Số cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn

Số cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn

SỐ CÔ ĐƠN CHẲNG THOÁT VÒNG CÔ ĐƠN

          Tuyển tập song ngữ (Bilingual anthology) Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay (Vietnamese Feminist Poems From Antiquity to the Present), do NXB Phụ nữ Việt Nam và NXB Feminist thuộc Đại học New York phối hợp tuyển chọn, chuyển ngữ và phát hành năm 2008. Tuyển tập này chọn 72 bài thơ của 72 nhà thơ nữ Việt Nam, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX, trong đó có Gọi đò của Hoàng Thị Minh Khanh. Bài thơ được dịch sang tiếng Anh bởi Xuân Oanh và Lady Borton. Bài thơ viết theo thể lục bát, gồm 26 câu, như sau:                 

GỌI ĐÒ

    Tặng chị Sợi

Ngày xưa chị có một thời
Hoa ghen sức thắm nụ cười nên duyên
Trai làng nhắm nhé bắn tin
Yêu thầm trộm nhớ chị quên lối về

Thế rồi một buổi trăng thề
Chị yêu người đã ra đi góc trời
Nhưng anh bộ đội xóm ngoài
Không còn trở lại – mong hoài chị mong

Mấy lần lỡ chuyến sang sông
Mặc cho ai gọi chị không xuống đò
Mỏi mòn con mắt đợi chờ
Chị tin anh –chẳng bao giờ mất nhau

Nhưng rồi gió rụng tàu cau
Đò ngang chị xuống mưa mau lạnh lùng
Đời long đong đến tận cùng
Số cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn

Xa quê mất chục năm tròn
Em về thấy chị mặt buồn tụng kinh
Sững sờ-vẫn thấy chị xinh
Vẫn khuôn miệng ấy lung linh một thời.

Hồng nhan bạc mệnh ở đời
Em thương chị lắm nhưng rồi biết sao
Người đi bom đạn chiến hào
Chị về cắm một con sào đợi trông.

Bây giờ tóc đã hoa râm
Tụng kinh niệm Phật trăm năm gọi đò.
1995

          Gọi đò, đúng nghĩa là một tiếng thơ về bi kịch chiến tranh. Chiến tranh đã đi qua bao làng mạc, phố thị và cũng để lại lắm cảnh đời hiu hắt đến nao lòng. Nói như Chế Lan Viên, “những cuộc chia ly không đếm hết tựa sao trời”. Bao ngọn núi vọng phu vẫn cứ sừng sững với thời gian, làm quặn thắt lòng người. Tác giả viết bài thơ sau 20 năm lặng im tiếng súng, tặng chị Sợi thân yêu của mình. Tàn cuộc chiến tranh, những người lính ra đi, đã trở lại với quê quán, gia đình. Nhưng, cũng đằng sau các cuộc chia ly, vẫn còn bày ra đó bao số phận lặng lẽ, đau đớn.

          Nhà thơ viết về một người phụ nữ, bước qua hai giai đoạn: chiến tranh và hòa bình, về hai thời điểm: thuở xuân sắc và tóc hoa râm, về hai hình ảnh: anh bộ đội xóm ngoàiđò ngang chị xuống mưa mau lạnh lùng, về hai cảnh đời: cảnh đời thường và cảnh ở chùa.

          Hoàng Thị Minh Khanh dựng lên một chân dung, ngày trước:   

                     Ngày xưa chị có một thời

          Hoa ghen sức thắm nụ cười nên duyên

                   Trai làng nhắm nhé bắn tin

          Yêu thầm trộm nhớ chị quên lối về

Một kiểu nói của Truyện Kiều: Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Nụ cười nên duyên ấy khiến bao trai làng: Yêu thầm trộm nhớ, khiến chị quên cả đường đi, lối về.

                   Thế rồi một buổi trăng thề

          Chị yêu người đã ra đi góc trời

                   Nhưng anh bộ đội xóm ngoài

          Không còn trở lại – mong hoài chị mong.

Yêu người đã ra đi và chị vẫn “mong hoài chị mong”. Mong và chờ. Mong và đợi. Biền biệt. Không trở lại. Bóng hình cũ vẫn ghi trong tâm khảm, không xóa nhòa. Năm tháng chồng lên năm tháng. Những canh khuya vò võ. Tiếng ai hát ru con vọng lên từng đêm. Với chị, vẫn còn một niềm tin, tin anh sẽ trở về:  

                   Mỏi mòn con mắt đợi chờ

          Chị tin anh –chẳng bao giờ mất nhau

Tháng ngày kế tiếp tháng ngày. Thời gian như nước xiết, thanh xuân đâu còn mãi. Chị đã “sang sông” và “mấy lần lỡ chuyến”. Chị đã mong chìa tay ra, muốn nắm lấy chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc đời lắm nỗi bi kịch. Những tưởng tìm một con đò, sống qua ngày đoạn tháng, nhưng nào được! Vì thế, những câu thơ khổ thứ tư như đúc kết một cuộc đời đầy oan nghiệt, chua cay. Không thấy số phận nào “long đong đến tận cùng” như chị. Một mối đồng cảm, đầy nghẹn ngào, cay xót nơi các dòng thơ: Nhưng rồi gió rụng tàu cau/ Đò ngang chị xuống mưa mau lạnh lùng /Đời long đong đến tận cùng / Số cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn.

Những hình ảnh “gió rụng tàu cau”, “mưa mau lạnh lùng”, “đời long đong”, “số cô đơn”, “vòng cô đơn” như sợi giây oan trái trói buộc người phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” này. Mấy chục năm xa quê, cứ nghĩ, chị đã tìm được bến bờ hạnh phúc. Không ngờ, giờ đây, cuối đời, không biết bám víu vào đâu, chị nương bóng cửa chùa, mượn tiếng mõ câu kinh, mong vơi dần nỗi khổ. Chao ôi, khuôn miệng lung linh một thời, này đây, thật chăng, chị đang tụng kinh với nỗi buồn khôn nguôi hắt lên nét mặt: Xa quê mất chục năm tròn / Em về thấy chị mặt buồn tụng kinh / Sững sờ-vẫn thấy chị xinh / Vẫn khuôn miệng ấy lung linh một thời.

          Ôi, những người phụ nữ sau thời kỳ im tiếng súng: Hồng nhan bạc mệnh ở đời / Em thương chị lắm nhưng rồi biết sao / Người đi bom đạn chiến hào / Chị về cắm một con sào đợi trông.

          Có thể nói, đằng sau câu chữ, người đọc nhận ra tấm lòng đôn hậu của nhà thơ đối với chị và bao người như chị, những người đã đi qua cuộc chiến tranh này.

          Cuối bài thơ, vẫn là tiếng gọi đò. Tiếng gọi đò ngân vọng, thăm thẳm buồn, thăm thẳm cô đơn, thăm thẳm phận người, lẫn trong tiếng kinh, phủ lên thời gian hun hút dài, từ thuở “hoa ghen sức thắm” đến “tóc đã hoa râm”, dằng dặc một đời người, một đời sông, mấy đời đò.

                             Bây giờ tóc đã hoa râm

                   Tụng kinh niệm Phật trăm năm gọi đò.

Bài thơ se thắt một nỗi buồn, làm xao xuyến người đọc. Chiến tranh tạo ra biết bao bi kịch, bên những vòng nguyệt quế, còn lắm vọng phu buồn, tê tái. 

                                                             HUỲNH VĂN HOA

                                                                   Tháng 2-2018

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây