Thương nhớ Tường Linh, một người thơ xứ Quảng – Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

Thương nhớ Tường Linh, một người thơ xứ Quảng - Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

THƯƠNG NHỚ TƯỜNG LINH, MỘT NGƯỜI THƠ XỨ QUẢNG

HUỲNH VĂN HOA

Nhà thơ Tường Linh tên thật Nguyễn Linh, sinh năm ngày 12 – 12 – 1931 tại thôn Trung Hà, làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông thuộc lớp các thi sĩ Quảng Nam xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Ông rời xa quê từ 1954, sống ở Huế, Quảng Trị. Từ ngày 1-3- 1956 đến nay, sống tại Gia Định – Sài Gòn. Mất lúc 18 giờ 15 ngày 5-2-2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 90 tuổi.

Thơ Tường Linh đăng nhiều trên các tạp chí như Bách Khoa, Văn, Văn học. Hơn 70 năm sáng tác, ông là tác giả của hàng chục tập thơ. Trước sau, Tường Linh vẫn thủy chung với dòng thơ về quê hương xứ Quảng.

Trong thơ ca Việt Nam, không ít những nhà thơ viết về cảnh và  người quê hương, để lại dấu ấn trong văn học dân tộc. Đó là những Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Nguyễn Bính của thời kỳ Thơ mới (1932-1945). Sau này, vẫn có số nhà thơ viết về quê hương, song, lưu cảm xúc nơi người đọc sâu đậm, đầy thương nhớ, lay động những con tim xa xứ thì không ai như Tường Linh. Tường Linh thể hiện một cách chân thật, hồn hậu cái tình quê, cảnh quê, duyên quê, hồn quê của xứ Quảng, qua đó, ghi dấu ấn của mình trong thơ ca hiện đại Việt Nam.

Tường Linh là một hiện tượng hiếm hoi của thơ ca miền Nam trước 1975. Sau này cũng vậy. Gần như một đời làm thơ viết văn, Tường Linh chỉ và chỉ viết thành công về cảnh sắc và con người quê hương xứ Quảng. Có thể nói, ít ai nặng nghĩa nặng tình với vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành như Tường Linh. Bao tên núi, tên sông, tên làng, tên xóm như Cà Tang, Trung Phước, Đại Bình, Đèo Le, Hòn Kẽm, Đá Dừng, Nam Phước, Duy Xuyên, Vĩnh Điện, Hội An, Cửa Đại, Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn,… đã trở thành những địa danh hằn sâu trong tâm khảm:

Quê cha bên này sông / Tiếng đồn cau Trung Phước / Quê mẹ bên kia dòng / Cát vàng ôm bến nước / Tu hú kêu bên ấy / Văng vẳng tới bên này / Gà khuya cao tiếng gáy / Dân hai làng đều hay ……(Quê ngoại)

Thấy gì đâu chỉ núi chắn mây mờ / Lòng gọi mãi tên làng xưa Trung Phước (Vọng tình chim)

Trong thơ Tường Linh, con sông Thu Bồn là “dòng nhớ thương chảy mãi qua hồn”. Hơi thở của sông nước Thu Bồn phả vào trong thơ Tường Linh, làm nên một mảnh hồn làng riêng biệt. Tác giả gọi đó Nhánh hồn sông Thu. Sông quê vẫn cứ ngày đêm thao thiết không ngừng chảy, chảy qua những phận đời, những vui buồn cuộc sống, những làng mạc bốn mùa mưa nắng, từ đó, có thể nói, đã tạo ra những bài thơ hay nhất của Tường Linh. Tường Linh có nhiều câu thơ da diết về dòng sông này. Con sông là một phần đời của nhà thơ, ký ức về thời gian và cảnh sắc quê hương: tôi nghĩ về một dòng sông / dòng sông quê hương có đôi bờ đất mật / có những tên làng tôi yêu mến nhất / có triền xanh, gành xám, bãi vàng / những hàng cừ xe gió nước reo vang / những thác xiết nhọc nhằn thuyền lên ngược / nguồn hai ngã, lòng sông chung guồng nước / khúc cạn, khúc sâu, phía lở, phía bồi / sông Thu Bồn thương nhớ của ta ơi (Dòng nhớ thương chảy mãi qua hồn).

Những bức tranh quê của Tường Linh không nhiều màu sắc như thơ Đoàn Văn Cừ. Cái đọng lại vẫn là tái hiện được không khí hội làng: Người nhắn tôi về Trung Phước chơi / Mừng đêm khai hạ đuốc hoa bơi / Người nhắn về vui hội tháng Giêng / Trống đình rộn rã hội kỳ yên / Bài chòi, hát bội dua ghe tiếng / Ngày mới đông vui khách mấy miền (Bóng làng). Ở đó còn chăng tháng Giêng mưa bụi / Tiếng trống chầu hát bội lệ kỳ yên / (Vang bóng)

Tường Linh xa quê, nên cứ “hẹn với làng xưa”, “gửi về bà con ở Trung Phước”. Ngày trước, Trung Phước là quê, là nơi gặp gỡ của ba nhà thơ xứ Quảng: Bùi Giáng (1926 – 1998), Tạ Ký (1928  -1979, tác giả Sầu ở lại, Cô đơn còn mãi) và Tường Linh (1931 – 2021). Làng Trung Phước nằm phía hữu ngạn của sông Thu Bồn, nơi phong cảnh vùng hữu tình. Núi đồi quê Tường Linh là nơi Bùi Giáng từng đi chăn dê, nơi có những địa danh đi vào những bài thơ hay trong Mưa nguồn. Các chàng thi sĩ đất Quảng từng  sống trong một làng, có khi ở cùng một xóm với nhau. Vì thế, khi cải táng mộ Tạ Ký (5-4-2001), bạn bè và gia đình đưa Tạ Ký về nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, nằm bên cạnh mộ phần của Bùi Giáng. Tường Linh có nhiều bài thơ tặng Bùi Giáng, Tạ Ký là thế.

Trong thơ Tường Linh, có một xứ Quảng chìm trong bão giông và lũ lụt. Đấy là những dòng thơ đầy uất nghẹn, thương cảm cho bà con bị  trận lụt lịch sử ngày 9-11-1964 (mồng 6 tháng 10 năm Giáp Thìn): Không còn gì nữa cả / Không còn gì nữa cả em ơi ! / Một tháng quê hương không bóng mặt trời / Một tháng quê hương mưa gào gió thét / Đất Quảng thân yêu người người rên xiết / Sáu mươi năm lại đến “họa năm Thìn” / Thảm nạn này biết thuở nào quên / Một tối nước lên / Nước tràn lên khủng khiếp / Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp /  Cà Tang ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi! / Đông An, Bình Yên nước xóa cả rồi / Đá núi lấp đồng / Bùn sông lấp xóm / Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm / Đồng hoang vu còn giữ những thây người / Những thây người không đếm hết, em ơi ! (Thảm nạn quê hương, Tạp chí Văn, số 24, ngày 15-12-1964). Hằng năm, ngày 6-11 âm lịch, các làng ở Trung Phước làm lễ giỗ cho những người đã mất năm Giáp Thìn. Bài thơ Tin bão miền Trung là nỗi niềm của đứa con phương xa, thương về miền Trung, nơi có người mẹ nghèo, chống chọi với gió bão:

                             Bão đã lên, ơi xứ ta nghèo
                             Ai ra ngoài nớ gởi sầu theo
                             Có bao nhà đổ, bao người chết
                             Bao lúa, khoai, ngô…  hóa bọt bèo !

                             Nhà tôi ở đó mong manh lắm !
                             Tay mẹ làm sao chống gió cuồng ?
                             Con ở phương Nam chiều vẫn ấm
                             Mà lòng như có nước sông tuôn…

Thơ Tường Linh là nỗi lòng phương nam gửi về quê nhà. Tường Linh hay dùng từ “ngoài ấy”, “ngoài nớ” để chỉ xứ Quảng thân yêu: Ngoài ấy bây giờ chưa nắng lắm / Nhiều hoa gạo đỏ nở ven sông / Ngoài ấy giờ đây mùa gió mùa / Xiêu xiêu quán nhỏ mé đường thưa / “Ngoài ấy” – nghe như xa cách lắm / Mà thành xa cách cố hương ơi ! (Quê nhà).

Hình ảnh mến thương của quê hương hiện lên trong thơ: Lối ngõ chiều im mát bóng tre / Đĩa bông bí luộc lẫn vòi măng / Bát canh hoa lý thơm chiều / Mây cuối chiều bay cũng vội vàng (Mẹ quê xa). Thương nhớ chiếc cổng làng: Người xa xứ bâng khuâng sầu phế tích / Được trở về đứng trước cổng làng xưa / Cổng vẫn mở theo sử làng không khép / Như đời đời còn mãi tiếng gà trưa (Cổng làng).

Những con người bình thường của quê hương, như anh thương binh chống Pháp, ra đi từ mùa thu quê hương bốc lửa, nay, trở về nguyên quán với “Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường / Anh trở lại, với bàn tay còn lại / Vẫy vẫy chào Non Nước quê hương / Mất bàn tay, còn quê hương thắm thiết / Mỗi ngón tay dâng một cụm Ngũ Hành / Anh viết thư cho người yêu bằng tay trái / Đời vẫn xanh và núi vẫn xanh“. Bài thơ viết tại Đà Nẵng, tháng 11-1954, đăng trên Bách Khoa, số 135, ngày 15-8-1962. Tường Linh thường viết về mẹ. Mẹ gắn liền với những gì thân thuộc của quê hương: Mẹ tôi dưới nắng thăm vườn cải / Chen giữa màu vàng một áo nâu / Ôi chiếc áo nâu hàn khổ ấy / Trọn đời con há dễ quên đâu ! (Mùa hoa cải)

Thơ Tường Linh, trước sau vẫn là chữ TÌNH. Chữ tình, nơi hội tụ mọi ánh sáng của một tâm hồn đa cảm, trân trọng nghĩa tình với đất và người quê hương, đau đáu trước những mất mát của làng quê khi bão lũ, chiến tranh đi qua. Tâm hồn ấy, mãi về sau, khi tuổi tác đã cao, vẫn ngóng vọng về những khoảng trời trong xanh, có đám mây chiều bay về cuối trời, lòng vẫn:

                   Mai sớm tôi đi, thuyền xuôi dòng
                   Đôi bờ, xin gửi chút thương mong
                   Quê hương chớ gọi tôi là khách
                   Bài độc hành ca viết chửa xong

(Đi giữa đôi bờ)

Năm Tân Tỵ (2001), cách đây 20 năm, cuối bài Khúc ca quy ẩn, nhà thơ đã thấy “vạn nẻo trầm luân”, nghĩ về kiếp người mong manh:

                   Cuối cuộc viễn trình đơn độc quá
                   Bơ phờ cánh hạc khép đường bay
                   Gẫm bao chí lớn trong thiên hạ
                   Chẳng được còn xanh với cỏ cây
                   Thì ta một chấm nhân sinh nhỏ
                   Mong mỏi gì hơn ở kiếp này ? …
                   Khúc ca quy ẩn đưa xa nhịp
                   Khắc nét đời thơ chiếc bóng gầy
                   Vang mãi dư âm triều hệ lụy
                  Thôi chào tuyệt tích gửi ai đây ?

Ngày 5-2-2021, cánh hạc Tường Linh đã khép đường bay, chào từ biệt thế gian, về cuối cuộc viễn trình, hết “một chấm nhân sinh nhỏ” trên cõi trần hệ lụy này. Mong ông thanh thản.

Đà Nẵng, 6-2-2021

HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây