Phát hiện lỗ thủng ozone mới ở vùng nhiệt đới lớn gấp 7 lần ở Nam Cực

Lỗ thủng trên tầng ozone mới phát hiện ở vùng nhiệt đới có diện tích gấp 7 lần lỗ thủng ozone ở châu Nam Cực.

Một nhà khoa học đã tìm thấy lỗ thủng khổng lồ này bằng cách kiểm tra dữ liệu khí hậu và nhiệt độ trong tầng ozone phía trên các vùng nhiệt đới. Ông phát hiện ra rằng lỗ thủng ozone này tồn tại quanh năm ở tầng bình lưu thấp trong khu vực nhiệt đới.

Theo nhà khoa học, lỗ thủng đã tồn tại từ những năm 1980 và nằm trên khu vực chiếm một nửa diện tích bề mặt Trái đất, nơi sinh sống của một nửa dân số toàn cầu. Nó có độ sâu tương tự như lỗ thủng tầng ozone nổi tiếng xuất hiện ở Nam Cực vào mùa xuân, nhưng diện tích lớn hơn tới khoảng 7 lần.

Qing-Bin Lu, nhà khoa học từ Đại học Waterloo ở Ontario, Canada, đã tiết lộ lỗ hổng ozone này trước sự ngạc nhiên của các nhà khoa học vì nó không hiển thị trên mô hình mà hầu hết các nhà nghiên cứu sử dụng. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí AIP Advances hôm 5.7.

Lo thung ozone phia tren chau Nam Cuc ngay 11.9.2020 - Phát hiện lỗ thủng ozone mới ở vùng nhiệt đới lớn gấp 7 lần ở Nam CựcLỗ thủng ozone phía trên châu Nam Cực ngày 11.9.2020 – Ảnh: CAMS

Lỗ thủng ozone cả mùa được định nghĩa là một khu vực mất ozone nhiều hơn 25% so với bầu khí quyển bình thường. Sự suy giảm của tầng ozone dẫn đến tăng bức xạ tia UV đến bề mặt Trái đất, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư da và đục thủy tinh thể ở người, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, giảm năng suất nông nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái và sinh vật thủy sinh nhạy cảm.

“Các vùng nhiệt đới chiếm một nửa diện tích bề mặt hành tinh và là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số thế giới. Sự tồn tại của lỗ thủng ozone nhiệt đới có thể gây ra mối quan ngại lớn trên toàn cầu”, Lu nói.

Nhà khoa học Qing-Bin Lu cho biết, phân tích sự thay đổi tầng ozone trung bình hàng năm, sự khác biệt về khí hậu và sự thay đổi nhiệt độ trong vài thập kỷ qua cho thấy phạm vi của lỗ thủng ozone “mới”. Việc phát hiện lỗ thủng ozone mới của Lu gây ngạc nhiên cho cộng đồng khoa học vì nó không được dự đoán bằng các mô hình quang hóa thông thường.

Viec phat hien lo thung ozone moi khong duoc du doan bang cac mo hinh quang hoa thong thuong min - Phát hiện lỗ thủng ozone mới ở vùng nhiệt đới lớn gấp 7 lần ở Nam Cực

Các nhà khoa học cho biết, dữ liệu của Lu phù hợp với mô hình phản ứng electron điều khiển bằng tia vũ trụ (CRE) và chỉ ra cơ chế vật lý giống hệt nhau trong hoạt động của lỗ thủng ozone ở vùng nhiệt đới và Nam Cực. Báo cáo sơ bộ cho thấy mức độ suy giảm tầng ozone ở các khu vực xích đạo đang gây nguy hiểm cho các quần thể lớn và bức xạ tia cực tím liên quan đến các khu vực này lớn hơn nhiều so với dự kiến.

Vào giữa những năm 1970, nghiên cứu khí quyển cho thấy tầng ozone, nơi hấp thụ hầu hết bức xạ tia cực tím của Mặt trời, có thể bị suy giảm do các hóa chất công nghiệp – chủ yếu là chlorofluorocarbons (CFCs). Việc phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực năm 1985 đã xác nhận sự suy giảm tầng ozone do CFC gây ra. Mặc dù lệnh cấm đối với các hóa chất như vậy đã giúp làm chậm quá trình này, nhưng bằng chứng cho thấy sự suy giảm tầng ozone vẫn tiếp tục gia tăng.

Lu cho biết các lỗ thủng ozone vùng cực và nhiệt đới đóng vai trò chính trong việc làm mát và điều chỉnh nhiệt độ của tầng bình lưu, phản ánh sự hình thành của các “lỗ nhiệt độ” trong tầng bình lưu toàn cầu. Phát hiện này có thể rất quan trọng trong việc giúp con người hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Khám phá hiện tại kêu gọi các nghiên cứu cẩn thận hơn về sự suy giảm tầng ozone, sự thay đổi bức xạ tia cực tím, gia tăng nguy cơ ung thư và các tác động tiêu cực khác đối với sức khỏe và hệ sinh thái ở các vùng nhiệt đới”, Lu nói thêm.

Long Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây