Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 5

Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 5 - Tác Giả Tác Phẩm

nkh min - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 5

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

trang trên sông thơ ấu Nguyễn Kim Huy - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 5

TRIỀN SÔNG THƠ ẤU – KỲ 5

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

 

CHUYỆN BÉ NHƯ – CHUYỆN CU VĂN

Bé Như

Bé Như lên ba. Tết, ba mẹ chở bé Như về quê. Xe đang chạy trên con đường làng nhấp nhô ổ gà. Chợt bé Như vỗ tay hét lên:

– Ba mẹ ơi! Xem nhiều con heo to khổng lồ kìa!

Ba mẹ nhìn theo tay Như chỉ: Một đàn trâu đang thản nhiên gặm cỏ bên đường.

Bé Như theo các bạn nhỏ chạy chơi khắp vườn. Một lúc lâu, về khoe:

– Ba ơi, trong vườn bà nội có một cây dừa to trái to bự, nhiều cây dừa nhỏ trái nhỏ xíu. Con thấy một con gà đang dẫn bầy chim đi chơi nữa đó ba.

Ba dắt bé ra vườn. Một cây dừa đứng chen giữa đám cau gầy ngoẳng, cao vút. Trên cây lủng lẳng những trái – quả thật cây dừa to trái rất to, còn cây nhỏ trái nhỏ, vì chúng là… cây cau.

Gà mẹ dẫn đàn gà con kiếm ăn táo tác bới đất quanh đấy.

Ba bắt cho Như con chuồn chuồn con. Như thích quá, chơi mãi không chịu thả. Ba chỉ cho Như con chuồn chuồn cồ đang bay lờn vờn, bảo:

– Thôi con thả nó ra đi. Tối rồi, mẹ nó đang đi tìm con về kìa.

Như vội vàng thả con chuồn chuồn ra cho nó   bay đi.

Lên thắp hương mộ ông nội, bé Như sục sạo vào các bụi cây hái hoa, trượt chân ngã, gai cào sướt da, Như mếu máo:

– Vườn ông nội toàn gai là gai.

Về lại Đà Nẵng, các bạn hỏi:

– Sao bé Như bị trầy chân?

– Như ngã ở nhà ông nội.

– Nhà ông nội Như ở đâu?

– Nhà ông nội ở trên núi. Nhà nhỏ lắm. Mà ông nội không có ở trong nhà, ông nội ở dưới đất với trên bàn thờ nhà bà nội thôi.

Như khoe:

– Nhà bà nội Như tỷ giàu. Nhà có sáu cái cửa, trên ba cái, dưới ba cái cửa to đùng.

Bà nội từ quê ra, đem theo giỏ trầu cau. Sau bữa cơm, bà lại ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Như nhìn chăm chăm, thấy lạ quá nhưng không nói gì. Một hôm cơm xong, bà còn ngồi uống nước. Như vội chạy đi tìm giỏ trầu, khệ nệ mang đến bên bà, mời:

– Bà nội ăn rau đi.

Một lúc sau, bé Như tấm tắc:

– Bà nội ăn rau miệng đẹp ghê.

Giở xem tập ảnh cưới ba mẹ, một lúc bé Như òa lên khóc:

– Ba đây, mẹ đây. Còn bé Như đâu?

Như biếng ăn. Mẹ dỗ:

– Con phải ăn thật nhiều mới mau lớn.

Như nghĩ ngời rồi khẳng định:

– Khi con lớn bằng ba mẹ, chắc có lẽ ba mẹ đã lớn khổng lồ bằng cái nhà mình rồi.

Ba đi công tác Hà Nội. Mẹ dẫn bé Như ra bưu điện gọi điện thoại cho ba. Nói chuyện một hồi, ba bảo ở Hà Nội lạnh lắm. Bé Như vội vàng nói:

– Con nói xong rồi. Thôi ba chui ra đi, đừng ở trong điện thoại nữa, lạnh lắm.

Ba mệt, đang nằm nghỉ. Bé Như đem sách đến đòi ba đọc. Ba nói dối:

– Quyển này tiếng Anh, con nghe không được đâu. Sách tiếng Việt mới nghe được.

Ba xì xồ một tràng tiếng Anh, bảo: “Đó, thấy chưa”. Như không đòi nữa.

Nhưng hôm sau, cũng quyển sách ấy, ba quên, lại đem đọc cho Như nghe.

Vài hôm sau, Như lại đem sách đến đòi đọc. Ba định nói dối:

– Quyển này tiếng Anh…

Như cãi ngay:

– Không phải đâu ba ơi. Quyển này ba đem về hôm qua, hôm nay chắc nó biến thành tiếng Việt rồi. Như quyển bữa trước ba đọc đó!

– Đố bé Như, năm trái quýt với sáu trái quýt là mấy trái quýt?

Như đang nằm, giơ cả hai bàn tay ra tính, thấy không đủ, lại giơ thêm một bàn chân.

Một lúc sau, trả lời thật to:

– Dạ thưa ba, là mười trái quýt với… một ngón chân.

 

BẾ CON             

                                                               (Cho con Nguyễn Kim Hoàng Như)

Ấy là lúc ba bế con trên tay. Con im bặt tiếng khóc, ngọ nguậy trên tay ba, miệng nở một nụ cười mà ba không bao giờ có thể tìm ra hình ảnh nào để so sánh.

Nụ cười của con không hẳn dành cho ba đâu. Ba biết thế, và cũng không hẳn con cười vì đã ở trong tay ba. Ba biết thế. Nhưng cảm nhận được nó, hẳn cũng chỉ có ba. Cái cảm nhận của một con người đang ôm cả vũ trụ thân yêu trong vòng tay.

Con quay mặt cười với mắt mẹ. Ba ghen với mắt mẹ. Con quay mặt tìm về phía ánh sáng. Ba ghen với ánh sáng. Con ngước lên nhìn về phía bầu trời. Ba ghen với bầu trời.

Ấy là lúc mắt con biếc trong đã bắt gặp cái nhìn của ba. Người ba tan ra trong một cảm giác huyền diệu, lớn lao, mới mẻ. Ngỡ lần đầu tiên trong cuộc đời rồi cuối cùng mình cũng đã hiểu được hạnh phúc. Cái cảm giác của một con người đang ôm cả đôi mắt người yêu, ánh sáng và bầu trời trong tay.

                                                                                                        1992

 

Bài thơ ‘’Bế con‘’ được ba viết khi Như chớm ba tháng tuổi. Mang thai bé Như, mẹ về quê ở với ông bà ngoại cho đến khi bé Như oe oe chào đời ở nhà hộ sinh Tam Mỹ lúc 9 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 1992. Sau ba tháng cứng cáp mới tạm biệt quê nội quê ngoại ra Đà Nẵng với ba mẹ. Ba tháng tuổi, bé đã nổi tiếng khắp khu tập thể vì tiếng khóc ‘’vỡ tai hàng xóm’’. Mỗi lần dỗi khóc là cả khu tập thể đều nghe thấy. Được cái, khi được bế đi chơi, là Như liền nín, nhoẻn cười ngay. Như rất thích được ba bế đi vòng vòng quanh khu tập thể, nhìn trời, nhìn đất, nhìn ông trăng.

Lên ba, điều Như thích nhất là những buổi tối nằm nghe ba kể chuyện. Chuyện Tấm Cám, chuyện Chàng Ngốc, Cây tre trăm đốt… Mỗi buổi tối, Như lại chèo kéo ba: Ba ơi ba, kể chuyện cho con nghe. Bận đến mấy, cũng phải dành cho Như vài ba tiếng đồng hồ, nghe chuyện xong Như mới chịu ngủ. Ba kể chuyện, Như nằm yên nghe không dám động cựa, mắt mở to nhìn chăm chăm vào miệng ba không chớp, mỗi lần ba hết câu lại ‘’dạ‘’ thật ngoan, ra điều ta đã hiểu rất rõ từng câu ba kể. Có lần, ba đằng hắng, Như giật mình ‘’dạ’’ ngay rõ to. Như rất thích những câu chuyện dí dỏm, thông minh, cười lên khanh khách mỗi khi nghe chuyện Chàng Ngốc, dù đã được nghe ba kể đi kể lại không dưới chục lần chẵn chòi. Những lúc ba mệt không thèm kể nữa, Như lại nhanh nhảu kể y chang chuyện Chàng Ngốc cho ba mẹ nghe. Bữa nào không kể chuyện thì lại đố vui.

Ngày đầu đi Mẫu giáo, Như biểu diễn một màn khóc ngoạn mục. Mười ba tháng tuổi đã đi nhà trẻ cô Ngọc, đã quen gửi trẻ nhưng khi đến trường Mẫu giáo Nhà thiếu nhi, thấy các bạn khóc như ri, Như mếu máo theo. Khi ba mẹ chào cô, ra khỏi lớp, Như liền tuôn chạy ào theo. Cửa đóng không ra được, Như phóng ào lên bệ cửa sổ, tay bấu chặt song sắt, miệng gào lên inh ỏi ‘’Ba ơi mẹ ơi cho Như về’’. Cả lớp hoảng hốt nín bặt tiếng khóc, đồng loạt quay lại trố mắt nhìn Như! Ấy thế mà Như làm quen rất nhanh với cô, với lớp, được các cô chọn vào đội Múa đi biểu diễn khắp nơi. Hết năm Bồ Câu, Như đã tự mày mò đọc được chữ bằng cách hỏi mẹ từng vần khi bí, cũng từ việc quá ham đọc và quyết đọc cho bằng được các tập truyện cổ tích. Từ khi đọc được sách, Như bắt đầu ít bắt ba kể chuyện, mà suốt ngày cắm cúi đọc, đọc cả khi ăn, đọc trước khi ngủ, len lén đọc khi bị ba mẹ cấm vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Rất ngoan, từ đầu năm lớp Một, Như đã biết tự xem thời khoá biểu để sắp xếp sách vở, tự lo vệ sinh khi thức dậy và mặc quần áo chuẩn bị đến trường, tự lo chuyện học bài khi về nhà, ít khi để ba mẹ phải nhắc nhở la rầy. Như rất sợ mỗi khi ba nổi giận. Như bảo: Mẹ giận chỉ là trời mây mù, ba nổi giận là sấm sét, là… kinh khủng.

Từ lớp Một đến lớp Năm, năm nào Như cũng có ba giấy khen, ba phần thưởng. Ngoài phần thưởng diện nhất nhì ba nhà trường tặng thành tích học tập xuất sắc, là các phần thưởng năng khiếu: Đàn, Tiếng Anh, Vi tính. Chỉ tội tính hiền, rụt rè, nói nhỏ, sổ liên lạc năm nào cũng được cô giáo góp ý: Cần hoạt động nhiều hơn, phải nói to hơn khi phát biểu trong lớp. Mẹ phải chấn chỉnh mãi, Như mới tiến bộ được chút ít, mà mãi đến nay cũng chỉ có chút ít tiến bộ đó thôi. Mỗi khi gặp khách, ba lại phải nhắc ‘’Con chào bác to lên’’, nếu không, Như lại chào bác lí nhí, bác rõ tai đến mấy cũng chẳng thể nghe thấy được. Mẹ vẫn bảo: ‘’Như ở nhà cả ngày cũng chẳng biết, vì suốt ngày cứ chúi vào một góc nào đó đọc sách, chẳng nghe được tiếng nói’’. Dĩ nhiên là trừ lúc chơi đùa với em Văn.

Khi mẹ sinh em Văn, Như có hơi buồn một chút, vì bị các cô chú các dì trêu: Từ hôm nay Như bị ra rìa rồi nhé! Nhưng khi vừa nhìn thấy em cu lần đầu ở khoa sản bệnh viện, Như đã ôm chầm lấy em, và tức khắc trở thành một bà chị cực kỳ mẫu mực, cưng em nhất nhà. Tên Văn của cu là do chị Như chọn, khi còn đứng chờ mẹ sinh em ở bệnh viện. Cu Văn thì cái gì cũng nhất nhất chị Như, suốt ngày bám chặt lấy chị, đi trẻ về là hỏi ngay chị Như đâu, không thấy chị là bắt tìm cho bằng được. Mỗi lần ba mẹ chở đi chơi, cu Văn luôn đẩy chị lên ngồi trước cho yên tâm, rồi mới chịu lên xe. Đến nỗi khi ngủ mê, Văn ta cũng mớ: ‘’Chị Như ơi, sao lại thế này! ‘’Ây hẳn là lúc cu đang mơ thấy mình chơi vi tính mà mở không ra trò chơi, phải cầu cứu đến bàn tay thiện nghệ của chị Như. Chưa biết chữ nào, nói chưa rành câu, mà suốt ngày Văn ôm lấy máy vi tính, dĩ nhiên là luôn kéo chị ngồi kè kè một bên để bày cái này, chỉ cái kia, riết rồi Văn ta cũng rành vi tính ra phết, thực hiện các thao tác mở máy start run browse OK chuột trái chuột phải nhanh như xiếc, mẹ phải tròn mắt thán phục và lắc đầu chào thua cậu con trai mới hơn bốn tuổi của mình.

Như học vi tính ở Nhà thiếu nhi từ năm lớp Bốn. Say mê Tin học từ khi ba mua máy về. Lúc đầu, ba định mua máy về là để Như làm quen và chỉ dần cho Như học. Nhưng mới có nửa năm, Như đã phải chỉ lại cho ba nhiều điều. Như trở thành cô thư ký vi tính nhí của ba, lúc nào cũng phải sẵn sàng cho ba kêu: Như mở cái này cho ba, Như chỉnh ngay cái kia cho ba, Như nhập bài này cho ba. Ba khoẻ re, mà Như cũng có điều kiện để nâng cao tay nghề! Rồi Như lại phải làm thầy giáo vi tính cả cho mẹ, cho em Văn…

Hội thi Tin học không chuyên thành phố Đà Nẵng năm 2003, Như đạt giải nhì Toán – Tin, giải nhất Phần mềm sáng tạo.

Rồi Hội thi Tin học không chuyên Toàn quốc lần thứ IX được Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng với Bộ Giáo dục Đào tạo- Bộ Bưu chính Viễn thông – Bộ Tài chính…  long trọng tổ chức tại Đà Nẵng từ  28 tháng 7 đến 31 tháng 7 – 2003, Nguyễn Kim Hoàng Như bé bỏng của ba mẹ một ngày bỗng như vụt lớn lên, rất tự tin, rất chững chạc qua các kỳ thi gay go trước hàng trăm đối thủ của hơn năm mươi đoàn bạn ở khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. Ba mẹ hồi hộp theo con mỗi ngày thi, hồi hộp dõi theo từng dáng vẻ, từng câu trả lời của con qua màn hình Đài Truyền hình Đà Nẵng truyền trực tiếp buổi thi Phần mềm sáng tạo. Cả bà nội, cả em Văn cũng lên Nhà hát Trưng Vương cổ vũ Như thi. Và cả nhà ta mừng muốn rơi nước mắt khi bé Như bước lên Hội trường nhận giải thưởng: Giải nhất Phần mềm sáng tạo ‘’Phát âm Tiếng Anh Lớp 6’’ – Huy chương Tuổi Trẻ Sáng tạo của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo; Giải ba Toán – Tin  toàn quốc – Bằng khen của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn -và thật vinh dự, giải Phần mềm Sáng tạo gây ấn tượng nhất cuộc thi của Báo Lao Động đã dành riêng cho Như. Kể ra thành thật mà nói, đó là những điều kỳ diệu bất ngờ, đầy may mắn, nhưng cũng xứng đáng với công sức bé Như đã miệt mài hàng tháng trời, ôm bộ máy vi tính quên ăn quên ngủ để tập trung cho kỳ thi lớn. Và cả ba cả mẹ và em Văn nữa luôn bên Như. Và công lao của thầy Phát, thầy Cáp, thầy Nam, các thầy cô Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Tin học Đà Nẵng, Sở Giáo dục Đào tạo Đà Nẵng đã hết lòng dạy dỗ hướng dẫn Như bao tháng ngày liền. Như liên tục được các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong,Lao Động, Giáo dục và Thời đại, Thiếu Niên… đưa tin, viết bài, đăng ảnh, được tin về cuộc thi trên chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 hình ảnh lễ nhận giải, rồi được Đài Truyền hình Đà Nẵng DVTV bình chọn là “Thí sinh tự tin nhất“ trong phim phóng sự  cuộc thi. Đài PTTH Đà Nẵng DRT còn ưu ái quay riêng cho Như bộ phim “Cô kỹ sư Tin học tương lai“ phát liên tục mấy buổi liền. Những niềm vui dồn dập đến, nhưng vẫn không làm thay đổi được tính rụt rè cố hữu của Như. Xem bài phóng sự  trên DVTV, Như cười: “Con sợ bắt chết chứ tự tin gì đâu, rứa mà họ bảo con tự tin nhất!“ “Thế sao con trình bày chững nhạc lưu loát vậy?“ – “Con nghĩ tới ba mẹ, tới thầy cô nên cố bình tĩnh hết sức”.

Con ngước lên nhìn về phía ánh sáng… Con ngước lên nhìn về phía bầu trời… Con đang bước vào một tương lai rộng mở với những hòan cảnh và điều kiện hơn hẳn thời ba mẹ, nhưng trước hết con phải là đứa con ngoan hiền, là người chị yêu thương của cu Văn. Đó mới thực sự là những phần thưởng ba mong mỏi nhất cho cuộc đời con gái cưng của ba mẹ…

… và cu Văn

 

TRÒN XOE
(Cho con Nguyễn Kim Huy Văn)

Đôi mắt mở tròn xoe
Đôi môi cười toe toét
Cái mặt thằng Cu con
Trông sao mà dễ ghét

Hai bàn tay bé xíu
Cố ôm lấy cổ ba
Ngọ nguậy hai nụ hoa
Mười ngón xòe mười cánh

Nắng mai đến gõ cửa
Gắn lên má Cu con
Hai lõm đồng tiền son
Thơm thơm mùi sữa mẹ

Bồng con như bế mây
Rượu không uống mà say
Ngắm Cu con cả ngày
Men đời lên chếnh choáng

                                        1999

Mang thai Cu Văn sáu tháng, ba đưa mẹ đi siêu âm. Bác sĩ thông báo: con gái! Cả nhà ỉu xìu. Ba bảo:

– Thêm một Như em nữa càng hay, chả sao.

Đến ngày sinh, siêu âm lại. Kết quả: Con trai! Cả nhà vừa mừng, vừa lo. 17h ngày 27/6/1999, ba bế Cu Văn đỏ hỏn trên tay các bác sĩ ở cửa phòng sinh: quả thật là một thằng Cu!

Mọi người chúc mừng. Ba khoe:

– Trong ba tháng, phải đổi từ con gái sang con trai là một công việc vất vả vô cùng. Phải là nhà khoa học đầy tài năng mới làm được!

Bà nội từ quê nghe tin lật đật ra ngay. Đến bệnh viện, việc đầu tiên là bà giở ra xem cái chim của thằng Cu có thật không. Cái chim thì bé xíu, cái miệng cũng bé xíu mà gào khóc ỏi trời, điếc tai cả dãy phòng hộ sản bệnh viện quận Nhất.

Một tuổi, ba mẹ đưa chị Như và Cu Văn về quê. Ở nhà bà nội, cu Văn khoái nhất lũ mèo con mới sinh. Mèo mẹ chăm lũ con ở xó nhà, suốt ngày gầm gừ vì cu ta cứ bò vào tranh bắt lũ mèo con. Mèo mẹ thấy cu con chắc cũng dễ thương như lũ con nên không nỡ cào, chỉ meo meo phản đối.

Còn cu ta lấm lem bụi đất, mạng nhện, loay hoay chui ra chui vào mãi vẫn không bắt được chú mèo con nào, gào lên át cả tiếng mèo mẹ mèo con.

Lên hai, lại được về quê. Vừa về đến nhà nội, Cu Văn đã lon ton xông vào chỗ xó nhà có lũ mèo con năm ngoái. Quái lạ, cái ổ trống trơn, chẳng có một chú mèo nào, cả mẹ lẫn con. Chui vào tìm kiếm một hồi, chui ra Cu Văn òa khóc: Meo meo đâu, meo meo đâu?

Lũ mèo con đi đâu?

Chúng chẳng đi đâu cả. Chúng chỉ… lớn lên. Một năm, lũ mèo con đã thành mèo lớn, theo mẹ đi bắt chuột cả rồi. Vậy mà Cu Văn vẫn còn khóc nhè đòi mèo con!

Mẹ đón Cu Văn ở nhà trẻ Tiên Sa về. Trời đổ mưa. Vừa được mẹ bế lên xe Cu Văn đã hét toáng lên:

– Trời mưa rồi. Mẹ ơi, đắp mền cho con mau lên!

Hóa ra, ở nhà khi ngủ, Cu Văn vẫn luôn được đắp chăn cẩn thận, dù thường xuyên tè đêm ướt cả mền gối. Trời mưa, phủ lên người áo mưa, nó cũng hơi giống cái sự đắp mền lên người khi ngủ. Cu ta đòi mau mau đắp mền lúc này là phải quá rồi còn gì.

Mẹ phủ áo mưa kín bít, bịt bùng cả người. Cu ngồi im thin thít trên xe, rất ngoan. Ắt hẳn đã yên tâm lắm sau khi được đắp mền để đi trong mưa.

Cuối tuần, chiều thứ sáu, cô mẫu giáo phát cho Cu Văn cái phiếu có hình bông hồng rất đẹp. Cô tập  cho Cu:

– Khoanh tay lại, cảm ơn cô đi con.

Cu Văn khoanh tay, lễ phép:

– Con cảm ơn cô.

Về nhà, ba đang nằm đọc sách. Cu Văn loay hoay mở cặp ra tìm, rồi chạy ù đến bên ba, rối rít khoe:

– Ba ơi, ba! Cái cảm ơn cô nè ba.

Thì ra là cái phiếu Bé ngoan. Lần đầu tiên cu ta được phiếu Bé ngoan.

Lên ba, cả nhà đưa Cu Văn đi chụp ảnh sinh nhật. Một tuần sau, lấy ảnh về. Cu Văn giành xem, chỉ từng người, hớn hở:

– Bà nè. Mẹ nè. Chị Như nè.

Đến ảnh Cu Văn, Cu ta… bí, chỉ mãi vẫn không biết đó là ai! Bèn quả quyết:

– Cái thằng Cu.

Buồn cười quá, mẹ dắt Cu Văn vào soi gương , bảo: “Thằng Cu Văn đó kìa, biết chưa!”. Nhìn mình trong gương một lúc, Cu chạy ra, chỉ vào ảnh mình:

– Cái thằng Cu Văn!

Văn đòi chở đi chơi, gào khóc inh ỏi. Thấy ba giả lơ không nói gì, Văn bèn… chui xuống gầm giường khóc tiếp. Ba bảo:

– Thôi nín đi rồi ba cho đi .

Nghe ba nói thế, Văn càng gào to hơn, tức tưởi:

– Con lỡ khóc rồi! Con muốn dừng (nín) lại quá mà không dừng được!

Nói xong, nức nở khóc tiếp.

Văn có tật xấu gặm cắn móng tay. Ngồi một mình là… đưa tay lên gặm chơi cho đỡ buồn, đến nỗi đầu các ngón tay nham nhở lỗ chỗ hết, có khi rướm máu. Bị la hoài Văn vẫn chưa bỏ được thói quen này. Một hôm ngồi xem tivi, Văn đưa tay lên gặm thì bị mẹ la. Văn ta vội vàng bỏ tay khỏi miệng, chối ngay:

– Con đâu có gặm móng tay. Con… gãi răng      chứ bộ.

Hết năm mẫu giáo lớn, nghỉ hè, cả nhà theo đoàn cơ quan ba đi tham quan cửa khẩu Lao Bảo. Nghỉ ở khách sạn, Văn ta khoái quá, suốt ngày đòi đi thang máy và chui vào bồn tắm nằm soài mở nước tung tóe. Sáng ra, cả nhà còn đang ngủ thì Văn đã lồm cồm bò dậy, ra mở cửa sổ ngắm trời ngắm đất. Buổi sớm, mây và sương mù mờ mịt che phủ bao bọc dày đặc dãy núi phía cửa khẩu. Văn lật đật chạy vào kéo ba dậy:

– Ba ơi dậy đi. Dậy đi xem mây!

Ba ngái ngủ làu bàu:

– Con ngủ nữa đi. Chưa có xe đâu, còn sớm lắm.

Văn nằn nì:

– Thì mình đi bộ đi ba. Năn nỉ ba đó mà. Con thích xem mây quá.

Ba kêu khổ thầm : Ba lỡ dại thỉnh thỏang có làm thơ. Thằng cu con này ngó bộ còn có vẻ thi sĩ hơn cả ba nó rồi!

Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Đường phố rực rỡ các nơi bán hoa và thiệp mừng. Đón Văn ở cổng trường, ba hỏi:

– Văn có mua hoa tặng mẹ và chị Như không đây? Có biết hôm nay là ngày gì không?

Văn lơ ngơ nhìn ngó chỗ bán hoa, chạy đến chăm chú đọc các tấm thiệp gắn trên các lẵng hoa, rồi hớn hở trở lại trả lời ba chắc nịch:

– Dạ, con biết rồi. Hôm nay là ngày lễ tám trừ ba bằng năm đó ba.

Văn đang học các phép toán cộng trừ ở lớp Một Nhà thiếu nhi và rất hăng hái siêng năng thực hành mà.

Học bài và nhất là khi làm toán, chỗ nào khó là Văn ta chạy bay lên phòng chị Như đòi chị Như chỉ. Vẽ thì chị vẽ sẵn rồi ngồi cặm cụi tô màu lem luốc hết cả tranh.Một hôm chị Như học bài, Văn lẳng lặng ngồi lấy sách vở chị ra xem, không đòi chị giúp gì. Xem một lượt hết sách vở chị Như bày ra đó xong, Văn hớt ha hớt hải chạy xuống tầng dưới kêu ba, mếu máo:

– Ba ơi ba! Lớp chị Như khó lắm ba ơi! Con đọc vở chị Như không hiểu gì hết ba. Thôi con học lớp Một thôi, không học lên lớp chị Như đâu. Khó lắm!

Học lớp Một mà kêu chương trình lớp Tám khó quá, để ba viết thư cho Bộ Giáo dục – Đào tạo xem lại chương trình vậy. Nhưng thương thằng cu con biết lo xa quá!

Cuối năm học, Văn khoe với ba:

– Lớp con một học sinh khá, bốn mươi học sinh giỏi, không có học sinh nào dốt hết.

Văn tự kiểm điểm, rất nghiêm túc:

– Văn được học sinh giỏi. Văn học cũng thông minh, đúng không ba? Chỉ tại Văn ham chơi vi tính  với thích đá bóng quá nên còn chữ xấu với có điểm kém thôi…

Văn khuyến học chị Như:

– Chị Như ơi, ở trường Văn có thầy dạy vẽ vi tính cho lớp Hai hiền lắm. Bạn nào vẽ không được thầy vẽ dùm chứ không có đánh. Chị Như đi học đi chị Như. Chị Như học lớp Tám giỏi rồi, chắc học lớp Hai không khó đâu, lớp Hai mấy (ý là lớp 2/1, 2/2, 2/3…) chị Như cũng học được thôi. Chị Như đi học đi chị Như.

 Mỗi khi nghịch phá bị ba quát và doạ cho ăn roi là Văn rất sợ. Nhưng không chạy trốn, mà lại chạy đến ôm ba cứng ngắc, mặt tái xanh miệng méo xệch, mếu máo năn nỉ:

– Con xin lỗi ba. Ba cười lên đi. Mặt ba trông ghê quá. Con sợ nhiều rồi!

Tối hai chị em cứ rục rịch nói chuyện đùa giỡn không chịu ngủ. Ba nẹt khuya rồi, ngủ đi. Văn yêu sách:

– Ba cười lên đi con mới ngủ.

Một bữa Văn ta đã lên giường, tự nhiên phóng xuống chạy ào vào phòng ba, leo lên cửa sổ nhìn ra con tàu đang xình xịch chạy ngoài ga, bảo:

– Con tưởng ba cười. Thì ra là… cái tàu cười!

 


Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 1 

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 2

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 3

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 4

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây