Tôi ghếch súng vào ba lô định quay ra làm giấc ngủ thì Lượng đưa cho tôi một mảnh giấy:
– Cho Phượng xem thư của em mình vừa gửi xong.
Tôi giở ra, bức thư chỉ là một mảnh giấy nhỏ đã ố nước. Chữ nhòe hết già nửa. Chỉ còn đọc được mấy chữ đầu và vài dòng cuối cùng:
– Tôi bỏ thư xuống:
– Lâu nhỉ! Từ tháng Tám bây giờ mới tới nơi. Được tin nhà cũng yên bụng đấy nhỉ. Thế nào? Lượng có định về thăm nhà, thăm cô Chi nào đó không?
Lượng bỏ chiếc mũ nan, vuốt mái tóc xõa xuống trán, cười:
– Mình về rồi! Về trước khi thư này đến đây.
– Hồi nào nhỉ?
– Sau trận Đồng Khuy ở Đông Bắc, mình có công tác đi liên lạc với đội võ trang ngoài Hồng Quảng nên tiện thể ghé về nhà một buổi. Hơn bốn tháng rồi còn gì. Có buồn ngủ không, mình kể lại cho mà nghe, cũng nhiều cái rắc rối lắm cơ Phương ạ…
*
Tôi cõng ba lô, giắt hai quả lựu đạn, khoác một khẩu tiểu liên, lên đường về qua lối Mai Xiu. Mấy hôm ấy, mưa dờn dợt, mưa thối đất thối cát. Mưa trên rừng núi đáng lẽ buồn chết người đi được, nhưng trái lại, tôi thấy vui ghê, vì chắc chắn chuyến này thế nào cũng được rẽ qua nhà một tý. Anh tính ba năm rồi còn gì…
Quần xắn móng lợn, áo tơi lá cuốn tròn, chiếc gậy song cầm chắc trong tay, thế là cứ đi phăng phăng. Đường trơn thế mà không ngã cái nào cả, chỉ mong bay ngay về để được trông thấy ông cụ, bà cụ, chú Lân và Chi… người yêu của tôi.
Cứ một mình xuyên rừng, qua suối, đi miết hơn một ngày mới về tới Mai Xiu. Vết tích cuộc nhảy dù càn quét vẫn còn. Nhà cửa cháy trụi, trâu bò, người chết ngổn ngang. Trận Đồng Khuy chính tay tôi đâm sáu tên giặc, đốt cháy ba nóc nhà như không, mà về đây tôi thấy lạnh người. Tôi lại sực nhớ tới Đông Triều, quê cũ. Một người bạn cho biết hồi đầu hè: Đông Triều tan tác, điêu linh lắm! Giặc tàn phá không còn thương một búi cỏ. Làng tôi cũng bị đốt ra tro. Nhưng gia đình tôi vẫn toàn vẹn. Chi vẫn chờ tôi.
Cái đau đớn vì quê hương bị tàn phá, thêm cái vui vì gia đình bình yên càng làm cho tôi sốt ruột, muốn về cho chóng. Trời càng mưa tôi càng đi khỏe đến nỗi ngã như chôn vùi.
Thế rồi tôi vượt Mai Xiu, sang Huyền Bồ, núi vẫn ngút ngàn rậm rạp. Đường đi tắt, nhỏ teo hoang vu. Cỏ dại cao chấm rốn. Tôi vẫn đi miết không mỏi. Không khí ở đây đã thấy nhè nhẹ. Thoáng thoáng gió bể. Chao ôi! Đông Triều… Hòn Gai…
Đêm ấy, tôi bắt buộc phải qua mấy làng tề, sát nách một vị trí địch.
Đêm tối bưng, lạnh buốt. Gió bấc hun hút. Phải vượt qua con sông Cầu, giặc đã gác kín.
Tối, sông nhỏ nom cũng thành mênh mông. Ngại ngùng thật. Tôi tắc lưỡi. Đồng Khuy cũng chẳng coi mùi, nữa là… Thế là Sten, lựu đạn, quần áo buộc lên đầu, tôi khẽ rẽ lau lội xuống. Nước rào rào. Ngại quá. Đèn trên đồn đỏ nhuộm như ứa máu. Tôi bơi đứng, cố đạp nhanh sang bên bờ. Chợt nghe đằng sau cũng có tiếng nước oàm oạp. Ngoảnh lại thấy hai bóng người đang bơi theo. Thôi chết rồi! Đúng là tụi giặc đuổi theo rồi. Đời tôi có lẽ tàn ở đây chắc? Tôi nghiến răng, bao nhiêu sức đổ ra hết, đạp phăng phăng. Đến bãi cát, mệt quá, tôi lảo đảo ngồi bệt xuống. Hai bóng người cũng vừa nhoài lên. Tôi lặng rút tiểu liên lên đạn, từ từ đưa lên ngang sườn… Một giọng đàn bà:
– Ai?
Tôi dằn từng tiếng:
– Giơ tay lên! Tiến lại gần đây!
Dưới ánh sao lờ mờ, tôi nhận ra hai người quen quen.
– Trời! Ai như anh Lượng?
Tôi nhận ra rồi:
– Ồ! Chị Thu, chị Viên.
Đây là hai chị cán bộ của Đông Triều khi trước. Họ ra hiệu cho tôi nói khẽ rồi chỉ tay về phía ga. Tôi hiểu ý, khoác vội chiếc áo, xách súng rảo cẳng theo hai người về phía một tòa miếu sát dãy núi đá.
Chúng tôi vào một khu vườn rậm. Lâu lắm tôi mới gặp Thu, Viên. Ngày trước, họ là hai thanh nữ đẹp có tiếng trong vùng. Bây giờ, họ đã có vẻ điềm đạm, một nét nhăn mờ trên má.
Thu, Viên vẫn hoạt động cho đoàn thể! Cơ sở phụ nữ, du kích, các đoàn thể cứu quốc của Đông Triều bây giờ vững lắm rồi.
– Đông Triều hồi trước xui xơ, khốn đốn thật. Dân ăn cháo, ăn bẹ để kháng chiến. Nhiều lúc khốn khó, tưởng chừng có thể tan vỡ. Nhưng bây giờ Đông Triều cứng cáp lắm rồi, anh Lượng ạ! Đông Triều đang sẵn sàng chờ các anh về. Đông Triều đang giằng co với giặc, chống khủng bố, càn quét. Chính quyền bù nhìn của giặc không sao đặt nổi. Nhiều làng vẫn kháng chiến mạnh mẽ, chẳng hạn như làng anh…
Tôi bó gối ngồi nghe giọng nói ấm áp của Viên, thấy lòng nhẹ hẳn. “Đông Triều bây giờ cứng cáp lắm rồi… Nhiều làng vẫn kháng chiến mạnh mẽ, chẳng hạn như làng anh…”
Tôi nhớ lại ngày theo bộ đội tới Đông Triều lên Việt Bắc, tôi đã phải ứa nước mắt nhìn lại Đông Triều.
Tôi quay hỏi Viên, Thu:
– Các chị có biết tin gì về nhà tôi không nhỉ?
Thu lắc đầu nhìn xa xôi:
– Cũng đã lâu không sang bên đó, không rõ lắm! Chỉ biết đại khái là các cụ, chú Lân vẫn mạnh. Còn Chi…
Tôi nín thở.
– Còn Chi, tôi nói anh phải bình tĩnh mà nghe nhé. Chi bị Pháp bắt, làm ô uế, rồi thả về. Và từ đó Chi cũng bắt đầu tích cực hoạt động. Bây giờ Chi là một cán bộ phụ vận của liên xã… – Thu ngập ngừng – … Chi nó không muốn bao giờ gặp anh nữa vì… Nhưng mà kể ra thì con bé cũng “gì” quá.
Tôi bàng hoàng, lặng đi, nhưng rồi trấn tĩnh được ngay, sờ tay chỉ thấy mồ hôi trán nhơm nhớp. Thế mới biết cảm giác của người lính thành trai cũng là một điều hay thực.
Tôi lảng sang chuyện khác:
– Nội đêm nay tôi phải về tới nhà, mà đường lối tắt không quen lắm. Hai chị nếu có thể cùng đi…
Thu, Viên gật đầu. Về khuya sao càng sáng lạnh, xanh biếc, lấp lánh. Nhìn lên buồn buồn. Bỗng có tiếng quát tháo ngoài cửa miếu. Rồi ba phát súng nổ giòn. Giặc đến vây rồi! Thu, Viên cuống lên. Tôi lẳng lặng xách súng đứng dậy ra hiệu cho họ đi theo. Chúng tôi rẽ đám cây luồn ra để chạy lên núi, thì một tràng thompson rít qua đầu, chiếc mũ nan chồm lên, chực bay xuống.
– Chúng nó kia kìa! Có ra không? Ông bắn bỏ mẹ bây giờ.
Mặc! Tôi nhào ra, Thu, Viên chạy theo. Thế là ba đứa luồn vào các bụi cây dại, lần đường lên một chỏm núi xa nhất!
Đằng sau, tụi Pháp, ngụy binh vẫn chửi om sòm, quạt tiểu liên vào các bụi cây sau miếu.
Đến lưng chừng núi chúng tôi đứng lại thở. Thu lắc đầu:
– Gian lao thật! Nhưng có phải có một lần này thôi đâu. Chúng tôi cứ phải qua lại mãi mãi. Chi nó gan và nhanh hơn chúng tôi nhiều.
Nghe tiếng “Chi” người tôi nóng bừng. Tôi phất tay leo lên. Hai người hổn hển bò theo. Chừng nửa đêm tới đỉnh. Có một cái hang rộng. Chúng tôi dừng lại.
Phía chân trời xa xa có đèn lấm chấm thành vệt dài. Thu chỉ tay:
– Hòn Gai đấy!
Ờ mà Hòn Gai thật! Đèn điện sáng lờ mờ. Biển mênh mang đen sẫm, những cù lao lí tí.
Gió bể thổi vào phần phật. Tôi đặt chiếc mũ nan, vuốt tóc thở dài. Mệt cũng có, buồn cũng có. Hòn Gai! Bao nhiêu là kỷ niệm hồi ông cụ tôi làm cai khu mỏ, tôi thư ký sở mỏ. Nghèo khổ. Chiều chiều tôi lê gót chân rã rời, buồn nản trên “Ke” hay ngoài bãi Cháy nhìn bể mịt mùng, chim vật vờ trắng muốt. Tôi gặp Chi bán hàng rong. Chúng tôi hiểu nhau, yêu nhau. Đời tôi bắt đầu có chút ánh sáng. Rồi tôi và ông cụ được tham gia đoàn thể. Ngày Tổng khởi nghĩa, chúng tôi, cả Chi, về cướp Đông Triều.
Cho đến nay! Ồ… Cái thằng Pháp.
– Chết chửa này! Nó bắn rách toang chiếc mũ của anh, anh Lượng này!
Viên giơ chiếc mũ rách xoạc trên chỏm. Tôi rùng mình. Viên đạn chỉ vào sâu thêm một chút nữa thì thôi…
Đêm lạnh! Trời thăm thẳm. Sao xanh biếc đầy trời khó ngủ quá!
Chiều hôm sau chúng tôi về tới làng. Từ xa đã thấy lũy tre đỏ xuộm vì bị đốt cháy. Tôi muốn chạy lên. Tôi lắng nghe tiếng lọc xọc của những khung cửi dệt trong làng vọng ra như những năm nào, ngày nghỉ từ Hòn Gai về thăm nhà. Nhưng không có gì cả. Đồng vắng ngắt, thênh thang lạnh như tha ma.
Chúng tôi tới gần cổng làng. Bỗng uỳnh! Uỳnh! Hai quả mortier nổ cách chúng tôi chừng ba mươi thước. Ba đứa nhoài sấp xuống, rồi liên thanh réo ầm ầm cuối làng. Đạn xé không khí, rú rít.
Thu tái mặt:
– Chúng nó về càn quét! Chạy thôi anh!
Tôi ngần ngừ, nhưng sau cả quyết:
– Tôi nhất định phải vào! Hai chị chạy đi, mau!
Thu, Viên nhìn nhau, nhìn tôi rồi rẽ xuống cánh ruộng chạy miết. Tôi thấy máu trong người muốn sôi lên. Tôi lên đạn:
– Phải vào! Ít nhất hạ cũng được hai mươi thằng có chết rồi mới chết.
Tôi chạy tụt vào cổng làng, thấy giao thông hào chi chít… Tôi nhảy phốc xuống, chạy về phía một ngôi nhà gạch để, chọn một tử giác an toàn nhất chĩa súng ra.
Lúc bấy giờ tôi bình tĩnh lắm. Nhưng sự thực, cũng ân hận: mình chết cũng không sao nhưng còn công tác? Tôi càng thấy người nóng như điên. Nhất định không cho giặc hạ nổi, tôi nghĩ thế.
Súng dần dần ngớt. Nghe súng, tôi đoán được tình thế. Súng du kích bình tĩnh, chắc; súng giặc cuống quýt, lồng lộn.
Sẩm tối, tiếng súng im hẳn. Thế là tụi giặc không vào sâu trong làng được. Tôi khoái quá, thấy tự kiêu hãnh, vì cái làng “xôi thịt” của tôi bây giờ đã đường hoàng chơi nhau được với giặc.
Trời tối hẳn, tôi mới mò ra, ngồi lâu chân tê, đi dạch dẹo, óc mệt mỏi. Hình ảnh Thu, Viên chập chờn trong đầu.
Đằng cuối làng có tiếng reo à à. Ánh lửa hồng hồng, ngọn tre lá lăn tăn. Lại giặc chắc? Tôi nép vào một bức tường. Không! Tiếng cười tiếng hát. Có lẽ của dân làng. Ờ mà biết đâu không có thầy, mẹ, Chi, chú Lân ở đấy.
Tôi rảo cẳng, tay nghênh ngang khẩu sten. Bỗng một tiếng thét ở lỗ con góc tường bật ra.
– Ai! Đứng lại! Giơ tay lên!
Một mồi lửa bừng lên. Anh du kích chạy ra. Tôi nhận rõ là con cụ Điều Năm. Nhưng hắn chưa nhận ra tôi. Hắn ghé sát vào mặt tôi mà nhìn mãi rồi reo:
– Ối trời ôi! Anh Lượng! Anh về bao giờ thế? Sao lại về vào lúc này! Tôi nghe nói anh bị… bị đạn ở Lũng Vài rồi cơ mà!
Hắn nắm tay tôi nói liến thoắng. Hắn trẻ quá, vẫn tươi vui như cũ. Mấy anh du kích khác ùa ra. Toàn anh em thanh niên làng quen thuộc cả. Họ xoắn lấy hỏi chuyện. Tôi cảm động quá không nói được nên lời. Ngày tôi đi, làng mới có sáu tay súng mà bây giờ, theo lời họ, đã có hai trung đội thoát ly.
– Ồ, anh về đúng lúc thắng trận! Chúng nó chỉ giết được hai con trâu, đốt cháy trụi một chòi canh. Dân làng đang mổ trâu “ăn khao”. Ngay cuối làng, cách làng độ ba trăm thước, địch đặt vị trí, chỉ rình bắn vào làng. Chúng nó đốt làng ta bốn lần. Bốn lần bị đốt, bốn lần làng làm lại, chúng lại đốt. Cứ thế giằng co mãi. Nhưng cóc cần, ngày lên núi ở, tối lại về khai hội, mít tinh, kiểm thảo, có lo gì. Truyền kiếp cho nó cũng chẳng lập được hội tề.
Anh du kích nói một thôi say sưa, nóng bỏng.
Chúng tôi kéo đến bãi cỏ trước nhà ông Xôi. Ba, bốn đống lửa sáng lòa. Trai làng đang mổ hai con trâu bị Pháp bắn, người đông nghịt. Anh em giới thiệu tôi. Cả làng hoan hô. Thế là mấy tràng 12,7 ùng ục reo lên. Đạn đi đâu cả. Vẫn vui. Tôi kể mấy trận chiến thắng ở Đông Bắc làm quà. Dân làng lại hoan hô ầm ầm. Thoáng có tiếng xì xào:
– Lượng con ông Độ đấy mà. Đi vệ quốc Việt Bắc có khác. Rắn rỏi đáo để. Nhưng rõ tội nghiệp về nhà bố mẹ chẳng còn.
Tôi lạnh người run cả bàn tay. Bây giờ tôi mới nghĩ đến nhà. Một anh du kích khoác tay tôi ra chỗ vắng thì thầm:
– Mấy lần Pháp về bắt lập hội tề đều bị đánh lui. Chuyến tháng trước nó về bắt được ông bà nhà đem về dụ không được, bắn rồi…
Chú Lân bây giờ yếu lắm. Ốm quặt quẹo luôn. Nó làm thư ký cho huyện đội bộ cách đây chừng sáu cây. Nó bảo hồi ông bà còn sống, nó gửi cho anh ba, bốn lá thư mà không thấy trả lời.
Đầu tôi nóng cháy. Tôi muốn khóc mà không ra nước mắt.
– Anh có muốn gặp chú Lân thì mai. Còn chị Chi…
Tôi ngắt lời:
– Tôi biết rồi. Việc ấy cũng không hề gì. Miễn là Chi vẫn trung thành với dân với nước.
Có tiếng còi rúc. Anh du kích xin lỗi về tập hợp. Tôi lặng lẽ vào một ngõ tối. Tôi tìm đường về nhà.
Quanh co mấy lối rào mục đổ xiêu vẹo. Tôi tới chiếc cổng tre của nhà. Tim tôi như ngừng đập.
Một cái gì mừng mừng tủi tủi làm tôi muốn rơi nước mắt. Cánh cổng vẫn như xưa, mốc rền, vết giấy dán nham nhở. Chắc là dấu vết những bức tranh ông tướng của chú Lân hồi còn bé.
Tôi đẩy cánh cổng, tiếng kẹt lạnh người. Tôi đã chắc chắn là không còn ai ra đón tôi nữa nên hững hờ bước vào mảnh sân đã lên rêu trơn trơn. Cỏ um tùm mấy nhóm. Cuối sân, chiếc nhà tranh năm gian vẫn còn, nhưng một đầu đổ sụp. Hai chiếc cột cháy thui đứng sừng sững.
Tôi rón rén bước vào hiên, mấy cửa phên cót ghép tre kín mít. Tôi đẩy ra. Lòng nhà tối om, lạnh buốt, tiếng muỗi vo ve buồn xé ruột. Tôi bước hẳn vào. Mái tranh thủng toang toang. Ánh sao nhợt nhạt lọt vào từng mảng mờ mờ dưới nền đất ẩm.
Tôi đứng lặng người, nghe rõ tiếng tim đập. Tôi lòe bật lửa. Trên giường, một mảnh giấy úa vàng nằm trơ, tôi nhặt lên: trang một quyển vở nào đó. Tôi phủi bụi bỏ vào túi trên.
Một lúc lâu tôi quay ra.
Có bóng người thoáng qua giậu. Bóng một người đàn bà.
Tôi chạy ra. Người ấy đứng lại:
– Chị Vựng đấy à?
– Không, Lượng đây!
Người ấy lùi lại:
– Trời! Anh Lượng về ư?
Tôi tiến lại. Tôi nắm lấy tay Chi. Hai đứa đứng lặng hồi lâu, rồi Chi nức nở. Tôi lắc mạnh tay Chi:
– Các chuyện anh rõ cả rồi. Anh không giận Chi. Anh vẫn… vẫn yêu Chi. Tại thằng Pháp cả! Thầy mẹ em cũng như thầy mẹ anh đã…
Không hiểu sao đến đây tôi nghẹn lời không nói được nữa.
Chúng tôi ra đường cái rồi đi về cuối làng, ngồi trên một bãi cỏ. Hai đứa lại im lặng không nói được gì. Mãi sau, Chi tỏ ý tiếc tôi về hơi muộn không gặp thầy mẹ tôi. Tôi ngậm ngùi bảo Chi:
– Các cụ chết cho chúng ta được sống, cũng như bao người khác hy sinh để cho có Đông Triều ngày nay.
Hai đứa lại im lặng. Rồi tôi bảo mai phải đi ngay. Chi không giữ tôi, nhưng bảo nên sang thăm chú Lân, tôi bằng lòng. Chúng tôi lặng lẽ vượt cánh đồng, qua ba mũi 12,7 rồi tới bờ một con sông rộng.
Chi để tay lên mồm khẽ hú. Không có tiếng trả lời. Chi lắc đầu rồi ngập ngừng:
– Đò có lẽ chở anh tỉnh đội trưởng sang Huyền Bồ rồi.
Rồi ngập ngừng:
– Hay là ta bơi sang hở anh?
Tôi lưỡng lự. Bên kia sông chợt lóe mấy ánh lửa như đèn pin rồi vài tiếng súng nổ vu vơ.
Chi nói khe khẽ:
– Tụi nó ở vị trí bên kia đi tuần!
Tôi kéo tay Chi:
– Trở lại thôi, Chi ạ! Mạo hiểm vô ích!
Chi ngước mắt nhìn tôi, giọng đau khổ:
– Anh! Thế còn chú Lân…
Tôi lấy giọng thản nhiên:
– Khi nào Chi sang thăm em, bảo anh hỏi thăm.
Rồi chúng tôi lủi thủi quay về. Hai đứa lại im lặng. Tới gần làng tôi dừng lại từ giã Chi.
Chi nhìn tôi trong bóng tối, tôi cũng nhận thấy mặt Chi tái đi. Tôi dằn từng tiếng:
– Chúng ta phải can đảm nghe không Chi? Can đảm nhé! Công tác đoàn thể cho trọn vẹn.
Chi cúi đầu nức nở rồi ngẩng lên cương quyết:
– Vâng anh đi! Em đợi…
Tôi không thể nói gì thêm nữa, quay đi, bước thật mau. Vừa đi, tôi vừa có cảm giác Chi vẫn đang thẫn thờ nhìn theo và đang vẫy.
Khi đi khuất ngọn tre làng cũ, tôi mới đi chậm lại. Trời tờ mờ sáng. Ngôi sao mai vàng óng đã hiện trên nền trời sáng như bạc phía đông.
*
Lượng ngừng lại, chống hai tay ra sau, nhìn lơ đãng xa xa.
Tôi vỗ vai Lượng:
– Té ra bức thư này đến rất lạc hậu, càng làm cho Lượng…
Lượng xua tay cười:
– Không đáng kể, Phương ạ! Ồ, một thằng lính…
Chúng tôi chuyển sang chuyện Bắc Cạn giải phóng lúc nào không biết.
Năm 1949