QUAN NIỆM VỀ LỊCH SỬ
TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)
Trải qua các triều đại, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, các học giả đã nhiều lần trình bày có hệ thống và có bề sâu từng phần nhân đạo quan Nho giáo. Nơi này nơi nọ, một số không ít học giả trình bày thiên đạo quan tuy không sâu bằng và không hệ thống lắm. Song, nhà Nho Việt Nam cũng như nhà Nho Trung Quốc, dù đã ghi chép, bình luận, học tập rất nhiều về lịch sử, đặc biệt là lịch sử chính trị, nhằm rút từ đó những nguyên lý chỉ đạo sự hành động của nhà vua, quan lại và thường dân, thực ra không thấy một ai đã trình bày được một lịch sử quan có đầu đuôi.
Như vậy có phải là Nho giáo không có lịch sử quan chăng? Không phải như thế. Nho giáo có cả một hệ thống tư tưởng về trị đạo liên quan đến lịch sử. Không một nhà Nho nào không thuộc hàng tá sách sử. Nhiều nhà nho viết sử. Hồi trước, đi học gọi là “nấu sử, sôi kinh”. Không thuộc kinh, sử, sao gọi là Nho? Theo lời của Khổng Tử: đạo người, cái mau thành hiệu nhất là chính trị. Lễ ký có câu: đạo người, chính trị là lớn. Đối với nhà Nho, sở dĩ phải thành ý, chính tâm, tu thân là để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nho mà yếm thế, mà tránh bụi đời, thì không phải là chân Nho. Bởi nhằm vào chính trị, vào sự tham chính, cho nên Nho giáo và nhà Nho chú ý đặc biệt đến lịch sử. Lịch sử được nhà Nho đánh giá là kho kinh nghiệm chính trị. Lịch sử lại là nguồn điển tích cần thiết cho nhà Nho khi họ làm thơ, khi họ viết sớ, tấu, điều trần. Ông thầy lớn nhất của Nho giáo là người viết kinh Xuân Thu nổi tiếng, một bộ sử. Một bậc á thánh Nho giáo cũng được xem là tôn sư, Chu Tử, là tác giả bộ Cương mục đã từng làm mẫu về phương pháp và về tư tưởng cho các nhà Nho làm sử tại triều đình Nguyễn. Như vậy, Nho giáo Trung Quốc và Việt-nam sao khỏi đã bằng cách này hay cách khác nêu lên phương pháp viết sử của mình, không khỏi hoặc vô tình hoặc cố ý, hoặc hết sức rời rạc hoặc ít nhiều có hệ thống, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, nêu lên quan niệm của mình về lẽ biến hóa của lịch sử xã hội. Họ không thể không có một lịch sử quan. Nếu họ chưa tổng kết thành nguyên lý, góp hợp thành hệ thống, thì ta có thể ra sức thử “làm thay” cho họ vậy. Ở đây, “làm thay” không phải là có tội “giành phần” hay “bao biện”!
So với Lý, Trần, Lê, thì Nguyễn là một triều đại ngắn thôi. Nó thống trị chỉ có 80 năm. Thế nhưng nó thừa hưởng 900 năm văn hóa của một nước tự chủ, độc lập, thừa hưởng nhiều công trình lịch sử của các thế kỷ và triều đại trước để lại. Nhằm đề cao sự nghiệp của nó, triều Nguyễn đã bền bỉ soạn toàn bộ lịch sử Việt Nam: bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục có giá trị khách quan đáng kể, Ngoài ra còn có những bộ Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam hội điển sư lệ, Tiễn binh lưỡng kỳ phỉ khấu… Đó là một kho tư liệu quan trọng đã được sắp xếp phần nào, tất nhiên được lựa chọn và phẩm bình theo quan niệm về lịch sử của triều Nguyễn nói riêng, của Nho giáo nói chung. Ấy là chưa kể những sách sử do tư nhân viết như Hoàng Lê nhất thống chí của nhà họ Ngô, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái… Cũng chưa kể những sách luận về sử, quốc sử hoặc Bắc sử, những sách lịch sử từng tỉnh khá nhiều, trong số đó có quyển Nghệ An chí của Bùi Dương Lịch là tác phẩm tiêu biểu có giá trị chẳng những về tư liệu mà cả về tư tưởng nữa.
Sách sử viết hồi thế kỷ 19 nhiều như vậy, cho nên, ai ra công tìm tòi chắc sẽ thấy được quan niệm về lịch sử của triều đình và các nhà Nho thời Nguyễn, có thể biết được tư tưởng của các nhà viết sử lúc đó, còn phương pháp viết sử cụ thể của họ thì chính họ đã có dịp nêu lên rồi.
Trần Văn Giàu. “Nho giáo ở Việt Nam” trong Triết học và tư tưởng. Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 1998.