Từ Viện hàn lâm Thụy Điển đến giải thưởng Nobel

[Kỳ 1]

Thư viện Nobel là một bộ phận của Viện hàn lâm Thụy Điển, đặt trụ sở ngay trong tòa lâu đài giao dịch Chứng khoán.

Hồi năm 1991, ông Giám đốc thư viện là Anders Rydberg tiếp tôi một cách niềm nở. Ông cao xương xương, trạc ngoài ngũ tuần, có lối nói sôi nổi, dứt khoát, hấp tấp, khác hẳn sự trầm tĩnh của đa số người Thụy Điển. Ông tỏ ra rất lịch duyệt. Dĩ nhiên, việc đầu tiên là ông đưa tôi đi xem Viện hàn lâm Thụy Điển, phòng họp cổ kính lộng lẫy vàng và kim nhũ, là nơi vua Thụy Điển trao giải thưởng Nobel hàng năm.

Viện hàn lâm Thụy Điển do vua Gustave III thành lập cách đây 200 năm (1786) theo mẫu Viện hàn lâm Pháp. Nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ và phát triển ngôn ngữ Thụy Điển, đưa văn học dân tộc lên ngang tầm với văn học châu Âu. Viện có 18 vị viện sĩ, chịu trách nhiệm soạn một bộ từ điển, một bộ ngữ pháp, mở những kỳ thi văn hóa.

Sau khi ông Nobel để lại chúc thư, Viện hàn lâm có thêm nhiệm vụ lập ra ủy ban Nobel, hàng năm chuẩn bị danh sách các nhà văn xứng đáng để giúp tổ chức Nobel (Fondation Nobel) quyết định giải, trao vào ngày 10 tháng Chạp, ngày mất của Nobel. Dĩ nhiên Viện còn trao hàng loạt giải thưởng riêng.

Hằng năm, Viện họp một buổi công khai có tính chất nghi lễ; sau khi Hoàng gia và 500 khách đã yên vị, các vị viện sĩ ngồi vào những chiếc ghế bành có đánh số; người ta đọc những bài diễn văn chính thức; giới thiệu viện sĩ mới, rồi đọc tên những người được các giải thưởng trong năm.

Thư viện Nobel là thư viện lớn nhất Bắc Âu về văn học hiện đại, có chừng 20 vạn cuốn sách.

Alfed Nobel – một triệu phú yếm thế mà từ thiện

Ông Alfred Nobel từng nói: “Tôi thích để ý đến dạ dày của người sống hơn là sự sùng bái những người chết dưới hình thức tượng đài”.

Alfred Nobel sinh năm 1833 ở Stockholm. Ông đã sống và đi rất nhiều nước. Gia đình ông gốc ở làng Nobbelov tại miền Nam Thụy Điển, do đó có họ Nobel.

Người ông của ông là một học giả uyên bác cỡ quốc tế. Bố là một nhà sáng chế công nghiệp, bị phá sản phải chạy sang Nga. Sau thời thơ ấu nghèo khổ sống với mẹ ở Thụy Điển, ông cùng cả nhà đoàn tụ với bố ở Nga. Bố ông đã trở thành một nhà công nghiệp có uy tín làm việc cho Nga hoàng trong ngành chế tạo mìn.

Ông được đào tạo rất kỹ về hóa, nói thông thạo bốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức và Nga. Trong hai năm, ông được đi tham quan nghiên cứu ở châu Âu và ở Mỹ, rồi về làm việc ở phòng nghiên cứu các chất nổ của bố ở gần Stockholm. Ông làm việc không mệt mỏi và xây dựng rất nhiều viện nghiên cứu chất nổ đặt ở Anh, Đức, Pháp, Italy và Thụy Điển.

Phát minh lớn nhất của ông là thuốc nổ Dynamit (1866), là hợp chất nitroglycerin trộn với một chất xốp khiến cho việc sử dụng đỡ nguy hiểm. Sáng chế này mang lại một cuộc cách mạng kỹ thuật trong việc khai thác mỏ, làm đường xá và đào hầm giao thông. Ông còn có nhiều sáng chế trong nhiều lĩnh vực hóa học (các chất tổng hợp, cao su và da nhân tạo, viễn thông, hệ thống báo động…).

Ông đã đăng ký 355 bằng sáng chế và khai thác một phần những sáng chế ấy trong 90 công ty đặt ở khoảng 20 nước. Ông tiên phong trong việc thành lập công ty đa quốc gia. Chính tiền lời của những công ty đã giúp ông có tiền để trao những giải thưởng mang tên ông. Hai người anh trai ở lại Nga để quản lý công ty của bố, cũng là những nhà sáng chế cộng tác đắc lực với ông.

Cái vĩ đại của Nobel xuất phát từ sự đa dạng trong tính cách con người. Ông là nhà khoa học, nhà sáng chế có biệt tài, nhà kinh doanh quốc tế có đầu óc tiến bộ, đồng thời là nhà văn hóa có tư tưởng nhân đạo. Theo ý kiến của nhà viết tiểu sử của ông, ngay từ thời niên thiếu, ông đã là “một chàng trai sớm phát triển, đặc biệt thông minh nhưng rất nhạy cảm, mơ mộng và thích nội quan”.

Hình như suốt đời ông không tìm thấy hạnh phúc. Ông tự coi mình là “một đứa trẻ đẻ non khốn khổ”. Mọi người đều công nhận ông là người dí dỏm, thông minh, lịch duyệt; vậy mà ông luôn u buồn, thường ưa giễu cợt bản thân. Có một nỗi yếm thế thể hiện trong những sáng tác của ông.

Nobel là một người cô đơn, chưa từng có gia đình, nhà riêng thật sự; ông là “kẻ lang thang giàu nhất châu Âu”. Ông nói: “Nhà tôi là nơi tôi làm việc và tôi làm việc khắp mọi nơi”. Có lúc, ông có nhà ở sáu nước. Có lẽ Paris, nơi ông làm việc và ở trong gần hai chục năm, là thành phố gần gũi với ông nhất, trừ ngôi nhà ở Thụy Điển vào những năm cuối đời.

Nobel chưa bao giờ lấy vợ. Ông rất yêu mẹ, luôn quan tâm chăm sóc mẹ. Khi đứng tuổi, hình như ông cũng kết giao rất thân với nữ nam tước người Áo Bertha von Suttner, người tiên phong trong phong trào đấu tranh cho hòa bình. Trong một thời gian, bà là thư ký riêng của Nobel, bà rất có cảm tình với ông và có thể lấy ông nếu bà chưa yêu người khác. Thất vọng, ông lao vào cuộc tình duyên với Sophie Hess, một thiếu nữ Áo trẻ hơn ông 23 tuổi. Cuộc tình kéo dài 18 năm chỉ mang lại cho ông nỗi thất vọng vì không nâng nổi người bạn tình lên ngang tầm trí thức và xã hội của ông. Đoạn tuyệt càng làm tăng thêm nỗi u buồn bẩm sinh nhưng đồng thời giúp ông trở lại với sự bình tĩnh tâm hồn. Ông chết trong cô đơn tại Sanremo ở Italy, ngày 10 tháng Chạp năm 1896, vào tuổi 63.

 



 

Vien han lam Thuy Dien 2 min - Từ Viện hàn lâm Thụy Điển đến giải thưởng NobelẢnh minh họa. (Nguồn: ABC).



 

[Kỳ cuối]

Năm 1895, Alfred Nobel ký ở Paris bức chúc thư gồm 300 từ kết thúc sự nghiệp và tư tưởng của cả cuộc đời.

Chúc thư cho nhân loại

Năm 1895, một năm trước khi chết, Alfred Nobel ký ở Paris bức chúc thư gồm 300 từ kết thúc sự nghiệp và tư tưởng của cả cuộc đời. Ông để lại phần lớn của cải, khoảng 30 triệu đồng Krona Thụy Điển, để đầu tư lấy lãi hàng năm thưởng cho những người đóng góp nhiều nhất cho nhân loại.

Nobel đề ra những giải thưởng này vì ông tin vào tương lai nhân loại: “Truyền bá trí thức là thúc đẩy sự thịnh vượng. Những đau khổ sẽ tiêu tan, những thành tựu của nghiên cứu khoa học cho chúng ta hy vọng…”.

Ông muốn dành tiền thưởng cho những lĩnh vực khoa học mà suốt đời ông quan tâm (vật lý, hóa, sinh lý học, y học), văn học là một lĩnh vực làm phong phú trí tuệ, tình cảm (ông có làm thơ, viết văn rất hay) và tình anh em giữa các dân tộc, tức là hòa bình thế giới.

Chịu ảnh hưởng của nhà thơ lãng mạn Anh Shelly, ông rất ghét chiến tranh, ghét cả sự cãi lộn giữa những cá nhân. Ông chịu ảnh hưởng của người bạn gái thân thiết là Bertha von Suttner, một nhà hoạt động xã hội lỗi lạc đấu tranh cho hòa bình. Ông viết cho bà: “Những nhà máy của anh rất có thể chấm dứt chiến tranh nhanh hơn các cuộc hội họp của em”. Ông đề ra một ý kiến bị coi là không tưởng: các chính phủ tự nguyện cùng nhau bảo vệ bất cứ quốc gia nào bị tấn công, dần dần sẽ dẫn đến giải trừ quân bị từng phần.

Việc thực hiện di chúc của ông Nobel không thuận buồm xuôi gió. Chỗ ở của ông có tại rất nhiều nơi, nhiều nước muốn đứng ra nhận phần. Cuối cùng, Thụy Điển là quê hương ông được hưởng quyền thực hiện di chúc.

Của cải của ông rải rác ở khắp tám nước châu Âu. Một số người thừa kế trong gia đình đặt vấn đề tranh chấp. Cuối cùng, một phụ tá của ông là Ragnar Sohlman đã dàn xếp việc thừa kế và đề ra được những quy tắc thực hiện chúc thư. Tổ chức Nobel (Fondation Nobel) được thành lập. Hồi đó, Thụy Điển và Na Uy cùng là một quốc gia; sau khi tách thành hai nước, những thể chế có liên quan đến các giải thưởng Nobel của hai quốc gia cộng tác với nhau rất chặt chẽ.

Tổ chức Nobel quản lý của cải do ông Nobel để lại, áp dụng những biện pháp hành chính về giải thưởng, nhưng quyền lựa chọn và quyết định người được giải thưởng lại thuộc về những tổ chức khác. Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định các giải thưởng vật lý, hóa và cả khoa học kinh tế (giải này mới đặt ra từ 1968 do sáng kiến của Ngân hàng Thụy Điển), Hội nghị Nobel của viện Karolinska Institutet quyết định giải thưởng sinh lý học hay y học, Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định giải thưởng văn học, Ủy ban Nobel Na Uy quyết định giải thưởng hòa bình.

Diện mạo của giải thưởng văn học Nobel

Tôi xin được nói riêng về giải thưởng văn học Nobel. Hàng năm, những người đủ tư cách có thẩm quyền (theo điều lệ) phải gửi đề xuất bằng văn bản đến Ủy ban Nobel văn học và Ủy ban giải thưởng văn học trước ngày 1/2. Đó là các viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển và những viện hoặc hội tương tự, giáo sư văn học hoặc ngôn ngữ, những người đã được giải thưởng Nobel, chủ tịch các hội nhà văn quốc gia.

Giá trị giải Nobel năm 1991 là 6 triệu Krona Thụy Điển (khoảng gần 1 triệu USD). Theo chúc thư, Nobel muốn tặng giải cho “một tác phẩm xuất sắc có khuynh hướng lý tưởng”. Cách giải thích “khuynh hướng lý tưởng” là thế nào thay đổi theo lịch sử.

Từ 1901 đến 1912, người ta chú trọng nội dung tác phẩm và hiểu “khuynh hướng lý tưởng” theo chủ nghĩa lý tưởng bảo thủ và thẩm mỹ lý tưởng chủ nghĩa của thế kỷ XIX. Lev Tolstoi bị gạt vì ông “phủ nhận nhà thờ, Nhà nước, quyền sở hữu cá nhân”. Strindberg, nhà văn Thụy Điển lớn nhất, bị gạt vì có những tư tưởng quá cấp tiến. Giải thưởng được tặng cho bà Selma Lagerlof cũng là nhà văn Thụy Điển lớn.

Trong thời kỳ Thế chiến I (1914-1918), quan niệm chọn mở rộng ra ngoài châu Âu, nên nhà văn Tagore xứ Bengal (Ấn Độ) được giải. Người ta đề cao những nhà văn lên án chiến tranh hoặc thuộc các nước trung lập như Romain Rolland (Pháp), Heindenstam (Thụy Điển), Gjellerup và Pontoppidan (Đan Mạch).

Trong thập kỷ tiếp theo (1919-1929), “khuynh hướng lý tưởng” được hiểu là chủ nghĩa nhân đạo rộng mở. Điển hình cho sự lựa chọn này là nhà văn Đức Thomas Mann, nhà văn Ireland B. Shaw.

Những năm 30 kéo dài đến hết Thế chiến II (1930-1945) nhấn mạnh bản thông điệp nào có tiếng vang rộng rãi nhất đối với nhân loại. Do đó, cả một nền thơ hiện đại tinh vi mà phức tạp nằm ngoài quỹ đạo. Đáp ứng đòi hỏi trên tốt nhất nên kể nhà viết kịch Italy Pirandello, nhà viết kịch Mỹ O’Neil, các nhà viết tiểu thuyết Mỹ Sinclair Lewis và Pearl Buck.

Thời kỳ hậu chiến đến những năm 60 (1946-1960) đề cao những tác giả đi “tiên phong” như Hesse (Đức), Gide (Pháp), Faulkner (Mỹ).

Hai thập kỷ 70 và 80, Ủy ban Nobel “thực tiễn” hơn, quan tâm đến những thành tựu xuất sắc mà chưa được đánh giá đúng mức; địa bàn mở rộng. Một số thí dụ như I. Singer (Mỹ, Ba Lan), viết bằng tiếng Yiddish; Soyinka (Nigeria); C. Milosz (Mỹ, Ba Lan); Mahfouz (Ai Cập).

Một số tác phẩm được giải thưởng Nobel được cho là chọn theo ý đồ phục vụ chính sách “chiến tranh lạnh” như tác phẩm của nhà văn Tây Đức Heinrich Bill, các nhà văn Xô viết Pasternak, A. Solhzhenitsyn. Viện hàn lâm Thụy Điển thanh minh là đánh giá tác phẩm không theo tiêu chuẩn chính trị mà theo tính chất của nhà văn đứng ra bảo vệ các giá trị con người, nhất là theo giá trị nghệ thuật.

HỮU NGỌC

 

 

 

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây