Tác giả Nguyễn Khắc Phục

Nguyễn Khắc Phục

NGUYỄN KHẮC PHỤC
(1947 – 2016)

Sinh ngày 24 tháng Tám 1947 tại Sài Gòn
Quê quán: xã Nhang Cát, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định
Năm 1971, vào chiến trường Khu 5, cán bộ sáng tác của Tiểu ban Văn nghệ (Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ).
Nguyên Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1975).

Tác phẩm chính:

Vườn thầy Năm (kịch, 1972); Ăn cốm giữa sân (trường ca, 1973); Thành phố không bị chiếm (kịch, 1972); Học phí trả bằng máu (tiểu thuyết); Thành phố đứng đầu gió (tiểu thuyết); Khát vọng (tiểu thuyết); Điệp khúc hy vọng (tiểu thuyết); Giọt nước mắt cuối cùng (tiểu thuyết); Cuối xuân (tiểu thuyết); Hỗn độn (tiểu thuyết)…

Giải thưởng:

Giải thưởng Báo Văn Nghệ 1967 và Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1969 về Truyện ngắn; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, chuyên ngành Sân khấu năm 2007.

“HỌC PHÍ TRẢ BẰNG MÁU”

(Trích)


Đêm xuống, càng tới gần chợ Được, Phi càng cảm thấy mọi cái hình như không bình thường. Kể từ ánh trăng thượng tuần vốn nhợt nhạt, bỗng dưng phản chiếu xuống trảng cát mênh mông trắng xóa, lại lóe sáng một cách kì dị, thành từng mảng hình thù mông lung, chen lẫn với bóng những khóm dương liễu đen thẫm. Gió biển cũng vậy, không hiu hiu hay lồng lộng như thường lệ mà lại rít lên từng hồi dài. Mỗi lúc âm thanh của biển đêm càng giống tiếng tru tréo của những con vật la hoảng khi bị săn đuổi. Đồng cát triền miên không một bóng nhà, một ánh đèn, càng làm khung cảnh thêm hoang vắng.
Phi nắm chặt hai bàn tay, tự trấn an, giữ cho người mình khỏi run lên bần bật. Nhất định phải có cái gì đáng sợ lắm đã xảy ra nơi đây. Thật đáng ngại khi ta phải dấn thân vào một khoảng không gian hoàn toàn bí ẩn, chất chứa những tai họa bất ngờ.
Cái ấy là cái gì? Một đám phục kích? Một bẫy sập?
Tới chân cầu Bình Phục, Phi không kiên nhẫn nổi nữa, đột ngột dừng lại nói với Mười Lúa:
– Cô với em Phương ở đây, cháu phải xuống trước coi có chuyện chi không đã.
Phương vẫn đang ngủ gà gật trên lưng mẹ. Mười Lúa e ngại:
– Sắp tới nhà ông Ba chưa?
– Qua chợ Được rồi đi thêm ba cây nữa. – Phi chỉ tay về phía bên trái. Cô và em núp sau bụi dương kia đợi cháu. Cháu sẽ quay lại đón. Nếu đến sáng không thấy cháu quay lại, cô đừng đợi nữa. Cô cứ việc đón xe đò trở lại Giáng La!
– Tầm bậy. – Mười Lúa gắt khẽ. – Liệu chừng khó hung thì luôn đêm ni, cô cháu mình trở lui, ức chi mà cực rứa?
Thất vọng và lo ngại, Mười Lúa nói vậy, nhưng thâm tâm chị hiểu, về Giáng La là nạp con trai chị cho những kẻ đói máu Cộng sản!
Phi kiên quyết lắc đầu:
– Không, chú Quyên giao cho cháu đi chuyến này. Cô phải nghe cháu!
Mười Lúa ngẩn ngơ nhìn theo bóng cậu bé đang lủi thủi đi dưới ánh trăng rợn người. Mẹ con mình là gì của chú bé kia? Không bà con, không thân thuộc, không ơn nghĩa gì nhau đến nỗi buộc phải trả nghĩa, chỉ là người cùng làng Giáng La! Mình lấy quyền gì bắt buộc chú bé phải bỏ học, lặn lội đưa mình xuống vùng Đông nguy hiểm này?
Chị muốn lên tiếng gọi Phi quay lại, nhưng bóng chú bé chỉ còn ẩn hiện lờ mờ trong đêm gió hú…
Phi mừng thầm, trong chợ có ánh đèn. Vô lẽ dân chúng họp chợ đêm? Không phải ánh đèn rời rạc mà thắp thành từng dãy, dọc theo con đường xuyên qua chợ, xuống bến đò Bình Đào. Tới sát mép chợ, Phi nhìn những túp lều rõ hơn. Đó là khu dành riêng cho mấy bà hàng xén.
Chợ họp trật tự lạ lùng, im ắng và không có người qua, kẻ lại. Phi bắt đầu bối rối. Dù sao những ánh đèn cũng làm bóng trăng bớt lạnh lẽo. Phi bước mau hơn tới túp lều gần nhất. Cậu sững người, hình như có ai đang ngủ trên chiếc chõng tre đặt giữa lều chợ kia? Phải, người ấy nằm ngửa, đầu quay về phía ngọn đèn dầu đặt trên mấy hòn gạch chồng lên nhau, thành thử cậu không nhìn thấy rõ mặt.
Phi lạnh tê, đầu gối bủn rủn, hai tay bíu vội lấy cột chống lều chợ. Trời ơi, một xác người chết vàng ệch dưới ánh đèn lay lắt. Cậu dụi mắt lia lịa, tin sao được cảnh tượng hãi hùng kia là có thật? Chân chõng tre lại kê lên những chiếc mũ sắt lật ngược, đựng đầy nước, y như người ta kê chân những tủ đựng thức ăn để kiến khỏi bò lên…
Phi vùng chạy ra ngoài, mùi hôi thối bốc lên cuốn theo gió, bắt Phi trở về với cõi thực. Phi tiếp nhận thực tại phi lí ấy theo kiểu người mê sảng. Cậu tha thẩn chậm rãi ghé vào từng lều chợ, lều nào cũng chứa những xác chết đang thối rữa. Cậu nhòm mặt từng cái xác, đàn ông, đàn bà, người già, con nít… Đủ loại!
Phi quên bẵng mất, đây là đâu, cậu từ nơi nào đến, đến đây để làm gì, quên luôn mẹ con Mười Lúa đang đợi cậu dưới chân cầu Bình Phục. Cậu cũng không còn thấy ghê tởm mùi xác chết và ánh đèn vàng úa trên những hòn gạch vỡ nữa. Những người chết kia không lạ lẫm gì với cậu. Dường như cậu đã từng gặp họ ở Giáng La, dù đây là vùng Đông Thăng Bình, cách Giáng La của cậu đến ba chục cây số. Cậu lẩm nhẩm, môi khô khốc. Má đang nằm cạnh thằng áp út kìa. Trời ơi, Năm Thương và chú Bổn, ngực bị xăm nát, nằm úp mặt xuống chõng, bên cạnh đó là ông lão tóc bạc phơ bị thằng Đàm bắn chết, mái tóc bạc giờ đây đen xỉn lại vì bầy ruồi bu kín ăn máu đọng. Tự nhiên cậu nảy ra mối hi vọng mong manh. Rất có thể trong đống tử thi hỗn độn kia, có người chưa chết hẳn hay chỉ đang ngạt thở, nếu kịp thời kéo họ ra khỏi khu chợ chết hôi hám này, lấy nước tại bến đò Bình Đào rửa mặt cho họ, họ sẽ tỉnh lại.
À, đúng rồi, Phi chợt hiểu, con trai bà lão trong túp lều cuối thị trấn Hà Lam kia, may mắn hơn mọi người, anh kịp chạy về nhà, nằm vật ra mà chết trên chiếc chõng của mẹ mình!
Mười Lúa kinh hãi nhìn chú bé trở lại với bộ mặt của kẻ động kinh. Cậu vừa đi vừa lắc đầu dưới ánh trăng, miệng lảm nhảm:
– Cô Mười, dân Giáng La làm chi kéo xuống chợ Được, chết thối rữa trong những túp lều hàng xén. Mỗi xác chết có một cây đèn, cô có muốn nhìn xác chú Bổn không?
Mười Lúa không hiểu, đầu đuôi câu chuyện cậu vừa thuật lại. Nhưng khi chị chạm tay Phi, cậu giật mình, kêu lên:
– Đừng, cháu van cô, người cháu toàn mùi xác chết…
Nói xong Phi âm thầm rời khỏi con đường đất. Chân cậu bước lào xào trên cát và tâm trí cậu vẫn không nguôi những ám tượng đen tối khởi nguồn từ ngôi chợ ma.
Khẽ xốc con lên vai, Mười Lúa hoang mang bước theo chú bé.
Nó đi mô rứa. Bãi cát trống trơn, gió lạnh tanh luồn qua những đụn cát mấp mô. Phi bình tĩnh hơn. Trời, mình đã nhớ lại rồi, đứng từ nhà ông Ba nhìn ra, cây đa dù có vòm lá cong vồng lên. Và những buổi trưa đầy nắng, lũ trẻ xúm xít quanh gốc đa đánh tam cúc ăn bắp rang. Nhưng sao nó run rẩy thế kia? Hẳn nó cũng đang lạnh và lả xuống mặt nước lấp lánh. Ước gì được nhảy xuống bàu sen kia, lặn ngụp thỏa thích, tẩy bằng hết mùi hôi thối ngấm vào da thịt!
Phía trước vẫn im ắng, Mười Lúa nghe tiếng chân mình chậm chạp lê trong cát. Phi đã trấn tĩnh hơn, chệnh choạng men theo mép bàu sen…
Từ bàu sen xuống bến đò, phải đi dọc theo đường mương, nơi mười năm trước, người ta chết la liệt khi tàu bay Pháp ném bom xưởng dệt Ba Thư…, rồi mới đến bàu Đôi, bàu Chiếc. Nhà ông Ba Thư cạnh bàu Chiếc.
Phi quay lại nói như reo:
– Nhà ông Ba Thư kia rồi, để cháu vô trước!
Phi thận trọng, lợi dụng bóng những cây dương để dịch chuyển. Càng tới gần ngôi nhà, Phi càng cúi lom khom, rồi ép mình sát mặt đất, trườn tới…
Ba Thư hiểu, kẻ thù đang siết chặt vòng vây. Không phải thứ kẻ thù giai cấp chung chung. Trong xương tủy, ý nghĩ, Võ Trắc đã biến mối thù giai cấp thành mối tử thù riêng đối với ông. Nghĩa là Trắc sẽ huy động toàn bộ sức lực, trí tuệ, sự nanh nọc và nỗi khao khát thỏa mãn lòng đố kị của mình, vào cuộc trả thù này. Một là, khi ông ngồi tù Hội An, con gái quan phủ Thang bỏ ông lấy Trắc và số phận trớ trêu lại khiến ông lập trại ngay trước mũi tình địch. Hai là, khi Pháp ném bom xưởng dệt, người ta nghi thằng con cả Võ Trắc làm chỉ điểm. Thằng này bị tống giam trên Tiên Hội, được hai năm, nó chết bởi chứng sốt rét ác tính. Ba là, năm 1952, với tư cách Trưởng ban Kinh tế huyện, ông trực tiếp chỉ đạo việc truy tô, truy thuế nông nghiệp một loạt địa chủ. Võ Trắc điên cuồng chống lại, ông xin luôn lệnh bắt giam, giải Võ Trắc lên Tiên Hội.
Sau 23 tháng 10 năm 1955, ngày Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại bằng bầu cử gian lận, con trai thứ hai của Võ Trắc được đưa lên giữ chức quận trưởng Thăng Bình.
Trong bữa tiệc chào mừng sự kiện này do một số hệ phái Quốc dân đảng cánh Nam tổ chức, tân quận trưởng tuyên bố thẳng thừng:
“Tôi về đây cùng anh em lo diệt cộng. Những thằng nào, con nào trót theo Cộng sản, biết sợ thì xin chính quyền cho phép chạy vô Quy Nhơn, bám tàu ra Bắc, hoặc muốn ở lại với quốc gia, thì phải ra đầu thú. Chớ còn chống lại, tôi ra lệnh cho anh em thẳng tay giết chết. Riêng với Ba Thư thì hơi khác, số phận cả nhà nó trong tay tôi, tôi sẽ tỉa từng đứa, Ba Thư hân hạnh được chết sau cùng!”.
Lúc nghe các đồng chí thông báo nội dung sắt máu của bữa tiệc này, Ba Thư như thấy rõ mồn một trước mắt mình, nét mặt lạnh lùng của con trai Võ Trắc và nụ cười ngạo mạn của nó. Nhưng ông vẫn quyết định trụ lại. Trong trường hợp khác, ông có thể hành động do sĩ diện, tự ái. Nhưng trong trường hợp này, cả ông lẫn kẻ thù của ông, đều tính toán đường đi nước bước trên cơ sở phân tích tình thế một cách tàn nhẫn và khoa học, mọi khả năng, phương tiện tốt nhất đạt đến cái đích cuối cùng: ai thắng ai? Và cả hai phía đều tối kị việc để cảm tính chi phối mọi quyết định của mình.
Cân nhắc như vậy, ông cho rằng, ông trụ lại, cha con Võ Trắc sẽ bu vào ông, các đồng chí của ông hoạt động sẽ dễ dàng và an toàn hơn. Nhưng ông cũng trù tính, khả năng xấu nhất có thể xảy ra với mọi người và lũ trẻ trong trại Ba Thư…
Và tai họa đầu tiên giáng lên những người trong gia đình cụ Hương Thự, là cái chết của bà Năm Nhã, con gái cụ.
Ngay khi Lê Đình Duyên cùng lũ lâu la Quốc dân đảng hạ sơn từ căn cứ Mỹ Sơn – Duy Xuyên, xuống đồng bằng, cộng tác với tân chế độ, người ta thấy nhiều cán bộ, đảng viên Cộng sản trong vùng Mã Châu – Trung Lương, mất tích một cách bí hiểm. Đúng lúc đó, bà Năm Nhã lên cơn điên cố hữu của mình. Bình thường bà hiền lành nhu nhược, ít nói. Nhưng khi lên cơn, bà nói toàn chuyện lôi ruột, móc gan người khác. Và lần này, trong cơn điên của mình, bà nói toạc tên của kẻ giấu mặt trong bóng tối, chỉ điểm từng cán bộ, đảng viên cho tụi Lê Đình Duyên bí mật bắt cóc và thủ tiêu. Kẻ đó không ai khác, chính chồng bà. Bà không bao giờ tỉnh lại được nữa để lo sợ cho sự tiết lộ khủng khiếp của mình.
Một buổi sáng mờ sương, cả Mã Châu – Trung Lương bàng hoàng nghe tin: bà Năm Nhã treo cổ tự tử trong chuồng trâu nhà mình. Dân thường không dám đến tận nơi xem bà chết thê thảm ra sao. Nhưng họ hiểu ngay: bà Năm Nhã chết hai lần. Người ta bóp cổ bà trước khi treo cổ bà lên xà ngang chuồng trâu.
Cái chết của bà Năm Nhã làm cụ Hương Thự sụp đổ hoàn toàn. Người ta đồn rằng, từ khi ngã bệnh, cụ luôn luôn mê sảng và mỗi lần ánh mắt cụ chạm phải những trái cây đang đu đưa trên cành hiện ra, lọt qua khuôn cửa sổ, thì những trái ấy tự nhiên rớt xuống đất. Có lẽ những tia nhìn chứa chất sức mạnh căm hờn làm mắt cụ phồng lên và không bao giờ chịu nhắm lại nữa, ngay cả khi cụ tắt thở trên giường.
Một tuần lễ sau đám tang cụ Hương Thự (ông Ba Thư không thể về chịu tang cha), vào buổi hừng đông, ông choàng dậy nghe tiếng chó sủa loạn quanh nhà. Ông bước ra sân, thấy ngay bầy chó đang tranh nhau tha mấy cái đầu lâu. Chắc chúng đánh hơi ra những cái đầu bị vùi trong cát bỏng, bới cát, moi lên. Mặc dù đã bị giập nát, bùn đất bám đầy, gương mặt trên những cái đầu lâu đó vẫn làm ông kinh hãi cực độ. Đó là đầu các đồng chí trong Chi bộ Bình Triều, kể cả Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Nhận.
Qua bữa sau, Lệnh, con trai lớn của ông, đi học trên Hà Lam, về theo ngã Ngọc Phô. Tới cầu Tràng An, chính Võ Trắc chặn nó lại, hỏi:
– Mi, con Ba Thư phải không?
Thằng bé mười ba tuổi sợ cứng hàm, không trả lời nổi. Trắc hét lên:
– Xòe tay ra!
Lệnh run rẩy đưa tay. Trắc cười gằn:
– Tau gửi cho cha mi một dấu hiệu. Muốn sống, cha mi phải đến nhà tau, quỳ trước mặt vợ chồng tau, tau tha chết cho!
Nói xong, Trắc rút dao, kê tay thằng bé lên thành cầu sắt sơn đen.
Cớp!
Lưỡi dao chém xuống nháng lửa, ngón tay trỏ thằng bé rơi xuống sông, máu túa ra. Bọn dân vệ đứng cạnh rùng mình, vội ngó lơ chỗ khác.
Tự nhiên, con trai Ba Thư trở nên lì lợm, cắn chặt môi không cho tiếng khóc bật ra, mặc dù nước mắt giàn giụa trên mặt nó. Còn mặt Võ Trắc trắng bệch, nhăn nhúm.
Bà mẹ khóc không ra tiếng. Ba Thư lặng lẽ buộc thuốc cho con. Lệnh nghiến răng:
– Cha ơi, ngón tay này có mọc ra được nữa không?
Ba Thư lắc đầu. Lệnh nghiêm trang nói tiếp:
– Vậy thì con không bao giờ quên mặt Võ Trắc!
Tưởng thế đã tàn khốc lắm rồi, vậy mà khi xảy ra sự kiện chợ Được, ông vẫn phải choáng váng trước mức độ hung hãn, mọi rợ của kẻ thù.
Dân ba xã ven biển Bình Dương, Bình Đào, Bình Giang kéo lên quận biểu tình, đòi thi hành các điều khoản trong Hiệp định Genève. Vừa tới chợ Được thì gặp toán lính theo xe bọc thép từ Hà Lam tràn xuống. Con trai Võ Trắc đích thân ra lệnh cho lính Nùng và Bảo an đoàn, bắn xối xả vào đám người tay không. Tổ chức Đảng bí mật vận động bà con đặt xác những người chết trong các lều chợ, để chờ phái đoàn của Ủy ban Quốc tế đến chứng kiến tận mắt…
Ông không ngờ, vụ chợ Được báo hiệu hàng loạt những Vĩnh Trinh, Cây Cốc, Chiên Đàn ngay sau đó. Kẻ thù đánh phủ đầu, còn chúng ta chôn súng và…đấu tranh hợp pháp!
Ba Thư cay đắng nghĩ. Vô lẽ ngồi im chờ chúng thít cổ mình? Còn lũ trẻ, chị em Út Hà nữa. Liệu bữa nay chặt ngón tay thằng Lệnh, ngày mai, ngày mốt, ngày tê… cha con Võ Trắc có tha không chặt đầu chúng không?
Lại một cuộc trường kỳ. Đến lượt những đứa con nhập cuộc rồi đây. Phải cứu lấy lũ trẻ!

Sau cái chết của Bùi Bổn – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, kẻ thù càng o ép và chủ động tổ chức tấn công trên địa bàn quan trọng nhất nhì miền Trung này. Quảng Nam được chọn làm trọng điểm đánh phá Cộng sản và trong Quảng Nam, Điện Bàn được coi là trọng điểm số một. Trong Điện Bàn, vùng quanh chân núi Bồ Bồ, những Giáng La – Xuân Diệm – Sùng Công – Ái Mỹ – Chu Bái…, trở thành vùng tranh chấp ác liệt nhất.
Khu ủy 5 đặc biệt chú ý chỉ đạo và chi viện cho chiến trường Quảng Nam. Hồ Xuân được điều gấp từ cánh Nam ra, đảm nhiệm trọng trách Bí thư Tỉnh ủy. Trên đường trở về quê hương máu lửa, Hồ Xuân đóng vai một cố đạo đi theo thế hợp pháp. Còn Tư Hòa, một trong những đồng chí lãnh đạo Khu ủy 5, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, được Khu ủy phân công trực tiếp về Quảng Nam, chỉ đạo phong trào những năm đen tối này…
Hồ Xuân và Tư Hòa về đứng chân tại một đảng bộ trước kia có trên mười một ngàn đảng viên, nhưng lại quyết định chọn nhà mẹ Cộng, bên sông Chu Bái, làm địa điểm liên lạc đầu tiên. Mẹ chưa phải đảng viên, nhà nghèo nhất vùng, làm nghề đưa đò và mò cua bắt ốc nuôi hai con nhỏ.
Bữa gặp mặt Tư Hòa và Hồ Xuân, mẹ òa lên khóc:
– Tau đề tụi bay chết hết trơn rồi. Giờ tụi bay sống ri, Diệm làm chi nổi bà con mình!
Mẹ kể lể cho họ nghe tình hình địch tố cộng, rồi đột ngột mẹ hỏi:
– Tụi bay muốn ăn thịt gà không?
Họ biết mẹ vốn liếng chỉ còn lại một con gà mái duy nhất, với lại bụng dạ đâu mà lo chuyện ăn uống giữa lúc dầu sôi, lửa bỏng thế này. Tư Hòa dặn mẹ cách thức liên lạc với Mười Lúa và Phan Quyên xong, rồi nói:
– Còn chuyện ăn thịt gà, bữa sau tụi tui về hãy hay!
Mẹ mừng rỡ về ngay Giáng La gặp Mười Lúa, còn Phan Quyên bị bắt ngay trước đó. Ít ngày sau, Tư Hòa, Hồ Xuân xuống núi với ba chiến sĩ vũ trang, đến bến đò Chu Bái vào buổi tối. Giữa nhà mẹ Cộng có chiếc chõng tre với mâm cơm đậy lồng bàn chờ sẵn. Tư Hòa giở lồng bàn thấy mấy món xào nấu với thịt gà, chưa kịp trách móc, mẹ đã cất giọng khản đặc thều thào kể lại:
– Tụi bay ăn đi! Ba bữa nay tau đi khắp xóm than khóc, la lối đứa mô tham ăn bắt mất đi con gà độc nhất của tau. Rứa là tụi bay yên tâm ăn đi. Tụi nó không còn nghi ngờ khi tới củ soát, thấy mất gà trong chuồng nhà tau!
Mấy người ngồi lặng bên mâm cơm, nước mắt mặn chát lăn trên những gương mặt trơ xương, sạm đen nắng gió. Mẹ moi trong đống giẻ rách lấy ra hai thỏi vàng đưa cho Tư Hòa, giọng nghèn nghẹn:
– Trước khi chết, thằng Bổn đưa cho tau hai thỏi vàng ni và biểu: “Tài sản của Đảng chỉ còn lại chừng nớ. Tui tin bà nên giao cho bà giữ. Rủi tui có hy sinh bà chỉ được giao lại cho người thay tui làm Bí thư!”. Từ dạo nớ, tụi bay đi biệt. Chừ tụi bay biết đứa mô làm Bí thư Tỉnh ủy thì biểu tau, tau giao lại cho nó giữ. Để lại đây, rủi tụi nhỏ không biết, tưởng đồ chơi đem ra nghịch làm mất thì vong linh thằng Bổn sẽ oán tau không lo tròn bổn phận với Đảng!
Tư Hòa, Hồ Xuân đưa mắt nhìn nhau, rất nhanh, rồi ngầm đi tới một quyết định khác thường: Với mẹ Cộng không có gì phải bí mật.
Hồ Xuân nghiêm trang nói:
– Thưa mẹ, tôi được Đảng giao nhiệm vụ về thay anh Bổn. Thay mặt Tỉnh ủy, tôi giao nhiệm vụ cho mẹ tiếp tục gìn giữ vàng của Đảng!
Chưa nói xong nước mắt đã lưng tròng, Hồ Xuân sung sướng nghĩ thầm: Trên quê hương ta, Đảng đã hóa thân vào những cuộc đời thường của những người như mẹ Cộng; vì vậy Đảng là bất diệt!
Tình thế ngày càng bi đát, khốc liệt. Theo mức độ và nhịp điệu của các chiến dịch đánh phá cách mạng của địch, nhiều đảng bộ cơ sở báo về, số đảng viên chao đảo mất phương hướng, muốn bỏ chạy theo địch hoặc rời bỏ hàng ngũ, ngày càng tăng lên. Hoặc mới nhất, trước khi xuống núi gặp mẹ Cộng, Hồ Xuân và Tư Hòa nghe một người trong Thành ủy Đà Nẵng lên căn cứ, báo cáo về tình hình thành phố. Nếu không phải là người từng trải, lăn lộn từ những ngày khó khăn nhất của công tác Đảng, chắc chắn phải rút ra những kết luận như sau: Một là, đồng chí cán bộ ấy đã cố ý tô vẽ bức tranh sai lạc đầy màu sắc bi quan thất bại và đổ lỗi cho sự lãnh đạo của cấp trên. Hai là, phải tin rằng, địch đã chiếm được thế áp đảo, còn Đảng đã hầu như biến mất khỏi thành phố.
Dĩ nhiên, sau khi kết luận như vậy, với tư cách Bí thư Tỉnh ủy, Hồ Xuân có thể đề xuất những cách giải quyết:
– Một là, lên án một cách gay gắt, chấn chỉnh ý chí chiến đấu cho cán bộ Thành ủy ấy, rồi ra lệnh trở về, tung hết lực lượng còn lại vào những cuộc đọ sức phiêu lưu chỉ nhằm gây tiếng vang để Trung ương đánh giá cao Đảng bộ Quảng Nam, bất chấp mọi hậu quả tai hại cho sự nghiệp của Đảng, của dân.
– Hai là, tuyên bố, đồng chí ấy đã mất ý chí chiến đấu, nếu để quay lại hoạt động trong lòng địch thì nhất định đồng chí ấy sẽ đầu hàng địch. Bởi vậy, phải giữ đồng chí ấy ở lại căn cứ, thi hành kỷ luật nghiêm khắc, có dịp thuận lợi thì đưa đồng chí ấy ra Bắc. Nghĩa là kết án tử hình sinh mạng chính trị của một đồng chí, đồng thời làm rúng động những người ở lại. Và từ nay để đối phó với cách nhìn nhận và cách nghe (chỉ thích nhìn cái gì vừa mắt, chỉ thích nghe cái gì êm tai) của cấp trên, các cán bộ cơ sở khi báo cáo, sẽ lựa chọn những hình dung từ hay ho, đẹp đẽ nhất thay thế cho sự thật trần trụi, dữ dội.
– Ba là, tô thêm vào bức tranh vốn đã đen tối với Khu ủy, đề nghị cho rút toàn bộ đảng viên, cán bộ nòng cốt còn lại, lên núi xây dựng căn cứ biệt lập “trường kỳ mai phục” và “bàn giao đồng bằng cùng thành phố cho kẻ thù làm mưa làm gió!”.
Nhưng Hồ Xuân có cách nhìn, cách nghe của mình, nên đã không kết luận, cũng không đề xuất như những giả thiết trên. Đây cũng chính là điểm phân biệt giữa ông với Hoàng Ca, em trai ông. Hoàng Ca xốc vác, linh hoạt, nhiều sáng kiến, có khả năng tập hợp quần chúng, dễ nổi bật trong một tập thể lãnh đạo, nhưng lại thiên về cảm tính cực đoan. Còn Hồ Xuân đằm thắm và điềm tĩnh. Chất Đảng đã thấm vào huyết quản, chiều sâu tâm hồn và tư duy trong con người ông. Đừng bao giờ đi tìm nơi ông những sáng kiến đột xuất, tân kỳ. Ông biết lắng nghe mọi người (kể cả “nghe” kẻ thù) từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều động cơ khác nhau để lọc lấy tinh chất của sự kiện. Ông kiên quyết, khôn khéo trong đối sách chống kẻ thù, ôn hòa và tin cậy, khơi dậy nơi trí óc và trái tim đồng chí ông những ý nghĩ, tình cảm chân thực, trong sáng, giàu tính anh hùng và trí tuệ. Ông mẫn cảm lạ lùng với cái mới, ông ghê sợ sự dối trá và khuôn sáo.
Sống với ông một năm, người ta thấy ông quá chậm chạp, thận trọng. Sống với ông từ ba năm trở lên, người ta tìm thấy nơi ông một chỗ dựa…
Chiến đấu lâu dài với ông, kinh qua cùng ông những thử thách sống còn, người ta nhìn xuyên qua con người nhỏ nhắn, nho nhã, bình thản đó, để thấy ngọn lửa mạnh mẽ tỏa lan từ thương yêu, hy vọng và căm thù sâu sắc…
Cứ thế, ông sống hòa đồng cùng phong trào, đồng chí mà chẳng bao giờ trở thành một hiện tượng nổi bật hay trội vượt.
Chính vì vậy, ông kiên trì lắng nghe đồng chí cán bộ Thành ủy báo cáo (kể cả những lời than thở, đay nghiến người này, người nọ). Ông cảm nhận khá chính xác khuynh hướng ảm đạm trong báo cáo của người ấy. Ông quyết định không lẩn tránh sự thật tàn khốc về tổn thất của Đảng trong lòng Đà Nẵng, bằng cách khêu gợi người báo cáo, nhớ lại cả những chi tiết đau lòng, nhục nhã nữa. Các sự kiện tự nó xâu chuỗi thành những mắt xích liên tục và bỗng nhiên, ngay giữa dòng đen tối, bế tắc đó, lại lấp lánh những điểm sáng rải rác. Cái chính là, đánh giá cho đúng bản chất và triển vọng “đảo lộn thế cờ” của những điểm sáng đó. Chẳng hạn, ngay từ sự kiện đẫm máu ngày 01 tháng 8 năm 1954, địch khởi thế công quyết liệt và chủ động thật. Nhưng cạnh đó Đảng bộ Sông Đà lại trụ được sau thử thách này và tiếp tục hoạt động trong quần chúng ngư dân, những người sống bằng nghề chài lưới trên những khúc sông bao quanh Đà Nẵng. Sông nước không phải là một bàn đạp đứng chân sao? Trong khi hàng loạt bọn trở cờ, phản bội tập trung nhau tại sân vận động Chi Lăng xé cờ, chửi Đảng và thề thốt trung thành với gia đình họ Ngô – thì cái gì đang xảy ra ở xóm lao động Thạc Gián – Vĩnh Trung? Dường như đó là vùng tự do còn lại giữa lòng thành phố. Đêm ta, ngày địch. Tại đó vẫn tồn tại một chi bộ độc đảm với các đồng chí trung kiên nhất, âm thầm chiến đấu. Các em thiếu nhi vẫn tập hợp hát bài kháng chiến, đọc thơ Tố Hữu, chuyền tay sách toán của Hoàng Tụy (in rônêô từ vùng kháng chiến mang về thành). Trong khi địch triển khai rầm rộ các chiến dịch tố cộng, khiến cho gia đình, cha con, đồng chí, làng xóm tố giác, nghi kị lẫn nhau, thì trên sạp hàng của các chị tiểu thương vẫn lưu truyền những tập sách tiến bộ Tiếng nói dân nghèo, Tiếng nói miền Trung của nhóm trí thức Huế yêu nước… Cần đánh giá khách quan xem đến nay, quần chúng đa số thiên về ai? Chẳng lẽ những cuộc bãi công của công nhân bốc vác Đà Nẵng và công nhân hỏa xa đề pô xe lửa, đòi cải thiện đời sống và lương tháng mười ba, không cho ta một dấu hiệu để trả lời sao?
Cứ thế ông nghe, khêu gợi, rồi đặt những câu hỏi trực tiếp cho người cán bộ lãnh đạo Thành ủy. Người ấy tự mình bơi vượt khỏi dòng đen tối, bế tắc lúc nào không hay trong khi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó, cả chủ lẫn khách hào hứng bắt tay vào việc đúc kết tình hình và phác họa ra phương hướng đấu tranh của Thành ủy trong thời gian tới. Đảng bị tổn thất nặng nề, nhưng không thể bị đánh bật ra khỏi thành phố. Địch đang ở cao trào tấn công ở những mũi chính diện, chúng ta phải tạm thời đưa lực lượng ra khỏi những luồng hỏa lực mạnh nhất của địch để tránh thương vong đến mức tối đa, phân tán một bộ phận vào các hoạt động của Phật giáo, tranh thủ nắm lấy quần chúng, nghi trang cho mình, dĩ nhiên phải đề phòng thất thoát cán bộ do “lộng giả thành chơn”. Một bộ phận khác nếu có điều kiện ở những mức độ khác nhau, tham gia hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ, xã hội hợp pháp, tranh thủ những nhân sĩ, trí thức yêu nước, có những tổ chức biến tướng thích hợp để tập hợp dưới ngọn cờ yêu nước và hòa bình… Phải nắm ngay lấy cán bộ, đảng viên do địch khủng bố phải tạm lánh vào phía trong, đặc biệt tại Sài Gòn, tiếp tục quản lý, giáo dục, biến họ thành những hạt giống tốt cho cao trào cách mạng tiếp theo thời kỳ đen tối. Nhưng động lực cuối cùng có tính chất quyết định, vẫn là duy trì và phát triển phong trào Đà Nẵng… Nghĩa là phải xác định địa bàn đứng chân của Thành ủy Đà Nẵng trên các đất Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc, đặc biệt là Điện Bàn.
Tư Hòa theo dõi từ đầu tới cuối cuộc chuyện trò thân mật của Bí thư Tỉnh ủy với cán bộ của mình một cách đầy thích thú… Đôi khi ngước nhìn lên, bắt gặp nụ cười cởi mở, đôn hậu của lãnh đạo Khu ủy (răng hơi hô, miệng rộng thành ra Tư Hòa không bao giờ cười tủm tỉm, đã cười là cười thành tiếng thật vui), Hồ Xuân biết, Tư Hòa sẽ ủng hộ những quyết định của mình, bằng cách bổ sung, hoàn chỉnh vào đó những nhận xét sắc sảo, có tính tổng kết cao.
Giờ đây trước mặt bà mẹ giữ vàng cho Đảng, Hồ Xuân càng tin vào nhận xét và độ chính xác của sự suy nghĩ và quyết định của mình trên căn cứ. Đảng không bao giờ bị tiêu diệt trên mảnh đất có những bà mẹ như thế này!

N.K.P.

     
     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây