ Xuân Đồng (đã mất) với hai tiểu thuyết Cây dừng thiêng (2008) và Uẩn khúc Truông Bồn (2012) diễn tả một cách sinh động với nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết cảm động về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Đà Nẵng và Quảng Nam trong những năm chống Mỹ đầy gian lao mà hào hùng.
Về đề tài văn học thiếu nhi nổi bật lên những tác phẩm của nhà văn Quế Hương và nhà văn Bùi Tự Lực.
Nhà văn Quế Hương với hai tập Bí đỏ và … (2001) và tập Đám cưới cỏ (2004) viết về lứa tuổi thiếu nhi đầy chăm chút, yêu thương, giàu chất tưởng tượng bay bổng. Những chuyện của chị nhẹ nhàng, giàu chất thơ và giàu chất triết lý nhân sinh.
Nhà văn Bùi tự Lực với truyện vừa Nội tôi (2001) và tiểu thuyết Chó hoang (2018) được nhiều bạn đọc chờ đón. Truyện vừa Nội tôi rất xúc động, kể lại những kỉ niệm về bà nội kính yêu của tác giả, liệt sĩ – bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đỉnh. Tác phẩm được tái bản nhiều lần. Tiểu thuyết Chó hoang là quyển sách mới nhất của nhà văn Bùi Tự Lực. Thông qua cách ứng xử của nhiều loại người với một con chó hoang, Bùi Tự Lực nói về đạo đức con người hiện tại, xen lẫn lòng nhân hậu với thói tỵ hiềm, bon chen vốn là mặt trái của kinh tế thị trường diễn ra ở thành phố chúng ta. Đây là một quyển tiểu thuyết có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, một bước tiến mới của Bùi Tự Lực. Tác phẩm của Quế Hương và Bùi Tự Lực có thể sánh vai cùng những quyển sách hay về văn học thiếu nhi của các nhà văn khác trong nước.
Tập truyện Triền sông thơ ấu (2018) của nhà thơ Nguyễn Kim Huy viết về những em bé nông thôn, giàu những chi tiết xúc động chan chứa tình yêu với quê hương xứ Quảng.
Tập thơ Giữa thực và mơ (2009) của nhà thơ Đông Trình tuyển những bài thơ hay viết về thiếu nhi Đà Nẵng và cả nước trong suốt mấy chục năm qua. Đây là tập thơ sinh động, hợp với tâm lý các em được viết với một cây bút vững tay nghề và giàu lòng yêu thương các cháu. Đây là món quà quý của một nhà thơ già gửi các cháu của mình.
Về nghiên cứu, phê bình, lý luận, biên soạn, dịch thuật văn học dù thưa thớt nhưng cũng có những tác phẩm đáng chú ý.
Đó là tập chuyên khảo Thu Bồn, nhà thơ trữ tình Đất Quảng (2011) của nhà thơ Nguyễn Kim Huy, một tác phẩm công phu viết về cuộc đời và sáng tác của nhà thơ Thu Bồn, một tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Tập Gương mặt và cảm nhận (2013) của nhà thơ Thanh Quế viết về chân dung nhiều thế hệ nhà văn xứ Quảng từ Khương Hữu Dụng, Võ Quảng, Nguyễn Văn Bổng… đến lớp nhà văn trẻ như Trần Khắc Tám, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm… Đây là tập chân dung viết trong nhiều năm, công phu, cung cấp cho độc giả nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết mới, được ít người biết đến… về một số nhà văn xứ Quảng.
Tập tiểu luận Lấp lánh đất Quảng (2003) của nhà văn Đà Linh, giới thiệu nhiều tập sách và chân dung của một số nhà văn Đất Quảng. Đây là tập tiểu luận sâu sắc và giàu cảm xúc của một nhà văn đã quá cố.
Tập Lòng chưa cạn đêm sâu (2019) của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Đây là tập tản văn và chân dung viết về một số nhà văn Đà Nẵng cũng như cả nước. Đây cũng là những cảm nhận của nhiều nhà văn trong nước với tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh.
Công tác dịch thuật ở thành phố chúng ta rất thưa thớt, vì vậy càng đánh giá cao nhà thơ Bùi Xuân với những bản dịch thành công xuất sắc, giới thiệu các tập thơ của Tagor, nhà thơ lớn của Ấn Độ và thế giới (Bầy chim lạc – 2012, Mùa hái quả – 2013, Người thoáng hiện – 2015) cũng như một số bài thơ, tiểu thuyết của các thơ thơ, nhà văn nước ngoài khác với bạn đọc Đà Nẵng.
Đà Nẵng đang phát triển để trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung, cả nước và Đông Nam Á cũng là nơi các nhà văn Việt Nam trong Chi hội sống và làm việc. Đà Nẵng cung cấp cho các nhà văn những tư liệu, những câu chuyện sống động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đà Nẵng đã cho các nhà văn những góc nhìn mới mẻ để từ đó nhận ra những vấn đề chung của cả nước, giúp cho các nhà văn suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều vấn đề về xã hội, về con người với các mối quan hệ ràng rịt trong tình yêu, tình cảm gia đình, tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên…Từ đó có thể sáng tác nên những tác phẩm không chỉ phục vụ cho một địa phương. Những tác phẩm này hầu hết là các tập thơ. Mỗi tập thơ có cách biểu hiện khác nhau. Có tập chứa đựng những bài thơ gồm những câu dài như văn xuôi, ý tưởng, hình ảnh trùng điệp nối nhau gây nên những ám ảnh…Có tập thơ với những câu thơ đều đặn, tươi xanh, hồn nhiên tràn trề sức sống. Có tập thơ gồm nhiều bài thơ mang tính chiêm nghiệm, giàu triết lý nhân sinh, câu chữ ngắn, cô đọng… Đó là tập Ngày linh hương nở sáng (2011) của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, Ngồi chơi với bụi (2009) của nhà văn Quế Hương, Nỗi lan tỏa của ngày (2004) của nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Nắng trên đồi (2012) của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Ẩn dụ mưa (2007) của nhà thơ Bùi Xuân, Phơi cơn mưa lên chiều (2018) của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Một gạch và chuyển động (2006) của nhà thơ Thanh Quế, Bài ca của gió (2002) của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật…
Một điều thật thú vị, là một số nhà văn đã phối hợp với các nhà sử học viết lịch sử cho Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng và các Ban ngành của thành phố. Đó là: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975), Lịch sử Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng (1930-2000); Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn Thành phố Đà Nẵng (1929-2009), Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng (1930-2000)…với sự đóng góp của nhà văn Bùi Xuân (chủ biên) và nhà văn Thanh Quế. Tập Truyền thống Cảng Đà Nẵng có sự đóng góp của nhà văn Bùi Xuân (chủ biên) và nhà thơ Nguyễn Kim Huy, nhà văn Thanh Quế… Ngoài ra, nhà văn Bùi Xuân còn là chủ biên của nhiều tập Lịch sử Đảng bộ của các quận, phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng. Nhà văn Thanh Quế và nhà thơ Lê Anh Dũng tham gia viết các tập hồi ký: Trung tướng Phan Hoan (2000), Thiếu tướng Phạm Bân, từ chiến trường đến chiến trường (2006).
Trên đây là một số đóng góp nhỏ vào thành tựu văn hóa chung ở thành phố Đà Nẵng của một số nhà văn Việt Nam trên địa bàn.
Nhìn lại, trong khoảng thời gian 1997-2019, hơn 20 năm, các nhà văn Việt Nam ở Đà Nẵng đã tích cực sáng tác và hoạt động văn học, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của thành phố. Các sáng tác văn học vừa góp phần vào sự phát triển văn hóa vì văn học là một bộ phận cốt lõi của văn hóa vừa phản ánh mọi thành tựu và tồn tại trong các mặt hoạt động về văn hóa, kinh tế, xã hội của thành phố, nhằm biểu dương, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đà Nẵng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới “dân giàu, thành phố mạnh” góp phần nâng tầm vóc Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội ở khu vực miền Trung, ở cả nước và Đông Nam Á.
Tuy vậy, nhìn qua các thành tựu đã đạt được, ta thấy sự đóng góp của các nhà văn chúng ta vào sự nghiệp chung cuả thành phố còn quá khiêm tốn. Đề tài về xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội còn quá ít, chưa có sự góp mặt của một số nhà văn và chất lượng chưa thật cao. Hầu hết các tác phẩm còn nặng về phản ánh, ca ngợi mà thiếu “tiếng nói” của nhà văn góp vào sự nghiệp chung. Hình như sức nặng của các tác phẩm chưa nhiều, chưa sâu sắc, chưa thấm đượm vào tình cảm, suy nghĩ người đọc.
Đề tài chiến tranh Cách mạng được nhiều nhà văn tham gia hơn, chất lượng tác phẩm cũng cao hơn, có những tác phẩm xuất sắc như Minh Sư của nhà văn Thái Bá Lợi, Mảnh vỡ của mảnh vỡ của nhà văn Vĩnh Quyền. Có lẽ đề tài này được các nhà văn tìm hiểu, suy nghiệm trong nhiều năm nên sáng tác thành công hơn.
Đề tài văn học thiếu nhi cũng còn ít người tham gia, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai nhà văn Quế Hương và Bùi Tự Lực là có những đóng góp tích cực và có những thành công đáng trân trọng.
Đề tài về lý luận, phê bình, biên soạn, dịch thuật văn học cũng còn ít nhà văn tham gia. Có lẽ lĩnh vực này còn khó với những nhà văn chuyên sáng tác, ít có thời gian nghiên cứu tìm hiểu nên các tác phẩm đã có chủ yếu là phê bình giới thiệu sách hay chân dung văn học, hiếm phần nghiên cứu lý luận văn học. Phần biên soạn hầu như ít người tham gia. Phần dịch thuật còn hiếm hơn, chỉ có một tác giả là nhà thơ Bùi Xuân với những đóng góp tích cực của anh trong việc dịch thơ Tagor, tác giả mà anh yêu quý và một số tác phẩm khác.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng là một sự nghiệp lâu dài song con đường văn học của mỗi nhà văn Việt Nam trên địa bàn thành phố lại có hạn. Thử nhìn lại mỗi chúng ta, ai cũng cao tuổi, người thấp nhất cũng gần 55 tuổi. Vì vậy việc sáng tác của chúng ta là việc gấp rút, ta phải chạy đua với thời gian, gồng mình vượt lên trên những khó khăn về sức khỏe, về đời sống để thâm nhập thực tế rồi suy nghĩ, chiêm nghiệm tìm ra những vấn đề cốt lõi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, cố gắng học hỏi sách báo và kinh nghiệm của đồng nghiệp trong nước và ngoài nước để tự đổi mới mình và quyết tâm ngồi viết như là việc sống chết của đời mình. May ra, chúng ta còn viết kịp 1, 2 quyển sách có chất lượng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của thành phố.
Chúng ta vô cùng biết ơn và phải trả ơn nhân dân đã nuôi nấng, cưu mang chúng ta từ hai cuộc kháng chiến đến nay. Chúng ta được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cũng như Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật và Hội Nhà Văn Đà Nẵng, coi chúng ta là người nhà và thực chất chúng ta là người nhà, giúp đỡ Chi hội chúng ta cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta cố gắng lắng nghe ý kiến bạn đọc, đồng nghiệp để đổi mới cách viết, mỗi tác phẩm là một bước tiến, một bước tự làm mới mình để đáp ứng với yêu cầu thẩm mỹ của người đọc. Mặc khác, một nhiệm vụ cũng rất lớn bên cạnh việc sáng tác là chúng ta phải quan tâm giúp đỡ những bạn trẻ có năng khiếu sáng tác văn học và giới thiệu họ vào Hội Nhà Văn thành phố và Hội Nhà Văn Việt Nam. Họ chính là lực lượng nối tiếp chúng ta và hoàn thành những gì mà chúng ta chưa kịp làm.
Nhà văn Thanh Quế