Trương Văn Ngọc, những hạt lửa tím – Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

Trương Văn Ngọc, những hạt lửa tím - Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

TRƯƠNG VĂN NGỌC, NHỮNG HẠT LỬA TÍM

Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn
(Dương Tường)

Trương Văn Ngọc tên thật, sinh ngày 9-7-1950, tại xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đã theo học Trường tiểu học Bảo An, Trung học Đức Trí, Trung học Trần Cao Vân – Tam Kỳ. Có thơ đăng trên các báo, tạp chí như Văn, Nghệ thuật (trước 1975), Đất Quảng, Non Nước, tuần báo Văn Nghệ, Văn nghệ quân đội, Thanh Niên, Tiền Phong, Măng Non (sau 1975).

Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng. Chánh Văn phòng Liên hiệp Các hội văn học-nghệ thuật Đà Nẵng.

Giải thưởng:

– Giải A cuộc thi sáng tác thơ của Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng (Chuyện ngôi trường ở Tam Lãnh, thơ)
– Giải B tác phẩm 10 năm, 1975-1985 của UBND tỉnh QN-ĐN (Mùa xuân qua sông, tập thơ)
– Giải Nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (Hai người đàn bà trong cồn cát, truyện ngắn)
– Giải A của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, 2005 (tập thơ Đất có nói gì đâu)

Tác phẩm:Mùa xuân qua sông
                   – Đất có nói gì đâu

 

*

Trương Văn Ngọc làm thơ và đăng thơ khá sớm, giữa những năm 60 của thế kỷ XX. Ông là bạn văn của những Phạm Phú Hải, Nguyễn Nhật Ánh, … Có số bài thơ lưu ấn tượng trong bạn bè. 

Trong bài thơ Khi tôi chờ em, viết theo thể 5 chữ, có 4 khổ, 18 dòng, Trương Văn Ngọc có nói đến “những hạt lửa tím”. Như ta biết, về mặt vật lý và hóa học, ngọn lửa có màu. Màu ngọn lửa đó có thể là màu vàng, màu cam, màu trắng bạc, màu hồng, màu đen, màu lục nhạt, màu đỏ tía, màu tím, …

  Riêng về ngọn lửa màu tím, có công trình nghiên cứu về Violet Flam to Heal, Body, Mind and Soul (Ngọn lửa tím để chuyển hóa thể xác, tâm trí và tâm hồn). Các hành giả Ấn Độ và các tu sĩ Phật giáo đã nhìn thấy năng lượng từ ngọn lửa tím, một thứ năng lượng tâm linh tiềm ẩn. Và, ta gặp ngọn lửa tím cháy lên trong nhiều câu thơ, bài thơ của Trương Văn Ngọc.

Những hạt lửa tím ấy là những vì sao trên trời bay xuống khu vườn thiên nhiên, có bờ cỏ sương bay, có vợ chồng đom đóm kể chuyện tình buồn xửa xưa, có anh chàng hóa đá, chờ lâu quá người yêu, có ngọn đèn hiu hiu … khiến đất trời cháy lạnh. Khi tôi chờ em là bài thơ tình trong trẻo, dễ thương.Bằng các giác quan: thính giác: nghe chim mớ trên cây / chuyện tình buồn xửa xưa, khiến ngọn đèn hiu hiu; thị giác: chỉ một mình tôi thấy / vợ chồng con đom đóm / đốt đèn yêu thương nhau/ những vì sao trên trời / rung rinh như sắp rơi; xúc giác: tôi đau như nách lá / sắp đẻ mầm đêm nay / và:

Những vì sao trên trời
Rung rinh như sắp rơi
Bay những hạt lửa tím
Cháy lạnh cả lòng tôi

Ngày trước, Trương Văn Ngọc học tại Trung học Trần Cao Vân. Trường Nữ Trung học Quảng Tín nằm đầu đường vào thành phố, cách  trung tâm chừng vài km. Tuổi mười sáu, mười tám, để ý đến bạn gái cũng là điều bình thường. Thêm nữa, không gian thị xã Tam Kỳ ngày ấy vừa nhỏ nhắn vừa thơ mộng, dễ gợi nên cảm xúc cho bao lứa học trò tuổi mới lớn. Khung cảnh sân trường, lớp học, những đôi mắt trong trẻo, ngơ ngác của học trò, ngôi trường ngoại ô thương nhớ có mặt trong Thơ gởi ngôi trường ngoại ô, viết năm 1966. Một bài thơ tình trong trẻo, xinh xắn. Bài thơ vẽ nên tấm chân tình của người con trai chớm tuổi mộng mơ, nhớ nhung tà áo trắng tung bay trong những chiều tan lớp. Các hình ảnh: “cỏ may”, “đống cỏ”, “lá cỏ”, “cỏ mượt”, … ở các khổ thơ làm mềm không gian và lòng người. Bốn câu thơ cuối bài thể hiện ước mơ của người con trai:

Trường các em nằm ở ngoại ô
Các em đi học chắc hơi xa
Làm sao để nói rằng ta rất
Muốn đón đưa nhau suốt một đời

Bên trời quê cũ, viết tặng Phạm Phú Hải là bài thơ có 5 khổ. Mỗi khổ là một lần trở về. Mỗi lần trở về là một tâm trạng, tâm trạng hóa thân vào cánh cò trắng bay dật dờ cuối bãi trong một buổi chiều tang hải; trở thành một gã mù quờ gậy, dọ dẫm trên từng lối điêu tàn của quê hương ngày chinh chiến, trở về tìm cây đa bến cũ, tìm những hình sương bóng khói, thấy:

Bến lở / đa xiêu / chiều vắng / không đò

Câu thơ ngắt thành 4 nhịp, với hình ảnh về một không gian và thời gian xa vắng, bùi ngùi thương nhớ.

Trở về ngồi bên bờ dĩ vãng, nghe cát bụi khóc thương đời, thấy lá mục hương buồn, thấy mình hắt hiu giữa chiều tà, trăng xế. Cuối cùng,  bên bờ thơ ấu, nghe dòng sông hát khúc hoài hương, nhớ cảnh nhớ người như từ thiên cổ vọng về, bao hoài niệm thức dậy, ngàn nỗi chênh vênh. Bên trời quê cũ có những câu thơ hay:

– Ta trở về đứng bên này Trà Kiệu
Nhìn qua sông chiều tang hải một màu
– Sông nghi ngút những hình sương bóng khói
Trôi dạt lênh đênh đầu bãi cuối gò
– Ta trở về ngồi bên bờ thơ ấu
Vỗ nước sông Thu hát khúc hoài hương

Lên đồi hái sim, một bài thơ 9 khổ, 36 dòng, viết theo thể 4 chữ, khá tươi mát, giọng trẻ trung, đậm màu sắc thiên nhiên, giữa đồi sim trái chín, phinh phinh như má cô em, có mấy con cà cưỡng, có cào cào châu chấu, có con nai chạy trốn, có mây bay, gió núi,…

Bốn câu cuối: Giật mình thức giấc / Mặt trời đã xiêu / Vội vàng xuống núi / Cho kịp chợ chiều, gã hái sim xuống núi, sợ vãn chợ chiều. Sao vậy ? Kịp chợ để làm gì, bán gì, thì ra, anh học trò nghèo bán sim để độ nhật. Phần sim còn lại:

Hái dành hai túi
                 Tặng cô bên nhà …              

Vào những năm khốc liệt của chiến tranh, Trương Văn Ngọc có hai bài thơ đăng trên tạp chí Văn, số 69, ngày 1-11-1968, bài Cha chọn nghề cho conNiềm vui của đứa bé. Thơ viết theo khuynh hướng hiện thực, cách nhìn chua chát, lạnh lùng, các chi tiết là những hình ảnh thực tế, trần trụi, còn nguyên hơi thở cuộc sống.

Cha chọn nghề cho con là nỗi cơ cực của đời sống được phơi bày ra trước mắt, không còn sự lựa chọn nào khác cho con người. Cuộc đối thoại giữa người cha và đứa con về chọn nghề, thực chất là sự nỗi niềm cay uất của một người làm thơ trẻ chạm trán với gai góc của xã hội. Bài thơ có 3 khổ, kiểm duyệt, bỏ mỗi khổ một câu.

Có đến 6 nghề, từ cao sang đến thực dụng, tất cả đều là “đồ bỏ”, “không tốt”,  không cần chọn lựa,thế nào rồi cũng đến (con chọn nghề đi lính / cha vội vã xua tay / nghề đó cần gì tính / rồi sẽ đến phiên mày). Bài thơ có 3 khổ, kiểm duyệt, bỏ mỗi khổ một câu. 

Từ thái độ “trầm ngâm / ra chiều suy nghĩ / làm thinh đến “tươi cười” của người cha phản ánh tâm trạng vừa là cay đắng vừa là giễu nhại đối với xã hội bấy giờ.

Những dòng thơ của khổ thứ 7, gợi bao điều:

Con chọn nghề thợ mộc
Cha gục đầu tươi cười
Nghề ấy thế mà tốt
(Kiểm duyệt bỏ 1 câu)

Câu thơ cuối bị kiểm duyệt, không rõ từ ngữ và nội dung. Tuy nhiên, với ngữ cảnh đó, chỉ có thể hiểu là, trong chiến tranh khốc liệt, bom đạn, nên nhiều người chết, cái cần, đó là nghề thợ mộc, đóng quan tài. Quả là chua chát và bi hài làm sao !

Niềm vui của đứa bé là một khía cạnh của bi kịch chiến tranh. Bài thơ có bốn nhân vật chính: người bố – đứa bé – người mẹ – người đàn ông lạ. Nhân vật trung tâm là đứa bé. Thời gian diễn ra cái gọi là “niềm vui” vào buổi mai / buổi trưa và buổi chiều. Tác giả mô tả các sự việc với giọng điệu bình thản, không để lộ cảm xúc. Câu chuyện như những thước phim, quay chậm. Ngôn ngữ quánh đặc. Chi tiết điển hình.

Mười đồng cho đứa bé mua kẹo. Gọi về cho mặc áo quần vàđội mũ vải trắng. Đó là các chi tiết hiện thực và lạnh lùng, lột tả đến tận cùng nỗi thống khổ của số phận con người trong chiến tranh và là góc trái của xã hội. Bài thơ không lên án ai cả, kể cả người mẹ trẻ. Hai gương mặt chịu nhiều đau thương trong bài thơ, đó là người phụ nữ và đứa bé. Người phụ nữ gánh tang chồng. Đứa bé mất cha, bơ vơ giữa đời.

Nguyễn Du viết Sở kiến hành (Những điều trông thấy)bằng một trái tim thổn thức, đau đớn. Ở dây, ta cũng nhận ra cái nhìn quặn thắt của Trương Văn Ngọc về sự nỗi bất hạnh của con người trong thời chiến.

Trên tập san Đất hứa, số 1, Tam Kỳ (1969), Trương Văn Ngọc có bài thơ, đậm thế sự, mang hơi hướm thể hành, bài Giang hồ ca. Thể hành thường xuất hiện vào những thời kỳ xã hội phân ly, con người có nhiều tâm sự ngổn ngang. Thơ thường mang khí vị cay uất, phảng phất tâm trạng muốn đổi dời, phá bỏ, …

Bài thơ có 7 khổ, có gươm, có rượu, có khanh tướng, có mộng giang hồ, có má em hồng, có Kinh Kha, có kinh sử, có chủy thủ, binh đao, hảo hán, đất trời quê khách, …

Cũng nói thêm, chủy thủ là loại kiếm ngắn hoặc dao găm, thứ binh khí ngắn, lấy đâm là chính, có thể kiêm cả chặt chém. Hình thù của chủy thủ như kiếm nhưng không dài bằng kiếm. Chủy thủ gắn với nhân vật Kinh Kha, tráng sĩ lên đường hành thích vua Tần với cảm khái:        

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn.
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản.

Dịch

Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê.
Tráng sĩ một đi không trở về.

Hình ảnh Kinh Kha, thanh chủy thủ trở thành cảm hứng cho văn chương nhiều thời. Chủy thủ đi vào văn học. Trong tiểu thuyết võ hiệp Lộc Đỉnh Ký của nhà văn nổi tiếng Kim Dung, nhân vật Vi Tiểu Bảo – Tiểu Quế Tử có thanh chủy thủ vô cùng sác bén, chém sắt như chém bùn, chặt các thanh bảo đao như cắt cây cỏ. Nhờ món bảo bối này trên tay, Vi Tiểu Bảo cho loạt cao thủ như Hải Đại Phú, Thụy Đống và hàng chục tên Lạt Ma Tây Tạng nếm mùi đau khổ.

Tại miền Nam, tác phẩm nổi tiếng của Dương Nghiễm Mậu, truyện ngắn Kinh Kha, con chủy thủ và đất Tần bất trắc (Tạp chí Văn, số 58, ngày 15/5/1966) làm nên xao xuyến bao người, gây nên bao tâm trạng, bao cách nhìn về con người và thời thế.

Thứ binh khí ngắn, chẳng vô tri chút nào, theo thời cuộc, trở thành một thứ gửi gắm của sáng tạo, thành nỗi niềm thân thế. Sau hình ảnh “chủy thủ”, như trong bài thơ của Trương Văn Ngọc, ta thấy những cảm xúc:

Xưa Chiến quốc một lũ cuồng khanh tướng
Giờ ta đi vì giọt máu ngang tàng
– Tay vung kiếm chém phăng vòng sinh tử
Thì sá chi một chút má em hồng
– Lửa đỏ rực phía chân trời cố xứ
Rượu giang hồ không nguôi hận căm căm
– Đời chỉ có một con chủy thủ
Nên lòng hoài ấm ức chuyện binh đao …
– Lúc lỡ vận cam làm tên hảo hán
Một đường gươm phân đôi chữ ân cừu

Giang hồ ca khẩu khí vậy thôi ! Một cái nhìn bất bình trước thời thế của một thế hệ lớn lên giữa mùa ly loạn, đao binh, một phản ứng đối với xã hội.

Thơ Trương Văn Ngọc là tiếng nói thành thật của một trái tim yêu thương. Tiếng nói đó, cũng có lúc cay uất, phản kháng, cũng có lúc muốn gào lên, chống lại cái xấu cái ác, song, nhìn chung, vẫn xuất phát từ một con người có tâm hồn nhân ái, như Tiếng chuông chùa xa trong ráng đỏ / Bay theo gọi chiều về (Đất có nói gì đâu, NXB Hội Nhà văn,  2005, trang 33). Gọi “chiều về” là gọi đàn, gợi sum vầy, trút vất vả, lo toan, chuẩn bị đón ngày mới, sáng hơn, đẹp hơn. Thơ Trương Văn Ngọc là vậy !

HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây