Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Năm (Sửu) bàn chuyNhà báo Phan Thanh Đà Hải

 

PHAN THANH ĐÀ HẢI

Nhà báo, Thạc sĩ, Kỹ sư Phan Thanh Đà Hải (bút danh Thanh Hải, Anh Dũng), sinh ngày 31 tháng 3 năm 1975 tại TP. Đà Nẵng. Chánh quán: xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Đơn vị công tác: Báo Tài nguyên & Môi trường
Địa chỉ nhà riêng: 32 Lê Lai, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0989.397.397
Email: [email protected]
          [email protected]

* Giải thưởng báo chí:

– Đạt giải Đặc biệt xuất sắc (giải cao nhất) giải “Báo chí về biển Đông” năm 2018 với loạt bài: “Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc”
– Đạt giải Khuyến khích giải Báo chí “Đà Nẵng – Thành phố môi trường” năm 2019 với loạt bài “Đô thị biển xanh”
– Đạt giải Ba giải Báo chí tuyên truyền về TP. Đà Nẵng: “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” năm 2020 với loạt bài “Khơi thông sông Cổ Cò, phát triển KT-XH vùng đô thị xứ Quảng”.

* Bằng khen:

– Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng năm 2012
– Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng năm 2007
– Huy hiệu “Kỷ niệm 10 năm ngày TP. Đà Nẵng giải phóng” do Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng năm 1985

H4 1 min - Tác giả Phan Thanh Đà Hải
Nhà báo Phan Thanh Đà Hải và Nhà văn, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế) trước mộ Thi sĩ Phạm Hầu (Nhà báo Phan Thanh Đà Hải gọi Thi sĩ Phạm Hầu là ông cậu)

Nói về Nhà báo Phan Thanh Đà Hải, Nhà báo – Nhà thơ Phương Tấn (Chủ biên tạp chí Sổ Tay Võ Thuật và tạp chí Ngôi Sao Võ Thuật) cho biết: “Nhà báo, Thạc sĩ, Kỹ sư Phan Thanh Đà Hải xuất thân không phải là dân báo chí, nhưng anh đến với báo chí như duyên nợ. Ban đầu chỉ viết báo cho thỏa niềm đam mê của tuổi trẻ, dần dần dấn thân vào nghiệp báo lúc nào không hay.

Từ thời sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phan Thanh Đà Hải đã có nhiều bài viết cộng tác cho nhiều báo Trung ương và địa phương. Nhưng bước ngoặt vào con đường làm báo chuyên nghiệp có lẽ bắt đầu từ khi nhà báo Phương Tấn – Chủ biên tạp chí Sổ Tay Võ Thuật (1992) và tạp chí Ngôi Sao Võ Thuật (1999) – mời anh làm đại diện cả hai tạp chí này tại miền Trung. Từng trưởng thành từ môn võ Taekwondo, nhưng anh không ngờ mình có quãng thời gian viết báo võ thuật dài như vậy, có lẽ “chất võ” đã ăn sâu vào con người anh. Anh viết báo võ thuật từ những bài thực phẩm dinh dưỡng, bài thuốc luyện võ, thuật trường sinh, giới thiệu môn phái, các hoạt động võ thuật đến những bài viết chuyên sâu về nghiên cứu võ thuật, những đòn thế chiến đấu, những kỳ tích của các bậc danh võ nổi tiếng… Cũng nhờ viết báo võ thuật mà anh được gặp nhiều võ sư nổi tiếng, được mời tham dự những trận đấu đài của các CLB, môn phái, được tham gia cùng các báo cứu trợ đồng bào bị lũ lụt…

Niềm đam mê viết báo về võ len lỏi trong tâm trí Phan Thanh Đà Hải đến tận ngày hôm nay. Hàng năm, cứ đến dịp Tết là anh lại viết nhiều bài về võ cho các báo, đặc biệt viết về võ con vật trong 12 con giáp của năm ấy. Nhiều người thân quen, nhất là “bà con” trong làng võ thường thân mật gọi Phan Thanh Đà Hải là “nhà báo võ””.

(trích trong sách: “Những người mở đường đưa Võ Việt ra Thế giới” song ngữ Việt – Anh của Nhà báo Phương Tấn, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ ấn hành năm 2014).

Năm 2021 – năm Tân Sửu, anh có các bài viết về võ Trâu đăng trên các báo, tạp chí. Bài viết: “Năm Sửu nói chuyện võ Trâu” đăng trên báo Nhà báo & Công luận Xuân Tân Sửu, bài viết: “Nói chuyện con Trâu trong văn học và võ học Việt Nam” đăng trên tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển Xuân 2021, bài viết: “Trâu trong võ thuật và tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung” đăng trên báo Công an Đà Nẵng Xuân Tân Sửu 2021.

Vansudia.net xin giới thiệu bài viết Năm Sửu (Trâu) bàn chuyện võ Trâu (Ngưu quyền) của Nhà báo Phan Thanh Đà Hải:

 

NĂM SỬU (TRÂU) BÀN CHUYỆN VÕ TRÂU (NGƯU QUYỀN)

Phan Thanh Đà Hải

Đặc trưng sức mạnh con Trâu là cặp sừng sắc nhọn và bộ móng to khỏe, nên Trâu cũng là nguồn cảm hứng cho các bậc danh võ đặt tên cho bài quyền, đòn thế cho môn phái mình. Nhân năm Sửu (Trâu) đôi dòng về võ Trâu – con vật rất gần gũi với đời sống con người.

Con Trâu trong Võ thuật Việt Nam

Con Trâu (Sửu) đứng thứ 2 trong 12 con giáp. 12 con vật được chia xếp thành 2 cực âm và dương, đứng đan xen nhau, trong đó Trâu (Sửu) thuộc âm.

Trong võ cổ truyền Việt Nam, bộ tay (thủ pháp) được sắp xếp theo một trật tự khoa học, hợp lý theo từng bộ, mỗi bộ đều có đầy đủ ngũ hành pháp cùng nguyên lý âm dương, khi vận dụng thì biến hóa vô cùng. Trong 6 bộ tay thường dùng trong võ cổ truyền thì bộ hùng chưởng (chưởng pháp) đáng chú ý nhất. Trong quyền thuật đòn đánh ra mau nhẹ nhất và chính xác nhất, có sức mạnh nhất mà lại biến hóa khó lường nhất chính là ở chỗ xuất chưởng,

H1 min - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Đại võ sư Tấn Vương (môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Lập bộ như tiền trong bài Kim ngưu quyền

Chưởng tức là bàn tay 5 ngón mở tự nhiên, các ngón co lại tự nhiên, và chia thành: chưởng tâm (lòng bàn tay) – chưởng căn (cùi tay) – chưởng bối (mu bàn tay) – chưởng hàm (sống bàn tay) – chưởng chỉ (ngón tay).

Trong võ thuật cổ truyền chưởng pháp được xếp thành bộ Thổ, tượng trưng cho đất mẹ, trung ương của Ngũ hành. Tính chất của Thổ nhu hòa tàng giữ hóa giải thích hợp cho những đòn thế hóa giải tấn công. Chưởng pháp được phân thành 18 kỹ thuật khác nhau do công dụng và tính chất khác biệt của đòn thế, giới võ thuật từ cổ xưa đã dùng mỹ từ đặt tên là “giáng long thập bát chưởng”. Trong thập bát chưởng, có thế chưởng Trâu mang tên Ngưu chưởng thăng đề dùng để đỡ nâng đòn tấn công của đối phương.

Roi Thái Sơn (còn gọi là Thái Sơn thảo pháp, Côn Thái Sơn hay Thái Sơn côn) là bài roi (côn) xuất xứ từ đất Bình Định, được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 1 của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1993 chọn là một trong bốn bài quốc võ đầu tiên (bao gồm: Hùng kê quyền, Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao và Roi Thái Sơn). Khác với một số bài như Lão hổ thượng sơnHùng kê quyềnYến phi quyền chỉ bắt chước tư thế hoặc lấy tinh thần của một loài vật làm căn cơ của bài, bài Roi Thái Sơn mô phỏng tư thế, động tác của tám con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hổ. Đây là một điểm hiếm thấy trong các bài danh võ. Các chiêu thức của bài, do biểu thị cả hình và ý của nhiều loài thú nên hết sức biến ảo, lúc tấn công thì ra đòn mạnh như vũ bão, lúc lui về thế thủ thì nhẹ nhàng, uyển chuyển, linh hoạt để né tránh. Rồi từ thế thủ chuyển sang thế tấn công ra đòn liên tiếp để hạ đối phương. Bài đặc trưng với những kỹ pháp tấn công như đâm, bắt, lắc, đả, kỹ thuật phòng thủ như triệt, chặn, khắc…

H2 min - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Trong lời thiệu bài Roi Thái Sơn có câu: “Si phong sậu võ ngưu khai giác/ Triệu Tử đoạt thuyền giá mã an” (si phong: ngọn gió dữ, sậu võ: lá buôn, ngưu khai giác: trâu mở sừng; Triệu Tử: danh tướng trong Tam Quốc chí, đoạt thuyền: tích cứu ấu chúa lần thứ hai bên Tôn Ngô). Nhưng khi đi vào thơ thì thật tuyệt, cổ nhân đã dịch ý như thế này: “Gió rung lá rung ồ ồ/ Sừng trâu mở rộng côn đồ chiến chinh/ Thuyền rồng giữa biển linh đinh/ Mã yên Triệu Tử đoạt thuyền thành công”. Đặc biệt là khi ngâm nga cùng lúc với diễn tập. Động tác hòa hợp với lời thơ thi vị vô cùng.

Trong bài Thảo bộ Thiền sư và bài Kim ngưu quyền có thế Kim ngưu chiếu giác.

Trong bài Kim kê quyền (theo tài liệu Môn phái Hoàng Vũ, TX. Điện Bàn, Quảng Nam) có thế Kim ngưu chuyển giác; trong bài Kim kê quyền (Theo tài liệu Võ thuật Tân Khánh Bà Trà) có thế Kim ngưu chi giác.

Từ ngàn xưa và cho mãi tận sau này, các thế hệ người Việt ghi tạc những kỳ công vĩ đại của Tổ tiên đã để lại cho hậu thế một kho tàng võ học đồ sộ, độc đáo, trong đó có trên mấy trăm bài “thiệu cổ” (nhiều bài đã và đang lưu truyền, một số bài vừa phát hiện và nhiều bài đã thất lạc, chưa tìm thấy).

Trong bài thiệu cổ: “Trực chỉ thảo pháp” có thế: “Đơn tấn thiết Ngưu thượng phi Bằng”, có nghĩa: “Tiến thế “chim Bằng bay lên”, rồi phóng thế “con Trâu sắt””. Trong bài thiệu cổ: “Trường kiếm thảo pháp” có thế: “Bạch Ngưu chuyển giác, hữu triền thiên thế”, có nghĩa: “Dùng thế “Trâu trắng xoay sừng bên phải”, để phá thế “triền thiên””. Trong bài thiệu cổ: “Song phũ thảo pháp” có thế: “Tứ chi khai Ngưu giác”, có nghĩa: “Rồi dùng cả bộ chân và bộ tay, để mở thế “Ngưu giác” (sừng trâu)”. Trong bài thiệu cổ: “Thái sơn thảo pháp” có thế: “Phi phong tẩu vũ khai Ngưu giác”, có nghĩa: ““Bay như gió”, “chạy như mưa sa” tiếp tục ra thế “sừng Trâu””. Trong bài thiệu cổ luyện tập các thế Thương – Côn có thế: “Biến ra “canh Ngưu” thế ấy rất hung”. Trong bài thiệu cổ Trường Côn thế pháp có thế: ““Bạch Ngưu” chuyển giác đâm ngang”.

Trong bài thiệu cổ về các đường thế tuyệt kỹ (rách mất đầu bài) có thế: “Đoạn thôi “Trâu” với “Rồng con”… Hiệu là “phục thổ”, ngọn thì “canh Ngưu”“Thiết Ngưu” thế ấy rõ ràng kinh bang… “Hóa Ngưu tọa địa” cao siêu đoạt hồn… “Thiết Ngưu” chuyển bộ hóa thành “xích phê”… Ấy là phép thế “Trâu vàng quần nhau”“Canh Ngưu” rồi lại “thiết Ngưu”; Hãy còn hai thế “bạch Ngưu”, “Phụng đầu”; “Bạch Ngưu” thế ấy cao sâu… Chuyển xoay từ thế “canh Ngưu”; Biến thành độc thế “thiết Ngưu” cao dày… Bật hữu “lưỡng đầu” đảo bộ “hắc Ngưu”…”.

Trong bài thiệu cổ hai mươi lăm thế võ chiến đấu có thế thứ mười một là Canh Ngưu (Trâu cày).

Trong Võ cổ truyền Việt Nam, các thế võ mang tên con Trâu (Ngưu) là: Bạch ngưu diệu giác (Trâu trắng lắc sừng), Độc ngưu đảo giác (trâu dữ đâm sừng), Huỳnh ngưu nghinh giác (Trâu vàng giương sừng), Ngưu vương trá bại (Trâu vàng giả thua), Lão ngưu độc giác (Sừng độc của trâu già)…

H3. Các thế võ con Trâu min - Tác giả Phan Thanh Đà HảiMột số thế võ mang tên con Trâu trong Võ cổ truyền Việt Nam

Kim Ngưu quyền, bài quyền quy định của Võ cổ truyền Việt Nam

Tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất tổ chức từ ngày 25/4 – 2/5/1993 tại Công viên Văn hoá Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh) đã quy tụ 23 đoàn, 50 Võ sư, Chuẩn võ sư. Hội nghị đã thảo luận về Quy chế chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền (LĐVTCT) Việt Nam và tuyển chọn các bài võ thống nhất dựa trên tinh hoa của các dòng võ, phái võ trong cả nước. Dịp này, Võ sư Trần Văn Đẩu (Lê Đẩu), Võ phái Bích Quang – Khánh Hòa (hiện đang định cư tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ) đã giới thiệu và chính ông thị phạm bài Kim Ngưu quyền tại hội nghị.

Hội nghị chuyên môn LĐVTCT toàn quốc lần thứ chín tổ chức từ ngày 27/12 – 28/12/2007 tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với 20 đoàn, 75 đại biểu về dự. Một lần nữa, Võ sư Đoàn Đức Phước, truyền nhân đời thứ tám Võ phái Bích Quang, trưởng Võ đường Bích Quang Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa, giới thiệu và đích thân thị phạm, được Hội nghị bình chọn là bài quy định LĐVTCT Việt Nam. Từ đó đến nay, bài Kim Ngưu quyền đã được tập luyện trong các lớp tập huấn chuyên môn toàn quốc tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam…

Võ phái Bích Quang là một trong những dòng Võ cổ truyền Việt Nam có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc, kết hợp với tinh hoa Võ Tây Sơn. Cố Đại sư phụ Lê Vũ (Lê Em) truyền dạy môn phái Bích Quang tại Nha Trang, Khánh Hòa từ năm 1963. Thế hệ đệ tử đời thứ bảy là những người nổi tiếng trong giới võ lâm Nha Trang như Lê Chi, Lê Hạng, Lê Thi, Lê Sửu, Lê Anh, Lê Đẩu (Trần Văn Đẩu), Lê Trang, Lê Hùng…, hiện nay Võ sư Đoàn Đức Phước, truyền nhân đời thứ tám, kế thừa tiếp tục phát triển.

Bài Kim Ngưu quyền có 22 câu thiệu gồm 64 chiêu thức, trong 100 động tác kỹ thuật, mang tính liên hoàn, phối hợp hài hòa giữa đòn thế với nhau. Khi thi triển bài quyền, có lúc cương, lúc nhu, khi cao, khi thấp, uyển chuyển nhưng dũng mãnh, đặc biệt là các thế lặn hụp, tránh né, sử dụng cùi chỏ để công thủ như đôi sừng trâu, mang tính chiến đấu đặc thù ấn tượng của Võ cổ truyền Việt Nam.

Lời thiệu Kim Ngưu quyền: “Lập tấn bái tổ/Tam bộ cung kính/Nhị bộ kính sư/Đồng tử khai quyền/Liệt địa đồ thành/Kim ngưu chiếu giác/Hường nghiệp dẫn thân/Lão tổ nghênh tân/Thiền sư tống khách/Tiên ông tọa thạch/Đồng tử đăng sơn/Hạn quyển song quyền/Thối khai lưỡng thủ/Tung thiên lập trụ/Hạ địa tầm châu/Đảo thế hắc hầu/Tùy cơ bạch hổ/Tung hoành ngũ lộ/Tấn hạng tam quan/Bạch hạc tầm giang/Kim kê độc lập/Lập bộ như tiền”.

Bài phú Kim Ngưu quyền: “Nằm trên mặt đất công thành/Trâu vàng liếc nhọn đôi sừng chiến chinh/Hường nghiệp thoăn thoắt đôi quyền/Lão tổ mến khách vội vàng bước lên/Thiền sư quyết tiễn khách đi/Tiên ông trở bộ về ngồi ngẫm suy/Đứa trẻ mở lối trèo non/Đôi quyền cuốn siết sách sao cho bằng/Lui về rạch mở đôi bên/Nhảy lên rơi xuống vững như cột đình/Điểm tay xuống đất tìm châu/Lui mình trở bộ thành hình khỉ đen/Bung ra cọp trắng vồ mồi/Dọc ngang năm hướng phá tan lũy đồn/Ba phen vượt ải công thành/Nhẹ nhàng như một cánh cò sang sông/
Gà vàng cất tiếng gáy vang/Trở về bái tổ là đường xưa nay”.

H4 min - Tác giả Phan Thanh Đà HảiLuyện tập Thiết ngưu công (Trâu sắt) là 1 trong 72 tuyệt kỷ Thiếu Lâm Tự

Con Trâu trong võ thuật Trung Quốc

Võ Thiếu Lâm là môn võ nổi tiếng ở Trung Quốc và trên Thế giới. Các bài quyền chủ yếu có Mai hoa quyền, La hán quyền, Hồng quyền, Trường quyền, Pháo quyền, Triêu dương quyền, Thất tinh quyền, Thông Bối quyền, Quan đông quyền, Trường hộ tâm ý môn quyền, Hộ thân lưu tinh quyền, Thanh long xuất hải quyền, Liên hoàn quyền, Tâm ý quyền, Nhu quyền… cho đến Ngũ hình quyền và Thập nhị hình quyền tức Thử (Chuột), Ngưu (Trâu), Thỏ, Khuyển (Chó), Áp (Vịt), Mã (Ngựa), Dương (Dê), Hầu (Khỉ), Trư (Lợn), Hà (Tôm), Ngư (Cá). Trong lúc luyện tập Thiếu Lâm quyền không bị trường địa hạn chế, nên có câu “Quyền đánh ở chỗ trâu nằm”.

Trong 72 tuyệt kỷ Thiếu Lâm Tự, có tuyệt kỷ mang tên Thiết ngưu công (Trâu sắt). Cách luyện tập như sau: Đầu tiên xuống Trung bình tấn dùng ngón tay và bàn tay đánh vào bụng, đồng thời dồn hơi xuống chịu lực rồi xoa mặt bụng. Sau thời gian không thấy đau thì dùng chùy gỗ rồi chùy sắt đánh vào. Sau cùng, đặt vật nặng trước bụng, nằm ngửa để luyện cứng bụng. Môn này có chỗ gần giống môn công phu Qui Bối Công luyện tập sức chịu đựng ở vùng lưng và 2 bên thắt lưng, dùng tay xoa vùng thắt lưng và lưng 360 vòng thuận nghịch (720 vòng) rồi dùng tay ấn và đánh vào, lâu ngày có thể dùng vật cứng như búa nhỏ gõ vào, bình thường khi không tập luyện thì nằm lưng trên vật cứng để tập sức chịu lực.

Dân tộc Thổ (Trung Quốc) là một dân tộc ít người sống tại vùng núi cao đèo thẳm giáp giới ba tỉnh Tương, Ngạc, Xuyên (tức Hồ Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên). Trong võ thuật Thổ gia có nhiều môn võ đặc biệt như: Bối ngưu công, Chàng thụ công, Đồn phong công… Tương truyền, có một chú bé chăn nghé, sớm tối vác nghé qua khe vượt đèo để chăn thả. Lâu ngày, nghé thành trâu đực nặng vượt ngàn cân (khoảng hơn 600 kg), nhưng chú mục đồng vẫn vác qua khe vượt đèo như cũ, do đó mới hình thành môn Bối ngưu công (công phu vác trâu).

Ở Trung Quốc, con Trâu được dùng để đặt tên môn phái như Quy ngưu quyền khởi nguồn ở Bình Giang (tỉnh Hồ Nam), phát triển mạnh ở tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.

PHAN THANH ĐÀ HẢI

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây