Tùy bút phê bình tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương của Phùng Văn Khai
*
* *
Theo cách nào đó, những tác phẩm văn học đã đọc sẽ ảnh hưởng lên đời sống của chúng ta; không chỉ là cho nhau những phút thư giãn giải trí mà còn bài học làm người, bài học mưu sinh. Tiểu thuyết gia họ Phùng hư cấu; nhưng đồng thời cũng gửi gắm ít nhiều chính quan niệm sống, kỹ năng sống của ông vào thậm chí cả các trận đánh mặc dù đời thường chắc ông cũng chẳng xuống tay vung chân với ai dẫu đeo lon thượng tá mấy năm rồi.
Đức Phật sau 49 ngày đêm thiền tọa dưới gốc cây bồ đề rồi thành tựu giác ngộ tối thượng. Và con người ta chết rồi còn hay hết, Ngài cũng biết, Ngài biết hết, chết rồi còn đi đâu. Ngài nói rằng: “Ta như người đứng ở trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy người này đến ngã tư rẽ trái, người này đến ngã tư rẽ phải, người này đến ngã tư đi thẳng”.
Tôi cũng mường tượng tiểu thuyết gia họ Phùng tự có một chỗ ngồi đâu đó trên lầu cao quan sát hai bên chuẩn bị lâm trận. Thấy đủ bên này tướng lĩnh ra sao, vũ khí thế nào; bên kia thành ốc vững hay yếu. Và còn phải thấy cả hai bên mưu toan những gì, cái gì đã rõ ràng cái gì còn là ẩn số trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch.
Mặc dù các tướng lĩnh và quân sư hiến những kế hay, các vị tộc trưởng đều đầy tinh thần dũng cảm, nhưng sau khi chỉ còn Lý chủ quân và Triệu quân sư, ông nói về binh lực của phe ta: “Các dũng sĩ Vạn Xuân nơi đây phần nhiều đều là tráng đinh bát tộc, ta không nỡ phải hy sinh quá nhiều trai trẻ thị tộc Dã Năng”.
Phe ta cũng không lấy đâu ra nhiều quân đến mức có thể: “gấp mười thì vây, gấp đôi thì diệt”.
Vậy nên mặc dù về mặt cảm xúc có thể là: “Ta dẫu muốn một trận Cửu Dương này đốt giết hết toàn bộ binh tướng Lữ Phạm, song trước mắt e rằng chưa thể làm theo cách đó”.
Thì lý trí cần tiết kiệm máu xương: “Dẫu quân ta chủ động mai phục, lại sẵn có địa lợi có thể lấy ít địch nhiều, song nếu để giặc cùng đường tử chiến, quân ta hao tổn nguyên khí cũng không phải ít”.
Nhà văn Phùng Văn Khai (bìa trái) tặng sách nhà văn Minh Chuyên (bìa phải).
Và cái tư chất của bậc quân vương chính là ở chỗ: “Việc lừa đại quân Lữ Phạm vào thung lũng Cửu Dương chủ công Lý Thiên Bảo vẫn chừa lại con đường thượng đạo phía tây tuyệt đối không mai phục là có ý đuổi bọn tàn quân Lữ Phạm chỉ còn đường rừng vượt núi sang vùng đất Đô Lung, từ đó có thể chạy thoát thân vào châu Cửu Đức hợp quân với bọn Mông Kỳ.”
Quân họ Lữ bấy giờ đang là hơn vạn!
Đó là những tư duy mang tính chiến lược, còn tất nhiên về mặt mưu mẹo tác chiến khá đủ đầy. Có Lý Phật Tử cho rằng nên thừa cơ khi giặc xuất binh thì đánh vào thành trống. Có Triệu quân sư cảnh báo rằng không dễ gì dẫn dụ giặc vào thung lũng Cửu Dương bởi đã từng dính mai phục của quân ta ở đèo Cổ Họng, và nên vừa phải bưng tai bịt mắt chúng vừa phải hy sinh một phần chiến thuyền, voi ngựa mới có thể lừa được chúng. Quả là tư duy và mưu mẹo của quân sư xứng đáng với lời ca ngợi của Lý Phật Tử: “Quả là thần kế! Kế nằm trong kế, liên hoàn trước sau không chỉ bưng tai bịt mắt Lữ Phạm mà còn tỏ rõ cho chúng biết ta thủy binh bị thiêu trụi, voi ngựa đã qua sông rơi vào tay chúng cả ắt thành Ái Châu sẽ không lo phòng bị gì nữa”.
Lý chủ công vẫn chốt hạ cẩn trọng: “Nên nhớ, nếu doanh quân cuối cùng của Ái Châu chưa rời thành, ngươi tuyệt đối chưa được xuất chiến”.
Và ông không quên tỏ ra hóm hỉnh để giảm bớt không khí căng thẳng: “Hãy để binh tướng của thứ sử đại nhân nuôi voi chăn ngựa ít ngày ta thu lại cũng đâu có muộn”.
Đã vậy, ông còn có Phùng sư phụ mớm kế cho Lý Phật Tử chiêu tháo rời chiến thuyền cho đội ngưu binh chuyên chở để giặc bất ngờ. Sư phụ cũng nhất trí rằng: “Đánh giặc không thể như đánh bạc, dốc một trận cho xong, mà còn phải biết bảo tồn bách tính thị tộc”.
Còn bên phía giặc Lữ Phạm dẫu quân đông hơn hẳn vẫn cực kỳ cảnh giác: “Thành Ái Châu tuy dày vững, song cũng không thể nào bỏ mặc không có binh tướng canh giữ. Ta còn ngờ rằng, tên giặc cỏ họ Lý cấu kết các thị tộc, dùng kế điệu hổ ly sơn, dụ đại quân ta rời thành chúng sẽ đánh úp”.
Y cẩn trọng cho Chu Táo dẫn một ngàn kỵ binh đi tiên phong kiểu ném đá dò đường, cho Sử Lộc dẫn quân đến đốt chiến thuyền tại bến đầm, còn y đi cùng trung quân. Và cắt hai viên tướng ở lại giữ thành.
Đọc tới đây tôi chợt nhớ ra vì sao mà ông tư vấn cho bạn bè đầu tư nhà đất thì nên rủ ai chung và để mỗi nơi một ít chứ đừng tất tay vào một chỗ. Vậy, cả tác giả cùng độc giả đều có cái thao tác quen thuộc ở cuối mỗi bài tập làm văn của học sinh phổ thông: Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
*
* *
Với tương quan ấy, thế và lực ấy, phe ta thắng trận gần như theo đúng kịch bản mà Lý chủ quân và tướng lĩnh của ông dự kiến cũng không khó hiểu. Lữ Phạm đã mang theo đám tàn quân chạy đúng con đường Lý chủ quân đã dự kiến. Chỉ có một điều hơi lạ là dường như thất bại nặng nề khiến y bị tê liệt khả năng tính toán, nên thay vì sớm chạy xuống Cửu Đức với Mông Kỳ thì y lại ở đó hy vọng Mông Kỳ đánh thắng Vạn Xuân rồi mới xuống; không nghĩ quân Vạn Xuân có thể truy kích, rút cục chết trong đám loạn quân.
Khi hồng vận tới thì như người ta nói “đã hay lại hên”. Lý quốc chủ chiến thắng Lữ Phạm khi mà ở Trung Nguyên tình thế ngổn ngang, không ai quan tâm cả chuyện hai họ Lữ – Mông tự phong làm thứ sử. Và như thế hậu cần lương thảo cấp tới chẳng đủ nói gì viện binh. Vì vậy Lý Phật Tử thong dong nhàn hạ bức hàng hai bộ tướng của họ Lữ đang giữ thành Ái Châu. Còn Lý quân chủ cũng không quá khó khăn để hỗ trợ hàn gắn mối quan hệ giữa bộ tộc Kadai và vua Di Lạo, đồng thời ổn định mối quan hệ giữa Vạn Xuân với nước này. Ông đồng thời cũng đuổi được đám thương nhân phương Bắc đã một thời thao túng lèo lái vua Di Lạo. Cho thấy sự tranh giành ảnh hưởng lên các nước thứ ba đã có từ rất sớm!
Như vậy, Vạn Xuân đã không chỉ giải phóng được Giao Châu mà còn mở rộng kiểm soát thực địa về phía Tây Nam, thu hồi Ái Châu và đang đứng trước ngưỡng cửa chiến thắng để thu hồi Cửu Đức. Lãnh thổ kiểm soát thực tế đã tăng lên nhiều lần. Có thực mới vực được đạo, để trở thành đối thủ xứng tầm của phương Bắc, chỉ đức trí và dũng không đủ mà còn phải có thực lực nữa. Thất bại cuối cùng ở hồ Điển Triệt dẫn tới tan rã đã khiến các vị tiếp nối nền quốc thống ý thức sâu sắc điều đó.
*
* *
Loài người đã phát minh ra nhiều loại vũ khí kinh hoàng nhằm nâng cao khả năng sát thương, súng, pháo, xe tăng và cả bom nguyên tử. Tuy nhiên mười lăm thế kỷ trước, thì chỉ chuyện căn cứ vào địa hình lầy thụt mà dùng trâu để cưỡi thay cho ngựa cũng đã là một phát minh lớn. Rồi chuyện giả làm thuyền buôn chở muối để thủy quân giặc bắt và đúng lúc chúng mất cảnh giác thì từ các hòm tưởng là muối có người với gươm giáo lao ra; sau này cũng là cách để đưa vũ khí qua bốt kiểm soát mà vào thành phố Sài Gòn thời xuân Mậu Thân 1968.
Cách mà đội quân Ngụy Thần bày binh quay lưng ra sông để buộc binh lính tử chiến bởi không có đường lui thì học theo Hàn Tín. Phương pháp tác chiến ở mỗi giai đoạn đều có kế thừa từ tiền nhân đồng thời lại là cái trao truyền cho hậu duệ. Nhưng có những điều tiền nhân giặc trao mà chúng không sao học nổi, bởi như nhà văn họ Phùng đã nhắc lời Mã Viện nhấn mạnh khu vực bãi Trầm Ngưu lầy thụt không thể dụng kị binh.
Bìa sách “Những bài học từ lịch sử”.
Khi gặp sáng kiến dùng ngưu binh, tôi chợt nhớ đến một cuốn sách của Osho có tên là Sáng tạo – bừng cháy sức mạnh bên trong. Tạm gọi thế vì bản thân Osho chả bao giờ trực tiếp chấp bút mà các đệ tử của ông đã tự biên tập lại từ những lời giảng của ông rồi in thành sách. Nhiều cuốn sách mang tên tác giả thiền sư Thích Thanh Từ dòng Trúc Lâm ở ta cũng được hoàn thành theo cách như vậy. Nghe nói Khai cũng không tự đánh máy bản thảo của mình mà đọc để các bạn thư ký của ông gõ cho kịp mạch nguồn chi tiết và cảm xúc chảy trong ông.
Osho đã bình dân và phổ thông hóa khái niệm sáng tạo, một thứ mà bản thân tôi trong cái nhìn hạn hẹp vốn coi là đặc trưng của dân làm nghệ thuật. Cũng chẳng coi nhẹ được những sáng tạo kiểu này đâu, bởi ngay một ly nước lọc tráng miệng sau khi uống café chẳng hạn thì các quán xá ở Hà Nội cũng phải vài mươi năm trở lại đây mới có. Hoặc các cửa hàng bán café lưu động trên hè phố, vẻ như cũng từ học ở miền Nam mà có. Rồi cái đó lại bắt đầu từ cái nghịch duyên covid, để ngăn dịch chính quyền đã yêu cầu người dân không tụ tập đông người vì vậy nảy sinh sáng kiến mua mang về, kể cả café.
Vân vi thế, để thấy rằng thao tác “liên hệ bản thân rút ra bài học” tưởng chừng chỉ của học trò phổ thông, nhưng nếu để ý một chút thì bạn đọc của tiểu thuyết này có thể có được trong suốt quá trình đọc sách. Biết đâu việc tháo rời pháo để “gùi” lên Điện Biên Phủ cũng được gợi ý từ việc tháo rời thuyền cho trâu chở đi của đại sư Phùng Hiền Anh?
Nhân nhắc tới đại sư, tôi cũng chợt nhận ra cách lấy họ Thích đặt cho tăng để thành pháp danh cũng sau này mới có, và cũng có ở Việt Nam chứ bên Thái lại không. Quả như người ta đã tổng kết, mỗi nước đều có một vị Thích Ca kiểu của mình. Cùng ba hai tướng tốt tám tư vẻ đẹp cả nhưng bên Hàn Quốc ngài có mắt một mí, bên Srilanca để trần vai và tay phải.
*
* *
Việc làm giả chiếu chỉ phong thứ sử đã nói đi, giờ xin nói lại. Nếu mọi chuyện cứ như thế, một ngày Lương Vũ Đế qua được loạn lạc ổn định triều chính, tất sẽ hỏi đến tội hai kẻ trí trá mưu mô này. Nhưng hóa ra chúng đã tính toán cả.
Căn ngục thất ở Cửu Đức u ám bụi bặm mấy năm không có tội nhân nào, vậy mà mấy tháng trước: “Bỗng thình lình đích thân đám võ sĩ của Thứ sử Mông Kỳ áp giải tới đó một gã tội nhân. Bọn quản ngục lại càng kinh sợ hơn khi phạm nhân chính là Tào Tứ, một cận thần của Mông Thứ sử, nhưng tuyệt không ai dám hé răng nửa lời”.
Sau những bữa ăn rượu thịt ê hề là: “Tào tiên sinh! Ta thật có lỗi với ngài. Nay đến tiễn biệt tiên sinh, ngài có gì căn dặn hãy nói thẳng với ta.”
Tiễn biệt là cách nói văn hoa! Và điều căn dặn là: “Ta từ lúc bị các ngài sai khiến làm giả chiếu chỉ đã biết mình mắc tội khi quân phạm thượng chỉ còn con đường chết. Không ngờ lại phải chết trong chính tay kẻ đã lừa mị sai khiến mình thực không nhắm được mắt. Chỉ xót thương cho bao nhiêu trai tráng phương Bắc đã theo lầm các ngài bỏ xác ở phương Nam…”
Mông Kỳ đã tiễn biệt Tào Tứ bằng một nhát trường kiếm, nhưng không thể tiễn nổi điều ông ta nói: “Ta dẫu chết oan nhưng tội các ngươi đừng hòng chối nổi sẽ còn mãi lưu trong sử sách, truyền trong bia miệng thế gian nỗi nhục muôn đời”.
Y cũng bỏ thành vào với Bố Đa Ngai ngay sau đó.
Nghe hao hao cái trò một tay tội phạm nào đó đã chết thì tuốt tuột mọi thứ có thể sẽ được kẻ còn sống đổ cho y! Đọc tiểu thuyết lịch sử để “ôn cố tri tân” cũng là vì vậy.
Với tương quan như thế, rồi ta sẽ thắng nốt thôi. Nhưng Lý chủ quân đã thấy song song với tiến hành chiến tranh, đã cần bắt tay làm từng việc chuẩn bị cho hòa bình. Ông thi hành chính sách với kẻ bại trận như theo công ước Geneva hàng nghìn năm sau: “Sai đám tù binh theo huyện lệnh Đô Lung đi tìm thi thể Thứ sử Lữ Phạm cùng phó tướng Sử Lộc chôn cất cẩn thận”. Ông biết một mai sẽ có nhiều trong số đám tù binh trở thành dân mới ở đất nước ông.
Trước khi rời đi Cửu Đức, ông đã dân vận: “Đích thân tới vách núi, nơi hôm trước Sử Lộc tháo dỡ ngôi chùa cổ xuống làm quân doanh dặn đám phường săn họ Dương cùng các thị tộc gấp rút sửa sang lại ngôi chùa để có chỗ cho dân chúng trong thành tới dâng hương cúng Phật khi tết Nguyên đán chỉ còn hơn mười ngày nữa”.
Và những công việc tái thiết đang chờ dù còn chưa tới giai đoạn hậu chiến: “Việc thành đất Đô Lung sụp đổ trong sớm tối đã quá hiển nhiên.” Và “Nhập thành yên ổn chúng dân quả không phải là việc dễ”.
Ông đúng là thủ lĩnh của đội quân nhà Phật bởi: “thắng trận tới đâu đều phải vừa tính sinh kế cho dân chúng vừa phải nuôi báo cô bọn tù binh”.
Nhưng dẫu trong hoàn cảnh hiện còn đang hết sức khó khăn, ông biết họ cũng cần một tương lai tươi sáng để hướng tới: “Nay mai bốn phía thanh bình, ta nhất định sẽ mời các vị tộc trưởng Dã Năng ngao du một chuyến”.
Quả tương đồng với lời Bác hẹn: “Còn non còn nước còn người – Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Cuộc thu phục thành Cửu Đức đã diễn ra nhẹ nhàng, bởi dẫu Lý Nam Đế đã mất nhưng nhân lành ông gieo còn để phúc cho quân dân Vạn Xuân tới tận lúc này: “Vốn chưa quên được ân đức của Lý Giám quân, tiếp đó là sự vỗ về an định của lão tướng Phạm Tu rồi chủ công Lý Thiên Bảo, các sĩ lâm thị tộc, văn võ, dân chúng trong thành Cửu Đức ai nấy đều hân hoan mừng rỡ mở cổng thành tiếp đón binh tướng của Lý chủ công”.
*
* *
Rẽ ngang một chút, nhưng thực ra lại là chuyện tồn tại suốt theo trục dọc từ cuốn Nam Đế Vạn Xuân tới giờ, chuyện ngôn ngữ.
Khi thấy quan lại phương Bắc trao đổi trực tiếp với các hào trưởng, huyện lệnh… người Nam mà không khi nào thấy tác giả nhắc tới nhân vật phiên dịch; tôi nghĩ chắc do người Nam bấy giờ học đọc và viết tiếng Hán còn người Bắc sau nhiều năm ở phương Nam cũng gắng học chút tiếng Nam. Nhớ hồi tiếp mấy khách hàng dân gốc đảo Hải Nam, khi họ đếm nhất nhị tam, chứ không phải lối i ơ san của dân Thượng Hải, Trịnh Châu thì tôi hiểu quả không cần phiên dịch. Có một vùng chồng lấn ngôn ngữ thế nào đó giữa cả hai bên, đủ để họ hiểu nhau trong một số công việc phổ biến.
Cái chồng lấn ấy còn hiện hữu tới tận ngày nay. Chúng ta sẽ vẫn nói phổ thông trong khi Bắc Phương họ phát âm “phù thũng”.
Chúng ta, và kể cả họ; không cần tự ti hay oai oách gì chuyện này, bởi các ngôn ngữ châu Âu như Nga, Pháp, Anh cũng chồng lấn nhau tương tự và chẳng dễ xác quyết ai vay mượn ai.
Tuy nhiên tới khi các ngài như Lý Thiên Bảo giao tiếp với các tộc người Dã Năng, rồi với bên Di Lạo mà cũng không trở ngại gì, thậm chí Lý Phật Tử còn kết hôn với Su Man Trinh thì tôi lấy làm lạ lắm. Thêm bọn Mông Kỳ chuyện trò với Bố Đa Ngai chẳng cần thông qua ai lại càng lấy làm lạ nữa. Phải chăng chữ viết của người Lâm Ấp lúc bấy giờ cũng là chữ Hán?
Vân vi thế, bởi rút cục Lý Thiên Bảo trở thành Lý Đào Lang Vương hóa ra cũng bởi sự suy tôn của bát tộc Dã Năng, thì chắc hàng rào ngôn ngữ hẳn không nhiều. Có thể vốn tiếng Việt của họ cũng ổn lắm. Mừng thì mừng đấy, nhưng lại thấy ngổn ngang bởi nghĩa là ngôi Nam Đế vẫn chưa có người đủ tầm kế tục. Và các vùng Ái Châu, Cửu Đức sẽ tập trung hướng về đâu để phò tá công nghiệp kiến quốc, giúp Vạn Xuân hầu đủ sức đối trọng với Bắc phương một khi họ ổn định đối nội rồi lăm le nhòm ngó xuống?
——————–
Trở nên đối thủ xứng tầm [Kỳ 1] – Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn