Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt – Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

RƯỢU TRONG ĐỜI SỐNG VÀ VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Phan Thanh Đà Hải

Rượu được chưng cất từ ngũ cốc lên men được làm một cách thủ công trong dân gian, rất thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam, là thức uống có chức năng đặc biệt trong nghi lễ, hội hè, tiệc tùng, giao tiếp xã hội…

Rượu chảy dài trong dòng lịch sử

Theo sử sách ghi lại, rượu xuất hiện ở Việt Nam từ buổi bình minh của đất nước. Sách Lĩnh Nam chích quái viết: “Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm gạo làm rượu …”. Sách Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm có chép bài sớ của một sứ thần nhà Tống nói về Lê Hoàn: “Hoàn thường mặc áo vải lụa… tự hát mời rượu…”. Như vậy, qua mấy chục thế kỷ, rượu đã được ưa dùng.

Có sách thuật lại truyện vua Lý Thái Tổ đi tuần, đến nơi thấy sông núi tươi đẹp, cảm xúc, liền lấy rượu khấn rằng: “Nơi này cảnh đẹp, nếu có thần linh hạo khí thì xin nhận rượu của trẫm”. Quả nhiên đêm ấy, vua nằm mộng thấy vị thần xưng là Lý Phục Man… Như vậy, cha ông ta đã biết chế tác rượu, chủ yếu dùng vào việc tế lễ trời đất, tổ tiên và các nghi lễ quan trọng khác.

H2 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiRượu được giao tiếp thường ngày, phổ biến trong đời sống người Việt (ảnh Internet)

Theo dòng lịch sử, rượu ngon nổi tiếng của ta là rượu Làng Vân (Bắc Giang), Nguyên Xá (Thái Bình), Trương Xá (Hưng Yên), Nga Mi (Hà Tây), Quảng Xá (Thanh Hóa), Bắc Hà (Lào Cai), Kim Long (Quảng Trị), Bàu Đá (Bình Định), Phụng Hiệp (Cần Thơ), Phú Lễ (Bến Tre), Gò Đen (Long An), Củ Chi Hóc Môn (Sài Gòn – Gia Định)… Theo Đại Nam nhất thống chí, rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết.

Hiện nay, Việt Nam có bốn loại rượu ngon nổi tiếng là rượu Làng Vân xứ Bắc, rượu Kim Long ở Quảng Trị, rượu Bàu Đá Bình Định và rượu đế Gò Đen Long An.

Ngoài rượu trắng, ở Cao nguyên Trung phần có rượu cần, ở miền Nam có rượu nếp thanở Tây Bắc có rượu nếp nươngCác rượu này có nồng độ nhẹ hơn rượu trắng. Ngoài ra, ở Quảng Nam có rượu Tà Vạt làm từ nước rỉ ra từ quả cây Tà Vạt. Rượu Tà Vạt còn là loại rượu phổ biến của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Trong miền Nam, rượu đế cũng được dùng ngâm với các loại thuốc Bắc, thuốc Nam; các trái cây như sơ-ri, đào, chuối; và các động vật như rắn, tắc kè, bìm bịp, hổ cốt, cá ngựa. Rượu rắn Phụng Hiệp ở Cần Thơ có tiếng là ngon từ năm 1960 tới nay vẫn còn.

H3 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiRượu Sâm (ảnh ĐH)

Từ xưa, hầu hết các nơi trên đất nước Việt Nam ta đều biết nấu rượu để uống, không có rượu nhập cảng xuất cảng bao giờ.

Triều Lê và trở về trước, dân chúng được tự do nấu rượu uống và bán.

Đầu Triều Nguyễn, rượu là thức uống không thể thiếu trong các cuộc tế lễ, yến tiệc, đám cưới…

Theo sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, rượu dùng để cúng Trời, Đất, thần linh trong lễ tế Nam Giao được nấu bằng gạo nếp, do phủ Nội vụ tuyển chọn. Trước ngày chánh tế, rượu được đựng trong 14 chiếc nậm, niêm phong cẩn mật, để vào long đình đặt ở gian chính giữa Thần khố và được canh gác cẩn mật. Ðến giờ Tí ngày tế, thị vệ bộ Lễ đưa long đình đến giao cho các vị quan dòng Tôn thất dâng tế ở đàn Nam Giao. Còn rượu dùng trong các dịp tế hưởng ở các miếu và ở đàn Tiên Nông, trong các dịp lễ Vạn Thọ (mừng sinh nhật vua), Thánh Thọ (mừng sinh nhật hoàng thái hậu) là rượu nếp do dân các làng nghề nấu rượu ở phủ Thừa Thiên dâng lên. Rượu dùng trong các cuộc ban yến cho đình thần, cho các tân khoa trạng nguyên hay trong những dịp khoản đãi sứ thần nước ngoài, là loại rượu nấu bằng gạo tám do dân ở các làng nghề nấu rượu ở Thừa Thiên dâng nộp cho triều đình.

H4 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiRượu vùng cao Tây Bắc (ảnh ĐH)

Ngoài ra, mỗi khi hoàng tử lấy vợ hay công chúa lấy chồng, nhà vua đều ban cho 2 hũ rượu nấu bằng gạo tám cùng nhiều đồ sính lễ khác. Sau lễ cưới tân lang và tân nương sẽ cùng uống rượu này trước giờ hợp cẩn.

Đặc biệt, có một loại rượu xuất phát từ hoàng cung Huế và đến bây giờ nổi tiếng khắp nước ta là Minh Mạng đế tửu.

Rượu ngon thì đồ uống rượu phải cầu kỳ, sang trọng mới tương xứng. Vì thế, những bình, nậm, tước… uống rượu của vua quan triều Nguyễn rất phong phú về loại hình, kiểu dáng và chất liệu.

H5 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiRượu cần Tây Nguyên (ảnh ĐH)

Khi người Pháp mới đến Việt Nam, họ cấp phép cho dân nấu rượu cổ truyền, khuyến khích người Việt uống rượu để thu thuế. Đến khi các nhà máy sản xuất rượu ra đời, Pháp ra lịnh cấm dân nấu rượu, ngừng cấp giấy phép nấu rượu gia đình, thành lập tổ chức gọi là “Tào cáo”, một loại thanh tra thuế, chuyên đi bắt phạt dân nấu rượu.

Nhà có môn bài bán rượu của Công ty rượu Đông Dương (Société françaises des Distilleries de l’Indochine) treo bảng trước cửa có hai chữ “RA” (Régie d’Acool – Rượu ty). Rượu của Công ty rượu Đông Dương, dân mình gọi là rượu Phôngten, bởi công ty do A.Fontaine thành lập năm 1901, rượu này nấu bằng gạo bắp lạt hơn rượu ta, nhưng giá cao hơn rượu ta.

Trong Bản án chế độ thực dân, Nguyễn Ái Quốc vạch rõ: “Nhà nước bảo hộ định mức mỗi đầu người là 7 lít rượu ty một năm; trẻ em còn bồng bế chưa uống được thì cha mẹ phải uống thay”. Định mức tiêu thụ này phân bổ xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống tổng, xuống xã. Ở một ngàn làng, có hơn 1.500 đại lý rượu “bài nhì”, “bài ba” trong khi chỉ có 10 trường học chưa hết cấp 1. Xã nào bán không đủ và vượt định suất rượu ty, tức là có chứa rượu lậu, lý trưởng, chánh tổng bị quở phạt, tri huyện lâu lên chức thậm chí bị trừng phạt.

Từ khi bia nhập và sản xuất tại nước ta, rượu không được ưa chuộng bằng bia; nhưng rượu không thể thiếu trong việc lễ Tết, hội hè, cúng tế, cưới hỏi, kỵ giỗ… và những sự việc mang tính lễ nghi.

Thực tế, ngày nay số người chết vì tai nạn giao thông do rượu bia ngày càng gia tăng, nên nước ta khuyến cáo: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã bắt đầu có hiệu lực. Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

H6 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Đã Uống rượu bia thì đừng lái xe (ảnh Internet)

Rượu trong thơ ca Việt Nam

Ngày xưa, rượu trước tiên dùng trong lễ nghi: “Vô tửu bất thành lễ”. Trong đời thường, rượu trong tiệc tùng, ăn uống, bạn bè gọi là nhậu.

Ngày xưa các nhà Nho mời rượu nhau gọi là “Chén tạc, chén thù”. Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Trong các cuộc vui có uống rượu, người xưa thường đọc thơ, bình thơ, nên có chữ “bầu rượu, túi thơ”:

“Túi thơ, bầu rượu quản xình xoàng
Khỏe dụng đầm hâm mấy dặm đường”
(Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi)

hoặc: “Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu”
(Chí làm trai, Nguyễn Công Trứ)

“Hẹn với lợi danh ba chén rượu
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ”
(Thoát vòng danh lợi, Nguyễn Công Trứ)

“Đua chi chén rượu câu thơ
Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao”
(Gia Huấn ca, Nguyễn Trãi)

“Rượu có mùi thơm nên uống mãi,
Thơ là thuốc bổ cứ ngâm hoài”
(Thơ của Ưng Bình Thúc Gia Thị)

v.v…

H7 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiRượu luôn có trong lễ cúng Giao thừa (ảnh ĐH)

Thành ngữ Cầm, kỳ, thi, tửu diễn tả lối sống tao nhã của nhà nho thời phong kiến. Họ lấy nghệ thuật và hương vị men cay (đánh đàn, chơi cờ, làm thơ, uống rượu) làm tiêu chí sống:

“Cầm, kỳ, thi, tửu,
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay.
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà”
(Cầm kỳ thi tửu, Nguyễn Công Trứ)

Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm tiêu diêu trong cảnh thanh nhàn, đã hạ bút bài Nhắp rượu:

“Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”

Người xưa thường uống rượu, thưởng trăng như trong thơ Nguyễn Trãi: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén” hoặc: “Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền” (Trăng chiếu đầy sông Bình Than, rượu chở đầy thuyền)

H8 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiRượu không thể thiếu trong lễ nghi cúng xóm làng của người Kinh (ảnh ĐH)

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến với bao tâm trạng khi phải cáo quan về quê nhà sống cuộc đời thanh đạm, cũng mượn rượu để giải khuây đầy vơi tâm sự:

“Trổ tài muốn học ông say,
Thì ba trăm chén dốc ngay cạn bầu”

Chén rượu của các cụ, các văn sĩ đâu phải chỉ là chén rượu bình thường. Có nhiều loại rượu:

Rượu uống chơi ở nhà thì Gật gù tay đũa tay chén
Rượu ngẫu hứng lúc tuổi già thì Trong ly rượu thọ ánh xuân tươi
Rượu tiễn biệt thì Tiễn đưa một chén quan hà
Rượu đi xa về thì Tẩy trần vui chén thong dong
Rượu ngao du nước non thì Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Rượu ước hẹn thì Chén son nguyện với trăng già
Rượu buồn nơi lữ thứ thì Mượn chén giải u tình
Rượu bằng hữu thì Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân
Rượu chiến đấu thì Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí
Rượu tế tướng sĩ vong trận thì Nhớ khi chén rượu rót đầu gềnh

H9 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Rượu không thể thiếu trong lễ nghi cúng tế của đồng bào dân tộc thiểu số (ảnh ĐH)

Lễ Tết, cúng tế, cưới hỏi đều có rượu. Cúng gia tiên, cúng thần thánh không có rượu không thành lễ (vô tửu đất thành lễ); họp bạn vui chơi phải có rượu, cho nên gọi là đánh chén; tiệc thọ, tiệc cưới mời họ hàng bạn bè đến dự thì nói là mời đến xơi chén rượu nhạt, không ai nói mời đến ăn.

Có lẽ khắp thế giới không đâu rượu được ca tụng bằng Việt Nam, người uống thưởng thức danh xưng đã đành, mấy bà nội trợ vốn dĩ không biết mùi rượu cũng phụ họa câu ca:

“Lấy chồng trà rượu là tiên,
Lấy chồng cờ bạc là duyên nợ nần”

Tết không thể thiếu rượu. Chỉ cần có rượu cùng một vài vật cúng theo phong tục truyền thống thì đã là cái Tết “thừa xuân” như lời thi sĩ Tú Xương:

“Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết

Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân”

Trong đám cưới, đám hỏi, luôn luôn có một chiếc bình nhỏ và hai chiếc chung nhỏ, gọi là mâm trầu rượu. Cùng với cau trầu, rượu là lễ vật bắt buộc. Có bài ca dao:

“Anh có thương em thì lo một buồng cau cho tốt, một hũ rượu cho đầy
Đặt lên bàn thượng, hạ xuống bàn xây
Chàng đứng đó, thiếp đứng đây
Lẽ mô thầy với mẹ lại không kết nghĩa sum vầy cho con?” 

Trước khi về nhà chồng, con gái phải mời rượu cha mẹ:

“Rượu lưu ly chân quỳ tay rót
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh” 

H10 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiRượu cùng với Trầu cau không thể thiếu trong đám cưới người Việt (ảnh Đinh Lơ)

Người Việt Nam có tính hiếu khách. Mỗi khi có khách ở xa đến chơi chủ nhà làm một mâm rượu để đãi khách:

“Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa”

Rượu cũng là mở đầu câu chuyện của những người mới quen nhau:

“Xưa kia ai biết ai đâu
Vì chung chén rượu mở đầu làm quen”

Rượu là hơi men làm cho tình bằng hữu thêm thắm thiết:

“Cùng nhau kết bạn đồng tâm,
Khi cờ, khi rượu, khi cầm, khi thi”
(Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu)

Nếu nói về “văn hóa rượu” thì Bác Hồ là người văn hóa nhất. Là người biết uống rượu, nhưng Bác chỉ dùng rượu làm phương tiện giao tiếp cho câu chuyện thêm nồng ấm, đậm đà. Trong bài thơ tặng đồng chí Trần Canh tại Việt Bắc (năm 1950), Bác chúc vui đồng chí tướng quân say rượu nhưng là cái say sau khi “chẳng cho tên địch nào thoát”. Khi tuổi cao, phải kiêng, không được thưởng thức ngoài đời, Bác “uống” trong thơ: “Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt/ Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần” (Nhị vật).

Nói về tác dụng của rượu, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng đã dạy rằng: “Bán dạ tam bôi tửu

Bình minh nhất trản trà
Nhật nhật ư như thử
Lương y bất đáo gia”
(Tạm dịch: Buổi tối uống ba chén rượu/Sáng ra uống ấm trà/Ngày nào cũng như vậy/Thầy thuốc khỏi đến nhà)

Tuy nhiên, không thể không nói đến mặt trái của việc uống rượu. Một khi con người lạm dụng rượu thì rượu sẽ gây ra tác hại khôn lường, trước hết là làm hại sức khỏe và làm mất tư cách con người khi say rượu, ca dao Việt Nam có câu:

“Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly trút cạn lòng sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly ngầu ngầu mắt đỏ
Năm ly nói xỏ, nói xiên
Sáu ly tụt quần kê háng
Bảy ly nói khóc, lẫn cười
Tám ly ngồi đâu gục đó
Chín ly cho chó ăn chè
Mười ly vợ đè cạo gió…”

Say rượu thường dẫn đến gây gổ, ẩu đả, làm mất trật tự và an ninh xã hội, nên ca dao Việt Nam có câu:

“Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ thằng say rượu nói dai cả ngày”

Uống rượu nhiều là một sự lãng phí, bỏ bê công ăn việc làm, ca dao Việt Nam có câu:

“Ai ơi uống rượu thì say
Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo”

Nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế:

“Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”

hay: “Lên cao mới biết núi cao
Uống rượu mới biết rất hao túi tiền”

Đúc kết về rượu, Nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết: Tôi cứ nghĩ có hai thứ lửa trên đời. Một thứ lửa của mặt trời là do đất trời thiên nhiên tạo ra cho muôn loài. Một thứ lửa của rượu là do con người tạo ra cho lòng mình. Lửa của mặt trời là lửa. Lửa của rượu là nước. Nhân loại có một thứ ngôn ngữ chung là rượu dù tên gọi của nó ở mỗi quốc gia dân tộc có khác nhau. Khi vui uống rượu mừng vui. Khi buồn uống rượu chia buồn. Lúc đám đông rượu để hòa đồng. Lúc cô đơn rượu để một mình. Rượu đem lại trạng thái say. Cái say nguyên thủy là say rượu, từ đó mới ra các thứ say khác: say người, say tình, say tài… Đây là nói cái say theo nghĩa đẹp, hoặc là nói say dưới góc độ mỹ học. Cái say viết hoa – SAY. Có ai trong đời không một lần say một cái gì không? Nếu có một người như thế thì người đó thật là bất hạnh, bất hạnh cho chính mình và bất hạnh cho đồng loại. Say là cảm giác tuyệt đỉnh, tột cùng. Trong say cảm xúc lên đến đỉnh chon von, châng lâng. Người uống rượu chân chính, đích thực không phải uống để say mà uống để SAY. Ai uống để say để quậy không phải là người uống rượu nữa mà là rượu uống người. Trong tất cả các nền văn hóa, có hơn một kiểu đồ uống mang chất rượu được dùng, các đồ uống được phân loại theo ý nghĩa xã hội của chúng, việc phân loại đồ uống được dùng để xác định thế giới xã hội. Rất ít, nếu không nói là tuyệt đối không có, thứ đồ uống “trung lập về mặt xã hội”. Mọi thứ đồ uống đều mang theo một ý nghĩa tượng trưng, mọi thứ đồ uống đều chuyên chở một thông điệp. Rượu là một phương tiện mang tính tượng trưng để nhận diện, miêu tả, cấu trúc và vận hành các hệ thống văn hóa, các giá trị, các quan hệ liên cá nhân, các chuẩn mực hành vi và các dự tính. Rượu có men, mỗi thứ rượu có một chất men riêng, người uống rượu ngấm men, bốc men, và rượu thì ai cũng uống được dù ít dù nhiều, nhưng uống rượu để men rượu ngấm vào lòng biến thành cái SAY tinh thần, cảm xúc thì chỉ ít người uống được. Lý Bạch nói: “Cổ kim thánh hiền giai tịch mịch. Duy hữu ẩm tửu lưu kỳ danh”, nhưng “kỳ danh” của những ẩm tửu gia lưu lại nhiều nhất là các thi nhân, như chính ông. Vì sao vậy? Vì rượu đã dẫn men nhập hồn thơ thi nhân làm bốc lên ngọn lửa của ý tình, cảm xúc, vần điệu khiến những câu thơ vụt ra đầu ngọn bút như cũng có men nồng gây say cho người đọc. Và chính cái SAY đó đã đưa chân Lý Bạch lội xuống hồ tìm vớt trăng lên. Có ai SAY được như ông Lý thế không.

Rượu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

H11 min - Rượu trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Bức tranh “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh” vẽ trong truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du thì có cả một thế giới rượu, nào là “chén xuân”, “chén hà”, “chén đồng”, “chén mồi”, “chén mừng”, “chén quan hà”, “chén quỳnh”, “chén thề”, “chén vàng”, “chén cúc dở say”, “chén đầy”, “chén vơi”, “chén xuân tàng tàng”…  Rượu trong Truyện Kiều như chất keo gắn nối và gắn kết các nhân vật, cũng là sự thể hiện con người và các mối quan hệ của nhân vật.

Nhân vật Thúy Kiều chịu cảnh thân lươn bao quản lấm đầu trong kiếp hồng nhan mong manh thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. Thế nhưng, đời nàng cũng có lúc nồng ấm với men tình, men rượu, có lúc đắng cay tủi nhục với những cơn say túy lúy.

Lần đầu tiên, rượu đến với Kiều như men tình hạnh phúc cùng chàng Kim Trọng:

“Thêm nến giá, nối hương bình,
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan”

Chén quỳnh chứng cho lời minh sơn thệ hải. Nhưng bể dâu biến đổi, Kiều phải thăng trầm trong bước đường lưu lạc. Kiều rơi vào lầu xanh của mụ Tú Bà, chấp nhận cái cảnh “Biết bao bướm lả ong lơi/ Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm” cho đến:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”

Truyện Kiều từ trước tới nay vẫn được coi là một tác phẩm văn học cổ điển ưu tú trong lịch sử văn học nước ta, được phổ biến rất rộng rãi trong nhân dân. Dưới rất nhiều hình thức, như: lẩy Kiều, tập Kiều, bói Kiều, đố Kiều… Gần 200 năm từ khi Truyện Kiều ra đời tới nay, nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để bàn tới nó.

Cứ như cụ Nguyễn Du miêu tả, thì Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, có thể làm xiêu thành đổ quách; nhưng dường như trong số kiếp đã ẩn sẵn “một thiên bạc mệnh”. Chính vì vậy, khi tình yêu giữa nàng và chàng Kim mới vừa chớm nở, họ đã lập tức thành tâm giao tâm đắc, tri kỷ tri âm, cùng vịnh thơ với nhau, nâng bầu mời rượu với nhau. Ưu ái cho tình yêu của đôi trai tài gái sắc, chỉ trong một ngày, Nguyễn Du đã phóng tay, để cho họ được tới hai lần uống rượu với nhau.

Lần thứ nhất vào ban ngày. Nhân cha mẹ và hai em về dự sinh nhật bên ngoại, Thúy Kiều đã tìm đến tận thư phòng của Kim Trọng để tình tự. Rồi hai người chuốc rượu mời nhau. Xét theo quan điểm “nam nữ thụ thụ bất thân”, việc chỉ có hai người với nhau trong thư phòng vắng vẻ, đã là một điều cấm kỵ; đằng này, cụ Nguyễn còn giải phóng cho họ nâng ly mời nhau, thì… cụ Nguyễn Du quả là người đi tiên phong đầu tiên trong lĩnh vực giải phóng phụ nữ.

Phải chăng đây là lần đầu Kiều uống rượu:

“Đủ điều trung khúc ân cần,

Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng”

Uống như vậy gọi là uống rượu tình trong buổi đầu bày tỏ. Chỉ có hai người thôi. Vậy mà nào đã thôi đâu. Liền đó, cụ Nguyễn Du cách tân quá thể, khi cụ dám để Thúy Kiều ngay trong đêm hôm đó, khi vừa mới chia tay trở về, đã lập tức quay ngay trở lại, bằng cách “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”. Quả là táo bạo tới không tưởng nổi. Thân gái đêm hôm, dám một mình xăm xăm đi tắt tới nhà trai. Vào thời ấy, hẳn chỉ có Nguyễn Du mới dám viết như vậy.

Và cuộc rượu ái tình lần này mới thật là đáng nhớ. Thơ Nguyễn Du dành cho họ, cứ như chảy tràn ra từ đáy cốc; lóng lánh ngời lên tình yêu đôi lứa:

“Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng”

Quả là phong lưu, phong vận, tao nhã và đài các. Không gian hẹp, không gian rộng đều tuyệt cả. Trong phòng thì lửa nến, hương trầm; ngoài trời thì vầng trăng vằng vặc. Không gian ấy, thời gian ấy, cảnh ấy… sinh tình biết bao.

Lần đầu gặp nhau “trong tiết tháng ba”, “Vương Quan quen mặt ra chào”, còn “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”, ấy vậy mà Kim, Kiều đã đem lòng tương tư. Lần thứ hai gặp nhau nâng chén, hai bên đã lập tức bày tỏ nỗi niềm thầm kín trắc ẩn. Còn lần này thì họ đã vượt lên tất cả lệ luật của đạo giáo và của thời đại. Họ tự xe duyên bằng “tóc tơ căn vặn tấc lòng, trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, họ đâu cần ông tơ bà nguyệt.

Thúy Kiều là hiện thân của tư tưởng tự giải phóng khỏi ràng buộc lễ nghi phong kiến. Đó chính là tư tưởng của Nguyễn Du, tình yêu của Nguyễn Du, đối với một tầng lớp nhân dân bị đè nén và ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến, đạo giáo phong kiến, và lề luật phong kiến, tới mức thống khổ.

“Chén hà” là chén ngọc nhuốm ráng chiều, rực lên. “Quỳnh tương” là rượu quý. Chén quý không thể rót rượu xoàng. Rượu quý không thể uống chén xoàng. Chén và rượu phải “sánh giọng” với nhau. “Dải là hương lộn” là những dải lụa ở trong thư phòng đều có tẩm mùi trầm hương bay lộn lên mà thấm vào. “Bình gương bóng lồng” là bóng hai người lồng vào nhau trong tấm gương soi trên bức bình phong. Thiết nghĩ, chỉ với hai câu lục bát, thì không thể nào còn có thể tả hay hơn và đẹp hơn về cảnh đôi lứa nâng ly thề nguyền được nữa!

Theo thống kê, tổng số câu thơ/ lần trong Truyện Kiều nói về rượu và uống rượu là 28/28 trong tổng số 3254 câu thơ, (khoảng 2,9%); trải dài suốt quá trình phát triển của cốt truyện từ đầu (gia thế – gia biến – lưu lạc – đoàn viên) đến cuối. Nếu so sánh với các truyện Nôm hữu danh và khuyết danh khác, các văn tế, khúc ngâm thời trung đại ở Việt Nam thì Truyện Kiều có tổng số lần/ câu nói về rượu – uống rượu nhiều nhất, phong phú nhất.

Sau đây là thứ tự câu, ngữ cảnh nói đến rượu – uống rượu trong Truyện Kiều và hoàn cảnh xuất hiện (bản của Đào Duy Anh, NXB Văn học, 1979), theo trình tự cốt truyện:

 Lần thứ Thứ tự câu Ngữ cảnh Hoàn cảnh xuất hiện
1 424 Đủ điều trung khúc ân cần

Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng.

Ngày vui ngắn chẳng đầy gang

Kiều – Kim gặp gỡ tại nhà trọ của Kim.
2 454 Chén hà sánh giọng quỳnh tương

Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.

Kiều – Kim cùng uống rượu sau lễ thề nguyền dưới trăng.
3 701 Thề hoa chưa ráo chén vàng

Lỗi thề, thôi đã phụ phàng với hoa.

Kiều ngồi một mình trong đêm, sau quyết định bán mình chuộc cha.
4 727 Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

Trong đêm trao duyên.
5 1039 Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống hãy rày trông mai chờ.

Tâm trạng Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.
6 1230 Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Cuộc sống của Kiều sau khi nàng buộc phải nhận tiếp khách.
7 1233 Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình, xót xa!

Kiều một mình trong đêm tàn tại lầu xanh của Tú Bà.
8 1295 Khi gió gác, khi trăng sân,

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.

Kiều – Thúc tại lầu xanh của Tú Bà.
9 1473 Mảng vui rượu sớm, cờ trưa

Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.

Cuộc sống Kiều – Thúc tại nhà riêng ở Lâm Tri.
10 1499 Tiễn đưa một chén quan hà

Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình.

Kiều tiễn Thúc về thăm Hoạn Thư – vợ cả.
11 1504 Cầm tay dài ngắn thở than

Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời.

nt
12 1517 Chén đưa nhớ bữa hôm nay nt
13 1518 Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau. nt
14 1571 Tẩy trần vui chén thong dong

Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.

Hoạn Thư mở tiệc mừng chồng về thăm.
15 1834 Tẩy trần, mượn chén giải phiền đêm thu. Hoạn Thư – Thúc Sinh uống rượu, Kiều hầu rượu.
16 1835 Vợ chồng chén tạc chén thù
17 1836 Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.

Bắt khoan bắt nhặt đến lời

Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.

Sinh càng như dại như ngây.

Thúc Sinh vừa uống vừa khóc.

 

18 1840 Giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi

Ngảnh đi, chợt nói chợt cười.

Thúc cáo say, lảng ra.
19 1842 Cáo say, chàng đã tính bài lảng ra.

Tiểu thư vội thét: – Con Hoa!

Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn!

Sinh càng nát ruột tan hồn.

Thúc đành phải cạn chẽn nữa.

Hoạn lại bày tiếp trò chơi.

20 1846 Chén mời phải ngậm bồ hòn, ráo ngay!
21 Tiểu thư cười nói tỉnh say
22 1847

1848

Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi.
23 2568 Bắt nàng thị yến dưới màn,

Dở say, lại ép cung đàn nhặt tâu

Hồ Tôn Hiến dở say, bắt Kiều đàn.
24 2590 Hạ công chén đã quá say

Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra.

Hồ Tôn Hiến quá say trong tiệc.
25 3061 Tàng tàng chén cúc dở say,

Đứng lên, Vân mới giãi bày một hai.

Tiệc đoàn viên ở nhà họ Vương.
26 3135 Động phòng dìu dặt chén mồi

Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa.

Kiều – Kim uống rượu đêm động phòng.
27 3190 Thêm nến giá, nối hương bình

Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.

nt
28 3223 Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

Cuộc sống của Kiều sau đêm đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.

Trong Truyện Kiều, Kiều uống rượu cùng Kim Trọng tất cả 7 lần. 2 lần trong đoạn đầu: gặp gỡ – thề bồi; 2 lần trong đêm đoàn viên – hội ngộ. Còn 3 lần trong thời gian gia biến – lưu lạc được Nguyễn Du tái hiện trong hồi ức của Kiều chỉ nhớ về lần uống thứ hai. Sau khi cùng chàng Kim quỳ bái dưới trăng: Tóc tơ căn vặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương, thì đến cảnh: Chén hà sánh giọng quỳnh tương/ Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng… sống lại trong trí nhớ của Kiều như vừa mới… đêm qua. Như vậy, thực tế Kiều – Kim đối ẩm có 4 lần. Giữa 2 lần đầu và 2 lần cuối cách nhau dằng dặc một khoảng thời gian 15 năm.

PHAN THANH ĐÀ HẢI

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây