Quản lý, bảo vệ biển quốc gia qua lăng kính pháp lý – Bài 1

Quản lý, bảo vệ biển quốc gia qua lăng kính pháp lý - Bài 1
Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 tại Hà Nội, tháng 11-2021. Ảnh: TRUNG ĐỖ

Năm nay tròn 10 năm Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam và 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được thông qua. Loạt bài 3 kỳ này sẽ làm sáng tỏ giá trị và việc vận dụng hai văn bản pháp lý quan trọng này vào công tác phân định, quản lý, bảo vệ biển của Việt Nam cũng như giải quyết các thách thức nổi lên trên biển…

Cần cái nhìn đúng về bản “Hiến chương xanh”

UNCLOS được ví như một bản “Hiến chương xanh” của nhân loại trong các vấn đề liên quan tới biển và đại dương, song việc giải thích và áp dụng UNCLOS cần bảo đảm tính đúng đắn, khoa học và khách quan mới có thể phát huy vai trò và giá trị của công ước này. Đó cũng là điều mà Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nhấn mạnh trong buổi trò chuyện.

Văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp

Ngày 30-4-1982, Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua một công ước mới, gọi là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ngày 23-6-1994, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của UNCLOS.

Là người nhiều năm nghiên cứu về các vấn đề biên giới và các văn bản pháp lý liên quan tới biên giới, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết UNCLOS được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói”, bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới.

Trong đó, quan trọng nhất là thống nhất phương pháp xác định phạm vi không gian của các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển. Công ước cũng quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia, dù có biển và không có biển, phát triển hay đang phát triển, trên nhiều lĩnh vực như an ninh, bảo vệ môi trường, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học và công nghệ… trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Như những gì được nêu ra trong UNCLOS, biển và đại dương được phân chia thành 3 loại với các quy chế pháp lý ở những mức độ khác nhau. Thứ nhất, các vùng biển là bộ phận lãnh thổ của quốc gia ven biển mà ở đó quốc gia ven biển hoàn toàn có chủ quyền như nội thủy hay lãnh hải. Thứ hai, các vùng biển không phải là bộ phận của lãnh thổ của quốc gia ven biển, chỉ thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển như vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thứ ba, vùng biển không thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có biển và quốc gia sử dụng biển như biển quốc tế.

Đáng chú ý, các quốc gia ven biển kế cận hay đối diện nhau mà khoảng cách có cự ly thấp hơn so với chiều rộng của các vùng biển và thềm lục địa, khi được các quốc gia này xác lập theo quy định của UNCLOS, đã tạo ra vùng chồng lấn cần được đàm phán để hoạch định theo nguyên tắc công bằng.

Để xác định phạm vi các vùng biển nói trên, UNCLOS quy định những tiêu chuẩn mà các quốc gia ven biển cần vận dụng để hoạch định một cách cụ thể, rõ ràng, theo nguyên tắc “Đất thống trị biển”. Đơn cử, trong Biển Đông có 3 loại thực thể địa lý có hiệu lực trong việc xác định phạm vi các vùng biển nói trên, đó là “Quốc gia ven biển”, “Quốc gia quần đảo” và “các thực thể địa lý ở giữa biển”.

Công ước quy định việc xác lập vùng biển và thềm lục địa của các thực thể địa lý này, với những tiêu chuẩn khá cụ thể. Căn cứ vào vị trí và cấu trúc của những loại thực thể địa lý đó, các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo và quốc gia có chủ quyền đối với các thực thể địa lý ở giữa biển có quyền thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (gọi là đường cơ sở), là căn cứ để xác định chiều rộng và giới hạn phạm vi của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Một điều khác cần lưu ý, đó là: Ngoài phạm vi lãnh hải tối đa 12 hải lý xung quanh các thực thể địa lý của các quần đảo và ngoài phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo, được xác định theo quy định của UNCLOS, còn có phạm vi Biển cả (High sea) và Vùng (Zone), là “di sản chung của nhân loại” thuộc quyền và lợi ích chính đáng của tất cả mọi quốc gia dù có biển hay không có biển.

UNCLOS không phải là “cây đũa thần”

Với những quy định nói trên, UNCLOS được coi là văn kiện pháp lý quan trọng mang tính toàn cầu, đáp ứng sự mong mỏi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả vấn đề về biển và đại dương. Vậy liệu công ước này có đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết các vấn đề nổi lên trên biển, chẳng hạn như vấn đề bất đồng và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông?

Trả lời câu hỏi đó, Tiến sĩ Trần Công Trục nói rằng, mặc dù UNCLOS có những quy định khá cụ thể và rõ ràng, nhưng vấn đề phức tạp, đáng quan ngại hiện nay chính là tình trạng bất đồng, tranh chấp vẫn đang diễn ra trên các vùng biển và đại dương, trong đó có khu vực Biển Đông. Tình trạng này sở dĩ còn tồn tại do nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ tham vọng bá chủ trên biển của một số quốc gia. Cùng với đó là do một số quy định của UNCLOS vẫn mang tính nguyên tắc, chung chung.

Hiện nay, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, trên thực tế, một số quốc gia ven biển đã giải thích và áp dụng UNCLOS khác nhau. Ngoài ra, có nước còn cố tình giải thích và áp dụng sai hoặc hoàn toàn trái ngược để đưa ra các yêu sách, quyết định, phương thức hành xử phi lý, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, thậm chí gây tác động tiêu cực đến hiệu lực pháp lý của Công ước này.

Như phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục, hiện ở Biển Đông có hai loại tranh chấp chủ yếu là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển, thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của UNCLOS để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình đã tạo ra những vùng chồng lấn. Hai loại tranh chấp này hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân… Đó là chưa kể các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết các tranh chấp đó cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng lại có mối quan hệ với nhau vì tồn tại trong cùng một phạm vi địa lý và tác động qua lại của chúng, nhất là trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa.

Do đó, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh cần làm rõ vấn đề trên một cách tách biệt. Đầu tiên, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng SaTrường Sa thực chất là tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng một phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong khi đó, tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa chính trị, địa kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi UNCLOS ra đời. Kết quả là, trên thế giới có hơn 400 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, và tại một số khu vực biển, vấn đề hoạch định ranh giới vẫn đang trong quá trình đàm phán hay vẫn còn để ngỏ.

“Nói vậy để thấy, UNCLOS chỉ đóng vai trò căn cứ pháp lý nhằm giải quyết mọi tranh chấp về biển, trong đó có tranh chấp do việc giải thích và áp dụng công ước này không đúng hoàn toàn hay từng phần. Chẳng hạn việc vạch ra hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa, đường cơ sở của các hải đảo, quần đảo xa bờ… là nội dung thường có sự khác nhau nên đã tạo ra những vùng chồng lấn to nhỏ khác nhau, cần được các bên tiến hành hoạch định theo những nguyên tắc nhất định, tùy theo chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa do UNCLOS quy định”, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh.

Cũng chính vì thế, UNCLOS không phải lúc nào cũng là “cây đũa thần” có thể giải quyết được hết mọi tranh chấp trên biển như một số người vẫn nhầm lẫn.

Tuy nhiên, các hải đảo, quần đảo là những thành phần tồn tại giữa các vùng biển, có mối quan hệ đương nhiên với không gian biển, thềm lục địa, không những về vị trí địa lý mà còn về khía cạnh pháp lý. Từ đó, UNCLOS có những điều khoản quy định cụ thể thế nào là đảo, đá, bãi cạn, quần đảo, quốc gia quần đảo và hiệu lực của chúng trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa có liên quan. Những khái niệm này được quy định rất rõ ràng và cụ thể, không ai có quyền hiểu sai hay có quyền đánh tráo chúng nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.

(còn nữa)

VŨ HÙNG – VĂN HIẾU (ghi)


Quản lý, bảo vệ biển quốc gia qua lăng kính pháp lý – Bài 1

Quản lý, bảo vệ biển quốc gia qua lăng kính pháp lý – Bài 2

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây