Truyện ngắn ‘Trên gối đá’ do Trương Thùy Linh dịch được in trong cuốn ‘Ngôi thứ nhất số ít’, xuất bản tháng 5 tại Việt Nam.

Một tuần sau, “tập thơ” của cô được gửi đến bằng đường bưu điện. Thú thực là tôi không mấy kỳ vọng sẽ nhận được thứ đó thật. Tôi đoán rằng cô sẽ quên luôn tôi (hoặc muốn quên càng nhanh càng tốt) ngay sau khi chia tay và trở về nhà ở Koganei, chẳng bao giờ cô lại cất công cho tập thơ vào phong bì, ghi tên và địa chỉ của tôi lên đó, dán cả tem rồi đem bỏ vào thùng thư cả… biết đâu còn phải ra tận bưu điện nữa. Thế nên, một buổi sáng, khi nhìn thấy chiếc phong bì đó nằm trong thùng thư, tôi rất ngỡ ngàng.

Tập thơ có nhan đề Trên gối đá, phần tên tác giả chỉ ghi “Chiho”. Chẳng biết đó là tên thật hay bút danh. Tôi đã nghe tên cô vài lần ở chỗ làm thêm nhưng cũng không tài nào nhớ được. Có điều, tôi chắc chắn tên cô không phải là “Chiho”.

Chiếc phong bì văn thư màu nâu không đề tên lẫn địa chỉ của người gửi, bên trong cũng không kèm thư hay danh thiếp. Chỉ có một tập thơ mỏng được đóng bằng dây dù nằm im lìm bên trong. Tập thơ được in dập nổi rất đẹp, không phải kiểu rô-nê-ô*, giấy cũng là loại giấy dày cao cấp. Hẳn là tác giả đã xếp từng trang giấy in theo thứ tự, kẹp tờ bìa dày rồi cẩn thận đóng lại thành từng quyển bằng dây dù. Mục đích là để tiết kiệm chi phí.

Tôi thử tưởng tượng cảnh cô một mình lặng lẽ làm công việc thủ công đó (dù không tưởng tượng được cụ thể). Ở trang đầu tiên có đóng dấu con số 28. Chắc đây là cuốn thứ 28 của phiên bản giới hạn. Không rõ tổng cộng có bao nhiêu cuốn được in? Không thấy chỗ nào đề giá. Chắc vốn không có giá.

Tôi không mở tập thơ đó ra ngay. Tôi cứ để nó trên bàn suốt một thời gian, thi thoảng lại liếc nhìn trang bìa. Không phải vì tôi không quan tâm, mà bởi tôi có cảm giác, để đọc tập thơ của ai đó, đặc biệt trong trường hợp đó là người mình mới ân ái khoảng một tuần trước, thì cần phải có sự chuẩn bị tâm lý nhất định. Kiểu như một phép xã giao vậy.

Mãi tới buổi chiều cuối tuần nọ, tôi mới cầm tập thơ lên và mở ra. Tựa người vào bức tường bên cạnh cửa sổ, tôi đọc tập thơ dưới ánh chiều chạng vạng mùa đông. Tập thơ có tổng cộng 42 bài. Mỗi trang một bài. Không phải là con số lớn. Chẳng thấy có lời tựa hay lời bạt, ngày xuất bản cũng không. Chỉ có những bài tanka được in bằng chữ dập nổi màu đen thẳng thớm trên nền giấy trắng còn nhiều chỗ trống.

Cố nhiên, tôi không trông đợi sẽ có tác phẩm nghệ thuật vĩ đại trong tập thơ. Như tôi đã nói, tôi chỉ có một chút hứng thú mang tính cá nhân. Rằng một cô gái vừa nghiến chặt khăn tắm vừa gọi tên một người đàn ông khác bên tai tôi rốt cuộc sẽ sáng tác các bài tanka thế nào. Nhưng khi đọc, tôi nhận ra bản thân bị thu hút bởi một số bài trong tập thơ.

Tôi hầu như chẳng biết mấy về tanka (ngay cả bây giờ cũng vậy). Chính vì thế, tôi không thể đưa ra nhận định khách quan thế nào là một bài tanka xuất sắc, hoặc thế nào thì chưa được xuất sắc lắm. Tuy nhiên, nếu tạm gác những tiêu chuẩn xuất sắc hay không xuất sắc đó sang một bên, thì một số bài mà cô sáng tác, cụ thể là khoảng 8 bài, có chứa yếu tố nào đó chạm được tới vùng sâu thẳm trong tâm hồn tôi.

Chẳng hạn như mấy bài này:

Thời gian hiện tại

Nếu thời gian là hiện tại

Thì chỉ còn cách

Coi hiện tại này là

Hiện tại không thể vượt qua

Bị chém đầu

Trong gió núi

Không lời

Dưới gốc cẩm tú cầu

Dòng nước tháng sáu

Kỳ lạ thay, khi mở tập thơ, lướt qua những bài thơ được in bằng chữ màu đen cỡ lớn, sau đó đọc lên thành tiếng, cơ thể cô mà tôi đã nhìn thấy vào tối hôm ấy lại hiện lên rõ mồn một trong đầu tôi.

Không phải hình dáng không mấy nổi bật nhìn thấy dưới ánh nắng vào buổi sáng hôm sau mà là cơ thể với làn da sáng mịn nằm trong vòng tay tôi dưới ánh trăng. […] Lúc lên đỉnh, cô nghiến chặt chiếc khăn, mắt nhắm nghiền, liên tục gọi da diết tên một người đàn ông bên tai tôi. Một cái tên rất đỗi bình thường mà tôi không tài nào nhớ ra.

Dẫu biết rằng

Sẽ không gặp nhau nữa

Em cũng biết rằng

Chẳng có lý nào

Lại không thể gặp nhau

Liệu có thể gặp nhau không

Hay là

Cứ kết thúc thế này

Bị ánh sáng lôi kéo

Bị bóng đêm vùi dập

Tranh cua Michael Kirkham min - Truyện ngắn Haruki Murakami: Trên gối đá (kỳ 2) - Trương Thùy Linh dịchTranh của Michael Kirkham. Ảnh: galleryviewer.

Dĩ nhiên, tôi không biết hiện giờ cô còn tiếp tục sáng tác tanka nữa không. Như tôi đã nói, tôi không biết tên cô, thậm chí gương mặt cô hầu như tôi cũng không còn nhớ. Những gì tôi nhớ được chỉ là cái tên “Chiho” trên bìa tập thơ, cơ thể mềm mại, hớ hênh, trơn tuột dưới ánh trăng sáng mùa đông rọi vào từ cửa sổ, cùng hai nốt ruồi nhỏ đứng cạnh nhau bên cánh mũi như một chòm sao.

Trong đầu tôi thi thoảng cũng có ý nghĩ biết đâu cô không còn sống nữa. Tôi cứ có cảm giác là cô đã tự kết liễu đời mình ở đâu đó. Bởi lẽ, phần lớn những bài thơ cô sáng tác – ít nhất thì là phần lớn những bài trong tập thơ kia – rõ ràng đều theo đuổi hình ảnh cái chết. Đã vậy còn là hình ảnh bị chặt đầu bằng dao. Có lẽ đó là cách cái chết diễn ra với cô.

Suốt buổi chiều

Lạc trong

Cơn mưa như trút

Cây rìu vô danh

Chém lìa ánh hoàng hôn

Nhưng trong thâm tâm, tôi mong cô vẫn ở đâu đó trên thế giới này. Có lúc, tôi còn ước cô tiếp tục sống và tiếp tục sáng tác thơ. Tại sao nhỉ? Tại sao tôi lại phải mất công nghĩ về việc đó? Khi mà thực tế trên thế giới này, chẳng có bất cứ thứ gì gắn kết sự tồn tại giữa tôi và cô.

Cho dù có đi ngang qua nhau trên phố, hoặc thậm chí ngồi cạnh nhau trong căng tin thì khả năng nhận ra mặt nhau (có lẽ) là bằng không. Chúng tôi giống như hai đường thẳng giao nhau, gặp nhau một lần tại một điểm rồi cứ thế xa mãi.

Kể từ đó, nhiều năm đã trôi qua. Thật kỳ lạ (hoặc chẳng hề kỳ lạ), chỉ trong chớp mắt, con người đã già đi. Cứ mỗi một giây, cơ thể của chúng ta lại tiến gần hơn tới sự hủy diệt, không bao giờ có thể quay lại.

Ta vừa nhắm mắt, lát sau mở ra đã thấy nhiều thứ không còn nữa. Chúng, cả thứ có tên cố định lẫn không tên, đã bị trận cuồng phong giữa đêm khuya thổi bay mất, không để lại bất cứ dấu vết nào. Chỉ còn lại một chút ký ức nhỏ nhoi. Không, ngay cả ký ức cũng không phải là thứ đáng tin cậy. Liệu ai dám khẳng định rằng thực sự đã có chuyện xảy ra với chúng ta khi ấy?

Tuy nhiên, nếu đủ may mắn, thi thoảng vẫn có một vài từ ngữ còn ở bên chúng ta. Chúng leo lên đồi vào đêm khuya, chui xuống cái hố nhỏ được đào vừa vặn với cơ thể, giấu mình chờ cơn gió thời gian cuồng nộ qua đi. Rồi khi trời sáng, trận cuồng phong đã ngưng, những từ ngữ sống sót sẽ lặng lẽ ló lên khỏi mặt đất.

Hầu hết chúng đều nói lí nhí, nhát người, cách thức biểu đạt thường xuyên mang tính đa nghĩa. Mặc dầu vậy, chúng sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng. Những nhân chứng thành thực và công minh.

Tuy nhiên, để tạo ra những từ ngữ nhẫn nại như thế, hoặc để tìm được và lưu lại về sau, đôi khi con người buộc phải cho đi cả thể xác lẫn tâm hồn một cách vô điều kiện. Đúng thế, chúng ta phải đặt đầu lên cái gối đá lạnh lẽo phơi mình dưới ánh trăng mùa đông.

Có lẽ ngoài tôi ra, trên thế giới này chẳng còn ai nhớ đến những bài thơ cô sáng tác, chứ đừng nói là có thể thuộc và ngâm được vài bài. Có lẽ, tập thơ mỏng tự in và đóng bằng dây dù ấy đã bị mọi người lãng quên, tất cả, chỉ trừ cuốn “Số 28” này, đã bị tản mát hết, bị hút vào bóng đêm mông muội đâu đó giữa sao Mộc và sao Thổ rồi.

Hoặc có lẽ, chính bản thân cô (nếu như cô vẫn còn sống khỏe mạnh), cũng chẳng còn nhớ những bài tanka mình từng sáng tác khi còn trẻ.

Có lẽ, lý do tôi vẫn còn nhớ những bài thơ của cô chỉ bởi chúng gắn với ký ức về vết răng của cô trên chiếc khăn tắm tối hôm đó. Và tôi cũng không biết, việc cứ nhớ mãi mấy chuyện đó cũng như thi thoảng lại lôi từ ngăn kéo ra tập thơ đã bạc màu để đọc rốt cuộc có ý nghĩa và giá trị gì. Thú thật là tôi thực sự không biết.

Nhưng dẫu sao thì đó là những gì còn sót lại. Khi tất cả những từ ngữ và cảm xúc khác đã thành bụi và biến mất.

Dù là chém

Hay bị chém

Nếu áp gáy vào gối đá

Thì xem kìa,

Sẽ đều thành bụi

Trương Thùy Linh dịch

___

Chú thích:

* Kiểu in bằng cách quay một ống trục có gắn giấy sáp đã đánh máy hoặc viết tạo lỗ thành khuôn in, lăn qua mực để in lên giấy.

Haruki Murakami/NXB Phụ nữ Việt Nam & Nhã Nam

——————–

Truyện ngắn Haruki Murakami: Trên gối đá (kỳ 1) – Trương Thùy Linh dịch

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây