Tác giả Huỳnh Văn Hoa

Huỳnh Văn Hoa

 

Tác giả Huỳnh Văn Hoa

Huỳnh Văn Hoa làm thơ, viết văn từ hồi còn là học sinh trung học. Lĩnh vực mà anh bền bỉ theo đuổi và thành công nhất là lý luận phê bình văn học.
Học vị: Tiến sĩ ngữ văn.
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Đà Nẵng
Tác phẩm:
-Cảm nhận văn chương (Nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, 2002)
-Văn chương từ những góc nhìn (NXB Đà Nẵng, 2014)
-Từ những trang văn (NXB Hội Nhà văn, 2017).
Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài viết của anh.

                                                                                            vansudia.net

Màu sắc trong văn chương

Màu sắc là chất liệu không thể thiếu được trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là hội hoạ và văn học. Màu sắc tồn tại trong thế giới tự nhiên như mọi yếu tố vật chất khác. Trong đời sống, con người nhận thức màu sắc dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau. Bản thân là vật chất, thế nhưng, khi đi vào sáng tạo nghệ thuật, màu sắc lại mang sắc thái, bóng dáng riêng, tuỳ thuộc vào cảm quan hiện thực, vào nhân sinh quan, thế giới quan của người nghệ sĩ.
Như thời gian và không gian nghệ thuật, màu sắc là một tín hiệu phản ánh thế giới tâm hồn của chủ thể sáng tạo. Bất kì nghệ sĩ nào, khi tiếp nhận và đưa màu sắc vào thế giới nghệ thuật của mình, đều theo một cách riêng, dáng vẻ riêng.
Tập hợp bảng màu của một tác giả, một tác phẩm, ta có thể tìm ra những yếu tố về tư duy nghệ thuật của tác giả, tác phẩm đó trong một thời kì lịch sử nhất định. Màu đỏ trong thơ Tố Hữu là một ví dụ. Khi đi vào nghệ thuật, màu sắc không còn tồn tại như một yếu tố vật chất đơn thuần, mà nó gắn liền với đề tài, chủ đề, tư tưởng của một tác phẩm cụ thể, phản ánh cái nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ. Do vậy mà, từ màu sắc bên ngoài được phản ánh vào tác phẩm, ta có thể nhận ra màu sắc bên trong – màu sắc tâm hồn – của một nhà văn, nhà thơ.
Trong bảng màu của một tác giả, màu sắc xuất hiện cũng không đồng đều. Có thời kì, sắc màu này chiếm ưu thế, sang đến thời điểm khác, màu sắc khác lại trỗi vượt. Tất cả đều có lí do của nó.
Theo lí thuyết vật lí, Newton cho rằng ánh sáng mặt trời do 7 sắc cầu vồng tạo nên : đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Song ở nghệ thuật, cảm giác về màu sắc là một trong những cảm giác chủ quan nhất của con người. Nghĩa là, nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào sự cảm nhận của cá nhân nghệ sĩ. Nhưng nói vậy không có nghĩa là phủ nhận tác động của khách quan, đặc biệt là tác động của xã hội. Điều này cho thấy vì sao khi đi vào một tác phẩm hay một tác giả, ta lại bắt gặp nhiều điều khá lí thú.
Ở mỗi nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ có phong cách, đều có những cách nói rất lạ và độc đáo về màu sắc. Có cách nói chệch chuẩn, tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cao. Chẳng hạn, ở Truyện Kiều, Nguyễn Du nói các màu : màu quan tái, màu quan san, màu sương, màu thiền. Ở Chinh phụ ngâm, có màu kiêu hãnh, mào áo cưới, màu ẩn sĩ. Ở thơ Đoàn Phú Tứ có màu thời gian. Ở thơ Chế Lan Viên, có màu xứ sở, màu Tổ quốc, màu tà dương, màu rách xé, màu hoa lau, màu cuồng tín, màu liễu. Thực ra, đây là cách nói riêng về màu sắc, một cách nói đặc biệt của tác giả, nhằm tạo sắc thái biểu cảm cho hình tượng thơ.
Trong văn học Việt Nam, có những màu sắc thơ ca cổ điển dùng đến như tía, thắm (Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều) thì thơ ca hiện đại ít dùng. Ngược lại có những màu dễ tìm thấy trong thơ ca hiện đại như hồng, đỏ, vàng, thì chỉ có rải rác đó đây trong thơ ca cổ điển. Trong Chinh phụ ngâm, màu vàng : xuất hiện 5 lần, màu đỏ : 2 lần, màu hồng : 2 lần và trong Cung oán ngâm khúc, màu vàng : 4 lần, màu đỏ : không có, màu hồng : 6 lần. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận sau 1945 thì đậm đặc các màu này.
Bảng màu trong thơ ca cổ điển cũng đơn giản, ít đa dạng như bảng màu của thơ ca hiện đại :
– Chinh phụ ngâm : 9 màu – 27 lần xuất hiện.
– Truyện Kiều : 12 màu – 196 xuất hiện.
– Cung oán ngâm khúc : 11 màu – 31 lần xuất hiện.
– Thơ Tố Hữu : 19 màu – 564 lần xuất hiện.
– Thơ Chế Lan Viên : 17 màu – 917 xuất hiện.
Như đã nói, màu sắc trong nghệ thuật cũng biến đổi theo từng thời kì lịch sử, không nhất thành bất biến.
Trước Cách mạng tháng Tám, màu sắc trong tập Lửa thiêng không là nét độc sáng của Huy Cận. Cái hay của Lửa thiêng lại nằm ở thời gian và không gian nghệ thuật. Huy Cận có cái nhìn rất cá thể về thời khắc buổi chiều. Nói đúng hơn, nhà thơ đã cá thể hoá buổi chiều. Đó là những : chiều mồ côi, chiều quạnh quẽ, chiều vĩnh biệt, chiều hiu hiu, chiều tận thế, chiều đông tàn, chiều buồn Hà Nội, chiều buồn buồn, quán chiều, chợ chiều, buồn chiều …
Với Huy Cận, chiều là thời điểm của tâm trạng, của bâng khuâng xa vắng ngậm ngùi :

– Chiều ơi! hãy xuống thăm ta với
Thiên hạ lìa xa, đời trống không.
(Tâm sự)

– Non xanh ngây cả buồn chiều
(Thu rừng)
– Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy
(Vạn lí tình)

Ở Lửa Thiêng, Huy Cận có dùng màu sắc, song không có gì sáng tạo. Điều này hoàn toàn khác với những tập thơ sau này của ông. Trong các tập Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Những năm sáu mươi (1968), màu sắc rất tươi tắn, đậm đà, nhất là màu vàng.
Song, nếu nói màu sắc là một phương diện của cái nhìn nghệ thuật, thì trong thơ ca hiện đại, Chế Lan Viên là nhà thơ có bảng màu phong phú, độc đáo và sáng tạo nhất. Dường như ông rất có ý thức về việc sử dụng màu sắc trong thơ.
Ngay từ thời Điêu Tàn (1937), màu sắc đã là một trong những chất liệu tạo nên thế giới nghệ thuật riêng biệt của ông, so với thơ ca lãng mạn đương thời. Ông đứng riêng một cõi. Đúng như Hoài Thanh nhận xét : “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỉ hai mươi, nó (Điêu Tàn) đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật”. Điêu Tàn nói đến cõi âm giới và những xương, sọ, đầu lâu, mồ không, huyệt lạnh, tha ma, pháp trường và phủ lên đó một màu sắc tàn lụi, kinh dị. Các yếu tố này cộng hưởng với nhau làm cho Điêu Tàn chìm đắm trong bóng tối cô đơn, lạnh lẽo với những cơn mê sảng của tâm hồn, với những phù chú ảo thuật về ngôn từ, với những ánh sáng nhiều màu nhưng có phần xa lạ với cuộc đời. Trong 36 bài thơ, Chế Lan Viên sử dụng chín màu, chủ yếu trắng, xanh, đen mờ. Màu sắc ấy cùng với hình ảnh cõi chết, cõi xa xôi, sọ, xương, đầu lâu đã làm nên một thế giới đầy hư linh, ma quái.
Chế Lan Viên dựng lên dòng sông Linh hư ảo, xem đó như một biểu tượng của thời gian. Và trên dòng sông nhân chứng đó, ông cho sống lại những tà dương, nắng xế, những đêm mờ sương lạnh, những hồn ma lẩn tránh. Màu sắc đã cụ thể những đổ nát, những thành quách lâu đài, những ngàn lau sọ trắng, những tháp đổ gạch rơi và cả những chiều thẫm máu hồng … Trong cõi chiều tà, đêm sâu ấy, màu trắng là màu ghê rợn nhất, không gợi lên chút gì của tinh khiết trắng trong. Ta chỉ thấy: một khớp xương ma trắng rợn, nền giấy trắng như xưa trong bãi chém, thành sọ trắng của ma thiêng, não trắng rủ nhau tuôn.
Có thể nói, trước và sau Điêu tàn, văn học Việt Nam chưa có tác phẩm nào có cách nói về màu đầy lạ lùng và kinh dị như thế.

Sau 1945, ông từ giã thung lũng đau thương để bước ra cánh đồng vui, từ chân trời một người đến với chân trời tất cả, như nhà thơ nói. Chế Lan Viên chia tay với cái gia tài đồ sộ hàng triệu nỗi buồn để đến với Tổ quốc và nhân dân. Thoát ra khỏi cái tôi siêu hình, cái “thơ ăn mất hồn”, ông có những câu thơ đầy cảm động :

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

Con nhớ mế lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
(Tiếng hát con tàu)

Màu sắc trong thơ cũng từ đó chuyển hoá rõ rệt. Chế Lan Viên nói đến màu hồng với nhiều cung bậc khác nhau : tương lai hồng, sự sống hồng, đời hồng, thành phố hồng, cờ hồng và màu xanh cũng thế. Màu xanh của trời bể, của rừng núi, của quê hương, của tâm hồn. Đi ra bốn ô cửa cuộc đời, màu xanh thành tiếng hát, thành lộc biếc, thành bước chân quyến luyến, thành khát vọng giao hoà. Ở Ánh sáng và phù sa (1960), ông đã sử dụng màu xanh đến 57 lần. Các tập thơ sau cũng mang âm điệu ấy. Ông cũng nói nhiều đến màu trắng (154 lần), nhưng khác Điêu Tàn. Ở thơ Chế Lan Viên, màu trắng đã đi vào những ngõ ngách riêng tư của đời thường, của suy tưởng. Một làn mây trắng bay ngang cũng làm chạnh lòng thương nhớ, một mùi hương của hoa xoan nở trắng tháng ba cũng khiến lòng chùng lại, ngần ngại qua vườn, sợ mùi hương, sợ mùi hương … nhắc mình. Người đọc cũng khó quên hình ảnh : mây trắng – em – nỗi nhớ đan lồng vào nhau, gợi mãi không thôi. Hai phương trời chỉ một phong thư mây trắng :

Màu trắng là màu mây của em
Trắng trời anh lại nhớ em thêm
Em đi muôn dặm thư về chậm
Chỉ lấy màu mây trắng nhắn tin.
(Mây của em)

Đặc biệt, Chế Lan Viên có chùm thơ về hoa, đầy sắc màu lung linh : hoa súng hồng, hoa súng tím, hoa đại đỏ, hoa gạo son, hoa đào, hoa trắng đỏ, hoa mai vàng, hoa lau trắng … Nói như thi hào Goethe : “Hãy cho ta cảm thụ màu sắc theo cách riêng của ta” thì ý ấy rất hợp với chùm thơ về hoa. Đúng là ông đã cảm thụ màu sắc của hoa theo kiểu rất Chế Lan Viên.
Những năm cuối đời, nhất là những ngày nằm bệnh, ý thức sự hữu hạn của đời người, ông sợ quãng trắng, sợ cõi quên, Nhà thơ nói đến sắc trắng lặng thinh, mây trắng ngang trời hoài niệm, mây trắng thời gian. Ông muốn chống lại cái chết, cái con đường hun hút về vô tận (CLV) bằng sự có mặt của trang viết, song làm sao được! Thương thay!

Mùa xuân trong thơ Haiku

Cảm thức thiên nhiên của người Nhật là cảm thức về bốn mùa. Tình yêu thiên nhiên đồng nghĩa với tình yêu mùa. Điều này thể hiện rất rõ trong haiku của Nhật Bản. Hầu hết các tuyển tập haiku đều sắp xếp nội dung theo mùa. Haiku có mặt khá sớm trong lịch sử thơ ca xứ Phù Tang, chừng 700-800 năm trước. Song, phải đến giai đoạn từ thế kỷ XVI, haiku mới đạt độ viên mãn của nó.
Haiku là một trong những truyền thống nghệ thuật độc đáo, làm nên nét riêng của tâm hồn người Nhật. Thể thơ này, từ xa xưa, bắt nguồn từ một thể thơ ngắn, có 31 âm tiết, xếp theo thứ tự 5-7-5-7-7. Ba dòng đầu được xướng lên gọi là haiku, hai dòng tiếp là lối thơ “nối điệu”. Bài haiku cổ nhất, làm vào khoảng thế kỷ XIII là bài Sadaiye:
Cành đào rơi lả tả
Và cơn giông đã tới
Đuổi theo! (1)
Dần về sau, haiku cố định ở 17 chữ, theo lối 5-7-5.
Như đã nói, haiku là thế giới đầy ảo diệu về những điệu hồn của tâm tình người Nhật. Haiku là bức tranh thủy mặc mà độ nhòe của nó khiến cho người ta khó có một định nghĩa thống nhất về nó. Haiku ngắn về âm tiết hơn so với các thể thơ khác, vì thế, nó tập trung cao độ về trường liên tưởng và tính biểu cảm.
Haiku không bao giờ là bức tranh bày biện đầy đủ các chi tiết. Nằm trong vùng ảnh hưởng của nghệ thuật phương Đông, cũng như thơ Đường, tranh Tống, haiku chỉ là những nét chấm phá, gợi hơn là tả. Phần quan trọng của một bài haiku là dành cho người đọc tự bổ khuyết, tự chiêm nghiệm, tự phát triển những đường viền của tưởng tượng. Haiku đúng nghĩa với thể thơ “ý tại ngôn ngoại”, nghĩa tường minh là cơ sở, tạo đà cho nghĩa hàm ẩn. Nghĩa hàm ẩn mới là chỗ đến của haiku. Đó là sự ngân vọng của điệp trùng âm bậc. Vì vậy, tính chất mơ hồ, huyễn hoặc, khó nắm bắt… đã trở thành một lực hút của haiku. Song, cũng không vì vậy mà nó rơi vào bí hiểm, bất khả tri luận.
Haiku thường nói đến mùa. Nói một cách khác, mùa là đặc điểm nghệ thuật của haiku. Đối với người Nhật, các trục sau đã trở thành một nhất thể lý tưởng trong haiku:
Không gian – Thời gian – Con người
Thiên nhiên – Nghệ sĩ – Triết học
Trong các mùa, mùa xuân là mùa được các nhà thơ chọn làm thi liệu để đưa vào haiku. Điều này cũng không có gì lạ, là bởi, phương Đông cho đó là mùa khởi điểm của một năm.
Thiền sư Sogi (1421-1502) có vị trí đáng kể trong lịch sử thơ ca Nhật Bản. Dù tác phẩm mất mát nhiều, số còn lại không lớn, song thiên tài ấy vẫn chói sáng và lung linh kỳ ảo qua nhiều bài thơ. Hoa mơ trước vầng trăng của Sogi có những liên tưởng bất ngờ, chứa đầy ký ức của một tình yêu vẫn còn nồng nàn, đằm thắm:
Đêm xuống lạnh
Gối đầu lên cánh tay
Hương hoa mơ đầy
Gió mùa xuân vừa động
Lệ ứa màu trăng phai.
Bài thơ phảng phất ý vị của nghĩ suy, tình cảm của những người đang yêu. Mùa xuân về, trong cái lạnh của những ngày cuối đông, hoa mơ nở đầy, lắng nghe bước đi của thời gian, gối đầu lên tay, miên man nghĩ, nhìn trăng và lệ ứa.
Thực ra, ở phương Đông, trong đó có Việt Nam, các thiền sư vẫn quen làm thơ tình. Huyền Quang (1254-1334) thời nhà Trần là một ví dụ.

Nhiều bài haiku nói về mùa xuân, mỗi bài có dáng vẻ riêng. Moritake (1455-1549) là một tu sĩ thần đạo. Phần lớn những tác phẩm hay nhất của ông đều lấy cảm hứng từ Phật giáo. Cái nhìn tinh tế về nhịp điệu thời gian, về sắc độ ánh sáng, về cảm thức của con người trước vũ trụ được lấy ý tưởng từ một câu kinh “Một cái hoa rụng có thể trở lại cành của nó không?”. Chỉ một câu hỏi ấy thôi, nhưng đằng sau nó, là một thế giới:
Hoa đào rơi rụng
Trở lại cành xanh
Ồ, cánh bướm lung linh.
Và đến Basho (1644-1694), haiku đạt đến độ tuyệt hảo của nó. Là nhà thơ sống vào thời đại thái bình thịnh trị, đồng thời là một thi sĩ lớn, Basho để lại dấu ân khá đậm trong lịch sử thơ ca của Nhật Bản, được người đời sau tìm đến để nghiên cứu, thưởng thức. Suốt một đời, Basho hành hương qua các vùng miền của đất nước, thâu tóm những cảnh đẹp của quê hương, thức nhận đầy đủ hương sắc của bốn mùa.
Bài Xuân nhật đã làm nên chấn động của văn chương bằng bước nhảy bất ngờ của con ếch:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.
Nhiều bài viết đã bình luận về câu, chữ của bài thơ kỳ bí này. Tiếng động của nước do con ếch khuấy lên đã vang âm qua bao thời đại, bao xứ sở, cả đến bây giờ. Bài thơ gợi cho ta nhớ đến tiếng ếch trong bài thơ Sông Lấp của Tú Xương. Với bài Nguyên Đán, Basho viết:
Ngày đầu năm
Tư duy về cô tịch
Chiều thu.
Bài thơ viết vào ngày đầu năm nhưng cái cô tịch của chiều thu đã xuất lộ. Người ta cảm thấy ở Basho cái tĩnh mịch của vũ trụ mà với kinh nghiệm thiền quán mới có, đã làm nên cái nhìn về lẽ sống, về cõi phúc, sự tan hòa giữa nỗi cô đơn của con người và sự tịch liêu vời vợi của đất trời, thẳm sâu giữa ánh sáng và cát bụi, giữa mênh mông, hùng vĩ của thiên nhiên và tâm hồn của một hành giả đi tìm chân lý.
Có lần, khi viết về niềm vui của Basho, người ta có thể vẽ ra những con đường ông đã đi qua, những đền đài ông đã đến và trên bước chân phiêu lãng ấy, không hiếm kẻ đời sau cũng làm cuộc hành trình, mong tìm được những ngọn nguồn sáng tạo từ ông.
Basho có nhiều bài thơ xuân gắn với trăng non và mận trắng:
Hoa và trăng đã biện bày
Và xuân vợi nữa
Cũng phôi thai.
Hay:
Một nhành mận trắng trên lưng gương soi
Mùa xuân đến
Không ai hay.
Dường như là đối với người Nhật, từ kinh nghiệm và truyền thống đã nói rằng: Basho thấm nhuần sâu sắc tinh thân thiền, đến mức mà trong tất cả các câu thơ ông viết không bao giờ không thể hiện yếu tố đó.

Vào một ngày cuối xuân, theo Basho thuật lại, ông đã lên lầu Takadate, tòa lầu cao ngất, nơi người anh hùng dân tộc Nhật Yoshitsune và những người tùy tùng trung nghĩa cuối cùng đã bị sát hại, rồi nhìn xuống phía dưới. Dưới ấy, những đồng bằng với nội cỏ xanh ngắt, ông nghĩ về cuộc đời, về thời gian, về một vương triều và nhận ra rằng tất cả, tất cả chỉ còn lại là một vùng cỏ xanh rì, ngút ngàn phía trước. Basho ngồi xuống và than thở:
Dấu xưa xanh cỏ tháng hè
Tráng sĩ, tráng sĩ hề
Mộng lữ.
Basho là người đã đem lại sức sống bất diệt cho Haiku, là đạo sư của dòng thơ này. R.H.Blyth có nêu nhận xét: “ Nước Nhật sinh ra cùng với Basho vào năm 1644. Ông chính là người đã sáng tạo ra linh hồn của Nhật Bản”. Cũng chính vì vậy, Basho thống nhất các thành tố Đạo – Triết – Thơ.
Năm 1694, Basho qua đời. Cái chết cũng đẹp như cuộc đời ông, trên nửa cung đường của chuyến hành hương, giữa môn sinh và bằng hữu, ông ra đi.
Sodo (1641-1716) có một bài thơ xuân đậm chất triết luận:
Mùa xuân lều cỏ
Tuyệt không có gì
Không gì không có.
Không và có, phủ định với khẳng định, thiên nhiên, đất trời hòa hợp với con người.
Taniguchi Buson (1715-1783) là khuôn mặt lớn của haiku, sau Basho. Harold G. Henderson có nêu nhận xét: “Basho thì hiền hòa, minh triết và huyền ẩn, còn Buson thì thông minh, đa diện và tài tình” (theo Hài cú nhập môn – bản Tiếng Việt của Lê Thiện Dũng – NXB Trẻ – TP.HCM 2000- tr. 60).
Buson là thi sĩ của mùa xuân, với đề tài này, Buson có chừng 30 bài haiku. Ông rất mực tài hoa khi viết về mưa xuân. Mưa xuân gắn với tình yêu lứa đôi, hạnh phúc; với sắc hoa anh đào của một buổi sáng xuân; với chùa cổ nằm ẩn mình trong mưa xuân rắc hạt; với chú ếch phềnh bụng đón hạt mưa,…Buson không có khuynh hướng vươn đến cái huyền ảo như Basho, thay vào đó là không gian của mùi hương trần thế, âm thanh và màu sắc của mùa xuân pha với một thứ ánh sáng lung linh, trữ tình của hội họa.
Một khuôn mặt độc đáo khác, Kobayashi Issa (1763-1827). Ông cũng được yêu mến như Basho. Dường như ông sinh ra là để nếm trải những bất hạnh của trần ai, song cũng từ đó, những khúc bi ca đẹp nhất được ra đời, đi giữa tình yêu và Phật tính. Có một trái tim vĩ đại đằng sau những dòng thơ của Issa.
Một lần, ngỡ ngàng trước mùa xuân quê nhà, nơi sinh ra ông, nhà thơ đã xúc động, viết:
Lạ thay, lạ thay
Ngôi nhà thơ ấu ấy
Mùa xuân sớm hay.
Issa đưa mùa xuân vào thế giới haiku với cái nhìn thơ dại, với những sự vật tầm thường và bé mọn, gần gũi và khả ái, mặc dầu cuộc đời của ông có quá nhiều đau khổ. Có lúc, Issa phải thốt lên:
Ta bà một cõi đau
Cho dù mùa xuân đó
Đang nở những hoa đào.

Hay:
Bao lời chúc mừng
Mùa xuân tôi vẫn
Thường thường bậc trung.
Cuối đông, gần xuân, trong căn nhà không ánh sáng, bốn bề là tuyết trắng, Issa qua đời. Người ta tìm thấy bài thơ cuối cùng:
Muôn phần tri ân
Chăn giường tôi tuyết trắng
Từ Tịnh Độ rơi sang.
Qua bài thơ, ta thấy Issa nhìn tuyết trắng rơi trên tấm chăn đắp như một món quà của Tịnh Độ Niết Bàn. Và ông yên tâm về cõi vô thường, đúng với tinh thần một tín đồ của Tịnh Độ Chân tông. Có lẽ, với cuộc đời và suy nghĩ như vậy, hầu hết người Nhật đều yêu thơ Issa.

Thiên nhiên vốn là đề tài quen thuộc của thơ ca phương Đông, Nhật Bản cũng vậy. Mùa xuân đã làm nên nét riêng trong haiku, khiến bao đời nay, nhiều thế hệ đã tìm đến đây, đọc lại những tâm tình, lễ nghi tôn giáo của tâm hồn xứ Phù Tang.

—————————————————–
(1) Những câu thơ trong bài viết được trích từ :
– Hài cú nhập môn, NXB Trẻ, TPHCM, 2000.
– Văn học Nhật Bản, từ khởi thủy đến 1868, Nhật Chiêu, NXB Giáo dục, 2003.

Tôi đến mảnh đất này để vội vàng từ giã

Sergei Esenin là con chim họa mi của thi đàn Nga, cất tiếng hót đầy lay động và vội vã ra đi: Tôi đến mảnh đất này/ Để vội vàng từ giã. Tính đến ngày 28-12 năm nay (2015), Sergei Esenin mất đúng 90 năm. Sergei Esenin là gương mặt thơ ca độc đáo, có sức hút với nhiều độc giả Việt Nam, cũng là nhà thơ có số lượng dịch giả người Việt yêu mến và chuyển ngữ sang tiếng Việt nhiều nhất. Thơ S. Esenin được giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học, trung học tại Việt Nam.
Trong lịch sử văn chương thế giới, nền văn học Nga có một vị trí rất lớn. Đó là những tên tuổi như L. Tolstoi, F. Dostoievski. Gogol, Lermontov, Pouchkine, Tchekhov, Solokhov, Aitmatov, Evtouchenko, B.Paternak, M.Gorki, Maiacovski,… trong đó, nhà thơ Sergei Esenin, người được mệnh danh là “chiếc đại phong cầm mà tạo hóa sinh ra hoàn toàn cho thơ ca”, là một trong những nhà thơ được nhân dân Nga yêu quý nhất, có số lượng tác phẩm phát hành cao nhất, có lúc lên đến 12 triệu bản.
Sergei Esenin sinh ngày 3-10-1895 và mất ngày 28-12-1925, sống trên đời chỉ 30 năm. Ông là một nhà thơ trữ tình kiệt xuất của nền văn học Nga và thế giới.
Thời đại S. Esenin là thời đại bão táp và bi kịch. Nước Nga chìm trong chiến tranh, loạn lạc và chuyển mình sang xã hội mới.
Giờ đây, gần một thế kỷ ông về cõi vĩnh hằng, qua những thét gào của mọi cuộc cách mạng, người ta mới nhận ra rằng những gì S. Esenin để lại đầy âm vang của tâm hồn Nga, vẻ đẹp Nga, khát vọng Nga và cả nỗi buồn Nga. I. Ehrenburg nói, “Thơ chỉ cần thiết khi người ta buồn”. Văn chương và cuộc đời của S. Esenin là vậy.
Thơ S. Esenin lấp lánh những sắc màu kỳ diệu của thiên nhiên Nga và sâu lắng những cảm xúc tinh tế, dịu dàng, thân thiết.
Thiên nhiên kỳ diệu của nước Nga, dù trước đó, có nhiều nghệ sĩ đã viết, song, phải đợi đến S. Esenin mới thực sự được thể hiện trong những áng thơ tuyệt vời và bất tử.
Những rung động tế vi về một nước Nga xinh đẹp, tráng lệ, chập chùng dưới bầu trời mùa thu, với những thảo nguyên xanh ngắt, dạt dào cảm xúc được S. Esenin mô tả trong nhiều bài thơ. Nơi đó, có những cánh đồng đất đen trải ra vô tận và cũng hắt hiu buồn vô tận.
Nơi đó, có những cánh rừng bạch dương, tuyết trắng, có người nông dân chân chất, có khóm phúc bồn tử, hoa tử đinh hương, chiếc ấm xamôva và tiếng phong cầm thê thiết, dặt dìu những âm điệu da diết, nhớ nhung:
Tôi sẽ còn hát mãi giữa mênh mông
Để những bài ca về thảo nguyên bát ngát
Sẽ mãi ngân vang lảnh lót tiếng đồng.
(Gửi Pushkin, Tạ Phương dịch)
S. Esenin là nhà thơ yêu thương tận cùng và sâu thẳm về nước Nga. Trái tim của ông rung động, đa cảm, đa cảm đến nao lòng của một tâm hồn Nga thuần túy, trong sáng. A Blok đã không sai khi nhận xét Esenin là “nhà thơ của thiên nhiên”. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Cảnh và người của nông thôn trong thơ S. Esenin sống động đến kỳ lạ”.
Ông yêu làng quê, suốt đời gắn bó với thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi đó. Đây là một trong những biểu hiện đặc sắc của lòng yêu nước của nhà thơ.
Quả thật, Esenin là vị chúa tể của làng quê, của thiên nhiên Nga. Thiên nhiên trong thơ ông vừa giản dị vừa gần gũi, vừa sinh động nhưng cũng mang đậm chất triết lý sâu sắc:

Ôi, nếu như thiên thần lên tiếng gọi
“Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường
Tôi sẽ đáp: “Thiên đường xin để đấy”
Cho tôi xin ở cùng Tổ quốc yêu thương”
(Thúy Toàn dịch)

S. Esenin hay thầm gọi: “Ôi nước Nga thân thiết của tôi ơi”, “Ôi quê hương, ai quên tôi? Ai nhớ ?”, “Giống như trên bình nguyên Nga im ắng/ Tôi đi trong xao xác mờ sương”, “Ta ngừng lại bài ca về nước Nga xa thẳm”, “Ở nước Nga một miền đất xa xăm”. “Và ở đâu, và khi nào gặp lại/ Nước Nga ơi! Giá buốt đến bao giờ?”, “Ôi nước Nga vàng, hãy vang ngân réo rắt”,…
– Ôi nước Nga cánh đồng màu thắm đỏ
Và màu xanh ngả xuống giữa lòng sông
Tôi yêu đến sướng vui và đau khổ
Nỗi sầu thương, hồ nước trải mênh mông…
– Ôi nước Nga vàng, hãy vang ngân réo rắt
Ngọn cuồng phong hãy lay động xốn xang
(Thúy Toàn dịch)
Thơ Esenin có màu sắc tôn giáo, dễ thấm sâu trong tâm linh con người. Nhà thơ sinh trưởng trong một gia đình sùng đạo Chính thống giáo). Từ bé, Esenin đã theo bà ngoại đi lễ nhà thờ, hát thánh ca và thuộc nhiều thơ ca tôn giáo. Đọc Thư gửi Mẹ, tác phẩm từng được đưa vào chương trình Ngữ văn trung học phổ thông của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.
Thơ Esenin phóng khoáng, chân thành. Ông đón nhận Cách mạng tháng Mười bằng cách riêng của mình – của con người gắn bó sâu sắc với làng quê nông nghiệp – nhưng cũng đầy lo âu về nhịp độ công nghiệp, sợ phá vỡ đi nét thơ mộng của thiên nhiên Nga.
S. Esenin có những lúc bế tắc, bi quan, trầm cảm, nhất là vào những năm cuối đời. Điều này có ảnh hưởng rõ ràng đến những sáng tác vào các năm 1924, 1925 (Thư gửi mẹ, Đừng gọi con như tám năm về trước, Khu rừng nhỏ, Bông hoa nói cùng ta,…).
Ta có thể đọc được mọi vui buồn trên từng trang viết của nhà thơ về những ngôi nhà gỗ tuyết phủ trắng khi mùa đông đến, những cánh đồng ngập tràn ánh trăng trong mùa gặt, những dòng sông, ngọn núi, hàng cây, nơi ấy, luôn ánh lên thứ ánh sáng rực rỡ, đa sắc màu. Có một không gian nghệ thuật cứ đi đi về về trong nhiều bài thơ của S. Esenin.
Đó là trăng: “ánh trăng xao xuyến”, “ánh trăng ngà”, “mặt trăng rây những bọt sáng óng vàng”, “ trăng mênh mông rắc tuyết bột vàng rơi”, “trăng mù mờ hiu hắt”, “trăng lạnh chiếu mơ màng”, “ánh trăng khuya bàng bạc tận vô cùng”, “đêm đầy trăng ăm ắp”, “Khắp Si-ra đều tràn ngập ánh trăng”,… Vầng trăng này, như S. Esenin gọi, “ánh trăng lai láng lạnh lùng” (Xem Xecgây Alêcxandrôvich Exênhin, Một thế giới trữ tình, Việt Thương, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014). Trăng như người bạn tâm tình, theo với nhà thơ suốt những năm tháng đời người, cả vui lẫn buồn, cả đắng cay và hạnh phúc.
S. Esenin chết quá trẻ. Ông tự vẫn năm 30 tuổi. M. Gorki, trong một bức thư viết cho Romain Rolland, có nói: “Đời các nhà văn Nga rất dồi dào những tấn bi kịch, và trong trường hợp Esenin là một trong những tấn bi kịch bi đát” (Gorki, Bàn về văn học, tập II, NXB Văn học, HN 1965, trang 308). Thơ ông những năm cuối đời là những cảm xúc bùi ngùi, man mác, một nỗi buồn như vang ngân, như da diết về thơ và về đời.
Thơ S. Esenin được bạn đọc Việt Nam yêu thích. Dịch thơ ông đã có nhiều tên tuổi như Thúy Toàn, Xuân Diệu, Đào Xuân Quý, Tế Hanh, Bằng Việt, Thái Bá Tân, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang, Đoàn Minh Tuấn, Tạ Phương, Nguyệt Vũ, Nguyễn Viết Thắng, Việt Thương, hiếm có nhà thơ nào được yêu mến như S. Esenin.
Cuối đời, trước khi mất 3 ngày, S. Esenin viết một bài thơ ngắn, gọi là Tạm biệt, như sau:
Thôi chào nhé, bạn ơi chào nhé!
Bạn thân yêu, tôi mang bạn giữa lòng
Cuộc chia ly tự bao giờ định sẵn
Hơn một ngày tái ngộ chờ mong.

Thôi chào nhé, không một lời bịn rịn
Bạn thân yêu, xin bạn đừng buồn
Trên đời này, chết là điều chẳng mới
Nhưng sống thật tình cũng chẳng mới gì hơn!
(Anh Ngọc dịch)
Trong một bài thơ, S. Esenin đã viết những câu thơ buồn bã, vào độ thu sang:
Đêm nay, dưới trời sao vằng vặc
Có một chàng chăn cừu
Đã đến đây và khóc
Trăng tỏa bóng mênh mông
Một màu xanh huyền ảo…
(Anh Ngọc dịch)

Chàng chăn cừu S. Esenin, dưới ánh trăng bàng bạc của rừng cây bạch dương đã thổi khúc phong cầm “dịu dàng, thấm đẫm tình người” (I. Ehrenburg), Vì thế, đặc trưng cho giọng thơ S. Esenin là một nỗi buồn sâu lắng, “thứ thơ đó không phải là của riêng thời đại nó ra đời… Bởi vậy mà thơ Esenin chẳng bao giờ cũ” (I. Ehrenburg).

HVH

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây