Tư tưởng chủ đạo của người viết sử

Tư tưởng chủ đạo của người viết sử - Lịch Sử - vansudia.net

TƯ TƯỞNG CHỦ ĐẠO CỦA NHỮNG NGƯỜI VIẾT SỬ

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

Bây giờ chúng ta hãy xem những sử quan ở triều đình Huế đã viết nhằm mục đích nào, viết theo những phương châm tư tưởng và trên cơ sở đạo lý nào?

a. Lịch sử được quan niệm là tấm gương cho người đời từ vua đến dân đều soi vào. Người viết sử là người mài lau gương ấy.

Kinh Xuân thu là bộ sử do chính tay Khổng Tử biên soạn. Sách Luận ngữ là những lời vàng ngọc của Phu Tử mà môn đồ ghi chép lại. Xuân thu, theo nhận xét chính thức của Nho giáo các đời sau, không phải chỉ là một bộ sách sử biên niên thường tình. Mạnh Tử nhận xét rằng: Kinh Thi hết thì kinh Xuân thu mới làm ra, Khổng Tử có ý mượn việc nước Lỗ, nước Tấn… để gián tiếp nêu lên tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của mình. Nói một cách khác, kinh Xuân thu không cốt ở chỗ ghi chép sự việc đã xảy ra, sự tích người đã sống, mà cốt ở chỗ nhận xét sự việc, đánh giá con người, trình bày bằng thực tế lịch sử những quan điểm đạo đức và chính trị của Nho giáo. Đời sau, bàn về tầm quan trọng của kinh Xuân thu, có người sẽ nói rằng: một chữ khen (trong đó) thì vinh hơn áo cổn vua ban, một chữ chê thì nhục hơn tội búa rìu! Chủ đích của Khổng Tử khi biên soạn Xuân thu là chính danh, định phận, là đả phá những việc những kẻ trái đạo lý. Dĩ nhiên, đạo lý ở đây là đạo lý Nho giáo mà Khổng Tử là một vị thầy.

Kinh Xuân thu như thế, trở thành một “tấm gương”.

Tương truyền, ngày xưa những người trung nghĩa thường là những người chuyên trị kinh Xuân thu.

Một số khá lớn các nhà viết sử theo mạch Nho giáo thường lấy kinh Xuân thu làm một mẫu mực: cũng biên niên, cũng theo đạo lý Nho giáo mà nhận xét sự việc, đánh giá nhân vật, và tùy theo sự nhận xét, đánh giá đó mà có cách ghi chép thích đáng, cách ghi chép biểu hiện sự đánh giá. Tất nhiên rằng kinh Xuân thu không phải được mọi sử gia rập theo. Trung Quốc xưa, Tư Mã Thiên viết sử theo lối khác, hay hơn, lôi cuốn người đọc, thỏa mãn người nghiên cứu. Việt-nam thế kỷ 19, Phan Huy Chú làm sử theo lối “loại chí” khá hấp dẫn, có ít nhiều tính tổng hợp. Dù sao, truyền thống sử học Nho giáo nói chung là theo kinh Xuân thu. Được xem như hoàn chỉnh nhất trong đường lối này là bộ Thông giám cương mục của Chu Hy. “Giám”, định là gương. Bộ sử chủ yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ý định “treo gương”, “mài gương” rất là rõ.

Chỉ dụ 1 của Tự Đức về việc soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục có đoạn xác định rằng: “Gần đây, việc học quốc sử chưa có mệnh lệnh bắt phải gia công, cho nên học trò đọc sách hoặc làm văn, chỉ biết có sử Trung Quốc, ít người đoái hoài đến sử nước ta! Việc đời cổ đã lờ mờ, lấy gì làm kinh nghiệm cho việc đời nay? Ở Trung Quốc, về đời Xuân thu, có những câu: “Tịch Đàm làm mất tổ tiên”, “Bá Lỗ sẽ phải suy tàn”, những câu nói ấy chính là bệnh thông thường của học giả ngày nay. Đạo học sở dĩ chưa được sáng tỏ, nguyên nhân chẳng phải vì sử cũ chưa được đầy đủ đó sao?”. Xác định như thế là đúng.

Tịch Đàm là kẻ đáng xấu hổ vì người ta hỏi về tổ tiên của hắn thì hắn không biết gì hết. Bá Lỗ là tên tiêu biểu cho cái ý nói rằng người không học thì như cây không bón, tất phải tàn. Học gì để biết tổ tiên, để tươi tốt mãi như cây có chăm bón? Ấy là học sử, học quốc sử vậy. Chép sử là nhằm làm sao để không quên mất dĩ vãng của tổ tiên, lấy đó mà học tập, mà soi gương, mà bồi dưỡng, làm kinh nghiệm cho đời này và cho đời sau. Vì vậy chép quốc sử trở thành nhiệm vụ trọng đại.

Chỉ dụ 2 có đoạn nói: “Việc làm sử là việc rất lớn trong nước, vì rằng phải kê cứu việc đời xưa, chép thành sử, vừa quan hệ bởi sự làm gương soi chung, vừa ngụ ý khuyên răn. Cho nên về phần nghĩa lý và thể lệ, phải tinh tường mà xác đáng, việc nên ghi chép hay bớt đi, phải nghiêm chỉnh và công bằng”. Vậy, chẳng những sử gia có quyền hạn chép hay không chép, bớt chỗ xem là thừa, thêm chỗ xem là thiếu và đính chính chỗ xem là sai lầm, mà lại còn có nhiệm vụ khen hay chê, đánh giá cao hay thấp. Tất nhiên, các ý kiến của sử thần cuối cùng phải phù hợp với ý kiến của nhà vua. Tự Đức kiểm soát một cách rất nghiêm mật và gần gũi.

Sử khâm định phải nêu gương đã đành, mà sử không khâm định cũng được quan niệm treo gương. Cho nên sách Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái xác định rằng:

Phế hưng đổi mấy cuộc cờ,

Thị phi chép để đến giờ làm gương.

Riêng Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí thì không nhấn mạnh vào tính chất làm gương, vào sự ghi chép thị phi của lịch sử, mà nhấn mạnh vào mục tiêu mở rộng kiến thức để người đọc tự tìm ra lẽ phải. Bài tựa của Lịch triều hiến chương loại chí có đoạn viết: “Văn, tức là lẽ phải của sự vật xưa nay, cốt yếu của điển lễ nhà nước. Kẻ học giả ngoài việc đọc kinh sử, còn cần phải xét hỏi sâu rộng, tìm kiếm xa gần, khảo cứu để định lấy lẽ phải, thế mới đáng là người học rộng. Có phải chỉ nhặt lấy từng câu, từng đoạn, nặn ra thành lời văn hoa mà gọi là văn đâu”! Không phải là nhà sử học, họ Phan không đánh giá. Không chê khen. Có chứ. Xem các đoạn, nhất là đoạn nhân vật chí thì thấy ông có làm việc ấy, nhưng làm có chừng mực, một mực chừng có thể cho phép ông gần khách quan, ít sa vào chủ quan lệch lạc, và cho phép ông giữ vị trí người làm sử mà không rơi vào thái độ trịch thượng của những kẻ cố làm ông thầy đạo đức, ông tòa đạo đức.

Xét đến cùng thì ý kiến cho rằng làm sử là mài gương, lau gương, treo gương, không phải là sai lầm. Có kinh nghiệm nào phong phú bằng, có gương nào đa diện bằng kinh nghiệm và tấm gương lịch sử ngàn đời? Vấn đề ở chỗ nhà làm sử phải có lịch sử quan chính xác, một khoa học lịch sử vững chắc, một lập trường yêu nước vì dân chân thành, thì sẽ ghi chép và giải thích lịch sử một cách đúng đắn, kinh nghiệm lịch sử rút ra được mới bổ ích, gương lịch sử treo lên mới trong sáng. Còn tấm gương mà vua Tự Đức và các sử thần nhà Nguyễn đề nghị cho chúng ta qua những bộ sử đồ sộ như Cương mục, Thực lục v.v… đều là những tấm gương méo mó, mờ nhạt, cần phải dồi mài mới dùng được.

b. Điều quan trọng nhất trong công việc làm sử “không gì hơn là làm tỏ rõ được chính thống”

“Không gì hơn là làm tỏ rõ được chính thống”. Đó là phương châm làm sử số một mà nhà vua chỉ thị và các sử thần đều phải tuyệt đối tuân theo. Mà đây là một trong số những nguyên nhân chủ yếu khiến tấm gương lịch sử của họ mài ra, treo lên, trở thành méo mó, mờ nhạt. Chính thống là cái gì mà quan trọng như vậy? Chính thống theo quốc sử quán là:

– Triều đại phải là của người bản quốc, không phải của người nước ngoài, đất nước phải là độc lập tự chủ, không thuộc vào địa bàn thống trị của nước khác, người cầm quyền nước ta không xưng thần với ngoại bang. Điều này thì rõ ràng là đúng. Nhưng khi ứng dụng vào thực tế lịch sử thì có mấy chỗ khó. Các sử thần thời Nguyễn nhận thức đúng rằng Triệu Đà không phải là vua nước ta mà là vua nước Nam Việt đã thôn tính nước ta, nhưng họ vì thiếu sử liệu mà ngỡ rằng Thục An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, mặc dầu đóng đô ở Cổ Loa cũng không được xem là chính thống. Còn một chỗ khó nữa là các triều đại Việt-nam phần nhiều phải cống nạp cho phong kiến Trung Quốc và thụ phong của hoàng đế Bắc phương, nhà Nguyễn cũng không ngoại lệ, thì sử thần triều Nguyễn tính sao đây?

– Đất nước phải quy về một mối chớ không chia rẽ, phải là thống nhất, chớ không phân năm xẻ bảy. Cứ theo đó thì các sử thần triều Nguyễn cho rằng từ Ngô Quyền cho đến 12 sứ quân không được liệt vào chính thống. Tuy vậy, chính thống bắt đầu từ Hùng Vương, vua nước văn Lang. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp xong 12 sứ quân thì khi ấy mới là “chính thống nối tiếp quốc thống của Hùng Vương”. Nguyên tắc cả lãnh thổ quy về một mối đề ra cho nghĩa chính thống thì dễ hiểu, nhưng nếu vậy thì mấy trăm năm Trịnh-Nguyễn xung đột, Nam-Bắc phân tranh, nhà Lê gữ hư quyền, thì có chính thống hay không? Triều Nguyễn mất Nam Kỳ lục tỉnh còn chính thống hay mất? Ngô quyền khai sinh lại cho đất nước thì sao mà không chính thống?

– Độc lập phải đủ lâu dài để xây dựng lên một chính thể tự chủ có quy mô. Cho nên các sử thần nhà Nguyễn không công nhận Trưng Vương, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, nhà Hậu Trần là chính thống. Có nghe được hay không? Chưa nói đến triều Tây Sơn.

– Triều đại thành lập có chính nghĩa. Cho nên, một tấu nghị của các sử thần lĩnh trách nhiệm làm Cương mục có nhận định rằng: “Lê Đại Hành là bầy tôi triều Đinh, nhân lúc Đinh Toàn suy yếu mà cướp lấy ngôi vua, truyền đến Ngọa Triều lại càng bạo ngược. Nói về việc lấy được nước thì hành vi của Lê Đại Hành cũng giống như Vương Mãng, Tào Tháo. Sách Cương mục tục biên đã liệt Vương Mãng, Tào Tháo vào hạng loạn thần tặc tử, thế mà sử cũ của ta lại còn chép Lê Đại Hành vào chính thống, như thế thì còn lấy gì phân biệt được người chính người tà mà làm gương răn đời sau nữa”? Nhưng không phải dễ gạt Lê Hoàn ra khỏi chính thống. Đánh bại quân ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự chủ cho nước nhà, nếu không được đánh giá là chính thống thì ai mới chính thống? Các sử thần chia làm hai phe tranh cãi nhau, rốt cuộc không gạt Lê Hoàn ra được vì triều vua Đại Hành “ngoài thì chống giặc mạnh, trong thì giữ vững biên cương, có công duy trì được quốc thống”. Cuộc thảo luận này chứng tỏ rằng trong đám sử thần nhà Nguyễn có một số bám sát tiêu chuẩn cứu quốc để đánh giá triều đại, xem đó là nặng hơn việc có tiếm đoạt hay không có tiếm đoạt ở trong nội bộ nước nhà. Chắc là Quốc sử quán nhà Nguyễn thấy các khó khăn này: nếu trả lại nghĩa chính thống cho Lê Hoàn thì sao lại không chịu rằng Tây Sơn cũng là chính thống, bởi vì Nguyễn Huệ ngoài thì đánh bại giặc Xiêm và giặc Thanh, trong thì có công thống nhất đất nước sau hơn 200 năm rẽ phân Nam-Bắc, nếu sự nghiệp cứu quốc như thế mà không phải chính thống thì những kẻ mượn quân ngoại quốc về đánh dân nhà để ngôi lên là chính thống hay sao? Lẽ tất nhiên các sử thần nhà Nguyễn ăn cây nào rào cây ấy, không dám đặt vấn đề này.

Nếu nghĩa “chính thống” chỉ bao gồm nguyên tắc độc lập, thống nhất thì chắc không ai không đồng ý rằng “làm sử, điều quan trọng nhất là làm tỏ rõ được lẽ chính thống”. Nhưng khái niệm “chính thống” của vua Nguyễn và sử thần Nguyễn lại nhằm chống lại các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, nhằm bảo vệ chủ nghĩa trung quân mù quáng, cho nên nó trở thành cố chấp, hẹp hòi, cho đến sai lạc nguy hiểm nữa. Bị hướng dẫn bởi một tư tưởng chủ đạo sai lầm, các sử thần nhà Nguyễn đã có những lúc đi ngược lại với tinh thần dân tộc, đi ngược lại với danh dự quốc gia, đi ngược lại với sự thật lịch sử khi phải nhận xét về Nguyễn Huệ, Lê Hoàn, Triệu Quang Phục, Lý Bôn, Hai Bà Trưng. Xét cho cùng thì tư tưởng “chính thống” này chẳng những rập khuôn theo sử học Nho giáo Bắc phương mà còn đượm màu phản động thuộc bản chất của chế độ Nguyễn. Dưới triều vua Nguyễn nói “chính thống” là nói đứng về lập trường nhà Nguyễn, quyền lợi nhà Nguyễn mà soạn sử, soạn sử là để đề cao một cách trực tiếp (Thực lục) hoặc gián tiếp (Cương mục).

Sự thật vô cùng phong phú của lịch sử đâu dễ bị nhét gọn vào cái giỏ chính thống đan sẵn của thầy trò Tự Đức. Cuộc tranh luận về Lê Hoàn, thực tế cũng là cuộc tranh luận về Nguyễn Huệ. Lê Hoàn được nhiều người tán thành xếp vào chính thống, vô hình trung tức là Nguyễn Huệ được tán thành xếp vào chính thống. Trong triều thì tiếng nói đó phải là gián tiếp, yếu ớt, chớ không thành hàng ngũ nhà nho các tỉnh thì người ta bạo miệng hơn: Đặng Xuân Bảng đòi phải xét lại vai trò của Tây Sơn trong lịch sử cho đúng đắn. Ngược lại cũng lắm trí giả, đặc biệt là ở Bắc Hà hỏi rằng khi mới ra Bắc, Nguyễn Ánh hứa lập lại nhà Lê, nhưng khi đánh bại quân Tây Sơn xong rồi, không giữ lời hứa mà tóm thu cả thiên hạ về tay Nguyễn, vậy thì Nguyễn có đúng nghĩa “chính thống” hay không? Bị chất vấn, Gia Long phải trả lời liều mạng rằng: “Ta lấy thiên hạ của Tây Sơn, đâu phải thiên hạ của nhà Lê”! Vả chăng, nếu biết nhà Trần lấy ngôi của nhà Lý như thế nào, nếu biết Lê Lợi trước đã suy tôn người họ Trần rồi sau lại thủ tiêu đi, nếu chú trọng vào những việc “cương thường” đó là xem nhẹ tiêu chuẩn cứu quốc, thì việc xếp Trần, Lê vào “chính thống” cũng còn là vấn đề, mà Trần, Lê không được “chính thống” thì còn ai? Lẽ “chính thống” rốt cùng là một khối đá trên vai, là những cuộn thừng dưới chân của các học giả trong Quốc sử quán. Nó cản trở hơn là hướng dẫn. Cái tư tưởng có khả năng hướng dẫn tốt cho các nhà làm sử lúc ấy hẳn không phải là lẽ “chính thống” mà là tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Còn một mặt khác của vấn đề “chính thống”, của lẽ chính thống. Ấy là việc đánh giá các cuộc “nổi dậy” chống nhà cầm quyền. Các sử thần nhà Nguyễn không để ngang hàng tất cả các cuộc nổi dậy. Có “thuận” và có “nghịch”, có cuộc bị xem là “giặc” là “làm phản”, mà có cuộc khác thì không phải như vậy. Ví như, về cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật và Lê Duy Chúc ở Thanh Hóa (1738), thì sử thần nhà Nguyễn có lời cẩn án rằng: họ Trịnh bạo ngược giết vua, cho nên những người cầm vũ khí nổi dậy chống Trịnh không thể bị xem là “làm phản”, sử thần đề nghị nên dùng chữ “khởi binh” để chép việc ấy. Hễ vì việc nghĩa là nổi lên thì chép là “khởi binh”. Còn người nào nổi lên tuy không phải vì việc nghĩa (phò vua) nhưng mà người cùng họ đối nghịch thì lại bạo ngược, thì chép là “binh khởi”, như vụ Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Khắc Oanh (ở Hải Dương) nổi lên chống Trịnh Giang. (Chu Tử cũng dùng chữ “binh khởi” để chép việc quan Xích Mi (Phàn Sùng) cuối thời Vương Mãng). Sử thần thời Lê-Trịnh thì dùng chữ “giặc”, “làm phản” để nói tới Lê Duy Mật, Nguyễn Tuyển. Làm như vậy không phải các sử thần nhà Nguyễn hơn gì các sử thần Lê, Trịnh. Bởi vì, đến khi họ chép các cuộc nổi dậy của Cao Bá Quát, của Đoàn Hữu Trưng, của Trần Tấn thì họ đều gọi là “giặc”, là “phản” cả. Ở đây, lẽ “chính thống” rốt cùng là tư tưởng trung quân mù quáng chớ không phải là một sự cố gắng để đánh giá lại các phong trào nổi dậy của nhân dân.

c. Theo tiêu chuẩn cương thường Nho giáo để nhận xét sự việc và đánh giá con người

Đọc các lời cẩn án của sử thần, lời phê của Tự Đức, lời bàn của Ngô Thì Sĩ, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên v.v… được nêu trong Cương mục, người ta thấy rằng nhận định của các sử gia và nhà vua thường chỉ xoay quanh những lẽ cương thường chớ không có gì lạ, không có gì sâu. Ít, rất ít thấy phê phán về đường lối chính sách lớn mà luôn luôn thấy nhận xét những chuyện lặt vặt như:

  • Lê Văn Hưu phê phán Đinh Tiên Hoàng: “Không kê cứu cổ học, lập một lúc năm bà hoàng hậu, rồi Tiền Lê, Lý sẽ noi theo đó”.
  • Ngô Thì Sĩ phê phán Lê Đại Hành: “Đại Thắng Minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ để đặt cho vợ mình, thật là không kiêng nể gì nữa, sử sách ghi chép để cười ngàn thu”.
  •  Tự Đức phê phán việc vua Lý giao cho bà cung phi trông coi việc nước để tự mình làm tướng đi đánh Chiêm Thành: “Bấy giờ há lại không có đại thần để cho ở lại giữ nước hay sao mà để đến đàn bà can dự chính sự”?
  • Phan Chu Tiên phê phán họ Trần: “Đó là tam cương luân lý trọng đại của loài người. Thái Tông là vua sáng nghiệp, đáng lẽ phải lập ra phép tốt để cho đời sau theo, thế mà lại nghe mưu gian tà của Thủ Độ, cướp vợ anh làm vợ mình, như thế chẳng phải tự mình làm trái luân thường để mở đầu cái dâm loạn ấy hay sao? Trần Liễu khởi loạn chính là do ở Thái Tông gây nên. Có người nói: Thái Tông không giết anh, thế là người có nhân. Thử hỏi không giết anh mà cướp lấy chị dâu, như thế có thể bảo là nhân không?”.
  • Sử quan nhà Nguyễn chê Trần Nguyên Đán là bất trung vì ông này “đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất cứ bỏ mặc, đi về trí sĩ ở Côn Sơn”. Tự Đức khen lời phê của đám sử thần là có ngòi bút nghiêm túc “trội hơn sử cũ nhiều lắm”.
  • Lê Thái Tổ trọng dụng những công thần như Lê Sát v.v… vì họ được tín nhiệm bởi công khai quốc, thì Tự Đức bảo: “Lê Thái Tổ là bậc hiền triết sáng suốt cẩn thận trong việc lựa chọn tôi hiền để giúp vua nhỏ, thế mà lại dùng bọn Lê Sát là những kẻ vô học, chẳng biết chính thuật là gì”.
  • Vua Nghệ Tông chết, ngày mất và ngày táng cùng một tháng. Cho nên sử thần Nguyễn có lời cẩn án rằng: “hoặc thất lễ, hoặc sử cũ chép sai”.
  • Trịnh Tạc vào chầu vua Lê, đã không lạy, lại đặt chỗ ngồi bên tả chỗ ngồi của vua. Sử thần cẩn án: “Theo lễ thì bầy tôi không được vượt chế độ, ai vượt chế độ thì người ấy không còn biết đến người trên mình nữa, tội không còn gì lớn hơn”.

Không phải tốn nhiều công lắm mới chọn lọc được, mới tìm ra được những lời phê bình, cẩn án loại vừa nói trên. Phần lớn những lời phê bình, cẩn án, bàn luận trong Cương mục đều thuộc vào loại đó, sự kiện thì vụn vặt, ý kiến thì nông cạn nhỏ nhặt, luôn luôn theo luân thường Nho giáo hẹp hòi để nhận xét sự việc, đáng giá con người.

Nhà làm sử, nhà bình sử đi xa quá trong luân lý đạo đức. Nếu thu lịch sử vào phạm vi luân lý đạo đức thì còn đâu lịch sử nữa?  Đáng phiền là sử gia đeo mắt kính luân lý đạo đức Nho giáo để xem xét sự kiện lịch sử, cái gì hoặc đúng hoặc trái luân lý đạo đức thì mới nêu lên, còn bao nhiêu điều diễn biến khách quan rất quan trọng của lịch sử mà sử gia cho rằng không có giá trị luân lý đạo đức trực tiếp hay gián tiếp thì dễ bị xem thường, dễ bị bớt đi.

d. Tư tưởng yêu nước và tự hào dân tộc đã đóng một vai trò đáng kể tuy không nhất quán

Các vua Nguyễn hết sức chú ý đến hoạt động văn hóa nhằm đề cao triều đại mình, đề cao bản thân nhà vua. Sử là một phương tiện lớn để làm việc đề cao đó. Không phải chỉ có sử thần ở Quốc sử quán, những người làm sử ở ngoài Quốc sử quán cũng đều tán tụng triều Nguyễn. Họ thành thực tới mức nào, đó là một vấn đề khác. Bài mở đầu Đại Nam thực lục chính biên viết: “Thế Tổ cao Hoàng đế ta hợp tam linh mà mở quẻ bói, nhân ngũ vận mà chịu cơ đồ, nổi giận đánh giặc Tây Sơn, sấm sét vang lừng khoảng sông Giang, sông Hán. Công to nghiệp lớn, đã sáng nghiệp lại trung hưng, việc tốt tiếng hay, rạng tổ tiên, yên con cháu. Trị thống muôn năm khuôn phép, đầy dẫy mưu hay. Chính biên đệ nhất kỷ chép ghi lưu truyền tiếng đức. Là bởi trời thêm cõi rộng, từ Lạc Hùng trở lại, chưa từng nghe. Đời hưởng văn minh, khí số thịnh lên có từ đấy”.

Khen, tụng hết lời, quá mức như vậy, bỏ qua hằng hà sa số tội lớn trong đó có tội đối với dân tộc là rước quân Xiêm, quân Pháp về đánh dân nhà. Ở Quốc sử quán thời đầu mà tán kiểu đó thì còn hiểu được, đến lúc Pháp đã lấy Nam Kỳ rồi, triều Nguyễn đang tuột mau xuống hố diệt vong, mà các tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn cứ viết:

Ngàn năm gặp hội thăng bình,

Sao Khê sáng vẻ văn minh giữa trời.

thì mới đáng lấy làm lạ, làm buồn cho nhà cầm bút.

Cái tư tưởng không phù nhà Nguyễn, tâng bốc vua Nguyễn là như thế. Những cái tư tưởng xu nịnh đó không phải là tư tưởng duy nhất chi phối các nhà làm sử, đem lại hứng thú để họ viết ra những câu, những trang, những chương bất hủ. Bài tựa của Lịch triều hiến chương loại chí có đoạn: “Nước Việt-nam ta từ Đinh, Lê, Lý, Trần, phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của đời ấy. Đến thời Lê, kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước, văn hóa, nhân tài đều thịnh không kém gì Trung Hoa”. Đó là tinh thần tự hào dân tộc, nó có thể là một kết luận rút ra từ sự nghiên cứu quốc sử. Ngay cả câu: “Việc làm sử là việc rất lớn trong nước” của Tự Đức, lời của vua Nguyễn nhắc chuyện Tự Đàm, Bá Lỗ, hẳn không phải là không có một ý nghĩa dân tộc nào.

Khi được kích thích tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc, thì sử gia làm được trăm việc hay, xác định được trăm điều đúng, tỉ dụ: có lẽ vì yêu nước và tự hào dân tộc chớ không phải vì đủ tư liệu lịch sử mà các nhà làm sử lúc này quả quyết đưa các vua Hùng nước Văn Lang vào chính thống chớ không phải bắt đầu chính thống từ Ngô Quyền hay Đinh Bộ Lĩnh. Trái lại, khi nào tư tưởng trung với Nguyễn ngự trị đầu óc nhà làm sử thì họ phạm những sai lầm lớn như hạt ớt trong con mắt, tỉ dụ rút trong Cương mục: Lê Chiêu Thống sang Thanh cầu viện, nhà Thanh mượn cớ viện trợ để chinh phục nước ta. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đánh cho quân Thanh một trận tan tành, cả Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống đều chạy không dám ngó ngoái lại. Chiến công cứu nước hiển hách như vậy; nhưng vì đứng về “chính thống” Nguyễn, các sử thần viết Cương mục cắt nghĩa sự thất bại của quân Thanh bằng câu: tại vua Càn Long “ủy nhiệm người không được giỏi”! Như vậy, họ đứng ở phía bên Thanh mà nhận xét về cuộc kháng chiến của Hồ Quý Ly chống quân Minh cũng tương tự, họ không đứng về phía kháng chiến mà nhận xét, không đứng về phía dân tộc mà nhận xét. Thực tế họ đứng về phía quân Minh. Bởi vậy cho nên, không còn sáng suốt, họ dễ dàng lập lại nhà Trần má sáp nhập nước ta vào địa bàn nước Minh, không một lời cẩn án phê bình nào. Nhiệm vụ đúng lấy sai bỏ của sử gia để đâu? Cương mục dám viết: “Cha con Hồ Quý Ly bị bắt, nhà Minh hạ chiếu tìm con cháu nhà Trần lập làm vua. Quan lại và kỳ lão đều nói: họ Trần không còn người nào có thể thừa kế được. An Nam nguyên trước là Giao Châu, xin khôi phục lại chế độ quận huyện cho dân đổi mới. Bấy giờ nhà Minh bèn đổi An Nam làm Giao Chỉ”.

Sao vậy? – Họ sẵn trên mắt cặp kính “trung quân” “chính thống” để nhận xét Tây Sơn và Hồ Quý Ly, Tây Sơn lật đổ Nguyễn, Trịnh, Lê là thoán đạt. Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần là loạn thần. Lên án Tây Sơn và Hồ Quý Ly, họ ngã tuột qua phía quân xâm lược Thanh và Minh! Chính ở những chỗ đáng có lời “cẩn án”, phải tự hỏi vậy có lẽ nào kỳ lão Việt-nam lại xin sáp nhập nước Việt-nam vào nước Minh, thì sử thần không cẩn án lời nào. Trái lại họ phát lời cẩn án ở chỗ quân Lê Lợi đại thắng quân Vương Thông tại trận Tốt Động: Quốc sử lâu nay chép rằng quân ta ít, đánh tan quân địch đông hơn gấp mười lần, thì sử thần nhà Nguyễn viết: “Như vậy không khỏi có điều đáng ngờ”! Bản thân Tự Đức nhận định tập Lê kỷ về trận Tốt Động là “lời lẽ khoe khoang, không đủ tin là có chứng cớ chính xác được”. Trái lại, chuyện Nguyễn Ánh cưỡi sấu qua sông, gặp nước ngọt giữa biển, thì không có điều gì phải nghi ngờ! Rõ là một câu “tôn phù Nguyễn thất”, “làm rõ chính thống” đã hóa dại cả một đám sử thần không đến đỗi không có trí tuệ nào! Họ bị Tự Đức kiềm chế dữ quá, và cái Nho giáo hẹp hòi của họ lại còn kiềm chế họ nhiều hơn!

Trở về trên là vài tỉ dụ rút trong Cương mục và Thực lục để nói rằng ý thức tư tưởng phong kiến, lập trường phù Nguyễn chống Tây Sơn đã xô đẩy sử gia vào nhiều điều sai lầm tàn tệ. Lập trường, chỗ đứng là điều rất hệ trọng, đứng ở đâu thì nhìn sai, điều đó sử gia không dễ xem thường. Dù sao, bản thân việc xây dựng một bộ quốc sử có đầu đuôi vẫn là một việc lớn nằm trong ý thức tự hào dân tộc, đáp ứng với đòi hỏi thiết tha của mọi người yêu nước. Nguyễn Trường Tộ đã có lần nêu lên cho nhà vua một ý kiến chính xác: “… Nước ta cũng có tổ tiên mà sự tích còn lưu truyền từ khai sinh đến nay, đó là cái mà quan và dân chúng ta cần phải biết rõ để mà cảm kích, suy tôn, phấn khởi cố gắng cùng nhau giữ gìn… Nước ta về những triều đại trước, cũng có những bậc danh thần, họ đã làm gì đáng nêu lên làm gương, sao chẳng truyền tụng để người ta hưng khởi, mà lại ngày đêm luôn miệng kêu gọi những người Bắc quốc đã chết vài ngàn năm rồi…”? Cũng là tinh thần dân tộc, tư tưởng yêu nước khi họ quyết định theo một tiêu chuẩn quan trọng bậc nhất là lấy việc xảy ra ở nước mình, lấy việc do người mình làm, lấy tính cách một nước độc lập tự do tự chủ để làm nền tảng cho quốc sử. Trên đã nói, chính vì tinh thần dân tộc mà các nhà làm sử đã lấy vua Hùng nước Văn Lang làm mồi chính thống khởi nguyên, xác định dân ta đã lập quốc từ thời rất xưa cách đây khoảng bốn nghìn năm. Rải rác trong Cương mục cũng có những lời phê đúng đắn như: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Hơn những bọn mày râu nam tử mà chịu khép nép làm tôi tớ cho người khác, chẳng mặt dày thẹn chết lắm ru!” Hay là: “Vua nhà Lê đã có tài như vua nhà Hán là Cao Tổ, tôi nhà Lê lại cũng trung liệt như tôi nhà Hán là Kỷ Tín. Ngàn năm bất hủ”.

Càng xa Quốc sử quán càng thấy tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc tự hào biểu hiện rõ ràng hơn. Đơn thương độc mã, ở nhà mình, trọn mười năm, khui hàng xe sách để viết xong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú phải là một người hết sức thiết tha với quá khứ và tương lai của Tổ quốc. Nhất là trong Nhân vật chí, Văn tịch chí, người đọc ngày nay như hãy còn cảm thấy hơi thở tự hào dân tộc ấm áp của nhà làm sử: “Nước Việt ta phong khí đã mở mang, khí tinh hoa đều họp lại. Trong khoảng đó, vua hiền chúa sáng kế tiếp nổi lên, danh khanh lương tá thường xuất hiện, danh tài tuấn kiệt đời đời đều có. Hoặc có người ghi công vào đỉnh vạc, hoặc có người lập công dưới lưỡi búa cờ mao, có người nổi tiếng ở làng văn, có người tỏ khí tiết trong cùng lúc, đều là những người có tài năng đáng chép, có công nghiệp danh vọng đáng khen, trên dưới một ngàn năm lần lượt xuất hiện”. Phải đặt Lịch triều hiến chương loại chí vào đầu thế kỷ 19 trong lúc ai ai đều sùng thượng văn hóa và lịch sử Bắc phương, số đông xem văn hóa, lịch sử nước nhà như không có gì hay đáng sánh với bên kia, mở miệng ra là đã kể hàng tràng tên tuổi thời Xuân Thu, Chiến Quốc, Hán, Đường, Tống, mà chẳng nói gì đến Việt-nam nhà, thì mới thấy hết tấm lòng, ý thức yêu nước của tác giả bộ sách này.

Tư tưởng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc đã tiếp sức cho các tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca, đăc biệt là khi họ nói về những cuốc chống ngoại xâm, sáng tác ra những vần thơ tràn đầy hùng khí, ngày nay đọc lại vẫn còn thấy sức dựng người. Bà Trưng khởi binh thì:

… Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục, hai là bá vương…

Được tư tưởng yêu nước mài sắc, ngòi bút sử gia tố cáo hùng hồn sự cướp bóc của quân Minh:

Người trí thức, kẻ tài danh

Nam Sơn đào độn, bắc đình cấu lưu

Thuế tô thuế thóc tham cầu

Mỏ vàng mỏ bạc trưng thâu cũng nhiều

Săn bạch tượng, hái hồ tiêu

Mò châu, cấm muối, lắm điều hại dân

Tư tưởng yêu nước tự hào dân tộc được khí thế chống ngoại xâm đẩy lên cao đến mức nhà làm sử đã dám ca tụng vũ công bất diệt của quan Tây Sơn kéo ra Bắc, mặc dù đó là điều tối kỵ với triều đình Nguyễn:

Ngọn cờ trỏ lối sơn pha

Hải Vân đồn trấn, đâu là chẳng tan?

Cánh buồm đè lớp cuồng lan

Cát dinh, Đông hải quân quan chạy dài…

d. Tư cách nhà làm sử. “Nam, Đổng” hay là “Khuyển, Ưng”?

Về tư cách của người làm sử, thì trong Cương mục, Tự Đức đã có lần phê bình những sử thần của chúa Trịnh như sau đây: “Sử cũ soạn hồi cuối Lê đều ra từ những Khuyển, Ưng của họ Trịnh, cố nhiên là có nhiều điều kiêng kị đối với họ Trịnh. Đó thật là những trang sử nhơ bẩn không thể tin được”. Ý muốn nói rằng sử chép thời Lê-Trịnh không tốt vì sử thần lúc đó là tay chân của chúa Trịnh, nịnh hót chúa Trịnh.

Vậy thì nhà chép sử phải có tư cách nào? Phải làm sao? Nhà vua chỉ dụ: phải tinh tường và xác đáng, nghiêm chỉnh và công bằng, “ghi chép thành một bộ tín sử lưu truyền vĩnh viễn”. Về tư cách người làm sử, Cương mục có chép một chuyện có ý nghĩa, chuyện Lê Thánh Tông hạ lệnh cho sử quan Lê Nghĩa dâng nhật lịnh: Nhà vua muốn xem quốc sử, sai trung quan đến viện Hàn lâm dụ bảo sử quan Lê Nghĩa rằng: “Ngày xưa Phòng Huyền Linh giữ chức sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay nhà ngươi so sánh với Huyền Linh, ai hơn?”.

Lê Nghĩa trả lời: “Sự biến xảy ra ở cửa Huyền Vũ (nơi ba anh em Lý Thế Dân giết nhau để tranh ngôi vua) người Huyền Linh không chép thẳng vì có lệnh vua Đường Thái Tông, rồi sau đó mới chép. Như thế, e rằng Huyền Linh chưa chắc đã giỏi”.

Trung quan nói: “Nhà vua muốn xem nhận lịch từ năm Quang Thuận thứ nhất đến nay”.

Nghĩa đáp: “Làm vua mà xem quốc sử, như việc Đường Thái Tông và Huyền Linh đã làm ngày trước, đời sau thường chê cười đấy”!

Trung quan bảo: “Nhà vua cho rằng xem nhật lịch là để biết trước kia có làm việc gì lầm lỗi thì nay có thể nhận xét để mà sửa chữa”.

Nghĩa nói: “Bệ hạ cố làm điều thiện mà thôi, hà tất phải xem quốc sử”.

Sau đó nhà vua sai quan dụ bảo hai ba lần nữa. Rốt cùng Nghĩa nói: “Nếu thánh thượng thực lòng biết đổi lỗi, ấy là hạnh phúc vô cùng cho xã tắc, thì dù việc dâng nhật lịch này không phải đã là can ngăn mà chính là can ngăn đấy”. Bèn dâng nhật lịch.

Cương mục có hai lời phê về việc này: một là lòng hiếu danh của Lê Thánh Tông cũng giống với Đường Thái Tông, nên mới đòi xem quốc sử, hai là Lê Nghĩa giữ đạo lý sử gia không vững.

Chúng ta ngày nay không phải bàn cãi lại những phong tục thể lệ thời phong kiến hơi kỳ lạ đối với ta. Chỉ biết rằng từ xưa đã có sự đòi hỏi sử quan phải vô tư, khách quan, khảng khái, không biến dở thành hay để nịnh nọt, không uốn ngòi bút theo ý vua chúa. Ngày xưa, ở Bắc phương, sử quan mà nổi tiếng có tư cách ngay thẳng thì có Nam Sử Thị nước Tề, Đổng Hồ nước Tấn. Còn như Huyền Linh ở thời Đường, Lê Nghĩa ở thời Lê, đều là những sử quan không giữ vững “đạo lý” của nhà làm sử. Các nhà Nho, các nhà biên sử đều hiểu như thế.

Nói thì nói vậy, chớ sử thần nhà Nguyễn có giữ vững đạo lý sử gia đâu! Họ có phải là Nam, Đổng đâu. Họ cũng giống y như sử thần nhà Trịnh. Ăn cây nào rào cây ấy. Họ là tôi nhà Nguyễn thì chỉ biết tung hô vua Nguyễn. Nếu đó là tính “Khuyển, Ưng” – theo chữ của Tự Đức – thì tính Khuyển, Ưng biểu lộ hầu khắp nơi. Bên trên ta đã biết một số ý kiến thiển cận, phản dân tộc của Tự Đức và của sử thần, vậy mà, trong Việt sử cương giám khảo lược, nhà Nho Nguyễn Thông – mà không ai nghi ngờ lòng yêu nước – đã tán dương một cách mù quáng như sau đây: “… Bút pháp nghiêm cẩn, lượm lấy hoặc gạt bỏ một sự kiện lịch sử nào cũng đều xem xét kỹ càng, tinh tế, hay khen, dở chê, công bằng như chiếc cân, trong sáng như tấm gương”!

Đọc đến Thực lục, Liệt truyện, Thống nhất chí… thấy chứa đựng không biết bao nhiêu bằng chứng chứng tỏ rằng mục đích lớn nhất của sử thần, nhiệm vụ được đặt cọc, là đưa nhà Nguyễn lên tận mây xanh, dìm tất cả những ai chống nhà Nguyễn xuống bùn đen, việc lớn như trời mà không lợi cho triều đình Nguyễn thì không nói tới, chuyện nhỏ như hạt cát, nhẹ như cọng rơm mà không lợi cho triều đình Nguyễn thì ghi vào, tán ra, thổi lên, lại còn bày chuyện để bôi nhọ nhân vật Tây Sơn và lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa khác. Hàng chục quyển sách không đủ để kể hết. Bịa? – Như bịa nhiều sự kiện, lời nói xung quanh cái chết của Vũ Văn Nhậm cốt để làm cho người ta tưởng lầm rằng Nguyễn Huệ là người giảo quyệt, giả nhường ngựa nhường lọng cho người để hôm nay ru ngủ và ngày mai giết đi, và giết đi chỉ vì kẻ kia có tài hơn mình mà thôi! Chưa kể những cái bịa thô lỗ như việc cưỡi sấu. Chuyện lớn có hại thì giấu như Tiền biên không có một chữ nào về cái thói quỷ sứ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, lại như Chính biên chỉ nói vài câu ngắn về cái tốn kém thiên trùng vạn điệp của việc xây Khiêm lăng trong lúc tiền của không đủ để trả lương cho quan, cho lính, không có để mua súng mua đạn bảo vệ nước nhà. Những tên vua bị hàng chục hàng trăm cuộc khởi nghĩa nhân dân đòi lật đổ, mà sử thần, đình thần tỉnh thần cứ nhất luật gọi là “vua thánh”. Không Khuyển, Ưng thì đó là gì? Nói cho đúng, thật khó mà viết lên những lời chân thật có thể làm mất đầu. Tuy vậy, nếu muốn tìm một vài hạt bụi vàng Nam Đổng trong đống cát Khuyển, Ưng thì không phải là hoàn toàn không có. Thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, có hai câu đáng được chú ý: “Bắt được Nguyễn Quang Toản ở Lạng Giang. Vợ Toản là Lê Thị Ngọc Bình được đưa vào cung”. Riêng điều nhỏ ấy có thể có ý nghĩa lớn là trong số sử thần, có người biết rõ và muốn giữ đạo lý của nhà làm sử.

Ngoài vòng cương tỏa trực tiếp của triều đình, nhà làm sử dễ khách quan hơn, dễ trông bằng mắt mình, dễ cảm bằng tim mình. Đó là trường hợp của các tác giả sách Hoàng Lê nhất thống chí của các nhà Nho riêng lẻ làm những cuốn bi khảo về Việt sử, hoặc chép sử hàng tỉnh. Số này khá đông, Hoàng Lê nhất thống chí tiêu biểu nhất, nó ghi chép một cách hết sức sinh động những sự việc xảy ra trong thời gian hơn hai mươi năm cuối thế kỷ 18 và mấy năm đầu thế kỷ 19. Tác phẩm lịch sử đến trình độ cao thì thành tác phẩm văn nghệ, tác phẩm văn nghệ cao thì cho phép độc giả biết đúng tinh túy của trạng thái xã hội một thời. Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm như thế đó. Các tác giả có lưu luyến với nhà Lê thật, nhưng không dùng ngòi bút của mình để chống đỡ cho nhà Lê đang sụp đổ, mà nêu lên rõ sự bế tắc về trí tuệ, sự sa đọa về đạo đức của xã hội phong kiến triều Lê. Các tác giả không phải là bề tôi của Tây Sơn nhưng họ khách quan ghi chép nhiều hành động của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn khiến người đọc có thể nhập thân vào phong trào quần chúng, vào sự nghiệp cứu quốc và thống nhất đất nước của vị anh hùng áo vải. Đọc Thực lục, Cương mục không thấy dân ở đâu hết, chỉ thấy vua, quan, tướng, thần, trời, còn trong Hoàng Lê nhất thống chí thì thấy xuất hiện quần chúng nhân dân, tất nhiên chưa đến mức cao của thực tế, nhưng họ có mặt với cảnh khổ, kỳ vọng vào tính chiến đấu, tính yêu nước mãnh liệt. Tư tưởng của bản thân các tác giả là tôn trọng họ Lê, song nhiều trang tuyệt bút đã nêu bật tài năng, đạo đức, mưu trí, công lao của Nguyễn Huệ, tinh thần chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân Tây Sơn.

Chỉ đến khi nào chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được ứng dụng, việc này phải chờ đến những năm 20, 30 của thế kỷ sau, thì nghề viết sử mới trở thành một khoa học thực sự. Còn trong suốt thế kỷ 19 thì quan niệm về lịch sử vẫn là quan niệm Nho giáo về đạo đức và về thiên đạo ứng dụng trong việc ghi chép và bình luận sự việc chính trị và con người làm chính trị.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây