Tướng trận mạc Đinh Lễ

Tướng trận mạc Đinh Lễ
Đền Đinh Lễ - Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ những buổi đầu, tướng Đinh Lễ (? – 1427) hay còn gọi là Lê Lễ – là bậc khai quốc công thần nhà Lê Sơ. Ông chính là người góp công rất lớn vào nhiều chiến công vang dội của nghĩa quân Lam Sơn.

Bề ngoài Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia – đền thờ Đinh Lễ ở thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Đinh Lễ quê sách Thúy Cối, hương Lam Sơn (Thọ Xuân), xuất thân trong gia đình nhiều đời làm quan, trong đó có cụ tổ là Đinh Thỉnh, làm quan đến chức Thái úy, được tặng Mục Huệ Đại Vương.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rằng: Từ khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ba anh em Đinh Lễ là những người hăng hái hưởng ứng đầu tiên.

Cả cuộc đời ông gắn liền với trận mạc và những chiến công. Vốn là người có tính cương nghị và quả cảm, giàu mưu lược và có võ nghệ cao cường, Đinh Lễ được tín cẩn giao trọng trách hộ vệ và hầu cận Lê Lợi. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi vào sinh ra tử, nếm đủ mùi gian khổ, vừa náu mình vừa chiến đấu ở vùng núi Chí Linh.

Trong sách “Đại Việt thông sử”, Lê Quý Đôn có viết về chiến công của Đinh Lễ: “Năm Giáp Thìn (1424) Vua đánh nhau với quân Minh ở Khả Lưu, ông cùng tướng Lê Sát xông tới kìm hãm trận địa giặc, tạo điều kiện cho quân sĩ ào ạt tiến lên. Giặc thua to, ta bắt được tướng giặc là Chu Kiệt và chém tướng Hoàng Thành, đuổi cho bọn Trần Trí, Sơn Thọ phải chạy dài. Ta bắt được sĩ tốt của giặc không biết bao nhiêu mà kể. Nhờ công ấy, ông được phong là Tư Không”.

Mùa xuân năm Ất Tị (1425), Vua cho vây bọn Lý An và Phương Chính ở thành Nghệ An. Tháng 5-1425, Đinh Lễ được sai đi tuần ở Diễn Châu (Nghệ An). Khi ấy ông cho quân mai phục ở phía ngoài thành, giặc không hề hay biết. Thế rồi viên Đô Ti của nhà Minh là Trương Hùng, dẫn hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ thành Đông Quan tới. Quân giặc trong thành Diễn Châu mừng rỡ, liền mở cửa ra đón. Bất ngờ, Đinh Lễ cho quân đánh quyết liệt, chém được viên Thiên Hộ họ Tưởng và hơn 300 quân lính của giặc, Trương Hùng phải bỏ chạy. Ông thu được hết thuyền lương và nhân đà thắng lợi, đuổi dài bọn chúng đến tận Tây Đô.

Một trong những chiến công vang dội, làm nên tên tuổi của danh tướng Đinh Lễ là chiến thắng Vương Thông ở Tốt Động – Chúc Động. Tháng 10-1426, khi quân nhà Minh rơi vào thế “xác quân Minh ngổn ngang đến vài mươi dặm, hơn 500 lính bị nghĩa quân bắt sống” (theo “Đại Việt sử ký toàn thư”), tướng Vương Thông đã phải mang thêm quân sang tiếp viện. Không thể đối phó với đại quân của nhà Minh, tướng Đại Việt là Lý Triện và Đỗ Bí đã sai người cấp báo với Đinh Lễ, Trương Chiến và Nguyễn Xí.

Tuong tran mac Dinh Le min - Tướng trận mạc Đinh Lễ

Đinh Lễ cùng hai vị tướng đã đem 3.000 quân đến, đặt phục binh ở Tốt Động và Chúc Động (thuộc Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Với kế sách đúng cùng sự chiến đấu quả cảm, nghĩa quân đã phá tan được quân Minh, tiêu diệt 50.000 lính và bắt sống hơn 10.000 người. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Quân Minh bị chết đuối rất nhiều, xác trôi nghẽn cả khúc sông Ninh Giang. Ta thu được ngựa, quân tư, khí giới nhiều không kể xiết”. Vương Thông và các tướng nhà Minh phải chạy về Đông Quan cố thủ.

Sách “Danh tướng Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần cho rằng: “Chính Đinh Lễ là một trong những người đã bắt được khá nhiều quân do thám của địch, ông đã nắm được toàn bộ mưu đồ của Vương Thông. Kế hoạch tác chiến của quân Lam Sơn trong trận đánh lịch sử này chủ yếu dựa trên những thông tin quý giá mà ông lấy được, đồng thời cũng là dựa trên những ý kiến xuất sắc của ông”.

Sau này trong bộ quốc sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do sử thần đời Nguyễn biên soạn cũng có thuật lại rất chi tiết về cuộc chiến này.

Đánh giá về vai trò của Đinh Lễ đối với chiến thắng chung cuộc của khởi nghĩa Lam Sơn, sử quan đời Lê Trung Hưng là Lê Quý Đôn trong “Đại Việt thông sử” có ghi: “Trước trận Tốt Động, Chúc Động, nghĩa quân luôn đánh thắng nhưng vẫn dựa vào 2 châu Hoan, Ái (Thanh Hóa, Nghệ An), chưa dám ra Đông Đô đánh quân Minh. Cánh quân do Lý Triện, Trịnh Khả chỉ huy đơn độc cứ đi lại ở vùng Thiên quan, Quảng Oai, Tam Giang, rồi áp sát vào đô thành. Người trong nước còn sợ oai quân Minh, chưa đầu hàng hết. Sau chiến thắng này, quân Lam Sơn mới bao vây Đông Đô, dân các phủ huyện hưởng ứng rầm rộ. Người trí dũng theo về như đi chợ, thành trì cả nước bị phá hoặc xin hàng, trong khoảng 1 năm cả nước đều bình định. Đó là công của Đinh Lễ, Lý Triện”.

Cả một đời binh đao, chinh chiến, Đinh Lễ gần như luôn trong thế thắng. Duy nhất một lần sa lầy ở My Động. Đó là tháng 3-1427, Vương Thông đem hết quân tinh nhuệ trong thành Đông Quan ra đánh nhau với quân Lam Sơn tại tây Phù Liệt do thái giám Lê Nguyễn chỉ huy. Cuộc tấn công bất ngờ này khiến cho Lê Nguyễn rất lúng túng, buộc phải cố thủ để chờ viện binh. Lê Lợi lập tức sai Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân thiết đột tới cứu. Vương Thông thua to. Đinh Lễ và Nguyễn Xí lập tức cho quân truy đuổi. Tuy vậy, “Giặc chạy đến My Động thì thấy quân Lam Sơn quân số ít, lại chưa có viện binh đến tiếp ứng, bèn phản công. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi xung trận, không ngờ voi bị sa lầy bùn sâu, không rút chân lên được, Vương Thông thét quân bắt được cả hai tướng Lam Sơn, đem về thành Đông Quan. Tại đây, Đinh Lễ bị giết hại, Nguyễn Xí bị giam, sau trốn thoát trở về” (theo “Văn tài võ lược xứ Thanh”).

Xuyên suốt quá trình tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, những cống hiến và đóng góp của Đinh Lễ cho sự toàn thắng của cuộc khởi nghĩa là rất lớn. Sử thần Ngô Sĩ Liên khẳng định: “Tướng giỏi thời ấy thì Lễ và Triện là người xứng đáng đứng đầu”.

Bên trong Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia – đền thờ Đinh Lễ ở thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Khi đất nước khải hoàn, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lập ra vương triều mới. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), trong biểu luận công ban thưởng, Lê Thái Tổ đã phong tặng ông là Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Vua Lê Thánh Tông gia tặng ông là Thái sư Bân quốc công, về sau được tấn phong Hiển Khánh vương.

Đền thờ Đinh Lễ tại Tiểu khu 6, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) đã được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Đến nay sau nhiều lần sửa chữa nhỏ, đền thờ hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong hậu cung tường có nhiều vết nứt, ngói cũng đã bị tuột. Ông Ngọ Duy Vinh, công chức văn hóa thị trấn Thiệu Hóa cho biết: Gần đây nhất, năm 2020, di tích đã được dòng họ của cụ tu bổ tôn tạo dạng nhà cấp 4, ba gian. Đến năm 2021 chúng tôi cũng đã có tờ trình đề nghị nâng cấp sửa chữa. Qua nhiều cuộc kiểm tra, hy vọng trong thời gian tới Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đền thờ Đinh Lễ sẽ sớm được trùng tu, tôn tạo.

Ngoài đền thờ Đinh Lễ ở Thiệu Hóa, tại Nông Cống, đền thờ Tam quốc công: Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt ở làng Đông Cao, xã Trung Chính cũng là địa chỉ để bà con đến dâng hương, tri ân công đức tiền nhân.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã cách xa gần 6 thế kỷ nhưng tên tuổi của Đinh Lễ vẫn được lưu truyền trong sử sách. Và hiện nay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Thanh Hóa có những đường phố mang tên ông. Cuộc đời và sự nghiệp trận mạc của Đinh Lễ sẽ vẫn còn được sử sách lưu danh bởi ông là một vị tướng trận mạc, hết lòng phò tá nhà Lê.

CHI ANH

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây