Sự bền bỉ, cần mẫn với văn chương của Tô Hoài

Sự bền bỉ, cần mẫn với văn chương của Tô Hoài - Văn Học - VSD

Sự bền bỉ, cần mẫn với văn chương của Tô Hoài

Vương Trí Nhàn

Khi người khác khen Tô Hoài viết nhanh, ông đáp lời: “Đời người ta chơi nhiều, dông dài nhiều, chứ ngồi viết có mất mấy thì giờ”.

Từ những năm mới bước vào nghề làm văn làm báo, tôi đã được nghe các bậc đàn anh ở tạp chí Văn nghệ quân đội cũng như đám bạn bè cùng tuổi kể nhiều về Tô Hoài, đại khái nói bằng ngôn ngữ của đường phố thì ai cũng kêu rằng đấy là một bậc “lõi đời”, dân làm nghề loại “bợm”, trình độ võ công thượng thặng bộc lộ ở chỗ lúc nào cũng nhẹ như không, có vẻ chẳng cần nỗ lực làm gì, chỉ nhởn nhơ, thoải mái mà công việc vẫn chạy đều đều.

Kể ra, nghề gì cũng vậy, có chăm chỉ mới sống nổi. Nghe nói ở nhiều nước phương Tây có những nhà văn viết bằng cách đọc vào máy, rồi có người gỡ băng, đánh máy lại. Sách ra ùn ùn. Nhưng ở ta cái thời văn chương điện tử ấy chưa tới, nghề văn đại khái vẫn là nghề thủ công, thành thử, sự chăm chỉ ở đây phải mang bộ mặt thô sơ của nó. Có tài cán đến mấy, mà không vào bàn, cũng không ra chữ – đấy là điều đã đúng với bao nhà văn khác, Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố, Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu.

Tuy nhiên, giữa bao nhiêu sự cần cù ấy, riêng lối chăm chỉ của Tô Hoài vẫn là lạ, là khác đời. Nó thành một nếp sinh hoạt hàng ngày. Nó bền. Nó kéo dài. Đôi khi nó công khai bày ra trước mọi người trong các buổi họp đến mức người ngoài trông chướng anh ách, song Tô Hoài vẫn không lấy làm điều, cứ cách của mình mà làm.

Vâng, quả thật là giữa một thế giới văn chương nửa nghiệp dư, nửa chuyên nghiệp, kết quả của một kiểu sống nửa cán bộ, nửa nghệ sĩ luôn luôn thấy những tuyên bố, những tranh cãi hão huyền, mà tác phẩm có chất lượng chẳng là bao, thì việc Tô Hoài cứ miệt mài viết cắm cổ viết, sách ra đều đều và bao giờ cũng có chút gì đó để người ta đọc như thế, bảo không lạ sao được!

Dường như nhà văn tìm thấy ở trong cái sự có mặt thường xuyên của mình một lẽ sống, và hơn nữa, một triết lý, nó nâng đỡ và hướng dẫn ông trong suốt cuộc sống.

Cuối năm 1969, tạp chí Tác phẩm mới ra đời. Từ chỗ chỉ có một tờ báo duy nhất là tờ Văn nghệ, nay Hội Nhà văn có thêm một cơ quan ngôn luận nữa, nên mọi người dễ để tâm lo liệu cho nó.

Tự tay Nguyễn Đình Thi đứng ra làm mấy số đầu. Rồi có dạo Hoàng Trung Thông đứng ra phụ trách. Nhưng hai người làm lâu nhất là Tô Hoài và Chế Lan Viên – hai ông theo lối luân phiên hết sáu tháng người này trực đến sáu tháng người kia trực. Biết tôi thích nghe chuyện Tô Hoài, anh bạn H. làm chân ét chuyên lo chạy bài cho phần phê bình kể:

– Cơ quan kéo nhau đi nghỉ ở Đồ Sơn ít ngày, trên đường về gặp nước lụt. Xe không đi được phải chờ. Trong lúc anh em ngồi tán phét, thì cụ Tô Hoài cụ ấy ngồi viết xong một kịch bản phim hoạt hình.

– Thì vẫn đến chơi với cơ quan, ông còn lạ gì, trở đi trở lại có cái phòng ấy, bàn tổng biên tập ngay cạnh bàn chúng tôi, đấy là nơi cụ ấy vừa tiếp khách, vừa viết tiểu thuyết.

Trở lên là chuyện tôi nghe được, còn đây là chuyện chính tôi chứng kiến: Một lần, ở Moskva, hôm trước vừa đi với Tô Hoài nghe ông kể định viết bài bút ký thế này thế này, hôm sau, trong điện thoại, đã nghe ông bảo rằng viết xong rồi!

– Ôi! Anh viết nhanh thế!

– Đời người ta chơi nhiều, dông dài nhiều, chứ ngồi viết có mất mấy thì giờ.

Một lần khác, có dịp sống cạnh Tô Hoài trong một chuyến đi công tác, tôi ngạc nhiên nhận thấy: Khi lấy kim chỉ ra khâu lại cái khuy áo với khi kỳ cạch chữa bản thảo cho kịp gửi về Hà Nội cũng vẫn cái dáng ông già cặm cụi ấy. Đoán ra tâm trạng tôi, ông cười, trông vừa láu lại vừa hiền:

– Thì mình chẳng đã viết đây đó rằng nghề văn xuôi giống như nghề của mấy anh thợ may là gì?

Một sự so sánh thuần tuý Việt Nam. Song mỗi lần nhớ tới nó, lại không khỏi liên hệ tới cách nói của một nhà văn Pháp còn đang sống, ông Le Clézio:

“Trở thành nhà văn có lẽ làm ta vướng víu. Nhưng viết văn là một nghề theo nghĩa cổ nhất của từ này. Khi nghĩ đến nhà văn, tôi nghĩ đến những quyển sách mà người ta truyền tay nhau đọc. Rồi tôi nghĩ ngay đến bút, giấy. Càng ngày càng khó tìm ra giấy đẹp, thứ giấy không trắng quá, nhưng lại thấm mực và khiến cho người ta thích viết…

Nhà văn là người mang những thói tật của người thợ thủ công mỹ nghệ, thợ làm đồ nữ trang. Một nghề nghiệp đòi hỏi phải thật khéo tay. Phải giải quyết những khó khăn trong việc và víu và lắp ráp như thợ chữa giày, chỉ khác ở chỗ giày thì người ta biết dùng để làm gì. Còn sách thì… tôi chưa chắc chắn lắm. Tuy nhiên, có những dân tộc không cần đi giày nhưng lại cần sách”.

Giữa các nhà văn Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân là một trong nhưng bậc thầy, một người sinh ra để viết văn, và nói như Nguyễn Minh Châu, thực sự là đã trở thành một định nghĩa về nhà nghệ sĩ.

Đi để viết, đọc để viết, kiểu gì Nguyễn Tuân cũng thiện nghệ cả. Chỉ có điều chính sự viết thì khi về già cụ Nguyễn lại dề dà, ngần ngại, hàng ngày có bao nhiêu điều dự định song cứ ấp ủ vậy, mà không viết ra nổi. Ở chỗ này, xem ra Tô Hoài có phần thực tế hơn. Hồi sinh thời Nguyễn, có lần tôi đánh bạo hỏi, thì được cụ trả lời:

– Mình làm việc có mê-tót gì đâu! Có mê-tót, phải là sừ Tô Hoài.

Tạm thời có thể quy cái mê-tót mà Tô Hoài theo đuổi, vào mấy điểm như thế này:

1. Đi đâu cũng viết, gặp cái gì cũng viết, viết đủ các thể loại – thể tài, không mảy may bỏ phí một chút gì. Chẳng những thế, tận dụng cái vốn sẵn có huy động nó đến cùng, để tạo nên hiệu quả tối đa.

2. Sống không cầu kỳ, nhất là không làm khổ mình bằng những thói quen có hại mà sống tất cả để viết.

Có thể phải viết cả một quyển sách, để nói về cái điểm thứ hai này, tức là sự sống nhẹ nhõm đơn giản của Tô Hoài. Ông dễ dàng tự thay đổi. Ông thích ứng nhanh. Ông thật hoạt.

Là người Hà Nội gốc, ông giữ được và ngày càng trau dồi cái bặt thiệp riêng, trong sự ăn uống, sự tiếp đãi khách khứa, ở đấy cái sành sỏi đã trở thành tự nhiên, và đứng đằng sau nó, là một nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ. Song chỗ hơn người của Tô Hoài là không bị những sành sỏi đó ràng buộc.

Vào một khách sạn sang trọng ông chuyện trò như một người ngày nào cũng đến, và rất biết người biết của. Song ngay sau đó, nếu phải ghé vào một quán hàng bên đường, chỉ có cái bánh nếp quả trứng luộc, ông cũng ăn uống ngon lành, và nếu như hôm sau có dịp lên các vùng cao, thì ông sống ngay được như đồng bào các dân tộc.

Khoảng cuối 1970, nhà văn Nguyễn Khải có dịp cùng với Tô Hoài qua New Delhi, dự hội nghị nhà văn Á Phi, trước và sau đó đều có ghé qua Moskva. Trong câu chuyện kể lại với chúng tôi ở Văn nghệ quân đội, Nguyễn Khải dành cho Tô Hoài một vai khá đẹp:

– Đến New Delhi, ông ấy cũng chỉ có bộ vét-tông tài chính cũ kỹ. Ấy thế nhưng tây nó lại thích, có mấy tay nhà văn Ấn Độ nổi tiếng, sách toàn được nhà Gallimard ở Pháp cho in mà trông cũng xuềnh xoàng như lão bán vải.

– Đi họp thời nay thể nào cũng phải có chuyện đấu đá một chút. Được cái Tô Hoài nói khôn lắm. Trước lúc thông qua cái văn kiện, ông ấy chỉ vừa cười vừa bảo với mấy tay Nga: “Làm thế nào để tôi có thể đi nữa thì làm”. Thế là tự họ thu xếp với nhau, khiến cho sứ quán mình cũng nghe được.

– À mà này, có biết ai đi tiễn Tô Hoài lần này không? Một ông phó mộc. Chả ông ta là phó mà Tô Hoài thì là trưởng ban đại biểu dân phố.

Bây giờ, quay trở lại cái điểm thứ nhất là sự cần mẫn của Tô Hoài trước trang giấy:

Ngay từ trước 1945, tác giả Dế mèn đã có truyện ngắn Hết một buổi chiều (viết ở Sài Gòn) trong đó ông chế giễu một anh nhà văn tập tọng, thích nổi tiếng, nhưng lại lười, lúc nào cũng chờ cảm hứng, rút cuộc chả viết được gì nên hồn.

Thực tế kiếm sống rèn cho Tô Hoài những thói quen khác. Trong ông, con người làm nghề hình thành với bộ mặt đa dạng: Có phía cả quyết, bám vào đó mà sống; có phía nhạy cảm, biết mình mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào, vậy phải viết về cái gì mới “ăn”; có tâm lý tự trọng, thái độ làm việc kỹ lưỡng, thông thạo mọi mẹo mực trong nghề, và hào hứng chấp nhận thử thách, muốn đóng góp thêm cho nghề; lại có phía ranh ma, biết tận dụng mọi thứ rơi vãi, làm hàng kỹ cũng được, làm hàng “xổi”, hàng chợ cũng không chối từ.

Sự đa dạng của tài năng Tô Hoài – hoặc nói rõ hơn, sự pha tạp của tài năng ấy – bắt nguồn từ một ý thức sâu xa: Đã gọi là làm nghề thì phải biết làm tất cả mọi việc trong nghề, đi từ điểm A (điểm đầu tiên) đến Z (điểm tận cùng) của nghề nghiệp.

Hình như không bao giờ Tô Hoài bí cái để viết. Ông lui tới giữa chữ nghĩa sách vở như người thợ mộc giữa đống gỗ, gỗ xấu gỗ tốt gỗ cứng gỗ mềm thế nào, rồi cũng sắp vào việc được.

Chuyện viết tạp của Tô Hoài, đã thành bản tính thứ hai của ngòi bút. Khi có thì giờ, ông viết tiểu thuyết. ít thì giờ hơn lo trông nom các tập truyện ngắn. Ngoài ra là bút ký đi đường, và mẩu truyện, là chân dung văn học và lời giới thiệu cho các tuyển tập, là vô số các bài điểm sách nho nhỏ, các bài dọn vườn, ý kiến ngắn hoặc lời cho truyện tranh thiếu nhi… tóm lại đủ thứ lỉnh kỉnh trong nghề làm báo, chỉ trừ có thơ, còn những gì thuộc lĩnh vực văn xuôi, Tô Hoài đều viết hết!

Nếu đã có lần trực tiếp biên tập một cuốn sách của Tô Hoài, người ta sẽ thấy nhà văn này có lối chăm sóc những gì đã viết ra một cách kỹ lưỡng và phải nói là tạo thành một thói quen đáng quý. Bản thảo thường viết trên giấy một mặt, chữ rất đều, dễ trông.

Với các truyện ngắn đã đăng báo, Tô Hoài dỡ ra, dán lại vào những tờ giấy một mặt. Gặp trường hợp truyện đã in ở một tạp chí, tức trải ra trên cả hai mặt giấy, thì hết một trang in, lại một trang viết tay, do tự tay Tô Hoài ngồi chép.

Lề của các trang bản thảo này thường được chừa khá rộng, những dấu đài lên đài xuống như những cái tua vằn vèo chi chít, lắm khi lại còn những đoạn lèo thêm bổ sung, kín cả mặt giấy. Dường như đã đọc lại, là Tô Hoài phải cầm bút và chữa vào đấy, không động đậy không yên tâm.

Mấy năm gần đây, khi các thứ đồ nghề văn phòng đa dạng hơn và bán ra nhiều hơn, Tô Hoài lại có cách chăm sóc bản thảo kiểu khác. Cát bụi chân ai, Mười năm, Hồi ký đều được chuyển cho cánh biên tập viên chúng tôi ở dạng bản thảo đánh máy sạch sẽ, được đóng lại bằng bìa mỏng gáy dán băng dính đâu vào đấy. Thế này thì tốn kém cho người viết quá – tôi thầm nghĩ.

Dường như đoán ra ý nghĩ của tôi, Tô Hoài bảo: “Quen thế mất rồi, có lỗ vốn cũng phải sửa sang cho cái bản thảo nó tươm tất một chút”.

Rộng hơn câu chuyện chăm chỉ, cần cù, ở đây hình như còn có vấn đề cách hiểu về nghề, cũng như sự điều chỉnh bản thân cho phù hợp với nghề. Và tất cả được làm một cách nhẹ nhàng, bởi đã thuần thục. Đến khi đã có được cái đạo viết trong người, thì viết bao nhiêu cũng không thấy ngại, càng viết lại càng muốn viết nữa. Viết là say và viết là tỉnh. Viết để ghi lại những gì đã sống, viết lại chính là sự sống nữa.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây