Sắc thái biểu cảm của từ “Đâu” – Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Sắc thái biểu cảm của từ Đâu - Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa
Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Trong ngữ pháp Tiếng Việt, từ “ĐÂU” có nhiều nghĩa, trong đó, có sắc thái nghĩa mang yếu tố thẩm mỹ, phong phú và đa dạng, gợi nên bao cảm xúc nơi người tiếp nhận. Nhiều nhà thơ, qua sáng tạo, từ “Đâu” đưa lại trường nghĩa đa chiều, hiệu quả và âm vang mãi.

Theo Từ điển Tiếng Việt, từ “đâu” có nghĩa, dùng để chỉ một nơi, một chỗ nào đó không rõ, cần được xác định (thường dùng để hỏi); từ biểu thị ý phủ định về điều mà người nói muốn khẳng định dứt khoát là không hề có, không hề xảy ra, không như người đối thoại đã hoặc có thể nghĩ. Từ biểu thị ý nhấn mạnh về điều vừa phủ định, như muốn thuyết phục hoặc bác bỏ ý kiến của người đối thoại (Hoàng Phê, Từ điểnTiếng Việt, NXB Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2005, trang 298).

Nguyễn Đức Dân quan niệm về Phương thức bác bỏ dùng từ ĐÂU, “Đâu là một từ phiếm định trỏ địa điểm. Cấu trúc chất vấn về sự tồn tại của một hiện tượng, một hành động ở một địa điểm phiếm định”(Xem Lô gích – Ngữ nghĩa – Cú pháp-NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1987, trang 299). Đó là, “đâu” dùng để hỏi chỗ nào, lúc nào, cái gì, ở đâu, thế nào hoặc nằm sau tính từ, trợ từ có ý hỏi, than, phỏng đoán, …

Trong từng ngữ cảnh, “Đâu” có lúc dùng để hỏi, có khi để phủ định và lại có lúc dùng để bác bỏ theo cấu trúc: có V đâu hoặc đâucó V, gây nên hiện tượng mơ hồ về ngữ nghĩa rất đáng lưu ý. “Đâu”: Cần thiết và có thể phân biệt các câu phủ định toàn bộ, phủ định bộ phận, phủ định chung vả phủ định riêng (Xem Nguyễn Đức Dân, Lô gích và Tiếng Việt, NXB Giáo dục, HN, 1996, trang 376).

Đành rằng, trong giao tiếp, nói cũng như viết, cần rõ ràng, chính xác và tường minh. Thế nhưng, trong văn chương, yếu tố mờ về ngữ nghĩa, mơ hồ về biểu đạt lại rất cần thiết cho sự lung linh, bay bổng của câu thơ. Thiếu cái mơ hồ, ngôn ngữ nghệ thuật như trơ ra, mất đi mỹ cảm nơi người  đọc. Từ “Đâu” đi vào văn học với nhiều sắc thái nghĩa kỳ ảo, đa sắc. Mỗi một câu thơ, bài thơ có sử dụng từ “đâu” hay và lạ, thì đều mang cá tính sáng tạo của người viết. Ở đó, tài năng của người nghệ sĩ bộc lộ một cách tài hoa qua sử dụng khái niệm “Đâu”.

Tuy vậy, cần phân biệt câu sai với câu mơ hồ (Xem Nguyễn Đức Dân, Trần Thị Ngọc Lang, Câu sai và Câu mơ hồ, NXB Giáo dục, 1992).

Trong văn chương trung đại, nhiều tác phẩm xuất sắc ra đời, trong đó, có việc sử dụng từ “đâu”. Qua vận dụng từ “đâu” vào văn học, ta vừa nhận ra thế giới nghệ thuật của tác phẩm vừa thấy được quan niệm về con người và cuộc đời của tác giả. Các khúc ngâm chẳng hạn. Ngâm khúc là thành tựu nổi bật của nền văn chương Việt trong quá khứ, là những tác phẩm trữ tình đậm tính dân tộc, tính nhân đạo.Tâm trạng trong các ngâm khúc là tâm trạng buồn bã, bế tắc.Khảo sát 7 khúc ngâm, có nhiều điều hết sức thú vị về từ “đâu”(Xem: Những khúc ngâm chọn lọc, tập I, gồm Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều – NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1987 – Những khúc ngâm chọn lọc, tập II, gồm: Ai tư vãn – Ngọc Hân công chúa, Chiêu hồn thập loại chúng sinhNguyễn Du, Tỳ bà hành – Phan Huy Vịnh dịch, Thu dạ lữ hoài ngâm – Đinh Nhật Thận, Tự tình khúc – Cao Bá Nhạ – NXB Giáo dục, HN, 1994).

Chinh phụ ngâm khúc, có 408 câu, “là khúc ngâm của nỗi lòng” (Đặng Thai Mai, Trên đường nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn chương, NXB Giáo dục, 2002, trang 43).Nhiều từ “Đâu” trong Chinh phụ ngâmvừa là câu hỏi vừa là cái nhìn mênh mông, bao quát cả thời gian và không gian, mang nỗi lòng cô quạnh của người chinh phụ. Người chinh phu “xuất chinh”: Chàng từ sang đông nam khơi nẻo / Biết nơi chàng tiến thảo nơi đâu ? Người chinh phụ trông chồng: Ngàn thông chen chóc khóm lau / Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về ? Chinh phụ đã từng “Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe” nhưng khung cảnh vẫn tiêu điều: Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc Quan. Trong rối bời tâm trạng, người chinh phụ:

Xin làm bóng theo cùng chàng vậy
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên

Đây chỉ là lời cầu nguyện, niềm mong mỏi, song, vẫn không thành trong hiện thực. Một triết lý thâm trầmvề bi kịch chiến tranh. Những dòng cuối khúc ngâm: Chén rượu, câu ca, liên ngâm, đối ẩm, kết duyên đến già, bõ lúc sâu xa cách trở, con người không còn cảnh:đường rong ruổi lưng đeo cung tiển, cảnh: xếp bút nghiên theo việc đao cung, được hoan ca,vui thuở thanh bình. Thì ra, thời nào cũng vậy, thái bình, hòa bình luôn là khát vọng muôn đời của con người! Không còn những câu đau đáu về đâu, người đâu!

Cung oán ngâm khúc là một khúc ngâm về nỗi oán hờn của cung nhân mà Ôn Như Hầu tiên sinh đã mượn tình trạng cung phi để tự ví thân phận mình; khúc ngâm này dùng điệu song thất lục bát” (Tôn Thất Lương, NXB Tân Việt, 1950). Trong Cung oán ngâm khúc, với 356 câu, chỉ một lần duy nhất Nguyễn Gia Thiều sử dụng từ “đâu”. Đó là ở các câu 103, 104:

Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.

Đời người, cuối cùng chỉ là một nấm mồ xanh cỏ, chẳng có ý nghĩa gì. Dạng thức câu “Còn có gì đâu” để nhấn mạnh sự hữu hạn của đời người, “trăm năm”.Từ “Đâu” đặt ở cuối câu bộc lộ một quan niệm bi đát về thân phận làm người, một kiếp phù sinh hư ảo trước tấn tuồng biến đổi của tạo hóa, như có lần nhà thơ viết: Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán / Chết đuối người trên cạn mà chơi.

Nguyễn Gia Thiều mượn cuộc đời của những cung nữ để tỏ bày về nhân tình thế thái, về chuyện cuộc đời, qua đó, bộc lộ thế giới quan, nhân sinh quan của mình.

Văn tế thập loại chúng sinh còn gọi Văn chiêu hồn, về hình thức như ta thấy, đó là văn cúng các cô hồn trong tiết tháng bảy. Tác phẩm trữ tìnhnày không chỉ có thân phận của “thập loại chúng sinh”, đằng sau đó, là thế giới tâm tình của Nguyễn Du, là những xúc cảm, nghĩ suy, của một trái tim nhân đạo về số phận bi thảm của kiếp người. Số lượng câu ngắn, chỉ 184 câu, song, số lần sử dụng từ “Đâu” nhiều nhất, đến 9 lần. Đó là: Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở, Khôn đem mình làm đứa thất phu/Một phen thay đổi sơn hà, Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu ?/Ngàn vàng khôn đổi được mình, Lầu ca viện hát tan tành còn đâu ?/Ngàn mây nội cỏ rầu rầu, Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường /Ngẩn ngơ trong quãng đồng chiêm, Nén hương giọt nước biết tìm vào đâu ?/Mấy thu lìa cửa lìa nhà, Văn chương đã chắc đâu mà trí thân / Đau đớn thay phận đàn bà, Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu ?/Mỗi người một nghiệp khác nhau, Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ ?

“Phút đâu”, “về đâu”, “còn đâu”, “nào đâu”, “tìm vào đâu”, “chắc đâu”, “biết là tại đâu”, “biết đâu bây giờ” xoáy vào trái tim người đọc. “Đâu” như một vọng âm từ cõi khác, như một cung đàn buồn thảm, réo rắc về số phận con người. Từ đứa thất phu, kẻ màn loan trướng huệ, kẻ hành khất ngược xuôi, kẻ buôn nguyệt bán hoa, kẻ văn chương, rắp cầu chữ quý, mũ cao áo rộng đến những kẻ mắc vòng tù tội, hữu sinh vô dưỡng, bất đắc kỳ tử, những cô hồn lạc lõng dưới âm phủ, … tất cả chúng sinh như run bật dưới ngọn bút trữ tình, nhân đạo của Nguyễn Du, dưới những từ “đâu” đầy thương cảm.

Đặc biệt, trong Truyện Kiều, có đến 104 lần Nguyễn Du sử dụng từ “Đâu” dưới nhiều góc độ nghĩa khác nhau, đưa lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Dưới ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du, từ “Đâu” biến hóa, lung linh sắc màu, vừa tả cảnh vừa nêu nỗi niềm tâm trạng.

Từ buổi sáng thanh minh đầy định mệnh, Kiều nghe kể về cuộc đời ca nhi Đạm Tiên và đêm về, gặp lại trong giấc chiêm bao, ám ảnh “Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây“. Từ đây, đời Kiều truân chuyên, gập ghềnh, đầy bão tố. Kiều, “lòng đâu sẵn mối thương tâm”, lại mang tâm trạng “người  buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nghịch cảnh: “cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”, rồi những “đâu đâu”, “đâu ta”, “đâu tá”, “đâu xa”, “bỗng đâu”, “phút đâu”, “thoắt đâu”. Cảnh Kiều trước lầu Ngưng Bích:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Một cánh buồm xa xăm, vô định như cuộc đời của Kiều trôi giữa dòng đời vô hướng. Một cánh hoa bị vùi dập. Một nội cỏ rầu rầu, sắc màu tẻ nhạt. Một chân trời xanh thẳm, vô vọng, bát ngát buồn. Một mặt duềnh gió cuốn, ầm ầm bão giông bủa vây. Kiều tơi tả tâm trạng. Một cánh hoa bị vùi dập. Một số kiếp nổi trôi. Không biết đi đâu, về đâu ! Câu hỏi tu từ “biết là về đâu” như sự tra vấn nội tâm, Kiều hỏi chính Kiều. Chốn bình yên nào để tìm về. Không có.

Nguyễn Khuyến trong Thu điếu, có câu thơ hay, âm vang như sóng gợn:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo    

Cái hay của câu thơ nằm ở chữ “đâu”, gây tranh luận về nghĩa của từ cũng ở từ “đâu” (Xem Tìm về linh hồn Tiếng Việt, Nguyễn Đức Dương, NXN Trẻ, 2003, trang 127). Từ “đâu” trong bài thơ hiểu theo nghĩa bất định.

Trần Tế Xương trong bài Đêm hè (Có bản ghi: Đêm buồn), có câu kết thật hay, nằm trong nghĩa bất định: “Ngủ quách sự đời thây kẻ thức/ Chùa dâu chú trọc đã hồi chuông” (Nguyễn Đình Chú, Lê Mai, Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Giáo dục, 1984, trang 122).Đêm hè là liên đêm, điệp đêm của cái “không”, cái “chẳng” của một Tú Xương luôn thao thức về đời: “đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”. Một nỗi buồn sâu thẳm, đổ xuống từng dòng thơ. Chút tình duyên như cơn gió thoảng qua, bối rối. Cảnh vật dưới bóng trăng nhạt nhèo quang gánh. Khăn áo, bút nghiên chỉ khéo rầy chuyện, giở tuồng. Muốn ngủ quách, mà không được. Chưa chợp mắt, thì chùa đâu đã hồi chuông.Tiếng chuông chùa như xa như gần, đâu đây, mơ hồ vọng lại. Mộtvòng sóng âm thanh, tan trong không gian, kéo theo nỗi niềm của một kẻ sĩ có lương tri trước cảnh tình của quê hương đất nước.

Tản Đà (1888-1939), gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới. Nhà thơ mà mở đầu cho Thi nhân nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã trang trọng Cung chiêu anh hồn Tản Đà về khai hội tao đàn, trong nhiều sáng tác của mình, Tản Đà có nhiều lần sử dụng từ “đâu” tinh tế, âm vang bao nghĩa lý về đời, về mộng: Tìm đâu cho thấy người trong mộng / Mộng cũ mê đường biết hỏi ai(Nằm mộng) hay Nào những ai đâu, bạn của đời / Sao mà bỏ vắng, ít ra chơi ?/ Chờ ai chờ mãi, ai đâu tá / Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi ?(Còn chơi)

Giọng riêng của Tản Đà về cuộc đời, cuộc chơi, ngẫm nghĩ cuộc thế, có khi trăm năm chỉ là giấc mộng, còn một ngày có khi lại dài đăng đẳng: Người đời thử ngẫm mà hay / Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê / Còn ai, ai tỉnh hay mê ? / Những ai thiên cổ đi về những đâu ? (Đời đáng chán). Vậy đó, trong phôi pha trần thế, thi sĩ viết:

Chuyện kim cổ một vài câu phải trái
Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thuý Ái
Sóng Tiền Đường, cỏ áy bến Ô giang
Ngẫm nghìn xưa: ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ …

(Đời đáng chán)

Trong mấy lần viết thư, Tản Đà đã có những dòng thơbâng khuâng về người tình nhân không quen biết: Tuyệt mù tăm cá hơi chim / Nào người nhớ hỏi, thăm tìm là đâu ? (Thư đưa người tình nhân không quen biết), Người đâu tá, quê nhà chưa tỏ / Tuổi bao nhiêu, tên họ là chi ? (Thư trách người tình nhân không quen biết), Cho hay vẫn si tình là thói / Nào biết đâu ai gọi mà thưa !(Thư lại trách người tình nhân không quen biết). Cũng là cõi mộng cõi mơ, lãng đãng, đa tình:  Người đâu cũng giống đa tình …

Thơ mới giai đoạn 1932-1945, có nhiều bài thơ hay, để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng khó quên, đó là nhờ vào tín hiệu ngôn ngữ “Đâu”. Trong Từ ấy của Tố Hữu, Nhớ đồng (1939) là bài thơ được bạn đọc yêu thích và đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Yêu thích trước hết là nỗi nhớ sâu lắng từ một tâm trạng cô đơn, buồn nhớ, khắc khoải của người tù trẻ tuổi, bị tách biệt khỏi môi trường hoạt động sôi nổi. Cảnh ruộng đồng, xóm làng, quê hương, người thân được lặp lại, nhấn mạnh bằng những điệp ngữ: Gì sâu bằng … Gì sâu bằng … Gì sâu bằng …

Và, điều cũng làm ta nhớ mãi bài thơ là những câu hỏi. Những từ “đâu” da diết, gợi nên hình ảnh, âm thanh của đời thường, gần gũi, thân quen, ngân vang trên sông nước, ruộng đồng, cảm xúc trào dâng, chân thành và xiết bao cảm động đối với bản thân nhà thơ đang trong chốn lao tù:

Đâu gió cồn thơm…, Đâu ruồng tre mát…, Đâu từng ô mạ…, Đâu những nương khoai…, Đâu những đường con…, Đâu những chiều sương …, Đâu dáng hình quen …, Đâu những hồn thân…, Đâu những ngày xưa …

“Đâu” trong thơ Tố Hữu thời Từ ấy và cả sau này, đều gắn liền với những không gian tự nhiên. Chính chỗ này, tạo nên hình thức mang tính quan niệm trong thơ Tố Hữu về không gian nghệ thuật.

Nhớ rừng của Thế Lữ nằm trong trường hợp này. Bằng những từ hỏi “Đâu” (Nào đâu / Đâu những / Còn đâu), những luyến láy, điệp ngữ, những câu hỏi tu từ nối tiếp nhau, xoắn quyện vào nhau, đẩy cảm xúc dâng tràn, khiến hổ nhớ rừng là nhớ đến những kỉ niệm vàng son, chói lọi của một thời oanh liệt. Những câu thơ tráng lệ, vẽ nên cảnh hùng vĩ. Nhạc thơ và nhạc rừng hòa quyện, đối sánh và tương tác nhau, từ “ta” vang lên, kiêu dũng, khiến cảnh rừng bừng sáng, xao xuyến giữa dĩ vãng oai hùng và hiện tại sa cơ, giữa thân tù hãm và một thời oanh liệt, giữa tự do và thất thế, … Đây là một trong những đoạn thơ tuyệt tác không chỉ của Thế Lữ mà còn của cả thơ Việt Nam. Cái làm nên giá trị thẩm mỹ đó, có sự góp phần đầy biến ảo của từ “Đâu” :

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyền bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật!
Than ôi! Thời oanh liệt này còn đâu?

Trong bài Thơ duyên(1939), Xuân Diệu có hai câu thơ hay: Mây biếc về đâu bay gấp gấp  / Con cò trên ruộng cánh phân vân. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam có lời bình: “Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự khác biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới” (Thi nhân Việt Nam, NXB Thiều Quang, Sài Gòn, 1967, trang 117). Những đám mây xanh biếc, giữa tầng không, bay gấp gấp nhưng không biết về đâu, vô định. Trên ruộng, con cò nhỏ đôi cánh phân vân, ngập ngừng cũng không biết bay về phương nào. Cái hay của từ “đâu” là vẽ ra hai cảnh giới, hai nỗi niềm, mênh mông buồn.

Với Xuân Diệu, tình yêu và cuộc sống bao giờ cũng là xuân, xuân đầu, xuân không mùanhư tên các bài thơ. Bài thơ Xuân đầu (Hà Nội, 1937), tác giả viết về một mùa xuân đầu tiên, thể hiện niềm khát khao hành phúc, trời xanh thế, hàng cây thơ biết mấy, như Phạm Thái gặp Quỳnh Như thưở ấy, như chàng Kim vừa thấy được nàng Kiều, rượu, nhạc, thiêng liêng quá trong một phút nhìn nhau … Cho  ta xin, cho ta xin sắc đỏ / Xin màu xanh về tô lại khung trời / Trời ơi, trời ơi, đâu rồi tuổi nhỏ ? / Hôm xưa đâu rồi, trời ơi, trời ơi !

Cuộc sống trần gian, với Xuân Diệu, bỡ ngỡ, tất cả như buổi đầu tiên, vì thế, nhà thơ có những câu thơ hay về sử dụng từ “đâu” đúng chỗ, tạo hiệu quả thẩm mỹ cao, đưa lại cho ta bao cảm xúc:

– Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

(Vì sao)

Không giam xám tưởng sắp tan thành lệ
Thôi hết rồi, còn chi nữa đâu em !

(Tương tư chiều)

Trời đã thắm lẽ đâu vườn cứ nhạt ?
Đắn đo gì cho lỡ mộng song đôi !

(Tặng thơ)

Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù
Đốt điếu thuốc chiêu hồn sương quá khứ
Mỗi khi thu đưa gió vàng lưỡng lự
Có buồn chăng, lòng bận ở đâu xưa?

(Mơ xưa, Gò Công, 1942)

Trong Lửa thiêng, Huy Cận đã nhiều lần sử dụng từ “Đâu” theo nghĩa bất định của ngữ dụng học (pragmatic). Sự có mặt của từ “đâu” góp phần tạo nên những bâng khuâng, tiếc nuối một chân trời, một quãng đời, như gợn sóng không cùng, lan tỏa mãi trong cõi biếc, bến bờ, như sợi nắng mong manh của buổi chiều tàn, như giấc mơ xưa không trôi theo năm tháng, như gánh xiếc qua làng, nàng cưỡi ngựa về phương nào,như mơ hồ tiếng vọng của buổi chiều vãn chợ ở một làng xa đưa tới, như những cánh bèo vô định, hàng nối hàng, trôi dạt giữa mênh mông bến vắng, không một chuyến đò ngang,chuyện hợp tan,tan hợp, biết mong mỏi gì trong cuộc đời,… Đó là những câu: Đã chảy về đâu những suối xưa / Đời mất về đâu hỡi tháng năm? (Buồn), Quên thân như đã quên giờ / Tê mê cõi biếc bến bờ là đâu (Trông lên), Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu / Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều …Bèo dạt về đâu hàng nối hàng / Mênh mông không một chuyến đò ngang (Tràng giang), Và nàng cưỡi ngựa đâu rồi nhỉ ? / Ngơ ngác chàng trai tự hỏi thầm (Gánh xiếc), Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu (Trò chuyện), Người ở đó, tôi làm như ghẻ lạnh / Người đi rồi, thôi mong mỏi gì đâu ! (Tình mất), Chim vui đâu ? Cây đã gẫy vài cành / Ôi chiều buồn ! Sao nắng quá mong manh (Nhạc sầu), Những nàng tiên dần chết / Mơ mộng thuở xưa đâu ? (Ê chề), Yêu nhau, tình dễ vậy / Cuộc đời khó khăn đâu ! (Khung tình).

Nguyễn Bính có bài lục bát 4 câu, sử dụng từ “đâu” với nghĩa phiếm định, gây ấn tượng:

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu ?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

(Cánh buồm nâu)

Ở đây, “Đâu” là từ chỉ sự phủ định, sự mơ hồ cộng với hình ảnh của cánh buồm nâu lùi dần, lùi dần,rồi khuất bóng trong tầm mắt qua ba dấu chấm lửng (…) làm cho câu thơ như nghe ra xa vắng, ngậm ngùi.

Những giọt lệ là bài thơ nằm trong phần “Mật đắng” của tập “Thơ điên” (Còn gọi là Đau thương ) của Hàn Mặc Tử. Cùng với những Đà Lạt trăng mờ, Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ, Mơ hoa… trắng trong, thi vị và tráng lệ, Hàn Mặc Tử bắt đầu nếm những mật đắng của cuộc đời. Một số phận nghiệt ngã, đớn đau, đầy những “máu” và “trăng”, “mộng” và “chết”, khẩn cầu và tuyệt vọng. Nhà thơ như gào lên:

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

Những dấu hỏi tiếp nối dấu hỏi, treo lơ lửng giữa trời, thoát ra từ một trái tim đau khổ. Một trạng thái tuyệt vọng, Một nỗi niềm cô đơn, thống thiết. Một tiếng kêu không thấu trời xanh của một thi sĩ tài hoa mệnh bạc. “Còn đây hay ở đâu“, vò xé tâm can, không có đồng vọng, người thơ, như trong Tựa của tập Thơ Điên, tác giả đã viết: “Tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi! Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn… Tôi đã vui buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống“.

Trong Điêu tàn (1937) của Chế Lan Viên, Xuân, bài thơ gần cuối tập, được đánh giá cao về nhiều phương diện. Đây là một trong những bài thơ hay nhất, nhiều người biết nhất, đọc thuộc nhiều nhất của Chế Lan Viên. Đó là một bài thơ viết về mùa xuân với những ý tưởng lạ kỳ. Một mùa xuân bị chối bỏ, thờ ơ, lãnh đạm. Một mùa xuân mà cả đất trời và lòng người trĩu nặng, ưu tư, buồn bã, bị khước từ qua cấu trúc:có … đâu, có … đâu:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu!
– Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
(Xuân)

Mùa xuân mà cảm hứng tràn ngập là cảnh thu, sắc thu, mùa của những lá vàng, của hoa tươi, cánh rã, chắn nẻo xuân sang. Vẫn là thu, lấy ý thu để cản tình xuân, lấy chiếc áo của độ thu tàn để đón đợi mùa xuân. Bài thơ kết lại bằng hai câu:

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn

Một bài thơ hay của Ngân Giang, đó là bài Trưng Nữ Vương, ra đời năm 1939 của một nữ sĩ viết về một nữ tướng.Bài thơ diễn tả tột cùng nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng mình sau chiến thắng:

Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận

Đâu tính chuyện tương lai. Đâu quên lời tuyết hận. Một sự đồng điệusâu sắc, thấu rõ sự trống trải và cô đơn của một người phụ nữ đối với một người phụ nữ, dẫu anh hùng chăng nữa:Chàng ơi, bệ ngọc bơ vơ quá / Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi. Bài thơ thể hiện cái hay của ngôn ngữ, cái tài của diễn đạt và cái tình của một trái tim.

Trong thơ ca hiện đại giai đoạn 1945-1975, Tế Hanh, nhà thơ có những bài thơ sử dụng từ ĐÂU rất tinh tế, tài hoa. Chiêm bao là nằm mộng. Tỉnh giấc là hết mộng, vậy mà: Dầu anh đâu, em đâu / Hai ta vẫn gần nhau / Giấc chiêm bao đêm trước / Soi sáng cả ngày mai.

Bài Em ở đâu ?, bài thơ tình viết 1957, có 5 khổ. Cuối mỗi khổ, đều vang lên câu hỏi: Em ở đâu rồi, em ở đâu ? Sao ta vẫn một mình ta trước biển, một mình lẻ thiếu, một mình trở lại, đau khổ vẫn là sự thật, vẫn trơ vơ trời biển Sầm Sơn ? Một bài thơ khác, bài Rét nàng Bân, khi mà gió còn thổi qua bàn tay lạnh, khi mà mây còn giăng đầy trời, khi sợi nắng mong manh còn rơi rớt, em dệt thời gian qua từng sợi thắm, đan áo ấm cho anh, những giờ trưa không nghỉ, những đêm thâu, chỉ sợ: Áo đan rồi, mùa lạnh hết còn đâu ! “Còn đâu” phảng phất bâng khuâng, nhung nhớ, pha lẫn nỗi niềm như tiếc rẻ của những người đang yêu.      

Trong tập Tiếng sóng (NXB Văn học, HN, 1960), Tế Hanh trong bài Nói chuyện với sông Hiền Lương, viết 1959, có hai câu tuyệt hay, thường được nhắc đến:

Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu …

Màu xanh trên bầu trời Tổ quốc , một thời là niềm thương nhớ quê nam, ước mong cho ngày thống nhất, mong có ngày trở về thăm mẹ, không còn chia cắt. Bầu trời không chia cắt, lòng người cũng sẽ không cắt chia !

Chế Lan Viên bắt đầu từ Ánh sáng và Phù sa, có nhiều bài thơ ngắn, hay, tinh tế. Bạn đọc nhớ nhiều đến Sông Cầu, một bài thơ ngắn, có đến 10 lần nói về lòng thương những buổi trưa sông Cầu. Nhớ ruộng muối, nhớ bầu trời xanh, nhớ thành phố nhỏ không một lần dừng lại, không có hương hoa, không có tình ái. Vậy mà, bắt lòng ta nhớ mãi / Sông Cầu ơi, sông Cầu.

Các câu hỏi mà không yêu cầu có câu trả lời: “Có gì đâu”, “Gì đâu” như khắc sâu nỗi nhớ về một thành phố biển miền Trung, nhớ buổi trưa, nhớ bể biếc,  nhớ dãy phố nhỏ, nhớ cả nỗi lòng của tuổi nhỏ hai mươi năm chẵn đã đi qua. Nỗi nhớ đi theo năm tháng, đánh đắm tâm hồn thương quê nhớ quán: Có gì đâu ? Gì đâu ?/ Mà hai mươi năm chẵn / Một trưa hè cháy nắng / Còn reo trong lòng sâu… /Có gì đâu ? Gì đâu ?/ Sông Cầu ! / Có gì đâu ? Gì đâu … / Bắt lòng ta nhớ mãi / Sông Cầu ơi, sông Cầu … / Ruộng nghìn ô muối trắng / Trời xanh xanh thăm thẳm / Bể xa xa một màu / Có gì đâu, miền Nam / Có gì đâu, tuổi nhỏ/ Có gì đâu, gì đâu(Sông Cầu).

Hay như Trăng, bài ngắn, chỉ 4 câu viết về đôi mắt em – đôi mắt người thương và gương mặt em – gương mặt ái tình:

Giữa hai cây, lại có đôi mắt em nhìn
Anh đến suối,  mặt em cười dưới suối
Lòng em chạy cho lòng anh đuổi
Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng em.

Hoặc những câu thơ, bài thơ hay, có sử dụng từ “Đâu”:

Tôi đâu dám tủi hớn quên nhiệm vụ
Mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình
(Nhật ký của một người chữa bệnh)

Lòng vui ta có thơ chào
Xuân đâu buộc ngựa bên rào đợi ta
(Cuối năm)

Tây Bắc ư ? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu
(Tiếng hát con tàu)

Nguyễn Đình Thi, nhà thơ có nhiều bài thơ hay, tài hoa khi sử dụng từ “Đâu”, lung linh nỗi nhớ. Về đâu của Nguyễn Đình Thi nằm trong tập Tia nắng, NXB Văn học, HN, 1983, có lẽ là bài thơ sử dụng nhiều nhất về từ “đâu”. Bài thơ có 78 từ, nhưng có đến 10 lần nhà thơ dùng từ “đâu”. Từ “đâu” đậm đặc trong các dòng thơ: Sông này trôi về đâu / Đường này đi về đâu , Xanh rờn lúa bát ngát / Chùa cũ nhớ về đâu , Còi dài gọi về đâu / Khói nhà máy cuộn trào.  Ù ù trong gió bụi / Đoàn xe chạy về đâu,  Về đâu mây buổi sớm / Về đâu nắng buổi chiều,  Trên trang thư vội vã / Dòng chữ viết về đâu, Mắt người nhìn về đâu / Bước chân người về đâu, Những đêm những ngày / Miền Nam gọi.

Bài thơ 5 chữ, viết vào năm 1972, không xa lắm với Lá đỏ (1974). “Đâu” ở đây không nằm trong phương thức bác bỏ, nhất là khi không đứng trước các động từ tình thái. “Đâu”, theo tính hình tuyến của ngôn ngữ, là từ phiếm định trỏ địa điểm. Hình ảnh về đâu những con đường, đồng lúa, chùa cũ, tiếng còi, đoàn xe, mây sớm, nắng chiều, trang thư, dòng chữ, mắt người, bước chân  … gợi nên cảm giác bồi hồi và cảm động nơi chủ thể tiếp nhận. Điệp khúc “về dâu” , “về đâu” xoáy vào trái tim người đọc, để rồi, kết thúc, về một phương, đó là “Miền Nam gọi”. Về dâu, một bài thơ được nhiều người yêu thích.

Xuân Quỳnh được xem là một trong những nhà thơ nữ viết thơ tình hay nhất trong nền thơ hiện đại từ sau 1945. Đó là tình yêu vừa nồng nàn, sôi nổi, say đắm, vừa tha thiết dịu dàng, giàu trực cảm, lại lắng sâu trải nghiệm những suy tư. Sóng là một bài thơ tiêu biểu, thể hiện tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh, vừa đằm thắm, vừa nồng nàn:

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Chúng ta có thể lý giải được nguồn cội của sóng, nhưng còn gió, không thể nào cắt nghĩa.. Và, tình yêu cũng vậy. Tình yêu lạ lùng, bí ẩn nhưng cũng rất tự nhiên, như gió vậy, nói như Huy Cận:   Một hôm trận gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ…Sức hấp dẫn của tình yêu chính là ở chỗ đó, chỗ “Gió bắt đầu từ đâu ?”. Tình yêu bắt đầu từ đâu, không rõ. Cái hay của câu thơ và cả bài thơ bắt đầu từ chỗ rất mơ hồ “đâu”. Một bài thơ khác, bài Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, đầy xôn xao, trắc ẩn bao nỗi niềm, như con tàu nhớ những sân ga, như sóng biển chẳng xô bờ, như hòm thư không một phong thư, như trời không xanh trong đáy mắt em xanh, Xuân Quỳnh lo sợ:

Trận mưa xuân dẫu làm áo ướt
Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu  ….

Câu thơ đầy suy tư và trực cảm. Từ phiếm định “chi đâu” xác định dạng thức bác bỏ là để khẳng định một điều:

Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa !

Lưu Quang Vũ (1948-1988) sống cuộc đời ngắn ngủi, chỉ 40 năm. Năng lực sáng tạo như bó đuốc, rực cháy, không tắt với thời gian. Ở thơ, ta bắt gặp sự mong manh của kiếp người, sự khát khao những chân trời, sự hướng đến chân-thiện-mỹ: Em biết đã bao lần anh toan từ bỏ / Cuộc đời kia cho thanh thản, nhẹ nhàng / Nhưng cứ nhìn một đôi mắt trẻ thơ / Một bà mẹ mỉm cười cho con bú / Một mùa lúa trời chiều thương mến quá / Bản nhạc khuya hồi hộp mối duyên đầu / Anh lại nghĩ, anh không được ngã / Giữa tan rã, anh phải là sinh nở … (      )

Nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ, có mô hình câu: “Có … gì đâu“, “có  …đâu” nhấn mạnh đến sự hữu hạn của đời người, sự tan loãng của tự nhiên: Đèn nhựa trám tinh mơ em nhóm lửa/ Sương mịt mù trước cửa, thấy em đâu /Có sao đâu: trái mùa thu vẫn thắm / Mây mùa thu vẫn trắng những chân trời     (Nơi ấy) / Đâu những tối mẹ ngồi khâu lại áo/ Khi bên thềm xào xạc gió heo may(Áo) / Một chuyện chia tay , có gì đâu em nhỉ / Một chuyện tình tan vỡ có gì đâu / Sau mọi điều, lại chỉ có mùa đông / Có gì đâu mà tiếc mà buồn / Em ở đâu, dù cùng trời cuối đất / Dù năm tháng dài lâu / Có gì đâu mà khóc / Hạnh phúc chỉ là điều bịa đặt(Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I)  / Ðêm sâu quá đêm nào biết ngủ / Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi / Mà có ngủ đâu, người ta đợi mặt trời / Em ở đâu, em ngủ ở phương nào / Môi em thở những điều gì khe khẽ ? / Anh có hẹn đâu, anh chả nói câu nào / Anh chỉ buồn thôi, em chỉ buồn thôi, ai biết?(Bầy ong trong đêm sâu).

Và đây, Y Phương, sinh năm 1948, dân tộc Tày, quê Trùng Khánh, Cao Bằng. Có giọng thơ riêng, dấu ấn của một tài năng. Ngôn ngữ lạ, ám ảnh, tạo nên một âm thanh mới trong thơ Việt. Những mùa sông Bằng không chảy là một bài thơ ngắn, 17 câu. Điệp ngữ: Chẳng hiểu sao / Những mùa dài sông Bằng không chảy lặp lại ba lần. Khổ cuối:

Chẳng hiểu sao
Những mùa dài sông Bằng không chảy
Tôm cá đi buồn bã như người
Mái chèo chạm nỗi lòng gợn sóng
Đi đâu ?
Về đâu ?
Bè ơi !

Sông Bằng Giang không chảy những mùa dài. Lòng người vẫn ở lại. Người và tôm cá đều buồn. Sông có chảy đâu mà mái chèo vẫn khua ? Vẫn chạm vào nỗi lòng gợn sóng. Rồi hỏi: Đi đâu ? Về đâu ? Bè ơi ! . Các câu thơ đều nghịch lý. Lại  gợi nhớ Tú Xương trong Sông Lấp, sông đã nên đồng, nên bãi, đã làm nhà cửa, trồng ngô khoai, vậy mà, giật mình nghe tiếng gọi đò !

Hai câu Đi đâu ?, Về đâu? vang lên, như từ sâu thẳm của tiềm thức vọng về. Vẫn dòng sông Bằng hiện hữu. Vẫn con sông một đời thao thiết chảy qua bao phận đời, nổi trôi, buồn bã. Đời sông chứng kiến bao đời người. Bài thơ gợi những ngẫm nghĩ về đất trời, về chiếc bè nhân thế. Âm hưởng bài thơ buồn.

Nghệ thuật không chỉ mang tính phản ánh mà còn thể hiện sự sáng tạo (construction), sáng tạo nên những biểu tượng. Berdyaev từng khẳng định: “Tất cả nghệ thuật thực sự đều mang tính biểu tượng” (Xem Lê Ngọc Trà, Nhà văn và sáng tạo nghệ thuật, NXB Trẻ, 2018, trang 220.

Từ “đâu”, qua tài năng của các nghệ sĩ, đã mang lại sự tươi mới, sáng tạo, làm nên những biểu tượng đẹp cho nghệ thuật. Nhiều câu thơ hay của thời kỳ trung đại, thời Thơ mới, nhất là thơ hiện đại, khiến cho gia tài thơ ca dân tộc thêm phong phú, độc đáo.

 Đà Nẵng, tháng 6-2022

HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây