Trở nên đối thủ xứng tầm [Kỳ 1] – Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn

Nha phe binh HLS tang sach TS Nguyen Thi Tinh giang vien khoa Van DHSP HN 2 min - Trở nên đối thủ xứng tầm [Kỳ 1] - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnNhà phê bình Hoàng Liên Sơn (bìa trái) tặng sách TS Nguyễn Thị Tính (bìa phải) giảng viên khoa Văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Tùy bút phê bình tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương của Phùng Văn Khai

Sau khi đọc xong cuốn Triệu Vương phục quốc, gửi bài cho nhà văn họ Phùng rồi, tôi cứ ngỡ giờ là giai đoạn ông đang ấp ủ cho một sáng tác mới; nhưng không, ông tặng tiếp cuốn Lý Đào Lang Vương này.

Nói lời chúc mừng, ôm sách về mà tâm nghi của tôi khởi lên ghê lắm. Viết là công việc mang tính sáng tạo cao. Nhiều nhà văn đỉnh cao, vì tên tuổi của họ mà tôi đọc nhiều; nhưng thực chất những tác phẩm đọng lại trong tôi lâu nhất và khiến tôi đọc đi đọc lại vài lần cũng không nhiều. Chẳng hạn với Hemingue thì duy có Ông già và biển cả với câu nói lừng lẫy: “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục”.

Tuy nhiên hình như viết nhiều hay ít, phụ thuộc nhiều vào tạng của từng nhà văn; chứ không dễ mà tính khôn được. Chẳng hạn cụ Kim Lân viết hay kiểu ít; cụ Tô Hoài viết nhiều cũng không vì thế mà dở mặc dù sự quan tâm của độc giả quả thực dồn quá nhiều vào Dế mèn phiêu lưu ký. Đúng kiểu “trăm nghìn xinh đẹp chị em, trăm nghìn thương nhớ chất nên một người” (ca dao hay thơ của ai tôi không nhớ nữa).

Nha phe binh HLS phat bieu trong mot cuoc giao luu min - Trở nên đối thủ xứng tầm [Kỳ 1] - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnNhà phê bình Hoàng Liên Sơn phát biểu trong một cuộc giao lưu.

Con người luôn mang mẫu thuẫn nội tại. Nhưng thiền sư Thích Thanh Từ có giảng bản thân tứ đại đất nước gió lửa còn vừa mâu thuẫn vừa hòa hợp với nhau. Con người vừa thích ổn cố chẳng hạn an cứ lạc nghiệp, vừa không ngừng tìm đến cái mới hơn, chẳng hạn thời trang và nghệ thuật.

Tìm kiếm cái mới không chỉ tuổi trưởng thành mới có. Tôi nhớ khi con gái tôi còn bé, lười ăn, nhai chậm. Nhà tôi còn bưng bát cơm với cái thìa để chờ đút, trong lúc con bé kéo sợi băng từ cuộn băng video cassette ra. Được vài bữa sẽ lại phải bày trò khác để nó nghịch trong lúc ăn.

Thế nên, tôi nghi nhất là ông kiếm đâu ra cái mới để cầm chân một độc giả không dễ tính cho lắm là tôi. Nhưng cũng lại nghĩ đọc vài chương mà thấy không hay lắm thì lại xếp lên giá, được gì chưa biết nhưng có mất cũng chỉ mất đôi ba giờ thôi mà. Nên là, lại bật đèn bàn để khỏi ảnh hưởng tới giấc ngủ của người khác, rồi mở sách, dùng bút đánh dấu sẵn sàng cho việc bôi quệt những chỗ hay dở.

*

*       *

Đọc trọn hồi thứ nhất của tiểu thuyết này, tâm nghi của tôi đã được giải tỏa phần nào. Trước hết nội dung của tiểu thuyết là điều đáng kể, bởi sự mở rộng về không gian. Hai cuốn Nam Đế Vạn XuânTriệu Vương phục quốc; không gian tiểu thuyết chủ yếu tập trung ở Giao Châu và các trận đánh diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa Giao Châu với các châu khác, cùng với không gian của nhà nước phương Bắc.

Còn tới cuốn này, không gian bắt đầu mở rộng tới Ái Châu, Cửu Đức là nơi trước đây Lý Bí từng tới chỉ với vai trò là giám quân; và vùng Dã Năng đất mới hoàn toàn. Sự mở rộng không gian đó cũng là điều kiện cần để trong tương lai nhà nước Vạn Xuân có thể tập trung đủ binh lực mà đối đầu hiệu quả với đội quân luôn sẵn sàng có đến cỡ mười vạn của phương Bắc. Nếu chỉ với binh lực vài vạn, cùng vũ khí công năng có phần còn thua sút đối phương, thì quan quân Vạn Xuân có mưu trí dũng cảm cỡ nào cũng khó mà đem lại chiến thắng.

Nv pvk va cac ban van min - Trở nên đối thủ xứng tầm [Kỳ 1] - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnNhà văn Phùng Văn Khai (bìa trái) và các bạn văn.

Chúng ta có thể có những ví dụ khác, chẳng hạn đội quân của nhà nước Israel bé nhỏ nhưng vẫn sẵn sàng đương đầu và chiến thắng liên quân Ả Rập đông gấp nhiều lần. Tuy nhiên họ thắng do được hỗ trợ bởi nước lớn đồng thời vũ khí công nghệ cao vượt trội. Ngoài ra trật tự thế giới mới cùng các điều luật về chiến tranh qui ước, cục bộ; các ràng buộc bởi công ước về tù binh… cũng hỗ trợ phần nào cho các quân đội quân số nhỏ đất ít.

Nhưng thời kỳ Vạn Xuân lại khác, trò cá lớn nuốt cá bé theo luật rừng vẫn phổ biến. Thế nên chúng ta lại hoan hỉ theo dõi hành trình từ cá bé thành cá nhỡ của tổ tiên, qua ngòi bút của tiểu thuyết gia họ Phùng.

Khi nghịch duyên vừa ập tới, mấy ai cảm thấy dễ chịu; trừ bậc thánh. Thất bại nặng nề ở hồ Điển Triệt cùng với binh lực tan rã gần như hoàn toàn đã là một nghịch duyên quá khủng khiếp với đoàn quân cũng thua trận nốt của Lý Thiên Bảo, xóa nốt đường về Giao Châu. Tuy nhiên điều đó lại mở ra hướng đi sang phía Di Lạo để đến vùng đất thượng nguồn sông Dã Năng và dừng lại ở mảnh đất vuông bằng phẳng mỗi bề chừng vài chục dặm. Cuộc đi ấy cũng mang tính biểu tượng và mang một gợi ý cho nhiều cuộc mở rộng không gian sống của các đời sau, tận cho tới thời kỳ nhà Nguyễn.

Trong hai cuốn tiểu thuyết trước của tiểu thuyết gia họ Phùng, đạo Phật đều góp phần rất quan trọng trong quá trình ươm mầm, khởi nghĩa, dựng nước và giữ nước. Nay ở không gian sinh tồn mới này, Phật giáo có thêm một vai trò độc đáo mà xã hội thế tục thuần túy khó làm: Những người đồng đạo hướng về nhau, tìm đến nhau và cùng nhau dựng chùa, tìm cách nối lại quốc thống. Các Phật tử thường nói với nhau: “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Không ai tu thay được cho ai, nhưng khi cùng nhau hình thành tăng thân thì sẽ giúp nhau tu tập hiệu quả hơn. Mối duyên cùng nhà con Phật đã khiến sư Triệu Quốc Chính mặc dù là tướng dưới trướng của thứ sử bại trận họ Nguyễn nhưng không khởi tâm sân hận mà còn tìm cách giúp Lý Thiên Bảo, anh ruột hoàng đế nhà Lý. Khi Lý Thiên Bảo vì không nghe ông mà bị bại trận mất gần hết quân, ông “bất thối chuyển” và tiếp tục nhẫn nại tham mưu cho họ Lý lui binh về Dã Năng.

Tiểu thuyết này cũng bắt đầu một điều mới mẻ mà sau này được gọi tên là ngụ binh ư nông: “Vốn từ trước Lý Thiên Bảo rèn quân rất nghiêm, nên binh lính không chỉ biết lấy củ quả sẵn có của các tộc dân, mà còn biết gieo trồng sau khi thu hái”.

Các tổ dạy: Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Mặc dù thế nước đang ở trong thời kỳ gieo neo, nhưng khi tác giả viết về những cái nhân lành mà họ đã gieo, chúng ta có thể hy vọng về một cái quả tốt lành sau này: “Vị sư tăng đã một thời là sứ giả rất uy tín với các thị tộc. Ông thường được Nguyễn Hán giao đem đồng, sắt, gạo, muối từ Ái Châu tới thượng đạo nơi biên viễn đổi lấy sản vật quí của các thị tộc”.

Nhân lành ấy còn ở Lý Thiên Bảo, qua lời của Triệu Quốc Chính: “Nay nhìn bản vẽ ngôi chùa, thấy rõ phương vị đông, tây, nam, bắc; cửa tiền, cổng hậu dẫn nhập liên thông chặt chẽ, quả là vô cùng giản dị mà sinh động biến hóa”.

Và họ Lý chốt lại: “Việc dựng chùa không cốt lớn ở tòa ngang dãy dọc mà chính yếu là quy tụ nhân tâm hướng Phật”; “Bên ngoài chùa chính, đệ hãy dựng ít gian nhà gỗ để dân chúng các thị tộc có chỗ tiện nghỉ ngơi. Hôm nhập trạch chùa, đệ hãy cho mời các thị tộc quanh vùng tới cho đông đủ”.

Như vậy, không gian của đất nước được mở rộng thêm bằng cả yếu tố con người bản địa!

Nhân lành không chỉ được tạo bởi những nhân vật hiện sinh, còn được tạo và trao truyền từ thế hệ trước. Lão sư Phùng Hiến đã vì nước mà chịu chết thiêu bởi Trần Bá Tiên nhưng ông đã để lại một đệ tử Phùng Hiền Anh có pháp danh Thuần Đức, tìm tới giúp họ Lý trụ trì ngôi chùa đầu tiên trên đất Dã Năng còn chưa kịp xây xong, một duyên lành.

Cũng từ đây chúng ta biết thêm vì sao mai hậu có tam giáo đồng nguyên. Truyền thống ấy đã có từ nhiều thế kỷ trước, khi đạo Phật đồng tồn với đạo giáo và đạo mẫu, thậm chí còn có biểu tượng của giao thoa là Phật mẫu Man Nương.

Quan trọng hơn nữa, tác giả đã đưa phát hiện này vào trong trang sách của ông: “Cuộc đời Phật mẫu Man Nương chính là thông điệp mà các cao tăng phương Nam đưa ra đối sánh với giáo lý phương Bắc? Và việc người đời cho rằng nhị vị đại sư Khâu Đà La, Ma La Kỳ Vực đã đắc đạo, đắc pháp ở phương Nam phải chăng cũng là cao ý của Phật tổ”.

Sự đối sánh về giáo lý, về pháp học cùng pháp hành của Phật giáo góp phần tạo ra đối sánh trong các lĩnh vực khác, dần khơi gợi ý thức độc lập tự chủ của dân ta.

Tới đây tôi bắt đầu yên tâm về độ hấp dẫn của tập tiểu thuyết này, đồng thời cũng thấy may mà đã đắc chút pháp qua quá trình tu bòn tu mót cái “tâm hỷ vô lượng” chứ không thì hẳn đang ghen tỵ với nhà văn họ Phùng nhiều lắm!

*

*       *

Có câu nhà thơ biến thế giới của mình thành thế giới của người khác, nhà văn biến thế giới của người khác thành của mình. Cũng là nhấn mạnh một đặc điểm phổ biến, chiếm tỉ lệ cao chứ tất nhiên không phải luôn như vậy. Sau khi đã đọc vài cuốn tiểu thuyết của Khai rồi, lúc nhẩn nha tôi mới ngẫm về cái liên quan giữa lối ông sống và viết.

Trước hết là lớp ngôn ngữ. Có lần một ông bạn cùng tầm ngang lứa bảo với Khai: “ông không nhớ tôi à?” Khai trả lời “Loại rơm rác sao tôi phải nhớ?” Thế là có chuyện, rồi chuyện to lên thành ầm ĩ; nhưng cũng lại lắng xuống ngay sau đôi ba chén làm hòa.

Thực ra người quảng giao như Khai, việc không nhớ tên người nào đó dù đã dăm ba bận gặp nhau quá là bình thường. Nhưng những câu thoại chết người ấy không hẳn là suy nghĩ “chính thống” của ông mà nó như nhảy ra từ nhân vật ông vừa viết xong ngay trước lúc buông máy tính để ào đến tiệc. Nếu nhân vật ấy đang lúc từ hòa thì điều ông nói ra sẽ đầy kính ngữ. Còn nhân vật đang mắng chửi trước lúc tống nhau vào ngục hay chém nhau, nó sẽ bất cẩn và bùng nổ như vậy. Có điều, mấy ai hiểu nguồn cội sâu xa ấy mà thông cảm được.

Vân vi thế để nói về chuyện có một vị sư đến gặp thứ sử tự phong Lữ Phạm làm thuyết khách. Ban đầu tôi vốn cũng nghĩ du tăng như thế cũng nhiều và kẻ nói cứ nói người nghe tiếp thu bao nhiêu thì bao; nhưng sau đoạn đầu giữ ý kiềm chế là tới leo thang căng thẳng đến nỗi ông bị tống giam. Tôi tự hỏi du tăng nào mà vừa manh động, vừa thiếu tính toán thế nhỉ? Vào hang cọp không phải để bắt mà để nộp mạng thế?

Nhưng cho nhân vật nói năng như thế mới đích thực nhà văn họ Phùng!

Hóa ra đó là quân sư Triệu Quốc Chính. Và việc ông bị bắt nằm ngoài dự kiến của ông cùng Lý Thiên Bảo. Xem như hiệp một tạm thua. Nhưng biết đâu cái thua ấy lại mở ra điều gì tốt lành, bởi như Phùng sư phụ nói: “Nhà Lương khí số đã tận. Lương Vũ Đế đang bị bọn thuộc hạ giam lỏng ở kinh thành. Trần Bá Tiên sớm muộn cũng sẽ soán đoạt ngôi cao, xưng đế Trung Nguyên”.

Còn Lý Phật Tử thì sao? “Nếu ta động binh lúc này, ắt tính mạng quân sư nguy mất. Vậy kế trước mắt phải cứu Triệu quân sư về. Mạt tướng dẫu bất tài, xin dẫn mười dũng sĩ đột nhập thành Ái Châu quyết cứu Triệu quân sư”.

Rút cục, Phùng sư phụ đã hiến một kế mà chủ công Lý Thiên Bảo xem là diệu kế. Nhưng kế ấy cần sự giúp sức của các vị tộc trưởng. Ông nói: “Trong thành Ái Châu, Lữ Phạm giam cầm Triệu quân sư chính là bắt làm mồi nhử các thị tộc thuận theo về với họ Lữ để chúng dứt đi nền quốc thống Vạn Xuân. Nay ta tương kế tựu kế, các vị tộc trưởng liên danh trá hàng họ Lữ, dụ chúng đem binh tới thượng Dã Năng bắt Lý chủ công tất binh ta không phải nhọc sức công thành”.

Thật may, các vị tộc trưởng một lòng ủng hộ Lý chủ công lo việc nước đã đành, lại cũng có cảm tình sâu với Triệu quân sư từ khi ông còn dưới trướng thứ sử Nguyễn Hán, liền theo kế đó.

Trong những trang sử còn được truyền lại, không có đoạn nào ghi việc bị bắt hay cứu quân sư Triệu Quốc Chính. Nhưng nhà văn đã hư cấu nên một trường đoạn vờn vẽ thú vị giữa một huyện lệnh và thứ sử Lữ Phạm.

Nếu họ Lữ bị lừa quá dễ dàng thì văn không chân thực mà nhà văn cũng kém tôn trọng sức nghĩ của đối thủ. Dù là giặc, chúng cũng có quyền khôn. Y nói: “Trịnh Hạp! Liệu rằng đây có phải kế trá hàng mà giặc cỏ đã bày cho đám thị tộc kia chăng?”.

Nếu họ Lữ quá cáo già thì mưu lại không thành. Y có nghi ngờ nhưng không đủ khôn để vượt qua cú bồi cuối cùng của viên huyện lệnh; nào là đang yên lành tự dưng phải nuôi cả nghìn quân họ Lý, nào là đang quen tự do phóng túng giờ phải đi phục dịch đồn trại nghiêm ngặt, nào là họ Lý chia các thị tộc cao thấp để dễ bề thôn tính… Rút cục y còn thấy và nghĩ rằng đó chính là cơ hội để vận dụng hàng loạt kế sách, cả “thuận thủ khiên dương”, lẫn “sấn hỏa đả kiếp”.

Rút cục, không những y thả Triệu quân sư ra mà còn trở nên gắn bó sâu kỹ với các vị huyện lệnh và tộc trưởng đến mức “như tay chân không thể tách rời”.

——————–

Trở nên đối thủ xứng tầm [Kỳ 2] – Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây