Con tàu ma dài tới 20 m, đáy phẳng như sà lan và có thể là báu vật quan trọng tiết lộ về thành đô Viminacium lừng danh của La Mã.
Theo Live Science, con tàu ma được phát hiện bởi những người khai thác than ở Serbia, ngay ở vùng biên giới cổ xưa của Đế chế La Mã.
Các nhà khảo cổ vẫn đang chờ kết quả xác định niên đại chính thức bằng đồng vị carbon phóng xạ, nhưng họ tin rằng nó thuộc về thế kỷ thứ III hoặc IV sau Công nguyên, tức ít nhất 1.700 tuổi.
Nhóm khai quật đang rất vất vả chạy đua với thời gian, bởi gỗ lâu năm khi lộ ra dưới ánh nắng chói chang có thể phân hủy cực kỳ nhanh chóng, khiến báu vật này bị hư hỏng cực nhanh. Họ đã phải tưới nước liên tục vào con tàu để giữ ẩm trong khi làm việc.
Xác tàu ma này có chiều dài lên đến 20 m, ngang 3,5 m, đáy phẳng như sà lan, khiến các nhà khảo cổ từ Viện Khảo cổ học của Serbia (trụ sở tại thủ đô Belgrade) tin rằng nó là một tàu chở hàng cỡ lớn.
Thiết kế của con tàu và vị trí nó nằm cho thấy trong quá khứ, nó có thể là tàu chở hàng đến thành đô Viminacium cách đó khoảng 1 dặm dọc theo sông Danube. Nó có thể hoạt động bằng cách kéo bằng dây bởi người trên bờ hoặc dùng mái chèo.
Không có tàn tích rõ ràng của buồm được tìm thấy, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng tàu này có buồm phụ, lợi dụng sức gió hỗ trợ khi điều kiện thuận lợi.
Việc nghiên cứu con tàu ma chỉ mới bắt đầu, nhưng các nhà khoa học tin rằng nó là kết nối quan trọng với Viminacium huyền thoại, một trung tâm thương mại – văn hóa quan trọng của khu vực.
Viminacium là một khu định cư kết hợp với pháo đài quân sự, thủ phủ của tỉnh biên giới Moesia Superior của Đế chế La Mã, với tận 45.000 dân, một con số khổng lồ vào thời điểm đó.
Thành đô này được dựng lên từ những năm đầu của thế kỷ thứ I sau Công nguyên, bị phá hủy bởi người Huns vào năm 411, những người đã chấm dứt sự cai trị của La Mã ở phần lớn châu Âu.
Vào đầu thế kỷ thứ VI, Viminacium được xây dựng lại bởi Justinian Đại đế của Đế chế Byzantine, nhưng rồi lại bị phá hủy vào cuối thế kỷ bởi cuộc xâm lược của người Avars từ thảo nguyên Á – Âu.