Sống dậy trống cổ người Cơ Tu

Những chiếc trống cổ của người dân tộc Cơ Tu là nhạc cụ không thể thiếu trong mùa lễ hội của bà con đồng bào sống dọc dãy Trường Sơn, được già làng Ating Đhân (70 tuổi, thôn Prao, thị trấn Prao, Đông Giang, Quảng Nam) kỳ công chế tác và thẩm âm kỹ lượng.

Già Đhân là một trong số ít người còn biết cách làm trống cổ của người Cơ Tu ở huyện Đông Giang. Gặp già Đhân tại gian hàng của thị trấn Prao ở hội chợ giới thiệu nông sản vùng cao. Bên cạnh những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, điêu khắc, thổ cẩm là những chiếc trống của người Cơ Tu với nhiều kích cỡ khác nhau. Già Đhân thả hồn theo nhịp gõ của chiếc trống K’thu khiến du khách, người dân ai cũng dừng chân ghé thăm.

Gia lang Dhan ben chiec trong co cua nguoi Co Tu do gia che ta min - Sống dậy trống cổ người Cơ TuGià làng Đhân bên chiếc trống cổ của người Cơ Tu do già chế tác. Ảnh: Nguyễn Thành

Già Đhân kể, việc làm trống cổ truyền thống của đồng bào Cơ Tu được già bắt đầu phục hồi hơn chục năm trở lại đây. Mỗi năm già làm ra hàng chục chiếc trống cổ để cho bà con, các bản làng ai có nhu cầu thì đến lấy với giá rất hữu nghị. Các đơn vị, địa phương có nhu cầu trống lễ hội, trưng bày, giới thiệu hay làm quà biếu cũng đều tìm đến già đặt hàng.

Già Đhân chia sẻ, mấy năm trước thấy lễ hội truyền thống của bà con thiếu vắng trống cổ nên già rất trăn trở. Già lo lắng với nguy cơ thất truyền nghề làm trống của cộng đồng Cơ Tu. Sau những tháng năm miệt mài, cho đến bây giờ, số lượng trống mà già Đhân chế tác lên đến hơn 200 cái, góp mặt tại rất nhiều sự kiện hội làng, địa phương.

Để chế tác ra một chiếc trống cổ của người Cơ Tu mất rất nhiều công sức và thời gian. Trống của người Cơ Tu được chế tác từ thân gỗ thay vì ghép ván gỗ như ở dưới xuôi.

Ông AVô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, người Cơ Tu có nhiều lễ hội, nhiều nét văn hóa, truyền thống đặc sắc. Trong các dịp lễ hội, bên cạnh cồng chiêng thì tiếng trống là một phần linh hồn không thể thiếu. Không chỉ được sử dụng trong các lễ hội truyền thống, trống còn là “tín hiệu” riêng trong các cuộc họp làng hay sự kiện trọng đại của cộng đồng. Trống có thể dùng trong cả lễ hội, cưới hỏi hay tang ma bằng các thanh âm phù hợp với ngữ cảnh thực tế.

Theo già Đhân, người Cơ Tu thường chọn các loại gỗ nhẹ, bền, không mối mọt để làm trống. Thân gỗ được chọn làm trống được đục bỏ phần lõi bên trong, sau đó mang phơi khô để tăng độ bền và chắc chắn. Sau khi gỗ khô, hai đầu trống sẽ được căng da. Da bò được cố định và tiến hành căng bằng những sợ mây rừng bền chặt. Vừa căng dây trống già Đhân vừa kỹ lưỡng thẩm âm tiếng trống. Căng khi nào đúng chuẩn âm sắc trống truyền thống thì thôi.

“Có nhiều chiếc trống căng da, điều chỉnh được âm thanh đúng chuẩn, gõ lên tiếng trong, vang phải mất cả tuần mới xong”, già Đhân cho biết.

Vừa làm, già Đhân vừa truyền dạy nghề cho con cháu. Nhiều năm nay, căn nhà sàn ở cuối làng Prao trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút người trẻ tham quan, trải nghiệm cách làm trống cổ của già.

Ngoài già Đhân, ở Đông Giang còn một số nghệ nhân khác có khả năng chế tác trống như già Alăng Đợi, Alăng Blêu, Bh’riu Nga… giúp mở ra cơ hội vực dậy nghề truyền thống cha ông vốn đã gần như thất truyền.

Nguyễn Thành

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây