Tết Cây bông: nét văn hóa đặc biệt của người Thái

Tết Cây bông: nét văn hóa đặc biệt của người Thái
Mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ.

Tết Cây bông: nét văn hóa đặc biệt của người Thái

Lễ hội Siết Boọc Mạy (tết cây bông) là một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái mỗi độ tết đến, Xuân về.

Đây là nét sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái với mục đích bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vào ngày này, cộng đồng người Thái còn mời cả người Mường, người Kinh sinh sống trong làng bản đến dự lễ hội.

Thông qua các phần lễ tục như lễ cầu mưa, cày bừa đất để sản xuất, cấy lúa, gieo hạt… toàn bộ đời sống cổ truyền của người Thái sẽ được tái hiện. Sau phần lễ, thầy mo sẽ đánh một hồi chuông báo hiệu lễ hội thực sự được bắt đầu “rượu cần hơi men say, mừng lễ hội làng ta, khai hội mừng xuân mới”, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi, trò diễn sôi nổi như: Đánh mảng, nhảy sạp, ném còn và đặc biệt là hát múa dưới cây bông, trung tâm nhận được sự chú ý lớn nhất của lễ hội.

“Thân cây được làm bằng tre hoặc luồng, hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục. Bên cạnh đó, người dân cũng làm thêm các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất… Để làm một cây bông hoàn chỉnh thường mất khoảng 3 tháng” – Cô Hà Thị Dung (Thôn Mó 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) cho biết.

Số lượng tầng của cây bông sẽ tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà được làm 3, 5, 7, 9 hoặc 12 tầng nhưng hiện nay đa phần cây bông trong các lễ hội đều được làm 9 tầng. Mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ.

Cây bông được làm ra có thể bảo quản trong một vài năm, chỉ đến khi hư hại mới phải làm cây mới. Mỗi lần di chuyển, cây bông sẽ được tháo rời và bọc lại bảo quản cho đến năm tiếp theo. Đây là công đoạn chính để các thế hệ trước truyền lại nét văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.

“Đây là nét văn hóa để chúng tôi duy trì giữ lại truyền cho con cháu sau này để kế tục sự nghiệp, không để mất đi. Thường là kể gia truyền, kể chuyện ngày xưa, đồng thời thực hành để con cháu quen thuộc, kế tục. Các ông ngày xưa cổ kim để lại văn hóa dân tộc ngày xưa, các cháu phải cố gắng học hỏi đừng để mất đi, để sau này ông quy tiên có người kế tục” – Ông Đinh Xuân Nguyên, Trưởng bản Thôn Mó 1 (xã Cán Khê, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) chia sẻ

van hoa nguoi Thai min - Tết Cây bông: nét văn hóa đặc biệt của người TháiThông qua các chính sách hợp lý, văn hóa người Thái đã đến gần hơn với công chúng

Lưu giữ lại bản sắc dân tộc

Lễ hội sết Boọc Mạy trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái ở bản Mó 1. Sức sống của lễ hội này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, chính quyền tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh thành khác là nơi sinh sống của dân tộc Thái nói chung cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai nhiều chính sách giúp bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số.

Ngày 19/08/2021 vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký Quyết định số 2299/QÐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc. Đồng thời xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể các nội dung, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW.

“Để làm tốt công tác bảo tồn dân tộc, tôi cho rằng không ai khác ngoài chính chủ thể là các nghệ nhân dân gian, người dân địa phương bảo tồn. Hàng năm, chúng tôi có nhiều kế hoạch để làm tốt công tác bảo tồn, phục dựng các làn điệu dân ca dân vũ trên địa bàn tỉnh” – Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Theo bà Mai, cách tốt nhất để bảo tồn, phát huy các nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc chính là thông qua các nghệ nhân, những người nắm giữ linh hồn. Với sự thuần, hiểu biết về dân tộc mình, chính sự truyền dạy của các nghệ nhân sẽ giúp nét văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Điều này sẽ giúp cho con cháu đồng bào dân tộc Thái nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung luôn được bảo tồn, phục dựng và làm tốt công tác văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh” – bà Hương nói.

Trong thời gian tới đây, tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ tiếp tục tham dự Ngày hội dân tộc Dao tại Thái Nguyên, giúp cho văn hóa các dân tộc thiểu số tới gần hơn với công chúng.

“Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 7 dân tộc anh em gồm Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú sinh sống. Chúng tôi rất mong muốn Bộ VHTTDL tạo điều kiện để các dân tộc khác có cơ hội mang văn hóa, bản sắc của mình tới công chúng và quan tâm hơn trong công tác bảo tồn, như vậy có thể khích lệ các nghệ nhân mới tâm huyết hơn truyền dạy cho thế hệ trẻ” – bà Hương bày tỏ./.

Bạch Dương

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây