NGUYỄN KIM HUY
– Ngày sinh: 08.12.1962.
– Quê quán: Tam Mỹ, Núi Thành, Quảng Nam.
– Thường trú tại: 180/9 Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng.
– Từ 1984 đến 1986 là Cán bộ Giảng dạy Ngôn ngữ học tại Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Qui Nhơn. Từ 1986 đến nay công tác tại Nhà xuất bản Đà Nẵng – Hiện là Phó Giám đốc Tổng biên tập Nhà xuất bản.
– Thạc sĩ Văn học.
– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
– Ủy viên Hội đồng LLPB VHNT Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng. Ủy viên BCH, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Đà Nẵng khóa I (2002 – 2007). Phó Chủ tịch – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng khóa II (2007- 2012), khóa III (2012 – 2017).
Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng khóa V (2018 – 2023).
Tác phẩm đã xuất bản:
– Tìm ánh sao băng, tiểu thuyết (bút danh Nguyễn Kim Hoàng Như), Nxb Đà Nẵng – 1992.
– Thơ từ yên lặng, thơ, Nxb Đà Nẵng – 1995.
– Nỗi lan tỏa của ngày, thơ, Nxb Văn học – 2004.
– Mắt phố, truyện và tạp văn, Nxb Đà Nẵng – 2006.
– Thu Bồn – Nhà thơ trữ tình Đất Quảng, chuyên luận văn học, Nxb Đà Nẵng – 2011, tái bản 2017.
– Triền sông thơ ấu, truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng – 2017
– Kéo co với mùa xuân, thơ, Nxb Đà Nẵng – 2017.
Và tham gia biên soạn, tuyển chọn giới thiệu một số tuyển tập thơ văn: Thơ tình xứ Huế (1995), Thơ về nhà giáo (2002), Ấn tượng Đà Nẵng (2002), Thành phố năm ngọn núi (2003), Văn & Thơ – Tác giả Tác phẩm Đà Nẵng đoạt giải 1975 – 2005 (2005), Văn học Đà Nẵng 1997 – 2007 (2008), Gởi lòng con đến cùng Cha (2009), Hà Nội ngàn năm thương nhớ (2010), Bút ký Đà Nẵng 1997 – 2010 (2010), Truyện ngắn hay tạp chí Non Nước (2011), Nhà văn Việt Nam hiện đại tại Đà Nẵng (2012), Những con mắt biển (tuyển tập thơ văn, 2015), Truyện ngắn Đà Nẵng 1975 – 2015, 20 năm LLPB VHNT TP Đà Nẵng 1997 – 2017…
Giải thưởng Văn học:
– Giải thơ Báo Tiền Phong 1992. Giải thơ Tạp chí Đất Quảng 1992. Giải thơ Liên đoàn Lao Động và Hội Văn học – Nghệ thuật QN-ĐN 1992
– Giải truyện ngắn Đài Phát thanh QN-ĐN 1992. Giải ký Báo Đà Nẵng 1994 Giải ký Hội Văn học – Nghệ thuật Đà Nẵng 2001.
– Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật 1985 – 1995 của UBND Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho tập Thơ từ yên lặng.
– Giải ba thơ 1998 – 2000 của UBND TP Đà Nẵng.
– Giải nhì thơ 2002 – 2003 của UBND TP Đà Nẵng.
– Giải A cho tập Nỗi lan tỏa của ngày của Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng – 2004.
– Giải B cho tập Mắt phố của Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng – 2006.
– Giải thưởng VHNT lần thứ nhất (1997 – 2005) của UBND TP Đà Nẵng cho tập Nỗi lan tỏa của ngày.
– Giải B về Thơ (không có giải A) – Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ nhất (1997 – 2010) của UBND tỉnh Quảng Nam cho tập Nỗi lan tỏa của ngày.
– Giải C về Văn – Giải thưởng VHNT TP Đà Nẵng lần thứ hai (1997 – 2010) cho tập Mắt phố.
– Giải A của Hội Nhà văn Đà Nẵng (2011); Giải C Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương (2010 – 2012) cho tập chuyên luận “Thu Bồn – Nhà thơ trữ tình Đất Quảng”.
– Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần II (2010 – 2015) của UBND Tỉnh Quảng Nam cho tập chuyên luận “Thu Bồn – Nhà thơ trữ tình Đất Quảng”.
– Giải thưởng VHNT TP Đà Nẵng lần thứ III (2010 – 2015) cho tập chuyên luận “Thu Bồn – Nhà thơ trữ tình Đất Quảng”.
– Giải A của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cho tập thơ “Kéo co với mùa xuân” – 2017.
– Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần III (2014 – 2019) cho tập Kéo co với mùa xuân…
… Các truyện về tuổi thơ của Nguyễn Kim Huy được đồng hiện một cách chân thật, khiến ta như thấy hiện ra trước mắt mình cả một không gian và thời gian không bình yên và nhiều buồn xót. Hình ảnh Hanh gắn với những bến bờ thao thức của con sông Trầu từ tuổi ấu thơ, để giờ đây trong cách xa biền biệt, anh lại nhớ nó da diết và thường trực trong lòng sự mắc nợ với mẹ, với dòng sông, với những trò chơi tinh nghịch tuổi thơ… (Triền sông thơ ấu). Đọc Ma đồng Bộng, tôi rợn chân da khi tác giả tả cảnh mênh mông trong đêm khuya đen thẳm trên cánh đồng Bông – nơi nổi tiếng có đủ loại ma: ma da, ma le, ma Hời. Một cậu bé phải băng qua cánh đồng trong nỗi sợ đứng tim…. Tự truyện Tôi đi học là một chuỗi tủi buồn của tuổi thơ tác giả trong những năm đất nước chẳng bình yên và khổ nghèo… Câu chuyện cảm động không chỉ với nhân vật trong truyện, nó lan tỏa sang chúng ta một đồng cảm cay đắng của tuổi đến trường trong những năm đất nước nghèo đói vì chiến tranh…
Trong những truyện như trên, bao giờ giọng văn Nguyễn Kim Huy cũng khách quan pha chút thản nhiên hoặc chút hài hước, châm biếm. Và bên sau của những sắc thái ấy là một nỗi niềm chan chứa yêu thương, tin tưởng những gì cao đẹp và sáng suốt trong tâm hồn con người.
PGS TS HỒ THẾ HÀ
(trích từ NHỮNG KHOẢNG KHẮC ĐỒNG HIỆN, Chuyên khảo – Hồ Thế Hà, NXB Văn học, 2005)
TRIỀN SÔNG THƠ ẤU
Nhà văn Nguyễn Kim Huy
MA ĐỒNG BỘNG
Tôi lầm lũi đi như chạy trên cánh đồng Bộng. Đi một mình, lúc chạng vạng, lại đúng lúc trời mưa âm u xám xịt nữa chứ.
Là vì chiều nay cha tôi đi làm về sớm, ngẫu hứng thế nào ông ghé chợ làm một con mực to tướng tươi rói mang về. Khi mẹ tôi làm xong món mực trộn bắp chuối thơm nứt mũi bày lên mâm chĩnh chiện, ông mới nghiệm ra và tuyên bố rất nghiêm túc rằng cái món này mà không có chai bia con cọp đi kèm thì có khác chi ăn dăm bào mấy nỗi. Mà cái xóm Đông của tôi tịnh không có quán xá gì. Muốn mua chai dầu hỏa hay chút nước mắm đều phải lên xóm Chợ cách độ cây số. Đang đà phấn khởi vì vừa được cha khen “Chà, thằng cu con học giỏi mà đái cũng khá quá hè“ lúc bắt gặp tôi đang gồng mình đái vọt qua hàng rào chè tàu sau vườn mới rồi, tôi hăng hái xung phong đi mua bia, nhân tiện cũng để kiếm chai nước ngọt nên giờ mới lâm vào hoàn cảnh này. Ác nỗi, lúc tôi đi thì ông trời nào đã có dấu hiệu mưa gió gì, ráng chiều còn hừng lên hồng rực mà. Tôi mua một nhoáng đã trở về, tay lỉnh kỉnh nào bia nào nước ngọt nào bánh tráng nướng mệt muốn đứt hơi thì ổng nổi hứng chơi ngay trận mưa tối tăm mặt mũi, mây đen kịt sà sát đất u ám hết chỗ nói.
Tôi vốn rất hãi mỗi khi phải đi một mình qua Đồng Bộng vào lúc chạng vạng tối. Từ xóm Đông lên xóm Chợ phải đi qua cánh đồng này trên những con đường bờ ruộng ngoằn ngoèo nhấp nhô nhỏ như con trùn chỉ, mùa mưa ngập nước trơn nhão nhoẹt, mùa hè bị người ta dọn bờ đắp ruộng khoét còn chỉ đủ lọt bàn chân. Bên trái là vườn Phủ, cây cối rậm rạp um tùm chạy dọc theo con sông nhỏ vắng hoe không một bóng nhà, hơi xa xa bên phải là gò hoang nghĩa địa Cây Da cũng nằm bên một con sông, cũng vắng hoe vắng ngắt không một bóng nhà, lại thêm vô số mồ mả nằm chen chúc nhau cứ chực lấp loé rợn lên ánh ma trơi mỗi khi trời tối. Đây quả thực là địa điểm lý tưởng cho các loại ma quỷ đông đúc mà đêm đêm tôi vẫn co ro xanh xám ngồi rúc vào lòng nghe ông nội tôi kể lại trú ngụ hoành hành. Nói đâu xa, mới cách đây mấy ngày, ở Đồng Bộng đã xảy ra trận đánh nhau kịch liệt giữa một con ma le có cái lưỡi dài thòng đỏ như máu với ông cụ Cẩn, ông lão gân guốc có bộ râu trắng cứng như cước nổi tiếng gan dạ và có cái giọng oang oang to nhất xóm tôi. Nửa đêm, ông lụi hụi đi tháo nước cho đám ruộng mới cấy, con ma đón đàng không nói không rằng giơ cái mặt to bằng cái thúng chỉ có mỗi cái mồm ra dòm sát mặt ông, rồi thè cái lưỡi ướt rượt ra, mỗi lúc một dài, dài đến rốn ông Cẩn. Bực mình, sẵn cuốc trên vai, ông hạ xuống bổ ngay một nhát vào đầu con ma. Con ma giận dữ đưa hai cánh tay khẳng khiu chụp lấy ông, kéo ông về phía bờ sông. Ông Cẩn giằng co với con ma, biết mình sẽ nguy nếu lọt xuống bờ sông tối om là nơi hang ổ của nó nên vừa ráng hết sức trụ lại, vừa la lên chói lói. Tiếng ông giữa cánh đồng đêm hôm hoang vắng cách nửa cây số đủ sức làm cả xóm hoảng hốt đồng loạt thức giấc như nghe thanh la báo đập Bà Nang vỡ. Mấy người lớn dạn dĩ xách rựa vội vã chạy lên. Chó thi nhau sủa, lũ gà giật mình cũng cất tiếng gáy vang trời. Giống ma le, nghe gà gáy là sợ hãi biến liền. Nhờ vậy mà ông Cẩn thoát nạn. Mấy người lớn chạy lên đến nơi, thấy ông ngồi bệt bên bờ ruộng thở hổn hển, áo quần xộc xệch tơi tả, bịch thuốc rê văng đâu mất mà cái cuốc vẫn ôm khư khư trong tay. Nghe ông kể lại chuyện đánh nhau với ma le, ai nấy xanh lét mặt mày. Từ đó, không còn ai có gan đi tháo nước ban đêm nữa, ngoài ông Cẩn vẫn đi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng mỗi đêm ông đều không quên mang theo cái mác nhọn hoét, với lời tuyên bố chắc như củi cầy rằng ông sẽ cắt lưỡi con ma cho nó hết đường cựa quậy, nếu nó dám giỡn mặt ông lần nữa. Ông Cẩn gan như thế nhưng vẫn chưa bằng Bảy Lưới. Ông thứ Bảy, quanh năm chèo thuyền thả lưới trên con sông Trầu nên ai cũng gọi Bảy Lưới vừa gọn, vừa tiện phân biệt với ba ông Bảy khác trong xóm. Bảy Lưới từng vật lộn với ma da ngay chính giữa dòng sông Trầu khúc dưới cầu Hào một đoạn. Ông nội tôi từng bảo, ma da nguy hiểm hơn ma le bội phần. Ma le chỉ lè cái lưỡi đáng sợ ra dọa người nhát gan chơi rồi thôi, ít khi hại người, cùng lắm chỉ làm cho người yếu tim ngất xỉu rồi sẽ tỉnh lại chứ không việc gì. Ma da khác, đa số ma da có nguồn gốc từ những người không may chết nước nên hầu hết bọn ma da đều cư ngụ nơi sông nước, chỗ hẻo lánh quạnh hiu. Hễ có dịp là ma da túm lấy người nhận nước kỳ cho tắt thở để có người thay thế cho chúng chuyển qua kiếp khác. Bảy Lưới từng vật nhau với một con ma da kinh khủng như vậy đó. Bảy Lưới kể, nửa đêm ông đang gối đầu lên mạn thuyền – ông hay gọi thuyền cho oai, thật ra là cái ghe tre rộng đâu độ hai sải tay, ngang chưa đến một sải, xem chừng nếu quả thật ông gối đầu được thì ắt hẳn hai chân phải thòng dưới nước – ừ, ông đang gối đầu lên mạn thuyền thiu thiu ngủ sau khi thả hết mấy tay lưới chờ hừng sáng vớt một mẻ thì nghe ục ục dưới lườn ghe. Mới đầu, ông mừng húm vì chắc bắp có con chép cụ đang mắc lưới vùng vẫy. Chừng mở mắt ngó kỹ thì ôi thôi, cái gì trùi trũi như một đầu người lù lù ló ra trên mặt nước, hai cánh tay dài ngoẵng vươn ra sờ soạng chực nắm lấy thành ghe. Biết ngay mình gặp gì rồi, Bảy Lưới choàng dậy vớ lấy mái chèo ráng hết sức bình sinh giáng xuống một cú ngay chính đỉnh đầu lù lù của con ma. Nếu là người, thì cú đập trời giáng bằng mái chèo gỗ kiền kiền của Bảy Lưới đã chẻ đầu làm hai làm ba rồi. Đằng này, chỉ nghe ùm một cái, nước bắn tung toé còn Bảy Lưới mất đà rớt tủm ngay xuống nước. Đang tối tăm mặt mũi thì đã bị con ma ôm cứng lấy người, cố sức ấn đầu ông xuống nước. Bảy Lưới cũng chẳng vừa, trấn tĩnh lại quờ tay túm chặt con ma, cố sức nhấc lên. Một bên ma cố ấn xuống, một bên người cố đẩy lên, cả hai vật lộn nhau có đến hơn mươi phút dưới lòng sông. Bảy Lưới sặc nước phun phì phì, thở hồng hộc, còn con ma trơn tuột cứ lùi lũi ghì siết ông nhận nước. Không hiểu tại làm sao mà Bảy Lưới cũng không hề kêu lên tiếng nào, chỉ ra sức vật lộn với con ma. Chừng thấy không đủ sức làm gì người đàn ông vạm vỡ một đời sống trên sông nước bơi lội còn cừ hơn cả mình này, con ma rùng mình một cái, biến mất tăm. Bảy Lưới sững sờ nhìn khúc sông vắng ngắt, tĩnh mịch như chưa hề có cuộc vật lộn dữ dội một mất một còn vừa rồi, vội vã bơi vào bờ, bỏ lưới bỏ thuyền chạy một hơi về nhà rồi sốt li bì mê man mấy ngày phải rước thầy về cúng mới tỉnh lại được. Lạ một điều là sau cuộc vật lộn kinh hoàng với ma da, khoẻ lại rồi Bảy Lưới vẫn đêm đêm giăng lưới ở khúc sông kia, chẳng bỏ đi nơi khác. Khúc sông lắm cá, lại thêm con ma đáng sợ, chẳng ai dám hó hé đến cắm câu thả lờ sau đận ấy. Cá Bảy Lưới bắt được ngày càng nhiều, đắt hơn tôm tươi.
Hai chuyện trên mới chỉ là ma ta thôi đấy. Ông nội bảo, đất này ngày xưa của Hời, người Hời chạy hết rồi nhưng ma Hời thì còn lại đông vô số kể, tầng tầng lớp lớp. Có điều ma Hời rất hiền, hiền hơn ma ta nhiều. Chỉ những đêm mưa gió ma Hời mới túm tụm lại khóc than nỉ non ai oán nghe rất thảm, chứ tịnh không hề hiện ra đón đường doạ nạt ai. Thảng hoặc mới có người vô tình trong đêm mưa gió trông thấy ma Hời lầm lũi nặng nề mang vác di chuyển chum vại vàng bạc chi đó, có khi giữa trưa hè cũng có người trông thấy chúng treo võng ru con ơi hời kẽo kẹt trên mấy ngọn tre dọc bờ sông, nhưng vừa thoáng thấy bóng người là lũ ma biến mất liền. Nên sợ là sợ ma ta, chứ ma Hời dù đông nhưng chẳng có chi, hiền lắm.
Nhưng một thằng bé bảy tuổi đang run cầm cập đi giữa đồng không mông quạnh trong cơn mưa gió bời bời, làm sao mà phân biệt nổi đâu là ma ta, đâu là ma Hời? Mà ma nào chẳng là ma, ma nào mà chẳng đáng sợ kia chứ? Bọn ma lại rất khoái bắt nạt trẻ con, nhất là những đứa ốm yếu hom hem như tôi. Lạng quạng là chúng sấn đến dỗ ngon dỗ ngọt dụ đi theo đến chỗ bụi rậm liền giấu biến, lại còn tỏ ra tốt bụng bảo ngồi đó chơi, chúng đi kiếm bánh cho mà ăn, ngon lắm. Để mình ngồi đó, chúng đi hốt mấy bãi phân trâu nóng hổi, dùng phép sao đó mà mình cứ thấy là bánh in bánh tổ ngọt lịm, xơi ngon lành một hơi căng bụng còn thòm thèm. Chừng được người lớn tìm ra cứu được về nhà mới biết là phân trâu, nôn ra mật xanh mật vàng rồi ngơ ngơ ngẩn ngẩn dại người ít ra phải mươi ngày nửa tháng nếu không kịp rước thầy cúng vái. Thằng Thành té giếng bên cạnh nhà tôi bị một vố như vậy rồi, giữa trưa đứng bóng mà hắn bị ma dụ giấu vô giữa lùm tre Tạ, khi tìm thấy mấy người lớn phải xúm vào phát hết gai tre mới lôi hắn ra được, hắn còn cố chui vào lại, bảo ở trong đó mát rượi, đã lắm. Từ đó, lũ trẻ gọi thằng Thành là Thành lãng thay cho cái tên Thành té giếng do vụ ngã giếng ghê gớm hồi bốn năm tuổi của hắn.
Không hiểu tại làm sao mà lúc sợ, tôi lại chỉ nghĩ toàn chuyện ma quỷ, y như cái lúc đói lại chỉ nghĩ đến toàn chuyện ăn. Càng nghĩ càng run. Tôi cắm cúi bước thật nhanh, không dám chạy vì sợ rớt các thứ đã mua đang hết sức vướng víu. Trong một lúc nghe như có tiếng chân thình thịch đuổi theo sau, tôi càng bước nhanh thì tiếng thình thịch lại càng gấp gáp. Lấy hết can đảm tôi ngoảnh mặt lại dòm thử thì… Cha mẹ trời đất thần phật ơi! Còn ai vào đó nữa? Lù lù sau lưng tôi mấy bước chân là một con ma lùn tịt, ngang phè, đầy người phủ một lớp lông lá xám xịt đang dềnh dàng bước tới. Ghê nhất là cái mặt con ma, dưới cái nón cời tơi tả là một bộ mặt trống hoác không hề có mắt mũi mồm miệng mà chỉ là những cái hốc đỏ lòm sâu hoắm hiện lên mờ mờ trong mưa gió. Tôi đứng chết trân không nhúc nhích. Trong lúc thất thần vẫn kịp nghĩ ra rằng đây đích thực là một con ma mới toanh tôi chưa hề nghe kể bao giờ. Nên càng sợ hơn. Bỗng, từ cái hốc miệng con ma cất lên một giọng khàn khàn:
– Đi đâu mà về tối quá vậy, con?
Đang muốn đứng tim nhưng tôi vẫn còn nhớ được lời bọn trẻ vẫn dặn nhau khi gặp ma là tuyệt đối không bao giờ trả lời bất cứ điều gì ma hỏi, nếu dại dột mở miệng trả ra là sẽ bị chúng hớp hồn ngay tức khắc. Nên tôi im thin thít, len lén đưa ngón tay cái bấm chặt lấy đốt thứ hai ngón út – đó cũng là phép bắt quyết trị ma rất hiệu nghiệm được bọn trẻ thường xuyên áp dụng. Còn một phép trong lúc cấp bách nữa là đái ra tay một bãi rồi lập tức xoa lên khắp mặt, con ma sẽ ngán ngẩm bỏ đi. Nhưng lúc này thì tôi không thể dùng được phép này nữa rồi, vì… hai ống quần đã ướt nhẹp từ lúc trông thấy con ma còn đâu.
– Ủa, sao bà hỏi mà không nói, con? Tội nghiệp thằng cu, ướt hết người rồi kìa.
Con ma lại cất tiếng thều thào làm ra vẻ rất tội nghiệp thằng cu đang run lên cầm cập trước mặt mình.
Thằng cu vẫn im thin thít. Giọng con ma đầy vẻ ngạc nhiên:
– Con cái nhà ai lạ vậy cà. Mặt mũi trông cũng sáng láng mà hỏi không biết trả lời. Hay là bị câm… Cu, lại đây bà biểu con!
“Lại đây bà biểu con!“, nghe cái câu đáng sợ đó, thằng cu điếng hồn, quăng ngay các thứ tung toé xuống ruộng, cắm đầu chạy.
Tim đập loạn xạ muốn vỡ lồng ngực, thở hổn hển ra cả đằng miệng đằng tai, tôi hớt hải chạy, chạy một hơi không hề ngoái đầu lại, mấy lần vấp ngã chúi lúi vẫn gượng dậy chạy. Cuối cùng rồi cũng chạy được về đến nhà. Tôi phóng ào vào nhà như một chú cún con lần đầu tiên nghe tiếng sấm, lập cập nói không ra hơi:
– Đóng cửa lại, đóng hết cửa lại mẹ ơi!
Cả nhà hoảng hốt xúm vào ôm giữ thằng cu lại. Tôi giằng ra, nhảy phóc lên chiếc phản gỗ, quơ chăn mền trùm kín mít mặc cho khắp người bùn đất lấm lem ướt như chuột lột.
Mẹ tôi hớt hải đến giở mền kéo tôi dậy:
– Có chuyện gì vậy con, nói mẹ nghe coi.
Tôi giằng mền phủ lại kín đầu, vẫn còn run:
– Con ma… con gặp ma ở Đồng Bộng.
Cha tôi bình tĩnh hơn:
– Tầm bậy tầm bạ. Bây giờ làm gì có ma cỏ nữa mà gặp với thấy. Nghe ông mầy kể chuyện ma riết rồi nhập tâm. Mà con có mua được thứ gì không, đâu hết cả rồi?
Một giọng ồm ồm từ ngoài hiên trả lời cha tôi:
– Đây này, tôi lượm các thứ nó vứt lại đem trả đây này.
Cha tôi, mẹ tôi cùng nhìn ra hiên một lượt, cùng kêu lên:
– Dì hai Thời! Mưa gió này mà dì đi đâu cho cực vậy?
Dì hai Thời cởi tấm áo tơi sột soạt, vừa bước vào nhà, vừa trả lời:
– Đi thăm bây chứ đi đâu. Mồ tổ bây, con cháu chi gặp bà không chào hỏi, không hé răng nói một lời, lại cắm đầu chạy trối chết. Tao theo dấu nó về đến nhà bây mới biết. Thằng cu trốn đâu rồi?
Tôi giở mền he hé mắt nhìn ra. Bây giờ tôi mới nhớ ra là tôi có một bà dì ở Bầu Dưng – bà dì hai Thời – mà tôi chưa bao giờ gặp mặt. Người ta bảo bà bị bệnh giời ăn, không có tiền chữa chạy để lâu ngày, giời ăn hết mắt mũi miệng tai, chỉ còn lại những cái hốc sâu hoắm trông rất đáng sợ, thế mà bà vẫn cứ bình thản sống hết ngày này qua ngày khác, xem như chẳng bệnh tật gì, đi núi lội ruộng còn siêng hơn cả người khoẻ mạnh. Người bà như thế, lại khoác áo tơi chằm bằng lá nón sùm sụp đi lù lù trong cơn mưa gió thì đến Già Cẩn Bảy Lưới cũng phải bỏ chạy chứ đừng nói đến thằng bé con bảy tuổi đầu óc rặt những chuyện ma như tôi…
Dì hai Thời bỏ các thứ ra. Bia, nước ngọt còn nguyên cả. Nhưng mấy cái bánh tráng nướng nát vụn ướt nhẹp đã nhão nhoẹt ra rồi.
TRIỀN SÔNG THƠ ẤU
Bao nhiêu năm rồi Hanh mới có dịp trở về bên bờ con sông Trầu thân thương ngày thơ ấu.
Chưa bao giờ một bước xa quê mãi đến năm mười tám tuổi khi được gọi vào đại học, Hanh những tưởng rằng mình sẽ không bao giờ xa cách được cái xóm nhỏ chôn nhau cắt rốn nằm bên con sông Trầu đầy kỷ niệm vui buồn thời niên thiếu của mình. Không ngờ một bước ra đi là ra đi biền biệt. Tốt nghiệp đại học rồi về một làm việc ở thành phố, rồi xây dựng gia đình và có hai con nhỏ, cuộc sống và công việc đã cuốn hút Hanh vào giòng xoáy liên tục của nó, không thể nào dứt ra được. Mẹ già vẫn sống ở quê, thui thủi có một mình, mà họa hoằn lắm anh mới về thăm được. Mỗi lần về cũng chỉ trong chốc lát, khi thì tranh thủ một chuyến công tác, khi thì tận dụng mấy ngày lễ tết, vội vội vàng vàng chưa kịp chào hỏi thăm viếng ai đã phải quay trở lại thành phố luôn ngập đầu công việc.
Hanh cảm thấy mình có lỗi với ngay cả dòng sông.
Những lúc như thế này, được thảnh thơi đi dạo dọc triền con sông quê hương khi chiều đã tắt nắng, thoải mái nhìn ngắm bụi bờ lau lách và dòng nước xanh biếc bình yên êm đềm xuôi chảy, Hanh mới thực sự cảm thấy mình đang sống, đang được hít thở, tận hưởng làn không khí tinh khiết và cái hương vị ngọt ngào của cuộc sống. Sự ồn ào, xô bồ, bụi bặm của phố phường đã bị ngọn gió đồng quê trong lành, mát rượi, vô nhiễm đánh bạt đi.
Ngọn gió triền sông đưa Hanh trở lại thời thơ ấu.
Ngày ấy, mẹ vẫn thường mắng yêu Hanh:
– Người ta hanh thì thông. Còn mầy, chỉ thấy Hanh thì thêm hao thôi.
Mẹ nói chữ đấy. Mà quả thật, từ khi Hanh lên mười, mẹ nhờ đâu không thấy, chỉ thấy toàn hao tốn thêm. Quần áo, sách vở, chắt bóp mấy mỗi năm cũng phải một lần sắm vào năm học mới. Mà mỗi lần sắm, ghè lúa vơi đi quá nửa trong tiếng thở dài âm thầm của mẹ , đàn gà nhép năm bảy con rơi vào cảnh ly biệt thảm thiết, con lợn nhỡ trong chuồng mấy đêm liền cứ giật mình thảng thốt kêu lên eng éc trong cơn mơ ngủ vì nhớ đến tiếng chân thình thịch và cái liếc xéo đầy sự coi thường của bác Bảy Đóp. Lòng tự trọng của chú heo bị tổn thương nghiêm trọng sau mỗi cái trề nhún của bác.
Lòng tự trọng của Hanh cũng tổn thương quá sau mỗi lần mắng yêu của mẹ.
Mẹ có biết đâu, Hanh cũng tủi lắm chứ. Trong xóm, bạn bè lứa tuổi Hanh, có khi còn nhỏ hơn cả Hanh, đều luôn luôn bận rộn công việc. Đứa phụ cha mẹ cày cuốc gặt hái, đứa chăn giữ đàn bò năm bảy con, đứa lên núi cắt lá kiếm củi. Sau giờ học, đứa nào cũng tất bật công này việc kia. Đứa nào cũng giỏi giang chăm chỉ. Chỉ mỗi Hanh là vô tích sự. Hanh lẻo khẻo, ốm yếu, nhà một mẹ một con nên mẹ chẳng dám giao cho Hanh việc gì, ngoài việc học.
Mẹ cứ bảo là Hanh hậu đậu, chẳng làm việc gì cho ra hồn.
Một lần, trước buổi cấy ở đồng Mù U, mẹ dặn:
– Mẹ đi cấy đây. Con ở nhà trông nhà. Coi chừng bầy gà vô nhà bươi phá tùm lum đó.
Hanh dạ. Tối mịt mẹ về, í ới gọi từ ngoài ngõ:
– Hanh ơi Hanh! Ra mẹ cho con châu chấu nướng ăn nè.
Im thin thít. Mẹ đi thẳng ra giếng vừa múc nước dội chân ào ào, vừa lầm bầm:
– Ủa, cái thằng đâu rồi cà. Hanh ơi.
Vẫn lặng thinh. Mẹ đi vội vào nhà, dớn dác:
– Con đâu rồi, Hanh?
Có tiếng dạ rất khẽ từ trong góc nhà tối om:
– Con ở đây.
Hanh lò dò chui ra từ trong một… chiếc ghè mẹ dùng để rấm chuối. Chờ mãi không thấy mẹ về, đói bụng, cu cậu mò vào nơi mẹ rấm buồng chuối mới chặt, chén một bụng no căng rồi cuộn tròn, đánh một giấc luôn trong đó.
Buồng chuối lùn mẹ chờ đến ngày giỗ cha đem ra chợ thế là đi tong. Trong ghè tối om, cu cậu quơ được trái nào nắn nghe mềm mềm êm êm là vặt ngay. Cả buồng chuối nần nẫn trở thành xù xì thảm hại, lỗ chỗ xơ xác chẳng còn nải nào nguyên vẹn. Mẹ chỉ còn biết kêu trời.
Lần khác, mẹ bảo Hanh đi trông chừng đám đậu sắp nhổ được. Hanh xăng xái đi. Đám đậu nhà Hanh trên vườn Duối cách nhà hơi xa, đàn gà trong xóm chừng cũng coi thường cảnh mẹ goá con côi nhà Hanh không ai coi trông, cứ chực lúc vắng người là táo tác gọi nhau kéo lên bới tung. Phen này Hanh sẽ cho bọn gà tinh quái biết tay!
Thật lạ, bầy gà hôm nay vắng bặt. Mấy con chim cút thoáng thấy bóng Hanh, lủi ngay vào bụi. Khu vườn yên tĩnh chìm trong sương sớm. Ngó quanh quất, Hanh phát hiện ra cây duối trái chín vàng rực trĩu cành bên một góc vườn. Cu cậu tót ngay lên cây. Những trái duối chín mọng ứa mật làm Hanh quên phứt đám đậu, chừng nghe tiếng lục cục ngó xuống thì ôi thôi, bầy gà đang ầm ĩ làm bữa tiệc sáng ở đó. Cuống quít lao xuống đuổi bầy gà chạy tán loạn, Hanh nhìn thấy một góc đám đậu bị bới tanh banh. Cậu ngồi xổm xuống săm soi mấy gốc đậu bị gà mổ xơ xác, bắt đầu bứt vài trái cho vào miệng nhấm nháp…
Trưa, đi làm về ghé vô, mẹ nhìn một góc đám đậu phộng xơ xác và thằng con miệng mồm đất cát lem luốc, la bai bải:
– Thôi, ngày mai con khỏi đi coi đậu nữa. Để gà bươi có khi còn… đỡ hao hơn. Một bụng đậu sống đó, tối nay về rồi biết thân con ơi!
Sau hai lần ấy, mẹ chẳng còn tín nhiệm Hanh trong việc gì nữa.
Hanh đang ngồi buồn thiu hóng nắng trước sân thì ông Sáu đi ngang, gọi:
– Ê nhỏ, làm gì mà ngồi thiền đó mầy?
– Dạ…
Hanh ngắc ngứ chẳng biết trả lời sao cho thuận thì ông Sáu đã tiếp:
– Không có việc chi làm thì đi cắm câu với tao đi.
Hanh mừng rơn:
– Thiệt hông, ông Sáu?
– Cái thằng, có chi mà không thiệt. Đi với tao, kiếm vài con cá tràu mẹ mày nấu canh chua cho mà ăn. Tuyệt cú mèo.
Rồi ông nghêu ngao hát: Chiều nay em đi câu cá – Về cho má nấu canh chua…
Ông Sáu vốn vui tính. Nhà cách nhà Hanh một hàng rào chè tàu. Từ hồi nào giờ ông ở vậy, chẳng thấy vợ con anh em gì, một thân một mình trong cái chái tranh mục nát tơi tả mà lúc nào cũng thấy ông vui như tết, hát hò luôn miệng.
Được đi cắm câu với ông thì còn gì bằng.
Nhưng mà Hanh tiu nghỉu:
– Con chẳng có cái cần câu nào đâu.
Ông khoát tay:
– Khỏi lo, nhỏ. Tao cho mày mượn, muốn mấy có mấy. Sao, có đi với tao không?
Không đợi ông giục thêm lần nữa, Hanh khép cửa, quơ lấy cái nón lá rồi cứ chân không lúc thúc vừa đi vừa chạy theo ông Sáu ra phía đồng Nuộc có con sông Trầu chảy quanh.
Tối hôm ấy, Hanh cứ nằm chong chong đợi sáng, không tài nào ngủ được. Mặc dù bị mẹ mắng cái tội đi không xin phép, người ngợm lấm lem bùn đất từ đầu đến chân khi về nhà vào lúc trời đã tối mịt nhưng Hanh vẫn cứ như mở cờ trong bụng. Cu cậu giấu tịt chuyện đi cắm câu với ông Sáu. Để sáng mai, mẹ sẽ sửng sốt khi thấy Hanh xách về một xâu cá đồng tươi rói. Hanh nằm lơ mơ, tưởng tượng ra những con tràu đen trũi, con trê vàng hườm đang hí hửng tranh nhau bơi về phía những cần câu cặm chắc nịch với những con mồi ngon lành của Hanh. Chà, cắn câu rồi chúng quẫy phải biết! Nhưng mà chạy đâu cho thoát. Câu của ông Sáu nhà nghề chứ có phải tay mơ nào đâu. Những ba mươi cần, Hanh đã chọn cắm toàn những chỗ ngọt nước, lũ cá ngờ nghệch ấy mà không cắn câu mới lạ. Chuyến này, mẹ sẽ hết bảo là thằng Hanh hao nữa.
Gà gáy lần thứ nhất, Hanh đã lồm cồm bò dậy, khẽ khàng mở cửa rồi lẻn nhanh sang nhà ông Sáu, thò đầu vào tấm liếp cửa trống hoác, gọi:
– Ông Sáu! Ông Sáu!
– Tiếng húng hắng ho, rồi tiếng ông Sáu làu bàu:
– Gì đó mầy, nhỏ? Còn sớm hoánh mà!
– Gà gáy rồi ông ơi!
– Mới gáy đầu mà. Thôi, về ngủ đi, chừng gà ra chuồng hẵng đi.
Chưa dứt câu, đã lại nghe tiếng ông Sáu ngáy khò khò ngon lành. Chán quá, Hanh ngồi phịch trước ngõ ông, đợi. Gà gáy lần hai, vẫn không nghe ông Sáu động tĩnh gì. Chờ thêm một lát, nóng ruột, Hanh quyết định ra đồng Nuộc dỡ câu một mình. Đang háo hức, cu cậu quên bẵng nỗi sợ ma cố hữu của mình.
Nhưng sự háo hức của Hanh nhanh chóng nguội đi như mèo gặp mưa. Chui xuống bụi dứa um tùm nín thở dỡ cần đầu tiên, Hanh hụt hẫng nhìn đầu cần câu nhẹ bỗng, trống không. Một ít rơm rác dính vào lưỡi câu bùng nhùng. Cần thứ hai, thứ ba… rồi cần nào cũng nhẹ tênh. Có chỗ, chú rốc non làm mồi còn leo tuốt lên mấy cọng dứa dại, ngọ nguậy ngoe càng trêu ngươi. Hoạ có con cá ngố nào leo lên nổi mấy cây dứa dại mới mắc câu của Hanh!
Ba chục cần câu, Hanh giăng suốt trên một quãng dài dọc bờ sông Trầu vốn có tiếng cá tôm đặc nước giờ chịu chung số phận, dồn lại thành đống bùng nhùng buồn thiu, tiu nghỉu như nỗi thất vọng đang tràn trề trong lòng Hanh lúc này.
Hanh ngao ngán nhìn mớ cần câu sũng nước.
Niềm vui bất ngờ cậu định dành cho mẹ sáng nay thế là tiêu tan. Rốt cuộc lại, cậu vẫn cứ là Hanh hao, Hanh hậu đậu, có lẽ suốt đời chẳng làm được việc gì nên hồn. Mẹ vất vả tất bật suốt ngày, còn cậu chẳng làm được chút việc cỏn con nào giúp mẹ.
Trời vẫn chưa sáng rõ. Bờ sông và cánh đồng vắng ngắt. Những lùm cây ven sông đu đưa trong bóng tối im lìm, tạo nên vô số hình thù kỳ dị đầy vẻ ma quái.
Lúc này Hanh mới thấy sợ. Nhứt chạng vạng nhị rạng đông. Những câu chuyện ma trên đồng Nuôc hiện lên rõ mồn một trong trí óc cậu. Hanh nhắm mắt, tay chân bắt đầu run. Lạy trời cho ông Sáu mau mau ra đây!
Tiếng ông Sáu vang lên làm Hanh giật thót người:
– Sao mà ngồi chù ù đó mầy? Dỡ hết câu chưa? Trúng chứ?
Hanh nói như mếu:
– Chẳng được con nào hết ông Sáu ơi.
Ông Sáu ngạc nhiên:
– Sao kỳ vậy? Hôm nay được nước lắm mà. Thôi, mầy ngồi chờ đó, để tao đi một vòng xem sao.
Nhìn vẻ thất vọng của Hanh, ông Sáu lắc đầu, bỏ đi về phía bờ sông.
Một lúc sau, có tiếng ông Sáu kêu to:
Hanh ơi Hanh! Lại đây mau mà xem nè!
Hanh đâm bổ về chỗ ông Sáu gọi. Trời đất. Một cần câu đang oằn đầu nhấp nhô trên mặt nước, tiếng cá quẫy rần rật, nước sủi bọt bắn tung toé chao đảo đám cỏ lác.
Ông Sáu làu bàu:
– Dỡ câu lên đi. Cẩn thận không nó vuột mất. Quái, cái thằng, làm sao lại bỏ sót đúng cần câu trúng con cá bự chảng thế này. Phải bằng bắp chân là ít.
Không đợi ông Sáu giục thêm, Hanh nhào ngay xuống chỗ con cá đang vùng vẫy. Làm sao mà lúc nãy, Hanh có thể bỏ sót chỗ này được, nhất là khi con cá mắc câu đang vùng quẫy ầm ĩ thế kia? Thật chẳng thể hiểu nổi.
Ông Sáu chẳng được con nào, thế mà trông ông hớn hở còn hơn cả Hanh. Ông nhấc nhấc con cá, nắc nỏm khen Hanh:
– Giỏi. Thằng này thế mà ngon ta. Mới bữa đầu mà được con tràu gộc này là hên hết chỗ chê đó, nhỏ.
Hanh cười tít mắt, nghĩ đến vẻ ngạc nhiên vui mừng của mẹ lúc mình mang cá về.
Trưa, Hanh khệ nệ bưng tô canh cá nóng hôi hổi với nguyên khúc giữa nở căng và bộ lòng cá thơm phức mẹ mới nấu sang cẩn ông Sáu. Ông đang nhắm rượu với chuối xanh, cười khà khà:
– Để đó cho ông. Chà, ngon dữ ta. Sao nhỏ, chiều nay đi nữa chứ ?
Hanh hăm hở:
– Đi chứ, ông Sáu. Ông cho con mượn ba chục cần nữa nghen.
– Chuyện nhỏ, mày.
Ông Sáu cười.
Mới đó mà bao nhiêu năm đã trôi qua.
Trong bữa cơm trưa, mẹ bảo:
– Chiều con qua thăm ông Sáu một chút nhé. Tội nghiệp, lúc này già cả rồi, ổng đau ốm suốt.
Hanh buông đũa nhìn mẹ:
– Vậy hả mẹ. Lâu nay lu bu công việc, con chẳng gặp được ông Sáu nữa, thật tệ quá.
– Ông Sáu nhắc con hoài đó.
Hanh cười:
– Con còn nhớ bữa đi câu đầu tiên với ông. May mà bữa đó được con cá ngon lành, con mới ham đi câu đến vậy…
Mẹ cũng cười mà giọng bùi ngùi:
– Ừ, cũng may cho con thật. Mà này, con có biết vì sao mà hôm đó con được con cá đó không?
– Thì con câu được chứ sao hả mẹ.
– Con câu được? Có mà đợi đến mùng thất. Bữa đó, thấy con thất vọng quá, ông Sáu nhường cho con con cá duy nhất ổng cắm được đó. Ổng lén mang cả cần cả cá của mình cắm vào chỗ cần câu con đã dỡ rồi mới kêu con lại để con tin rằng mình đã cắm được cá… Mãi sau này, đám giỗ rượu ngà ngà ông Sáu mới kể mẹ nghe, nhưng mà mẹ thì đã đoán được từ bữa con mang con cá về kia.
Ông Sáu thật là… Vậy mà bao nhiêu năm nay, mình cứ tưởng, mình đã thực sự là thằng Hanh thông rồi, từ lúc bắt được con cá tuyệt vời buổi đi cắm câu đầu tiên trong đời ấy.
Dòng sông Trầu vẫn mải miết chảy.