Nữ nhà văn Toni Morrison qua cái nhìn của Nguyễn Phương Khánh (Kỳ I)

Nữ nhà văn Tony Morrinson

Nữ nhà văn Toni Morrison qua cái nhìn của Nguyễn Phương Khánh (Kỳ I)

Ở Việt Nam, nữ nhà văn Mỹ gốc Phi Toni Morrison (sinh năm 1931,tại bang Ohio) được biết nhiều nhất kể từ khi bà đoạt giải thưởng Nobel văn học vào năm 1993. Qua những tác phẩm tiêu biểu như: The Bluest Eye (Mắt biếc), Song of Solomon (Bài ca Solomon), Beloved (Người yêu dấu), Jazz (Nhạc Jazz)…; và bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại khác nhau, bà đã mô tả một cách trần trụi nhất thân phận của người Mỹ da đen và cái khát khao cháy bỏng của họ là được hưởng những giá trị căn bản, phổ quát nhất của con người: hạnh phúc, tự do, bình đẳng…
Tiến sĩ khoa học ngữ văn Nguyễn Phương Khánh (sinh năm 1982, hiện là giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) là một chuyên gia về Toni Morrison. Chị làm luận án tiến sĩ văn học về Toni Morrison. Viết sách về Toni Morrison. Và nhiều tiểu luận, bài viết của chị về Toni Morrison đã được đăng tải trên một số tạp chí văn học có uy tín.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một chùm bài viết của tác giả Nguyễn Phương Khánh về Toni Morrison.
                                                                                         vansudia.net

CẤU TRÚC XOAY VÒNG TRONG TIỂU THUYẾT “NGƯỜI YÊU DẤU” CỦA TONI MORRISON

Người yêu dấu là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mỹ đương đại Toni Morrison (1931- ). Tác phẩm đã được tạp chí New York Times đánh giá là hay nhất nước Mỹ trong vòng hai mươi lăm năm qua. Ở một góc độ nào đó, người đọc có thể cảm nhận đây là cuốn truyện mang màu sắc kỳ ảo, hoặc một tác phẩm xuất sắc của chủ nghĩa hiện thực để tố cáo chế độ nô lệ và tình trạng phân biệt chủng tộc, hay đây cũng có thể là một cuốn tiểu thuyết tâm lý, một cuốn sách về câu chuyện tình yêu lãng mạn. Trong đó, nhà văn sử dụng một lối văn xuôi hiện đại, cộng hưởng với những bài thơ ngắn, dài và đặc biệt là lối cấu trúc xoay vòng vô cùng độc đáo. Chính cấu trúc như vậy khiến cho tác phẩm gia tăng tính huyền ảo và chất thơ, tạo nên một sức mạnh xoáy sâu vào một vùng ký ức còn tươi rói nỗi đau, mãi mãi tỏa bóng xuống những tháng ngày còn lại.
Theo từ điển Thuật ngữ văn học, cấu trúc tác phẩm được quan niệm là “tổ chức nội tại, mối quan hệ qua lại của các yếu tố của tác phẩm mà sự biến đổi một yếu tố nào trong đó sẽ kéo theo sự biến đổi của các yếu tố khác” [2,4]. Như vậy, cấu trúc tác phẩm tạo nên từ sự đan bện các yếu tố nội tại, gắn kết chặt chẽ với nhau theo một trật tự nhất định. Ở đó, chúng được đặt trong các cấp độ phụ thuộc vào nhau: từ chủ đề, kết cấu, đến hệ thống hình tượng (nhân vật, không gian thời gian), ngôn từ… Trên mỗi cấp độ, các yếu tố kết nối chặt chẽ với nhau theo một “lộ trình” có chủ ý. Vậy nên mọi sự sắp đặt các yếu tố của văn bản sẽ tạo nên cấu trúc riêng biệt cho tác phẩm nghệ thuật.
Trong Người yêu dấu, chúng ta nhận ra một cấu trúc vòng tròn thể hiện qua sự tuần hoàn của cốt truyện, một số mô típ, không gian, thời gian, sự kiện, nhân vật và ngôn từ. Các tầng bậc bên trong tác phẩm phát triển theo kiểu đồng tâm lan toả, các yếu tố gặp nhau về bản chất, không ngừng gợi nhắc cái trước đó, cái đã qua. Cuộc sống cứ xoay vòng như tiếng dội của sự tuyệt vọng. Con người cố gắng vượt qua ranh giới này để rồi lại tiếp tục chạm mặt với những điều tương tự. Sự xoay vòng trong cấu trúc tiểu thuyết khắc sâu thêm những ẩn ức tinh thần bế tắc của nhân vật, sự tồn tại dai dẳng của quá khứ và định kiến xã hội. Câu chuyện trở nên ám ảnh và tha thiết gọi về những nghĩ suy.
Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu cấu trúc xoay vòng thể hiện trong các cấp độ cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật và ngôn từ.
3.2.1. Cốt truyện

Cốt truyện được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật về người phụ nữ da đen tên là Margaret Garner, cộng thêm hình dung về một thời kỳ tồn tại chế độ nô lệ trên đất Mỹ. Các sự kiện trải dài từ nửa đầu thế kỷ XIX cho đến thời kỳ Tái thiết, sau cuộc Nội chiến Nam- Bắc. Mặc dù vậy, câu chuyện không phải là chuỗi sự kiện liên hoàn tiếp nối thông thường – một cách kể đầy cổ điển. Ở đây, cốt truyện phát triển theo kiểu xoay vòng, mở rộng lan toả theo những vòng tròn đồng tâm và ở mỗi phần đều có sự lặp lại những sự kiện của quá khứ, của cái trước đó. Sự hiện diện của những mô típ trở đi trở lại trong tác phẩm cũng cho thấy tính chất xoay vòng của cốt truyện.
Thứ nhất, chúng ta thấy rằng tác phẩm chia làm ba chương lớn và mỗi chương đều bắt đầu bằng tình trạng của ngôi nhà 124. Mở đầu các chương luôn là hình ảnh đầy xáo động và có tính thúc đẩy cao trào cho sự kiện trong tác phẩm:
– Chương một: “Ngôi nhà 124 đầy hận thù…”
– Chương hai: “Ngôi nhà 124 ầm ĩ…”
– Chương ba: “Ngôi nhà 124 im lặng…”
Chương một mở ra vấn đề đang tiềm ẩn trong tác phẩm. Sự thù hằn, lạnh lẽo, cô độc của ngôi nhà 124 hay chính là cuộc đời của các nhân vật sống trong đó báo hiệu tính gay cấn của các sự kiện tiếp theo. Và đây chỉ là “mồi nhử” để dẫn tới sự giải quyết tất yếu.
Cho đến chương hai, mâu thuẫn đã cao trào. Sự náo động bắt đầu đỉnh điểm. Cho đến chương cuối, nhịp điệu chậm lại và các sự kiện đi đến điểm nút cuối cùng.
Tuy nhiên, mặc dù sự vận động của tiểu thuyết có vẻ khoác một dáng dấp “kịch tính” và được giải quyết theo chiều hướng mở đầu- thắt nút- mở nút như vậy, nhưng thực sự đó chỉ là kiểu xoay vòng của cốt truyện. Tác giả xác định điểm bắt đầu của truyện kể và câu chuyện tiếp theo có thể triển khai theo nhiều hướng, nhưng vòng tròn đồng tâm lan toả rộng đến đâu cũng xuất phát từ một tâm điểm. Khi ký ức của nhân vật dẫn dắt ta đi qua các không gian khác nhau cùng rất nhiều biến cố, nhiều giai đoạn khác nhau của từng số phận con người… thì bao giờ câu chuyện cũng bắt đầu lại tại chính ngôi nhà 124- không gian bị một con ma trẻ con quấy phá, ám ảnh suốt mười mấy năm trời- nhưng mở thêm những xung đột, những đòi hỏi giải phóng của bao nhiêu ẩn ức và trói buộc, của sự thức tỉnh và khát khao tìm lại chính mình trong từng nhân vật.
Chính kiểu vòng tròn của cốt truyện như thế tạo điều kiện cho các sự kiện, các mô típ được trở lại, với những điểm nhấn khác nhau, nhưng luôn tạo cho người đọc cảm giác bưng bít của một thế giới. Dường như nhân loại trải qua bao thăng trầm biến cố, rốt cuộc cũng không đi ngoài mấy vấn đề muôn thuở: tình yêu, sự hy sinh, ý thức cá thể, tội lỗi…
Vậy nên, chúng ta gặp lại bóng dáng của mặc cảm tội lỗi của Cain, một câu chuyện xa xưa từ Kinh Thánh. Người ta có thể nghĩ tới mô típ tội ác và trừng phạt, khi xuất hiện yếu tố giết con- ám ảnh tội lỗi- ẩn ức tâm lý, nhưng Morrison đã đưa chủ đề này đi sang một hướng khác khi đặt nó trong bối cảnh xã hội có sự tồn tại chế độ nô lệ vô nhân đạo. Vụ án người mẹ trẻ Sethe (một nô lệ chạy trốn) cắt cổ con đứa con gái mời lên hai của mình trong nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng tột cùng trước sự săn lùng của tên chủ nô. Tội lỗi của người đàn bà da đen vượt ra khỏi phạm vi đạo đức, đứng giữa ranh giới của tội ác kinh khủng và một hành động cao thượng. Và chị đã phải đối mặt với tội lỗi ấy, nỗi đau ấy không chỉ một lần. Đứa trẻ đã chết một lần nữa hiện diện trong đời chị với hình hài người thật: cô gái trẻ Beloved chính là hồn ma sống lại, gieo rắc xung quanh một không khí huyễn hoặc, ám ảnh, đầy bí ẩn ngột ngạt. Các tình tiết liên quan đến sự kiện này cứ tái lặp trong mỗi chương. Mỗi mảnh đoạn của câu chuyện gợi ra một phần của quá khứ, mở ra một số thông tin liên quan đến cuộc đời nhân vật, nguyên nhân vụ giết con của Sethe, quãng đời nô lệ, tù ngục, chạy trốn gian khổ của Paul D…, rồi dừng lại lưng chừng và chuyển sang các sự kiện khác. Tính chất mảnh ghép và cách thức tự sự đa chủ thể giúp tác giả tự do chuyển mạch truyện, các sự kiện rời rạc không tiếp nối. Người đọc phải đợi qua các chương sau, sự kiện được trần thuật tiếp tục, ngược về quá khứ để lý giải nguyên nhân hoặc hướng đến tương lai để đón nhận hậu quả.
Lối tự sự xoay vòng như vậy khiến tác phẩm gia tăng tính huyền ảo, đồng thời có độ ngân vang, lan toả, thấm dần những nỗi đau, sự khốc liệt, tính chân thực lịch sử trong từng sự kiện. Nó cũng gợi liên tưởng đến tính chất lãng mạn Mỹ (American romance) bay bổng trên nền câu chuyện hiện thực sâu sắc khi nhà văn cố gắng khai thác chủ đề tình yêu mạnh mẽ của người đàn bà, của người mẹ, những dồn nén tâm tư bao nỗi đau, tuyệt vọng, điên cuồng trong bao thân phận trên miền đất mới nhiều hứa hẹn mà cũng đầy cay đắng.
3.2.2. Hệ thống hình tượng (không gian, thời gian, nhân vật)
Hai không gian trung tâm của tác phẩm là Sweet Home- một đồn điền của chủ nô da trắng trước Nội chiến và ngôi nhà 124 thực chất cũng là sự lặp lại của tình trạng nô lệ, tủi nhục, cô độc. Sethe vượt qua đoạn đường dài để tìm đến tự do, nhưng rốt cuộc, ở ngôi nhà 124, chị lại rơi vào sự giam hãm khác, còn đau đớn, ngột ngạt hơn xưa, đó là sự cầm tù trong quá khứ và tội lỗi giết con.
Các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết đã cố gắng bức thoát khỏi không gian nô lệ, tràn ngập nỗi ám ảnh bị phủ nhận cá tính, bị hạ nhục và huỷ hoại cuộc đời. Sweet Home là thiên đường ảo tưởng của những thân phận nô lệ bị khoá kín về mặt không gian và cả thời gian, khi họ bị đoạn tuyệt với cội rễ và bị ru ngủ trong mơ mộng về cuộc sống “tự do” dưới sự cai quản của một chủ nô cấp tiến. Và kẻ chủ nô da trắng mới, thay thế ông bà Garner, đã chứng tỏ cho họ thấy quyền lực của người da trắng và thân phận hèn mọn của người nô lệ da đen. Nhưng viễn cảnh tự do ở ngôi nhà 124 cũng sớm lụi tắt. Những nhân vật của chúng ta một lần nữa lại bị cầm tù trong một không gian cô độc, ma ám, tràn ngập điều phi lý, huyễn hoặc.
Sự xoay vòng về tính chất không gian gắn liền với sự xoay vòng về thời gian khiến cuốn sách có sự dồn tụ rất cao. Quá khứ- hiện tại- quá khứ cứ đan xen quay vòng khiến nhân vật chìm trong uẩn ức, tự dày vò mình và bị cô lập khỏi môi trường xung quanh. Con người luôn có cảm giác đau đớn, mặc cảm thường trực. Họ gồng mình kiêu hãnh, bất cần như để tự giương cao cái tôi, tự ám thị mình về một cội rễ chưa bao giờ bị cắt đứt.
Tác phẩm được tạo dựng bằng kỹ thuật vận dụng điêu luyện thời gian kể chuyện trong đó tác giả thay thế sự phát triển tuyến tính bằng một loạt những khoảnh khắc mà quá khứ, hiện tại, tương lai cùng đồng hiện. Nó là câu chuyện chứa đựng những tầng bậc của quá khứ, từ chiếc tàu buôn nô lệ đến Sweet Home, cũng như hiện tại trong ngôi nhà bị ma ám thời kỳ Tái thiết sau cuộc Nội chiến tương tàn Nam – Bắc. Quá khứ có thể vừa mới đây thôi trong nỗi nhớ của nhân vật, có khi nó lùi về thật xa, không còn gắn với riêng một cuộc đời nô lệ nào mà là quá khứ của cả một cộng đồng người da đen bị đánh cắp thân phận trong lịch sử. Tất cả như là huyền thoại hiện lên qua dòng hồi tưởng, nhưng nhiều khi nó được kể một cách rõ ràng, trực tiếp như đang xảy ra trong hiện tại. Thời gian trôi ngược trong thực tại, con người cố gắng nhớ lại cội rễ của chính mình, cuộc đời thực sự của mình nhưng luôn bị những nỗi dằn vặt, mặc cảm ám ảnh. Sethe đánh mất chính mình bên Beloved như hàng triệu người da đen bị “mất trí nhớ” trên toàn quốc.
Thời gian trong Người yêu dấu di chuyển theo một đường tròn, lặp lại con đường khép kín từ hiện tại trở lại quá khứ rồi xoay vòng lại hiện tại. Ngay trong từng đoạn, từng chương của cuốn tiểu thuyết, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chất mảnh ghép, đồng hiện thời gắn với sự thay đổi điểm nhìn liên tục. Trong dòng thời gian chuyển động dích dắc ấy, những sự kiện của quá khứ hiển hiện trong hiện tại, chẳng hạn trường đoạn tả cảnh Sethe và Paul D nằm bên nhau, cuộc tình hai người lồng trong dòng hồi tưởng về một tình yêu nữa thuộc về quá khứ: đó là tình yêu giữa Sethe với người chồng cũ Halle. Hai người đàn ông trong đời chị khiến chị nhớ đến những kỷ niệm đẹp, bao rung động đầu đời, tình chồng vợ và niềm mơ mộng của một cô gái trẻ trong chị ngày xưa. Nhà văn khéo léo di chuyển ống kính liên tục từ người này sang người kia để bắt trọn hồi ức của từng người trong cùng giây phút ấy.
Việc xây dựng một kết cấu không- thời gian trong đó có sự gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại, tính chất không- thời gian xoay vòng, lặp lại, lồng ghép khiến tác phẩm gia tăng độ hư ảo, nó trở thành kiểu truyện kể không ngừng tự vấn lại chính mình, gặp lại chính mình trên từng nếp suy nghĩ. Con người không thoát được vòng xoáy luẩn quẩn của không-thời gian ấy, cho nên thân phận cũng dẫm lên nhau những nỗi đau mòn.
Chính vì thế, chúng ta cũng nhận thấy trong hệ thống nhân vật có sự song trùng về nhiều mặt. Đó là hồn ma đứa trẻ đã chết lúc lên hai và nhân vật Beloved; đó là Baby Suggs và Sethe. Sự trở về của đứa bé bị sát hại trong hình hài cô gái mười chín, hai mươi tuổi- Beloved- có bóng dáng mô típ ma- người trong các loại truyện kỳ ảo ma quái, ở đây nhà văn khoác cho nhân vật ma một cuộc đời nữa trong tác phẩm với hình hài người thực. Hai nhân vật thuộc về hai thế giới âm- dương cách biệt, nhưng luôn dự phần và có vai trò vô cùng đặc biệt đối với sự sống trong ngôi nhà 124. Hồn ma đứa trẻ và Beloved là hai hình tượng gắn bó song trùng. Cả hai là hình bóng của nhau soi chiếu nửa tối nửa sáng. Nhưng nói chung, chúng đều là bóng ma của quá khứ cứ ám ảnh không yên trong cuộc đời từng nhân vật.
Còn Sethe là hình ảnh của một Baby Suggs mạnh mẽ đầy khát vọng nhưng cũng cô đơn và yếu đuối vô cùng. Hai người đàn bà nô lệ với hai cuộc đời đầy tổn thương, họ chỉ là món hàng để mua bán, phục dịch, sinh nở cho người da trắng. Chiếc áo cưới tự may từ những mảnh vải vụn cũ nát, tình yêu với người chồng chỉ thấy mặt nhau trong bóng tối, khát vọng tự do để rồi chứng kiến người thân bị huỷ hoại… Cả Baby Suggs và Sethe đều chịu chung một số phận mù mịt của thân phận phụ nữ nô lệ. Họ cùng gắn bó với người con trai Halle, người đã hy sinh năm năm làm việc ngày chủ nhật để chuộc lấy tự do cho mẹ, người đã đau đớn đến câm lặng khi bất lực chứng kiến vợ mình bị hành hạ làm nhục. Hai người đàn bà rốt cuộc đã mất chàng trai yêu thương, mất mát người thân, tinh thần và thể xác. Mọi nỗi cay đắng đã dìm họ xuống nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Baby Suggs thôi cố gắng xây dựng tôn giáo da đen của mình. Đến lượt Sethe nằm liệt giường chờ chết giống Baby Suggs…
Những cảnh cuối cùng của cuốn tiểu thuyết cho thấy một cảnh tượng lặp lại: Ông Edward Bodwin, một người da trắng, đến giúp cô bé Denver đi làm hoà nhập cuộc sống trở lại, bị Sethe trong cơn cuồng loạn tâm trí lao đến định giết chết. Sethe vẫn ám ảnh về gã thầy giáo da trắng năm xưa. Chị hoang tưởng trong nỗi sợ hãi có người đến tước đoạt đứa con của chị, tước đoạt tự do của mẹ con chị. Nhưng lần này cộng đồng người da đen đã có mặt bên người phụ nữ ấy và ngăn chặn được một bi kịch lặp lại.
Beloved biến mất. Có hình ảnh “người đàn ông không da với chiếc roi trong tay đang đứng nhìn” Beloved ở cuối đoạn. Người ta nhớ lại cảnh tượng mười tám năm về trước. Đứa trẻ chết, Sethe man dại, Baby Suggs tuyệt vọng. Giờ đây, Beloved đã trở lại nơi nó đã đến, và đến lượt Sethe rối loạn tinh thần và gục ngã.
Sự đan cài các chi tiết và hình tượng mang tính song trùng cùng với cách thiết kế cốt truyện phản ánh một chung cục khải huyền: Beloved biến mất, Sethe sắp chết, thế giới u ám của ngôi nhà 124 sụp đổ… Nhưng bằng tình yêu thương, sự mạnh mẽ, Denver và Paul D đang mở ra một thế giới khác của sự phục sinh.
3.2.3. Ngôn từ
Tiểu thuyết Người yêu dấu tràn ngập một chất thơ gợi nên từ ngôn từ đầy âm vang, nhiều hình ảnh sống động. Một cách viết dịu dàng đầy nữ tính khiến người đọc xúc động sâu sắc trước cuộc đời của những người nô lệ.
Trước hết, ta nhận thấy một cách thức sắp đặt các câu văn, đoạn văn mang tính điệp trùng, sự lặp lại các cấu trúc câu đoạn tạo nên nhạc tính và chất thơ phong phú cho tác phẩm.
Bắt đầu mỗi chương cũng xuất hiện kiểu câu:
“124 WAS SPITEFUL” (Ngôi nhà 124 đầy hận thù)
“124 WAS LOUD” (Ngôi nhà 124 ồn ào)
“124 WAS QUIET” (Ngôi nhà 124 thật yên tĩnh)
Hay, khởi đầu ba đoạn liên tiếp trong chương cuối là:
“It was not a story to pass on”. (Đó không phải là câu chuyện để lan truyền).
“It was not a story to pass on”.
“This is not a story to pass on”.
Ở một đoạn khác là:
“Mưa.
Rắn rết kéo xuống từ cây thông lá ngắn và cây độc cần.
Mưa.
Cây bách, cây bạch dương vàng, tần bì và cọ lùn rũ xuống dưới sức nặng của trận mưa…”
Chúng ta còn nhận thấy lối sử dụng ngôn ngữ điệp trùng, lặp lại về cú pháp cũng như từ ngữ của nhà văn Morrison ở các đoạn tự sự ngôi thứ nhất liên tiếp. Tác giả luôn bắt đầu bằng cách tự giới thiệu bản thân để nhập vào dòng suy tư, nội tâm của các nhân vật chính, trong đó có cả nhân vật hồn ma.
“Beloved, nó là con gái tôi, là của tôi…”
“Beloved là chị tôi…”
“Tôi là Beloved và mẹ là của tôi…”
“Tôi là Beloved và bà là mẹ của tôi…”
Những khởi đầu và lặp lại kiểu câu như thế ở mỗi chương, mỗi đoạn đồng thời cũng gợi nên tính chất xoay vòng trong tiểu thuyết. Mỗi khúc đoạn của cuộc đời từng nhân vật được tái hiện rất ngắn và sau đó trở lại trong một lối cấu trúc đoạn tương đối gần gũi. Nó nhấn mạnh nỗi ám ảnh khổ đau trong từng số phận, đi sâu bộc lộ cảm xúc nội tâm của những con người da đen ấy. Mỗi hình ảnh sống động của quá khứ đều đánh thức trong họ bao niềm xúc động sâu xa, như tâm hồn Sethe lúc tưởng nhớ khoảnh khắc yêu đương với người chồng Halle. Tình yêu khiến chị nhận ra nỗi khao khát tự do âm thầm cháy bỏng trong tiềm thức của chính mình.
“Râu ngô mượt và dễ rụng làm sao.
[…]
Râu ngô mượt và dễ rụng làm sao.
Thật tuyệt vời, cái tự do.”
Nhan đề của cuốn tiểu thuyết là “Người yêu dấu” (Beloved), kết thúc tác phẩm cũng là một từ hoàn toàn tách biệt “Yêu dấu” (Beloved). Ngay cả lời đề từ cũng luyến láy lặp lại “Tôi sẽ gọi họ, những người không phải đồng bào của tôi, là đồng bào của tôi, và gọi nàng, người không được yêu dấu, là người yêu dấu” (I will call them my people, which were not my people; and her beloved, which was not beloved).

Tất cả điều đó gợi nên một chất thơ miên man trong lối kể hiện thực pha huyền ảo hết sức độc đáo. Nhà văn sử dụng những hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách biểu đạt đầy nhạc tính khi dẫn dắt người đọc vào thế giới hư cấu trong tiểu thuyết. Nhiều nhà phê bình nhận định lối viết của Toni Morrison tràn đầy tính trữ tình và chất thơ bởi cách sử dụng hình ảnh sống động, giàu biểu tượng của bà. Thay vì việc phải miêu tả vết thương đương rỉ máu trên lưng người phụ nữ nô lệ, nhà văn đã thông qua cái nhìn của nhân vật Amy Denver để liên tưởng đến hình ảnh cây anh đào với đủ lá cành và hoa nở. Bức tranh sống động trên lưng chị ấy gây ấn tượng mạnh trong nhận thức người đọc hơn sự mô tả trực diện thông thường.

Đây cũng là một ví dụ điển hình cho việc tác giả đã sử dụng những hình ảnh tự nhiên đẹp đẽ để làm nổi bật nét tương phản với nỗi đau khủng khiếp của người nô lệ, là cách thức tuyệt vời để nhấn mạnh nỗi cay đắng nhục nhã của những con người đó.

Trên nền một hiện thực khốc liệt, Morrison lại mở ra một chất trữ tình âm thầm chảy giữa bao tâm tư. Tất cả đúng không phải là câu chuyện để kể, để lan truyền, nó chỉ là cõi lòng miên man lúc sục sôi tha thiết, lúc chậm chạp ủ ê, là chứng nhân của tình yêu bị tổn thương, của những mất mát không bao giờ vơi cạn. Những bài thơ được sử dụng rải rác trong tác phẩm chính là tiếng lòng của người mẹ khổ đau, của nhân gian không ngớt tiếng thở dài.

Hãy nói thật đi con.

Con đến từ thế giới bên kia phải không?

Vâng. Con ở thế giới bên kia.

Con trở về đây là vì mẹ ư?

Vâng.

Con còn nhớ đến mẹ?

Vâng, con nhớ mẹ.

Bài thơ là những dòng đối thoại bên trong, ngầm trong thần giao cách cảm, để hai mẹ con- người sống kẻ chết- trao đổi với nhau bao nỗi thương nhớ, ân hận dày vò. Bài thơ đồng thời cũng là những dòng cô đọng đầy cảm xúc về một quá khứ, một sự thực lịch sử mà tâm sự của hồn ma ngay trong đoạn phía trước đã trình bày. Sự lặp lại nhưng dưới một hình thức thể hiện khác chính là một cách sáng tạo độc đáo của ngòi bút đầy nữ tính Toni Morrison.

Sự kết hợp lối cấu trúc xoay vòng từ cốt truyện đến hệ thống hình tượng và ngôn từ gợi nên một chất trữ tình sâu thẳm nhưng không kém phần đau đớn khốc liệt khi vết thương như bị trăn đi trở lại, không ngừng bị dày vò, như thể chưa bao giờ muốn lãng quên, như thể không bao giờ nguôi ngoai được. Con người bị cuốn vào một vòng xoáy từ thái độ, định kiến tàn nhẫn đối với người da đen, người nô lệ. Chính vì thế, một câu chuyện ma xen lẫn trong cốt truyện của một tiểu thuyết lịch sử và một tiểu thuyết tâm lý- tình cảm khiến tác phẩm đi đến một kết thúc kép: một mặt nó hướng về kết cục của con ma Beloved và gia đình Sethe, mặt khác câu chuyện lại hướng người đọc đến số phận của người nô lệ, của Sethe và Paul D, cùng với Denver. Có thể là kết thúc đóng khi con ma biến mất và ngôi nhà 124 trở lại bình thường trong tình cảm cộng đồng giữa những người da đen. Nhưng vẫn là một kết thúc mở còn đọng nhiều nghĩ suy khi nhân vật nữ chính tuyệt vọng chờ chết và chỉ có bàn tay yêu thương của người đàn ông mạnh mẽ, nỗi khát khao được trở lại là chính mình, với cuộc đời mình trong tâm hồn những con người ấy mới vực dậy được sự sống. Câu chuyện ngừng lại tại đó và chỉ mơ hồ dẫn ra những dự cảm.

Đi xuôi theo con suối phía sau nhà 124, những dấu chân cô đến rồi đi, đến rồi đi. Chúng đã quá quen thuộc. Nếu như một cậu bé, một người lớn đặt chân lên thì nó sẽ vừa như in. Nhưng khi họ đưa chân ra, những dấu chân lại biến mất như chưa hề có ai in dấu…

Cấu trúc xoay vòng gợi cho người đọc nghĩ đến cấu trúc của thơ. Và thật vậy, một chất thơ lan toả từ kết cấu đến lối sử dụng ngôn từ biểu cảm, hình ảnh sống động hoà với cảm xúc thấm đẫm trong ký ức, trong suy tư và trong cả số phận nhân vật khiến cuốn tiểu thuyết gây xúc động sâu thẳm. Câu chuyện chứa đựng nhiều tình tiết khốc liệt, kinh dị, kỳ ảo vì thế lại được kể bằng lối văn tràn đầy chất thơ biểu cảm đậm đặc nữ tính. Ở đây lộ rõ cá tính sáng tạo của Toni

Morrison trong dòng chảy của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Có thể nói, bên cạnh việc tiếp nối những đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong cách xây dựng nhân vật và người kể chuyện, không gian, thời gian, Morrison khơi sâu thêm dòng chảy văn học từ Mỹ Latinh vào chính hiện thực của cộng đồng, của dân tộc mình. Nếu đọc những tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, chúng ta nhận ra hơi thở của vùng đất hoang sơ đầy bí ẩn, dữ dội mà thơ mộng, vừa ngây thơ vừa đáng sợ, nơi lịch sử vẫn đang mở ra những trang mà nhân loại đã qua từ lâu, thì đọc tiểu thuyết Toni Morrison, độc giả hình dung được một bức tranh hiện thực lịch sử nhiều ghềnh thác và thế giới tâm hồn sâu thẳm những vết thương của người Mỹ da đen trên mảnh đất đa sắc tộc, đa văn hoá này. Quá trình sinh sống và hoà hợp chủng tộc của người Mỹ gốc Phi trong lịch sử phải trải qua nhiều đấu tranh với thế lực bên ngoài và với cả chính mình để gìn giữ cội rễ tổ tiên, truyền thống văn hoá Phi châu vẫn còn nằm sâu trong tiềm thức. Điều đó được ngòi bút Morrison tái hiện một cách trữ tình, mang lại chất thơ cho tiểu thuyết.

Chất thơ đó bộc lộ qua cấu trúc xoay vòng, từ cốt truyện đến hệ thống hình tượng và ngôn từ, một cách lặp lại tuần hoàn các yếu tố cấu trúc tác phẩm tạo nên một nhịp điệu riêng, gần với cấu trúc thơ. Bên cạnh đó, một lối viết biểu cảm thiên về tâm lý, sử dụng những hình ảnh mang tính chất biểu tượng, đầy ám gợi và đặc biệt là âm hưởng nhạc Jazz ngẫu hứng, da diết, thâm trầm mà náo động bàng bạc suốt tác phẩm khiến người đọc đắm chìm trong “cảm giác từ thế giới ấy” chứ không phải là “hình dung về thế giới ấy” nữa.

Đây có thể coi là một trong những nét sáng tạo độc đáo của Toni Morrison trong sự tiếp thu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Các nhà văn Mỹ Latinh thường sáng tạo một lối viết mạnh mẽ, thẳng thừng, gai góc, đầy tính baroque với những đề tài nóng bỏng chính trị nhưng chứa đựng những vỉa tầng văn hoá bản địa sâu sắc. Trong khi đó, Toni Morrison lại phát huy truyền thống dân tộc, văn hóa da đen, lịch sử đấu tranh của người nô lệ da đen ở châu Mỹ để cất lên một “khúc ca da đen” sâu thẳm tình yêu, nỗi buồn, sự nhẫn nại, hy sinh, niềm khát khao được giao cảm, nối liền con người với con người, ý chí mạnh mẽ để khẳng định bản sắc của dân tộc mình, cá tính của chính bản thân mình.

Chính cội nguồn văn hoá dân tộc ấy đã tưới đẫm tâm hồn người nữ văn sỹ ngay từ thời thơ ấu đã góp phần hình thành cá tính sáng tạo của một nhà văn tài năng. Dưới mái nhà mình, Toni đã lớn lên cùng với những bài hát và những câu chuyện cổ tích da đen của bà nội. Thế giới mà bà nội đã tạo dựng cho cô bé Chloe Anthony Wofford (tên thật của Toni Morrison) được xây cất từ những chất liệu folklore của người da đen, của huyền tích và ma thuật. Trong thế giới đó, hiện thực không có ý nghĩa gì nữa mà chỉ như một hình ảnh mờ nhạt của trí tưởng tượng. Toni đã lớn lên và được nuôi dưỡng để tự hào với lịch sử tổ tiên của mình. Tâm hồn đầy nữ tính, những giác quan tinh tế và nhạy cảm của một người phụ nữ từng trải giúp cho thế giới nghệ thuật của bà chứa đựng chiều sâu thêm tình cảm, sự suy nghiệm và không ngừng mở ra những khát vọng muôn thuở về tình yêu, tình mẫu tử, tình người.

Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho bà giải văn chương Nobel cao quý bởi : “…Toni Morrison đã vẽ lên hết sức sống động thực chất của hiện thực Mỹ với nghệ thuật tiểu thuyết được thể hiện bởi trí tưởng tượng mãnh liệt và tràn đầy chất thơ…”.

Người ta sẽ nhớ tới những tác phẩm của bà với giọng văn đẫm nỗi buồn, tình yêu thương, sự cảm thông, sự nhẫn nại, đức hi sinh (những điều mà nhà văn William Faulkner tin rằng chính nó làm cho con người trở nên bất tử). Qua những tác phẩm của bà, người ta sẽ biết về nỗi buồn thương và đau đớn của hàng trăm năm trong thân phận nô lệ da đen, nỗi buồn đau có tính di truyền đã khắc vào tâm hồn những người Mỹ da đen đã từ bao nhiêu thế hệ. Và vượt lên trên tất cả vẫn là tình yêu con người thấm đẫm trong từng trang viết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.
  3. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế giới.
  1. Nhiều tác giả (2003), Tự sự học, một số vấn đề lý luận và lịch sử, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
  2. Hữu Ngọc (2000), Hồ sơ văn hoá Mỹ, NXB Thế giới Hà Nội.
  1. Kathryn Vanspanckeren (2001), Phác thảo văn học Mỹ, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
  1. Phan Tấn Hải (dịch), Giới thiệu tiểu thuyết hậu hiện đại Hoa Kỳ, Website: www.tapchitho.org.
  2. Nguyễn Thị Hiếu Thiện (2003), Luận văn Thạc sĩ: Con đường tới tự do của người Mỹ da đen trong nghệ thuật tiểu thuyết Toni Morrison, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
  3. Bernard W. Bell (1989), The Afro-American Novel and Its Tradition, The University of Massachusetts Press.
  1. Solomon O. Iyasere, Marla W. Iyasere (2000),  Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula: Selected Essays and Criticisms of the works by the Nobel Prize-winning author, Whitston Publishing Company, Troy, New York. Copyright: questia.com
  1. N.Lindstrom (1994), Twentieth – Century Spanish American Literature, University of Texas Press.
  2. Lois Parkinson Zamora & Wendy B. Faris (1995), Magical Realism: Theory, History, Community, Duke University Press, Durham& London. Copyright: www.questia.com.

CỐT TRUYỆN VÀ NHỮNG MOTIF HUYỀN THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT TONIMORRISON

 Nguyễn Phương Khánh


  1. Toni Morrison và khuynh hướng sáng tác huyền ảo

Có cảm giác rằng, khi con người ngậm ngùi một cách thê thiết về một thời đại vắng Chúa, và gào kêu rằng nền văn minh đã trở thành cõi hồng hoang trong lòng người… thì người ta lại càng tin tưởng một cách chân thành và sùng kín phía bờ kia của thực tại, dâng hiến chân lý cho cái siêu thực, kỳ ảo. Không còn đề cao lý tính, con người “sục sạo” tận cõi sâu của cái tôi bí ẩn, lắng nghe cái vô thức, tiềm thức chìm nổi và nhìn cuộc sống bằng con mắt đứa trẻ, vừa thơ ngây vừa mặc cảm, vừa khao khát tìm kiếm lại đồng thời không biết đến ngày mai. Vì thế, đọc văn chương thời này, người ta như lạc lối trong những không gian vô số ngả rẽ và thời gian xuôi ngược lúc nén chặt trong một tiếng thở dài, lúc kéo dài vô tận hàng thế hệ. Nhân vật và sự kiện trong đó có đầy đủ cơ sở để hiện diện, thậm chí cũng đầy đủ “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (K.Marx), nhưng cái khác biệt với tư duy văn học truyền thống là ở chỗ, những cơ sở ấy lý giải kiểu gì cũng được, hoặc không quan tâm vì sao “nó lại như thế”. Đây cũng là biểu hiện của motif quy hồi (quá trình quay về trung tâm được diễn đạt bằng đường xoắn ốc hướng vào tâm điểm) trong biểu tượng văn hóa loài người. Tức giống như chẳng ai băn khoăn làm sao mẹ Thánh Gióng ướm vào dấu chân khổng lồ mà thụ thai được, thì bạn đọc cũng thấy bình thường trước sự kiện mưa hoa trong đám tang Hose Accadio Buendya (Trăm năm cô đơn). Con người từng gán cho các vị thần trên đỉnh Olympus những đặc điểm của loài người theo tư duy nguyên thủy đầy tính thần thoại, thì giờ đây họ cũng biến những con ma thành người, người thành quái vật, đường sá được quy hoạch thành mê cung, mặt phẳng thành không gian đa chiều và trái đất xanh tươi thành một hố đen đậm tính khải huyền.

Văn chương huyền ảo (magical literature) có lẽ đã ra đời trên kiểu tư duy hậu hiện đại như thế. Không đam mê phản ánh hiện thực nghiêm nhặt theo chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, cũng không thấy nổi loạn và chủ quan lãng mạn là hấp dẫn, thiên niên kỷ mới đón nhận sự trở về của cổ mẫu huyền thoại. Nếu văn học kỳ ảo (fantastic literature) từng thịnh hành trong văn học Âu Mỹ cuối XIX, đầu XX đã mang lại không khí Liêu Trai hiện đại, khiến con người sợ hãi và băn khoăn trước các yếu tố siêu nhiên, dị thường, thì văn học huyền ảo tô đậm cái thần kỳ, ma thuật trong một cảm quan đầy chất thơ. Chính vì vậy, văn chương huyền ảo đã đón nhận sự quay về của nhiều cổ mẫu, biểu tượng huyền thoại, chất folklore sống động và cả âm nhạc truyền thống được đan cài trong lối trần thuật biến hóa. Bút pháp huyền ảo cũng sử dụng tất cả “hiệu ứng” kỹ thuật mà văn chương kỳ ảo đã tạo dựng, nhưng những chi tiết phi thực lại không đưa người đọc ra khỏi bờ hiện thực, mà ngược lại hiện thực lịch sử là phông nền cơ bản và đích nhắm đến của tất cả các phương tiện truyện kể. Do vậy, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chính là biểu hiện rõ nét nhất của khuynh hướng sáng tác này. Có thể quan niệm, văn học huyền ảo đã mở rộng biên giới của hiện thực và khai phóng mọi khả năng sáng tạo.

Nhà văn nữ da đen người Mỹ – Toni Morrison được xếp vào xu hướng sáng tác huyền ảo, huyền thoại hiện đại. Đọc tiểu thuyết Toni Morrison, người ta thấy những hồn ma tái sinh, những phận người bị hiến tế, cuộc truy tìm cội rễ dòng họ và bản sắc cá nhân… được chuyển tải bằng cốt truyện pha trộn màu sắc hiện thực và kỳ ảo, huyền thoại. Lối viết của Morrison dẫn đến liên tưởng về cú bùng nổ với sức lan tỏa mạnh mẽ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, xét cho cùng, chỉ hiện thực đời sống đầy tính “huyền ảo” của người da đen trên vùng đất của giấc mơ Mỹ là có sự gặp gỡ với đặc trưng lịch sử phong phú, chất chồng huyền thoại dân gian của các dân tộc  Mỹ Latinh, sự lý giải còn lại phải nằm ở cá tính sáng tạo của một nhà văn nữ đầy nội lực uyên sâu. Bản thân huyền thoại đã là chất thơ của lịch sử, dưới ngòi bút tinh tế của Toni Morrison, huyền thoại từ xa xưa lại sống động trong đời thực, thấm đẫm giai điệu ngọt ngào của thơ ca dân gian, những bản nhạc blues, jazz của người Mỹ gốc Phi và chất trữ tình từ tâm hồn nữ tính vốn đã làm nên sinh mệnh của một nhà văn tài năng trên bục giải thưởng Nobel.

  1. Tiểu thuyết Toni Morrison – cuộc tìm kiếm những cổ mẫu huyền thoại

Cốt truyện trong tiểu thuyết Toni Morrison hướng về hiện thực lịch sử của người Mỹ gốc Phi nhưng được chuyển tải bằng cấu trúc huyền thoại, trong đó các huyền thoại đan cài với các yếu tố lịch sử là chất liệu chính của cốt truyện. Chẳng hạn hành trình đi tìm cội rễ của Milkman Dead trong tiểu thuyết Song of Solomon chính là kiểu cốt truyện đơn huyền thoại về người anh hùng tìm kiếm (requesting hero) với một quá trình “phân lập – thụ pháp – trở về”. Hành trình chạy trốn đầy khốc liệt của Sethe, Paul D và sự trở về của con ma Beloved trong Beloved cũng là mẫu cốt truyện mang dáng dấp huyền thoại được xử lý khéo léo trong các khuôn hình hiện thực lịch sử, xã hội và văn hóa mang đậm bản sắc Mỹ gốc Phi.

Toni Morrison đã khai thác các truyện kể dân gian Phi châu và thần thoại Hy Lạp cổ đại làm cơ sở cho cốt truyện. Huyền thoại con người biết bay ấp ủ từ những truyền thuyết xa xưa của những người nô lệ Mỹ trong khao khát được thực hiện một chuyến bay tự do trở về với quê hương và gợi nhắc cả huyền thoại Hy Lạp cổ về chàng Icarus bị mặt trời thiêu cháy đôi cánh bằng sáp tuyệt đẹp (Song of Solomon). Trong cuốn tiểu thuyết thứ tư, Tar Baby, nhà văn chủ yếu sử dụng các huyền thoại Caribbean phối hợp với phương thức sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo… Tuy nhiên, một cốt truyện huyền thoại nhằm chuyển tải những thông điệp lịch sử, những chủ đề hiện thực liên quan đến tình trạng bạo lực, nô lệ, giới tính, chủng tộc… trong đời sống người Mỹ gốc Phi.

Gắn với cốt truyện huyền ảo là những yếu tố mang tính huyền thoại nghi lễ như tẩy rửa và phục sinh, nghi lễ nhảy múa như là phương pháp trị liệu tâm lý; motif về người anh hùng (Song of Solomon, Beloved), motif người cứu chuộc (The Bluest Eye)…

  1. Một số motif huyền thoại cơ bản trong cốt truyện của Toni Morrison
    • Cốt truyện huyền thoại gốc Monomyth

Tiểu thuyết Song of Solomon (Bài ca Solomon) là một trong những sáng tác tiêu biểu, mang đậm cá tính sáng tạo của nhà văn này. Cuốn sách được xuất bản năm 1977, nhanh chóng nhận được rất nhiều lời khen ngợi ủng hộ của độc giả và đã đoạt giải thưởng sách Quốc gia hàng năm và giải thưởng của Viện Hàn Lâm Nghệ thuật và Văn chương Mĩ.

Tác phẩm quả thật đã mang lại rất nhiều ấn tượng cho người đọc bởi lối kể chuyện mới mẻ, đầy biến hóa của Toni Morrison. Khai thác một cổ mẫu khá quen thuộc nhưng hấp dẫn, đó là huyền thoại về người anh hùng dấn thân (the questing hero) hay chính là mô hình huyền thoại gốc

monomyth, Morrison đã xây dựng một thế giới tiểu thuyết mang đậm màu sắc hiện thực – huyền ảo. Trong đó nhân vật vừa mang dáng dấp huyền thoại, kích cỡ sử thi vừa thấp thoáng hình bóng của những con người thực ngoài đời – những người thân quen của chính tác giả. Sự ra đời, hành trình dấn thân tìm kiếm cội rễ và bản sắc, sự trở về của nhân vật chính Milkman Dead là hiện thân của bao nhiêu cuộc hành trình vĩ đại trong huyền thoại nhân loại. Ở đây, tác phẩm bật mở khả năng liên văn bản mạnh mẽ, khi hình tượng Milkman khiến ta liên tưởng đến hình ảnh Odyssey của Homer trên hành trình gian khổ tìm về quê nhà. Milkman trên chặng đường từ Bắc xuống Nam để khám phá nguồn gốc dòng họ, lịch sử gia đình và bản lai diện mục của chính mình, màu da của mình, đã thực sự bừng tỉnh những nhận thức căn bản về cội rễ chủng tộc. Đó là một vấn đề đã trăn đi trở lại trong toàn bộ hệ thống tác phẩm của Toni Morrison, và cũng là nội dung căn bản mà tiểu thuyết Song of Solomon hướng đến. Nhưng nếu tạm để lại một bên những yếu tố hiện thực – giai cấp – chủng tộc – giới vốn được đề cập khá nhiều trong những nghiên cứu về nhà văn nữ da màu này và lắng nghe cách kể chuyện của tác giả, câu chuyện hẳn không còn thuộc về riêng một cá nhân nào, một màu da nào, một đất nước nào. Đó thật ra là một cuộc hành trình đã bắt đầu từ muôn thuở…

Trong tác phẩm tràn ngập yếu tố magic (huyền ảo) được xây dựng gắn bó với cốt truyện huyền thoại. Từ việc ra đời của Milkman đã gợi nên một không gian hoang dã của Phi châu, của Mỹ latinh, phảng phất hình ảnh ngôi làng Macondo của Marquez: Pilate đã cho Ruth một thứ thuốc nào đó để bỏ vào thức ăn của Macon Dead. Bốn ngày giao hoan liên tục để Ruth (mẹ của Milkman) đơm hoa kết trái một đứa trẻ. Milkman được nuôi dưỡng bảo bọc khá kỹ, và bị người mẹ nhiều ẩn ức cho bú đến tận khi bốn tuổi. Trước khi Milkman ra đời một ngày, sự việc Robert Smith đã chết vì muốn bay như một điềm triệu sẽ đeo đuổi cuộc đời Milkman. Anh sẽ phải khám phá được huyền thoại về khả năng bay về Phi châu của tổ tiên mình và làm thế nào để thực hiện chuyến bay thần kỳ đó (the magic fight) [1]. Sự chào đời của Milkman, cũng như sự xuất hiện của những anh hùng thần thánh, được bao bọc bởi nhiều yếu tố huyền bí và trùng điệp nhiều ẩn dụ xếp chồng. Cuộc hành trình của anh chính là cuộc hành trình nổi tiếng của huyền thoại, mặc dù toàn bộ sự kiện vẫn bám vững trên mảnh đất hiện thực với bao vấn đề nhức nhối của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Và Milkman đã trải qua ba giai đoạn của người anh hùng monomyth trong mô hình của Joseph Campbell.

+ Khởi hành: Milkman sẽ không mãi là người đàn ông vị kỷ trong sự bao bọc của những người phụ nữ nếu như anh không thực hiện cuộc hành trình. Tiếng gọi của cuộc phiêu lưu thật ra đã bắt đầu khi anh kết bạn vơi Guitar Bains và đến nhà Pilate Dead, người cô của mình. Anh ta có sự “nổi loạn” ban đầu khi chống lại sự cấm đoán của người cha không được đến nhà Pilate cũng như phản ứng lại ông ta khi mẹ mình bị ức hiếp. Nhưng sự yếu đuối khiến anh ta không dám đứng ra giải quyết mối thù hận giữa cha mẹ và giữa dòng họ (Từ chối tiếng gọi). Dòng họ của anh là Dead (chết) – dù đó không phải là cái tên gốc – nhưng thực sự trong Milkman vẫn tiềm tàng một sức sống, một năng lực đặc biệt đã được di truyền từ tổ tiên. Câu chuyện về số vàng bí mật được cất giấu ở nhà Pilate chính là yếu tố chín muồi thúc đẩy sự bừng tỉnh bản thể và Milkman chính thức bước vào cuộc phiêu lưu (Vượt qua ngưỡng đầu tiên). Kể cả việc thất vọng khi thấy không phải vàng mà chỉ là bộ hài cốt cũ, bị cảnh sát bắt giam, Milkman cũng lần đầu tiên thấy được những chấn thương tinh thần dai dẳng đã tồn tại đeo bám gia đình mình và anh muốn vượt thoát (Bụng cá Voi).

+ Thụ pháp: Với nhiều người da màu, phương Bắc và giấc mơ Mỹ trắng chiếm lĩnh toàn bộ ước mơ của họ (chủ đề này được Toni Morrison khai thác sâu sắc, đầy xúc động trong cuốn The bluest eyes). Nhưng Milkman đã thực hiện một cuộc hành trình ngược từ phương Bắc về phương Nam, mảnh đất đã đẫm máu, nước mắt và những ký ức đau đớn của người nô lệ da đen bởi chỉ có nơi đây mới trao cho anh cơ hội được tìm lại gốc gác, hòa nhập được với cộng đồng rộng lớn người Mỹ gốc Phi – cả người đã chết lẫn người đang sống. Qua từng chặng đường tới Shalimar và ở chính Shalimar, Milkman mới giải được một loạt câu đố về quá khứ, từng bước thức tỉnh và đi tới sự lột xác toàn vẹn cuối cùng. Cuốn tiểu thuyết tưởng chừng chỉ phát triển xung đột một chiều, tuyến tính, nhưng thật sự toàn bộ tác phẩm là những mảnh ghép rời rạc, và chỉ được chắp nối dần dần theo cuộc hành trình của nhân vật nam chính này. Milkman đã biết được cái tên thật sự của dòng họ, đó là Solomon, và giá trị thật sự của bài ca Solomon. Đây là bản nhạc blues của người da màu, cũng là khúc ca dân gian vui đùa của trẻ con, là bài hát trong Kinh Thánh, và cũng là giai điệu nền của cuốn tiểu thuyết về người anh hùng Song of Solomon. Tên ông ngoại của Toni Morrison là John Solomon, nhưng Solomon cũng là một cái tên từ huyền thoại, từ Kinh Thánh, giống như hàng loạt tên nhân vật như Hagar (cô hầu gái đã sinh con trai cho Abraham), Circle (nhân vật đã giúp Odyssey tìm được đường về Ithaca), Pilate (tên kẻ đã trao Chúa Jesus cho các pháp quan và tiếp đó là khép Jesus vào hình phạt đóng đinh trên cây thánh giá)…

Hành trình về phương Nam của Milkman chính là Con đường thử thách để người anh hùng phải vượt qua, và đạt được sự chứng ngộ, sự trưởng thành. Ở giai đoạn này, Milkman đã gặp được Circle, người đàn bà đã làm bà đỡ cho bà nội Milkman khi sinh Macon Dead II (Gặp gỡ với nữ thần). Circle hiểu rõ cội rễ dòng họ Milkman, và chính bà là người đã hỗ trợ dẫn dắt anh đến những khám phá bất ngờ sâu xa về cội rễ và huyền thoại chuyến bay. Và anh cũng gặp gỡ, có những giây phút thăng hoa, gắn bó với một cô gái điếm tên là Sweet (Ngọt ngào) (Cám dỗ từ người đàn bà). Đặc biệt ở cánh rừng Danville, mọi bản năng, mọi tiềm thức của Milkman đã thức dậy khi anh liều lĩnh tham gia cuộc đi săn trong rừng rậm đen tối. Đôi chân của anh trước đây cái thấp cái cao, giờ đây anh soi gương và nhận ra chúng đã hoàn toàn cân bằng. Trong rừng rậm, Milkman đã đối diện với bóng tối, với sự truy đuổi, và đặc biệt là với sự ám sát của Guitar (Chuộc lỗi với Cha), anh vượt qua tất cả (Phong thần) và giải mã được bí ẩn về bài hát, về gia đình, về cộng đồng (Phần thưởng cuối hành trình). Theo bước chân của Milkman, thế giới thực và phi thực, lịch sử và huyền thoại đã được đan lồng.

+ Trở về:

Sau khi nhận thức được toàn bộ giá trị văn hóa và cội rễ của cộng đồng, Milkman quay trở về nhà để nói cho cha mẹ, cho Pilate biết về tổ tiên mình với mong muốn xóa bỏ những thù địch, chia cắt đã ám ảnh gia đình hàng chục năm nay. Pilate một lần nữa giúp anh thực hiện một số nhiệm vụ như tìm lại bộ hài cốt của ông cố nội, chôn cất bộ hài cốt của ông nội, giải mã bí ẩn bài hát Solomon và huyền thoại về một người trong gia đình có khả năng bay như chim (Chuyến bay thần kỳ). Mặc dù Pilate đã bị bắn chết bởi viên đạn của Guitar mà lẽ ra dành cho Milkman (Thoát khỏi tình huống bất khả), nhưng anh ta vẫn nhận thức được vai trò của mình, sinh mệnh của mình trong tổng thể sự tồn tại của cộng đồng. Anh biết được, huyền thoại về chuyến bay chính là khả năng “bay mà không rời khỏi mặt đất” (Vượt qua đoạn trở về) để rồi Làm chủ hai thế giới Tự do sống.

Phần II của cuốn tiểu thuyết chính là chặng trở về của nhân vật chính. Milkman chính là Osyssey trên hành trình tìm về quê hương. Một điểm thú vị nữa ở đây là mặc dù anh ra sinh ra, lớn lên ở Michigan, quê hương thật sự của anh lại là Pennsylvania và Virginia. Trong sử thi Homer, Circle là người đã dẫn cho Odyssey con đường về nhà, trong Song of Solomon, Circle lại chỉ cho Milkman biết nơi sinh ra của ông nội Macon Dead I, dẫn anh ta về với cội nguồn thật sự của mình. Circle là điểm kết nối quan trọng đưa Milkman về với quá khứ, về với bản sắc của chủng tộc mình.

Như vậy, có thể nói, trục chính của tác phẩm chính là sự vận hành của cổ mẫu monomyth như là kết cấu tiểu thuyết. Toni Morrison đã sử dụng một cổ mẫu, một huyền thoại đích thực và chuyển hóa nó vào thế giới hư cấu phong phú, đầy tính biểu tượng của mình. Độc giả tìm thấy một sự sắp đặt, hòa trộn khéo léo các yếu tố huyền thoại của người Mỹ gốc Phi với những tín ngưỡng văn hóa, đạo đức và tôn giáo của Do Thái-Kitô giáo và di sản của Hy Lạp – La Mã. Điều

thú vị cho thấy tài năng kể chuyện tuyệt vời của bà là các huyền thoại ấy không phải là những nguyên mẫu được tái dựng đơn giản, mà là sự pha trộn các yếu tố siêu nhiên mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong hiện thực lịch sử của chính dân tộc bà. Nhà văn đã lựa chọn một trong những huyền thoại lâu đời và phổ biến nhất, người anh hùng và cuộc tìm kiếm (monomyth), để xây dựng cấu trúc tác phẩm, đổi mới cách trần thuật, khiến cho thoạt đầu, người đọc theo dõi sự ra đời, trưởng thành, những đam mê, tìm kiếm và thử thách của nhân vật trung tâm là Milkman có thể cho rằng đây là một dạng tiểu thuyết coming – of – age, loại truyện viết về sự trưởng thành của một nhân vật (như Bắt trẻ đồng xanh của J.D.Salinger). Nhưng ẩn sau câu chuyện về một con người – người đàn ông da đen đi tìm cội rễ thực sự của dòng họ mình và bản sắc chủng tộc mình – là hiện thực khốc liệt của một cộng đồng, và một vòng xoắn ốc bất tận của mô hình huyền thoại gốc. Tiểu thuyết chia 15 chương với lối kể chuyện gấp khúc, vừa phát triển vừa gián đoạn, đan xen nhiều giọng kể, người đọc nhận ra sự xếp chồng trên văn bản một mô hình rõ ràng của huyền thoại về người anh hùng được sinh ra, gánh vác nhiệm vụ, thực hiện sự thụ pháp, dấn thân và trở về hòa nhập với xã hội của mình. Milkman trong tác phẩm đã lần lượt trải qua những trải nghiệm khác nhau để rồi có sự biến đổi trong tâm lý và thể chất như một anh hùng thật sự, và đến cuối tác phẩm, anh ta có thể gánh vác được nhiệm vụ kế tục dòng họ và bảo vệ cộng đồng.

Như vậy, theo dõi những phân đoạn chính, sự phát triển của cốt truyện xoay quanh nhân vật trung tâm, chúng ta nhận thấy cách thức Toni Morrison sử dụng và chuyển hóa một cách tinh tế, khéo léo các hình ảnh, chủ đề huyền thoại vào tác phẩm. Nếu sơ lược nội dung cuốn tiểu thuyết, bản tóm tắt chỉ cho thấy cách kể biên niên, theo trình tự thời gian, từ lúc nhân vật chính ra đời tới lúc trưởng thành và lột xác. Nhưng thật ra, kết cấu của tác phẩm rậm rạp hơn và mang đậm tính sử thi hơn thế. Xuyên suốt trục chính của truyện là chuyện của Milkman, tác giả đã đan dệt, lồng xoắn vào đó câu chuyện của cả ba thế hệ (ông nội, cha và Milkman) và hiện thực rộng lớn của một cộng đồng người da màu trên đất Mỹ (với những tổ chức như Seven Days, những khu phố, bệnh viện còn kỳ thị chủng tộc sâu sắc, những con người cất giữ huyền thoại đẹp đẽ về một chuyến bay đến Phi châu…). Xen kẽ, chia cắt dòng chảy tuyến tính của sự kiện chính là những đoạn lạc giọng, mở rộng, giải thích, lồng ghép những câu chuyện nhỏ khác khiến mạch chuyện tưởng chừng bị gián đoạn, để rồi là kết nối, như dòng sông tách dòng chảy nhưng đến cuối mạch nguồn vẫn gặp nhau để cùng cuộn đổ ra khơi. Đó là lối kết cấu của huyền thoại và sử thi. Tiểu thuyết của Toni Morrison vì thế dày lớp hơn, đa tầng, đầy ám gợi, không chỉ dựng xây trên một lớp cốt truyện (plot) mà còn được tôn tạo bởi nhiều lớp subplots tỉ mỉ khớp nối nhau. Và bay bổng trên đôi cánh huyền thoại của Icarus là bài ca Song of Solomon, bài hát mà cuối cùng Milkman cũng khám phá ra ý nghĩa của nó trong sự thức tỉnh về bản sắc, về cội rễ. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng kết cấu của Song of Solomon là sự hòa trộn nhiều thể loại: tiểu thuyết hiện thực huyền ảo, kiểu truyện phiêu lưu và sử thi anh hùng.

  • Cốt truyện Truy tìm Chén Thánh

Chén Thánh (Holy Grail hay Chalice) là một biểu tượng độc đáo trên nhiều phương diện trong đời sống tôn giáo và văn học của con người. Theo truyền thuyết, Chén Thánh chứa sức mạnh vô biên bởi đó chính là cái chén (hoặc dĩa, hoặc ly) mà Chúa Jesus đã dùng trong bữa tiệc cuối cùng (Bữa tiệc ly) trước khi Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự giá. Trong buổi tiệc tiên tri về cái chết và sự phản bội, Người đã phán: “Hãy lấy ăn đi, (bánh) này là Thân thể Ta, vỡ ra vì các ngươi. Hãy lấy chén và uống; (rượu nho) này là Huyết Ta, đổ ra cho nhiều người để được tha tội”. Chiếc chén đựng rượu được hóa phép thành Máu Thánh đã đi vào huyền thoại, trở thành một trong những biểu tượng trung tâm của thế giới thần học Kito giáo.

Chén Thánh còn được thêu dệt qua câu chuyện khi Chúa bị đóng đinh trên cây Thánh giá, mồ hôi và máu Ngài đã rơi xuống chén của Joseph d’ Arimathie. Nhờ chén Thánh ấy mà Joseph đã sống sót qua đợt truy sát người Công giáo của La Mã. Ông ta ẩn nấp trong một cái hang và uống máu tươi từ chiếc chén thần thánh để cầm cự sự sống. Đến khi thoát ra khỏi hang, Joseph cùng gia đình đã phiêu dạt tới nước Anh. Sau này, vị vua Arthur huyền thoại của nước Anh và các Hiệp sĩ Bàn tròn (Knight of the Round Table) ra sức tìm kiếm chiếc chén ẩn đầy sức mạnh vô biên này. Niềm tin về sự hiện diện và quyền năng của chiếc chén cứ như thế tiếp tục lan truyền cho đến thời hiện đại.

Câu chuyện về chiếc Chén Thánh đã trở thành một huyền thuyết thiêng liêng tuyệt đẹp trong đời sống nghệ thuật của con người. Danh họa của thời đại Phục Hưng – Leonardo Da Vinci – có bức họa nổi tiếng mang tên “Bữa Tiệc Ly” (The Last Supper). Và hình ảnh Chén Thánh còn xuất hiện trong hàng loạt tranh vẽ của họa sĩ Italia tài danh như Jacopo Bassano (1510-1592), hay họa sĩ, thi sĩ người Anh là Dante Gabriel Rossetti (1828-1882)… Văn chương tiếp tục nuôi dưỡng những tưởng tượng vô biên của con người về sức sống của Chén Thánh trong thơ ca, tiểu thuyết của nhiều tác giả. Tác phẩm đầu tiên về Chén Thánh là Perceval, le Conte du Graal (Perceval, câu chuyện về Chén Thánh) của nhà thơ Pháp Chretien de Troyes. Bài thơ vẫn còn dang dở này được sáng tác trong khoảng thời gian giữa 1180 và 1191, có ảnh hưởng mạnh mẽ trong văn học châu Âu thời Trung Cổ và hiện đại. Nhưng phải nói rằng, đến tác phẩm Joseph d’Arimathie của Robert de Boron, Chén Thánh mới hiện diện một cách toàn vẹn theo sự tưởng tượng và mong đợi của độc giả, nối tiếp câu chuyện lưu lạc của chiếc chén đến nước Anh và mở ra huyền thoại nữa liên quan đến vua Arthur cùng các Hiệp sĩ Bàn Tròn. Sự hấp dẫn bí ẩn của Chén Thánh giống như nụ cười nàng Mona Lisa thật khó lý giải, cuộc tìm kiếm bất tận chiếc chén ấy đã dẫn dắt người đọc qua bao trang viết mê hoặc, kỳ ảo và sâu thẳm của nhiều nhà văn qua các thời đại khác nhau. Chẳng hạn cuốn tiểu thuyết lịch sử The Silver Chalice (Chén Thánh bạc, 1952) của Thomas B.Constain, được chuyển thể thành phim năm 1954, đứng đầu trong danh sách Bestseller trên Tạp chí New York Times từ 7/9/1952-8/3/1953 và duy trì nằm trong top sách bán chạy nhất suốt 64 tuần tiếp theo. Motif cốt truyện Truy tìm Chén Thánh cũng xuất hiện trong series The Grail Quest (Truy tìm Chén Thánh) của Bernard Cornwell (nhà văn Anh, 1944 – ) kể về cuộc tìm kiếm Chén Thánh diễn ra trong thế kỷ XIV, khoảng thời gian của Cuộc chiến Trăm năm; cuốn tiểu thuyết kỳ ảo có tên  The War Hound and the World’s Pain (1981) của Michael Moorcock (nhà văn Anh, 1939); hay tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có tên là Nova viết năm 1968 của nhà văn Hoa Kỳ Samuel R.Delany (1942); War in Heaven (Chiến tranh ở Thiên đàng) của Charles Williams (nhà văn Anh, 1886-1945); The Sign and the Seal (Dấu hiệu và Chiếc ấn) của nhà văn Anh Graham Hancock (1950 – ); Holy Blood, Holy Grail (Máu Thánh, Chén Thánh – tác giả: Michael Baigent, Richard Leigh, and Henry Lincoln) hay cuốn Baudolino do Umberto Eco (1932-) xuất bản năm 2000 kể về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ tên Baudolino trong thế giới huyền thoại Kito giáo. Tuy nhiên, đình đám gần đây nhất với cốt truyện Chén Thánh có thể nhắc đến cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci (Da Vinci Code) của nhà văn người Anh Dan Brown (1964-)… Đó là chưa kể đến hàng loạt các tuyệt phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ câu chuyện Chén Thánh.

Có thể nói, hình tượng Chén Thánh mang tính huyền thoại – tôn giáo có khả năng đánh thức những cuộc tìm kiếm vô tận trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi Chén Thánh không chỉ là một biểu tượng thiêng liêng thần bí, mà hơn hết là khát vọng muôn thuở cho sự tri ngộ, cho sự tìm kiếm cái hiền minh đã mất, sự khải thị và chân ngã. Chính vì thế, hình tượng Chén Thánh thường gắn với câu chuyện về Fisher King (Vua Đánh Cá), người bị vết thương hành hạ đến hoang phế cả vùng đất xung quanh và đợi chờ các hiệp sĩ của vua Arthur hóa giải nỗi đau thông qua hành động truy tìm chiếc chén thần thánh ấy. Cổ mẫu được xem có gốc gác từ huyền thoại Celtic. Chiếc Chén có khả năng huyền diệu làm phục sinh nỗi trầm luân đau khổ của phận người, của kiếp đời. Và cuộc truy tìm Chén Thánh chính là sự dấn thân để thụ pháp, để khám phá chính bản thân và khám phá giá trị cao nhất của sự sống. Văn học hiện đại đã tái hiện câu chuyện Chén Thánh dưới nhiều hình thức khác nhau, cơ bản gắn với motif Truy tìm Chén Thánh như một cảm hứng chủ đạo xuyên suốt, chẳng hạn bài thơ nổi tiếng Đất hoang (The Waste Land) của T.S.Eliot, tiểu thuyết Lễ hội mặt trời (Ceremony) của nhà văn nữ người Mỹ gốc da đỏ Leslie Marmon Silko, hay các tiểu thuyết khốc liệt của nữ văn sĩ Mỹ gốc Phi Toni Morrison như Người yêu dấu (Beloved), Bài ca Solomon (Song of Solomon)…

Về cơ bản, motif Truy tìm Chén Thánh trong văn học hiện đại có thể không xuất hiện một Chén Thánh cụ thể, thực sự nào, không nói về cuộc hành trình tôn giáo đã bắt đầu từ vạn cổ kia, mà khắc họa hình tượng con người “vong thân”, mất mát tận sâu trong cái gọi là “bản lai diện mục” (identity) và cuộc tìm kiếm đầy trăn trở để lần ngược về với cõi minh triết bất tử. Motif này được khai thác dưới dạng: nhân vật (giống như Vua Đánh Cá) bị thương tổn, dằn vặt và lạc lõng, nỗ lực vượt qua bao trở ngại, thử thách bên ngoài cũng như bên trong chính bản thân mình, để rồi cuối cùng khám phá và giác ngộ. Nhưng nếu Vua Đánh Cá trong huyền thoại Chén Thánh cổ xưa đã từ bỏ hy vọng, tan nát chờ chết, nương nhờ lòng can đảm và sức mạnh của các Hiệp sĩ tìm kiếm Chén Thánh thì trong các tác phẩm hiện đại, nhân vật thường nỗ lực để vượt lên chính mình, dấn thân vào hành trình thụ pháp, cuối cùng đạt được “ân huệ” lớn nhất. Chén Thánh tìm được không chỉ có khả năng hồi sinh Vua Đánh Cá mà còn khiến cả vùng đất hoang tàn sống lại mà Chén Thánh ở đây còn là biểu tượng của chính đích đến cuối cùng của con người trong hành trình dài “luyện ngục”. Như vậy, có thể tạm diễn đạt nội dung cơ bản của motif này dưới sơ đồ:

Vua Đánh Cá bị thương / Mảnh đất xung quanh bị khô cằn à Hiệp sĩ Bàn Tròn truy tìm Chén Thánh

 

à Cứu sống Vua Đánh Cá và hồi sinh mảnh đất đã cằn khô
Nhân vật “chấn thương” / không gian “hoang phế” àHành trình thụ pháp/ có thể xuất hiện một nhân vật có ý nghĩa chi phối cuộc hành trình àKhám phá được cội rễ, bản sắc, hồi sinh thể xác và tâm hồn…

Motif Truy tìm Chén Thánh thường hòa quyện với cốt truyện huyền thoại monomyth (huyền thoại gốc) về người anh hùng trải qua quá trình ra đi phiêu lưu – thụ pháp – trở về [xem ]. Cả MonomythTruy tìm Chén Thánh đều phản ánh tư duy huyền thoại cổ xưa về chu kỳ tái sinh của cuộc sống loài người. Đó là một cổ mẫu có sức sống lâu bền trong tâm thức nhân loại và khơi gợi cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật.

Có thể thấy rằng, với tiểu thuyết Người yêu dấu (Beloved), Toni Morrison đã sử dụng motif này dưới dạng: Nhân vật chính (Seth) cô đơn, tổn thương giữa ngôi nhà ma ám, cách biệt với thế giới bên ngoài. Người phụ nữ da đen phạm tội giết con đã chịu đựng những ám ảnh của quá khứ trong suốt mười tám năm trời. Căn nhà nhỏ 124 đầy ắp hận thù của con ma trẻ con, người mẹ già Baby Suggs đang liệt giường chờ chết trong nỗi tuyệt vọng, những đứa con trai lớn lần lượt bỏ đi, cô bé Denver cô độc bị cộng đồng xa lánh… Trong nỗ lực vượt thoát khỏi nỗi ám ảnh đớn đau của nhân vật (hành trình thụ pháp trong huyền thoại), Paul D – một nạn nhân khác của chế độ nô lệ tàn bạo – đã trở về và vực dậy những yêu thương, khát vọng và sức mạnh, để Seth và ngôi nhà xám trắng nhỏ hồi sinh.

Tiểu thuyết được xây dựng như một câu chuyện ma, đậm chất hiện thực huyền ảo. Vụ án của mười tám năm về trước còn in nguyên trong ngôi nhà 124 của mẹ con Seth. Những vết chân bé tí hằn trên bậc cầu thang, sự quấy phá của đứa trẻ đã chết ấy biến thành cơn thịnh nộ dữ dội khi người đàn ông của định mệnh trở về, Paul D. Anh ta bước vào ngôi nhà ngập tràn ánh sáng đỏ ma quái và thứ âm thanh như “tiếng khóc than níu chặt lấy không gian” như bị rơi vào một thế giới hư cấu mịt mù, huyễn hoặc với câu chuyện về đứa trẻ bị cắt cổ, tên người đã khuất Baby Suggs, chuyện sữa Sethe bị cướp đoạt… hoàn toàn rời rạc với thực tại năm 1873. Paul đã chiến đấu với con ma và đánh đuổi nó rời khỏi căn nhà ảm đạm, cằn cỗi, xám xịt vì ma ám và sự ghẻ lạnh của cộng đồng. Nhưng hồn ma vô hình cứ lẩn khuất âm thầm sau từng số phận, nó luôn dự phần vào cuộc sống của mỗi người mà không ai (trừ Paul D) có ý định gạt bỏ.

Mười tám năm trôi qua, Sethe và những đứa con của chị phải chịu đựng quá khứ ám ảnh, hồn ma thấp thỏm. Người đàn bà câm lặng và mệt nhoài với nỗi đau, những đứa trẻ lớn lên trong thù hận và cô độc, cùng một bà lão chờ chết trong nỗi tuyệt vọng trước tình người.

Seth chính là hình tượng những người nô lệ Mỹ da đen với những chấn thương tinh thần sâu nặng. Tất cả họ đều bị cầm tù trong một thế giới của nô lệ, của những ám ảnh, sự cô độc và khinh rẻ. Cuộc đời những người nô lệ trong trang trại Sweet Home tiêu biểu cho những số phận da đen đã được miêu tả trong Nô tì Isaura của nhà văn Bernado người Brazil, Túp lều của bác Tôm của nhà văn nữ người Mỹ Harriet Beecher Stowe… Họ mất tự do từ khi còn trong bụng mẹ và ra đời trong một định mệnh phi lý đã được định sẵn. Sethe ngay cả khi hoàn toàn tự do, yên ổn với mái ấm của riêng mình vẫn không lúc nào nguôi ngoai những ký ức về Sweet Home, về những năm tháng con người chỉ là công cụ để sinh sản, để lao động, để nhẫn nhịn và chịu đựng. Và Paul D cũng vậy, người đàn ông duy nhất ở Sweet Home còn sống và trở về sau bao nhiêu năm lưu lạc, vẫn chưa bao giờ quên quãng đời đã trải. Bởi sâu thẳm trong tâm hồn, nỗi đau vẫn còn âm ỉ, dẫu cho từ lâu cõi lòng đã đóng lại như cái hộp thiếc đặt trái tim đỏ của Paul.

Nhân vật của cuốn tiểu thuyết là tập hợp của những mảnh vỡ, những đoạn đứt gãy bên trong của tinh thần và thể xác bị huỷ hoại. Dường như mọi nhân vật đều đứng giữa những biến động dữ dội trong tâm hồn, chao đảo giữa đường biên của cái thực và ảo, quá khứ và hiện tại, mạnh mẽ và yếu đuối, trong sáng và tội lỗi… Những vỉa tầng vô thức đôi khi xâm lấn cả ý thức của từng nhân vật, khiến họ sống trong ảo giác, hoang mang và điên rồ.

Seth và Paul D đều phải trải qua những chặng đường đau khổ để vượt thoát căn nhà nô lệ, và quan trọng hơn là để “đào thoát” khỏi quá khứ. Hành trình của Sethe từ Sweet Home đến ngôi nhà 124 hay quãng đời Paul D trước và sau khi đặt chân đến thềm nhà có người phụ nữ anh yêu thương chính là hành trình từ vườn Eden đến Apocalipse (Khải huyền), là hành trình Truy tìm Chén Thánh. Những quãng đời đầy biến động, đau thương dai dẳng của từng nhân vật: Baby Suggs, Sethe, Paul D, Sixo… , nơi họ bị bóc lột sức lực, hành hạ thể xác, phủ nhận nhân phẩm và cá tính cứ đan xen nhau nối dài bất tận. Quãng đường gian khổ để tìm đến tự do và cuộc sống thực sự của những người da đen trong lịch sử nước Mỹ được xây dựng qua chính câu chuyện tù đày, chạy trốn của Paul D và quãng đường băng rừng lội suối tìm đến ngôi nhà tự do của Sethe chính là hành trình của nhận thức khải huyền. Tất cả là sự đổ vỡ, phá tan thế giới vốn có, là chuỗi đen tối báo hiệu bình minh. Sethe đến được ngôi nhà 124, dẫu chỉ có hai mươi tám ngày hạnh phúc ngắn ngủi để rồi phải chịu đựng mười tám năm khổ đau, nhưng ngay khi chị gục ngã, cuộc đời u ám đợi ngày huỷ diệt, thì bàn tay yêu thương lại nâng chị dậy, niềm tin lại gọi về sự sống. Những đổ vỡ hôm nay chính là sự khải huyền, là kết thúc để lại mở ra những cuộc đời mới. Như Paul D, anh đã đến được ngôi nhà yêu thương, nhận ra cuộc sống thực sự bên người phụ nữ kiên cường và nhạy cảm ấy, cuộc sống sắp mở ra một trang khác. Đó chính là hành trình thụ pháp, hành trình tìm kiếm “Chén Thánh” tinh thần để thức tỉnh giá trị của mỗi cá nhân và bản sắc của cộng đồng.

Motif Truy tìm Chén Thánh được Toni Morrison khai thác dưới nhãn quan của văn hóa người da đen, trên hiện thực của người Mỹ gốc Phi đầy khốc liệt: Nhân vật “bị thương tổn” sống trong không gian huyền ảo ma ám cô độc giữa cộng đồng. Seth, và cả Baby Suggs hay Paul D, là hiện thân của Vua Đánh Cá bị vết thương tinh thần đánh gục. Ngôi nhà với hồn ma trẻ con chính là không gian “hoang phế” như vùng đất Waste land: “Đã mười hai năm không ai lai vãng đến ngôi nhà này” (Toni Morrison – Người yêu dấu). Khi cô gái trẻ Beloved xuất hiện trước ngôi nhà 124 và được tin tưởng rằng đó chính là hồn ma đứa trẻ bị giết tái sinh, Seth gần như hoàn toàn suy sụp. Chính Paul D đã thực hiện vai trò của người hiệp sĩ đã hồi sinh cho người phụ nữ. Hình ảnh anh tận tụy “rửa chân” cho Seth chính là biểu tượng của nghi thức “tẩy rửa” trong văn hóa nguyên thủy.

Nhân vật bị lãng quên, bị tổn thương một cách sâu sắc về thân phận và bản sắc. Những phương pháp “trị liệu nguyên thủy” như nhảy múa trên bãi Clearing, nghi thức “tẩy rửa”… Nhân vật phải đấu tranh với chính mình, với hồn ma tái sinh để tìm lại chính mình, vực dậy chính mình. Nhân vật đã trải qua một chặng hành trình (Seth và chặng đường tìm đến nơi tự do; Paul D và hành trình trước khi đến trước bậc thềm ngôi nhà 124…), và khi tìm được

Tài liệu tham khảo

Bùi Linh Huệ (2007), Sức sống của mô típ “Tìm kiếm Chén Thánh” trong văn học hiện đại, Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, số 3 (43)/ Năm 2007.

Leslie Marmon Silko (2002), Lễ hội mặt trời, Linh Thụy dịch, NXB Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh

Toni Morrison (2007), Người yêu dấu, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thanh Tâm dịch, NXB Văn học

Toni Morrison (), Song of Solomon,

Nguyễn Phương Khánh (2010), Nghiên cứu huyền thoại và khái niệm huyền thoại gốc (monomyth), in trong Đường biên (Nhiều tác giả), NXB Văn học.

[1] Motif về chuyến bay cũng là một ẩn dụ huyền thoại nổi bật của tiểu thuyết này. Chuyến bay và ước vọng biết bay của các nhân vật trong tác phẩm ấp ủ từ những truyền thuyết xa xưa của những người nô lệ Mỹ trong khao khát được thực hiện một chuyến bay tự do trở về với quê hương gợi nhắc huyền thoại Hy Lạp cổ về chàng Icarus trong nỗ lực bay tới mặt trời đã bị thiêu cháy đôi cánh bằng sáp tuyệt đẹp. Nó đồng thời cũng có mối liên hệ với chuyện kể dân gian Gullah về những người nô lệ đồn điền bông ở miền Nam vượt thoát bằng cách bay về châu Phi. 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây