Phát hiện rừng cỏ biển lớn nhất thế giới

Phát hiện rừng cỏ biển lớn nhất thế giới
Trong một nghiên cứu công bố vào ngày 1/11, các nhà khoa học ghi nhận rừng cỏ biển ở Bahamas lớn nhất thế giới. Ảnh: Tswinner/Getty.

Các nhà khoa học tìm thấy một rừng cỏ biển rộng hơn 66.000 km2 ở Bahamas, giúp tăng đáng kể số lượng cỏ biển được dự đoán tồn tại trên Trái Đất.

Cỏ biển bao gồm hàng chục loài thực vật có hoa sống hoàn toàn dưới nước, tạo ra năng lượng thông qua quá trình quang hợp bằng cách hấp thụ ánh sáng mặt trời. Giống như họ hàng trên mặt đất, cỏ biển có rễ, lá và có thể tạo ra hạt.

Cỏ biển mọc ở các vùng nước mặn ven biển trên thế giới, thường tập trung ở các vùng nước nông, nơi có nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Chúng có thể tạo thành thảm cỏ rộng lớn với kích thước hàng nghìn mét vuông.

Vì cỏ biển thực hiện quá trình quang hợp nên chúng lưu trữ khí gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide rất hiệu quả. Điều này là do quá trình quang hợp đòi hỏi thực vật sử dụng ánh sáng mặt trời để chuyển hóa carbon dioxide thành oxygen.

Những thực vật dưới nước này đóng vai trò quan trọng trong việc cô lập carbon. Nhờ đó, carbon được lưu trữ trong môi trường thay vì trôi nổi tự do trong khí quyển và có thể góp phần gây ấm lên toàn cầu.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học mô tả hệ sinh thái cỏ biển ở Bahamas thuộc hàng lớn nhất trên thế giới.

Austin Gallagher, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn đại dương Beneath the Waves cho biết, ước tính rừng cỏ biển có diện tích ít nhất 66.045 km 2 .

Gallagher cho biết, hệ sinh thái này có khả năng là bể chứa carbon (carbon được hấp thụ và lưu trữ bởi hệ sinh thái biển) quan trọng nhất hành tinh.

“Carbon xâm nhập vào đại dương thông qua tương tác tự nhiên giữa không khí và mặt biển trong chu kỳ carbon. Cỏ biển hấp thụ lượng carbon này thông qua quá trình quang hợp. Cỏ biển vận chuyển carbon qua các mô, chôn vùi và lưu trữ trong hệ thống rễ, tạo thành bể chứa carbon. Lượng carbon này được lưu trữ vô thời hạn”, Gallagher nói.

Mục đích của nghiên cứu của Gallagher và các đồng nghiệp là lập bản đồ cỏ biển ở Bahamas, sử dụng dữ liệu từ 15 con cá mập hổ được trang bị các thiết bị theo dõi giúp chụp ảnh đáy biển. Thông tin sau đó sẽ được kết hợp với các báo cáo từ 2.500 cuộc khảo sát của thợ lặn.

Mark Huxham, Giáo sư giảng dạy và nghiên cứu về sinh học môi trường tại Đại học Edinburgh Napier (Anh) cho biết: “Chúng tôi biết cỏ biển rất quan trọng đối với đại dương và hành tinh, nhưng vẫn còn nhiều thông tin về loại thực vật này chúng tôi chưa hiểu hết. Đây là một nghiên cứu tuyệt vời giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi đơn giản như cỏ biển là gì hay có bao nhiêu cỏ biển trên trái đất”.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây