Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 4

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 4

Tác phẩm điêu khắc gỗ Mẹ Rừng của nghệ nhân Bh’riu Pố, thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang.

CHƯƠNG IV

LÀNG CƠ TU

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

1. Tên làng (vêêl, bhươl, c’rnon/ cơr non)

Nguồn gốc

Người Cơ Tu sinh sống trong môi trường rừng núi, họ tiếp cận thường xuyên với cảnh quan thiên nhiên núi rừng, đồi, dốc, cây trái hoa lá trong tự nhiên, theo đó cảnh quan thiên nhiên hằn sâu trong ký ức, đến khi lập làng, làm nhà ở hay định danh các sự vật, hiện tượng phục phụ nhu cầu của họ, họ thường lấy đặc điểm địa hình, tự nhiên nơi cư trú để đặt tên. Làng người Cơ Tu được định danh trong điều kiện đó. Tên gọi của ngôi làng thường lấy tên khe, suối, tên cây cối để đặt tên, hoặc lấy tên người có công đầu lập làng để đặt tên làng. Những tên gọi như thế luôn bền chặt với thời gian, bởi thiên nhiên luôn bất biến.

Với tộc người Cơ Tu, làng là đơn vị lớn nhất của tổ chức xã hội cổ truyền. Tập hợp một làng có chừng hai mươi đến ba mươi hộ gia đình mà thành. Thành viên trong làng có thể vài ba trăm người, có làng ít hơn thế. Xưa kia, mỗi làng có hai đến ba cahub/tô bhub, tập hợp sinh sống trong những ngôi nhà dài liền vách nhau. Có nhà dài vài chục sải tay, thảng có nhà dài đến trăm mét liền vách, đủ để các thành viên cùng huyết thống sinh sống. Mỗi gia đình được đặt một bếp riêng. Thế nên tính khép kín của làng tồn tại rất lâu trong lịch sử phát triển tộc người. Và theo đó, luật tục quy định quan hệ hôn nhân nối dây, dây chuyền hình thành từ sự khép kín để bảo vệ sự xâm hại từ bên ngoài. Do tính chất của phát triển kinh tế đốt rừng lấy rẫy trồng lúa và thường thay đổi rẫy canh tác sau vài năm nên làng người Cơ Tu có thay đổi theo quá trình phát triển của lịch sử. Từ ngôi làng theo mô hình thuẫn (ovale), dần biến thành hình tròn, hình quả xoài và nay một số làng biến mất hình dạng ban đầu như vốn có truyền thống từ trước. Gươl đôi khi không nằm giữa làng mà được thiết kế xây dựng tại điểm nào đó trong làng xét thấy thuận lợi nhất, có sân rộng để các thành viên trong làng đến dâng lễ và giao tiếp với dàng trong những lần lễ hội. Vùng thấp Cơ Tu phương như các làng Tà Lang, Gián Bí (xã Hòa Bắc), làng Phú Túc (xã Hòa Phú) đều thuộc huyện Hòa Vang đã không còn mô hình ngôi làng ovale truyền thống. Tại địa bàn định cư mới này, làng được bố trí hai bên trục lộ, nhà người dân quay mặt ra đường, sắp xếp kiểu nhà mặt phố. Gươl làng cũng được sắp vào hàng ngang như thế. Không gian làng truyền thống đã bị phá vỡ.

Một làng người Cơ Tu được quy định bất thành văn, không có sơ đồ cụ thể mà men theo đường khe, suối, đồi, bờ đá, dòng sông, cánh rừng, cây to, nguồn nước, … để phân định ranh giới giữa các làng. Trong làng có đủ các điều kiện tự nhiên như nơi làm gươl, nơi làm nhà cho các thành viên, có khu đất sản xuất, có khu rừng thiêng, có khu chăn thả trâu, bò, có nguồn nước, có khe, suối, có khu săn bắt thú rừng, có nơi chôn cất người chết, … đủ để tổ chức như một xã hội thu nhỏ, với đầy đủ các điều kiện để con người có thể sinh sống tồn tại và phát triển.  

Tượng ma thuật tạc trên cây (Cliché: Les chasseurs de sang, 1938) 
Tượng ma thuật tạc trên cây (Cliché: Les chasseurs de sang, 1938)

 Xưa kia làng người Cơ Tu có hàng rào kiên cố, có cắm chông, thò để bảo vệ làng, chống lại các loại thú dữ thâm nhập làng, nhất là người ngoài làng đột nhập vào làng, như đòi nợ đầu chẳng hạn. Thời chống Pháp, chống Mỹ, làng có hàng rào kiên cố hơn để chống giặc ngoại xâm. Làng có hai cổng ngõ vào ra tại đầu làng và cuối làng. Tại đây thường đặt những bức tượng thần điêu khắc gỗ, chống lại các loại ma xấu, ma rừng vào làng quấy nhiễu cộng đồng. Mọi vi phạm không gian làng đều được luật tục làng quy kết thành kẻ phá hoại và chiến binh của làng sẽ cầm vũ khí bảo vệ làng. [1]

Cổng làng ngăn cản ma rừng đặt tại cổng làng  (Cliché: Péron, 1938)
Cổng làng ngăn cản ma rừng đặt tại cổng làng  (Cliché: Péron, 1938)
Các chiến binh của làng        
Chiến binh Cơ Tu (Le Pichon, 1938)(Cliché: Latouille trong Les chaseurs de sang, 1938)
Chiến binh Cơ Tu (Le Pichon, 1938)(Cliché: Latouille trong Les chaseurs de sang, 1938)

Một bài ca về người chiến binh, Le Pichon sưu tầm được vào năm 1938, chép trong Les Chasseurs de sang :

Tôi đã giết hơn trăm người
Và phóng hai mươi lần mũi lao của tôi vào mỗi thân người
Lao của tôi dài và gỗ của nó mềm mại
Nó rung trong bàn tay
-Tôi sẽ rình trong rừng những người làng Ba nốt, vì đó là những con chó
Khi chúng trở lại các rẫy vào ban đêm
Tôi sẽ rình chúng trong rừng
Tôi sẽ phóng hai mươi lần mũi giáo của tôi vào thân thể chúng.

Trong Hồi ký Quách Xân, có chỗ ông viết: Một buổi chiều, phía Tây trời có ráng úa, lờn vờn nhiều chòm mây xám xịt, có ngấn tím. Tưởng chừng như sắp mưa. Thế nhưng nhiều cụ có kinh nghiệm, nhìn khắp bốn chân trời rồi nhìn nhau, bất giác thốt lên: Trời động rồi! Đấy là báo hiệu cho mùa trả nợ đầu bắt đầu vào cuộc.[2] Bản làng biết họ đi đâu, làm gì nhưng không ai hỏi, không tiễn đưa, không lời chúc tụng. Cha mẹ, vợ con dõi bóng theo những chiến binh với cặp mắt nghiêm trang.[3]

Hộp sọ trong một cây cột tại Ok-Ba-Lua [4]

(Ảnh: Deloustal trong Les chasseurs de sang, 1938, Le Pichon)
(Ảnh: Deloustal trong Les chasseurs de sang, 1938, Le Pichon)

Thời đòi nợ đầu, khi chàng trai vác lao mác ra đi vào rừng sâu, núi thẳm, đến một làng chưa hề quen biết và cũng chưa một lần gặp gỡ người làng để trả đầu tôi không chút ray rứt bâng khuâng. Các cô gái trong làng tiễn đưa các chàng trai ra đi bằng những lời động viên đầy tinh thần “khát khao chiến thắng vì máu lửa”. Họ thúc giục các chàng trai ra đi mang “thắng lợi” trở về với lời lẽ thiết tha: Em hứa cùng chị em trong làng nấu cơm nếp dẻo đãi anh, xắt thuốc thật nhỏ tặng anh, bận váy đẹp nhất để đón anh từ xa. Múa da dắ thật mềm dẻo mừng anh trong ngày anh về. Em chờ anh và làm vui lòng anh ! [5]

 

 

2. Cấu trúc làng, các thực thể của làng

Tộc người Cơ Tu tại miền Tây Quảng Nam, Đà Nẵng sinh sống dọc theo sườn đông dãy Trường Sơn theo từng điểm dân cư, tạo thành làng Cơ Tu, mỗi làng có tính biệt lập với thế giới bên ngoài theo cách tương đối. Bởi họ có mối quan hệ trao đổi hàng hóa với người Kinh miền xuôi. “Họ gọi người Kinh là Ađhuôc, gọi người Chăm lên vùng cao trao đổi hàng hóa với họ là Hời, người Ve là Bhe/ Bhêê, người T’riêng là Cà Tang, người Tà Ôi là Tôi-ôih hoặc Axáp hay Alông.”[6] Điểm trao đổi hàng hóa xưa kia thường tập trung tại làng Hội Khách (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) và tại hai bến sông, đó là bến Hiên và bến Giằng (thuộc huyện Hiên Giằng). Làng Cơ Tu có tính tự quản cao, cộng đồng làng luôn là yếu tố quan trọng chi phối mọi hoạt động của các thành viên trong làng, kể cả các cabuh sinh sống trong làng. Chủ làng nắm giữ công cụ quản trị làng trên cơ sở tập tục đã chuyển hóa thành luật tục. Những luật tục được thực thi bằng truyền miệng, không/chưa ghi thành văn bản nhưng có tác dụng quản trị làng nghiêm khắc bằng những quy định, quy tắt điều chỉnh đến với mọi thành viên trong làng. Hội đồng già làng luôn hỗ trợ chủ làng thi hành luật tục. Chủ làng, các vị già làng luôn là người nêu gương và chủ làng là người ra những quyết định quan trọng đối với làng.

Bởi mỗi làng Cơ Tu có tính độc lập tương đối, nên tổ chức xã hội truyền thống của làng khép kín hoàn chỉnh trong chế độ tự quản trị làng. Do đó, làng Cơ Tu ổn định về mặt tổ chức, các thành viên trong làng không vượt ra ngoài luật tục do làng quy định. Kinh tế, văn hóa, xã hội do đó ổn định.

2.1. Cấu trúc làng

Làng Cơ Tu thường thiết lập trên sườn núi cao, họ không chọn những thung lũng hay bồn địa, vì ở đó nhiệt độ cao, gió lại ít thông thoáng, các loại bệnh nhiệt đới thường phát sinh tấn công vào tiềm năng thể lực của họ. Do vậy, trên sườn núi cao, những nơi thoáng đãng, họ chọn để lập làng. Do địa hình sườn đồi, dốc núi nên đường đến làng luôn khó khăn, trắc trở, ngoằn ngoèo, nhiều dốc ngược để tránh thú dữ và phát hiện ra nhanh chóng những người ngoại nhập vào làng, nhất là kẻ thù của làng luôn là mối đe dọa đến sự tồn vong của làng. Đó là hệ quả dùng dằng lâu dài với tục nợ đầu (những năm 1950 dần được vận động bãi bỏ). Chính tục lệ này đã phần nào tạo cho các chủ làng ra quyết định thành lập làng ở những khu vực núi cao, nhiều trắc trở để bảo toàn được lực lượng và các thành viên trong làng.

Để chọn một khu vực lập làng, mọi việc thuộc về quyền quyết định của dàng/thần, trong đó có ý kiến của Hội đồng già làng[7] là những tư vấn quan trọng, đề xuất các phương án chọn lựa giúp chủ làng ra quyết định sau cùng để thực hiện. Sinh hoạt như thế cũng là hình thức phát huy kiểu dân chủ trong các công xã. Sau chọn đất phải chờ vào sự linh ứng của giấc mơ do chủ làng nghiệm thấy.

Cấu trúc làng Cơ Tu (St) (Nhà được lợp bằng tôn thay cho lá cọ, đùng đình hoặc lá song; mái nhà cắt góc không còn cấu trúc tạo hình thuẫn như nhà truyền thống xưa của người Cơ Tu)

Cấu trúc làng Cơ Tu (St)

Cấu trúc làng Cơ Tu (St)

(Nhà được lợp bằng tôn thay cho lá cọ, đùng đình hoặc lá song; mái nhà cắt góc không còn cấu trúc tạo hình thuẫn như nhà truyền thống xưa của người Cơ Tu)

Trên một khu đất rộng, làng Cơ Tu thiết kế theo hình thuẫn – hình ovale – chính giữa là gươl. Các thành viên của làng có ít nhất là từ hai cơbhuh trở lên. Nhà của các thành viên hướng cửa trước mở ra trông về phía gươl. Đôi khi tìm gặp mô hình làng có hình tròn, hoặc hình hai dầu kéo dài ra như trái xoài tượng. Tuy nhiên, dầu theo mô hình nào, nhà của các thành viên đồng nhất quay mặt về trung tâm làng. Nhìn tổng quát ngôi làng Cơ Tu, điều dễ nhận ra tính cố kết cộng đồng cao do yếu tố gia đình hòa vào với yếu tố cộng đồng. Các hộ gia đình được sắp xếp liền kề gần nhau, liên kết thành vòng tròn kép kín, mỗi hộ không tự đặt ra cổng ngõ, hàng rào cho riêng nhà mình mà phối hợp chung trong tổng thể một ngôi làng. Điều đó cho hay rằng tộc người Cơ Tu chưa phân hóa riêng tư sâu sắc.

Theo các già làng vùng Cơ Tu, người Cơ Tu thiết lập ngôi làng theo mô hình thuần phát, phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu và đặc biệt ứng xử tốt với môi trường, trong đó chú ý đến hoản hoạn, cháy rừng bất thường có thể làm tổn thất nguồn lương thực. Do đó, người Cơ Tu thiết kế ngôi làng có bốn vòng tính từ trong ra. Gươl bao giờ cũng thiết trí ngay trung tâm làng (hoặc vì lý do địa hình có thể dịch chuyển sang bên. Nhưng nhất thiết gươl phải là điểm để mọi thành viên của làng mở cửa chính căn nhà ra là có thể nhìn thấy được gươl. Thời xưa, theo ký ức già làng Bh’riu Pố, tại thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, cấu trúc một ngôi làng Cơ Tu (cho dù là làng nhỏ) thường có bốn vòng, theo hướng từ trong ra ngoài, lần lượt như sau:

  1. Trong cùng là gươl,
  2. Dãy nhà các hộ gia đình,
  3. Hàng rào làng,
  4. Kho lương thực (cơr lăng ha ro của các hộ gia đình).

Các nhà thành viên thường bố trí cách nhau từ 8 – 9 mét trở lên nhằm phòng xảy ra hỏa hoạn ; đồng thời tránh tình trạng nước mưa từ mái nhà này bắn sang mái nhà khác, hoặc đến hiên nhà kia. Đây là điều kiêng cữ, cho rằng đó là việc gây chết người (quan niệm tâm linh).

Mô hình ngôi làng Cơ Tu (theo ký ức già làng Bh’riu Pố)

Mô hình ngôi làng Cơ Tu (theo ký ức già làng Bh’riu Pố)

Tuy nhiên người Cơ Tu vùng Cơ Tu dal không thiết trí kho lúa (cơr lăng ha ro) mà họ cất đặt các bồ lương thực ngay trên giàn bếp nhà của họ.

Để lập nên một làng, điều đặt ra cho Hội đồng già làng và Chủ làng là phải dựa vào thiên nhiên như thói quen vốn được thiết lập từ xa xưa trong lịch sử, nhưng đảm bảo các mối quan hệ cần thiết cho cuộc sống. Đó là: 1/ Phải có nguồn nước cho làng để uống và sinh hoạt; 2/ Phải có đất rừng để sản xuất lúa gạo và hoa màu khác bổ trợ cho cây lúa không đủ giáp hạt; 3/ Phải có khu rừng chăn nuôi các loại gia súc; 4/ Phải có đất dùng làm nơi chôn cất người chết; 5/ Phải có khu rừng thiêng, nơi các dàng (đa thần) trú ngụ và là nơi chôn nhau khi các bà mẹ sinh đẻ; 6/ Đồng thời, bên ngoài khu dân cư còn có chỗ để thiết trí các công trình phụ như chòi rẫy, nhà kho, zơng, chòi đẻ.

Xưa kia, làng Cơ Tu luôn có cổng làng và hàng rào kiên cố. Các chiến binh của làng luôn tập trung tại gươl làng hằng đêm, canh gác, bảo vệ làng đánh đuổi thú dữ, và mọi hình thức ngoại nhập khác vào làng. Đây là điều cần thiết trong sự cẩn trọng của cả làng, nhất là đội chiến binh nắm giữ sức mạnh của làng. Thế nên, cách nay trên trăm năm (vào những năm 1930 – 1940 của thế kỷ trước), để đến được một làng người Cơ Tu là điều hết sức khó khăn, cách trở và nguy hiểm. Như vậy, làm thế nào để vào làng khi chưa biết bên trong làng Cơ Tu gì đang thực hiện kiêng cữ và gì là sơ khoáng được. Năm 1975 về trước điều kiện vào làng Cơ Tu trước hết khách phải thực hiện bằng cách: Đứng ngoài cổng làng, gọi với vào hỏi xem làng có đang kiêng cữ gì không ? Cử một ngày hay mấy ngày ? Nếu cữ một ngày hãy chờ đợi người làng mời vào. Nếu cữ hơn một ngày thì khách phải tự quay về làng mình. Nhưng nếu khách tự ý vào làng đang khi làng đang cữ kiêng thì chắc chắn sẽ bị phạt nặng.

Việc chọn đất lập làng đối với người Cơ Tu là rất quan trọng, bởi liên quan đến sự phồn vinh hoặc suy vong của làng, nên việc thực hiện nghi lễ xin đất là hết sức cần thiết và hoàn toàn chi phối do tín ngưỡng dân gian quyết định.

Nguyên nhân/ lý do chọn đất thiết lập làng mới có nhiều cách giải thích khác nhau, song nguyên nhân trực tiếp thường là: 1/ Do dịch bệnh vô phương cứu chữa, gây chết người hàng loạt (dù nhà ở của người dân vẫn còn tốt); 2/ Do hay xảy ra chết tai nạn (chết xấu – chêêt môp), gặp thiên tai, địch họa, mất mùa thất bát, hỏa hoạn cháy nhà, dân làng đau ốm kéo dài ; 3/ Do làng ở đã lâu, xa đất sản xuất… Từ đó hình thành tâm lý người dân không ổn trước các hiện tượng bên ngoài tác động, phần lớn là mất mùa, đói kém, bệnh tật thường xuyên, và nhất là có người chết xấu, người dân không an tâm. Trước tình hình đó, Hội đồng già làng họp thảo luận tìm kiếm phương án tối ưu. Nếu Hội đồng đi đến quyết định dời làng thì Chủ làng có trách nhiệm tìm khu đất mới. Khu đất mới có thể trên núi cao thâm sơn cùng cốc, hoặc trên lưng chừng núi với dốc đứng đèo cao, hay tìm được một khu đất bằng thuận lợi cho đường đi lên xuống, …

Chủ làng tập trung các Trưởng tộc họ lại tại gươl thảo luận, bàn bạc gì nên, gì không nên. Sau đó chủ làng cùng một số già làng đi tìm đất mới.

Điều kiện đặt ra khi phải chọn đất thiết lập làng mới, trước hết Hội đồng già làng, Chủ làng đến khu đất : 1/ Khảo sát lại lần nữa các yếu tố thuận lợi và khó khăn nếu như lập làng tại khu đất này ; 2/ Đến khu đất cúng dò (nhuôih xo), xem ý của thần linh thế nào, bằng một trong ba cách kính dâng lễ phẩm xin dàng. Để chọn được đất lập cr’noon phải xin dàng tối cao (pool dàng) tức dàng Trời [8]. Người Cơ Tu có nhiều lễ nghi xin chọn, tùy mỗi vùng sắm lễ phẩm khác nhau. Thường là có ba cách cúng dàng :

– Đốt lóng cây đót,
– Đốt sôi 2/3 quả trứng gà,
– Hoặc đặt trên tàu lá chuối xem hướng di chuyển của con ốc hoặc con cuốn chiếu,
– Chén nước trong
– Cắm cây giáo tại nơi dâng lễ xin dàng.
– Và cuối cùng là nghe nội dung của giấc mơ tối đó của người trực tiếp cúng tốt hay là xấu.

Phổ biến khi chọn đất lập làng thường dùng lửa với cây đót. Lửa đốt vào thân đót, khi cháy lên cây đót vỡ ra nổ thành tiếng kêu tách tách. Lửa cháy cây đót, vị chủ làng khấn vái xin dàng xem xét cho xin chỗ này lập làng.[9] Chủ làng cũng là người thầy cúng, ông xin Trời (Dàng pool), và hệ thống các dàng (vạn vật hữu linh – đa thần), cho được làm nhà tại khu đất này, xin được bình an, không gặp rủi ro, bệnh hoạn. Lửa cháy, cây đót nổ về phía dàng là được, còn nếu nổ về phái chủ làng là không được dàng chấp thuận. Khi đạt được nguyện vọng, những vị già làng trong đoàn xin đất hú vang lên thật to như cảm nhận sự bằng lòng của các dàng, ngước mặt dang tay lên trời như ngụ ý cảm ơn dàng đã cho phép chỗ đất này và đồng thuận giúp dân lập làng tại nơi này. Tiếng hú vang vào không gian tạo nên niềm tin linh thiêng, huyền bí giữa núi rừng hùng vĩ.

Sau đó, các vị già làng phát hoang một vuông đất, xem như nhận ơn ban phát của dàng. Từ hôm đó về sau, trong nội tuần, vị Chủ làng hay các vị trong Hội đồng già làng chờ đợi giấc mơ. Trong giấc mơ thấy điều tốt đẹp, liền đó phát rừng lấy đất lập làng, còn nếu giấc mơ xấu thì thôi, phải đi tìm khu đất khác. [10]

Đến lượt giải cấu trúc giấc mơ trước Hội đồng già làng, tìm trong cấu trúc những tín hiệu tối ưu và cả tín hiệu không thể, để chủ làng đưa ra những phương án chọn lựa cho việc quyết định một việc hệ trọng liên quan đến sự thăng trầm của cr’noon – cộng đồng làng. Một trong những đặc điểm của giấc mơ là từ nói chuyển sang nhìn. Người thấy được giấc mơ chỉ còn tái hiện lại cách nhìn hình ảnh trong trí nhớ. Điều đó cho thấy nếu không có hình thức nhìn giấc mơ thì không thể nào có lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo để có thể giải cấu trúc giấc mơ tìm biểu hiện của ý thức. Giấc mơ được chuyển vào ý thức chủ làng, tạo ra sự biến đổi căn bản nhũng hình ảnh nhận được trong giấc mơ, tức bản chất của giấc mơ đã bị biến đổi một phần nào đó. Và do đó, chủ làng có thể tạo nên sự liên tưởng từ giấc mơ đến hiện thực. Theo đó, kể lại giấc mơ để giải cấu trúc về nó, vị trí trong giấc mơ có thể bị đảo lộn, một số hình ảnh bị mờ nhạt đi, kéo theo mức độ tổ chức giấc mơ bị người kể phóng đại lên so với chiêm bao thực thấy. Như thế khi chủ làng trần thuật lại với Hội đồng già làng về giấc mơ là con đường dẫn đến vô thức, và giải cấu trúc giấc mơ trước Hội đồng già làng là một dạng của vị chủ làng với những ham muốn lập được làng tồn tại trong vô thức. Bởi người thể hiện giấc mơ tập trung, chứa đựng sự dồn nén, có thể là sự thăng hoa của những ẩn chứa tồn tại trong vô thức trước nhiệm vụ lớn lao mà người làng kỳ vọng đặt lên vai vị chủ làng. Nhưng mặt khác, giấc mơ được báo mộng đã có yếu tố áp đặt chủ quan của người thấy chiêm mộng và nghiệm về nó.

Mỗi làng có hai cổng (cơ riing), một cổng chính và một cổng phụ đối xứng nhau, được làm đẹp và bền chắc. Cổng có cửa mở ra, đóng vào được. Xưa nay, cửa được đóng cả đêm, phòng thú dữ và kẻ xấu tấn công làng.

Nhà chung của làng (gọi là gươl), do tập thể dân làng dựng nên. Đó là ngôi nhà cao, to, rrộng , đẹp và linh thiêng nhất làng. Tất cả mặt tiền của nhà các thành viên đều hướng về gươl.

2.2. Các thực thể hoạt động của làng

Trong một làng người Cơ Tu, cấu trúc xã hội cổ truyền có các cấp độ từ cao đến thấp:

– Thứ nhất: đứng đầu là Hội đồng già làng, tập hợp trên cở sở tự nguyện, không hạn chế số lượng người già. Hình thức tập hợp không bầu cử.
– Thứ hai: Già làng/Chủ làng (người Kinh quen gọi Già làng).
– Thứ ba: Trưởng các cơbhuh.
– Thứ tư: Người chuyên nói – hát lý
– Thứ năm: Người đứng đầu các chiến binh làng. Vị này trông coi (như một tổ chức quân sự) và nắm giữ sức mạnh của làng, thực hiện quyết định của Hội đồng già làng, thông qua người đứng đầu làng, tức Chủ làng.
– Thứ sáu: Người thầy cúng. Vị này thực hiện cúng dàng, cúng hệ thống dàng trên cơ sở niềm tin trong tín ngưỡng của người dân làng, thực hiện đúng theo nghi lễ của tập tục làng. Thường, Chủ làng cũng là thầy cúng.

Về hoạt động thực tiễn, thể hiện ở các mặt:

2.2.1. Hội đồng già làng

Là tập hợp một số người già trong làng, không tính số lượng ít hay nhiều, hễ cứ ai là người già trong làng được tham gia vào Hội đồng này. Phần lớn cơ cấu các trưởng tộc họ trong làng. Hội đồng làng như một bộ phận tham mưu, giúp việc cho Chủ làng đưa ra những quyết định quan trọng và cần thiết liên quan đến mọi phương diện tồn vong của làng. Bởi tập thể này luôn được cho là người nắm và điều hành các phong tục, tập quán làng, từ nắm vững và thực hiện các nghi lễ đến đưa ra dự báo thời tiết, mưa lũ, thời điểm vụ mùa bắt đầu, xin đất đốt rừng làm rẫy, phát nương, …

2.2.2. Vị già làng/chủ làng

Đây là người nắm giữ quyền lực cao nhất của làng, là người đứng đầu bộ máy gồm 6 thực thể tạo thành hệ thống cấu trúc quản trị làng. Già làng là người có quyền đưa ra những quyết định liên quan đến làng và mọi người (kể cả những việc tưởng riêng cho mỗi gia đình như sinh đẻ, chết xấu, nam nữ vi phạm luật đi zơng, ngủ duông…). Bởi vị già làng là người có công đầu tiên tìm ra được đất và lập nên được làng, theo đó, vị già làng là người có gốc gác sinh sống lâu đời tại làng, nên già làng có quyền uy, uy tín trong cộng đồng làng, được mọi thành viên kính trọng, tôn vinh. Theo cách chọn lựa như thế, vị chủ làng được thực hiện theo hình thức cha truyền con nối [11]

2.2.3. Người nói lý – hát lý

Người nói lý – hát lý có vai trò quan trọng trong cộng đồng làng, thường được xếp vào vị trí thứ ba trong tổ chức xã hội truyền thống Cơ Tu. Người nói – hát lý có khả năng nhận định hiện tượng và tính chất của sự vật và hiện tượng khác nhau nên ứng đáp tại chỗ kịp thời, hòa giải nhiều khúc mắc hay gặp trong cuộc sống một cách nhanh nhất và thuyết phục nhất. Theo chức năng đó, người nói – hát lý được xem như người phán xử (quan tòa) những mâu thuẫn (nếu có) xảy ra trong làng, hoặc với các làng khác. Hình thức sử dụng của người nói – hát lý là kiến tại, không ghi ra giấy để đọc mà ứng khẩu theo hoàn cảnh nói năng và tình huống đưa ra trong bối cảnh cần được làm cho thông cảm, trên tinh thần thương lượng hòa giải, để tìm lấy sự đồng thuận chung giữa sự việc này với sự việc khác. Hoặc giữa hai làng với nhau, trên tinh thần đoàn kết nhất trí. Do đó, nói – hát lý không chuẩn bị trước, hình thức cách điệu theo lối ẩn dụ này tập trung lấy phương thức đoàn kết, thương yêu nhau trên cơ sở nghĩa tình cộng đồng làm cho đôi bên thông cảm, cởi mở tấm lòng để giải quyết vấn đề nào đó có liên quan đến làng. Trước những năm 1950, hình thức nói – hát lý gần như không được sử dụng giữa hai làng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nợ đầu gây nghi kỵ nhau dai dẳng. Từ sau năm 1950, các làng Cơ Tu mở ra một chừng mức nào đó để giao lưu, tiếp nhận quan hệ với các làng khác. Hình thức nói – hát lý được sử dụng giữa hai làng, làm cho sự việc bất chợt diễn ra dù khó mấy cũng dần hiểu nhau trên cơ sở những câu đối đáp thấu tình đạt lý. Và cũng từ đó, dần hình thành lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng được tổ chức hằng năm trong lễ hội đâm trâu.

Nói – hát lý còn được tổ chức trong việc cưới, việc tang, trong hội hè, những cuộc vui mừng lúa mới, mừng nhà mới, mừng gươl.

Đội chiến binh làng  
Đội chiến binh làng (Le Pichon, 1938)

2.2.4. Thủ lĩnh sức mạnh của làng

Vị này được thanh niên trai tráng trong làng bầu lên do là người khỏe mạnh, có uy tín, được chọn nắm giữ đội chiến binh của làng (như sức mạnh quân sự). Hội đồng già làng tham mưu cho Chủ làng đưa ra quyết định chọn lựa. Hoặc nhiều trường hợp có nhiều chiến binh giỏi phải được dân làng lựa chọn. Để hoàn thành nhiệm vụ, vị thủ lĩnh phải khỏe, có sức mạnh phải biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí chiến đấu và đồng thời cũng là vũ khí săn bắn truyền thống của họ, như giáo mác, cung tên, kiếm, mã tấu (cha hôi), khiên, tên, nỏ, lao tre nứa,…; biết và thuộc đường rừng, có nhiều mưu kế trong săn bắt thú rừng và chống lại lực lượng ngoại nhập vào làng.

Một chiến binh (Võ Văn Hòe, 2019)                                                      

2.2.5. Thầy cúng

Người chủ lễ trong những lần cúng tế cộng đồng phải là chủ làng, nhưng bên cạnh chủ làng, chánh lễ có những già làng, các trưởng tộc họ giúp sức. Tất cả họ đều gọi chung là thầy cúng. Thầy cúng, trước hết phải am hiểu phong tục, tập quán làng, phải nắm được nguyện vọng của dân làng, phải am hiểu nhiều việc liên quan đến tín ngưỡng tâm linh, cả tri thức bản địa về thời tiết, về làm gươl, làm các loại nhà và nhất định phải biết hệ thống dàng đang ngày đêm gắn kết với làng. Thỏa mãn các tiêu chí đó, cũng còn cần có thêm tiêu chí về đạo đức, lối sống mới có thể được chọn lựa làm đại diện các thành viên trong làng đề đạt nguyện vọng của thành viên lên dàng. Vị này thay mặt dân làng trong những lễ hội lớn như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, hoặc lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa các làng đề đạt nguyện vọng lên dàng và xin dàng giúp cho người dân làng bình yên trong cuộc sống, quan hệ anh em đoàn kết, thuận hòa. Ngoài ra, thầy cúng (thường chủ làng đảm nhận công việc này) còn giúp cho các gia đình trong làng những khi hữu sự, như có việc ma chay, việc cưới hỏi, việc làm nhà mới, lễ đâm trâu của hộ gia đình; đôi khi cả việc sinh đẻ người thầy cúng cũng giúp đỡ mọi mặt trong phạm vi tín ngưỡng tộc người.

Già làng Bh’riu Pố, thôn A rất, xã Lăng Giang  huyện Tây Giang chủ lễ trong một lễ cưới 

Già làng Bh’riu Pố, thôn A rất, xã Lăng Giang  huyện Tây Giang chủ lễ trong một lễ cưới 

Ông Bhling Hạnh (giữa) với nghi lễ chọn đất bằng lửa và dây đót (Ảnh: Sơn Gia Phúc)   

Ông Bhling Hạnh (giữa) với nghi lễ chọn đất bằng lửa và dây đót (Ảnh: Sơn Gia Phúc)                     

Và đôi khi, người thầy cúng được tin tưởng nhờ cậy, dùng pháp thuật chữa bệnh bắt ma, trừ tà, giúp người bệnh bằng những bài thuốc dân gian mà ông nắm giữ. Ông rất được các thành viên trong làng kính nể.

3. Luật tục quản trị làng

Luật tục là phong tục, tập quán trong cộng đồng làng được chuyển hóa thành luật lệ, thành quy ước chung mà mọi thành viên trong cộng đồng làng phải thực thi.

Trong một làng người Cơ Tu, người già được xem trọng, bởi họ đã từng trải nghiệm trong cuộc sống, họ nắm giữ và xem là người đại diện cho phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng, họ am hiểu nhiều vấn đề liên quan đến sự tồn vong của làng, của các thành viên trong làng. Do đó, những già làng được cho là mẫu mực để giữ gìn luật tục tộc người. Luật tục Cơ Tu ra đời từ khi nào ? Xã hội có giai cấp, con người đặt ra luật lệ thì luật tục ra đời khi xã hội chưa có giai cấp. Như vậy, luật tục Cơ Tu ra đời từ rất sớm, khi chưa có chữ viết, luật tục chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác. Người nắm giữ luật tục là Hội đồng già làng, Chủ làng và Trưởng các tộc họ. Luật tục như tấm gương phản chiếu toàn bộ xã hội cổ truyền của tộc người Cơ Tu, trong đó có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội tộc người. Tuy hình thức phổ biến bằng truyền miệng, nhưng việc thực thi luật tục rất được coi trọng và nghiêm khắc khi áp dụng vào đời sống thường ngày. Luật tục điều chỉnh hầu hết các hoạt động con người từ cá nhân đến tập thể dân làng, từ không gian sinh tồn, đến tổ chức gia đình, tộc họ, từ hôn nhân gia đình đến tín ngưỡng, tang ma, nghi lễ, …đều có bóng dáng tương thích của luật tục ẩn hiện đằng sau các hoạt động nhằm điều chỉnh hành vi vi phạm luật tục.

Già/ chủ làng nắm giữ luật tục, trên cơ sở thông thạo các luật lệ thường diễn ra trong cộng đồng từ lễ hội đến các tục lệ gắn với vòng đời người, các lễ nghi trong lao động sản xuất và tục lệ bảo vệ làng, từ đó chuyển hóa thành công cụ để quản lý, điều hành mọi hoạt động của làng. Thế nên, vai trò của già làng rất quan trọng trong tổ chức xã hội truyền thống tộc người Cơ Tu. Người đứng đầu làng cũng là thủ lĩnh tinh thần, có khả năng tập hợp dân làng và thực hành các chức năng tập tục gắn với cộng đồng làng. Theo đó, các nghi lễ từ cộng đồng đến mỗi cá thể trong cộng đồng đều gắn chặt với cộng đồng, khó tách rời ra khỏi những lệ ước do làng quy định nên.

Các tộc người vùng cao miền tây tỉnh Quảng Nam như người Ca Dong, Xơ Đăng, Cor, người Ve, …vị già làng cũng có vai trò quan trọng trong một làng như thế. Thành viên trong làng Cơ Tu sống thuận hòa, tình nghĩa gắn kết nhau trong mối quan hệ lấy cộng đồng là biện pháp tư duy chủ toàn. Cá nhân không thể tách rời khỏi cộng đồng mà tồn tại được. Theo đó, làng hình thành nên những chuẩn mực riêng (mỗi làng có thể có sự khác nhau tương đối, cả về ngôn ngữ) nên khép kín và vững chắc từ quan hệ trong đến ngoài làng, dần hình thành nên những giá trị văn hóa dân gian vững chắc; đồng thời nhiều giá trị văn hóa gắn với rừng núi, tồn tại qua nhiều đời bền vững, ăn sâu vào từng số phận đời người. Do làng người Cơ Tu khép kín do sự điều chỉnh của luật tục nên qua hằng bao thế kỷ từ những năm 1940 về trước, các làng Cơ Tu không có quan hệ giao lưu tiếp biến của nhau. Đôi khi các làng Cơ Tu đối kháng nhau thể hiện trong tục “nợ đầu tôi”, tục này cũng do luật tục quy định cho làng. Trong không gian văn hóa dân gian đó, các thành viên trải nghiệm cả cuộc đời mình, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong điều kiện có thể. Nhà nước chưa đủ năng lực để quản lý một hay nhiều cộng đồng như thế trong điều kiện lịch sử nhất định – cụ thể – phù hợp với thời đại, do đó các luật tục, lệ ước phát huy vai trò điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, trong đó có vai trò của quản trị làng. Trước những năm 1950, người Cơ Tu chưa có chữ viết, theo đó mọi sinh hoạt từ văn hóa, kinh tế, xã hội cổ truyền đều trao nhận qua truyền khẩu. Cả luật tục cũng được truyền miệng trong cộng đồng từ thế này sang thế hệ khác. Mặc dầu chưa có văn tự để ghi chép luật tục, nhưng luật tục tích cực trong việc quản trị làng, từ hành vi nhỏ nhất đến hành vi lớn nhất ảnh hưởng đến làng. Từ ứng xử với rừng núi, với thiên nhiên, với con người, … Bấy giờ chủ làng là người nắm giữ luật tục, điều chỉnh các hành vi vi phạm. Luật tục Cơ Tu tham gia quản trị làng, có tác dụng hầu hết đến các mối quan hệ đời sống dân làng. Và vì làng Cơ Tu có tính khép kín (từ 1975 về trước) nên luật tục mang tính địa phương của cộng đồng cư trú.

Như thế, trong quá trình phát triển của người Cơ Tu, luật tục quản trị làng mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người được sản sinh, lưu truyền trên cơ sở phong tục tập quán được thể chế hóa thành luật tục, đến lượt luật tục giữ vai trò điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng Cơ Tu. Đây được xem là nguyên tắc để quản lý, điều hành xã hội cổ truyền Cơ Tu.

Làng Cơ Tu, ngôi nhà gươl được thiết trí giữa làng, là ngôi nhà chung (gọi nhà cộng đồng), nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến cộng đồng.

Già làng A Lăng Cần (Tà Lang, Hòa Bắc) (Ảnh: Đinh Thị Hựu, 2019)

Già làng A Lăng Cần (Tà Lang, Hòa Bắc) (Ảnh: Đinh Thị Hựu, 2019)

 Già làng làng Sa Mơ[12] (1938, ảnh: Le Pichon)
Già làng làng Sa Mơ[12] (1938, ảnh: Le Pichon)

Từ lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới (cha roo ta me), lễ kết nghĩa ăn thề (anh em với các làng lân cận), …đều diễn ra tại gươl làng. Tại đây, gươl là nơi giao tiếp giữa con người với thần linh thông qua cây cột lễ và cây nêu là biểu tượng tượng trưng cho sự kết nối giữa Trời với Người. Con người kết nối với hệ thống dàng nhằm tìm kiếm ân huệ, sự giúp đỡ từ các dàng đối với cộng đồng làng, mong có được cuộc sống no đủ, không bệnh tật. Biểu tượng trước hết được nhào nặn gắn với năng lực nhận thức ban đầu của con người về thế giới tự nhiên thông qua thần thoại và ma thuật. Từ biểu tượng dẫn dắt lời nói ám chỉ, hay là sự ẩn dụ có chủ đích về mặt tâm lý con người muốn tập trung vào các biểu tượng những tầng ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực ngay trong biểu tượng. Trong quan niệm của người Cơ Tu về ma thuật, những lời nói phát ra từ biểu tượng có tác động vào nhận thức con người bằng năng lượng tinh thần mà biểu tượng có khả năng tập trung vào chính nó để trở thành sức mạnh tinh thần khi quan niệm hoặc giải cấu trúc các tầng ý nghĩa của biểu tượng. Người Cơ Tu tin rằng hình thức ma thuật hay con quỷ (quỷ ajêh) tác động tiêu cực đến đời sống của họ, thế nên biểu tượng ma rừng hay con quỷ được thể hiện dưới góc nhìn của những nghệ nhân điêu khắc gỗ dân gian. Từ tượng khắc cho biết cái cần được biểu đạt thông qua các bức tượng, ví dụ như những tượng đặt tại nhà mồ Cơ Tu hay những tượng đặt tại cổng ngõ vào đầu làng và cuối làng để ngăn chặn ma (thủy quái ca xo) hay quỷ quấy phá cuộc sống bình yên của họ. Thế nên, trong nhiều trường hợp, không đọc hay lặp đi lặp lại nhiều lần tên của các vị tiền bối là tổ tiên ông bà họ, hoặc tên ma xấu thì chắc những con ma đó sẽ làm hại con người trần tục. Theo đó, người Cơ Tu kiêng kỵ đừng bao giờ vi phạm lời nguyền, đừng bao giờ nguyền rủa tên tục một ai đó hoặc tên con ma, con quỷ (quỷ ajêh), điều này có thể sự lặp đi lặp lại, tác động vào người đó hoặc con ma con quỷ đó, cung cấp cho ma xấu một năng lượng để gây hại con người (kiểu như hình thức đọc kinh tụng niệm). Cho nên trong lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh người Cơ Tu kiêng kỵ đặt trùng tên các vị tiền bối hoặc trùng tên ma xấu ngoài rừng. “Thời xa xưa, một câu nói độc miệng được coi là nguy hiểm hơn lưỡi kiếm”[13] Quan niệm của người Cơ Tu không nằm ngoài quan niệm về thế giới tự nhiên, con người của cư dân vùng Đông Nam Á (hay rộng hơn của nhân loại về ma thuật), rằng “ma thuật luôn tác động đến con người do mỗi lời nói, cử chỉ, hình vẽ đều đã biến thành biểu tượng. Về sau, tính biểu tượng được tôn giáo, nghệ thuật và những hình thức tôn giáo khác kế thừa.”[14]

Góc ngôi làng xã A Ting năm 1938 (Ảnh: Champrosay, trong Les de Chasseurs de sang)
Góc ngôi làng xã A Ting năm 1938 (Ảnh: Champrosay, trong Les de Chasseurs de sang)

Quan hệ giữa gia đình và cộng đồng thể hiện qua việc hành chức các tập tục, nghi lễ gắn với cộng đồng và gia đình. Những sinh hoạt thường ngày liên quan đến nghi lễ đề đạt nguyện vọng đến với thần linh đều được nghiêm túc thực hiện tại không gian thiêng của gươl. Nếu như thời xưa, ngôi đình làng của người Kinh là nơi diễn ra các tín ngưỡng dân gian, nơi họp hành, bàn bạc việc làng, nơi hằng năm tổ chức lễ cầu an cho dân làng, nơi xét xử những vụ án dân sự, nơi điều chỉnh các hành vi vi phạm phong tục, tập quán của làng đều phải được tiến hành xem xét tại đình làng, thì gươl của người Cơ Tu cũng có chức năng như thế. Ở đó nơi thần linh/ dàng chứng giám và ghi nhận các hoạt động của người dân trong làng, nơi các thành viên trong làng thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng dân gian mang sắc thái tâm linh với nhiều yếu tố tưởng tượng phong phú về cuộc đời. Cho nên gươl đối với người Cơ Tu là điểm Hội đồng già làng (tơ coh bhươl các già làng) họp bàn, đưa ra những quyết định liên quan đến sự tồn vong của làng, cả đến hoạt động của các chiến binh trong làng để bảo vệ người dân. Tại gươl thường đưa ra những quyết định hệ trọng và phải được thực thi. Bởi gươl thường thực hiện các chức năng khác ngoài chức năng tín ngưỡng, còn được xem là hội trường nơi hội họp, nơi là sân khấu những khi tổ chức lễ hội, vui chơi văn nghệ, còn là nhà ở của khách và của các thanh niên làng chưa vợ con. Gươl đồng thời cũng là cơ quan đồn lũy, nơi là bảo tàng (lưu giữ chứng tích săn bắn, tri thức tạo hình trên gỗ, biểu tượng của văn hóa tộc người. Như thế những gì gắn với gươl được cho là linh thiêng nhất.

Một ngôi làng Cơ Tu huyện Tây Giang, 2018, Ảnh: St)

Một ngôi làng Cơ Tu huyện Tây Giang, 2018, Ảnh: St)

Để lập nên làng, không phải hễ đâu thuận lợi, gần suối gần sông là chọn đất lập làng theo cách muốn là được. Việc lập làng tại một vị trí địa lý thuận lợi hay không để có được ngôi làng như ý muốn đều lệ thuộc vào yếu tố tâm linh, điều này do dàng quyết định, cho hay không cho lập làng. Thần ở đây theo cách gọi của người Kinh, còn người Cơ Tu gọi là dàng/giang. Chọn đất là một quá trình khắt khe, bởi làng có trường tồn hay diệt vong đều quy ra do việc chọn đất lập làng và quy dân đến sinh sống. Chọn đất xong, còn phải chọn đất trong làng để dựng nhà cho các thành viên. Trước 1975, đây là những điều quy chuẩn chặt chẽ mà bất cứ một thành viên nào trong làng đều phải tuân thủ. Thần không cho, xem như không được chọn, cho dù con người hiện thực có ưng thích miếng đất này thế nào đi nữa, cũng phải không để mắt đến do dàng không cho phép. Vị trí chọn xong, đến lượt vị trí nhà các thành viên trong làng, nhà ở thường bố trí cận kề nhau, nhà cách nhà chừng năm, bảy mét, liên kết lại thành hình thuẫn (ovale), cũng có thể hình tròn, hoặc hai đầu làng kéo dài thêm ra (tùy theo địa hình lập làng) tạo thành hình trông giống hình trái xoài tượng. Gươl là nhà lớn hơn, to hơn, cao hơn, mái xuôi hơn, kiến trúc nhiều hơn, đẹp hơn so với nhà các thành viên. Gươl lớn, bề thế là làng lớn. Giữa sân làng có cây cột lễ của mùa lễ năm trước còn để lại. Nhà thành viên giống nhà gươl nhưng nhỏ hơn, có cấu trúc giống nhau, mái thường xuôi thẳng xuống (nhưng không xuôi hơn gươl), tạo nên hình thuẫn, mái liền mái không góc cạnh. Do mái nhà kéo xuống đến gần sàn nhà nên trông ngôi nhà thấp.

Khi làng bỗng dưng có bệnh dịch, hay do nhiều nguyên nhân làm chết nhiều người, hoặc có nhiều người chết xấu diễn ra, người dân trong làng cùng nhận định đã đến lúc dàng không cho ở nơi này được nữa, phải dời làng đi chỗ khác. Các vị chức sắc trong làng họp bàn và đưa ra quyết dịnh, nếu phải dời làng thì việc đầu tiên là tìm khu đất khác lập làng. Có thể trên núi cao hiểm trở hoặc trên sườn núi dốc dương nào đó. Việc xin đất lập làng tiến hành do chủ làng thực hiện.

Người Cơ Tu tin rằng, mọi việc liên quan đến sinh sống của làng phải có sự đồng thuận của dàng, bởi dàng quán xuyến mọi công việc trần gian. Lễ nghi xin lập làng thuận lòng dàng, sẽ mở ra con đường sáng lạn cho cộng đồng tồn tại và phát triển, có cuộc sống yên ổn, bình an, nhất là tránh được nhiều cái chết xấu, tránh được bệnh dịch, dân làng không đau ốm.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

 


[1] Tại gươl, chỉ có đàn ông chưa vợ, những vị già làng được nghỉ qua đêm, mục đích canh giữ bảo vệ làng, chống lại mọi hình thức ngoại nhập vào làng. Họ là những chiến binh của làng, có một người trong số những người thuộc Hội đồng già làng nắm giữ sức mạnh làng.

[2] Sau những năm 1950, tục ‘nợ đầu tôi’ giữa các làng Cơ Tu vùng núi Trường Sơn dần bãi bỏ. Bài ca trên ra đời trong thời gian đòi nợ đầu phổ biến giữa các làng Cơ Tu.

[3] Hồi ký Quách Xân.

[4] Ok-Ba-Lua: nay không rõ (VVH).

[5] Hồi ký Quách Xân.

[6] Theo: TS. Lưu Hùng (2005), Góp phần tìm hiểu văn hóa Cơ Tu, NXB Dân tộc.

[7] Hội đồng già làng là tổ chức tự nguyện, không bầu chọn, hễ ai là người già của làng là tham gia vào Hội đồng này.

[8] Dàng: theo quan niệm tâm linh người Cơ Tu, họ tin vào dàng. Dàng/giang là thần vô hình, linh thiêng, sự tưởng tượng của con người với thế giới tâm linh, huyền bí. Dàng đâu đâu đều có, soi chiếu, nhìn thấu, luôn dõi theo mọi hành động của con người. Dàng là sự tưởng tượng những ông cai quản đất đai, núi rừng, sông nước, nhà cửa, cây cỏ, thú vật, giữ của cải vật chất cho gia đình, làng bản. Sống tốt, sống hiền, dàng ban tặng điều lành, điều tốt; sống ác, vi phạm phong tục tập quán, tùy theo mức độ, dàng phạt cá nhân, dòng tộc hay cả làng. Tội nặng gặp rủi ro, ốm đau, dịch bệnh, chết xấu, tội nhẹ mất mùa liên miên, xui xẻo, ốm yếu, nghèo khó, … (Tư liệu điền dã, ông Y Kông (Đông Giang), 5/2017).

[9] Lửa trong nhiều truyền thuyết của nhân loại, là biểu trưng của sự tỏa sáng, tình yêu và lửa tẩy sạch sự ô uế ra khỏi đời sống khổ đau của con người. Đốt lửa xin đất lập làng là cách tìm sự tỏa sáng từ dàng.

[10] Giấc mơ tốt: được của quý, trời nắng đẹp, có người cho của,… Giấc mơ xấu: gặp rắn độc, gãy cán rựa, cán giáo, bể chén bát, chết nước, bị la rầy,… Xem chân gà thấy xấu cũng không chọn khu đất đó.

[11] Tuy nhiên, trong một làng có hai tộc họ, và do sự thay đổi bởi nhiều yếu tố khách quan, hoặc chủ quan, vị già làng có thể sẽ được các thành viên Trưởng tộc họ trong làng bầu. Tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, tháng 12 năm 2018, vị già làng Bùi Văn Cầm mất, các thành viên đứng đầu mỗi tộc họ họp bầu vị già làng khác theo cách chọn người cùng tộc họ. Hiện tại chủ làng thôn Giàn Bí là ông Bùi Văn Siêng. Chủ làng thôn Tà Lang là ông Trần Văn Khớt. Chủ làng thôn Phú Túc là ông A Lăng Cần.

[12] Làng Sa Mơ, nay không rõ.

[13] Giáo sư A. A. Radugin (Chủ biên), Vũ Đình Phòng (2002) dịch, Từ điển bách khoa văn hóa học, Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.

[14] Giáo sư A.A. Radugin (Chủ biên), Vũ Đình Phòng (2002) dịch. Sđd.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây