Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thi ca

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thi ca - Văn Học
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thỉnh chuông tại Làng Mai (Pháp), năm 2009. Ảnh: Plumvillage

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thi ca

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng sáng tác hàng trăm bài thơ với nhiều thi phẩm uyên áo về cuộc sống, tình yêu quê hương.

Thiền sư viên tịch để lại nhiều tiếc thương trong lòng công chúng. Hãng thông tấn Reuters dẫn cáo phó của tăng đoàn Làng Mai, gọi ông là một “nhà thơ, nhà hoạt động vì hòa bình”. Trong những di sản ông để lại cho đời có hàng trăm bài thơ, đa dạng thể loại, đề tài. Khi trả lời phỏng vấn với tác giả Mỹ Studs Terkel tháng 4/1971, ông nói: “Thơ là một phần của cuộc sống…”.

Thích Nhất Hạnh làm thơ khoảng năm 12 tuổi, khi còn là một chú tiểu. Ông đưa ngôn ngữ Phật học vào sáng tác. Trong bài viết A Buddhist Poet in Vietnam – trên tạp chí New York Review of Books số ra tháng 6/1966, thiền sư cho biết phần lớn thơ của ông mang chất “triết lý”. Một số bạn bè của Thích Nhất Hạnh cho rằng thơ ông có nhiều nét tương đồng sáng tác của Rabindranath Tagore – nhà thơ Ấn Độ, ít nhất là ở chỗ khó dịch sang tiếng Anh.

Thích Nhất Hạnh sáng tác nhiều thơ thiền, gửi gắm những triết lý về nhân sinh và cuộc đời. Ông có ba tập thơ thiền là Tích môn bản môn, Truyền đăng tục diệm, Nến ngọc. Ngoài ra, một số tác phẩm nằm rải rác trong cuốn Tiếng đập cánh loài chim lớn, Dấu chân trên cátThơ từng ôm và mặt trời từng hạt, Call me by my true names

call me by my true names thichnhathanh vansudia.net min - Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thi caCuốn “Call Me By My True Names” tuyển tập hơn 50 bài thơ phát hành tháng 8/2001

Mỗi bài thơ là sự kết hợp giữa trí tuệ và lòng từ bi dành cho cuộc đời, vạn vật. Từng câu chữ gợi cảm giác về sự giác ngộ, lặn sâu vào thế giới của tâm hồn nhưng cũng bay bổng, sảng khoái như “tiếng đập cánh loài chim lớn”. Người đọc có thể tìm thấy sự bình yên, vững chãi và niềm tin yêu về cuộc sống khi thưởng thức từng dòng thơ của thiền sư. Họ cũng có thể thấy lòng lắng lại với sự trăn trở, nhập thế của một người ưu tư khi bất công và sự bất hạnh vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống con người.

Bài thơ Tìm nhau là hành trình ông đến với Phật giáo – từ thuở thơ bé đến khi là nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của một số hãng tin nước ngoài. Tác phẩm biểu hiện đời sống nội tâm, phản chiếu sự thực về cuộc sống hàng ngày của ông.

“Con đã đi tìm Thế Tôn
Từ hồi còn ấu thơ
Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
Từ khi mới bắt đầu biết thở.

Con đã ruổi rong
Vạn nẻo đời hiểm trở
Đã từng đau khắc khoải
Với trăm thương ngàn nhớ
Trên bước đường hành hương”…

Trong buổi phỏng vấn với Oprah Winfrey hồi 2010, Thích Nhất Hạnh cho biết năm tám tuổi, lần đầu nhìn thấy hình ảnh Đức Phật trên sách báo, ông có cảm giác quen thuộc khó tả. Từ đó, ông dần nuôi giấc mộng tu hành. Năm 1942, khi mới 16 tuổi, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Khi sáng tác thơ thiền, ông dùng kinh nghiệm, nỗi đau khổ của bản thân. “Tôi viết bằng cuộc đời và sự luyện tập của chính mình, chứ không phải bằng trí tuệ hay nghiên cứu“, ông nói.

Padmapani ra đời năm 1974, trong lần dự hội nghị Tôn giáo với sự sống chung hòa bình ở Sri Lanka, ông được ghé thăm động Ajanta. Thiền sư ấn tượng với chân dung bồ tát Padmapani được vẽ trên vách đá rồi xuất khẩu thành thơ: “Bồ tát cầm đóa sen/ Dáng nghiêng trời nghệ thuật/ Trên cánh đồng sao mọc/ Nụ cười trăng mới lên”…

Bài Sinh tử gồm bốn câu, với hai từ sinh và tử được ông viết ngay trong hội nghị năm đó, là ẩn ý về sự sống và cái chết. “Sinh sinh, sinh tử sinh/ Tử sinh sinh tử sinh/ Tử sinh sinh, sinh tử/ Tử sinh tử, sinh sinh”.

Bài Thông điệp khai thác đề tài về vòng tuần hoàn của đời người với những câu từ:

“Trán tôi đã từng nhăn
và ưu tư của cuộc đời đã về ghi dấu chân nặng nề
trên khoảng trời mai ấy
nhưng trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại
hoa lá về trên nụ cười buông thả
vô tình xóa mờ những nếp nhăn đi
như mưa chiều nay xóa đi những dấu chân trên bãi vắng – qua một chu kỳ…”

Sáng tác này được Thích Nhất Hạnh dịch sang tiếng Anh khoảng năm 1965, sau đó được nhạc sĩ Donald Swann phổ nhạc và trình diễn tại Đại nhạc hội ở London, Anh tháng 3/1971. Tại Mỹ, bài hát được Richard Wunder trình diễn với phần đệm đàn dương cầm của Mary Ellen O’Neil trong sự kiện tại Salt Lake City năm 1976. Tác phẩm còn được Michele Chamant dịch ra tiếng Pháp và nhạc sĩ Graeme Allwright phổ nhạc, đưa vào CD Questions, trình diễn nhiều nơi.

Hơn bốn thập kỷ sống tại nước ngoài, tình yêu quê hương, đất nước được ông gửi gắm trong nhiều tác phẩmBướm bay vườn cải hoa vàng được sáng tác vào đầu tháng 11/1963 tại New York, là những hoài niệm của ông về quê hương, thuở còn bé ở bên mẹ. Đồng thời nhắc nhở trân trọng những gì tốt đẹp ở hiện tại.

“Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên giếng nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống”

Sinh thời, Thích Nhất Hạnh nói đây là một trong những bài thơ vui nhất của ông. Tác phẩm gửi gắm các giáo lý nhà Phật như: sống an lạc, thảnh thơi trong từng giây phút.

Hình ảnh hoa cải vàng cũng xuất hiện trong bài Bước lạc quê hương. Tại Phương Vân Am ở miền Đông Nam của Paris, ông có một khu vườn nhỏ trồng nhiều loại rau đặc trưng của Việt Nam như húng quế, tía tô, kinh giới, tần ô, cải vàng… Những lúc không bận, ông thường ra vườn nhổ cỏ, tưới nước, nhớ về quê hương.

Tôi về lật lại trang xưa được Thích Nhất Hạnh viết trong chuyến công tác năm 1971. Nơi đất khách, ông nhớ nhà, ao ước bữa cơm dưới trời mưa, ngửi thấy mùi hương lá tía tô thoang thoảng đâu đó… Ông chắp tay thành búp sen và cầu nguyện.

“những bức tường che gió sương
tạo thành một không gian góc ấm
lửa nến lung linh
cười nhẹ hương trầm ngày nguyên đán
một bữa cơm trời mưa
hương tía tô
thu tóm quê nhà sắc, hương, hơi thở”

Có lần, trong một chuyến đi, máy bay bị hỏng khiến ông phải ngồi đợi gần tám giờ đồng hồ. Ở sân bay, khi mọi người tranh thủ ngủ, ông nhìn ra cửa sổ thấy vầng mặt trời đỏ như máu. Đến lúc máy bay chuẩn bị cất cánh, mặt trời chuyển thành ánh trăng rất đỗi hiền dịu. Từ nguồn cảm hứng đó, ông nhớ về quê hương và viết Tịch tĩnh:

“Bàn tay nâng chiếc đũa người nghệ sĩ tài ba
Lừa vũ trụ âm thanh
Về ngưng tụ
Vào điểm không
Tịch tĩnh”…

Tờ San Francisco Chronicle viết: “Tâm trí trong sáng, tĩnh lặng của thiền sư làm nảy sinh những hình ảnh xuyên suốt hết lần này đến lần khác. Thích Nhất Hạnh là một nhà thơ tài năng vốn có. Chính những tác phẩm thơ này, hơn cả những bài luận hay bài giảng của ông, đã cho thấy Thích Nhất Hạnh rõ ràng là một nhà thiền học huyền bí”.

Hiểu Nhân

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây